Nguồn:, “The Houthis’ Next Target May Be Underwater,”
Foreign Policy, 07/02/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
13/02/224
Nếu các tuyến cáp ngầm dưới biển bị cắt hoặc bị hỏng, liên lạc dữ liệu và tài chính giữa châu Âu và châu Á có thể bị gián đoạn.
Trong bối cảnh chiến dịch kéo dài 12 tuần của phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen, nhằm phá vỡ hành lang vận chuyển quan trọng của Biển Đỏ, một mối lo ngại mới đang xuất hiện: đó là lực lượng Houthi có thể nhắm mục tiêu vào các tuyến cáp ngầm mang theo gần như toàn bộ dữ liệu và giao dịch tài chính giữa châu Âu và châu Á.
Cho đến nay, cũng dễ hiểu khi hầu hết các quan ngại về chiến dịch của Houthi đều tập trung vào sự gián đoạn hoạt động vận tải hàng hoá và năng lượng qua các điểm nghẽn chính giữa Kênh đào Suez và Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, mối lo ngại mới này nhấn mạnh cách thức mà cơ sở hạ tầng ngầm dưới biển – và khả năng dễ bị tổn thương của nó – đang trở thành một đặc điểm quan trọng trong bối cảnh an ninh biển toàn cầu.
Hồi cuối tháng 12, một tài khoản Telegram có liên quan đến phiến quân Houthi đã đăng tải những gì có thể được xem là lời đe dọa đối với hàng chục tuyến cáp quang chạy qua Eo biển Bab el-Mandeb phía tây Yemen. Theo Viện Nghiên cứu Truyền thông Trung Đông, những lời đe dọa mơ hồ này đã được lặp lại và lan truyền bởi các tài khoản có liên quan đến các nhóm chiến binh khác được Iran hậu thuẫn, bao gồm cả Hezbollah.
Trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng quan trọng dưới đáy biển đã trở thành một phần của chiến trường vùng xám, khi những “con tàu ma” của Nga khiến các nước láng giềng ở Biển Baltic và Biển Bắc khiếp sợ. Hơn một năm trước, đường ống dẫn khí Nord Stream 1 giữa Nga và Đức đã bị nổ một cách bí ẩn (còn Nord Stream 2 bị hư hỏng). Mùa thu năm ngoái, các đường ống năng lượng và cáp dữ liệu ở phía đông Baltic cũng bị hư hỏng một cách bí ẩn. Các sự kiện tương tự cũng đã làm cản trở kết nối dữ liệu ở Địa Trung Hải.
Dù những lời đe dọa đối với cáp ngầm ở Biển Đỏ cho đến nay vẫn chưa dẫn đến bất kỳ sự cố nào, nhưng mục tiêu trọng tâm của chúng rất rõ ràng – gần như không còn cách nào khác để chuyển lượng dữ liệu và tiền khổng lồ giữa châu Âu và châu Á ngoài việc dựa vào một bó cáp quang chạy xuyên qua khu vực mà Houthi đang hoạt động tích cực nhất.
“Hơn 99% thông tin liên lạc xuyên lục địa được truyền qua cáp ngầm – không chỉ là internet, mà còn là các giao dịch tài chính, chuyển khoản liên ngân hàng. Timothy Stronge, phó giám đốc nghiên cứu của TeleGeography, một công ty nghiên cứu thị trường viễn thông, cho biết “Rất nhiều cơ sở quốc phòng cũng phụ thuộc vào cáp. Hầu hết mọi thứ bạn có thể tưởng tượng về hoạt động liên lạc quốc tế đều liên quan đến cáp ngầm dưới biển. Và tại Biển Đỏ, cáp đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối châu Âu với châu Á.”
Tạm thời gạt các mối đe dọa sang một bên, câu hỏi lớn đầu tiên là liệu Houthi có thực sự có khả năng làm hỏng các tuyến cáp ngầm, vốn nằm sâu dưới đáy biển hay không? Hầu hết các cuộc tấn công của Houthi cho đến nay vẫn là bắn tên lửa và phóng máy bay không người lái vào các tàu thương mại (và tàu hải quân của Mỹ và Anh) trong khu vực.
Bruce Jones thuộc Viện Brookings, người đã viết nhiều về tầm quan trọng của cáp ngầm, nhận định: “Tôi không thấy có bất kỳ bộ phận nào trong kho vũ khí của Houthi thực sự gây nguy hiểm cho các tuyến cáp ngầm dưới biển. Nếu bạn thực sự muốn phá hủy những thứ này, bạn sẽ phải dùng tàu ngầm.”
Tuy nhiên, Houthi được Iran hậu thuẫn và trang bị vũ khí, đồng thời được Tehran sử dụng như một trong những lực lượng ủy nhiệm của họ trong khu vực, để tấn công các lợi ích của phương Tây và Vùng Vịnh. Vì thế, theo Jones, ngay cả khi bản thân Houthi thiếu khả năng, thì Iran vẫn là một câu chuyện khác, đặc biệt là giữa lúc căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran.
“Câu hỏi đặt ra là liệu người Iran có đủ khả năng không, và liệu họ có thực hiện bước đi đó không? Tôi nghĩ đó mới là điều cần chú ý – nếu tình hình leo thang xa hơn và chúng ta thực sự rơi vào một cuộc đối đầu khó khăn giữa Mỹ và Iran… thì bạn có thể đặt câu hỏi liệu người Iran có khả năng đó hay không,” ông nói.
Tuy nhiên, cũng có những cách sử dụng công nghệ thô sơ nhưng vẫn làm hư hỏng cáp biển, nhất là nếu chúng được đặt ở vùng nước nông. Stronge tiết lộ khoảng 2/3 số sự cố liên quan đến cáp biển có liên quan đến tai nạn do con người, thường là do tàu đánh cá hoặc tàu thương mại kéo neo dưới đáy biển. Các chuyên gia cho biết cách này chí ít cũng có thể mang lại cho Houthi khả năng phá hủy một vài đoạn cáp ngầm.
Thông thường, đây không phải là một vấn đề lớn: Mỹ và hầu hết các nước khác đều có các tàu sửa chữa cáp hoạt động liên tục, để khắc phục bất kỳ gián đoạn nào đối với các đường truyền dữ liệu quan trọng dưới biển. Nhưng xét đến chiến dịch quấy rối liên tục của Houthi ở Biển Đỏ, các tàu sửa chữa sẽ không thể neo đậu vài ngày để cố gắng sửa chữa một sợi cáp bị hỏng. Theo nghĩa đó, gián đoạn trên mặt nước cũng có thể gây ra các tác động tương tự như tàu ngầm.
Tuy nhiên, sự khác biệt lớn giữa cơ sở hạ tầng năng lượng dưới biển, như đường ống Nord Stream hoặc đường ống Baltic, và các đường truyền dữ liệu, là có nhiều lựa chọn thay thế để truyền thông tin ảo hơn là dầu hoặc khí đốt.
Stronge nói “Mỗi tuyến cáp riêng lẻ đều rất dễ bị tổn thương, nhưng nhìn chung, hệ thống có khả năng phục hồi khá cao. Sẽ rất khó để ngắt kết nối hoàn toàn một quốc gia có kết nối cáp tốt. Điều đó đòi hỏi một cuộc tấn công phối hợp và tinh vi để huỷ hoại tất cả các tuyến cáp cùng một lúc.”
Vấn đề lớn hơn là các nhà hoạch định quốc phòng và phân tích an ninh đã ngày càng nhận thức được tầm quan trọng và tính dễ bị tổn thương của hệ thống cơ sở hạ tầng khổng lồ dưới biển. Các đường ống dẫn dầu và khí đốt đã phát triển nhanh chóng và các đường truyền dữ liệu dưới biển đã phát triển nhảy vọt trong những năm gần đây, và được kỳ vọng sẽ còn tăng trưởng ngoạn mục hơn nữa trong năm nay và những năm tới, để theo kịp nhu cầu truyền tải kỹ thuật số vốn tăng theo cấp số nhân.
Các điểm tắc nghẽn chính ở khu vực Biển Đỏ
Vũ khí hóa đáy biển không phải là khái niệm mới: Người Anh từng cắt cáp điện báo tàu ngầm của Đức ngay từ đầu Thế chiến I để cô lập Berlin khỏi thế giới, và sonar đáy biển ở Vùng GIUK (Greenland-Iceland-Anh Quốc) đã trở thành phương tiện để theo dõi tàu ngầm trong Chiến tranh Lạnh. Nhưng tầm quan trọng ngày càng tăng của cơ sở hạ tầng dưới biển đối với nền kinh tế toàn cầu đang buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về sứ mệnh hải quân truyền thống là bảo vệ các tuyến đường thông tin liên lạc trên biển.
Sebastian Bruns, chuyên gia hải quân tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Hàng hải và Viện Chính sách An ninh tại Đại học Kiel, Đức, nhận xét “Các tuyến liên lạc cũ trên biển vẫn còn quan trọng, nhưng chúng thực sự đã trở thành một vấn đề đa chiều, 720 độ. Đó là lý do tại sao các đoàn tàu hộ tống tàu chở hàng, mà tôi nghĩ nhiều người vẫn sẽ hình dung ra khi nghĩ về vấn đề này, lại không phải là giải pháp thoả đáng.”
Năm ngoái, sau vụ tấn công các đường ống Nord Stream, NATO đã thành lập một đơn vị mới để phối hợp bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển. Các nhà phân tích hải quân coi việc bảo vệ những tài sản đó là một nhiệm vụ ngày càng quan trọng đối với hải quân, đặc biệt là ở các vùng biển có nhiều cơ sở hạ tầng ở châu Âu.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hague vừa công bố một báo cáo mới nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng đối với hải quân châu Âu trong việc phát triển các phương tiện không người lái dưới nước, đặc biệt là để giám sát cơ sở hạ tầng dưới biển, và nhấn mạnh sự cần thiết phải ưu tiên bảo vệ các “cửa ngõ” quan trọng tới châu Âu, bao gồm cả Biển Đỏ.
Báo cáo lưu ý “Nhiệm vụ bảo vệ đã thay đổi rõ rệt”, đồng thời cho biết thêm rằng “việc bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đã trở thành nhiệm vụ mới.”
Dù phần lớn trọng tâm của nhiệm vụ mới cho đến nay vẫn là các đường ống dẫn năng lượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là sau sự cố Nord Stream và nhiều sự cố khác, nhưng vấn đề thực sự – và cũng là điểm yếu tiềm tàng – của thế giới dưới đáy biển là các đường truyền dữ liệu, Jones nói.
“Đối với tôi, điều hoàn toàn rõ ràng là các tuyến cáp tài chính dưới biển là mạng lưới quan trọng nhất của toàn cầu hóa, và cũng là mạng lưới dễ bị tổn thương nhất.”
* Keith Johnson là phóng viên của Foreign Policy về địa kinh tế và năng lượng.
https://nghiencuuquocte.org/2024/02/13/muc-tieu-tiep-theo-cua-houthi-co-the-la-cac-tuyen-cap-ngam-duoi-nuoc/#more-54794
Không có nhận xét nào