Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ sáu 23 tháng 02 năm 2024

    Quê Hương tổng hợp

    Đại sứ quán đang xác minh thông tin liên quan bảy người Việt trong thùng xe tải ở Anh

    RFA
    23/02/2024

    Đại sứ quán đang xác minh thông tin liên quan bảy người Việt trong thùng xe tải ở Anh

    Những người nhập cư ngồi chờ lên một xe tải đi từ Pháp vào Anh năm 2015 (minh hoạ) 

    Reuters 

    Đại sứ quán Việt Nam tại Anh đang xác minh thông tin liên quan vụ bảy người nhập cư trái phép được cho là công dân Việt Nam bị phát hiện trong thùng xe tải ở bến phà Newhaven (Anh Quốc). 

    Thông tấn xã Việt Nam loan tin trên trong ngày 23/2, nêu rõ, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin về việc giới chức Anh phát hiện bảy người nhập cư được cho là công dân Việt Nam ở bến phà Newhaven, thị trấn Newhaven thuộc quận Lewes, hạt East Sussex. 

    Hôm 16/2, truyền thông Anh đưa tin, giới chức nước này phát hiện nhóm người nhập cư được cho là công dân Việt Nam và Syria trong thùng xe tải ở bến phà Newhaven.   

    Ngay sau khi nắm bắt thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh đã liên hệ với các cơ quan chức năng Anh như Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Cảnh sát đô thành London (Metropolitan Police), thị trưởng thành phố New Haven, Lực lượng Biên phòng Anh… đề nghị phối hợp, cung cấp thông tin. 

    Theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán sẵn sàng có các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết nhằm đảm bảo những người nhập cư này được đối xử nhân đạo và đúng pháp luật. 

    Trước đó, hôm 11/1/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến thông tin cảnh sát Ireland đã mở cuộc điều tra về nạn buôn người sau khi 14 người nhập cư lậu, trong đó có ba người Việt Nam được cho là tìm thấy trong một container đông lạnh ở cảng, xác nhận rằng thông tin mới nhất của Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, các cơ quan chức năng sở tại đã thông báo có ba người được cho là công dân Việt Nam trong vụ việc này. 

    Nhiều người Việt đã tìm đường nhập cư vào Anh từ Pháp trong các năm qua. Con đường chủ yếu mà họ sử dụng là đi lậu trên các xe container vào Anh.  

    Hồi tháng 10/2019, cảnh sát Anh đã phát hiện 39 người Việt bị chết trong một xe container vượt biên từ Pháp vào Anh. 

    Những người Việt vượt biên vào Anh cho biết họ phải trả hàng chục ngàn bảng Anh để bọn buôn người đưa vào Anh. Khoản tiền này họ phải vay mượn với hy vọng vào Anh kiếm được việc làm, kiếm tiền trả dần.

    Bamboo Airways dừng đường bay Hà Nội, TPHCM- Côn Đảo từ tháng 4/2024

    RFA
    23/02/2024

    Bamboo Airways dừng đường bay Hà Nội, TPHCM- Côn Đảo từ tháng 4/2024

    Bamboo Airways tiếp tục thu gọn đội bay và từ tháng 4/2024 chỉ khai thác Airbus A320/321 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngGTVT 

    Bamboo Airways sẽ dừng bay các chặng từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh tới Côn Đảo từ tháng 4/2024 sau khi ngừng thuê ba tàu bay phản lực Embraer E190. 

    Đại diện Bamboo Airways thông báo tin trên với truyền thông trong ngày 23/2. Nội dung thông báo thể hiện, sau khi đã ngừng khai thác loại máy bay Boeing B787-9 từ tháng 11/2023, Bamboo Airways tiếp tục trả sớm các máy bay Embraer E190 cho đối tác cho thuê. Do đó, từ tháng 4/2024 hãng sẽ chỉ khai thác dòng máy bay thân hẹp (Airbus A320/321), tập trung khai thác các đường bay trục Bắc - Nam giữa Hà Nội và TPHCM, từ Hà Nội và TPHCM đi Đà Nẵng và các địa phương trong nước có dung lượng thị trường lớn. 

    Theo đó, hãng sẽ ngừng các đường bay khai thác toàn bộ hoặc một phần bằng loại máy bay Embraer E190, bao gồm từ Hà Nội và TP.HCM đi Côn Đảo, Huế và từ Hà Nội đi Đồng Hới. 

    Đại diện Bamboo Airways cho biết phần lớn các sân bay được Bamboo Airways khai thác bằng máy bay Embraer đều nằm trong kế hoạch đầu tư nâng cấp, mở rộng của Chính phủ và cơ quan chức năng để đón các máy bay có tải trọng lớn hơn, phục vụ nhu cầu của đông đảo hành khách trong và ngoài nước. 

    Dự kiến sau khi hoàn thiện nâng cấp các sân bay sẽ ngừng khai thác trên, hãng sẽ khai thác trở lại bằng các dòng tàu bay lớn và hiện đại hơn, phù hợp với điều kiện thực tế.

    Embraer E190 là loại máy bay phản lực cỡ nhỏ do Brazil sản xuất, được giới chuyên gia đánh giá không còn phù hợp với thị trường hàng không Việt Nam. 

    Việt Nam hiện chỉ còn ba sân bay có đường băng ngắn ở Côn Đảo, Cà Mau và Rạch Giá. Trong đó, sân bay Côn Đảo và Rạch Giá đã được định hướng sẽ mở rộng và kéo dài đường băng để tiếp nhận được Airbus A320/321 trong thời gian tới.

    Nhạc sĩ Tuấn Khanh: Thay vì “Đào, phở và piano” hãy làm phim về Gạc Ma 1988!

    RFA
    23/02/2024

    Nhạc sĩ Tuấn Khanh: Thay vì “Đào, phở và piano” hãy làm phim về Gạc Ma 1988!

    Khán giả xếp hàng mua vé xem phim Đào, phở và piano 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngBáo Lao Động 

    Một nhạc sĩ nổi tiếng tin rằng Nhà nước hoàn toàn có thể làm một bộ phim hay tuyên truyền về lịch sử, sau "Đào, phở và piano" hãy làm phim về cuộc chiến Việt Nam với Trung Quốc ở Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa.

    Bộ phim được Cục Điện ảnh đặt hàng cho Công ty cổ phần phim truyện I sản xuất với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng đang làm mưa làm gió trên các trang truyền thông Nhà nước và các trang mạng xã hội ủng hộ Chính phủ. Người ta cũng nhìn thấy hàng dài những người trẻ xếp hàng đợi mua vé xem phim ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 22/2.

    “Đào, phở và piano” lấy bối cảnh những ngày cuối cùng của trận chiến với quân Pháp sau khi Quân đội và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà rút lui lên Việt Bắc. Vào ngày 16/2/1947, tại một chiến lũy bên trong khu phố cổ, các dân quân tự vệ phải chống chọi với một cuộc tấn công bằng xe tăng và súng hiện đại của quân Pháp. Họ đã đáp trả bằng vũ khí thô sơ, trong đó có bom ba càng để cầm chân quân Pháp. 

    Trong một chương trình của VTV, ông Phi Tiến Sơn - đạo diễn của bộ phim nói: “Điện ảnh chúng tôi còn nợ khán giả nhiều lắm về mảng đề tài lịch sử này. Hi vọng sắp tới đây các đồng nghiệp của tôi sẽ trả dần món nợ ấy.”

    Nhạc sĩ Tuấn Khanh hôm 23/2/2024 bình luận với Đài Á Châu Tự Do (RFA):

    Tôi đề nghị mở rộng một dự án nhân dân góp tiền để xây dựng một bộ phim điện ảnh về Trung Quốc xâm lược đảo Gạc Ma một 1988 để tưởng nhớ những người hi sinh gần nhất của Việt Nam để bảo vệ tổ quốc, để giúp giải bớt món nợ phim chủ đề lịch sử như đạo diễn của phim đã nói!”

    “Đào, phở và piano” được nhiều người săn tìm vì dường như ít được bố trí các suất chiếu vào giờ thuận lợi cho người xem trong ngày. Thay vào đó, các rạp chiếu các phim thương mại “Mai” của Trấn Thành hay các phim của nước ngoài như “Thanh Gươm Diệt Quỷ: Phép Màu Tình Thân, Cho Đến Chuyến Đặc Huấn Của Đại Trụ.”

    Khi nhu cầu xem phim tăng cao, một số rạp chiếu phim ở TPHCM như Beta và Cinestar cũng xin phép được chiếu phim này với hình thức phi lợi nhuận và diễn ra vào lúc nửa đêm.

    Với mục đích tuyên truyền, Nhà nước Việt Nam thường bỏ tiền ngân sách ra làm nhiều phim về đề tài lịch sử hay ca ngợi lãnh tụ trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, các phim này thường bị xếp vào kho lưu trữ sau một vài buổi chiếu giới thiệu, hoặc được đưa chiếu miễn phí trên truyền hình quốc gia.

    “Đào, phở và piano” chỉ là một trong nhiều phim Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đặt hàng trong năm 2022 với tổng kinh phí lấy từ ngân sách Nhà nước lên đến 65 tỷ đồng. Theo báo chí, doanh thu của phim đến nay đã được hơn 1 tỷ đồng, một hiện tượng đối với thể loại phim kiểu này.

    Bình luận về bộ phim, nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Khanh từ thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA:

    Sau nhiều năm Nhà nước đã tung ra một cuốn phim được tài trợ về chủ đề mang tính lịch sử và tuyên truyền với cái giá 20 tỷ để đến với công chúng. Mục đích được nói rõ là nhằm nhắc lại lịch sử, không thể để lãng quên.

    Nhưng cách làm một cuốn phim tuyên truyền trong thế kỷ 21 vẫn không khác gì những năm tháng ở miền Bắc trước năm 1975 là cứ làm xong thì thôi, phó mặc chuyện phát hành và quảng bá cho đời sống, nếu không có sự vận động của các trang mạng xã hội thì bộ phim này có lẽ cũng đã chết trong im lặng.”

    Ông đặt câu hỏi về thực tâm muốn nhắc lại lịch sử và trân trọng nó của cơ quan đặt hàng bộ phim, ở đây là Cục Điện ảnh, hay “chỉ là một dự án làm ăn lấy đủ tiền rồi thôi?”

    Đây là phim hư cấu, không phải lịch sử!

    Bà Nguyễn Thị Ánh, một nữ trí thức ở Hà Nội sau khi xem phim “Đào, phở và piano” nêu ý kiến với RFA:

    Người ta không nói rõ. Khi xem phim thì người xem phải hiểu rằng đây là một câu chuyện dựng lên thôi, nó không phải là một bộ phim kiểu mô tả lại lịch sử. Nó chỉ là một câu chuyện tiểu thuyết, không phải là một bài dựng lại lịch sử.”

    Dao pho piano.jpeg

    Một cảnh trong phim Đào, phở và piano (Thanhuytphcm)

    Bà Ánh có gia đình nội ngoại đều ở Hà Nội trong thời điểm mà bộ phim nói đến, cho rằng những gì diễn ra trong phim không đúng thực tế.

    Theo bà, lẽ ra những người làm phim phải nói rõ nội dung chỉ là "hư cấu" của để tránh sự ngộ nhận cho thế hệ trẻ, những người sinh ra nhiều thập niên sau thời điểm mà bộ phim nhắc đến.

    Bà dẫn chứng về sự hiểu lầm có thể gây ra bởi bộ phim này:

    Cái mình sợ nhất ở phim này là cách dựng phim nó làm cho người ta tưởng nhầm Pháp định giết hết mọi người, và người nào ở lại cũng đều chết cả. Nhưng gia đình mình cả hai họ đều sống thời gian đó. Nó vẫn có sự lựa chọn cho người ở lại và người ra đi mà!”

    Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ bằng việc quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bắt đầu tấn công các đơn vị Pháp ở Hà Nội vào đêm 19/12/1946. Khi đó, Chính phủ và các cơ quan nhà nước đã di dời lên chiến khu Việt Bắc, chỉ còn lại một số đơn vị quân sự và đa số là du kích ở lại cầm chân quân viễn chinh Pháp. Nhiều người dân thủ đô sau đó cũng tản cư về vùng nông thôn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều gia đình ở lại trong thành.

    Bà cảnh báo người xem phải thận trọng với các chi tiết đưa ra bởi “Đào, phở và piano.”

    Cho nên mình khuyến cáo mọi người hãy coi đây là một câu chuyện có thể có một chút sự thật nhưng mà nó chắc chắn không phải là lịch sử. Cái đấy đáng ra các nhà làm phim làm rõ, giống như các bộ phim lúc đầu người ta nói luôn là cái này không liên quan đến công ty, con người hay gì gì đó. Với một bộ phim tuyên truyền người ta có thể không có nhu cầu làm chuyện đó (cảnh báo- PV) do vậy người xem phim phải có ý thức nhất.”

    Bà cũng nhặt ra những hạt sạn của bộ phim này, như cảnh quay chiến trận không thật, lời thoại lại "kịch hóa," và nhiều nhân vật được sao chép lại từ nhân vật trong tác phẩm văn học khác, hoặc nhiều chi tiết vô lý của bộ phim.

    Tuy nhiên, theo bà, bộ phim cũng có thành công nhất định, như nói lên nét đặc trưng hào hoa lãng mạn của Hà Nội những năm đó:

    Trên chiến hào, cố gái chơi nhạc cũng vẫn là chơi nhạc Pháp, người ta vẫn hát với bài hát Pháp. Điều mà người Hà Nội thích hay là ít nhất là người ta chỉ có cảm giác rằng nó đúng là tính hào hoa lãng mạn và có một chút Tây phương hoá vào khoảng những năm 1945-1950.” 

    Bà cho biết cảm xúc mà phim này mang lại lớn khiến bà “chưa từng xem phim gì mà mình khóc quá trời khóc như vậy” cho dù bộ phim “bịa từ đầu đến cuối.” Theo bà, đạo diễn đã rất thành công trong việc tạo nên một khung cảnh bi tráng, hào hoa và lãng mạn, một bài thơ đậm chất Hà Nội đi vào lòng người.

    VinFast lỗ ròng xấp xỉ 2,4 tỷ đô la dù giao gần 35.000 xe năm 2023 

    23/02/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Một phần trong báo cáo tài chính chưa kiểm toán của VinFast đăng trên trang của SEC, 22/2/2024.

    Một phần trong báo cáo tài chính chưa kiểm toán của VinFast đăng trên trang của SEC, 22/2/2024. 

    Hãng ô tô VinFast của tỷ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng công bố báo cáo tài chính chưa kiểm toán hôm 22/2 cho thấy họ giao hơn 34.800 xe trong năm 2023 và bị lỗ ròng tới 2,39 tỷ đô la trong cùng năm.

    Bản báo cáo được đăng trên trang web của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) mà VOA xem được mở đầu với tiêu đề “VinFast báo cáo kết quả tài chính chưa kiểm toán của quý 4 và năm tài chính 2023”.

    Phần tóm tắt được nêu bật sau tiêu đề liệt kê ra rằng hãng thuộc tập đoàn Vingroup của tỷ phú Vượng đạt doanh thu quý 4/2023 và cả năm lần lượt là 436,5 triệu đô la (hơn 10,4 nghìn tỷ đồng) và xấp xỉ 1,2 tỷ đô la (gần 28,6 nghìn tỷ đồng).

    Ở trang 2 và 3 của bản báo cáo, VinFast viết rằng tổng doanh thu năm 2023 chủ yếu là từ bán ô tô điện và đã tăng hơn 91% so với năm 2022.

    Hãng xe ra đời năm 2017, được bản báo cáo mô tả là nhà sản xuất xe hơi điện hàng đầu Việt Nam, công bố đã giao hơn 13.500 xe trong quý 4 năm ngoái và tổng cộng 34.855 xe trong cả năm.

    Mặc dù vậy, VinFast cũng nêu ra trong trang 2 của bản báo cáo rằng hãng lỗ ròng gần 2 tỷ 396 triệu đô la trong năm 2023, tăng gần 15% so với năm 2022; và đến ngày cuối cùng của năm ngoái, hãng chỉ có trong tay lượng tiền mặt là gần 168 triệu đô la.

    Như tin VOA đã đưa, năm 2022, hãng lỗ 2,1 tỷ đô la. Trước đó, hãng lỗ hơn 1,3 tỷ đô la vào năm 2021 và gần 800 triệu đô la vào năm 2020. Tính từ khi hãng được thành lập hồi tháng 6/2017 đến hết năm 2023, lỗ lũy kế lên đến hơn 7,2 tỷ đô la.

    Về nợ nần, báo cáo cho biết hãng nợ ngắn hạn đến ngày 31/12/2023 là hơn 5,8 tỷ đô la, tăng gần 110% so với năm 2022; nợ dài hạn là hơn 2,4 tỷ đô la, giảm khoảng 30% so với năm trước.

    Cộng gộp lại, cả nợ ngắn hạn lẫn nợ dài hạn của hãng lên đến hơn 8,2 tỷ đô la trong toàn bộ năm ngoái, tăng hơn 30% so với năm kia.

    Một nhà phân tích tài chính không muốn nêu danh tính đưa ra quan sát với VOA rằng số nợ ngắn hạn đã tăng hơn 100% nhưng hãng vẫn phải dựa vào các khoản vay để duy trì hoạt động, bên cạnh đó, đã có sự dịch chuyển các khoản vay của VinFast từ dài hạn sang ngắn hạn nhiều hơn và như vậy áp lực trả nợ cũng tăng cao.

    Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch VinFast, đưa ra bình luận trong trang 3 của bản báo cáo rằng năm 2023 ghi nhận nhiều dấu mốc “đầu tiên” của hãng mà đỉnh cao là việc cổ phiếu của hãng lên sàn ở Mỹ, bên cạnh đó là việc VinFast đã tung ra “những sản phẩm mới thú vị”, mở rộng mạng lưới phân phối và củng cố sự hiện diện của hãng tại các thị trường hiện có, đồng thời mở ra cánh cửa đến với “những thị trường mới đầy hứa hẹn”.

    Nữ chủ tịch đánh giá rằng những động thái đó đã “đặt nền móng vững chắc” cho hãng trong năm 2024 và giờ đây VinFast “đang đặt mục tiêu đầy tham vọng là cung cấp 100.000 xe trong năm 2024”.

    Như VOA đã đưa tin, lượng xe VinFast giao trong năm 2023 thấp hơn nhiều so với mục tiêu hãng đã đặt ra là 50.000 chiếc.

    Trên thị trường chứng khoán Nasdaq ở Mỹ, cổ phiếu mã VFS của VinFast có giá 5,08 đô la ở thời điểm chốt phiên giao dịch hôm 22/2, giảm 3,4% so với lúc thị trường mở cửa và tiếp tục xu hướng mất giá từ đầu năm đến nay, đi ngược lại trào lưu tăng điểm của Nasdaq nói chung trong cùng kỳ. Giá của VFS là hơn 7 đô la hôm 2/1/2024.

    Lưu Nhi Dũ - Cái ác đôi khi phải trả giá tức thì 

    22/02/2024

    Đại ca Ca (thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nguyên giám đốc Công an thành phố Hải Phòng) vốn cực kỳ nổi tiếng trong “trận đánh rất đẹp” với gia đình anh Đoàn Văn Vươn năm nào. 

    Nay càng nổi tiếng với việc nhận 35 tỉ đồng để chạy án mà chẳng chạy gì, “chiếm đoạt” luôn! “Trận đánh” này chắc chắn chả đẹp đẽ chi, phải hông đại ca Ca! 

    Có điều đại ca Ca làm tướng công an mà hổng có tầm nhìn xuyên thấu, để Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh khám xét khẩn cấp chỗ ở của mình. Tạm giữ nhiều đồ vật, tài sản là tiền Việt Nam đồng; ngoại tệ; các trang sức, “kim loại màu vàng”; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (mang tên Đỗ Hữu Ca cùng vợ là V.T.L. và các cá nhân khác); sổ tiết kiệm (mang tên V.T.L. và các cá nhân khác).

    Nói chung đó là số tài sản rất lớn! 

    Bị can Đỗ Hữu Ca cùng vợ cho biết số đồ vật, tài sản nói trên có được là nhờ tiết kiệm từ tiền lương trong quá trình công tác trong lực lượng công an cũng như của bố mẹ để lại, quà lễ, Tết của các đơn vị và từ việc kinh doanh dự án, bất động sản của hai vợ chồng.

    Theo cơ quan điều tra, nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh bất động sản không được hai vợ chồng kê khai thuế thu nhập cá nhân. Do đó, cần được tiếp tục xác minh, làm rõ.

    Đỗ Hữu Ca mới có hàm thiếu tướng mà đã giàu đến vậy sao? Đã giàu như vậy, đã có “trận đánh để đời” với anh Đoàn Văn Vươn, sao hổng chịu ngồi yên mà hưởng thụ. Lại muốn làm giàu thêm, ngửa tay cầm tiền chạy án, cuối cùng vào tù với cái tội “lừa đảo”. Và cái đau nhứt của đại ca Ca là làm lộ cái tài sản kếch sù mà cơ quan chức năng đang vào cuộc xác minh…

    Các đại ca khác cứ nhìn vào đại ca Ca mà rút kinh nghiệm nghen! Cất kỹ, giấu kỹ, thiệt kỹ, như Đinh La Thăng đấy, đố ai kiếm cho ra cái tài sản chi đáng giá.

    Ngẫm nghĩ: lịch sử, tội ác đôi khi phải trả giá tức thì.

    LƯU NHI DŨ 22.02.2024

    https://thuymyrfi.blogspot.com/2024/02/luu-nhi-du-cai-ac-oi-khi-phai-tra-gia.html#more

    Phi trường “tốt nhất thế giới”

    Nhã Duy

    21/02/2024

    https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/02/5-6.jpeg

    Phi trường Nội Bài, đường bay nội địa. Ảnh: Vietnamnet 

    Tôi chưa đến phi trường Nội Bài nên không biết ra sao, nhưng tình cờ hôm trước Tết, một cô em mà tôi quen, gốc Bắc, về thăm nhà, mang tới tặng tôi ít quà quê. Nghe cô kể chuyện hải quan Nội Bài, thấy câu chuyện cũng vui vui.

    Cô kể, khi trình sổ thông hành Việt Nam, viên hải quan tinh ý hay muốn kiếm chuyện, đã hỏi cô có phải mới sửa sắc đẹp hay không. Cô tình thật trả lời có sửa mũi. Vậy là viên hải quan bảo phải làm lại hộ chiếu mới được cho đi.

    Đã đến giờ vào cổng bay, nghe vậy cô hoảng hồn vì biết bao nhiêu người đã về Việt Nam sửa sắc đẹp, có nghe ai từng bị vậy đâu, hoặc họ chỉ nói với nhau. Cô kể, cô không đưa tiền mà chỉ năn nỉ vì không biết “luật”, cuối cùng cũng được cho qua. Mang thông hành Việt Nam khổ vậy, dễ bị bắt nạt hơn.

    Cô hỏi ý tôi, có cần làm cái mới không vì qua Hàn Quốc rồi vào lại Mỹ mà có hải quan nào hỏi cô gì đâu.

    Tôi cũng không biết phải trả lời thế nào bởi ngay luật Mỹ, trong vài trường hợp đặc biệt mà một người thay đổi dung mạo quá nhiều bởi tai nạn hay đại phẫu thuật khuôn mặt cũng có thể cần thay ảnh và làm lại thông hành mới. Nhưng ở đây, cô bạn này chỉ sửa mũi. Luật Việt Nam mang tính may rủi trong tay từng người thừa hành như vậy.

    Nhắc chuyện Nội Bài vì hôm nay thấy các bạn Facebook chia sẻ, bàn luận chuyện phi trường Nội Bài được các khách thương gia đánh giá “tốt nhất thế giới”, theo như hầu hết báo chí trong nước dẫn lại tin trên trang Business Financing nào đó bên Anh.

    Tôi vào thử trang này thì đây là một hãng nhỏ, chuyên cung cấp thông tin vay mượn nợ, tài chính, dịch vụ cho các tiểu thương, có ăn hoa hồng với các ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ bên Anh. Đọc bài báo (1) về đánh giá phi trường thế giới thì trang này cho biết họ lấy thông tin trên trang Airline Quality (Skytrax). Vào tiếp trang này thì đây là trang để hành khách phi cơ đánh giá hay than phiền về các phi trường thế giới. Phi trường Nội Bài có được 109 hành khách đánh giá, có khoảng gần phân nửa khách Việt Nam đánh giá và cho điểm cao (2), nhưng lại có điểm trung bình tròn số là 6/10. Có lẽ khách nước ngoài khác không ưu ái như vậy.

    109 hành khách đánh giá với mức điểm rất trung bình, thậm chí chẳng mấy để vui (6/10), vậy là Nội Bài đã nghiễm nhiên trở thành phi trường “tốt nhất thế giới” (?), xuất hiện những hàng tít lớn trên báo chí trong nước hôm nay, cho dù họ chỉ dẫn lại đánh giá “nước ngoài”.

    Nếu đã đến phi trường Nội Bài, bạn đánh giá thế nào?

    Tôi không biết cô em bị hạch sách chuyện phải đổi thông hành mới tại phi trường Nội Bài sẽ cho điểm thế nào nếu được hỏi.

    _____

    (1) https://businessfinancing.co.uk/best-and-worst-airports

    (2) https://www.airlinequality.com/airport-reviews/hanoi-airport/

    https://vietluan.com.au/113577/phi-truong-tot-nhat-the-gioi/

    VinFast tìm cách huy động vốn từ các giới siêu giàu trên thế giới?

    Kim Văn Chính

    22/02/2024

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/02/maxresdefaultz.jpg

    1. Tin báo chí

    Thông qua đối tác, VinFast muốn thu hút những nhà đầu tư siêu giàu (những người có tài sản ròng cực cao).

    Tờ DealStreetAsia cho biết, nhà sản xuất xe điện VinFast đang tìm cách liên kết với các Family Offices (văn phòng gia đình – công ty tư vấn quản lý tài sản tư nhân phục vụ các cá nhân có tài sản ròng cực cao) và lĩnh vực Alternative Assets (giới đầu tư tài sản thay thế – là sản phẩm đầu tư độc đáo như tác phẩm nghệ thuật, rượu vang, đồ cổ…).

    Theo hồ sơ gửi cơ quan Quản lý doanh nghiệp và kế toán Singapore, VinFast đang cố gắng tiếp cận nhóm nhà đầu tư tiềm năng kể trên, thông qua quan hệ đối tác với FORCE Family Office có trụ sở tại Mỹ.

    Thoả thuận giữa hai bên nhằm mục đích tận dụng các “văn phòng gia đình, nhà đầu tư là những cá nhân có tài sản ròng tổng giá trị cực cao (UHNWI) để tạo ra một nhóm khách hàng tiềm năng, sẵn sàng chi tiền cho VinFast” – hồ sơ viết.

    Theo đó, FORCE sẽ giới thiệu VinFast trong cộng đồng Alternative Assets và các Family Offices thông qua hơn 100 sự kiện, hội thảo trực tuyến mỗi năm.

    Trong văn bản gửi kèm hồ sơ, FORCE cho biết: “Để thu hút thành công các Family Offices, đòi hỏi doanh nghiệp hợp tác phải xây dựng thương hiệu mạnh và tự phát triển các cuộc đối thoại trực tiếp”.

    Trong một tuyên bố với DealStreetAsia, tập đoàn mẹ của VinFast là Vingroup nói rằng, việc hợp tác với FORCE nhằm mục đích “khuyến khích đầu tư vào VinFast”.

    Theo các điều khoản của thỏa thuận, VinFast sẽ phải trả 60.000 cổ phiếu phổ thông dưới dạng phí dịch vụ cho FORCE. (Theo giá hiện nay thì tổng giá trị 60.000 cổ phiếu tương đương $300.000 – 7,5 tỷ đồng). Con số này chiếm chưa đến 5% tổng số cổ phiếu đã phát hành và đang lưu hành của nhà sản xuất xe điện VinFast.

    Theo giới thiệu trên website, FORCE – được thành lập vào năm 2020, có nhiệm vụ giúp các Family Offices kết nối với nhau cũng như với các công ty tư nhân và đại chúng để cùng đầu tư, nghiên cứu, đào tạo và tổ chức các hoạt động từ thiện.

    Mục tiêu cuối cùng của FORCE là xây dựng các mối quan hệ dẫn đến hợp tác đầu tư.

    2. Bình luận

    – Giá trị cổ phiếu VinFast trên sàn Nasdaq rung lắc trong thời gian qua và vẫn theo xu hướng giảm. Hiện giá cổ phiếu ở mức $5,25 là mức quá thấp so với kỳ vọng.

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/02/1-28-748x420-1.png

    Giá cổ phiếu VinFast hôm nay, có lúc tụt xuống còn $4,75/ cổ phiếu. Ảnh chụp màn hình 

    – VinFast buộc phải tìm đến các kênh môi giới đầu tư mới như Force Family Office (với phí tổn tiền hoa hồng môi giới khá cao), chứng tỏ công ty này đang rất bí bách về vốn cần huy động cho các kế hoạch phát triển của mình.

    – Công ty vẫn đang lỗ nặng hàng năm, vốn lại thiếu trầm trọng, không huy động đủ, chi phí ngày càng tăng kể cả chi phí huy động vốn… thì uy tín và giá trị thương hiệu rất khó tăng được. Điều đó dường như báo trước sự thất bại trong kênh huy động vốn đầu tư phi truyền thống của các nhà giàu mà Force Family Office làm nhà môi giới… $300.000 (giá trị 60.000 cổ phiếu) thì vẫn mất, cộng rất nhiều chi phí nữa để xây dựng quảng bá hình ảnh, giao lưu… nhưng theo tôi khó mà kêu gọi được giới siêu giàu họ rót tiền vào VinFast.

    Những giới nhà giàu này họ đã chán các kiểu đầu tư mạo hiểm, đầu tư cổ phiếu, trái phiếu… và họ chuyển sang tìm các tài sản đầu tư thay thế phi truyền thống như tranh ảnh nghệ thuật mới và cũ, đồ cổ, rượu vang lâu năm.


    Không có nhận xét nào