Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ năm 28 tháng 3 năm 2024

    Quê Hương tổng hợp

    Vụ tiếp viên Vietnam Airlines mang ma túy về nước: sẽ khởi tố 600 người

    RFA
    28/3/2024

    Vụ tiếp viên Vietnam Airlines mang ma túy về nước: sẽ khởi tố 600 người

    Tang vật được Hải quan thu được từ hành lý của các tiếp viên Vietnam Airlines tại sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM hôm 16/3/2023 

    Hải Quan 

    Vụ nhóm nữ tiếp viên Vietnam Airlines mang ma túy về nước trên chuyến bay từ Paris, Pháp sẽ dẫn đến biện pháp khởi tố 600 người tính đến 30/4 tới đây.

    Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM), Thiếu tướng Mai Hoàng, vào ngày 27/3 thông báo như vừa nêu.

    Ông Mai Hoàng cho biết tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng phá được 180 đường dây, khởi tố 543 bị can, thu giữ hơn 212 kg ma túy các loại, 10 khẩu súng… Tổng số tiền giao dịch trong các vụ buôn bán ma túy liên quan lên đến hơn 25.000 tỷ đồng. Căn cứ trên những tài liệu mà cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) thuộc Công an TP HCM thu thập được, đến ngày 30/4 tới đây tổng số người liên quan vụ này bị khởi tố sẽ lên đến 600 người.

    Như tin đã loan, vào ngày 16/3, cơ quan chức năng phát hiện nhóm nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines mang hơn 11 kg ma túy các loại trong vali trên chuyến bay từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất.

    Theo thông tin được Hải quan và Công an cung cấp cho báo chí, trong bốn vali của các tiếp viên, ngoài các vật dụng cá nhân, có tổng cộng 327 tuýp kem đánh răng (chưa mở nắp, nhiều nhãn hiệu khác nhau, mỗi tuýp được đựng trong một hộp giấy riêng lẻ) và 17 chai nước súc miệng.

    Trong các tuýp kem đánh răng bị kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 157 tuýp chứa tổng cộng hơn 11 kg ma tuý các loại là ketamine và MDMA.

    Trong cuộc họp báo hôm 17/3, Hải quan TPHCM cho biết nhóm tiếp viên, sau khi bị phát hiện mang chất cấm về nước, khai rằng khi ở Pháp họ được một người nhờ xách tay số hàng về nước với tiền trả công là 10 triệu đồng. Do quá bận việc, họ chỉ kiểm tra vài tuýp kem, không thấy có gì bất thường.

    Theo cơ quan công an, vì các tiếp viên không biết bên trong các tuýp kem đánh răng nhận vận chuyển có chứa ma túy nên chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự.

    Vào ngày 22/3, Cơ quan CSĐT thuộc Công an TP HCM ra quyết định trả tự do cho bốn tiếp viên. Vào ngày 27/3, thêm một tiếp viên Vietnam Airlines bị cho có dính líu trong vụ này. Người này được cho biết cung cấp số điện thoại đầu mối gửi hàng tại Pháp cho bốn nữ đồng nghiệp khác để nhận số hàng chưa ma túy và chia nhau mang về Việt Nam.

    Cả năm bị tạm giữ ngay khi khi Hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện vụ việc; tuy nhiên sau đó cả năm đều được cho tại ngoại do gia đình bảo lãnh.

    Thiếu tướng Mai Hoàng vào ngày 27/3 thừa nhận TP HCM là địa bàn phức tạp nhất cả nước Việt Nam về tội phạm ma túy. Chỉ trong quý 1/2024, Công an TP HCM phá hơn 810 vụ với hơn 2.000 người phạm tội về ma túy. Số hàng cấm thu được là gần 16 kg ma túy, hơn 64 kg cần sa, gần 250 kg ma túy tổng hợp…

    Mỹ nhắm đến áp thuế chống trợ cấp cao hơn với tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador 

    28/3/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Công nhân chế biến tôm tại hãng Kim Anh ở tỉnh Sóc Trăng (ảnh tư liệu, tháng 1/2004)

    Công nhân chế biến tôm tại hãng Kim Anh ở tỉnh Sóc Trăng (ảnh tư liệu, tháng 1/2004) 

    Tôm của Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador sẽ phải chịu mức thuế chống trợ cấp cao hơn ở Mỹ, theo quyết định sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ được công bố trên Công báo Liên bang hôm 26/3.

    Các trang Seafood News, Seafood Source và Intrafish dẫn lại quyết định của bộ cho hay bộ đã điều tra về tôm vùng nước ấm được chế biến đông lạnh của 4 nước Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador và Indonesia.

    Từ các cuộc điều tra, Bộ Thương mại Mỹ xác định rằng Indonesia có trợ cấp nhưng chưa đạt đến mức phải chịu thuế trong khi Việt Nam và 2 nước còn lại phải chịu thuế.

    Theo tin của Seafood News, Seafood Source và Intrafish, bộ cho rằng Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador cũng như các công ty ở 3 nước đã hưởng lợi từ các khoản trợ cấp, tạo cho họ lợi thế bất hợp lý trên thị trường Mỹ trong giai đoạn từ 1/1 đến 31/12/2022.

    Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng và các hãng khác của Việt Nam bị xác định sẽ phải chịu mức thuế 2,84%, theo quyết định sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ, các trang tin Seafood News, Seafood Source và Intrafish tường thuật.

    Mức thuế các hãng Việt Nam phải chịu là mức thấp nhất so với 2 nước kia. Phần lớn các công ty Ecuador sẽ bị áp thuế 7,55%, trong khi mức thuế với đa số các hãng Ấn Độ nói chung sẽ là 4,36%, vẫn theo Seafood News, Seafood Source và Intrafish.

    Dữ liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 61,5 nghìn tấn với giá trị là 682 triệu đô la trong cả năm 2023, giảm 15% về giá trị so với năm 2022.

    Sau khi quyết định sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ được đăng trên Công báo Liên bang, các nhà nhập khẩu sẽ phải nộp tiền đặt cọc cho Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ, số tiền này được tính toán theo thuế suất mà bộ xác định và nhân lên với 4 tháng.

    Bộ Thương mại Mỹ đã điều tra và đưa ra quyết định sơ bộ sau khi Hiệp hội các nhà chế biến tôm Mỹ (ASPA) khiếu nại vào tháng 10/2023, đòi áp thuế chống bán phá giá với tôm nhập từ Ecuador và Indonesia, cũng như phải áp thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập từ Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador.

    Hồi giữa tháng 12/2023, bộ ra thông báo nói rằng Ủy ban Thương mại Quốc tế của Mỹ đã điều tra và thấy có cơ sở là một ngành sản xuất ở Mỹ bị thiệt hại bởi tôm nhập khẩu từ Ecuador và Indonesia dường như được bán dưới giá trị hợp lý, và tôm từ Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ và Ecuador dường như được chính phủ các nước đó trợ giá.

    Ủy ban Thương mại Quốc tế của Mỹ là một cơ quan thuộc chính phủ liên bang nhưng hoạt động độc lập, cố vấn cho nhánh hành pháp và lập pháp về các vấn đề thương mại. Cơ quan này điều tra về những sự việc tác động đến các ngành ở Mỹ và chỉ đạo các hành động đối phó với các hành vi thương mại bất hợp lý.

    Thông tin được công bố trên Công báo Liên bang hôm 26/3 mới chỉ là quyết định sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ. Trong vài tháng, bộ phải kiểm chứng các dữ kiện mà các hãng và chính phủ nước ngoài đã nộp. Khi hoàn tất thủ tục kiểm chứng, bộ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng, dự kiến sẽ công bố hôm 5/8/2024.

    Ủy ban Thương mại Quốc tế của Mỹ cũng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng của riêng họ vào ngày 19/9. Nếu cả bộ lẫn ủy ban đều xác định rằng tôm của Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador đã nhận trợ cấp của chính phủ, một lệnh áp thuế sẽ được ban hành.

    Phát thải từ nhà máy điện than của Việt Nam cao kỷ lục vào đầu năm 2024 

    28/03/2024 

    Reuters 

    Một công nhân điện lực ở Cần Thơ.

    Một công nhân điện lực ở Cần Thơ. 

    Lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ các nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam tăng cao chưa từng thấy trong tháng đầu tiên của năm 2024 khi các nhà sản xuất điện của nước này điều chỉnh sản lượng để tránh xảy ra mất điện trở lại như năm ngoái, theo Reuters.
    Việt Nam tăng nhập khẩu than gần gấp đôi tính đến thời điểm này năm nay so với cùng kỳ năm 2023 để sản xuất điện khi chính phủ cố gắng trấn an các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài rằng nguồn cung cấp điện sẽ không bị gián đoạn vào năm 2024.
    Sự gia tăng nhập khẩu than của quốc gia tiêu thụ than lớn thứ 10 thế giới cho thấy lượng khí thải từ đốt than có thể còn tăng cao hơn trong những tháng tới, làm suy yếu các nỗ lực toàn cầu nhằm cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và ô nhiễm.
    Dữ liệu từ tổ chức tư vấn năng lượng Ember cho thấy, lượng khí thải từ đốt than trong tháng 1/2024 là 11 triệu tấn CO2 và các loại khí tương đương, đây là con số cao nhất được ghi lại về tháng 1.

    Tổng lượng phát thải trong tháng 1/2024 cao hơn gần 70% so với tải lượng phát thải trong cùng tháng 1/2023 và cao hơn khoảng 30% so với mức trung bình của tháng 1 trong 5 năm qua - cho thấy có sự chuyển hướng rõ ràng khỏi xu hướng sản xuất năng lượng của những năm trước.

    Sản lượng điện than là 12,75 terawatt giờ (TWh) trong tháng 1/2024, tăng 68% so với tháng 1/2023 và là tổng sản lượng hàng tháng cao nhất kể từ tháng 7 năm ngoái.

    Điện than cung cấp 55% tổng lượng điện của cả nước trong tháng 1, tăng từ mức trung bình 46% vào năm 2023 nói chung.
    Tổng sản lượng điện từ tất cả các nguồn là 23,35 TWh, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023.

    Tổng sản lượng điện than và tổng sản lượng điện đều cao cho thấy các công ty điện lực của Việt Nam rõ ràng cam kết tăng sản lượng, có thể là để đáp lại áp lực từ chính phủ nhằm ngăn chặn tình trạng mất điện như đã diễn ra vào năm 2023 làm ảnh hưởng đến sản lượng tại một số nhà máy và dây chuyền sản xuất lớn.
    Hoạt động công nghiệp phục hồi ở nước láng giềng Trung Quốc cũng có khả năng thúc đẩy các nhà sản xuất điện của Việt Nam tăng sản lượng, vì một số ngành công nghiệp chủ chốt của Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và có xu hướng tăng đơn hàng bất cứ khi nào nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc tăng.

    Nếu lượng mưa trong nước tăng lên trong những tháng tới, hoạt động sản xuất thủy điện có thể phục hồi mạnh mẽ và cho phép hạn chế điện than vào cuối năm nay.
    Sản lượng cao hơn từ các trang trại năng lượng mặt trời và gió cũng có thể cho phép các nhà cung cấp điện hạn chế sử dụng than, đặc biệt là trong những tháng nắng nhất trong năm khi nhu cầu điều hòa nhiệt độ ở mức cao nhất.
    Sản xuất điện gió đã đạt kỷ lục trong tháng 1 khi các trang trại gió mới đi vào hoạt động và sản lượng điện gió sẽ tiếp tục tăng trong thời gian còn lại của năm khi các cơ sở mới hòa vào lưới điện.
    Tuy nhiên, các trang trại năng lượng mặt trời và gió chỉ tạo ra 13,6% tổng điện năng của Việt Nam vào năm 2023 và có thể sẽ gặp khó khăn trong việc nâng tổng sản lượng điện của họ lên cao hơn nhiều trong thời gian tới trong bối cảnh đang có những lo ngại về lợi nhuận của các dự án năng lượng tái tạo mới.
    Điều đó có nghĩa là các công ty điện lực sẽ vẫn phụ thuộc nhiều vào than để đáp ứng phần lớn nhu cầu điện của Việt Nam trong tương lai gần và có thể tiếp tục nâng lượng phát thải từ đốt than lên mức cao mới trong vài năm nữa.

    Ông Phan Xuân Dũng, nhà nghiên cứu về Việt Nam thuộc viện nghiên cứu ISEAS có trụ sở tại Singapore, nói với Reuters rằng Việt Nam bị hạn chế về khả năng sử dụng năng lượng tái tạo và có các cam kết tránh cắt điện khiến việc nhập khẩu thêm than là điều “bắt buộc”.

    Dữ liệu hải quan cho thấy nhập khẩu than, chủ yếu từ Australia và Indonesia, đã tăng khoảng 88% tính đến ngày 15/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ước tính chính thức, trong hai tháng đầu năm, sản lượng cũng tăng 3,3% từ các mỏ trong nước, thường đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu của Việt Nam.

    Một thương nhân tại Việt Nam cho Reuters biết nhập khẩu than dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong nửa cuối năm nay, khi các nhà sản xuất thép và các ngành sử dụng nhiều năng lượng khác dự kiến sẽ thúc đẩy sản xuất.

    Theo nhà điều hành mạng lưới điện Việt Nam, vẫn chưa có thông tin chi tiết về sản lượng điện trong năm nay, nhưng hôm 25/3, các nhà máy điện than chiếm khoảng 60% tổng sản lượng điện.
    Tổng cộng lượng nhập khẩu và sản lượng trong nước cho thấy nguồn cung than vượt 8 triệu tấn/tháng trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2, cao hơn gần 9% so với mức trung bình hàng tháng trong hai năm qua.
    Việt Nam, nằm trong số 20 quốc gia sử dụng than nhiều nhất thế giới tính theo khối lượng, muốn cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu này.
    Trong khi các kế hoạch thúc đẩy năng lượng tái tạo và khí đốt có nguy cơ bị chậm trễ, chính phủ muốn hoàn thành đường dây truyền tải điện từ miền trung đất nước tới miền bắc công nghiệp hóa vào tháng 6. Đó là nơi xảy ra hiện tượng mất điện do thời tiết nóng vào năm ngoái và hình thái khí hậu El Nino làm tăng nguy cơ xảy ra hiện tượng này trong năm nay.

    Miền Tây đang… nấu canh khỏi bỏ muối

    Định Tường

    28/3/2024

    VNTB – Miền Tây đang… nấu canh khỏi bỏ muối

     (VNTB) – “Thôi, nấu canh khỏi bỏ muối, mặn quá rồi, không xử lý được nữa…”.

    Hội thảo “Sống chung với hạn mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra tại trường Đại học Cần Thơ hôm 27-3-2024 xoay quanh việc “thuận thiên”, bàn giải pháp để miền Tây sống chung với hạn – mặn.

    Nắng nóng còn kéo dài đến tháng 5

    Ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết đến thời điểm hiện tại, mức độ xâm nhập mặn tại Tiền Giang, Bến Tre cao hơn so với năm 2016. Tại Bến Tre ngày 26-3, độ mặn 1‰ xâm nhập vào Cửa Đại khoảng 69km; sông Hàm Luông 72km… Đặc biệt, độ mặn quan trắc được tại trạm Mỹ Tho ngày 12-3 là 6,8‰, cao hơn nhiều so với năm 2016 (3,9‰); các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà mau… mặn diễn ra phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm; mức độ xâm nhập mặn ở Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Tiền Giang đã xấp xỉ so với năm 2016 – một trong những năm hạn, mặn kỷ lục ở đồng bằng sông Cửu Long. Riêng tại tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn ở mức xấp xỉ ranh mặn sâu nhất năm 2016, xâm nhập mặn trên sông Cổ Chiên đã sâu hơn ranh mặn sâu nhất năm 2016. Và đợt triều cường gần nhất đã đẩy mặn vào khá sâu nên thời gian giảm mặn sẽ diễn ra dài ngày. Các kênh rạch một số tỉnh miền Tây đang khô cạn, tình trạng sụt lún vẫn còn tiếp tục tại một số tỉnh nam sông Hậu.

    Trong lúc đó thì cuối tháng 3 năm 2024, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang chuẩn bị kết thúc thu hoạch sẽ tiến hành xuống giống vụ lúa hè thu 2024. “Nắng nóng vẫn gay gắt, lượng nước bốc hơi mạnh, nguồn nước từ thượng nguồn thấp nên mặn vẫn tiếp tục xảy ra tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Từ nay đến cuối tháng 5, miền tây Nam bộ còn diễn ra các đợt xâm nhập mặn tăng cao”, ông Lê Ngọc Quyền nhận định.

    “Thôi, nấu canh khỏi bỏ muối, mặn quá rồi, không xử lý được nữa…” là một nhận xét dí dỏm của một đại biểu đến từ Cà Mau.

    Những kịch bản thiệt hại

    Các nhà khoa học tính toán xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất cây ăn quả, hoa màu, lúa và thủy sản hơn 70.000 tỷ đồng/năm. Các nhà khoa học cũng xây dựng kịch bản thiệt hại do xâm nhập mặn vào các năm 2030, 2040 và năm 2050 với mức thiệt hại lần lượt là 72.385 tỷ đồng, 73.530 tỷ đồng và 76.485 tỷ đồng.

    Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, cho rằng nghịch lý là vùng đồng bằng sông Cửu Long là sống trên nước nhưng lại thiếu nước. Điều này là do hạn, mặn và phèn gây ra. Mặn dâng lên nhưng không xác định là bao lâu, độ mặn khác nhau và ngày càng tăng lên, lượng muối trong nước có nơi không thể xử lý nổi.

    Theo tính toán, nhu cầu nước sạch đến năm 2030, vùng đồng bằng sông Cửu Long cần 2,5-2,7 triệu m3/ngày đêm, đến năm 2040 cần 3-3,2 triệu m3. Ông Tuấn cảnh báo đồng bằng không thể lấy nước ngầm để sử dụng nữa vì sụt lún đất. Do vậy, phải tính toán nguồn nước mặt cho cả dân cư đô thị, công nghiệp, sinh hoạt và sản xuất.

    PGS-TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ phân tích: “Bên cạnh yếu tố tự nhiên thì yếu tố con người tác động không nhỏ trong vấn đề mặn tác động. Việc quản lý và khai thác nguồn tài nguyên nước, đất hiện nay cũng chưa phù hợp dẫn đến tình trạng sụt lún của đồng bằng; cũng như tình trạng khai thác cát lòng sông cũng dẫn đến tình trạng hạ thấp đáy sông, tạo thuận lợi cho mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Việc chuyển đổi sử dụng đất có những nơi những chỗ chưa phù hợp cũng là một trong những nguyên nhân đưa nước mặn vào sâu nội đồng”.

    PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung nói rằng mặc dù các cơ quan chức năng đã có những giải pháp áp dụng để kiểm soát như xây dựng các hệ thống kênh rạch dẫn và trữ nước, các công trình ngăn mặn lớn ở đồng bằng sông Cửu Long như hệ thống thủy lợi quản lộ Phụng Hiệp, hệ thống thủy lợi ngọt hóa và ngăn mặn ở Bến Tre, cống đập Ba Lai, hệ thống đê biển cho toàn bộ hệ thống ven biển đồng bằng sông Cửu Long… Tuy nhiên, tình hình mặn xâm nhập vẫn đang diễn ra với cường độ và tính phức tạp ngày càng tăng cao và khó lường.

    Không phải chuyện một sớm một chiều

    Thông thường, hệ thống sông Mekong sẽ ngập mỗi mùa mưa. Nước ngọt từ thượng nguồn sẽ chảy qua đồng bằng và vào biển. Biển hồ Tonle Sap ở Campuchia, ước tính chiếm 30-35% nguồn cung cấp nước cho đồng bằng hạ nguồn, sẽ đầy tràn vào mùa mưa, rồi khi mùa khô tới, từ từ tuôn về đồng bằng. Điều này giúp duy trì nước ngọt ở hạ nguồn dù không có mưa.

    Hồ Tonle Sap thường sẽ cạn vào khoảng tháng 3 cao điểm mùa khô, dẫn tới nước mặn cao hơn ở hạ nguồn, nhưng thường chỉ trong khoảng một tháng, trước khi lũ lại về. Nhưng những năm vừa qua, hồ Tonle Sap thường không có đủ nước. Thủ phạm chính là các đập thủy điện ở thượng nguồn, vốn kiểm soát lượng nước và phù sa một cách nhân tạo trong mùa mưa, và hoạt động khai thác cát ồ ạt ở hạ nguồn, vốn đào sâu thêm lòng sông và gây sạt lở.

    Hiện có 11 đập thủy điện ở Trung Quốc, hai ở Lào và ít nhất 300 đập nữa ở các chi lưu của sông Mekong. Như vậy với thực tế này biến đổi khí hậu khiến thời tiết thất thường, mùa khô đôi khi kéo dài và tình trạng “no dồn đói góp” giữa lụt và hạn khiến tình hình thêm phức tạp. Đây cũng là vòng lẫn quẩn mà các nhà khoa học vẫn chưa thể đưa ra giải pháp cụ thế có tính bền vững ở hội thảo “Sống chung với hạn mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long”

    Chủ tịch Tân Hoàng Minh lãnh 8 năm tù

    Minh Long

    28/3/2024

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/03/ghgft89.jpg

    Bị cáo Đỗ Anh Dũng tại phiên tòa. (Ảnh: nguoiduatin.vn) 

    Ông Đỗ Anh Dũng bị tuyên phạt 8 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    Chiều ngày 27/3, TAND TP. Hà Nội tuyên án đối với 15 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).

    Bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, người bị tuyên mức án cao nhất với 8 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    Cùng tội danh, bị cáo Đỗ Hoàng Việt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh (con trai ông Dũng), bị tuyên 3 năm tù.

    13 bị cáo còn lại, gồm lãnh đạo, nhân viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh và 2 công ty kiểm toán bị tuyên thấp nhất 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cao nhất 30 tháng tù.

    Theo cáo buộc, để giải quyết khó khăn về tài chính, ông Đỗ Anh Dũng ra chủ trương phát hành 9 lô trái phiếu của nhóm Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (Công ty Ngôi Sao Việt), Công ty CP đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil (Công ty Soleil) và Công ty CP Cung Điện Mùa Đông.

    Thực hiện chủ trương, Đỗ Hoàng Việt cùng một số nhân viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh tạo lập hồ sơ phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, hồ sơ này được xây dựng trên các báo cáo tài chính đã “làm đẹp” số liệu, thông qua sự “tiếp tay” của công ty kiểm toán.

    Tiếp đó, các bị cáo tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh lập hợp đồng giả cách, “chạy” dòng tiền khống, hợp thức cho tập đoàn này trở thành trái chủ sơ cấp của các lô trái phiếu. Ông Dũng ủy quyền cho 22 cá nhân ký hợp đồng hợp tác (thực chất là mua bán) trái phiếu cho nhà đầu tư.

    Với việc bán 9 lô trái phiếu, Tập đoàn Tân Hoàng Minh thu về hơn 14.000 tỷ đồng, phần lớn chi tiêu không đúng mục đích và phương án phát hành, trong đó có hơn 5.100 tỷ đồng là tiền của nhà đầu tư sau được dùng để trả cho nhà đầu tư đến hạn trước.

    Hậu quả, 6.630 nhà đầu tư bị chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng. Đến nay, các bị cáo đã nộp và bị tạm giữ tổng số tiền hơn 8.600 tỷ đồng, đủ khắc phục toàn bộ hậu quả.

    Thời đại rực rỡ

    Bs. Võ Xuân Sơn

    26/3/2024

    Đi mua đồ ở Coopmart. Trên đường bước vô cổng của siêu thị, hai cô cậu cỡ khoảng hơn 20 tuổi kè hai bên. Bạn nam: “Cô chú ghé vô gian hàng của con đi. Con cần cô chú ghé để con có lương”. Bạn nữ: “Cô chú vô đi. Tụi con cần có tiền để đi học”.

    Nếu bạn không ghé, bạn là người vô lương tâm. Vì bạn mà các cháu không có lương. Nếu bạn ghé, thì đương nhiên sẽ phải cung cấp tên, số điện thoại, thậm chí là cả kê khai thu nhập. Và sau đó thì số cuộc gọi lừa đảo hàng ngày tăng thêm ít cuộc.

    Mà không chỉ lừa đảo. Khi không lừa được, chúng chửi rất mắt dậy. Đ*t mẹ, đầu bu*i… và rất nhiều ngôn từ đặc trưng vùng miền sẽ xuyên vô tai bạn. Mà nhiều khi những kẻ đang xối xả đ*t mẹ, đầu bu*i… vào tai bạn, là những kẻ vừa mới năn nỉ để được có lương.

    Đứng chờ tính tiền, sắp đến lượt. Một anh chàng chen qua, để 2 chai nước lên trước trên bàn tính tiền. Xong rồi anh ta nói trỏng: “Cháu nó đòi uống ngay”. Tôi không đồng ý. Cháu bé khá hiếu động nên tôi để ý nãy giờ. Tôi thấy cháu chạy chơi, thậm chí nó còn chẳng để ý đến việc cha nó lấy mấy chai nước. Một nhân viên bảo vệ thấy tôi không đồng ý, liền mời anh kia qua một quầy thu tiền trống, rồi kêu một cô thu ngân qua đó tính tiền ngay.

    Tôi hiện nguyên hình là ông già khó tính, không biết nhường nhịn một đứa con nít. Khi cô thu ngân tính tiền xong, anh bảo vệ gọi cháu bé: “Con ra uống nước đi con”. Bé trả lời: “Con không uống, con muốn chơi”. Ông bố la lớn: “Mày vừa đòi uống xong mà bây giờ lại không uống”.

    Đi mua đồ. Bên bán không có ngay, nên hẹn khi có sẽ chuyển lên Đà Lạt. Buổi sáng báo đã có đủ hàng, hỏi có chuyển Thành Bưởi được không. Trả lời OK. Đến chiều, nhắn cái toa vào zalo của bà xã (tôi không xài zalo), xong rồi nhắn SMS cho tôi là hàng đã xong hết, yêu cầu tôi chuyển nốt số tiền còn lại (đã đặt cọc hơn 50%).

    Tôi đang mổ nên không xem, không biết. Về đến nhà, xem zalo của bà xã mới thấy, bà xã hỏi: “Anh chụp giấy biên nhận gửi hàng của nhà xe gửi cho tôi nhé”, shop trả lời: “Chưa nhận CK”. Đối chiếu thời gian, thì sau khi nhắn cho bà xã “Chưa nhận CK”, 30 phút sau nhắn SMS cho tôi, là hàng đã xong hết, rồi yêu cầu tôi chuyển tiền. Và 2 giờ sau đó, nhắn tiếp một tin SMS cho tôi, rằng màu kem tôi đặt không có, chịu khó lấy màu cà phê.

    Chuyện đó xảy ra giữa Sài Gòn, nơi buôn bán phần nhiều dựa trên uy tín. Mà ông bán hàng có vẻ là người Hoa, là những người thường rất uy tín trong buôn bán.

    Đúng là thời đại rực rỡ, chuyện gì cũng có thể.


    Không có nhận xét nào