Header Ads

  • Breaking News

    Trung Quốc Chặn Philippines Tiếp Cận Bãi Cỏ Mây – Hình Ảnh Vệ Tinh

    Research Asssisant

    March 8

    Tác giả: John Pollock và Damien Symon | Chatham House ngày 02 tháng 02 năm 2024

    Biên dịch: Phan Nguyễn Hiền Linh | Hiệu đính: Vân Phạm

    Hình ảnh Bãi Cỏ Mây tháng 11 năm 2023 ghi nhận từ vệ tinh. Hải quân Philippines đã cố tình để tàu BRP Sierra Madre mắc cạn vào năm 1999 để duy trì yêu sách lãnh thổ của Philippines đối với Bãi Cỏ Mây. Con tàu rỉ sét dài 328ft này là nơi đồn trú của một đơn vị thủy quân lục chiến Philippines. Việc tiếp cận tàu bằng đường biển đã bị ngăn cản bởi lệnh phong tỏa của lực lượng hải cảnh Trung Quốc. ©2024 Maxar Technologies.

    Hình ảnh vệ tinh tiết lộ khu vực phong tỏa của Trung Quốc nhằm ngăn chặn Philippines tiếp cận căn cứ của họ trên Bãi Cỏ Mây, theo John Pollock và Damien Symon.

    Các hình ảnh vệ tinh do Maxar công bố gần đây cho thấy mức độ căng thẳng đang tiếp tục gia tăng giữa Philippines và Trung Quốc liên quan tới một rạn san hô có tầm quan trọng mang tính chiến lược. Lực lượng hải cảnh Trung Quốc được cho là đang chặn lối vào căn cứ quân sự của Philippines trên một bãi đá ngầm, được quốc tế gọi là Bãi Cỏ Mây và Trung Quốc gọi là Rén’ai Jião (仁).

    Bãi Cỏ Mây – nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, cách quần đảo 200km về phía Tây và cách vùng đất liền gần nhất của Trung Quốc 1.000km – đã được Philippines chiếm đóng từ những năm 1990. Nhưng rạn san hô mà Manila gọi là bãi cạn Ayungin này đã trở thành điểm nóng trong một thập kỷ, khi Bắc Kinh tiếp tục chiến dịch khẳng định quyền kiểm soát lãnh thổ trên Biển Đông.

    Cuộc phô diễn sức mạnh đầy kịch tính

    Căng thẳng gia tăng mạnh mẽ vào tháng 12 năm 2023 khi Philippines tiến hành một chiến dịch tăng cường tái tiếp tế cho lực lượng thủy quân lục chiến đóng trên BRP Sierra Madre, một tàu đổ bộ tăng cũ kỹ mà quân đội cố tình cho mắc cạn trên rạn san hô vào năm 1999 để làm căn cứ. Để phô trương sức mạnh, khoảng 11 tàu hải cảnh và dân quân Trung Quốc đã tập trung tại bãi cạn để ngăn chặn các hoạt động tiếp tế cho tàu Sierra Madre.

    Bãi Cỏ Mây tháng 11 năm 2023 ghi lại từ vệ tinh. Lực lượng hải cảnh và các tàu khác của Trung Quốc, những chấm trắng ở phía đông của rạn san hô, được báo cáo là đã sử dụng vòi rồng và chiến thuật ngăn chặn trong một nỗ lực thất bại nhằm ngăn chặn một tàu Philippines tiếp tế cho BRP Sierra Madre. Chi tiết trong ảnh cho thấy ba tàu dân quân hàng hải của Trung Quốc vây quanh một tàu Hải quân Philippines. ©2024 Maxar Technologies.

    Con tàu và lực lượng thủy quân lục chiến vẫn bị bao vây trong vùng biển tranh chấp và máy bay là phương tiện tiếp tế duy nhất. Có thể thấy mục đích của Trung Quốc là cô lập căn cứ này và buộc Philippines phải rút lui khỏi đó.

    Những cuộc đụng độ này diễn ra sau một sự cố xảy ra vào tháng 2 năm 2023 khi lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cáo buộc một tàu hải cảnh Trung Quốc chiếu tia laser cấp quân sự chống lại một trong các tàu của nước này. Kể từ tháng 8, tàu bảo vệ bờ biển của cả hai nước đã đụng độ nhiều lần. Manila đã liên tiếp cáo buộc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm và bắn vòi rồng vào các tàu Philippines đang đi tới bãi đá ngầm.

    Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines nói vào tháng 8: “Trung Quốc đang thử thách cam kết của chúng tôi trong việc tiếp tế cho quân đội của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ bãi cạn Ayungin. Chúng tôi sẽ tiếp tục tiếp tế cho quân đội trên con tàu neo cạn chừng nào họ còn cần.”

    Cùng thời gian, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Philippines đã nhiều lần thất hứa về việc di dời căn cứ của nước này ra khỏi Bãi Cỏ Mây. Họ tuyển bố: “Phía Trung Quốc một lần nữa kêu gọi Philippines ngay lập tức kéo chiếc tàu chiến “mắc cạn” ra khỏi bãi Rén’ai và khôi phục tình trạng vô chủ, vô vật thể trên bãi này.”

    Năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền đối với vùng biển của Philippines.

    Trong các hình ảnh vệ tinh mới, có thể thấy các tàu hải cảnh Trung Quốc, hiện nằm trong số những tàu lớn nhất thế giới, đang hoạt động gần Sierra Madre vào tháng 11 năm 2023. Các hình ảnh khác từ tháng 9 cho thấy các tàu Trung Quốc neo đậu quanh bãi đá ngầm để ngăn cản việc tiếp cận vào đầm phá. Hình ảnh cho thấy một số lượng lớn tàu thuyền Trung Quốc, được cho là tàu dân quân biển, neo đậu ở vùng biển gần Đá Vành Khăn và cụm đảo Sinh Tồn, là các thực thể thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc nằm cạnh bãi đá ngầm này.

    Bill Hayton, cộng tác viên Chương trình Châu Á-Thái Bình Dương, Chatham House, cho biết: “Trung Quốc muốn ngăn cản Philippines gia cố lại những hỏng hóc của con tàu Sierra Madre.” "Con tàu có nguy cơ rơi xuống biển và nếu điều đó xảy ra, thủy quân lục chiến sẽ phải rời đi. Khi đó người Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ chiếm bãi đá này.”

    Theo một số người, Bắc Kinh đang gây áp lực buộc Philippines phải từ bỏ các cam kết với Hoa Kỳ thông qua Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường. Hayton nói: “Kể cả khi Philippines đồng ý, tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ lùi bước.”

    Quốc gia uỷ nhiệm của nước Mỹ

    Sebastian Strangio, biên tập viên khu vực Đông Nam Á của tờ The Diplomat, cho biết: "Việc Philippines quay lại với Hoa Kỳ chỉ khẳng định quan điểm phổ biến của Trung Quốc rằng Philippines chỉ là quốc gia uỷ nhiệm của Hoa Kỳ và mối quan hệ của nước này với Hoa Kỳ được đặt nền tảng trên chiến lược ngăn chặn Trung Quốc."

    Năm 2012, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã triển khai chiến thuật tương tự để phản đối yêu sách của Philippines đối với bãi cạn Scarborough gần đó. Chính quyền Obama đã dàn xếp một cuộc rút lui đối với cả hai bên, nhưng lực lượng hải cảnh Trung Quốc tiếp tục chặn các tàu cá Philippines tiếp cận các vùng biển, và cho đến giờ vẫn thế. 

    Bãi Cỏ Mây tháng 11 năm 2023 ghi nhận từ vệ tinh.
    Căn cứ của Philippines trên bãi đá ngầm, BRP Sierra Madre, được đánh dấu. Một tàu tuần tra của lực lượng hải cảnh Trung Quốc có thể nhìn thấy ở phía tây bắc (xem hình ảnh được đánh dấu ‘chi tiết’ bên dưới). ©2024 Maxar Technologies.

    Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã gia tăng áp lực lên các quốc gia có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, đặc biệt là Philippines và Việt Nam. Sự chú ý đổ dồn vào các căn cứ quân sự của Trung Quốc được xây dựng trên các đảo nhân tạo, cũng như hạm đội tàu chiến ngày càng gia tăng của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

    Sự tương đối yếu kém của các lực lượng Philippines và số lượng tàu Trung Quốc áp đảo cho thấy Bãi Cỏ Mây sẽ tiếp tục là điểm nóng vào năm 2024.

    Hình ảnh chi tiết hơn về tình hình ở Bãi Cỏ Mây tháng 11 năm 2023.
    Một tàu tuần tra của lực lượng hải cảnh Trung Quốc tiến về phía tây bãi đá ngầm. ©2024 Maxar Technologies.

    Bãi Cỏ Mây tháng 9 năm 2023
    Một cặp tàu bị nghi là của Trung Quốc đang hoạt động trong vùng lân cận bãi đá ngầm. ©2024 Maxar Technologies.

    Đá Vành Khăn, tháng 9 năm 2023
    Một đội tàu cá dân quân biển bị nghi là của Trung Quốc đang neo đậu với nhau tại Đá Vành Khăn do Trung Quốc kiểm soát, cách Bãi Cỏ Mây khoảng 30 km về phía Tây. ©2024 Maxar Technologies.

    Cụm Sinh Tồn, tháng 9 năm 2023
    Một đội tàu cá dân quân biển bị nghi là của Trung Quốc đang neo đậu tại Cụm Sinh Tồn, cách Bãi Cỏ Mây 140 km về phía Tây. ©2024 Maxar Technologies.

    ----------

    John Pollock là Quản lý Truyền thông Xã hội và Podcast ở Chatham House. Damien Symon là nhà nghiên cứu địa tình báo ở The Intel Lab. Bài viết gốc được đăng lần đầu ở Chatham House tại https://www.chathamhouse.org/publications/the-world-today/2024-02/china-blocks-philippines-access-south-china-sea-reef.

    Phan Nguyễn Hiền Linh đang ứng tuyển cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. TS. Vân Phạm là thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.


    Không có nhận xét nào