Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ ba 23 tháng 4 năm 2024

    Quê Hương tổng hợp

    Tọa sơn quan hổ đấu

    Ts.  Hà Hưng Việt

    Mặt Trận Quốc Gia Việtt Nam – OTEAM

     23/4/2024


    Chụp lại hình ảnh, Việt Nam đang khuyết chức danh chủ tịch nước sau khi ông Võ Văn Thưởng mất chức

    Trong thời gian gần đây, đảng CSVN đang cố gắng phát triển về kinh tế ngõ hầu che dấu sự thất bại và sự suy yếu của Đảng qua việc thanh trừng lẫn nhau. Bề ngoài thì chúng tỏ Đảng đang lớn mạnh, chính phủ trong sạch, kiện toàn để dân chúng yên tâm tin tưởng vào đảng nhiều hơn qua việc “Đốt Lò” cán bộ xấu hay tham nhũng.

     Nhưng thực ra, sức khoẻ của Nguyễn Phú Trọng như ngọn đèn dầu trước gió và không biết sẽ đi lúc nào! Dù vẫn giữ chức vụ Tổng Bí Thư đảng, nhưng hàng ngày Trọng vẫn được thần y “ Lang Trung Y Viện” của Trung Cộng là ông Xin Yui Lin chữa trị “Sinh Tử Phù” do Tàu cấy vào. Trọng vẫn muốn đàn em của mình tiếp tục lãnh đạo Đảng đề bào vệ an toàn cho giòng họ và phe nhóm. Trong khi đó thì Tô Lâm cố gắng tạo uy thế, triệt hạ phe đối lập hòng chiếm chức Tổng bí thư Đảng để thu tóm quyền hành và lợi nhuận cho phe nhóm dưới quyền để Thay Đảng CSVN bằng đảng công an “ Bò Lát Vàng” khi Nguyễn Phú Trọng đi theo chân Trần Đại Quang.

    Để đạt dược “tuyệt đỉnh vinh quang ", Tô Lâm phải ra sức tạo thanh thế, và triệt hạ tay chân của Vương Đình Huệ, một đối thủ mà Tô Lâm phải vượt qua để lấy được chức Tổng Bí Thư đảng thay vì chỉ được bầu vào chức vụ Chủ Tịch nước thay thế Võ Văn Thưởng. Sau khi Võ Văn Thưởng bị Quốc hội bãi nhiệm, bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước từ 21/3/2024 cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông báo về việc thực hiện quyền Chủ tịch nước ngay sau khi bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 6 Quốc hội khóa 15; nhưng Tô Lâm có thể bị mất chức trong thời sắp tới qua sự “ đốt lò” của nhóm họ Vương.

    Tô Lâm sinh năm 1957, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, học hàm Giáo sư Khoa học An ninh, học vị Tiến sĩ Luật học, Cao cấp lý luận chính trị, cấp hàm Đại tướng Công an nhân dân Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính Trị. Tô Lâm được đánh giá là một viên Tướng Hữu Dõng Vô Mưu và là phủ phạm chính trong việc tiêu diệt tôn giáo qua việc phá huỷ nhà thờ tại Khánh Hội và san bằng chùa Liên Trì. Qua gương Trần Đại Quang và Võ Văn Thưởng, Tô Lâm rất sợ chức chủ tịch nước vì ông ta có rất nhiều kẻ thù từ khi nhận chức Bộ Trưởng Công An, mặc dù Lâm có đàn em là Thượng Tướng Lương Tam Quang với hy vọng sẽ thay thế Bộ Trưởng Bộ  Công An nếu Tô Lâm nhận chức Chủ Tịch nước.hay Tổng bí Thư Dcsvn .

    Vương Đình Huệ, đàn em của Nguyễn Phú Trọng, một người có mưu lược, cũng là Chủ Tịch Quốc Hội như Trọng trước khi Trọng được bầu làm Tổng  Bí thư Đảng, một chức vụ quyền uy tuyệt đỉnh. Sau Trọng và Là người trung thành với chủ trương "thà mất nước chứ không thể mất Đảng", Huệ là người Nguyễn Phú Trọng tin tưởng sẽ thay thế ông ta. Trong khi đó Vương Đình Huệ có một liên minh cật ruột là Thů tướng Phạm Minh Chính,Thůtướng một nhân vật trong thâm cung bí sử, được một người dàn bà Trung Hoa tên Chuan Xíu , cán bộ cao cấp của Tập Cẩm Bình đỡ đầu. Bà Chuan năm nay 65 tuổi, là người vạch kế hoạch giúp Phan Minh Chính lập con đường Tơ Lụa theo kế sách  họ Tập tại Quảng Ninh.

    Nhân Vật thứ ba mà hai bên đang cầu thân là bộ trưởng Quốc Phòng Phan Văn Giang, một người mà hai họ Tô và Vương đang ao ước sẽ dứng về phe mình. Phan Văn Giang biết cái thế trung lập của Quân Đội nên giao hảo với cả hai, và sẽ ngả về phía mạnh khi một bên thắng thế.

    Ngưởi Việt Nam quốc gia chân chính cũng đã có hướng đi riêng: Toạ Sơn quan sát hai mãnh hổ tranh tài. Nếu Tô Lâm thua sẽ có biến loạn vì Tô Lâm se ra tay triệt tiêu tối đa các kẽ thù do sợ bị trả thù và không bao giờ để bị triệt hạ như Trần Đại Quang. Còn nếu Tô Lâm thắng, chắc chắn sẽ là đại hoạ cho dân Việt dưới sự thống trị của guồng máy công an cộng sản tham ô thối nát nhũng loạn.

    Con đường chính nghĩa duy nhất cho người dân Việt là: Giải thể đảng CSVN 

    Cho câu lưu Lê Thanh Hải, Tô Đại đang tính toán gì với Tổng Trọng?

    23/4/2024 

    https://i.ytimg.com/vi/RLjxf4Y5P9k/hqdefault.jpg

    Chưa biết phiên phúc thẩm tới đây của bà Trương Mỹ Lan sẽ ra sao, nhưng chắc chắn, nếu bà Lan bị tử hình, bà sẽ không chọn chết một mình. Theo giới quan sát, trong lúc này, chắc chắn ông Lê Thanh Hải ăn không ngon, ngủ không yên.

    Ngày 20/4, trên kênh Truyền hình Nhân dân – Kênh Tin của báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng, đã có một clip video youtube, với tựa đề, “Kiểm soát quyền lực, ngăn chặn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ”.

    Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên, báo Đảng nhắc tới các sai phạm nghiêm trọng của một nhân vật đầy tai tiếng – ông Lê Thanh Hải – cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư, cựu Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh.

    Ngay lập tức, mạng xã hội đã có các thông tin, dẫn nguồn tin nội bộ cho biết, “Lê Thanh Hải đã bị câu lưu ở Hà Nội từ vài ngày nay”. Tin này có liên quan gì đến các bình luận cho rằng, đây là một trong các biện pháp phòng ngừa, là một sự bảo đảm cho tính mệnh của bà Trương Mỹ Lan, trước những lo ngại về một kế hoạch nhằm bịt miệng bà?

    Bà Trương Mỹ Lan tên thật là Trương Muội, xuất thân là người bán vải ở chợ An Đông, Sài Gòn. Qua các mối quan hệ, bà Lan đã kết nghĩa chị em với bà Trương Thị Hiền – phu nhân của ông Lê Thanh Hải, tức Hai Nhựt, lúc đó đang Bí thư Quận ủy Quận 5. Đồng thời, bà Hiền cũng là em gái bà Trương Mỹ Hoa – cựu Phó Chủ tịch nước.

    Sau khi tạo dựng được mối quan hệ này, bà Trương Muội đã đổi tên thành Trương Mỹ Lan, tương tự tên bà Trương Mỹ Hoa, khiến nhiều người nhầm tưởng bà Lan có mối quan hệ huyết thống với cựu Phó Chủ tịch nước.

    Đáng chú ý, mối quan hệ giữa Hai Nhựt và Trương Muội đã tương tác, hỗ trợ cho cả đôi bên. Theo đó, quá trình lớn mạnh của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã gắn chặt với quá trình thăng tiến trong hoạn lộ của ông Lê Thanh Hải. Nhờ mối quan hệ này, từ Bí thư Quận 5, trong một thời gian ngắn, Hai Nhựt đã mau chóng trở thành Ủy viên Trung ương 3 khóa liên tiếp, trong đó có 2 khóa là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.

    Đánh giá về mối quan hệ này, giới quan sát cho là “đến mức khó tách bạch rõ, ông Hải đỡ đầu cho bà Lan của Vạn Thịnh Phát, hay ngược lại”. Trong khi đó, từ trước đến nay, công luận khẳng định, ông Lê Thanh Hải đã sử dụng quyền lực, tạo điều kiện cho bà Lan và Vạn Thịnh Phát dễ dàng chiếm đoạt hơn 300 ngàn tỷ, tương đương với  12,5 tỷ USD tại Ngân hàng SCB.

    Ngày 8/1/2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận:

    “Ban Thường vụ Thành ủy, Ban cán sự Đảng Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và ông Lê Thanh Hải, phải chịu trách nhiệm chính, về việc để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng, trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Điều này đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến đời sống của một bộ phận nhân dân thành phố, gây bức xúc trong xã hội.”

    Dư luận xã hội đặt câu hỏi, kết luận trên tại sao không có dòng nào nói tới chuyện Lê Thanh Hải tham ô, làm thất thoát con số bao nhiêu tiền, hay gây thiệt hại được định lượng cụ thể là bao nhiêu cho ngân sách nhà nước? Tại sao và do đâu, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không dám lột trần cái áo choàng “ma quỷ” của cựu Ủy viên Bộ chính trị Lê Thanh Hải ra?

    Vậy mà, sau đó hơn 2 tháng, ngày 20/3/2020, Bộ Chính trị và Tổng Trọng chỉ thi hành kỷ luật đối với ông Lê Thanh Hải bằng cách, cách chức cựu Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh một nhiệm kỳ, trong giai đoạn 2010 đến 2015.

    Đó là chưa kể đến trách nhiệm của ông Hai Nhựt, là người trực tiếp tiếp tay cho bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trong rất nhiều hoạt động vi phạm pháp luật.

    Truyền thông quốc tế đặt câu hỏi, vì sao, nhà nước Việt Nam đã khởi tố và bắt giam bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm, từ tháng 10/2022 cho đến nay, mà vẫn chưa có quan chức nhà nước nào bị xử lý kỷ luật, về trách nhiệm liên quan?

    Theo giới quan sát, những sai phạm nghiêm trọng của ông Lê Thanh Hải chắc chắn đã được bao che. Trong đó, vai trò của Tổng Trọng và Võ Văn Thưởng là những người có mối quan hệ mật thiết với ông Hải, là không thể bỏ qua.

    Phải chăng, trong cao trào của cuộc quyết đấu giữa Tô Lâm và Tổng Trọng, thì Tô Đại tướng “tiện tay dắt dê”, cho lật lại hồ sơ của Hai Nhựt, để làm rõ trách nhiệm của 2 nhân vật kể trên.

    Theo giới quan sát, Tô Lâm đã sử dụng chiêu “nhất tiễn hạ song điêu”, thỏa mãn được mối quan tâm của dư luận xã hội.

    Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành một ổ mafia, mà đứng sau, chắc chắn có bàn tay của Trung Quốc./.

    Trà My – Thoibao.de 

    Bộ Ngoại giao Mỹ: Việt Nam đàn áp nhân quyền xuyên quốc gia  

    23/04/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    YouTuber/Blogger Đường Văn Thái

    YouTuber/Blogger Đường Văn Thái 

    Hôm 22/4, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo nhân quyền 2023, cho rằng chính quyền Việt Nam vẫn không có tiến bộ về nhân quyền, nhấn mạnh vụ bắt giam blogger Đường Văn Thái như là một trường hợp “đàn áp xuyên quốc gia” của chính quyền Hà Nội.

    “Không có thay đổi đáng kể nào về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm qua”, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết trong phần mở đầu bản báo cáo dài 59 trang.

    Báo cáo cho biết tính đến ngày 31/10/2023, chính quyền Việt Nam giam giữ ít nhất 187 người vì hoạt động chính trị hoặc nhân quyền, trong đó có 162 người bị kết án và 25 người đang bị tạm giam chờ xét xử.

    Riêng về các quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội, từ ngày 1/1 đến ngày 31/10, chính quyền đã bắt giữ 25 người và kết án 23 người chỉ vì họ thực hiện các quyền con người được quốc tế công nhận.

    Hầu hết các vụ bắt giữ và kết án này đều liên quan đến việc viết blog trực tuyến và các bị cáo bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” (Điều 117 Bộ Luật Hình sự) và “lợi dụng quyền tự do dân chủ” (Điều 331 Bộ Luật Hình sự).

    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu tại buổi công bố Báo cáo Nhân quyền 2023, Washington, DC., ngày 22/4/2024. Photo AP.

    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu tại buổi công bố Báo cáo Nhân quyền 2023, Washington, DC., ngày 22/4/2024. Photo AP. 

    Báo cáo nêu bật sự đàn áp xuyên quốc gia của chính quyền Việt Nam qua vụ bắt giam blogger nổi tiếng Đường Văn Thái: “Vào tháng 4, ông Đường Văn Thái, một blogger trốn khỏi Việt Nam sang Thái Lan vào năm 2019, đã mất tích ở Bangkok, theo gia đình ông”.

    Mặc dù chính quyền tỉnh Hà Tĩnh thông báo đã bắt giữ một người đàn ông có tên Đường Văn Thái vào ngày 14/4 vì tội “nhập cảnh trái phép”, các tổ chức phi chính phủ và truyền thông đưa tin rằng ông Thái đã bị chính quyền Việt Nam ở Thái Lan bắt cóc và cưỡng bức đưa về Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.

    “Bộ Công an nêu rõ rằng ông Thái bị cáo buộc với tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ và tính đến tháng 12/2023, ông vẫn còn bị tạm giam”, báo cáo viết.

    Báo cáo dẫn lời blogger Lê Anh Hùng ở Hà Nội cho hay nhân viên y tế và bệnh nhân đã đánh đập ông trong thời gian ông bị giam giữ tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương số 1 từ năm 2019-2023. “Ông nói rằng nhân viên bệnh viện đã tiêm cho ông một loại thuốc gây ảo giác và hôn mê rồi trói ông vào một chiếc giường kim loại để ông không thể phản đối việc tiêm thuốc này”, báo cáo mô tả lại.

    “Chính phủ tiếp tục sử dụng các điều luật về an ninh quốc gia và những quy định mơ hồ khác của bộ luật hình sự để bỏ tù các nhà hoạt động bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa trên mạng và các nhà bất đồng chính kiến”, báo cáo viết.

    Chính quyền đã bắt giam ông Phan Tất Thành từ ngày 5/7 mà không có lệnh bắt giam, mãi cho đến ngày 25/7, công an mới trưng ra giấy tạm giam tính từ ngày 13/7, báo cáo dẫn thông tin từ gia đình ông Thành cho biết.

    Ông Phan Tất Chí, cha của ông Thành, chia sẻ với VOA, về việc con ông bị công an Tp. Hồ Chí Minh bắt giam theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự:

    “Đích thân tôi đến cơ quan an ninh điều tra vào ngày 25/7 thì họ mới đưa một quyết định tạm giam ký ngày 13/7. Tôi chất vấn họ vì sao họ bắt giam bắt con tôi từ tuần trước đó mà ghi ngày 13/7. Họ vu vơ, lảng tránh, nói vòng vo. Rõ ràng họ bắt người vô tội vạ”.

    VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về bản báo mới này của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhưng chưa được phản hồi.

    Vào tháng 3/2023, sau khi Washington công bố báo cáo nhân quyền 2022, Hà Nội nói rằng phía Mỹ đưa ra nhận định “thiếu khách quan” về tình hình Việt Nam.

    Truyền thông nhà nước dẫn lời Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói tại cuộc họp báo ngày 23/3/2023: “Việt Nam lấy làm tiếc vì báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam”.

    Vẫn như những lần trước, phía Việt Nam nói rằng việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là “chính sách nhất quán” của họ, viện dẫn rằng “các quyền tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cũng như triển khai trong thực tiễn”.

    HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền  

    23/4/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam.

    HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam. 

    Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.

    Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đưa ra lời kêu gọi này trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 7/5/2024 tại Geneva, Thụy Sĩ.

    “Chính phủ các quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đừng để chính quyền Việt Nam gây nhiễu bằng nỗ lực tẩy trắng hồ sơ nhân quyền tồi tệ của họ”, bà Elaine Pearson, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Nhân quyền nói trong thông cáo ngày 22/4. “Các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nhân dịp đợt kiểm điểm này hãy lên tiếng về chính sách đàn áp một cách có hệ thống các quyền dân sự và chính trị của chính quyền Việt Nam và đòi hỏi cải cách thực sự”.

    “Hết vụ vi phạm này đến vụ vi phạm khác – đó chính là lý do các quốc gia hữu quan cần lên tiếng về hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Hà Nội”, bà Pearson nói. “Các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc không những cần gây sức ép với Việt Nam trong kỳ kiểm điểm để yêu cầu những thay đổi thực sự, mà còn cần tiếp tục theo sát để đảm bảo rằng các cải cách được thực hiện trên thực tế”.

    HRW cho rằng hành tích nhân quyền của chính phủ Việt Nam đã xấu đi đáng kể kể từ lần rà soát UPR chu kỳ III vào đầu năm 2019.

    Tháng 2 vừa qua, chính phủ Việt Nam đệ trình bản tự kiểm về nhân quyền dài 24 trang lên Hội đồng Nhân quyền trong đó ca ngợi những thành tích của mình.

    Bản báo cáo của chính phủ Việt Nam gửi cho LHQ “tràn ngập thông tin sai lạc về quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí ở Việt Nam”, HRW nhận định.

    “Hiện có hơn 160 người đang bị giam giữ ở Việt Nam vì phê phán chính quyền, hành vi bị hình sự hóa trong Bộ luật hình sự”, HRW viết. “Tất cả báo chí trong nước đều dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Việt Nam, và Việt Nam đứng thứ ba thế giới về số lượng nhà báo bị giam giữ. Nhà cầm quyền giám sát ngặt nghèo mạng internet, và hành vi đăng tải hoặc chia sẻ nội dung phê phán chính quyền trên mạng có thể dẫn tới án tù dài hạn”.

    Theo thống kê của HRW, từ đầu năm 2019 đến tháng 8/2023, nhà cầm quyền Việt Nam đã truy tố và kết tội ít nhất là 139 người vì chỉ trích chính quyền hoặc tham gia các tổ chức ủng hộ dân chủ, tất cả đều bị xử án tù nhiều năm.

    Tính từ tháng 8/2023, chính quyền Việt Nam đã kết án tù thêm 23 người chỉ vì thực hành các quyền dân sự và chính trị của mình một cách ôn hòa, và xét xử họ từ 9 tháng đến 13 năm tù giam.

    VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và Văn phòng Nhân quyền LHQ, đề nghị họ cho ý kiến về lời kêu gọi trên của HRW, nhưng chưa được phản hồi.

    Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, đồng thời luôn khẳng định chính sách nhất quán của Hà Nội về việc đảm bảo quyền con người của mọi công dân.

    Việt Nam thuê công ty ở Washington để gây ảnh hưởng lên Quốc hội Mỹ về chính sách thương mại 

    22/4/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Cờ Việt Nam treo trước một khách sạn ở Washington DC gần Đồi Capitol trong dịp Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết thăm Mỹ ngày 22/6/2007.

    Cờ Việt Nam treo trước một khách sạn ở Washington DC gần Đồi Capitol trong dịp Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết thăm Mỹ ngày 22/6/2007. 

    Một công ty vận động hành lang ở thủ đô Mỹ đã được Bộ Công Thương Việt Nam thuê để gây ảnh hưởng tới các nhà lập pháp Hoa Kỳ trong lúc Bộ Thương mại Mỹ đang đánh giá lại yêu cầu của quốc gia Đông Nam Á để được đưa ra khỏi danh sách các nền kinh tế phi thị trường.

    Bộ Công Thương đã nộp đơn lên Bộ Thương Mại Mỹ để yêu cầu đánh giá lại tình trạng nền kinh tế phi thị trường (NME) của Việt Nam hồi tháng 9 vừa qua. Bộ này nộp đơn chỉ 1 ngày trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tới thăm Việt Nam và nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện.

    Một bản đăng ký theo Đạo luật Đăng ký Đại diện cho nước Ngoài (FARA) trình lên Bộ Tư pháp Mỹ, mà VOA xem được, cho thấy Steptoe LLP, một công ty luật quốc tế có trụ sở ở Washington DC, đã cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho Bộ Công Thương Việt Nam trong vấn đề thương mại.

    Bản đăng ký, đề ngày 1/5/2024, cho biết luật sư của công ty có tên Jeffrey Weiss được thuê làm “đối tác” trong việc “trợ giúp Bộ Công Thương và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt được quy chế kinh tế thị trường trong quá trình tố tụng chống bán phá giá.”

    Bộ Thương mại Mỹ có 270 ngày để xem xét và đánh giá yêu cầu của Việt Nam được Bộ Công thương nộp ngày 8/9/2023. Trong tuyên bố chung đưa ra sau khi Tổng thống Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nâng cấp quan hệ, Mỹ nói rằng sẽ xem xét yêu cầu của Việt Nam một cách nhanh chóng nhất có thể, phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ.

    Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách 12 nước có nền kinh tế phi thị trường khi Hoa Kỳ bắt đầu vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên đối với cá phi lê đông lạnh nhập từ Việt Nam vào năm 2002. Mỹ đã áp thuế chống phá giá đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, từ nông sản cho đến công nghiệp, trong hơn 2 thập kỷ qua. Danh sách này, bao gồm cả Trung Quốc và Nga, được Mỹ áp dụng cho những quốc gia bị cho là có sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước vào nền kinh tế.

    Steptoe cho biết trên trang web chính thức của họ rằng công ty này đã hoạt động trong 100 năm qua và đại diện cho các khách hàng trước các cơ quan chính phủ, vận động thành công trong kiện tụng và trọng tài cũng như tư vấn. Công ty cho biết các luật sư và nhà vận động hành lang của họ “giúp khách hàng giành được sự thông qua của các đạo luật nhằm nâng cao lợi ích kinh doanh của họ trước các cơ quan tiểu bang, cơ quan lập pháp tiểu bang và Quốc hội Hoa Kỳ.”

    Ông Weiss, người đăng ký làm “đối tác” của Bộ Công Thương, được mô tả trên trang web này là người “tư vấn và vận động cho khách hàng trước Quốc hội và chính quyền Hoa Kỳ về nhiều vấn đề liên quan đến thương mại và đầu tư quốc tế.” Ông đã có hơn 15 năm đảm nhiệm các vai trò pháp lý, chính sách, ngoại giao, đàm phán và chính trị cấp cao trong chính phủ Hoa Kỳ qua ba chính quyền – gồm tại Nhà Trắng, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ và Văn phòng Bộ trưởng Bộ Thương mại. Phần giới thiệu về ông Weiss còn cho biết vị luật sư này “hợp tác chặt chẽ với các đồng nghiệp của mình và văn phòng nước ngoài của Steptoe để giúp khách hàng định hướng và tác động đến sự phát triển trong các lĩnh vực”, bao gồm cả tiếp cận thị trường.

    Ông Weiss không trả lời yêu cầu bình luận của VOA về sự trợ giúp của ông đối với Bộ Công thương Việt Nam tại Mỹ. VOA cũng đã gửi yêu cầu bình luận tới Bộ Công Thương Việt Nam.

    Các chuyên gia nói với VOA trong tháng này rằng họ tin là Việt Nam đang vận động mạnh mẽ tại Washington để có được sự công nhận của Mỹ trước kỳ bầu cử tổng thống vào tháng 11, mà có thể có sự thay đổi người đứng đầu Nhà Trắng.

    Giáo sư Zachary Abuza của Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ đưa ra nhận định như vậy khi nói về việc Việt Nam thuê công ty vận động hành lang tại Washington để tìm sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ. Còn nhà nghiên cứu Murray Hiebert của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng cựu Tổng thống Donald Trump, nếu thắng cử nhiệm kỳ 2 để trở lại Nhà Trắng, có thể sẽ khởi động lại một cuộc điều tra đối với việc phá giá của Việt Nam.

    Ông Trump, người đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ khi còn đương nhiệm, hiện đang là ứng viên mặc định của đảng Cộng hòa tranh chức tổng thống Mỹ với ông Biden trong năm nay.

    Các lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam trong nhiều tháng qua đã kêu gọi Mỹ cấp quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam. Từ Thủ tướng Phạm Minh Chính cho đến Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn cho đến Bộ trưởng Công an Tô Lâm, các lãnh đạo này đã vận dụng mọi cơ hội để đưa ra lời kêu gọi đến các quan chức chính quyền Mỹ nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách này.

    Việt Nam nói họ đã có những cải cách kinh tế trong những năm gần đây. Tuy nhiên, hàng chục nhà lập pháp của Mỹ đã kiến nghị lên Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo để yêu cầu không cấp cho Việt Nam quy chế kinh tế thị trường vì cho rằng quốc gia Đông Nam Á chưa cải thiện được các tiêu chuẩn lao động, trong đó có việc “bật đèn xanh cho hàng hóa có sử dụng lao động cưỡng bức ở Trung Quốc.”

    Bộ Thương mại Mỹ sẽ đưa ra quyết định vào ngày 26/7 tới.

    Bộ Công an bắt trợ lý của ông Vương Đình Huệ 

    22/4/2024 

    VOA Tiếng Việt 


    Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà (phải) cùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (trái) thắp hương tại bàn thờ cố Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ tại nhà riêng của ông ở TPHCM hôm 26/1/2024.

    Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà (phải) cùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (trái) thắp hương tại bàn thờ cố Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ tại nhà riêng của ông ở TPHCM hôm 26/1/2024. 

    Bộ Công an Việt Nam hôm 22/4 cho biết họ đã khởi tố và bắt tạm giam Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà, cũng là trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

    Báo Chính phủ và truyền thông do nhà nước quản lý đồng loạt đưa tin hôm 22/4 rằng Bộ Công an đã mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan.”

    Trong vụ án này, theo báo Điện tử Chính phủ, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an hôm 21/4 đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự, trong đó họ quyết định khởi tố, bắt tạm giam và ra lệnh khám xét đối với ông Hà về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, theo quy định tại khoản 4, Điều 358 Bộ luật Hình sự năm 2015.

    Thông báo này của Bộ đã khẳng định những lan truyền trước đó trên không gian mạng về việc ông Hà bị bắt giữ ngay khi ông cùng phái đoàn của Chủ tịch Huệ về đến sân bay Nội Bài hôm 12/4 sau khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc.

    Ông Hà là người thứ 7 và cũng là quan chức cao cấp nhất bị bắt và khởi tố trong vụ án liên quan đến những sai phạm trong đấu thầu của tập đoàn xây dựng cầu đường Thuận An.

    Theo quan sát của VOA tiếng Việt, tính tới tối ngày 22/4 (giờ Hà Nội), cả Văn phòng Quốc hội và Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An đều chưa có bất kỳ tuyên bố công khai nào về các vụ bắt giữ này.

    Trước đó, Bộ Công an đã khởi tố sáu bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An vào ngày 15/4. Trong số 6 người bị bắt, có ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch Hội đồng quản trị và là người sáng lập công ty Thuận An, vốn hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông từ những gói thầu do Nhà nước giao.

    Tập đoàn Thuận An đã trúng 39 trong 51 gói thầu mà họ tham gia đấu thầu từ năm 2019 đến nay. Theo Tuổi Trẻ, tập đoàn này trúng thầu đến hơn 22.600 tỷ đồng, bao gồm hơn 827 tỷ đồng là được “chỉ định thầu”, tức là trúng thầu mà không cần qua đấu thầu.

    Vẫn theo báo Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam hôm 22/4 đã phê chuẩn các lệnh và quyết định của Bộ Công an đối với ông Hà và 6 bị can trong vụ Thuận An. Tờ báo này cho biết sau khi VKSNDTC phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an sẽ thi hành các lệnh và quyết định này.

    Ông Hà, 48 tuổi, được bổ nhiệm làm phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm trợ lý cho ông Huệ từ tháng 5/2022, theo Tuổi Trẻ.

    Đưa tin tại thời điểm ông Hà được bổ nhiệm các chức vụ trên, tờ báo này nói rằng ông Hà có “thời gian dài gắn bó, tham mưu, phục vụ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ, Thành ủy Hà Nội và Văn phòng Quốc hội.”

    Vào tháng trước, khi ông Võ Văn Thưởng bị bãi nhiệm chức Chủ tịch nước và bị loại khỏi Bộ Chính trị, Bộ Công an Việt Nam đã khởi tố và điều tra các sai phạm của Tập đoàn Phúc Sơn tại các dự án ở Quảng Ngãi. Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ này sau đó đã khởi tố và bắt tạm giam 17 bị can trong vụ án này. Ông Thưởng bị bãi nhiệm “do vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm”.

    Chính trường Việt Nam đang trải qua những biến động chưa từng có tiền lệ, khi có hai chủ tịch nước phải rời nhiệm sở dù chưa hết nhiệm kỳ chỉ trong hơn 1 năm. Trước ông Thưởng, ông Phúc cũng bị cho là phải buộc xin từ chức vì trách nhiệm liên quan đến những sai phạm của cấp dưới. Trước đó, hai phó thủ tướng dưới thời ông, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, cũng phải xin thôi chức khi các vụ đại án tham nhũng bị phanh phui.

    Bộ Công an cho biết họ vẫn đang “tập trung lực lượng, mở rộng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, sai phạm tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và thu hồi triệt để tài sản,” theo báo Chính phủ.


    Không có nhận xét nào