Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ năm 07 tháng 3 năm 2024

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Ngoại trưởng Vương Nghị: Mỹ có « cái nhìn sai lạc » về Trung Quốc

    Thanh Hà /RFI

    07/3/2024

    Mạnh mẽ chỉ trích Hoa Kỳ duy trì áp lực kềm tỏa Trung Quốc, ca ngợi quan hệ đối tác Matxcơva - Bắc Kinh và khẳng định Trung Quốc « có chủ quyền chính đáng » tại Biển Đông. Đó là ba phát biểu nổi bật trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 07/03/2024 của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.  

    Chinese Foreign Minister Wang Yi gestures as he attends a press conference on the sidelines of the National People's Congress (NPC), in Beijing, China March 7, 2024. REUTERS/Tingshu Wang

    Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị họp báo bên lề kỳ họp Quốc Hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 07/03/2024. REUTERS - Tingshu Wang 

    Liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và căng thẳng tại eo biển Đài Loan, hãng tin Mỹ AP ghi nhận, tránh nêu đích danh Hoa Kỳ, nhưng ngoại trưởng Trung Quốc quy trách nhiệm cho Washington gây bất ổn tại hai khu vực này. Bắc Kinh luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Hoa Lục và khẳng định chủ quyền trên gần 90 % diện tích Biển Đông.

    Phát biểu bên lề kỳ họp Quốc Hội, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc thậm chí còn hù dọa : « Trung Quốc sẽ có những hành động đáp trả trước các hành vi khiêu khích quá đáng » và « khuyên các quốc gia ngoài khu vực tránh khuấy động tình hình, tránh đứng về phe nào, tránh quấy rối ở Biển Đông ». Về Đài Loan, ngoại trưởng Vương Nghị nhắc lại Bắc Kinh đã vạch ra lằn ranh đỏ « rất rõ ràng » : « Đài Loan không bao giờ được phép tách rời khỏi đất mẹ ».

    Về xung đột tại Gaza, ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh thảm họa nhân đạo tại vùng lãnh thổ Palestine này là một « nỗi ô nhục » trong một thế giới « văn minh » của thế kỷ 21. Bắc Kinh chủ trương một Nhà nước Palestine phải được quốc tế công nhận.

    Về Ukraina, ông Vương Nghị đã mạnh mẽ bảo vệ một quan điểm « công bằng và khách quan » của Trung Quốc. Từ hơn hai năm chiến tranh Ukraina, Trung Quốc luôn giữ « thế trung lập » và đặt mình vào vị trí một đối tác trung gian đáng tin cậy, nhưng như AFP ghi nhận, quan hệ hữu hảo với Matxcơva khiến nhiều người hoài nghi về lập trường đó của Bắc Kinh.

    Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường thuật về cuộc họp báo sáng nay của ngoại trưởng Trung Quốc :

    « Trong chưa đầy hai giờ đồng hồ, trả lời 21 câu hỏi đã được gửi đi từ trước, ông Vương Nghị đã đề cập đến toàn bộ những thách thức mà siêu cường thứ hai thế giới phải đối mặt, dưới lăng kính của chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc dựa trên nguyên tắc ‘trật tự và bình đẳng’. Một đài truyền hình Nga được phép đặt câu hỏi thứ nhì với ngoại trưởng Trung Quốc. Đấy là cơ hội để Vương Nghị chỉ trích phe chủ trương ‘chính sách bá quyền’. Đồng thời ông  đề cao liên minh Bắc Kinh - Matxcơva, khẳng định đây không là một trật tự quốc tế mới, mà là một ‘mô hình mới’ trong quan hệ giữa các siêu cường. 

    Ông nói :  ‘Với tư cách là những siêu cường và thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc và Nga đã xây dựng một mô hình hoàn toàn khác với thời Chiến tranh Lạnh’.Ngoại trưởng Trung Quốc nói thêm : Mối bang giao Bắc Kinh - Matxcơva trái ngược hẳn với ‘quan điểm sai lạc’ về Trung Quốc của Hoa Kỳ. 

    Hãng tin Mỹ Bloomberg đã đặt câu hỏi thứ ba về quan hệ Mỹ-Trung vốn đã có những tiến bộ từ cuộc gặp 'lịch sử' giữa lãnh đạo hai nước tại San Francisco hồi tháng 11 năm ngoái. Ông Vương Nghị đáp : Xung đột giữa hai quốc gia lớn như Trung Quốc và Hoa Kỳ là điều ‘không tưởng’, tuy nhiên, ‘nếu như Mỹ cứ giật mình mỗi lần nhắc đến Trung Quốc thì làm sao hai cường quốc này có thể tạo dựng niềm tin ? Hoa Kỳ muốn được thịnh vượng, nhưng lại ngăn cản các nước khác phát triển, thì đối với quốc tế, đâu là công lý ?’

    Ngoại trưởng Trung Quốc kết luận : Trong một thế giới 'với nhiều biến động' Trung Quốc là một điểm tựa cho hòa bình, ổn định và công lý. Nhận xét này được đưa ra trong một phòng họp báo mà một lần nữa đã chật kín các phóng viên đại diện cho các nước phương Nam. Một phóng viên đài truyền hình Ai Cập đã hoan nghênh thái độ ‘công bằng’ của Trung Quốc ủng hộ người Palestine ».

    Tỷ phú Elon Musk tuyên bố không tài trợ cho ứng cử viên tổng thống Mỹ nào 

    07/03/2024 

    Reuters 

    Tỷ phú Elon Musk.

    Tỷ phú Elon Musk. 

    Tỷ phú Elon Musk, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất xe điện Tesla, hôm thứ Tư (6/3) cho biết ông sẽ không cho tiền cho ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump hay Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử năm nay.

    Một nguồn tin xác nhận với Reuters rằng ông Trump đã gặp tỷ phú Musk, một trong những người giàu nhất thế giới, cùng một nhóm nhỏ những người khác ở Florida vào cuối tuần qua, khi cựu tổng thống đang tìm kiếm một nguồn tiền mặt lớn cho chiến dịch tranh cử của mình.

    Trong một bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội X của mình, ông Musk nói: “[Tôi] Chỉ muốn nói thật rõ, tôi sẽ không cho tiền cho bất kỳ ứng cử viên nào cho chức tổng thống Mỹ”.

    Trước đó vào thứ Tư, bà Nikki Haley đã kết thúc thách thức lâu dài của mình với ông Trump, đảm bảo ông sẽ là ứng cử viên của Đảng Cộng hòa trong cuộc tái đấu với ông Biden vào tháng 11.

    Năm 2022, ông Musk đã kêu gọi người Mỹ bầu cho ứng cử viên Đảng Cộng hòa vào Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa kỳ của Hoa Kỳ nhằm đối trọng với Đảng Dân chủ của ông Biden.

    Hoa Kỳ : Các thượng nghị sĩ kêu gọi truyền thông Mỹ chấm dứt quan hệ với China Daily

    Anh Nguyễn, theo ET

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/03/5c3870f3a3106c65fff4d340.jpeg

    Hai thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đang kêu gọi chín cơ quan truyền thông Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ với China Daily – một tờ báo tiếng Anh mà họ cho là cơ quan truyền thông tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

    Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Đảng Cộng hoà, ​​Florida), Phó chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, và Thượng nghị sĩ Chuck Grassley (Đảng Cộng hoà, Iowa), thành viên cấp cao của Ủy ban Ngân sách Thượng viện, đã gửi thư tới người đứng đầu “chín công ty truyền thông”, hiện đang nhận tiền từ China Daily, theo thông cáo báo chí vào ngày 4 tháng 3.

    Những bức thư đã được gửi đến The Seattle Times, Houston Chronicle, The Boston Globe, Los Angeles Times, Time, USA Today, Financial Times, Sun Sentinel và Chicago Tribune.

    “Những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm xâm nhập vào các tổ chức của Mỹ là rất sâu rộng và các cơ quan báo chí cũng không tránh khỏi những hoạt động này. China Daily là một trong những cơ quan hàng đầu của ĐCSTQ nhằm lật đổ các phương tiện truyền thông tin tức của Hoa Kỳ bằng cách khuếch đại các mục tiêu và tham vọng của ĐCSTQ”, các thượng nghị sĩ viết và cho biết thêm rằng China Daily “được Sở hữu và điều hành” bởi Ban Tuyên truyền của ĐCSTQ.

    China Daily được đăng ký làm đại diện nước ngoài theo Đạo luật đăng ký đại diện nước ngoài (FARA) vào năm 1983. Năm 2020, tờ báo này nằm trong số nhiều cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc được chỉ định là cơ quan đại diện nước ngoài tại Hoa Kỳ, khiến các cơ quan này và nhân viên của họ trở thành cánh tay chính thức của ĐCSTQ.

    “China Daily là một nhánh của ĐCSTQ. Đây là một sự thật được nhiều người biết đến và không thiếu những ví dụ cho thấy sự trung thành của tờ báo này với ĐCSTQ”, các thượng nghị sĩ viết.

    “Từ việc minh oan cho nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, cho đến việc bào chữa cho việc ĐCSTQ tiếp tục tài trợ cho cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine, sứ mệnh của China Daily là tuyên truyền các mục tiêu của ĐCSTQ.”

    “Việc tiếp tục hợp tác kinh doanh với China Daily, sẽ khiến tờ báo của các vị phổ biến những tuyên truyền của ĐCSTQ tới đọc giả Mỹ”.

    Theo tiết lộ gần đây nhất của FARA, China Daily đã trả hơn 1 triệu USD chi phí in ấn và quảng cáo cho 9 tờ báo trên từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 31 tháng 10 năm ngoái.

    Tờ Los Angeles Times đã in các phụ lục có tên “China Watch” từ China Daily. Trong một bài xã luận, tác giả kỳ cựu John Seiler của California đã gọi tờ bổ sung trả phí này là một “tờ tuyên truyền chưa được chỉnh sửa của Trung Quốc”.

    Ông Seiler đã xem xét phụ lục “China Watch” xuất bản vào ngày 23 tháng 4 năm ngoái và nhận thấy cách nó đã quảng bá quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

    Ông cũng cho rằng tuyên bố từ chối trách nhiệm của phụ bản – trong đó nêu rõ: “Nó không liên quan đến ban biên tập của Los Angeles Times” – là yếu kém.

    Ông Seiler, một cộng tác viên của The Epoch Times, viết: “Việc này rất quan trọng vì China Watch quảng bá những gì ĐCSTQ muốn người dân Nam California tin vào điều đang diễn ra ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

    Một phụ bản “China Watch” khác, được xuất bản vào ngày 20 tháng 8 năm 2023, bao gồm một câu chuyện về nền tảng mua sắm trực tuyến Temu của Trung Quốc và sự thành công của mô hình kinh doanh của nó. Tuy nhiên, bài báo không đề cập đến những lo ngại về việc một số sản phẩm của nền tảng này có thể được sản xuất bằng lao động cưỡng bức.

    ‘Âm mưu tạo ảnh hưởng từ mua bán’ của ĐCSTQ

    Ông Rubio và ông Grassley lưu ý rằng một số cơ quan truyền thông đã cắt đứt quan hệ với China Daily sau những tiết lộ trước đó của FARA và chỉ trích 9 cơ quan truyền thông này đã không làm theo.

    Các thượng nghị sĩ viết: “Mặc dù ngày càng có nhiều bằng chứng về nỗ lực của ĐCSTQ nhằm quấy rối và đe dọa công dân Mỹ, theo dõi các địa điểm có tầm quan trọng về an ninh quốc gia đối với Hoa Kỳ và gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử của chúng ta, nhưng cơ quan báo chí của các vị đã chọn không cắt đứt quan hệ với China Daily”.

    “Việc tổ chức của các vị tiếp tục dính líu đến Ban Tuyên truyền của ĐCSTQ đã cản trở vô số nỗ lực của liên bang nhằm chống lại các âm mưu tạo ảnh hưởng từ mua bán của Trung Quốc.”

    Một báo cáo công bố năm 2023 do giám đốc tình báo quốc gia (DNI) cho thấy Trung Quốc đã cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 của Hoa Kỳ.

    Một báo cáo gần đây cho thấy ĐCSTQ đã sử dụng hình ảnh AI của Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump nhằm gieo rắc sự bất bình và khuếch đại sự chia rẽ ở Hoa Kỳ trước cuộc bầu cử tháng 11/2023.

    Các thượng nghị sĩ kêu gọi chín cơ quan truyền thông chấm dứt quan hệ với China Daily và bất kỳ tổ chức trực thuộc ĐCSTQ nào khác.

    Các thượng nghị sĩ viết: “Không có công ty nào có trụ sở tại Hoa Kỳ, kể cả các cơ quan báo chí, nên đồng lõa trong việc hợp pháp hóa các hành động tàn ác của ĐCSTQ hoặc cổ vũ cho những lời dối trá trắng trợn của chế độ này”.

    Mùa tranh cử ở Ấn Độ

    Cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ sẽ bắt đầu vào tháng Tư, đồng nghĩa Thủ tướng Narendra Modi đang trong giai đoạn vận động tranh cử. Tuần này, ông sẽ bắt đầu chuyến công du khắp đất nước kéo dài 10 ngày để ca ngợi những thành tựu của chính phủ ông tại các cuộc mít tinh lớn. Chuyến thăm của ông vào thứ Năm tới Srinagar, thành phố lớn nhất Kashmir, bang duy nhất có đa số người Hồi giáo ở Ấn Độ, sẽ đặc biệt quan trọng.

    Đây là chuyến đi đầu tiên của ông Modi tới thành phố này kể từ khi chính phủ ông cắt bỏ quyền tự trị của Kashmir theo hiến pháp Ấn Độ vào năm 2019. Bước đi này đã hiện thực hoá lời hứa lâu dài của Đảng Bharatiya Janata của ông Modi. Nó làm hài lòng những người theo chủ nghĩa dân tộc Hindu của đảng, những người đã phản đối tình trạng đặc biệt của bang. Nhưng giờ đây, chính phủ liên bang buộc người dân Kashmir phải chịu sự cai trị trực tiếp, phong toả, và hạn chế sử dụng internet. Chính phủ của ông Modi nói những thay đổi này đã mang lại hòa bình và thịnh vượng; nhưng người Kashmir không đồng ý. Song họ không phải là đối tượng của ông Modi vào thứ Năm tại Srinagar: bài phát biểu của ông nhắm tới phần còn lại của Ấn Độ.

    Hôm nay Tổng thống Biden chuẩn bị đọc thông điệp liên bang 

    Các đảng viên Dân chủ sẽ căng mình hồi hộp vào thứ Năm khi Joe Biden đọc bài diễn văn thông điệp liên bang hàng năm. Cho đến nay, sẽ không quá khi nói đây là bài phát biểu quan trọng nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.

    Chắc chắn sẽ có một cuộc tái đấu giữa ông với Donald Trump vào tháng 11. Và nhiều cử tri sẽ quyết định lá phiếu của họ chỉ trong vòng ba tháng tới. Công cụ theo dõi của The Economist cho thấy ông Trump dẫn trước ông Biden trên toàn quốc hai điểm, nhưng thăm dò ở các bang chiến trường quan trọng cho thấy ông dẫn trước với cách biệt còn lớn hơn. Nhiều cử tri cho rằng ông Trump xử lý vấn đề kinh tế và biên giới tốt hơn.

    Vào thứ Năm, ông Biden cần phải chứng minh ông đã đạt được tiến bộ về kinh tế. Ông sẽ phải đổ lỗi cho phe Cộng hòa vì cản trở tiến trình giải quyết những vấn đề như người nhập cư không giấy tờ. Trên hết, ông phải đảm bảo được với cử tri là ông vẫn đủ sức làm việc ở tuổi 81. Đó là một yêu cầu cao ngay cả với những vị tổng thống nhanh nhẹn và có tài hùng biện nhất.

    ECB có lẽ sẽ chưa giảm lãi suất

    Các nhà kinh tế từng tin lạm phát ở châu Âu có thể sẽ giảm đủ để Ngân hàng Trung ương châu Âu bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 3 hoặc tháng 4. Nhưng hy vọng của họ đã bị dập tan bởi số liệu tháng 2: giá tiêu dùng tăng 2,6% so với một năm trước. Khi họp vào thứ Năm, ngân hàng có thể nói họ cần thêm dữ liệu để hoàn toàn tự tin lạm phát sẽ giảm xuống mục tiêu 2% trước khi tiến hành giảm lãi suất.

    Dữ liệu lạm phát nhìn chung khá đáng ngại. Được điều chỉnh theo mùa, mức tăng giá tiêu dùng hàng tháng trong tháng 2 cho thấy tỷ lệ lạm phát năm 5%, sau mức 5,2% của tháng 1. Ngay cả khi loại trừ giá năng lượng, con số hàng năm vẫn lên tới 3,5%. Nếu so với ba tháng trước, giá vẫn cao hơn 3,4% theo năm (không tính năng lượng và có điều chỉnh theo mùa). Con số đó đã chạm mức thấp 1,6% trong tháng 11. Có thể sẽ phải đến tháng 6 ECB mới giảm lãi suất.

    Yandex sẽ bán mảng kinh doanh ở Nga cho nhà nước

    Yandex, một công ty dịch vụ internet và công cụ tìm kiếm, từ lâu đã là doanh nghiệp công nghệ nổi bật nhất của Nga. Vào thứ Năm, các cổ đông của công ty mẹ, có trụ sở tại Hà Lan và niêm yết tại New York, dự kiến sẽ cho phép bán mảng kinh doanh ở Nga, chiếm 95% doanh thu, với giá khoảng 5 tỷ USD. Bên mua là một tập đoàn do một bộ phận của Lukoil, một trong những công ty năng lượng lớn nhất của Nga, đứng đầu. Điện Kremlin đã tham gia chặt chẽ vào các cuộc đàm phán và hoan nghênh thỏa thuận này.

    Chính phủ Nga đang dần dần tăng cường kiểm soát ngành công nghệ của đất nước nhằm hạn chế thông tin mà người Nga có được trên mạng. Cuộc xâm lược Ukraine đã đẩy nhanh tiến trình này. Năm 2022, Yandex đã bán dịch vụ viết blog và tin tức phổ biến của mình cho VK, một tập đoàn nhà nước. Trong khi đó, nhà đồng sáng lập của Yandex, Arkady Volozh, người đang sống lưu vong ở Israel, đã rời công ty sau khi EU áp đặt trừng phạt đối với ông. Kể từ đó, ông gọi cuộc chiến là “man rợ”. Khối có thể sẽ sớm đưa ông ra khỏi danh sách trừng phạt.

    Ông Biden v.s ông Trump, cuộc tái đấu hiếm có trong lịch sử Hoa Kỳ

    Lâm Yến

    Lý Ngọc biên dịch


    Ông Biden v.s ông Trump, cuộc tái đấu hiếm có trong lịch sử Hoa Kỳ

    Hình ảnh chụp Tổng thống Donald Trump (trái) và ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc tranh luận tổng thống cuối cùng tại Đại học Belmont ở Nashville, Tennessee, vào ngày 22/10/2020. (Brendan Smialowski và Jim Watson/AFP qua Getty Images, tổng hợp của Epoch Times) 

    Sau ngày “Siêu Thứ Ba”, ông Biden và ông Trump chính thức bước vào một cuộc đối đầu lịch sử hiếm thấy trong cuộc đua tổng thống Hoa Kỳ.

    Chưa bao giờ trong lịch sử Hoa Kỳ có hai ứng cử viên tổng thống lớn tuổi đối đầu nhau như vậy, cũng chưa từng có sự lựa chọn giữa hai ứng cử viên đối đầu một cách gay gắt như vậy.

    Đại sứ Liên hợp quốc Nikki Haley, đối thủ cuối cùng của ông Trump, đã tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua sau “Siêu thứ ba”, nước Mỹ đã chính thức bước vào giai đoạn mới của cuộc bầu cử tổng thống năm 2024: cuộc đối đầu một chọi một giữa Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump, điều này khác biệt hoàn toàn so với bất kỳ cuộc bầu cử nào trong lịch sử.

    Hơn nữa, chưa bao giờ trong lịch sử nước Mỹ lại có một chiến dịch được tiến hành cả trên đường vận động tranh cử lẫn trong phòng xử án. Ông Trump phải đối mặt với hàng loạt vụ án hình sự và hàng loạt phán quyết dân sự có thể làm tê liệt hoạt động kinh doanh của gia đình ông.

    Trong khi đó, ông Biden phải đối mặt với những nghi ngờ về tuổi cao và thể lực của mình để tiếp tục tại vị và sẽ cần phải vượt qua tỷ lệ tán thành ảm đạm để giành được nhiệm kỳ thứ hai.

    Với sự xuất hiện của các mạng xã hội, kênh thông tin dành cho công chúng ngày càng mở rộng. Sức mạnh của các phương tiện truyền thông truyền thống, từng có ảnh hưởng lớn đến chính trị, đang dần suy yếu, trong khi tiêu chuẩn và quy tắc của việc báo cáo tin tức cũng trở nên phân tán hơn.

    Tiếp theo là ba cuộc tranh luận giữa ứng cử viên tổng thống và một cuộc tranh luận giữa ứng cử viên phó tổng thống, đang được đặc biệt quan tâm. Hiện tại, chưa biết liệu các cuộc tranh luận này sẽ diễn ra theo kế hoạch hay không.

    Ngay cả khi một cuộc tranh luận được tổ chức, cử tri sẽ không chỉ chú ý đến tầm nhìn của mỗi ứng cử viên đối với Nhà Trắng mà còn đặc biệt quan tâm đến các đặc điểm mà họ thể hiện khi xuất hiện công khai – liệu có mắc lỗi ngôn từ nào hay không, liệu họ có đủ năng lực để thực hiện công việc của tổng thống hay không, liệu họ có dấu hiệu suy giảm nhận thức do tuổi già hay không, v.v..

    Một cuộc thăm dò của Wall Street Journal cho thấy ông Biden sẽ phải thuyết phục đa số người Mỹ rằng ông có đủ trí lực để xử lý vị trí được coi là khó khăn nhất thế giới, khi gần 3/4 số cử tri cho rằng ông đã quá già để tái tranh cử.

    Và ông Trump phải thuyết phục cả nước rằng chuỗi cáo buộc hình sự và các bản án dân sự bất lợi sẽ không theo ông vào Nhà Trắng và cản trở công việc của ông, bởi vì nếu ông bị kết án, điều đó sẽ làm tổn hại đến vị thế chính trị của ông.

    Ông Trump là người đặc biệt trong nền chính trị Mỹ

    Ông Trump được coi là một người bất thường trong nền chính trị Mỹ. Ông không phải dựa vào các nguyên tắc cai trị của đảng và sự đoàn kết của các nhà lãnh đạo đảng để thu hút cử tri, mà dựa vào nhân cách và sự thông thái phổ cập (common sense). Ông không tuân thủ quy tắc thông thường và đã thay đổi cách thức hoạt động của chiến dịch tranh cử, bao gồm việc trực tiếp giao tiếp với người ủng hộ thông qua các nền tảng mạng xã hội.

    Tuy nhiên, cái “miệng lớn” của ông cũng thường đem lại rắc rối cho ông. Ví dụ, ông đã cảnh báo những nhà tài trợ của Nikki Haley rằng nếu họ tiếp tục đóng góp tiền, họ sẽ bị đuổi khỏi đảng. Điều này đã được các phương tiện truyền thông cho biết là ông không thể đoàn kết bên trong đảng.

    Ông cảnh báo các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện không nên ủng hộ dự luật biên giới của Đảng Dân chủ tại Thượng viện, nói rằng một dự luật tồi còn tệ hơn là không có dự luật nào cả. Ngược lại, điều này lại được Đảng Dân chủ lợi dụng để thúc đẩy quan điểm cho rằng ông Trump không muốn giải quyết vấn đề biên giới.

    Ông Karl Rove, Cố vấn cấp cao của Tổng thống George W. Bush, trong chương trình “Ngày Siêu Thứ Ba” trên Fox News, đã kêu gọi ông Trump ngừng sử dụng ngôn từ tục tĩu khi tấn công đối thủ.

    Ông Rove cho biết, ông Trump đã tạo ra tiếng vang cho Đảng Cộng hòa và kêu gọi cựu tổng thống tiếp tục chiến thắng một cách ‘duyên dáng’ hơn.

    Hai cựu thư ký báo chí của tổng thống đảng Cộng hòa là Ari Fleischer (thời ông Bush) và Kayleigh McEnany (thời ông Trump) cũng cho rằng, ông Trump nên thể hiện sự thân thiện với bà Haley trong bài phát biểu chiến thắng vào ngày Siêu Thứ Ba để tăng cơ hội cho đảng Cộng hòa tập hợp xung quanh ông.

    Rõ ràng ông Trump đã lắng nghe những ý kiến ​​này. Trong bài phát biểu chiến thắng của mình, ông tập trung vào “sự đoàn kết” và một vài lần không nhắc đến bà Haley.

    Ông Doug Sosnik, trợ lý Nhà Trắng của cựu Tổng thống đảng Dân chủ Clinton, nói với Wall Street Journal: “Đây là thời đại của Trump, và chúng ta không biết nhiều về thời đại này. Ông ấy là nhân vật thống trị nhất trong nền chính trị Mỹ, mọi thứ đều xoay quanh ông ấy”.

    Ông Biden sẽ leo lên đỉnh quyền lực lần thứ 5

    Đối với ông Biden, đây sẽ là chiến dịch tranh cử lần thứ năm của ông với tư cách là ứng cử viên tổng thống hoặc phó tổng thống.

    Ông Biden sẽ đọc bài phát biểu ‘Thông điệp Liên bang’ vào tối thứ Năm (7/3). Đây là cơ hội tốt để tổng thống phô trương thành tích trong nhiệm kỳ của mình trước công chúng đồng thời công kích các đối thủ.

    Bài phát biểu dự kiến ​​sẽ thu hút lượng khán giả lớn nhất trong năm của ông, có lẽ chỉ đứng sau bài phát biểu của ông tại Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ ở Chicago vào tháng 8.

    Theo lịch trình chính thức của ông Joe Biden, từ thứ Sáu tuần trước, ông đã ở tại khu nghỉ dưỡng Tổng thống Camp David ở tiểu bang Maryland cho đến chiều thứ Ba trước khi trở về Nhà Trắng.

    Trong cuộc bầu cử năm 2020, ông Biden đối đầu với ông Trump giữa đại dịch Covid-19, nhiều người lựa chọn đi làm hoặc đi học ở nhà, và vì vậy, ông Biden hiếm khi xuất hiện công khai như một ứng cử viên, và Đảng Dân chủ cũng ít tổ chức các sự kiện tranh cử công khai quy mô lớn.

    Trong cuộc bầu cử năm 2016, một sự kiện thay đổi lịch sử đã xảy ra. Trước cuộc bầu cử, FBI tuyên bố sẽ mở lại cuộc điều tra qua email đối với ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, đồng thời bà Hillary đã kiệt sức về thể chất trong suốt chiến dịch tranh cử, khiến dư luận lo lắng rằng vấn đề sức khỏe của bà ấy không đủ để giữ chức tổng thống.

    Điều gì thúc đẩy cử tri ở cả hai đảng bỏ phiếu?

    Theo dữ liệu các cuộc thăm dò ý kiến ​​hôm thứ Ba (ngày 5/3) từ công ty Decision Desk HQ, động cơ thúc đẩy cử tri Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ bỏ phiếu là khác nhau.

    Đối với cử tri Đảng Dân chủ, 27% cho rằng phá thai là mối quan tâm hàng đầu của họ, 25% cho rằng liên quan đến kinh tế và 11% thuộc về giáo dục.

    Đối với cử tri Đảng Cộng hòa, 44% cho rằng vấn đề nhập cư là mối quan tâm hàng đầu của họ và nền kinh tế 28%.

    Các chuyên gia bầu cử cho rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 có thể bị ảnh hưởng bởi các sự kiện bên ngoài, cũng như hình ảnh hay chính sách của ứng cử viên.

    Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ‘lỡ lời’ nghiêm trọng khi đọc báo cáo trước Quốc hội

    Đông Phương biên dịch

    Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường 'lỡ lời' nghiêm trọng khi đọc báo cáo trước Quốc hội

    Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nói chuyện với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường trong buổi khai mạc Kỳ họp thứ hai của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XIV tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 5/3/2024 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Lintao Zhang/Getty Images) 

    Trong phần trình bày báo cáo công tác của chính phủ vào buổi sáng ngày 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã lỡ lời nghiêm trọng khi nói đến sự phát triển của Trung Quốc.

    Vào lúc 9h sáng ngày 5/3, Kỳ họp thứ hai Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XIV đã khai mạc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Sau đó, ông Lý Cường bắt đầu báo cáo công tác của chính phủ nước này.

    Theo một đoạn video do TVBS News của Đài Loan đăng tải, ông Lý Cường cho biết trong báo cáo: “Thực tiễn đã chứng minh đầy đủ rằng, dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ của Trung ương Đảng với nòng cốt là đồng chí Tập Cận Bình, người dân Trung Quốc có lòng dũng cảm, trí tuệ và khả năng vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Sự phát triển của Trung Quốc chắc chắn sẽ là cưỡi gió vượt sóng tiến về phía trước, ‘hậu hội hữu kỳ’ ”.

     ‘Hậu hội hữu kỳ’ có thể hiểu là ‘tương lai sẽ gặp lại’, hoặc ‘tương lai có kỳ hạn’. Ngay sau đó, ông Lý nhận ra rằng bản thân đã đọc sai và sửa lại thành ‘vị lai khả kỳ’ (tức là ‘tương lai đáng mong đợi’).

    Khi phát lại phần báo cáo trên, các phương tiện truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xóa bỏ đoạn lỡ lời này của ông Lý.

    Tuy nhiên, cụm từ “hậu hội hữu kỳ” đã trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội X ở nước ngoài.

    Nhà truyền thông nổi tiếng ở hải ngoại “Wen Zhao” đã chia sẻ lại video trên và nói: “Sự phát triển của Trung Quốc có kỳ hạn, quả nhiên, hễ bất cẩn là nói ra sự thật”. 

    Người dùng “Tuomas Lin Li” nói: “Có lẽ, [ông Lý Cường] đã thấy được tình thế hoàn toàn mất kiểm soát và không còn cách nào cứu vãn, năm 2024 sẽ có biến động lớn, ý nghĩ này vừa lóe lên, liền bất cẩn buột miệng nói ra suy nghĩ trong lòng: Tương lai có kỳ hạn!”.

    Cư dân mạng “Sun Xingzhe” nói: “Trung Quốc có một tương lai đáng mong đợi, còn Đảng Cộng sản Trung Quốc không có tương lai!”.

    Tài khoản “Hu Xitui” nói: “Nó làm tôi nhớ đến bộ phim “Hoàng đế cuối cùng” (bộ phim tiểu sử về cuộc đời của Phổ Nghi – vị hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc). Trong lúc đăng cơ, cậu bé Phổ Nghi đã mất kiên nhẫn, thái giám bên cạnh liền vội nói ‘Sắp xong rồi, sắp xong rồi’, thế là thành lời báo trước”.

    Theo The Epoch Times tiếng Trung


    Không có nhận xét nào