Quê Hương tổng hợp
Việt Nam phê duyệt công ước về công đoàn độc lập vào tháng 10 để tránh rắc rối với EU?
13/3/2024
Một cuộc đình công ở Việt Nam (ảnh tư liệu).
Quốc hội Việt Nam nhiều khả năng sẽ phê chuẩn Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vào tháng 10 năm nay, DW ở Đức và Taiwan News ở Đài Loan đưa tin hôm 12/3. Mondaq, dịch vụ thông tin có trụ sở ở Anh, đăng bài cùng ngày nói rằng việc Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 “dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 10”.
Tin của DW và Taiwan News viết rằng các quan chức châu Âu tin là Việt nam sẽ phê chuẩn Công ước 87 trước cuối năm nay, theo đó, cho phép công nhân tự do lập công đoàn để làm hài lòng những người lớn tiếng chỉ trích trong khối Liên hiệp châu Âu (EU) và tránh nguy cơ bị các đối tác phương Tây trừng phạt vì Việt Nam chậm chạp về cải cách lĩnh vực lao động.
Trang web của Mondaq nhận xét rằng nếu Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 như được trông đợi, điều đó báo hiệu nước này cam kết sẽ bảo vệ các quyền lao động cơ bản và tuân theo các tiêu chuẩn lao động quốc tế.
Theo tìm hiểu của VOA, Công ước 87 xác định các quyền cơ bản gồm mọi người lao động được tự do thành lập và gia nhập công đoàn theo sự lựa chọn của chính mình mà không phải xin phép trước; quyền tự chủ, tự quản của tổ chức công đoàn trong việc quyết định những vấn đề nội bộ như ban hành điều lệ và các quy định quản lý nội bộ khác, bầu người đại diện, xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác; quyền tự do của các tổ chức công đoàn trong việc thành lập và gia nhập các tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn, cả trong phạm vi quốc gia và quốc tế.
Vẫn theo công ước, các tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn cũng có các quyền và được bảo vệ như đối với tổ chức công đoàn cấp cơ sở. Bên cạnh đó, các tổ chức kể trên không thể bị giải thể hoặc đình chỉ hoạt động bởi các cơ quan chức năng của chính phủ.
DW và Taiwan News nói rằng EU và Canada đã phối hợp gây áp lực lên Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam về việc thực hiện lời hứa sẽ cải cách lĩnh vực lao động khi Việt Nam ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương gồm 11 thành viên và Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam đã thực thi từ năm 2020.
Ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế thuộc Nghị viện châu Âu, mới tới Hà Nội hồi tháng 1, nói trong bản tin đăng trên DW và Taiwan News rằng các văn bản cần thiết để phê chuẩn Công ước 87 của ILO thuộc Liên Hiệp Quốc sẽ được nộp cho Quốc hội Việt Nam vào tháng 10. Ông cho biết thêm rằng các đối tác của ông bên phía Việt Nam đã bảo đảm với ông rằng họ sẽ làm đúng cam kết về cải cách.
“Bước đi này cho thấy cam kết của Việt Nam về tăng cường các quyền lao động, một động thái mà tôi tin là không chỉ có lợi cho lực lượng lao động của Việt Nam mà cũng đóng vai trò then chốt trong việc củng cố quan hệ thương mại của chúng ta”, ông Lange nói với DW.
Tuy nhiên, một số người lên tiếng cảnh báo rằng ngay cả khi Việt Nam phê chuẩn công ước, nước này sẽ tiếp tục tìm cách trì hoãn việc thực thi các quy định, theo tin trên DW và Taiwan News.
“Phê chuẩn mới chỉ là bước đầu của thực thi”, bà Judith Kirton-Darling nói. Bà là Tổng Thư ký của industriAll, một công đoàn ở châu Âu, và từng là nghị sĩ trong Nghị viện châu Âu theo dõi thỏa thuận thương mại tự do EU-Việt Nam.
Bà lưu ý rằng Hà Nội phê chuẩn Công ước 98 của LHQ về quyền tổ chức và thương lượng tập thể nhưng việc thực thi “đã diễn ra cực kỳ chậm chạp và liên tục bị đình hoãn”.
Cải cách lao động là một trong những điều kiện chính mà EU ràng buộc khi đàm phán về hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Hai bên thậm chí đã tạo ra một diễn đàn để các chuyên gia độc lập người Việt có cơ hội đánh giá sự tiến bộ của Hà Nội trong nỗ lực cải cách. Thế nhưng một vài người trong số các chuyên gia đó đã bị bắt và bị bỏ tù, những diễn biến này bị các tổ chức nhân quyền xem là có động cơ chính trị.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Khu vực châu Á của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, chỉ ra rằng ngay cả khi Đảng Cộng sản cho phép một số dạng hội nhóm độc lập đại diện cho người lao động, gần đây, đảng này đã thông qua một “chiến lược” để tăng cường ngăn chặn các nhóm như vậy tạo dựng được chỗ đứng trong xã hội.
Đó là Chỉ thị 24, được Bộ Chính trị của đảng duyệt hồi năm ngoái, DW dẫn lại lời của ông Robertson cho biết.
Như VOA đã đưa tin, nội dung chỉ thị bị lộ ra ngoài cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang chuẩn bị để bóp nghẹt các tổ chức lao động độc lập mà Việt Nam đã hứa sẽ cho phép hoạt động như được nêu trong các thỏa thuận thương mại quốc tế.
Nhục
Lê Kiên Thành
2/3/2024
Hình ảnh một người đàn bà mới học hết lớp 12, đã từng buôn vải ở chợ Soái Kình Lâm (Chợ Lớn), đã từng bị tố giác hối lộ quan chức cả triệu đô la, điềm nhiên làm chủ một ngân hàng, điềm nhiên làm chủ rất nhiều mảnh đất kim cương của thành phố to nhất nước, rút ruột, làm thất thoát và chuyển ra nước ngoài cả nhiều nhiều nghìn tỷ đồng… trước mắt biết bao nhiêu hàng rào kiểm soát và thanh tra, đã dấy lên trong tôi một nỗi xót xa mang tên NHỤC!
Cũng người đàn bà ấy, hôm nay, sau bao ngày bị cầm tù, lấy cung, tra hỏi, trước vành móng ngựa, trước những quan toà, viện kiểm sát nghiêm khắc nhất, đàng hoàng, đĩnh đạc phủ nhận mọi cáo buộc đã như đâm vào tim tôi một nỗi đau mang tên NHỤC!
Tệ hơn nữa, khi biết rằng đó không chỉ là đơn lẻ, còn không ít người như người đàn bà ấy, đang đi trên đúng con đường ấy, đang ngày đêm múa may đủ kiểu, thao túng đủ kiểu, bất chấp đủ kiểu, biến cả nền kinh tế thành con tin của họ. Và tôi thấy nghẹn trong cổ một cái gì đấy lớn hơn cả một nỗi NHỤC!
***
Nhà giáo Thái Hạo bình luận: Thú thực, nhìn vào cái tiêu đề bài báo này của Tuổi Trẻ, tôi phải đoán mò mãi. “Phủ nhận thao túng toàn bộ”, tức là thừa nhận đã thao túng một phần ư?
Nhưng có vẻ không phải. Do không tìm được trang báo đã in toàn bộ bài viết có cái tiêu đề ấy, nên tôi đành phải dựa vào nội dung status của ông Lê Kiên Thành – chính là status đã đăng kèm bức hình bên dưới. Ông viết: “Cũng người đàn bà ấy, hôm nay, sau bao ngày bị cầm tù, lấy cung, tra hỏi, trước vành móng ngựa, trước những quan toà, viện kiểm sát nghiêm khắc nhất, đàng hoàng, đĩnh đạc phủ nhận mọi cáo buộc đã như đâm vào tim tôi một nỗi đau mang tên NHỤC!”.
“Phủ nhận mọi cáo buộc”, vậy thì không phải là “phủ nhận thao túng toàn bộ”. Nếu bài báo của Tuổi trẻ có nội dung đúng như ông Thành thuật lại trên Facebook cá nhân thì tiêu đề phải được sửa lại, ví dụ: “Bà Trương Mỹ Lan phủ nhận toàn bộ cáo buộc thao túng [SCB]”.
Nhiều người sẽ bảo, làm gì mà bắt bẻ kỹ thế! Hàng núi tiền không bàn lại đi soi từng con chữ của một bài báo! Xin thưa, về các vụ án ở Việt Nam, cả án kinh tế lẫn tham ô tham nhũng, tôi hầu như không còn cảm xúc gì. Ai trồng khoai đất này! Vấn đề là căn nguyên sinh ra sâu mọt chứ không phải bản thân sâu mọt.
Sai một li đi một dặm, khác nhau một chữ thôi đã làm thay đổi hoàn toàn nội dung. Khi chúng ta dễ dãi chấp nhận những kiểu viết lách tùy tiện như ở tiêu đề bài báo này, tức dễ dãi với tư duy, nhận thức, thì rất khó để hy vọng mọi thứ có thể tốt lên.
Không nghiêm túc được từ việc nhỏ [mà đây không phải việc nhỏ] thì làm sao có thể làm ăn tử tế trước việc lớn?
Giá vàng trên thị trường vẫn tiếp tục… “nhảy múa”
Hàn Lam
13/3/2024
(VNTB) – Chỉ trong vòng 1 tuần, giá vàng trong nước liên tục lập kỷ lục mới
Thị trường vàng trong nước đã chứng kiến diễn biến chưa từng có khi liên tục “xô đổ” các mốc kỷ lục chỉ trong thời gian ngắn, không chỉ với vàng miếng mà cả vàng nhẫn. Cụ thể tại thời điểm 14 giờ 30 phút ngày 10-3-2024, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 79,5 – 82,02 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 1,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1,6 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên đầu tuần.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji tại Hà Nội niêm yết giá vàng ở mức 79,45 – 81,95 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 1,1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,6 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên đầu tuần.
Trong phiên giao dịch, Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn ở mức 69,82 – 71,12 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), so với ngày 4-3, Bảo Tín Minh Châu đã tăng giá vàng nhẫn thêm 3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 3,14 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Đây hiện là vùng giá cao nhất mà vàng nhẫn có được từ trước đến nay. So với hồi đầu năm, giá vàng nhẫn tại đây đã tăng gần 8 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng ròng 13%.
Như vậy so với giá vàng thế giới quy đổi, hiện giá vàng miếng SJC đang cao hơn 16,73 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn 9999 cao hơn 4,33 triệu đồng/lượng.
Chốt phiên giao dịch tuần, giá vàng thế giới đứng ở mức 2.179 USD/ounce, tăng mạnh 97 USD/ounce so với chốt phiên tuần trước. Giá vàng tăng liên tục không có điểm dừng chủ yếu nhờ đồn đoán về khả năng Mỹ sắp cắt giảm lãi suất. Thị trường kim loại quý này tính trong cả tuần qua đã ghi nhận mức tăng theo điểm phần trăm mạnh nhất kể từ giữa tháng 10-2023.
Chris Vecchio, Giám đốc bộ phận Hợp đồng tương lai & Forex tại Tastylive.com, cho rằng thị trường cần một chút thời gian để “hít thở”. Theo ông, đây chỉ là khởi đầu cho đợt phục hồi của vàng; tuy nhiên, ông nói thêm rằng điều quan trọng là phải nhận ra thời điểm chốt lời. Ông Chris nói: “Mọi người đang nói về mức cao kỷ lục của vàng tính theo đồng USD Mỹ, nhưng đồng bạc xanh cũng ở mức cao kỷ lục tính theo mọi loại tiền tệ khác. Đó không chỉ là câu chuyện về đồng USD. Đây là vấn đề toàn cầu đang hỗ trợ thị trường. Vàng dường như đang chuyển động với dự đoán về thực tế là chúng ta sắp có lãi suất thấp hơn trên toàn thế giới. Đồng thời, mức nợ ở khắp mọi nơi đang tăng lên đến mức không thể chịu đựng được”.
Mặc dù vàng được dự đoán sẽ vẫn trong xu hướng tăng mạnh nhưng một số nhà phân tích lưu ý rằng nó có thể nhạy cảm với một số hoạt động chốt lời. “Vàng đã tăng giá. Một mặt, đó là dấu hiệu rất lạc quan, mặt khác, làm dấy lên một số lo ngại rằng đợt tăng giá chủ yếu được thúc đẩy bởi các nhà đầu cơ mà chúng tôi biết là không phù hợp với vị trí của họ”, Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo cho biết.
Ở trong nước, theo ghi nhận thì thời gian gần đây, nhu cầu mua vàng nhẫn 9999 tăng mạnh, nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố đã chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua việc tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đang tổng kết, đánh giá việc triển khai nghị định 24, trong đó sẽ đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng phù hợp.
Sau tuyên bố này của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, nhiều người nắm giữ vàng miếng lo lắng đã bán ra và mua vào vàng nhẫn. Vì hiện nay so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC đang cao hơn 16,73 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn 9999 cao hơn 4,33 triệu đồng/lượng.
Chuyến công du của Giáo hoàng nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Vatican
Nguồn:The Diplomat – A Papal Tour to Normalize Relations Between Vietnam and the Vatican
Anh Khoa dịch
13/3/2024
(VNTB) – Việt Nam và Vatican đều cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Việt Nam sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Vatican vào nửa cuối năm nay, khi Đức Giáo hoàng Phanxicô dự kiến sẽ bắt đầu chuyến công du của Giáo hoàng, chuyến công du đầu tiên kể từ khi quan hệ giữa Tòa thánh và Hà Nội bị cắt đứt vào khi chiến tranh Đông Dương kết thúc năm 1975.
Đó là đỉnh cao của 25 năm ngoại giao thầm lặng – và đôi khi đấu tranh quyết liệt và chậm chạp – đã giúp Giáo hội Công giáo tiếp tục cuộc sống bình thường ở Việt Nam, mua tài sản và xây dựng nhà thờ trong bối cảnh dần dần dỡ bỏ các hạn chế đối về số chủng sinh và linh mục được thụ phong.
Nhưng đó cũng là loại thỏa thuận mà các quan chức cộng sản cứng rắn có thể đã chế giễu cách đây 50 năm khi miền Nam Việt Nam bị sáp nhập vào miền Bắc khi cuộc chiến kéo dài 20 năm kết thúc. Việt Nam vẫn chính thức là quốc gia vô thần, và tôn giáo vẫn là lời nguyền đối với nhà nước độc đảng.
Bộ trưởng Quan hệ với các Quốc gia của Vatican, Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher nói rằng Vatican đang hy vọng khuyến khích nhà chức trách “theo hướng tự do tôn giáo hơn… nhưng đây rõ ràng là một công việc đang được tiến hành” – sau một số cuộc gặp cấp cao ở Rome với các quan chức Việt Nam.
Một Nhóm làm việc chung, một cơ chế đối thoại thường xuyên, được thành lập vào năm 2009, và vào tháng 7 năm ngoái, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đã ký kết Thỏa thuận về tư cách của Đại diện thường trú của Giáo hoàng và Văn phòng Đại diện Giáo hoàng thường trú tại Việt Nam.
Chữ ký đó cho phép Vatican bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, một vị giám mục người Ba Lan 60 tuổi và là nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm của Vatican, làm Sứ thần đầu tiên của Giáo hoàng tại Việt Nam, kể từ ngày 31 tháng 1. Lời mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Việt Nam sau đó đã được gia hạn.
Việt Nam là quốc gia cộng sản duy nhất có đặc sứ giáo hoàng thường trú và củng cố sự khởi đầu mới trong quan hệ song phương là sự thừa nhận của Hà Nội về vai trò của Giáo hội Công giáo trong đời sống xã hội thông qua hoạt động từ thiện, chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Chính phủ vẫn có thể hạn chế số lượng và quy mô của các giáo xứ và yêu cầu phải có tham vấn trước về việc bổ nhiệm các giám mục và tổng giám mục. Tuy nhiên, không giống như Trung Quốc, Vatican không yêu cầu Hà Nội chấp thuận khi bổ nhiệm giám mục và tổng giám mục. Điều quan trọng là cả hai bên đều cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Gallagher cho biết việc nâng cấp quan hệ cũng thể hiện sự đổi mới trong thái độ của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế và Giáo hội. Ngài dự kiến sẽ đến thăm Hà Nội vào tháng tới và Quốc vụ khanh Vatican là Đức Hồng Y Pietro Parolin sẽ đi sau.
Đối với bảy triệu người Công giáo Việt Nam, chiếm 7,4% dân số, chuyến viếng thăm của Giáo hoàng có thể so sánh với chuyến thăm lịch sử của Giáo hoàng John Paul II tới Ba Lan vào năm 1979 và mở ra một kỷ nguyên mới được quốc tế chấp nhận.
Kitô giáo vẫn là tôn giáo lớn nhất thế giới với 2,4 tỷ tín đồ. Trong số đó, 1,4 tỷ người theo đạo Công giáo và Vatican vẫn có ảnh hưởng to lớn trên trường ngoại giao quốc tế.
Các nhà phân tích cho rằng bình thường hóa quan hệ sẽ nâng cao uy tín của Việt Nam hiện đang là thành viên của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc và sẽ làm giảm bớt một số lo ngại ở Hoa Kỳ liên quan đến tự do tôn giáo và có lẽ cả nhân quyền.
Hà Nội cũng sẽ có được đòn bẩy ngoại giao với Hoa Kỳ, với 700.000 người Công giáo Việt Nam, và có nhiều cơ hội hơn để được đưa ra khỏi danh sách “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ.
Hà Nội muốn dỡ bỏ danh hiệu này trong bối cảnh thúc đẩy mối quan hệ tốt hơn với phương Tây nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn khu vực, vốn được hình thành thông qua chính sách mở cửa thương mại cũng đã tiếp thêm sinh lực cho cảnh quan văn hóa và tôn giáo.
Điều đó không có nghĩa là mọi thứ ở Việt Nam đều ổn mà là rất không ổn. Một báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, công bố vào tháng 1, đã thống kê được hơn 160 tù nhân chính trị đồng thời kêu gọi “chấm dứt việc đàn áp có hệ thống đối với những người chỉ trích ôn hòa”.
Tuy nhiên, mối quan tâm hàng đầu của Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn là việc chăm sóc mục vụ cho người Công giáo Việt Nam, điều mà một nhà phân tích lưu ý cũng đã làm sống lại “Ostpolitik” – một biện pháp xoa dịu nhằm giành lại tự do cho một cuộc sống bình thường của những người Công giáo ở Việt Nam.
Ít nhất, từ quan điểm đó, chuyến công du của Giáo hoàng và việc bình thường hóa quan hệ giữa Vatican và Việt Nam chỉ có thể được coi là một thành công về mặt ngoại giao.
Thầy Thích Pháp Hoà: “Quê hương tôi đất rộng, cò bay thì được, tôi về thì không”
Hiền Vương/VNTB
(VNTB) – “Không dấu hiệu nào về chính trị” để cho Hà Nội ngại ngần về thầy Thích Pháp Hòa
“Đường không cách trở bao nhiêu
Cò bay thì được, tôi về thì không”…
(Buồng cau quê ngoại, tân cổ Thu An)
Đó là trải lòng của nhà sư Thích Pháp Hòa trong một Pháp thoại ở Thái Lan đầu tháng 3-2024. Tâm sự này ở một nhà sư đã gây xúc động với tất cả thính giả ở khán phòng. Vì lẽ tế nhị nào đó, thầy Pháp Hòa không nêu cụ thể lý do vì sao mà nhà nước Việt Nam “không hoan nghênh” về sự trở về này.
Một Phật tử có nhận xét: “Thầy Pháp Hòa không thuyết giảng đức tin tôn giáo. Thầy dùng Phật pháp và những chánh niệm đạo pháp như phương tiện để chuyển tải những thông điệp ý nghĩa và lẽ sống bác ái, dạy người nghe biết tự chế ngự tâm tính mình. Người nghe như bị lôi cuốn những chánh pháp từ bi, hướng thiện, được truyền đạt bằng một ngôn ngữ Việt giản dị, chân thành lại dí dỏm nhưng đầy uyên thâm, trí tuệ. Chứa đựng đủ những điển tích, thi văn, lịch sử.
Phật tử nghe càng thấm nhuần, hiểu hơn lời Phật dạy để sống tịnh mặc với chân lẽ đó. Còn chẳng phải Phật tử, người nghe vẫn cảm nhận sâu xa con đường dẫn đến sự bình an tâm hồn. Đó là lý do hàng triệu người Việt trong và ngoài nước đã đến với thầy Pháp Hòa trong vài năm qua và ngày càng đông đảo hơn”.
Thầy Pháp Hòa không kêu gọi “cúng dường”, và cũng không… ngợi ca thể chế chính trị đương thời ở Việt Nam như nhiều nhà sư quốc doanh tại quê nhà răm rắp phụng sự theo tôn chỉ “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.
Tuy vậy lý lịch tóm lược cho thấy “không dấu hiệu nào về chính trị” để tạo cho Hà Nội sự ngại ngần về thầy Thích Pháp Hòa, ngoại trừ sự nổi tiếng với đông đảo ‘fan’ hâm mộ: Thầy sinh năm 1974 tại Cần Thơ. Thầy là con trưởng trong gia đình có hai người con trai. Năm lên 6 tuổi, cha thầy đã sang Canada định cư. Đến năm 12 tuổi thì mẹ, thầy và em trai mới được bảo lãnh sang Canada. Tuy sống tại nước ngoài nhưng thầy đã duyên với Phật pháp từ bé.
Sau khi được làm lễ quy y Tam Bảo, thầy Pháp Hòa đã nhờ mẹ lập bàn thờ Phật để hàng đêm đọc kinh, cúng dường. 15 tuổi, khi đã đủ hạnh nguyên, thầy Pháp Hòa chính thức xuất gia tu hành với Thượng tọa Thích Thiện Tâm (hiện nay là Hòa thượng, Viện chủ tu viện Trúc Lâm và tu viện Tây Thiên ở Canada).
Năm 1994, khi tròn 20 tuổi, thầy Thích Pháp Hòa chính thức được thọ ký tỳ kheo tại làng Mai (Pháp) trong sự kiện Đài giới đàn Hương Tích của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Năm 1999, thầy được Thiền sư Thích Nhất Hạnh truyền đăng với bài kệ pháp: “Pháp đã trao lòng từ vàng thuở, hòa quang tiếp độ khắp quầng sân/Sen nở rạng ngời tròn chẳng nhiễm, độ hết muôn phương chốn hữu tình”.
Năm 2006, thầy được tấn phong là trụ trì của Trúc Lâm Thiền Viện. Năm 2007, thầy làm trụ trì của Tây Phương Thiền Viện, và được bầu làm Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Edmonton (Canada). Đến nay, thầy Thích Pháp Hòa cũng là một trong những số ít bậc tu hành sinh sống tại nước ngoài nhưng vẫn được lòng quý Phật tử trong nước.
Các bài thuyết giảng của thầy Pháp Hòa có nhiều chủ đề khác nhau: từ tình cảm gia đình đến tình yêu đôi lứa, từ lòng từ bi hỷ xả đến sự thù hận, hờn ghét,… đều được khéo léo lồng ghép với nhau để gần gũi với đại chúng. Thông qua đó, người nghe sẽ có dịp được mở mang góc nhìn và chiêm nghiệm về những vấn đề khác trong cuộc sống.
Từ đây tư tưởng và triết lý sâu xa của Phật giáo cũng được thấm nhuần một cách bền bỉ dưới hình thức kể chuyện gần gũi, thân thiện của thầy.
Trong giao tiếp, đặc biệt là thầy Pháp Hòa thường dùng nhân xưng “Pháp Hòa” hay “em” trong các Pháp thoại mà không xưng “thầy” như nhiều nhà tu hành khác. Thầy luôn gọi các Phật tử là “đại chúng”.
Ở chuyến hoằng pháp tại Thái Lan đầu xuân Giáp Thìn, theo ghi nhận có thầy Thích Minh Phú, Phó ban Từ thiện Xã hội Phật giáo TP.HCM cùng Phật tử chùa Tường Nguyên (quận 4) đón thầy Pháp Hòa ở sân bay Thái Lan.
Trở lại với câu ca “cò bay thì được, tôi về thì không…”.
Ngày 10-11-2023, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ký ban hành Quyết định số 1334/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới”. Theo đó ở phần “Phương châm” có nhấn hai ý là, “Các chính sách, quy định, biện pháp nhằm phát huy nguồn lực của NVNONN cần mạnh dạn, có đột phá, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng của đông đảo NVNONN.
Kết hợp hài hòa giữa công tác thu hút với công tác bồi dưỡng, hỗ trợ, phát triển nguồn lực NVNONN vì mục tiêu lâu dài”.
Và phương châm thứ ba lại là… răn đe: “Trong khi tranh thủ nguồn lực kiều bào, tiếp tục tăng cường cảnh giác, kiên quyết đấu tranh đối với các âm mưu và hành động khống chế cộng đồng, lợi dụng cộng đồng để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Từ những gì đã nêu ở Đề án này, để chứng minh rằng người cộng sản nói là làm, thiết nghĩ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần thiết “ủy quyền” cho một ngôi thiền tự nào đó ở Việt Nam đứng ra tổ chức các buổi hoằng pháp, với diễn giả chính là sư thầy Thích Pháp Hòa. Đây sẽ là một hành động thuận lòng dân, và giúp xóa dần cách nghĩ lâu nay là thể chế này “tự do tôn giáo” luôn mang… “định hướng chính trị” nặng tính thù địch.
Ba người Thượng theo đạo Tin Lành được trả tự do
Công an Việt Nam thả ba tín đồ của một Hội Thánh Tin lành độc lập bị công an bắt giữ cách đây một tuần.
3 người này là người dân tộc Êđê ở xã Ea Bhok, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk và là thành viên của Giáo hội Tin lành tại gia không được công nhận.
Công an đã thả ba người này ra, cho phép họ trở về nhà thuê ở tỉnh Bình Phước. 3 người bị bắt có hộ khẩu thường trú tại buôn Ea Khit, xã Ea Bhôk và đi làm công nhân ở Đồng Xoài, Bình Phước.
Mục sư người Ê Đê Y Khen Bdap nói trước khi họ được thả rằng ông rất lo lắng và hồi hộp khi công an bắt giữ người mà không thông báo cho ai biết.
Những người bị công an bắt đi là Y Qui Bdap (42 tuổi), anh trai của mục sư, cùng con trai và cháu trai Y Nam Bkrong và Y Kic Bkrong, cả hai đều 26 tuổi. Ông Y Qui Bdap là nhà truyền giáo.
Mục sư Bdap cho biết giám đốc công ty báo cho biết công an đã bắt người mang đi.
Sau khi bị bắt, mục sư Bdap cho biết gia đình ông đã hỏi công an xã Ea Bhok rằng người thân của ông hiện đang bị giam giữ ở đâu nhưng không nhận được thông tin chi tiết.
“Công an đã bắt người nhà tôi đi khi họ đang làm việc tại công ty vào sáng ngày 6/3. Họ bị bắt bắt và giam giữ họ mà không có bất kỳ lời giải thích hay lệnh nào”, Bdap nói với RFA.
Mục sư cho biết công an đã kiểm tra giấy tờ của 3 người này vào đêm hôm trước. Qua hôm sau thì bị công an bắt và áp giải đi. Ông Y Qui Bdap cho đài RFA biết:
“Lúc 10 giờ đêm ngày 05/03/2024, công an tỉnh Đắk Lắk và công an Bình Phước đến phòng trọ điều tra căn cước và lục soát chỗ ở của họ.
Đến sáng ngày 06/03, vào lúc 10 giờ sáng, công an đến công ty nơi làm việc và áp giải ba người khi họ đang làm việc. Công an bắt giữ họ mà không đưa ra lý do hay giấy triệu tập.”
Ông Y Qui Bdap đã gặp quan chức của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội vào năm 2020 để báo cáo về việc chính quyền địa phương liên tục sách nhiễu nhà thờ của ông.
Năm 2004, ông Bdap từng phải ngồi tù 4 năm vì các hoạt động tôn giáo. Ông cáo buộc chính quyền liên tục đàn áp ông và các lãnh đạo giáo hội khác kể từ khi thành lập hội thánh Tin Lành tại gia của ông hồi năm 2017.
Ông bị triệu tập đến đồn công an vì các hoạt động tôn giáo, thậm chí chính quyền cũng cấm ông tổ chức lễ Giáng sinh.
Những vụ bắt giữ gần đây có liên quan đến các hoạt động tôn giáo của hội thánh Tin Lành và có lẽ là các hoạt động liên quan đến nhân quyền.
Những người bị giam giữ và các Kitô hữu khác tổ chức các sự kiện nhân quyền hàng năm như Ngày Quốc tế Tưởng nhớ Nạn nhân của Hành vi Bạo lực Dựa trên Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng (22 tháng 8) và Ngày Nhân quyền Quốc tế (10 tháng 12).
Giáo hội Tin lành tại gia không được chính quyền công nhận. Tín đồ Tin Lành bị sách nhiễu, bắt giữ và ngăn cản tổ chức các hoạt động tôn giáo.
Trong khi đó, Hội nghị bàn tròn Tự Do Tôn giáo và Tín ngưỡng Việt Nam, một diễn đàn thúc đẩy tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở quốc gia Đông Nam Á, đưa tin, nhà truyền giáo Hội Thánh Tin Lành Chúa Kitô Tây Nguyên ở Xã Ea, ông Y Bum Bya đã tử vong tại một nghĩa trang cách nhà ông 800m ngày 8/3.
Họ cho biết ông Bya đã bị công an thẩm vấn, đánh đập nhiều lần và buộc phải rời khỏi nhà thờ vào tháng 12 năm ngoái.
Đại sứ Mỹ sắp dẫn đoàn Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh về Đầu tư ở Mỹ
12/03/2024
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper phát biểu tại tọa đàm 30 năm Mỹ xóa cấm vận thương mại Việt Nam, 2/2/2024. Photo Facebook US Embassy in Hanoi.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper hôm 12/3 cho biết ông sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tới dự Hội nghị Thượng đỉnh về Đầu tư SelectUSA tại Hoa Kỳ vào tháng Sáu năm nay.
Đại sứ quán Mỹ cho biết trên Facebook rằng sự kiện xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hoa Kỳ, được coi là “số một” ở Mỹ, sẽ diễn ra từ ngày 23 tới 26 tháng 6.
Ông Knapper cho biết rằng sự kiện này sẽ cho đoàn Việt Nam “được thấy môi trường kích thích đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Hoa Kỳ như thế nào”.
Đại sứ Mỹ “khuyến khích” các doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội nghị Thượng đỉnh về Đầu tư tại Hoa Kỳ, “dù quý vị đang muốn thành lập cơ sở mới hay mở rộng hoạt động kinh doanh tại Hoa Kỳ”.
Cùng ngày 12/3, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh Susan Burns cho biết rằng bà “rất vui mừng” khi có cơ hội phát biểu khai mạc buổi hội thảo “Đầu tư Kinh doanh ở Hoa Kỳ” do Thương Vụ Hoa Kỳ tổ chức liên quan tới Hội nghị Thượng đỉnh về Đầu tư SelectUSA.
Năm ngoái, theo Đại sứ Knapper, ông cũng dẫn đầu một đoàn Việt Nam tới tham dự sự kiện diễn ra ở khu vực thủ đô của Hoa Kỳ.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, năm 2023, đoàn Việt Nam dự sự kiện SelectUSA có hơn 30 đại biểu từ 20 doanh nghiệp đã hoặc đang có ý định đầu tư sang Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau như sản xuất lắp ráp xe và pin xe điện, công nghệ, phần mềm, thiết kế nội thất, xây dựng, logistics, vận tải, thực phẩm, bao bì…
Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở thủ đô của Mỹ khi đó đã tổ chức buổi gặp mặt các doanh nghiệp Việt Nam với sự tham dự của bà Diane Farrell, Phó Thứ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, và các đại diện của Bộ Ngoại giao, Năng lượng, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), chính quyền một số bang các doanh nghiệp Việt Nam có dự án đầu tư, một số hiệp hội và các doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư tại Việt Nam.
Thông báo về việc phái đoàn ngoại giao Mỹ tổ chức đoàn tham dự hội nghị vào tháng 6, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết SelectUSA là một chương trình của Bộ Thương mại Hoa Kỳ nhằm xúc tiến và hỗ trợ các hoạt động đầu tư vào Mỹ cũng như giúp các nhà đầu tư tìm được thông tin cần thiết để đưa ra quyết định. Theo Đại sứ quán Mỹ, Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư SelectUSA lần thứ 10 là cơ hội để tiếp tục thúc đẩy đà phát triển của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam, mà hai nước vừa ký kết hồi tháng 9 năm ngoái.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, hôm 2/2, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm đánh dấu 30 năm ngày chính phủ Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận thương mại đối với Việt Nam.
Đại sứ Knapper cho biết rằng từ khi lệnh cấm vận thương mại được gỡ bỏ năm 1994 và hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, đến năm 2022, kim ngạch thương mại hai song phương giữa Mỹ và Việt Nam đã đạt 139 tỷ USD, tăng gấp 300 lần so với năm 1995.
Nếu đắc cử tổng thống, Trump sẽ lại "rờ" đến thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ
Thu Hằng /RFI
13/3/2024
Donald Trump và Joe Biden nay gần như chính thức trở thành ứng viên của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2024. Giới chuyên gia, được Reuters trích dẫn ngày 12/03, cho rằng trong trường hợp ông Trump thắng cử, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng song phương.
Ảnh tư liệu : Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi họp báo tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 12/11/2017. REUTERS/Kham
Việt Nam xuất sang Mỹ một khối lượng lớn pin mặt trời và nhiều thiết bị điện tử khác. Theo dữ liệu của Hoa Kỳ, Việt Nam đã xuất siêu sang Mỹ 104 tỉ đô la trong năm 2023, chỉ sau Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu và Mêhicô.
Công ty nghiên cứu BMI, thuộc tập đoàn Fitch Ratings, cho rằng « Việt Nam bị tác động lớn nhất từ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của Hoa Kỳ ». Trong số những nước không có thỏa thuận tự do mậu dịch với Washington, Việt Nam nằm trong số những nước phụ thuộc nhiều nhất vào xuất khẩu hàng điện tử, cũng như « những sản phẩm dễ bị hải quan Mỹ nâng thuế trong trường hợp ông Trump trở thành tổng thống ».
Sản phẩm điện tử (máy tính, điện thoại thông minh), chiếm khoảng 36% khối lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, có tổng trị giá khoảng 114 tỉ đô la năm 2023. Trong số này, gần 5 tỉ đô la (so với 3,2 tỉ năm 2022) xuất khẩu pin mặt trời, trong khi Washington giám sát chặt chẽ hai nguy cơ: Trung Quốc sử dụng nguyên liệu thô từ Tân Cương và Việt Nam làm trạm trung chuyển cho pin mặt trời Trung Quốc.
Tuy nhiên, một đại diện doanh nghiệp Việt Nam, xin ẩn danh, cho rằng Hà Nội cũng có thể hưởng lợi từ chính sách cứng rắn của Hoa Kỳ với Trung Quốc nếu ông Trump đắc cử tổng thống. Dưới thời Trump trước đây, Việt Nam là một trong những nước thu hút đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài sau khi Trump tăng thuế đối với sản phẩm Trung Quốc. Chuyên gia Florian Feyerabend, đại diện của Quỹ Konrad Adenauer của Đức tại Việt Nam, cho rằng xu hướng này có thể sẽ gia tăng dưới thời Trump, nếu ông tái đắc cử.
Ngược lại, nếu ông Joe Biden tái đắc cử, sẽ không có bất kỳ thay đổi nào trong việc ủng hộ ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Đây là một trong những trọng tâm của chính sách « hữu nghị » của ông Biden nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp liên quan đến Trung Quốc.
Không có nhận xét nào