Header Ads

  • Breaking News

    Gs. Nguyễn Mạnh Hùng – ĐHYK Huế Trường Xưa.

     Lê Bá Vận

    15/02/2024

       https://ykhoahue.files.wordpress.com/2017/01/tykhp3-6.jpg?w=640

    YKHuế 1971. Thầy, trò vận quốc phục Việt Nam, áo dài, khăn đóng, cổ quàng huy hiệu. 

    Lễ Tốt nghiệp - Ngồi, từ trái qua: Trần Thị Thiết Tranh YKH4, Nguyễn Thị Phong Thư YKH4, GS Nguyễn Mạnh Hùng mang kính đen (Dược lý), GS Nguyễn Văn Hồng (Bệnh viện Sản Từ Dũ, Sài Gòn), GS khoa trưởng Bùi Duy Tâm (Sinh hóa), GS Nguyễn Văn Ba (Đông Y, Sài Gòn), Huỳnh Thị Thương YKH5, Nguyễn Thị Loan YKH5. Hàng đứng có các bác sĩ tân khoa YKH4 và YKH5.

    ____


    Thật khó tưởng tượng ở Huế thời thập niên 1960, địa đầu giới tuyến, thời cuộc bất trắc khó lường, sống ở Huế vui vẻ chỉ có đám con dân Huế và miền Trung kế cận thì trong đội ngũ giảng huấn chính thức của trường ĐH Y khoa lại có giáo sư người miền Bắc. 

    Phải có sự kiện thật nghiêm trọng tác động thì điều này mới có thể xẩy ra, và cũng lẻ loi. Lẽ thường thì dù giàu thiện chí đến mấy các giáo sư bác sĩ danh tiếng thời đó, nếu chịu bay ra Huế giảng dạy thì chỉ ở lại một đôi ngày là nhiều, lập tức lo trở về lại Sài Gòn, luôn được cấp vé máy bay, đưa đón, lưu trú.

    Năm 1963 bộ Giáo dục ra quyết định cho phép trường YK Huế mở kỳ thi tuyển chọn Giảng nghiệm viên lần đầu tiên. Chánh và phó chủ khảo là các giáo sư thạc sĩ Lê Tấn Vĩnh, khoa trưởng ĐHYK Huế và H.G. Krainick, trưởng đoàn Y khoa thuộc Đại học Freiburg, CHLB Đức. Hội viên gồm các giáo sư Pháp, Đức và Đại tá Vương Quang Trường, Giám đốc Nha Quân Y. Bộ Quốc phòng đồng ý cho phép các bác sĩ đang ở trong quân ngũ dự thi nếu trúng tuyển sẽ được biệt phái về trường Y Huế. 


    Năm đó trong số bảy bác sĩ trúng tuyển có bốn vị gốc khác miền Trung. Hai vị về trường nhưng không ở lại, hai vị kia là Y sĩ Trung úy Vũ Công Thưởng (Bắc) và Phùng Hữu Chí (Nam) về trường, được gởi đi Anh và Đức tu nghiệp. BS PH Chí sau các năm du học về ở lại Sài Gòn, BS VC Thưởng về lại Huế với gia đình song sau biến cố Tết Mậu Thân 1968 theo trường di tản tạm vào Nam rồi ở luôn. Cả 2 thầy có cơ sở, thỉnh thoảng ra Huế dạy. GS Bùi Duy Tâm, khoa trưởng cũng sống ở Sài Gòn khiến họ yên trí. Vẫn còn hơn được cử du học rồi ở lại nước ngoài! Đến như có thầy đúng con dân Huế, yêu Huế, giữa chừng còn rời bỏ Huế vào Nam các năm 68, 72, nữa là! 

      

    Trong bối cảnh đó GS NM Hùng đưa gia đình từ Sài Gòn ra sống tại Huế, nhà ở số 10 đường Quỳnh Lưu, nay là Nguyễn Khuyến, cạnh nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, 142 đường Nguyễn Huệ, không xa sông An Cựu. Bich Vân, trưởng nữ là cựu sinh viên YKH #12 song bỏ học ít lâu sau năm 1975. Em trai tên Trung cũng học trường Y Huế.


    Tại trường ĐH YKhoa Huế, GSTS Nguyễn Mạnh Hùng (1931-1995) là Trưởng khu (bộ môn) Dược lý liên tục từ năm 1964 cho đến năm1975. Dược lý là một môn học chính giảng dạy ở Y khoa năm thứ 5 nên các sinh viên YK Huế khóa #1 trước khi tốt nghiệp cũng đã được học môn này với ông. 

    Lúc xưa GS NM Hùng học Dược ở Hà Nội và nguyên là Dược sĩ Trung úy hiện dịch. Thế thì ông tất thuộc khóa đầu của trường Quân Y (1951-1975). Được cử sang Pháp du học, sau khi lấy bằng Tiến sĩ Dược khoa, GS Hùng về nước giảng dạy môn Hóa hữu cơ tại trường ĐH Dược khoa Sài Gòn, địa vị và triển vọng thăng tiến vững chắc. 

    Lý do ông ra Huế, tất nhiên không phải do nguyện ý mà được giải thích, trích từ bài viết  “Trường Dược và tôi” của GS Tô Đồng đăng trên Diễn đàn Cựu sinh viên Quân Y – 2010. Sau ngày đảo chánh 1/11/1963 thì GS Trương Văn Chôm, Tiến sĩ Dược khoa, Khoa trưởng đầu tiên của trường ĐH Dược khoa Sài Gòn từ chức vì có liên hệ đảng phái với chính quyền cũ. GS Tô Đồng (1933-2012) là khoa trưởng cuối cùng năm 1975. Ông cũng là cựu Dược sĩ Trung úy hiện dịch khóa 3 (niên khóa 1953-54), cùng khóa với GS Bùi Duy Tâm, Y sĩ Trung úy hiện dịch, cựu khoa trưởng Y khoa Huế. 

    GS Tô Đồng viết: 

    “Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng dạy Hóa Hữu Cơ. Ông yêu nghề, giỏi và rất tận tâm. Ông đến sớm, viết dàn bài trên bảng, và giảng đủ loại cơ chế phản ứng…

    Câu chuyện trên bắt đầu từ lúc giáo sư Chôm không trở về trường nữa. Khi bác sĩ Vương Quang Trường lên làm Giám đốc Nha Quân y (1963-65), thì giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng được yêu cầu trở lại quân đội, vì ông nguyên là Dược Sĩ Trung Úy hiện dịch. 

    Lý do chính là sinh viên không mấy ưa thích lối giảng dạy và hỏi thi của ông. Nhưng cũng có nhiều sinh viên ký kiến nghị giữ ông ở lại. 

    Rút cục nhóm yêu cầu ngưng chức ông thắng thế và quân cảnh đã dẫn độ ông về quân y. Ông phải đi phục vụ tại vùng Bến Hải, rồi sau được Tướng Nguyễn Chánh Thi đưa về làm giáo sư của Đại Học Huế…”  [Lưu ý: Trong đoạn này cố GS Tô Đồng viết: Khi bác sĩ Vương Quang Trường lên làm Tổng trưởng bộ Y Tế… được chúng tôi sửa lại: lên làm Giám đốc Nha Quân Y (1963-65)…].

    Trung tướng Nguyễn Chánh Thi (1923-2007) hồi ấy đang giữ chức Tư lệnh Quân đoàn 1, kiêm chức vụ Đại biểu Chính phủ tại Trung phần.

    Trong thời gian này, tướng NC Thi còn bổ nhiệm BS Nguyễn Văn Mẫn thuộc trường ĐH YKHuế giữ chức vụ Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế giữa năm 1965, thay thế BS Nguyễn Duy Chi nghe nói chỉ vì vô tình đã làm ông phật ý và ít tháng sau lại đưa BS Mẫn vào làm Thị trưởng Đà Nẵng. BS Tô Đình Cự lên làm Giám đốc Bênh viện. 

    GS NM Hùng thì dạy tại trường YK Huế, đồng thời ông cũng là giáo sư tại trường ĐH Khoa học.

    GSTS Võ Đăng Đài Trưởng Khu Sinh hóa trường ĐHYK Huế trong bài viết “Tính Sổ Một Đoạn Đường” đăng trên Tập san YK Huế Hải ngoại, có đoạn viết về Khu Dược lý của trường như sau:  

    “Nhắc đến những giáo sư của trường vốn là Dược sĩ còn có Thầy Nguyễn Mạnh Hùng, Thầy là nhân viên giảng huấn có tước vị Giáo sư diển giảng đầu tiên của Trường Y khoa Huế. [Chú thích của chúng tôi: Đúng ra phải là GS Lê Tấn Vĩnh, Khoa trưởng đầu tiên của trường Y khoa Huế]. Thầy có bằng tiến sĩ Dược khoa ở Pháp, ban đầu về giảng dạy cho Đại học Dược khoa ở Sàigòn sau đó vì lý do đặc biệt được chuyển về làm cho Y khoa Huế. Thầy là Giáo sư Trưởng khu Dược lý của Trường đồng thời phụ trách môn Hóa hữu cơ của Đại học Khoa học Huế. Thầy là người đầu tiên áp dụng việc cho phép sinh viên đem sách vào phòng thi để tham khảo trong kỳ thi cuối năm . 

    Sau 73 Thầy dời vào Sàigòn và lâu lâu mới ra Huế dạy. Ở Sàigòn Thầy làm cho hãng bào chế Vanco, tiếp tục làm ở đó và rất được trọng dụng sau 75. Thầy mất ở Saìgòn… Cô Hạnh Phước, dược sĩ làm cho Thầy Nguyễn Mạnh Hùng ở Khu Dược lý. Khi qua Mỹ Cô Hạnh Phước đã đỗ Tiến sĩ và dạy Đại học… “ 


    Đúng vậy sau biến cố Mùa hè Đỏ lửa Quảng Trị 1972, năm 1973 GS NM Hùng chuyển dần gia đình vào lại Sài Gòn và chỉ bay ra Huế để giảng dạy, tại trường YKhoa lẫn trường ĐH Khoa học. Lúc ấy cũng có tin đồn cho rằng bà vợ của ông dàn dựng một vụ tai tiếng, đến trường đánh ghen với nữ nhân viên dưới quyền, lấy cớ bất khả kháng buộc ông rời Huế. Phu nhân GS NM Hùng, bà Ngân Hà (hiện ở Phú Nhuận, Sài Gòn) cũng gốc Bắc, là một nữ danh ca tài sắc nổi danh song sau khi lập gia đình thì từ bỏ sự nghiệp. 

    Một cựu sinh viên YK Huế khóa #8 viết trên diễn đàn YKH Hải ngoại: 

    To: BanBienTapYKHHN,YKhoaHue. Tue, Nov 28 at 2:29 p.m.

    “Đọc bài viết của chị Bích Vân … không cần nhìn ảnh cũng biết đó là thầy Nguyễn Mạnh Hùng. Thầy còn có dáng đi khệ nệ, kiểu bất cần, tay luôn luôn có cặp và sách… ném mạnh lên bàn khi vào lớp... giọng nói thầy sang sảng rõ ràng…

    Học thầy phải ghi chép những gì thầy giảng ... vì sau này sẽ dùng để thi...

    Khi thi… thầy cho đem theo mọi tài liệu để tra cứu… nhưng đó là trap cho những học sinh lười biếng (không ghi chép) và ỷ lại (vì cho đem tài liệu mà không ôn tập)… là chết..

    Vì học sinh sẽ không đủ thì giờ để tra cứu… và vì thầy chỉ hỏi những gì thầy dạy nhiều khi không có trong sách vở.” - From: loidaivo. 


    Bà Bích Vân hiện sống ở Đức là trưởng nữ của GS NM Hùng. Là một nữ nhà văn, bà là tác giả bài viết “Bố Tôi, Thầy Hùng”, viết theo yêu cầu đăng trong ĐS YK Huế Hải ngoại.

    Một bạn khóa #2 viết: “’Trong thời gian làm giáo sư YKH Thầy Hùng thường có những buổi gặp mặt với SV sau giờ học, tạo nên không khí vui nhộn Thầy-Trò” (Ton that Son).

    Một bạn khác: “Năm tôi học SPCN (Dự Bị Y Khoa, 1969-1970), học Hoá Hữu Cơ với Thầy Nguyễn Mạnh Hùng. Lớp rất đông sinh viên nên học tại giảng đường C trường Đại Học Khoa học. Thầy mở lời tự giới thiệu trong giờ đầu tiên: “Tôi, Nguyễn Mạnh Hùng… Tôi chỉ thích các cô, các cậu nào học giỏi. Khi thi cử, cứ tự do mang tài liệu vào tra cứu, muốn mang vào bao nhiêu cũng được....”.  

    Nói tóm lại Thầy Hùng rất giỏi và rất Ngầu! (Loi Tran).

    Nếu khi thi sinh viên được mang theo tài liệu để tra cứu thì ắt được điểm cao vì tất nhiên họ mang theo cả sách lẫn sổ ghi chép những gì thầy dạy. Không nghe nói thầy cho sinh viên thi theo lối trắc nghiệm, chọn câu trả lời nhanh và đúng. Ở Huế GS NM Hùng dạy môn Dược lý song trước đó lúc ở trường Dược Sài Gòn thì ông dạy môn Hóa hữu cơ và cách ông cho thi cũng tương tự.

    Về sự kiện thi cử được sử dụng tài liệu mang theo, điển hình là thi Thạc sĩ thời đó.  

    Năm 1962 ở Huế bắt gặp tôi đang đọc cuốn Encyclopédie Médico- Chirurgicale gọi tắt là EMC (Bách khoa Toàn thư Nội-Ngoại khoa) tại thư viện, GS Séror; người Pháp, gốc Do Thái liền kể cho tôi nghe câu chuyện ông dùng cuốn EMC lúc thi Thạc sĩ Y khoa để có tước vị giáo sư Thạc sĩ (professeur agrégé/associate professor). Hồi đó học vị cao nhất về y khoa là Thạc sĩ Y khoa, thầy dạy các bác sĩ, là các “Tiến sĩ Y khoa”. 

    Văn bằng bác sĩ được ghi “Tiến sĩ Y khoa Quốc gia vì học bác sĩ Y khoa tối thiểu mất 7 năm Đại học và trình luận án, ngang thời gian học lấy bằng Tiến sĩ Luật, Văn chương, Khoa học v.v… tất nhiên vào thời đó. Hiện nay học vị Thạc sĩ Y khoa có nghĩa thấp hơn. Bác sĩ Y khoa không còn danh nghĩa Tiến sĩ Y khoa, học kỳ cũng ngắn hơn.


    GS Séror giải thích thi Thạc sĩ trước tiên phải trình bày các tước vị và công trình nghiên cứu khoa học của mình, là các tiêu chuẩn tiên quyết. Sau đó có môn thi quan trọng là trình bày trong 1 tiếng đồng hồ và trả lời các chất vấn của Hội đồng giám khảo về một đề tài y học được bốc thăm và được phép vào thư viện soạn trước để trình bày vào sáng hôm sau. Thi cử như thế này thì có khác gì sinh viên được GS NM Hùng cho phép mang tài liệu vào phòng thi!!

    GS Séror cho biết khi soạn bài thi Thạc sĩ để trình bày thì ông cũng như tất cả mọi người  đều chỉ dùng độc nhất cuốn EMC để tra cứu. Cuốn này có nhiều tập và luôn được cập nhật vì được đóng theo kiểu dễ dàng tháo gỡ các tờ rời để thay thế.

    BS Lê Tấn Vĩnh người miền Nam, giáo sư Thạc sĩ về Nhi khoa tại Paris, Pháp, là vị khoa trưởng đầu tiên của trường Đại học Y Khoa Huế. 

    Năm 1954 chia vĩ tuyến, hai giáo sư thạc sĩ Đặng Văn Chung (khoa Nội) và Vũ Công Hòe (Giải phẫu bệnh) ở lại Hà Nội. Các giáo sư thạc sĩ Phạm Biểu Tâm (Ngoại, Phẫu), Nguyễn Hữu (Cơ thể học) và Trịnh Văn Tuất (Răng Hàm Mặt) thì vào Sài Gòn, đã có sẵn GS Thạc sĩ Trần Quang Đệ (Ngoại, Phẫu) tại đó. Từ 1954 đến 1964 trường YK Sài Gòn gởi các bác sĩ qua Pháp soạn thi và đỗ thêm được 12 Thạc sĩ Y khoa đủ mọi ngành.

    Trường YK Huế sinh sau đẻ muộn, nhưng có ngay trên mười bác sĩ con dân Huế từ Pháp trở về Huế. Hai BS Nguyễn Khoa Mân và Thân Trọng An đều có vợ đầm, đi tu nghiệp thêm, sau 1975 đều trở thành giáo sư thạc sĩ? về khoa Tiết niệu và Ngoại Phẫu tại Pháp. 

    Các trường Y Hà Nội, Sài Gòn và Huế khi thành lập, tất cả đều sở cậy các giáo sư người Pháp hoặc Đức giảng dạy, chuyển ngữ là tiếng Pháp, Anh. Các bác sĩ người Việt phụ tá, trợ giảng được đào tạo, có tước vị, thay thế dần.

    Lê Bá Vận.

                          GSTS Nguyễn Mạnh Hùng (1931-1995).

                        http://www.ykhoahuehaingoai.com/99do/GSNgMHung.p1_files/image003.jpg   

    --------  

             GS Nguyễn Mạnh Hùng – ĐHYK Huế Trường Xưa. Phần 2.

                 C:\Users\Van\AppData\Local\Microsoft\Windows\Temporary Internet Files\Content.IE5\S3ZQ78BC\YKH8013.jpg

    YKHuế 1973 - Lễ Dựng Bia các giáo sư Đức. Tại cửa hông của trường, nhìn sang trường Cán Sự Y Tế. Từ trái qua, ngồi: Các GS Lê Bá Nhàn, Lê Xuân Công, Lê Thanh Mlnh Châu, Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Bá Vận. Đứng: Nguyễn Văn Chữ YK4, Tôn Thất Hứa YK1, Nguyễn Văn Bách YK4, Trần Tiễn Ngạc YK7 (áo trắng, dựa tường), Nguyễn Văn Thuận YK6. 

    ---------

    Tôi cũng có một vài câu chyện giữa tôi và Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng.


    1- Đợt 2 Thi Công Xây Cơ Sở Trường YK Huế.

    Cơ sở trường ĐH YK Sài Gòn, 217 Hồng Bàng, nay An Dương Vương được khởi công xây dựng với 50% ngân sách quốc gia, 50% viện trợ Mỹ và hoàn tất nhanh chóng năm 1965, khánh thành năm 1966.

    Cơ sở trường ĐH YK Huế, 6 Ngô Quyền, do Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ kiểu, khởi thi công năm 1961 với 50% ngân sách quốc gia và tiếp theo sau đó 50% viện trợ từ Canada. Tuy nhiên do thời cuộc thi công kéo dài 14 năm mãi đến năm 1975, miền Nam sụp đổ vẫn chưa hoàn tất. Thời gian kéo dài, vật giá leo thang nên phần xây cất bệnh viện thực hành theo đồ án ban đầu phải gác bỏ.

    Tòa nhà YK Huế 4 tầng, có hình chữ Y thân ngắn, hai cánh trái và phải dài, dang rộng gần như thẳng hàng, nhìn về sông Hương, là hướng Bắc. 

    Khởi đầu thi công, cuối năm 1962 hoàn tất 2/3 công trình gồm thân và cánh trái của tòa nhà, là cánh hướng về phía núi. Trường dọn về cơ sở mới đầu năm 1963. 

    Một tòa nhà 3 tầng với nhiều căn hộ ở gần cổng sau của trường, (ra đường Nguyễn Huệ)  làm cư xá cũng được xây xong.

    Từ thời điểm này trong nước và Huế nói riêng xẩy ra nhiều biến động chính trị. Thi công tiến hành chậm chạp, chờ đợi giải ngân và đến năm 1967 thì cánh phải còn lại của tòa nhà Y khoa được đắp móng, dựng khung sườn, song chưa kịp đổ nền, đúc sàn, chưa xây tường ngăn vách, lợp mái thì biến cố Tết Mậu Thân 1968 xẩy đến. Trường Y Khoa di tản vào Sài Gòn đến hè năm 1969 mới trở về Huế.

    Năm 1970 hợp đồng cho đấu thầu hoàn tất cánh phải để đưa vào sử dụng đã được phê duyệt song lần này nhà thầu gặp ”kỳ đà cản mũi” lợi hại khiến họ không thể thi công. 

    Số là sau biến cố Tết Mậu Thân đầu năm 1968, một số đông gia đình đồng bào mất nhà cửa, kéo đến trú ở, che bạt, giăng màn, dựng vách phên chiếm cứ tầng trệt cánh phải của tòa nhà nhiều năm, tạo nên một quang cảnh luộm thuộm, nhếch nhác, thầy trò trường Y buộc sống chung, nhìn mãi quen mắt. 

    Chính quyền địa phương vì lý do này nọ tránh né can thiệp giải tỏa bằng biện pháp hành chánh cứng rắn hoặc trục xuất đồng bào bằng vũ lực. 


    Sự việc kéo dài bế tắc cho mãi đến lúc GS Nguyễn Mạnh Hùng phá vỡ được tình trạng ù lì vô lối. Ông khéo léo thuyết phục khiến các gia đình ở đậu nhận thấy ở tạm bợ quá lâu là không hợp lý trong lúc tình hình chung đã yên ổn nên vui vẻ chịu rời cánh phải của trường, năm 1971. Nhà thầu lập tức khởi công đợt hai, hoàn tất được 2 tầng lầu và chuẩn bị chu tất nốt 2 tầng còn lại. 

    GS Hùng kể lại với tôi như vậy và ông rất hãnh diện về sự thành công. Công lao của ông rất lớn song tại sao ông giảng dạy Dược lý lại dính líu đến vụ việc hóc búa này!

    Trong bài viết “Cơ sở trường ĐH Y Khoa Huế 1961- 1975” đăng trong Đặc san Y khoa Huế Hải ngoại 2017, tôi trích đoạn sau:

    Khoảng đầu năm 1972, GS Nguyễn Mạnh Hùng, giáo sư Dược lý, lúc đó có vẻ là Phó Khoa trưởng? (xem hình kèm) thời GS Bùi Duy Tâm là Khoa trưởng, nhưng ở Sài Gòn, gặp tôi và hỏi ý kiến:http://www.ykhoahuehaingoai.com/images/BTTH_1.jpg

       

               -Nhà thầu hoàn tất 2 lầu cánh phải, cho Trường hay có một số xi măng thặng dư, muốn xây thêm gì thì cho họ biết sớm. 


            .  Tôi ngẫm nghĩ (lúc đấy tôi chưa là Khoa Trưởng) rồi tươi cười, trả lời:

                -Hay là anh nói họ xây sân tennis đi, để cho sinh viên chơi, nơi đó rộng, đủ chỗ kìa.

    Tôi chỉ tay vào khoảng đất trước mặt trường, giáp với khu bệnh viện Bài Lao. 

    Tuy nhiên tôi thầm nghĩ xây sân tennis cho ra hồn rất nhiêu khê và tốn vật liệu, chưa chắc nhà thầu đồng ý. 

    Ấy vậy mà chỉ vài hôm sau tôi thấy thợ đã nện đất rải đá đúc bê tông, tráng xi măng để hoàn thành sân tennis cũng khá nhanh chóng.

    “Ách giữa đàng, quàng vào cổ” ông giáo sư NM Hùng thật có chí tình với trường YK Huế. GS Hùng còn thích thú khoe với tôi rằng lối dạy của ông là đến lúc thi ông cho phép sinh viên đem theo tài liệu. 

    Đến mùa hè đỏ lửa Quảng Trị năm 1972 công tác xây cất dở chừng lại bị gián đoạn trong nhiều tháng cho đến khi tình hình trở lại yên ổn. 

    Khoảng đầu năm 1973 nhà thầu gặp tôi, đề nghị tương tự. Tôi đang lưỡng lự thì trong sân rộng của ngôi biệt thự lầu tôi ở, thợ đã đến xây thêm một ga-ra tường gạch gồm 3 căn rộng rãi, có cửa trước và đóng một bàn pingpong đặt trong căn bên. Ngôi biệt thự này nằm ở bìa khuôn viên trường Y, mặt tiền tại góc đường Trưng Trắc (nay Hai Bà Trưng) và Nguyễn Huệ là tài sản Đại Học Huế vừa thu hồi, chuyển về cho trường Y, dành cho chức vụ khoa trưởng của trường. Chủ thầu lại còn hỏi xin đóng giùm bàn ghế, tủ buffet, bộ salon, vặt vãnh… họ cũng khéo lấy lòng thủ trưởng cơ quan!

    Năm 1975 Huế mất tôi chạy thoát vào Nam, biệt thự vắng chủ, một cơ quan nào đó nhanh tay quản lý. Trường Y trì trệ, phí công đòi, đành chịu mất nhà, đất mà hiện nay là khu vực thị tứ đắc địa, sầm uất ở phố đi bộ Hai Bà Trưng, Huế, tại hông Trường.


    Sự thành lập các trường đại học trực thuộc Viện Đại học Huế

    Tối hậu đến ngày 30/4/1975 thì công trình dở dang,   chỉ hoàn thiện được 3/4 cánh phải còn lại của tòa nhà Y Khoa nhưng được đưa ngay vào sử dụng. 


    Tầng lầu chót thứ tư chỉ mới đúc sàn, chưa kịp ngăn vách, xây tường, đặt cửa, rộng thênh thang nhìn suốt chiều dài từ đằng này đến đằng kia. (Trên hình: cánh trái của tòa nhà YK Huế, được hoàn tất rất sớm trong năm 1962).

    2- GS Nguyễn Mạnh Hùng Thết Đãi.

    Cuối tháng 3/1975 Huế, Đà Nẵng thất thủ, tôi và gia đinh phút chót chạy kịp vào Nha Trang rồi Sài Gòn, ở tạm tại số 3 Cao Thắng, Phú Nhuận với thân quyến bên vợ. Văn phòng liên lạc của Đại học Huế đặt tại Sài Gòn, đường Duy Tân ghi địa chỉ của tất cả nhân viên và giáo chức của Viện di tản vào Sài Gòn.

    Hai ông bà GS NM Hùng bỗng lái xe đến tìm tôi và nhất định mời tôi và nhà tôi đi nhà 

    hàng trong số nổi tiếng nhất thết đãi, thái độ vồn vã, Chúng tôi chuyện trò vui vẻ, đề cập lắm thứ. Trong câu chuyện ông tỏ ra thù địch gắt gao với GS Lê Thanh Minh Châu, viện trưởng Đại học Huế, chê bai, giận dữ.

    Hồi ấy và cho đến bây giờ, gần nửa thế kỷ qua, tôi vẫn hồ nghi GS NM Hùng thết đãi là để bày tỏ sự cám ơn tôi, trong tư cách trưởng cơ quan, đã không hề gây khó dễ cho sự kiện sau này ông sống ở Sài Gòn, chỉ định kỳ bay ra Huế giảng dạy. Cũng có thể ông muốn tranh thủ sự đồng tình của tôi trong vụ tranh chấp với ông viện trưởng. Hai năm trước trong bức hình lễ dựng bia tại trường Y khoa  Huế năm 1973 kỷ niệm các cố giáo sư người Đức tử nạn thì thấy hai ông ngồi cạnh nhau, chẳng sao.

    Cuối hè năm 1972 hai giáo sư Bùi Duy Tâm và LT Minh Châu cũng đã đối đầu sống mái? về quyết định của bộ Giáo dục giải nhiệm khoa trưởng. Tình hình thật căng thẳng, nhất là lúc các sinh viên được lôi cuốn vào cuộc chiến. Mỗi bên đều có thế mạnh, chiếm thượng phong thay đổi từng lúc, khó đoán chung cuộc cho đến phút chót sự việc đột nhiên ngã ngũ êm thấm. Việc này có tác động đến GS NM Hùng ít nhiều chăng?                     

    Vào Sài Gòn quá đầu tháng tư tôi vội đến tiếp xúc với trường YK Sài Gòn để tìm sự hỗ trợ cũng như đến bộ Y tế, số 59 đường Hồng Thập Tự, nay là NTMinh Khai. 

    Tổng trưởng bộ Y tế, BS Huỳnh Văn Hưởn là bạn học cũ đồng khóa ở trường Y, sốt sắng đề nghị giao cho tôi Bệnh viện Vì Dân, làm giám đốc, tôi có thể dùng làm nơi thực tập cho sinh viên trường Y Huế, các thầy thì ở Huế vào, cọng thêm các thầy đã ở sẵn trong này. 

    Tôi nhớ năm xưa GS Phạm Biểu Tâm, khoa trưởng trường Y Sài Gòn kiêm giám đốc Bệnh viện Bình Dân. Song tiếc thay thời cuộc sau đó biến chuyển nhanh chóng, dồn dập… ai nấy chỉ nghĩ đến tháo chạy.


    3- Tôi Đi Sàigòn - BV Biên Hòa Đóng Cửa  (Trích: “Một vài chuyện vui ở…”, Tập San YKH 2006, tr.147).
    Dần dà nhiều người trong ban giảng huấn cũ bằng cách này cách khác đã rời Huế vào Nam. Cuối năm 83, tôi cũng vào Sàigòn để xem tình thế. 

    Anh Lê Như Dưỡng, một nhân viên văn phòng cũ BV Huế mách bảo “đến BV Biên Hòa, có nhiều BS YK Huế lắm, BS Tứ, BS Lộ… Sáng hôm sau anh Dưỡng chở Honda tôi đi Biên Hòa, đi đột xuất không thông báo trước. 

    BS Phan Xuân Tứ cùng anh em khác quá mừng rỡ kêu nhau ra chào đón thầy, và nhờ nhân viên đi tìm gọi các bác sĩ chưa có mặt lúc đó. BS Tứ hân hoan tuyên bố “bọn em nghỉ khám nghỉ mổ, đóng cửa bệnh viện hôm nay, để ra nhà hàng liên hoan gặp mặt mừng thầy”.Thấy tôi còn thắc mắc BS Tứ giải thích “ở đây bác sĩ toàn là tụi em, nay đi với thầy ra ngoài tất nhiên là bệnh viện đớng cửa nghỉ”. 

    Thầy trò ăn uống đến xế trưa, nhiều người hiến kế nói chung chuyển công tác về các BV tỉnh thì dễ, BV Biên Hòa thì lại gần Sàigòn, nhưng từ trước đến nay chưa bác sĩ nào ở Huế được chính thức chuyển vào Sàigòn.

    Sáng hôm sau tôi một mình cũng đột xuất đến BV Chợ Quán là nơi có nhiều BSYK Huế công tác: BS Bửu Hàm, Hồ Đắc Duy, Đinh Sơn Thắng… Thầy trò tụ họp đông đủ, vui vẻ, song không ra nhà hàng liên hoan, chỉ dùng thức giải khát của căntin của BV. 

    BS ĐS Thắng, có bộ râu mũi như Saddam Hussein, và trước đó do tôi bảo trợ luận án tốt nghiệp, tuyên bố “nếu Thầy muốn vào Sàigòn mà gặp em là coi như trúng tủ, mà không tốn kém gì cả”. BS Thắng nói tiếp “Chủ nhật em và thầy Hùng (Tiến Sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, GS ĐH YK Huế) thường đi săn ở Thủ Đức với ông Mai Chí Thọ (chủ tịch UBND thành phồ HCM). Tôi còn ngờ vực thì BS Thắng giải thích “Thầy Hùng rất được Thành ủy và UBND thành phồ HCM o bế vì là một trong 3 trí thức miền Nam đã giúp cho kinh tế sản xuất. Thầy Hùng bào chế các hóa chất dùng cho kỹ nghệ thành phố”. 

    BS Thắng nói thế mà đúng và có kết quả cụ thể.


    Tôi đến viện dược phẩm Vanco nơi GS NM Hùng làm việc, xa xách 8 năm, sửng sốt thấy ông nay béo tốt, phương phi ước chừng bề ngang to gấp đôi trước, đồ sộ, vững chắc, thân hình như một tủ đứng kiên cố. Tuy nhiên ông biết huyết áp có khi cao quá và vẫn mời bác sĩ đến nhà thăm bệnh. GS Hùng tươi cười, niềm nở. Tôi nhắc đến tên Bs ĐS Thắng, kể qua công việc và trao cho ông lá đơn tôi xin chuyển công tác vào Thành phố. Sau gần một tuần lễ GS Hùng đưa lại cho tôi lá đơn với lời ghi của ông MC Thọ, đại ý chấp thuận đơn xin.

    4- Đoạn Cuối Cuộc Đời

    Đầu thập niên 1990 GS NM Hùng vẫn hăng hái, say mê với công việc, xen sở thích nghệ sĩ, đàn địch, chơi violon tài hoa...  Tuy nhiên các khuấy động lần lượt kéo đến.   

    Bắt đầu là gia đình của người em vượt biên đi Mỹ, rồi gần một năm sau đến lượt ba cô gái út “đi chui bán chính thức” sang Tây. Người con rể đầu cũng đi Đức, để tìm đường bảo lãnh cho vợ con. Và rồi đến lượt bà vợ (bà NM Hùng) và gia đình Hào, con trai út cũng được các anh chị bảo lãnh qua Strasbourg, Pháp. Nhà Tân Định chỉ còn lại gia đình của Trung, con trai thứ và hai mẹ con bà Bích Vân, con gái đầu, cố thủ chờ ngày đến phiên, đi nốt. 

    Bà Bích Vân trong hồi ký “Bố Tôi, Thầy Hùng” kể lại trong đoạn chót: 

    “Thời gian này, Bố tôi rất thường đến thăm. Khi thì rủ đi ăn tiệm, khi thì đi Đalat, khi thì đi Vũng Tầu. Tội nghiệp, Bố tôi quay như cái chong chóng, mệt đứ đừ mà vẫn phải quay. Căn bệnh tiểu đường (diabète) của Bố tôi phát sinh từ đây, chắc vậy. Ngày nào cũng phải đi ăn tiệm đầy những mỡ màng. Nay tiệc tùng, mốt đãi đằng tiếp tân… Cái nghiệp của Bố tôi, mẹ tôi thường bảo vậy. Chịu đựng mãi như thế, chịu gì thấu. Sức người cũng có hạn. Vâng, sức người cũng có hạn. Cái hình chụp Bố tôi gửi sang, năm cuối cùng trước khi ngã bệnh, anh em chúng tôi nhìn không nhận ra. Gầy xọp, già trước tuổi. Mẹ tôi nhìn hình chỉ chép miệng rồi thở dài, không nói gì cả. 

    Hè năm đó, năm 95, như mọi năm, gia đình em Loan và em Hằng về VN chơi và thăm Bố tôi. Thế rồi đùng một cái, nghe tin Bố tôi được chở vào nhà thương, mê man. 

    Anh bác sĩ Trần Viết Phồn chăm sóc cho Thầy, mấy đứa con gái săn sóc cho Bố những giây phút cuối. Ở bên này, chúng tôi quýnh quáng gọi khắp các hãng bán vé máy bay để điều đình mua cho bằng được vé, bay về ngay lập tức, ở bên kia xin nhập cảnh hộ. May ra thì kịp, các em bên đó bảo vậy. Nhưng không kịp nữa, em Hào về đến nơi, thằng con trai đại diện các anh chị em bên này về đến nơi, chỉ kịp nhìn thấy Bố lần cuối rồi nắp áo quan được đậy lại…”

    5- Lời Kết

    GS Nguyễn Mạnh Hùng tạ thế ở Sài Gòn năm 1995, hưởng thọ 65 tuổi. Những bạn bè, đồng nghiệp của ông ở trường Y, kẻ ở Huế, người sống ở nước ngoài. Duy có học trò cũ, BS Trần Viết Phồn, cựu sinh viên YK Huế khóa #1, tốt nghiệp năm 1967 - là khóa đầu tiên GS NM Hùng dạy Dược lý ở Huế - đã ở bên cạnh, những khoảng khắc sau cùng chăm sóc ông trên giường bệnh.

    Sinh viên YK Huế khóa #8 là khóa cuối cùng học Dược lý với GS NM Hùng trọn vẹn đã viết về ông: “… giọng nói thầy sang sảng rõ ràng… Học thầy phải ghi chép những gì thầy giảng ... vì sau này sẽ dùng để thi...” (Xem Phần 1).

    BS Võ Đại Lợi, cựu sinh viên YK Huế khóa #8 vừa qua trên diễn đàn YK Huế Hải ngoại, ngày 7 tháng 12/2023 loan báo tổ chức buổi “HỘI NGỘ 50 NĂM NGÀY RA TRƯỜNG” tại Huế dự kiến trong tháng 4/2024. 

    Các cựu sinh viên của khóa #8 ra trường năm 1974, đến nay ½ thế kỷ đã trôi qua (1974-2024) từ năm châu sẽ trở về Huế “RẤT MONG CÙNG NHAU HỌP MẶT sau rất nhiều biến cố của cuộc đời”
    Buổi hội ngộ sẽ kéo dài nhiều ngày và các cựu sinh viên tất có dịp nhắc nhở đến các thầy cô cũ với lòng tri ân, đặc biệt các vị đã khuất bóng, nói chung và nhất là các vị đã có dạy dỗ, chỉ bảo ở lớp khóa #8 của họ, ”nhất tự vi sư và nửa chữ cũng là thầy”! 

    Bài viết “GS Nguyễn Mạnh Hùng - ĐHYK Huế Trường Xưa” giúp các bạn dự hội ngộ hiểu rõ về thầy cũ, trường xưa, giới thiệu với các bạn GSTS Nguyễn Mạnh Hùng, một vị thầy dạy và hỏi thi độc đáo, tận tâm và chí tình góp phần xây dựng cơ sở Đại học YK Huế, mái trường xưa, một vị thầy ngoài Huế đã sống với Huế, thực lòng yêu Huế.

    Lê Bá Vận.


     

          A picture containing text, outdoor, white, old

Description automatically generated

    https://ykhoahue13.files.wordpress.com/2011/02/dhyk-hue1.jpg

    + Hình 1: Trường ĐH YK Huế 1975. Thi công kéo dài 14 năm (1961-1975) vẫn chưa hoàn tất. Lưu ý: chiếc thang sắt màu đen còn gác trước cánh phải của tòa nhà.  + Hình 2: Tòa nhà Đại học Y Dược Huế 2024. Bệnh viên thực hành nằm mé sau, số 41-51 đường Nguyễn Huệ được thành lập tháng 10/2002 với 700 giường.


    Không có nhận xét nào