Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ ba 26 tháng 3 năm 2024

    Quê Hương tổng hợp

    Giới đầu tư nước ngoài nghi ngại sau vụ ông Võ Văn Thưởng mất chức

    26 tháng 3 2024

    Các ông Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ, Nguyễn Phú Trọng, Võ Văn Thưởng

    Nguồn hình ảnh, NHAC NGUYEN/AFP/Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Tứ Trụ hiện nay đã bị khuyết một người

    Hai chủ tịch nước bị miễn nhiệm chỉ trong vòng hơn một năm cùng với chiến dịch "đốt lò" khiến nhiều quan chức bị xử lý, Việt Nam đang khiến giới đầu tư quốc tế nghi ngờ sự ổn định chính trị.

    Trong vài ngày có đồn đoán ông Võ Văn Thưởng sẽ bị miễn nhiệm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có biến động. 

    Cụ thể, Reuters đưa tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đã bán đi khoảng 80 triệu USD tiền cổ phiếu trong hai ngày 18-19/3. 

    Việc ông Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm vào ngày 21/3 đã gây ra bất an trong giới đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. 

    Trong năm 2023, đóng góp của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào GDP Việt Nam chiếm khoảng 22%, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê. 

    Cũng theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, xuất khẩu (kể cả dầu thô) của khu vực đầu tư nước ngoài rơi vào gần 258,8 tỷ USD và chiếm khoảng 73,1% kim ngạch xuất khẩu cả nước tính đến tháng 12/2023. 

    Giới đầu tư nghi ngại

    Sự ổn định chính trị từ lâu đã là ưu điểm của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, sự bất định về chính trị mới nảy sinh gần đây có thể khiến các nhà đầu tư lo ngại, theo bài bình luận của tác giả Karishma Vaswani trên hãng tin Bloomberg. 

    Đó là những nhà đầu tư đã đổ xô tới Việt Nam theo sau cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khi họ bị thu hút bởi lực lượng lao động lành nghề và giá rẻ của Việt Nam cũng như không bị chính phủ Mỹ soi xét về chính trị. 

    Bloomberg cho biết Việt Nam là bên hưởng lợi rất lớn từ cuộc chiến tranh thương mại này, với đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng đến 32% trong năm 2023, thu hút gần 36,61 tỷ đô la đầu tư.

    Các công ty đang tìm cách phân tán rủi ro ra khỏi Trung Quốc đã thành lập các nhà máy và đổ vốn đầu tư vào Việt Nam. Xu hướng này cũng rất mạnh mẽ vào đầu năm 2024, với một lượng vốn đầu tư nước ngoài kỷ lục đạt hơn 4,29 tỷ đô la Mỹ trong tháng 1 và tháng 2, tăng 39% so với năm trước. 

    Việt Nam là một ví dụ điển hình cho điều mà một quốc gia nên làm khi tìm cách thoát khỏi cảnh trì trệ của Trung Quốc và cho đến nay Việt Nam đã khá thành công. Tuy nhiên, nước này cần đảm bảo thể hiện một hình ảnh ổn định và mạnh mẽ đối với thế giới để tiếp tục thành công như hiện nay, theo bài bình luận trên Bloomberg.

    “Ba ổn định” để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài, được đăng tải trên cổng thông tin của Bộ Tài chính Việt Nam vào tháng 6/2018, lần lượt là “ổn định về chính trị - an ninh; ổn định chính sách thu hút đầu tư nước ngoài; ổn định trong chủ trương không ngừng đổi mới, cải cách”.

    Tuy nhiên, việc liên tục miễn nhiệm hai chủ tịch nước - một trong bốn chức lãnh đạo cao nhất Việt Nam - chỉ trong hơn một năm gây ra sự bất an trong tâm lý kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với đó là chiến dịch chống tham nhũng, hay còn gọi là “đốt lò”, liên miên càng tạo nên một ấn tượng bất an rộng khắp.

    “Một trong những điểm hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài là sự ổn định chính trị,” Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War (Mỹ), đánh giá.

    “Với việc hai phó thủ tướng, hai chủ tịch nước và một thành viên bộ chính trị khác buộc phải từ chức trong 15 tháng qua, Việt Nam trông có vẻ bất ổn về mặt chính trị. Với tình trạng thiếu năng lượng, tham nhũng và không thực hiện được nhiều dự án đầu tư nước ngoài, sự bất ổn chính trị gây tổn hại cho một quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài," ông nhận định.

    Báo The Guardian trích lời Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời thuộc Viện ISEAS (Singapore), nhận định rằng việc từ chức của hai chủ tịch nước trong vòng chưa đầy hai năm không phải là dấu hiệu tốt đối với một quốc gia thường tự hào về ổn định chính trị.

    “Dù khu vực FDI đã phần nào được tách khỏi chiến dịch chống tham nhũng, nhưng sự bất ổn có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chọn cách chờ đợi và theo dõi thêm giữa bối cảnh chính trị khó lường của Việt Nam,” ông Giang nói.

    Hãng tin Reuters dẫn lời ông Florian Feyerabend, trưởng đại diện tại Việt Nam của Viện KAS (Konrad-Adenauer-Stiftung), nhận định rằng diễn biến gần đây trên chính trường Việt Nam đặt ra câu hỏi về "khả năng dự đoán, độ tin cậy và hoạt động nội bộ của hệ thống" mà các quyết định đầu tư xoay quanh.

    Thách thức cho chiến dịch 'đốt lò'

    Chiến dịch "đốt lò" là một trong những điểm nhấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 

    Trong 13 năm làm tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng đã xem chiến dịch chống tham nhũng là trọng tâm của mình. Công cuộc "đốt lò" của ông đã khiến hai chủ tịch nước và hai phó thủ tướng mất chức trong thời gian gần đây. Nhiều người khác, kể cả ủy viên Bộ Chính trị, đã bị kỷ luật, thậm chí đi tù. 

    Reuters cho biết các nhà đầu tư và ngoại giao quốc tế đã nhiều lần đổ lỗi cho chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Họ cho rằng chiến dịch này làm chậm lại các quyết định ở một đất nước vốn đang phải vật lộn với bộ máy quan liêu cồng kềnh.

    Việc miễn nhiệm ông Võ Văn Thưởng nói riêng và chiến dịch "đốt lò" có thể đem lại những tác động không mong muốn, theo giới quan sát. 

    Một cố vấn cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam nói với Reuters rằng việc ông Thưởng bị bãi nhiệm sẽ khiến các quyết định về chính sách và hành chính bị chậm lại do các quan chức sợ bị liên lụy trong quá trình chống tham nhũng. 

    Theo The Guardian, nhiều quan chức khác cũng e dè trong việc đưa ra các quyết định quan trọng và cho rằng không làm gì thì tốt hơn là phê duyệt các dự án rồi mắc lỗi. 

    Chiến dịch đốt lò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự kiến sẽ còn nóng hơn nữa từ nay cho đến Đại hội Đảng lần thứ 14 vào tháng 1/2026.

    Ngoại trưởng Mỹ đề cập nhân quyền khi gặp người đồng cấp phía Việt Nam tại Washington

    RFA
    26/3/2024

    Ngoại trưởng Mỹ đề cập nhân quyền khi gặp người đồng cấp phía Việt Nam tại Washington

    Ông Bùi Thanh Sơn gặp ông Antony Blinken hôm 25/3/2024 tại Washington D.C 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngX @Secretary Antony Blinken 

    Ngoại trưởng Mỹ đề cập nhân quyền khi gặp người đồng cấp phía Việt Nam tại Washington 

    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn hôm 25/3 tại thủ đô Washington và có đề cập đến vấn đề nhân quyền. 

    Bộ Ngoại giao Mỹ trong thông cáo báo chí cho biết, cả hai ông thảo luận về việc mở rộng hợp tác về nhân quyền, an ninh, giáo dục và văn hóa.

    Theo hãng tin Reuters, các nhóm nhân quyền, bao gồm tổ chức Ân xá Quốc tế, cáo buộc Tổng thống Biden đã gạt các vấn đề nhân quyền sang một bên trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9.

    Trong chuyến thăm đó, Biden cho biết đã nêu vấn đề nhân quyền với các quan chức mà ông nói chuyện.

    Ngoài ra, trong cuộc gặp hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Mỹ và Việt Nam cũng thảo luận về việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. 

    Mỹ đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc bằng cách mở rộng sản xuất trong nước và thúc đẩy thương mại với các đối tác đáng tin cậy. 

    Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực sản xuất chip khi Washington đang tìm cách hạn chế rủi ro liên quan đến Trung Quốc của ngành này, bao gồm cả xung đột thương mại và căng thẳng về Đài Loan.

    Trên tài khoản mạng xã hội X (Twitter trước đây), Ngoại trưởng Mỹ đăng tải tấm ảnh hai nhà ngoại giao đang bắt tay, đồng thời khẳng định "Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, độc lập, tự cường và thịnh vượng, góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng và ổn định của khu vực." 

    Trong khi đó theo tường trình của báo chí Nhà nước, cho biết tại Đối thoại, lãnh đạo hai bên cũng trao đổi về vấn đề Biển Đông và nhất trí về tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, thực hiện đầy đủ DOC và hướng tới một COC hiệu quả, thực chất.

    Hai ngoại trưởng Mỹ, Việt chủ trì đối thoại cấp bộ trưởng lần thứ nhất 

    26/3/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đối thoại với Ngoại trưởng Việt Nam Bui Thanh Son, trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 25/3/2024.

    Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đối thoại với Ngoại trưởng Việt Nam Bui Thanh Son, trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 25/3/2024. 

    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm 25/3 có cuộc gặp với Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn khi bên hai tổ chức đối thoại cấp bộ trưởng lần thứ nhất kể từ khi Washington và Hà Nội thiết lập mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9/2023, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.

    “Kể từ chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, chúng ta đã cùng nhau thăng tiến, củng cố và làm sâu sắc hơn sự hợp tác của chúng ta trong các lĩnh vực quan trọng, mọi trao đổi về giáo dục và công nghệ, liên lạc giữa nhân dân với nhân dân, và tất nhiên, cam kết liên tục của chúng ta đối với các di sản chiến tranh”, Ngoại trưởng Blinken phát biểu khi chủ trì cuộc đối thoại với Ngoại trưởng Sơn tại thủ đô Washington hôm 25/3.

    “Tôi nghĩ đây không chỉ là sự thể hiện cam kết của chúng tôi đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà còn là cam kết của chúng tôi đối với vai trò trung tâm của Việt Nam và mối quan hệ giữa hai nước chúng ta ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, vẫn lời ông Blinken.

    “Việt Nam tiếp tục coi trọng mối quan hệ với Hoa Kỳ”, Ngoại trưởng Sơn phát biểu tại cuộc gặp với ông Blinken.

    Ông Sơn nói thêm rằng hai bên cùng “thỏa hiệp và đưa ra kế hoạch hành động nhằm đưa mối quan hệ của chúng ta tiến lên phù hợp với Đối tác Chiến lược Toàn diện, không chỉ là trao đổi chính trị cấp cao giữa hai nước nhằm tiếp tục thúc đẩy sự tin cậy song phương lẫn nhau mà còn làm sâu sắc hơn mối quan hệ của chúng ta, không chỉ trong thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, đổi mới, giáo dục mà hơn thế nữa là chất bán dẫn và chip”.

    Trước đó, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Ngoại trưởng Sơn sẽ thăm chính thức Hoa Kỳ và đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ nhất từ ngày 23 đến 29-3.

    Đây là cuộc đối thoại cấp bộ trưởng ngoại giao đầu tiên giữa hai nước nhằm triển khai thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao tại Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam-Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện khi Tổng thống Biden đến thăm Hà Nội vào tháng 9/2023.

    Kể từ đó, hai bên đã thiết lập một số cơ chế đối thoại cấp bộ trưởng và cấp chuyên gia, trong đó tập trung cụ thể vào các lĩnh vực chính trị-an ninh-quốc phòng, việc làm, an ninh năng lượng, khoa học-công nghệ, thương mại và nhân quyền cũng như hợp tác châu Á-Thái Bình Dương nói chung.

    Truyền thông Việt nam dẫn lời Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng nói rằng các cơ chế này “hoạt động tốt, qua đó góp phần thúc đẩy liên kết giữa hai nước trong các lĩnh vực ưu tiên cùng quan tâm, giúp chia sẻ thông tin, nâng cao hiểu biết, thu hẹp những khác biệt, bất đồng”.

    Dự kiến vào trưa ngày 26/3, Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ có bài phát biểu tại Viện Brookings ở thủ đô Mỹ về đối thoại thường niên này, nơi các diễn giả và những người tham dự sẽ tìm hiểu về cơ hội, thách thức khi Hà Nội và Washington đang nỗ lực giải quyết những khác biệt.

    Việt Nam tăng cường nhập than để sản xuất điện nhằm « giữ chân » các nhà đầu tư

    Minh Anh /RFI

    26/3/2024

    Nhập khẩu than của Việt Nam từ đầu năm đến nay đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Chính phủ Việt Nam muốn trấn an các nhà đầu tư nước ngoài rằng sẽ không còn tình trạng thiếu điện liên tục như năm 2023. 

    Ảnh minh họa : Cơ sở sản xuất chip điện tử của tập đoàn Mỹ Intel tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, ngày 29/10/2010.

    Ảnh minh họa : Cơ sở sản xuất chip điện tử của tập đoàn Mỹ Intel tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, ngày 29/10/2010. ASSOCIATED PRESS - Le Quang Nhat 

    Theo hãng tin Anh Reuters ngày 26/03/2024, số liệu hải quan Việt Nam gần đây cho thấy, than nhập khẩu, chủ yếu đến từ Úc và Indonesia, đã tăng khoảng 88% tính đến ngày 15/03 so với cùng kỳ năm 2023. Theo các ước tính chính thức, trong 2 tháng đầu năm 2024, sản lượng than khai thác trong nước cũng tăng 3,3%, đáp ứng được một nửa nhu cầu của Việt Nam. Trong năm 2023, nhập khẩu loại nhiên liệu rẻ tiền này của Việt Nam đã tăng 61% vào lúc các nhà máy nhiệt điện than phải hoạt động hết công suất.

    Giải thích về mức nhu cầu tiêu thụ than tăng, Reuters cho biết, hồi mùa hè 2023, nhiều tập đoàn đa quốc gia như Samsung Electronics của Hàn Quốc, Foxconn của Đài Loan hay Canon của Nhật Bản … có nhà xưởng ở Việt Nam, đã buộc phải phải tạm dừng sản xuất do nguồn cung cấp điện không được bảo đảm liên tục trong đợt nắng nóng kéo dài.

    Trong cuộc gặp với các nhà đầu tư nước ngoài vào tuần trước, thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết sẽ không còn tình trạng thiếu điện. Một số quan chức nước ngoài tham gia cuộc họp tỏ ra hoài nghi về khả năng thực hiện cam kết mang tính trấn an này.

    Theo nhà nghiên cứu Phan Xuân Dũng, thuộc tổ chức nghiên cứu ISEAS, trụ sở ở Singapore, do khả năng sử dụng năng lượng tái tạo ở Việt Nam là hạn chế, và để bảo đảm cam kết tránh cắt điện, việc nhập khẩu thêm than là « điều bắt buộc ». Một doanh nhân Việt Nam cho biết, nhập khẩu than dự kiến sẽ còn tăng lên trong nửa cuối năm nay.

    Trước nhu cầu điện tăng cao và áp lực từ các nhà đầu tư nước ngoài, chính phủ Việt Nam tìm cách phát triển năng lượng tái tạo và khí đốt, đồng thời nghiên cứu các quy định mới cho phép các nhà máy mua điện trực tiếp từ nhà sản xuất. Phòng Thương Mại Hàn Quốc trong một bài viết đăng tuần trước cho biết các công ty chế tạo bán dẫn đang trì hoãn các quyết định đầu tư vì rủi ro về nguồn điện.

    Việt Nam – Hoa Kỳ thảo luận về hợp tác chip bán dẫn

    Cũng theo Reuters, ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và đồng nhiệm Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã có cuộc thảo luận về việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực linh kiện bán dẫn và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Cuộc hội đàm diễn ra tại Washington ngày hôm qua 25/03/2024. Đôi bên cũng trao đổi về hợp tác nhân quyền, an ninh, giáo dục và văn hóa, theo như thông báo của bộ Ngoại Giao Mỹ.

    Đài Loan tìm cách thu hút sinh viên Việt Nam, Đông Nam Á cho ngành bán dẫn 

    26/3/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Một triển lãm ở Đài Bắc, Đài Loan, về sản phẩm bán dẫn, tháng 5/2017 (AP Photo/Chiang Ying-ying).

    Một triển lãm ở Đài Bắc, Đài Loan, về sản phẩm bán dẫn, tháng 5/2017 (AP Photo/Chiang Ying-ying). 

    Do sinh suất giảm tạo ra mối nguy là Đài Loan sẽ thiếu nhân tài trong ngành công nghệ cao, hòn đảo này tìm cách chiêu mộ hàng nghìn sinh viên Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, xem đó như là nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, báo Nhật Bản Nikkei đưa tin hôm 26/3.

    Trước đó, báo Việt Nam Tuổi Trẻ Online đăng tin hôm 22/3 nói rằng Đài Loan sẽ đào tạo về ngành bán dẫn miễn phí cho sinh viên Việt Nam, ngoài ra còn trả lương cho sinh viên trong quá trình học và sau khi tốt nghiệp họ sẽ làm việc cho các hãng Đài Loan.

    Tuổi Trẻ Online dẫn lời ông Hàn Quốc Diệu, chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Bộ Giáo dục Đài Loan vừa công bố "Chương trình đặc biệt giáo dục tài năng công nghiệp quốc tế" (INTENSE) cho sinh viên Việt Nam, Indonesia và Philippines.

    Chương trình này, được phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và trường đại học, tập trung đào tạo các ngành khoa học kỹ thuật, chip, bán dẫn..., theo đó, Đài Loan sẽ chi trả toàn bộ học phí trong khi doanh nghiệp hỗ trợ sinh viên 10.000 đài tệ mỗi tháng (khoảng 7,7 triệu đồng), còn trường đại học sẽ đào tạo.

    Theo Tuổi Trẻ Online, thời gian học là 2 năm và sau khi kết thúc chương trình, du học sinh sẽ làm việc tối thiểu 2 năm cho doanh nghiệp Đài Loan đã hỗ trợ cho việc đào tạo. Sau đó sinh viên có thể chọn làm tiếp tại Đài Loan hoặc trở về Việt Nam.

    Theo bài báo của Nikkei hôm 26/3, mục tiêu của chương trình là sẽ có khoảng 70% số sinh viên quốc tế làm việc ở Đài Loan sau khi tốt nghiệp, tăng từ mức hiện nay là 40-50%.

    Tại Đại học Khoa học Công nghệ Minh Tân ở thành phố Tân Trúc, còn gọi là Thung lũng Silicon của Đài Loan, nằm ở miền tây bắc của đảo, có gần 700 sinh viên Việt Nam trong số 2.300 sinh viên, Nikkei tường thuật.

    Trường đào tạo bán dẫn của Đại học Minh Tân, được xem như một hãng TSMC thu nhỏ, có mục tiêu đào tạo ra các chuyên gia có thể ngay lập tức trở thành những nhân viên có giá trị cho các hãng tuyển dụng trong tương lai, Nikkei mô tả.

    Các sinh viên học về các máy móc được sử dụng trong các hãng chế tạo bán dẫn ngoài đời thực. Các sinh viên cũng có thể thực tập tại các hãng sản xuất chip hãng đầu như Công ty Chế tạo Bán dẫn Đài Loan (TSMC), hay các hãng công nghệ ASE và Powertech, Nikkei cho hay.

    Tờ báo Nhật nói rằng một trong những sinh viên Việt Nam chọn chương trình thạc sĩ để học hỏi từ ngành bán dẫn có vị thế hàng đầu thế giới của Đài Loan. Sinh viên 23 tuổi này dự định sẽ làm việc 3 hoặc 4 năm tại một hãng Đài Loan sau khi tốt nghiệp để tích lũy kinh nghiệm.

    Những chương trình đào tạo như thế này thể hiện mối lo của các hãng công nghệ Đài Loan về nguy cơ thiếu nhân tài. “Chúng tôi cần thêm hàng chục nghìn nhân viên. Các hãng và các trường đại học cần làm việc cùng nhau để phát triển nhân tài”, ông Chang Ho, hiệu trưởng Trường Bán dẫn thuộc Đại học Minh Tân, nói với Nikkei.

    Tiền lương dậm chân tại chỗ, giá nhà đất tăng và các sức ép khác đã làm cho tỷ lệ sinh của Đài Loan giảm trong những thập niên gần đây. Số ca sinh hàng năm giảm xuống mức thấp kỷ lục là 135.000 vào năm 2023 từ mức hơn 300.000 trong những năm 1990.

    Trong khi đó, cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài trong ngành bán dẫn chỉ có tăng lên mà thôi. Riêng hãng TSMC hiện tuyển dụng hơn 6.000 nhân viên mỗi năm.

    Nhu cầu về chip được dự báo sẽ tiếp tục tăng, trong khi đó, do Đài Loan lệ thuộc nhiều vào ngành bán dẫn, nên chính phủ, các doanh nghiệp và các trường của hòn đảo hiện đối mặt với áp lực phải lập ra các chiến lược bảo đảm nguồn nhân công.

    Sinh viên từ Đông Nam Á được xem như là một phần của giải pháp, Nikkei viết. Năm ngoái, Đài Loan công bố kế hoạch chi 5,2 tỷ đô la Đài Loan (163 triệu đô la Mỹ) cho đến năm 2028 để thu hút 320.000 sinh viên quốc tế tính đến năm 2030, chú trọng vào các ngành khoa học, kỹ thuật, cơ khí và toán. Điều này đồng nghĩa là tốc độ nhận các sinh viên sẽ gấp đôi trước đây.

    Giới hoạt động quan ngại về cái chết dường như ‘bất thường’ của một tín đồ ở Đắk Lắk 

    26/3/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Ông Y Bum Bya bị chính quyền đưa ra kiểm điểm hồi tháng 12/2023. YouTube An ninh Trận tự Đắk Lắk.

    Ông Y Bum Bya bị chính quyền đưa ra kiểm điểm hồi tháng 12/2023. YouTube An ninh Trận tự Đắk Lắk. 

    Một thầy truyền đạo thuộc Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên vừa qua đời ở Đắk Lắk khiến giới hoạt động quan ngại về cái chết mà họ gọi là “bất thường” này sau khi nạn nhân dường như đã bị chính quyền hăm dọa và thẩm vấn.

    Thầy truyền đạo Y Bum Bya được tìm thấy đã qua đời tại thôn Ko Tam, xã Êa Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, trong tư thế treo cổ ngày 8/3/2024, theo Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên và Bàn tròn Đa Tôn giáo Việt Nam.

    “Ông Y Bum Bya, 48 tuổi, một thành viên của Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên đã bị kẻ gian sát hại trong nghĩa trang tại buôn ko Tam”, Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên nói hôm 19/3.

    Mục sư A Ga, sáng lập viên của Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, một nhóm tôn giáo có trụ sở ở bang North Carolina và các hội thánh tư gia ở Việt Nam nhưng không được chính quyền công nhận, đưa ra cáo buộc khi nói với VOA:

    “Ông Y Bum Bya, một thành viên của Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên. Đây là sự dàn dựng, có bàn tay của công an, chính quyền Đắk Lắk gây ra cái chết của ông Y Bum Bya”.

    “Không có gì nghi ngờ nữa vì trước đây ông ấy từng bị bắt bớ, đe dọa...và gần đây nhất là vào tháng 12/2023 ông bị chặn đường đánh tại rẫy và phát động quần chúng ép ổng phải từ bỏ hội thánh Tin lành Đấng Christ này. Họ nói nếu cứ tiếp tục sẽ bị bỏ tù và đánh chết”, vẫn lời ông A Ga.

    “Khoảng 8 giờ 15 phút sáng, dân làng tìm thấy xác ông Y Bum Bya, nhìn như treo cổ, ở nghĩa trang cách nhà khoảng 800m”, trang Bàn tròn Đa Tôn giáo Việt Nam, một nhóm các nhà hoạt động cho tự do tôn giáo Việt Nam, nói hôm 8/3/2024. “Trước đó ngày 8/12/2023, ông đã bị công an xã Êa Tu tra khảo, đe dọa, đánh nhiều lần vào tai, đá vào xương sườn, bóp cổ, cưỡng ép từ bỏ hội thánh”.

    Từ Đắk Lắk, một người quen với nạn nhân, nêu ý kiến cá nhân của ông với VOA với điều kiện không nêu tên vì lý do an toàn: “Có thể chính quyền Việt Nam trả thù ông ấy vì ổng có tin tức và nói ra sự thật”.

    “Ông sinh hoạt Tin lành Đấng Christ nhưng chính quyền Việt Nam không chấp nhận cho nên họ tìm mọi cách để tiêu diệt”, người này nói thêm.

    Ngoài các cáo buộc và nhận định hết sức nghiêm trọng đó, tất cả các nhóm và cá nhân nêu trên không đưa ra bằng chứng, nhân chứng cụ thể với VOA để củng cố cho lập luận của họ cho rằng có người đã sát hại ông Y Bum Bya. VOA không thể kiểm chứng độc lập về những phát biểu của các nhóm và cá nhân đó.

    VOA đã liên lạc chính quyền các cấp ở Đắk Lắk và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ cho biết liệu họ có thông tin gì thêm về cái chết của ông Y Bum Bya và họ phản ứng ra sao với các phát biểu của nhóm Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên và Bàn tròn Đa Tôn giáo Việt Nam, nhưng chưa có phản hồi.

    Trang YouTube An ninh Trật tự Đắk Lắk của công an tỉnh này hồi tháng 12/2023 loan tin về việc ông Y Bum Bya bị kiểm điểm do đã tham gia Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên “phản động”.

    Trang này nói rằng ông Y Bum Bya nghe theo “lời dụ dỗ” của ông A Ga nên từ năm 2021 đã tham gia vào Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên.

    Mục sư A Ga, người đang bị chính quyền Việt Nam truy nã với cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết”, bác bỏ những cáo buộc của chính quyền Việt Nam, nói rằng Hà Nội cưỡng ép người Thượng từ bỏ đạo, sách nhiễu các tín đồ và vi phạm tự do tôn giáo.

    Truyền thông Việt Nam cho rằng tổ chức Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên đang tiếp tục tìm cách phát triển tín đồ tại các tỉnh Tây Nguyên “với những chiêu bài đội lốt, lợi dụng tôn giáo, chúng lôi kéo tập trung tín đồ để gieo rắc tư tưởng hẹp hòi, ly khai tự trị, âm mưu tập hợp lực lượng, tiến tới gây rối, biểu tình, bạo loạn” và chính quyền nói rằng sẽ mạnh tay “đấu tranh, xóa bỏ” nhóm tôn giáo này.

    Dương Quốc Chính - Sốt ảo lòi 

    25/3/2024

    Cơn sốt giá nhà chung cư hiện tại mình thấy rất có mùi thổi giá. Chủ yếu anh em đánh vào tâm lý tiếc tiền lãi ngân hàng quá thấp, để vợt lượng khách ít ỏi còn dư tiền nhàn rỗi. Chứng khoán cũng đang ung do kinh tế trì trệ, tiền nhàn rỗi lồi ra một cục nên anh em mới đi ôm bất động sản rồi cùng nhau thổi giá. 

    Tuy nhiên, lượng người dư tiền này cũng không quá nhiều đâu. Nên mua bán thực cũng không nhiều, mà toàn anh em tung hứng với nhau để thoát hàng cũ.

    Ngoài ra là còn dựa vào sự khan hiếm tạm thời do thời điểm hiện tại đang là giao thời của luật lệ liên quan đến bất động sản, nên sẽ không có dự án mới được phê duyệt. Hiện tại, tâm lý chung của các doanh nghiệp phát triển bất động sản là nằm im chờ luật ổn định, nên không ai chạy thêm dự án mới đâu. Nên những cái đang bán đều là cũ, hàng tồn chưa thoát kịp của đợt dư thừa vừa rồi.

    Nói chung, sốt bất động sản mà tương đối lành mạnh, hợp lý nó phải đi kèm với sự tăng trưởng kinh tế, chứng khoán cũng lên, kèm với lạm phát cũng tăng. Đại khái là đa số dân giàu lên nên có nhu cầu về địa ốc tăng, là sự tăng trưởng hợp lý.

    Còn ở Việt Nam, đôi khi sốt bất động sản vào thời điểm kinh tế đình trệ, chứng ung, như đợt covid hay như hiện nay, lại là do địa ốc là nơi cất giữ tiền, khi các kênh đầu tư, tiết kiệm khác không còn ý nghĩa. Như thế là sốt ảo, tức là toàn dân dư tiền đi găm để đầu cơ, chứ không phải nhu cầu thực.

    Thị trường bất động sản chỉ thực sự được khơi thông, phát triển lành mạnh, khi luật lệ liên quan phải ổn định đầu tiên, rồi kinh tế tăng trưởng tốt. Riêng ở Việt Nam, khác với các nước phương Tây (nên đọc sách Tây không dạy), thậm chí còn khác cả Tàu, đó là địa ốc phụ thuộc rất nhiều vào chính trị thượng tầng, vào đốt lò.

    Bởi vì một lẽ đơn giản, anh em doanh nghiệp bất động sản có lẽ là con bò sữa của các phe phái chính trị. Anh em nuôi quan chức, buôn vua, bán chúa, chạy ghế...đều có doanh nghiệp địa ốc đứng sau. Cứ nhìn xem, các doanh nghiệp bị đánh dẫn tới quan chức bay ghế hay vào lò đều là bất động sản hết. Như Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, FLC và gần đây là Phúc Sơn. Doanh nghiệp bất động sản cấp tỉnh lẻ còn làm chủ tịch nước bay chức cùng ba chủ tịch, một bí thư tỉnh vào lò. Vậy nên nếu mà anh gì, mà ai cũng biết là ai, bị sờ, thì đảm bảo chắc ít nhất nửa số quan chức đầu tỉnh có liên đới. Sẽ là đại địa chấn, sụp đổ nền kinh tế cũng nên!

    Vụ Vạn Thịnh Phát, hiện Bộ Công an chưa mở rộng điều tra sang việc chị Lan abc quan chức các cấp, chắc khoanh vùng lại rồi. Chứ mà mở ra thì toang cả hệ thống chính trị. Vì gần 20 năm trước Dương Chí Dũng khai trước tòa là chị đưa mấy trăm ngàn đô cho quan chức Bộ Công an mà như cân đường hộp sữa. Gần đây chị đưa quan chức cấp Vụ ở Ngân hàng nhà nước đã 5,2 triệu đô rồi ; mà tầm chị ấy phải chơi với ủy viên Bộ Chính trị.

    Vì thế, nếu lò cháy to là doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ nằm im chờ thời, không dám làm thêm dự án. Vì chạy thêm dự án thì phải chung chi, mà quan chức thì sợ, không dám nhận, thì dự án khắc đình trệ, không có dự án mới. Mà việc đốt lò này sẽ còn mạnh ít nhất là tới 2026, là đỉnh điểm khi có Đại hội Đảng. 

    Vậy xét theo các yếu tố trên thì thị trường bất động sản sẽ phải dặt dẹo tới tầm 2026, có thể kèm theo nền kinh tế cũng vậy. Vì chính trị thượng tầng không ổn định là doanh nghiệp nói chung cũng có tâm lý thủ thế, chờ thời, chờ luật, chờ ổn định chính trị. Mà tầm đó thì các loại luật liên quan đến bất động sản mới ổn định được. Biết đâu sang năm ra luật thuế địa ốc có đánh thuế lũy tiến, thì anh em đang đi gom hàng lại vỡ mồm.

    Tầm này cứ để anh em đầu cơ chăn lẫn nhau đi. Ai có nhu cầu thật thì chịu khó đi thuê nhà một, hai năm nữa. Tiền nhiều quá không biết để làm gì thì cứ việc đu đỉnh nha.

    DƯƠNG QUỐC CHÍNH 25.03.2024

    Chính phủ Anh tuyên truyền để ngăn chặn di cư bất hợp pháp từ Việt Nam 

    25/03/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Một hình ảnh quảng cáo trong chiến dịch do Bộ Nội vụ Anh phát động hôm 25/3 để cảnh báo về hậu quả của việc nhập cư trái phép vào nước này nhắm vào các di dân Việt Nam.

    Một hình ảnh quảng cáo trong chiến dịch do Bộ Nội vụ Anh phát động hôm 25/3 để cảnh báo về hậu quả của việc nhập cư trái phép vào nước này nhắm vào các di dân Việt Nam. 

    Bộ Nội vụ Vương quốc Anh vừa phát động một chiến dịch truyền thông xã hội nhằm ngăn chặn người di cư bất hợp pháp Việt Nam ngày một tăng tìm cách vào nước này bằng đường biển trên các con thuyền nhỏ.

    Chiến dịch bắt đầu hôm 25/3 bằng cách sử dụng quảng cáo trên Facebook và YouTube để cảnh báo cho những người ở Việt Nam có thể đang cân nhắc thực hiện các chuyến đi bất hợp pháp đến Anh, theo một thông báo được đưa ra cùng ngày trên trang web của Chính phủ Anh.

    Bộ Nội vụ Anh nói rằng ngày càng có nhiều người Việt Nam di cư bất hợp pháp đến Anh bằng thuyền nhỏ và quốc gia Đông Nam Á này nằm trong số 10 nước hàng đầu có nhiều người di cư vượt eo biển Manche vào Anh một cách phi pháp.

    Các quảng cáo sẽ được viết bằng tiếng Việt và có lời khai của những người đã bị các băng nhóm buôn lậu người lừa đảo. Bộ Nội vụ Anh nói rằng chiến dịch ở Việt Nam được phát động sau hoạt động tuyên truyền trên mạng xã hội thành công ở Albania vào năm ngoái, góp phần giảm 90% số lượng thuyền nhỏ chở người di cư từ Albania.

    Một thống kê do Bộ Nội vụ Anh công bố hồi tháng 3/2022 cho thấy số người bị nghi là nạn nhân buôn người tới nước này cao kỷ lục trong một thập niên qua, trong đó số nạn nhân người Việt Nam cao thứ 3, chỉ sau người bản xứ và người Albania.

    Chiến dịch quảng cáo của Bộ Nội vụ Anh được phát động sau khi chính quyền nước này và nhiều nước châu Âu thực hiện các đợt trấn áp mạng lưới buôn người đã phát triển mạnh mẽ trong thập niên qua. Anh được xem là một trong những điểm đến chính của nạn nhân buôn người Việt Nam và cũng là nơi 39 người di cư bất hợp pháp mang quốc tịch Việt Nam bị phát hiện chết trong một xe tải đông lạnh hồi tháng 10/2019.

    Các quảng cáo mới được Bộ Nội vụ Anh tung ra sẽ vạch trần những thông tin do các băng đảng tội phạm lan truyền và cho thấy những người thực hiện cuộc hành trình có “nguy cơ mắc nợ và bị lợi dụng bởi các băng nhóm buôn lậu người, những kẻ kiếm lợi từ việc tạo điều kiện cho các thuyền nhỏ vượt biển” đến Anh.

    Chiến dịch cũng sẽ cảnh báo người di cư Việt Nam về “thực tế cuộc sống bất hợp pháp ở Anh, không có quyền và không được tiếp cận các dịch vụ công hay nguồn tài trợ ở Anh,” thông qua những “lời khai thực sự từ những người hối hận vì đã đến Anh bất hợp pháp.”

    Trong một quảng cáo, theo Bộ Nội vụ Anh, một người di cư chia sẻ trải nghiệm ngủ trong trại ở Calais trong 5 đêm dưới sự giám sát của lính canh có vũ trang, trước khi thực hiện hành trình xuyên eo biển Manche từ Pháp đến Anh.

    Người di dân Việt, có tên viết tắt là K., nói trong quảng cáo: “Tôi sẽ không bao giờ mạo hiểm mạng sống của mình trên một chiếc thuyền nhỏ nữa, ngay cả khi anh cho tôi tiền.”

    Bộ trưởng Nội vụ Anh James Cleverly cho biết rằng đây là “một chiến dịch mạnh mẽ chứng minh một cách trực tiếp rằng cuộc sống của những người đến (Anh) bất hợp pháp khác xa với những lời dối trá mà các băng đảng bên kia eo biển Manche nói với họ.”

    “Mở rộng chiến dịch của chúng tôi đến Việt Nam, một đối tác quan trọng khác trong công tác giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp, sẽ giúp chúng tôi cứu được nhiều mạng sống hơn và làm suy yếu mô hình kinh doanh của những tên tội phạm trục lợi từ hoạt động buôn bán hèn hạ này.”

    Bộ Nội vụ Anh cho biết các quan chức hai bên đã hợp tác chặt chẽ với nhau để ngăn chặn các chuyến di cư phi pháp tới Anh và loại bỏ những người bất hợp pháp tại đây.

    Một đặc phái viên của Anh đã tới Hà Nội hồi đầu tháng này và làm việc với Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan hữu quan khác để thúc đẩy hợp tác phòng, chống mua bán người giữa hai nước. Với sự hỗ trợ của chính phủ Anh, một chương trình phòng, chống nô lệ thời hiện đại tại Việt Nam đã được triển khai từ năm 2019.

    Theo Bộ Nội vụ Anh, các quan chức cấp cao của Anh và Việt Nam dự kiến sẽ gặp nhau tại London vào ngày 17/4 để “thảo luận về hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong các vấn đề di dân.”

    Bắt Shark Thủy, Apax Leaders tạm ngừng hoàn học phí cho phụ huynh

    RFA
    26/3/2024

    Bắt Shark Thủy, Apax Leaders tạm ngừng hoàn học phí cho phụ huynh

    Bị can Nguyễn Ngọc Thủy. 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngGTO 

    Apax Leaders sẽ tạm dừng xác nhận học phí và công nợ học phí của phụ huynh; tạm ngừng việc hoàn học phí cho đến khi có kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra.

    Thông tin trên được đại diện Apax Leaders cho truyền thông hay trong ngày 26/3, cùng ngày Bộ Công an có quyết định khởi tố vụ án với ông Nguyễn Ngọc Thủy – còn được gọi là “Shark” Thủy - Chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm tổng giám đốc đại diện pháp luật của Công ty cổ phần đầu tư và phân phối Egame, Tập đoàn giáo dục Egroup – đơn vị sở hữu Apax Leaders.

    Đại diện Egroup cho biết ông Thủy đã chuyển toàn bộ quyền sở hữu cổ phần, quyền cổ đông và quyền điều hành tại hai doanh nghiệp trên cho bà Nguyễn Thị Dung theo điều lệ của công ty và quy định của pháp luật hiện hành.

    Đại diện Apax Leaders cho biết trong thời gian cơ quan chức năng điều tra, Apax sẽ tạm dừng xác nhận học phí và công nợ học phí của phụ huynh. Đồng thời, Apax cũng tạm ngừng việc hoàn học phí cho đến khi có kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra. Ngoài ra, đại diện Apax cũng khẳng định, việc Shark Thủy bị bắt hoàn toàn không tác động đến hoạt động vận hành và giảng dạy tại các trung tâm Anh ngữ đang mở cửa của Apax (chín trung tâm: Hoàng Đạo Thúy, Cẩm Phả, Uông Bí, Lê Hồng Phong – Hải Phòng, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Thanh Hóa).

    Ban lãnh đạo và các Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Apax cam kết duy trì hoạt động liên tục của các trung tâm trên nhằm đảm bảo quyền lợi học tập của các học sinh.

    Trước đó, trong văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về tình hình của các trung tâm Anh ngữ Apax Leaders trên địa bàn, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, số tiền học phí Apax phải hoàn trả cho phụ huynh là 108,1 tỷ đồng, trong đó đã trả 14,3 tỷ đồng, còn nợ khoảng 93,8 tỷ đồng.

    Apax còn nợ lương giáo viên và nhân viên đến tháng 2/2023 là 11,5 tỷ đồng và tiền thuê mặt bằng là 9 tỷ đồng.

    Hệ thống trung tâm Anh ngữ Apax Leaders của Shark Thủy ra đời từ năm 2015 và đã từng trở thành đơn vị có thị phần cao trong cả nước với hơn 120 trung tâm tại 32 tỉnh/thành.

    Sau dịch COVID-19, hệ thống trung tâm Anh ngữ Apax Leaders của Shark Thủy bị phụ huynh trên cả nước tố lừa đảo, thu học phí nhưng không tổ chức dạy học.


    Không có nhận xét nào