Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ tư 24 tháng 4 năm 2024

    Quê Hương tổng hợp

    Việt Nam không có những thay đổi đáng kể về thực hành nhân quyền trong năm 2023

    23/4/2024

    2023 Country Reports on Human Rights Practices: Vietna

    Bureau of Democracy, Human Rights, and Labor 

    Toàn văn bảng báo cáo, PDF File:

    https://drive.google.com/file/d/149jneDeyyh7P21XMNzDwSVysEcdIZA_-/view?usp=sharing https://drive.google.com/file/d/149jneDeyyh7P21XMNzDwSVysEcdIZA_-/view?usp=sharing

    Việt Nam không có những thay đổi đáng kể về thực hành nhân quyền trong năm 2023

    Người bán hàng chở hoa trên đường phố Hà Nội hôm 20/6/2023 (minh họa) 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    Việt Nam trong năm 2023 không có những thay đổi đáng kể về tình hình nhân quyền.

    Báo cáo về thực hành nhân quyền năm 2023 do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố vào ngày 22 tháng tư nêu rõ như vừa nêu.

    Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nhiều vấn đề nhân quyền quan trọng tại Việt Nam được báo cáo đáng tin cậy như tình trạng chính phủ cho giết hại người dân một cách phi pháp, tùy tiện; tình trạng giới chức chính phủ tra tấn, đối xử vô nhân đạo, độc ác; hoạt động cưỡng bức điều trị tâm lý, y tế; bắt giữ, giam cầm tùy tiện; hệ thống tư pháp không độc lập; đàn áp xuyên biên giới đối với những cá nhân tại nước khác; hạn chế nghiêm trọng quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí, quyền tự do Internet; quyền tự do hội họp ôn hòa, tự do lập hội, quyền tự do tôn giáo - tín ngưỡng, quyền tự do đi lại; người dân không có quyền tự do ứng cử, bầu cử, quyền tự do tham gia các đảng phái chính trị; hạn chế các tổ chức cổ xúy cho nhân quyền; hạn chế một cách có hệ thống quyền tự do lập nghiệp đoàn công nhân; tệ nạn tham nhũng; nạn buôn người.

    Nhiều trường hợp cụ thể tại Việt Nam được nêu ra trong báo cáo nhân quyền năm 2023 của Bộ Ngoại giao. Cụ thể như trường hợp Mục sư Nguyễn Trung Tôn tại Trại giam Gia Trung, tù nhân lương tâm Trần văn Bang…

    Báo cáo thực hành nhân quyền năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu lại thống kê của các cơ quan truyền thông, các tổ chức Phi Chính phủ (NGOs), các nhà quan sát cho thấy tính đến ngày 31 tháng 10 năm 2023, Việt Nam giam giữ ít nhất 187 người do các hoạt động cổ xúy cho nhân quyền; trong số này có 162 người bị kết án và 25 người đang bị giam chờ ngày ra tòa.

    Trong báo cáo về thực hành nhân quyền năm 2022, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu rõ Chính phủ Việt Nam thường khẳng định công tác vận động cho nhân quyền và dân chủ là hành động chống lại đảng và Nhà nước cộng sản.

    Thầy giáo Dương Tuấn Ngọc bị tuyên bảy năm tù vì cáo buộc “bôi nhọ lãnh đạo cấp cao”

    RFA
    24/4/2024

    Thầy giáo Dương Tuấn Ngọc bị tuyên bảy năm tù vì cáo buộc “bôi nhọ lãnh đạo cấp cao”

    Ông Dương Tuấn Ngọc 

    Fb Dương Tuấn Ngọc 

    Một giáo viên dạy thực dưỡng có hàng chục ngàn người theo dõi trên mạng xã hội bị kết án, chuyên gia nhân quyền nói ông không nên bị kết án chỉ vì chỉ trích chính phủ.

    Toà án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng ngày 24/4 kết án ông Dương Tuấn Ngọc bảy năm tù giam và ba năm quản chế về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

    Ông Ngọc, 39 tuổi, trú tại xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, thường đăng tải các bài viết và phát trực tiếp các bài nói chuyện trên mạng xã hội Facebook và Youtube về giáo dục, sức khoẻ và nhiều lĩnh vực xã hội khác.

    Công an địa phương mời vợ chồng ông Ngọc lên làm việc vào ngày 10/7/2023 do có một đơn tố cáo nặc danh ông sử dụng Facebook cá nhân để buôn ma túy.

    Tuy nhiên, sau khi ông xác nhận địa chỉ (ID) Facebook của mình để chứng minh bản thân vô tội thì công an chuyển hướng điều tra hành vi "tuyên truyền chống nhà nước" và đến ngày 15/7 thì ông bị bắt tạm giam.

    Một người thân của ông Ngọc không muốn nêu danh tính vì lý do an ninh cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết, công an thắt chặt an ninh xung quanh trụ sở tòa án vào sáng thứ Tư và phiên xử sơ thẩm chỉ kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ.

    Người này cho hay, chỉ có vợ của ông Ngọc là bà Bùi Thanh Diễm Ngọc được vào tham dự phiên tòa cùng với luật sư bào chữa. Người này thuật lại:

    Luật sư không bào chữa mà chỉ xin giảm nhẹ hình phạt cho anh với lý do anh không có tiền án tiền sự, lại có nhiều hoạt động từ thiện trước khi bị bắt.”

    Ông Ngọc trong phiên tòa được cho là đã thừa nhận "có nói xấu cán bộ nhà nước" nhưng "mong muốn đa nguyên đa đảng, muốn một chế độ chính trị tốt đẹp hơn."

    Người này cho biết dường như ông Ngọc không có ý định kháng cáo và “mong sớm được đi thi hành án để gặp gỡ gia đình và lao động cho khoẻ.

    Theo thông báo "giữ người trong trường hợp khẩn cấp" và "bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp" của công an tỉnh Lâm Đồng gửi cho gia đình, ông Ngọc bị cáo buộc đã đăng tải, chia sẻ các bài viết, video lên Facebook, Youtube “có nội dung đả kích công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; sai sự thật, bóp méo tình hình thực tế, xuyên tạc phỉ báng chính quyền nhân dân, nói xấu chế độ XHCN; đả kích đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội; nói xấu xúc phạm lãnh tụ Hồ Chí Minh hoặc bôi nhọ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước..."

    Phản ứng trước bản án, ông Josef Benedict, chuyên gia vận động cho không gian dân sự khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức Liên minh xã hội dân sự toàn cầu (CIVICUS), cho rằng việc kết tội ông Ngọc chỉ vì các phát biểu trên mạng xã hội là nỗ lực mới nhất của chế độ nhằm ngăn chặn quyền biểu đạt ôn hòa và đi ngược lại nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của đất nước trong việc bảo vệ các quyền tự do cơ bản.

    Trong tin nhắn gửi RFA ngày 24/4, ông kêu gọi Việt Nam phóng thích Dương Tuấn Ngọc:

    Không nên trừng phạt bất cứ một người nào chỉ vì những bình luận chỉ trích chính phủ trên mạng xã hội. CIVICUS kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ cáo buộc chống lại ông và ông phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện.”

    Vị chuyên gia về nhân quyền Việt Nam của tổ chức dân sự có trụ sở ở Nam Phi bày tỏ quan ngại về việc Hà Nội tiếp tục sử dụng Điều 117 bị cho là quá mơ hồ để bịt miệng những người thực thi quyền biểu đạt và chia sẻ thông tin. Ông khẳng định:

    Những hành động này không xứng đáng với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và cho thấy Chính phủ Việt Nam chỉ nói suông về nhân quyền mà không có ý định tôn trọng và bảo vệ chúng.”

    Ông Ngọc là một người nổi tiếng trên mạng xã hội. Trang Facebook của ông với hơn 45.000 người theo dõi có dòng giới thiệu: “Tôi có quyền Công Dân. Bạn có quyền Công Dân. Công Dân mới là chủ thật sự của đất nước.”

    Ông là chủ hai kênh Youtube. Kênh thứ nhất có tên “Giáo dục tự do 1” được lập từ tháng 7/2019 và có gần 95.000 người theo dõi với hàng trăm video về sức khoẻ, y học, cuộc sống ở quê.

    Ngoài ra, kênh “Giáo dục Tự do 2” của ông cũng có 39.000 người theo dõi, trong đó đăng tải nhiều bài về chính trị, tệ tham nhũng và khả năng lãnh đạo yếu kém của chế độ hiện hành. Mục đích của ông khi làm các kênh này, theo lời đề dẫn là “nhằm chấn hưng dân tộc, từ đó chấn hưng đất nước.”

    Ông Ngọc là nhà hoạt động thứ 8 bị kết án từ đầu năm đến nay, và là người thứ 3 bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước,” theo thống kê của RFA.

    Từ vụ ông Vương Đình Huệ: còn gì để hy vọng từ một hệ thống hỏng?

    Bình luận của Blogger Trần Hiếu Chân
    23/4/224

    Từ vụ ông Vương Đình Huệ: còn gì để hy vọng từ một hệ thống hỏng?

    Ông Vương Đình Huệ (trái) và Võ Văn Thưởng tại một cuộc họp Quốc hội ở Hà Nội hôm 1/2/2021 (minh họa) 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAP 

    Sinh thời Hồ Chí Minh từng truyền cảm hứng: ‘Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ’. Cuộc kịch chiến trong ‘cung đình’ Hà Nội hiện nay là biểu hiện rõ rệt nhất của một hệ thống hỏng – một ‘chính phủ làm hại dân’. Tuy tất cả đều diễn ra trong ‘hộp đen’, nhưng người dân chẳng ngu ngơ đâu, họ biết tuốt đấy.

    -----------------------------

    RFA ngày 17/4/2024 căn cứ vào nguồn tin từ truyền thông Việt Nam cho biết, hồ sơ các gói thầu của Tập đoàn Thuận An tại tỉnh Đắk Lắk được yêu cầu cung cấp cho cơ quan điều tra CO3 của Bộ Công an. Yêu cầu này được đưa ra sau khi Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, ông Nguyễn Duy Hưng và một số người liên can bị bắt vào ngày 15/4/2024. Theo Bộ Công an Việt Nam, CO3 thuộc Bộ này đang tập trung mở rộng điều tra để làm rõ những sai phạm tại Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật (1). 

    Đài VOA trước đó ngày 16/4 cũng đưa tin với nội dung tương tự như trên. Các dòng trạng thái (stt) của VOA cùng ngày cho rằng, lãnh đạo tập đoàn bị bắt thì chỉ có thể là ai đó đang bị cưa chân ghế. Và có thể Tô Lâm đang nhắm vào một trong tứ trụ; tỉa dần dần cho hết các chướng ngại trên con đường đi đến chức Tổng bí thư (TBT) (2). Ngày 19/4, Đài RFA tổ chức cuộc Hội luận ‘nóng’ trong bối cảnh đương kim Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đang trở thành tâm điểm khi khá nhiều tin đồn tiêu cực nhắm đến ông được đưa ra một cách dồn dập. Sinh mệnh chính trị của ông Huệ rõ ràng đang là vấn đề được dư luận ở Việt Nam quan tâm (3). Nhiều bình luận xoay quanh các phóng sự của RFA và VOA không gây bất ngờ, vì các thông tin ấy thực ra đã ‘bùng nổ’ ngay từ buổi sáng đầu tiên, khi Chủ tịch Huệ bắt đầu chuyến ‘kinh lý’ Trung Quốc, từ 8 – 12/4 (4). 

    Số tiền đưa và nhận hối lộ của Thuận An Group bị tố giác là ‘khủng’ hơn vụ ‘Hậu pháo’ (5) rất nhiều lần, vì các công trình của Thuận An ‘rải khắp’ Bắc – Trung – Nam. Từ một doanh nghiệp với quy mô vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn có 3,9 tỷ đồng, trong 10 năm trở lại đây Thuận An đã lớn nhanh như thổi, vốn điều lệ tăng gấp 200 lần lúc mới thành lập. Theo báo Tiền Phong hôm 16/4/2024 cho biết: ‘Thuận An Group nay đã tham gia tổng cộng 51 gói thầu và đã trúng 39 gói thầu, trượt tám gói, và bốn gói vẫn chưa có kết quả. Tổng giá trị của các gói trúng thầu là hơn 22,600 tỷ đồng ($893.7 triệu). Trong số này, có hơn 8,200 tỷ đồng ($324.2 triệu) thuộc về các gói chỉ định thầu. Tổng giá trị trúng thầu là hơn 144,300 tỷ đồng ($5.7 tỷ)’ (6). Lớn nhanh như ‘đặt ông đu đủ thổi…’ như vậy thì kiểu gì cũng có vấn đề. Đây là vụ bắt giữ mới nhất khi chiến dịch ‘đốt lò’ của ông Trọng được cho là tiếp tục mở rộng. Cựu Chủ tịch nước (và cũng là cựu Thủ tướng) Nguyễn Xuân Phúc từng tuyên bố, các doanh nghiệp nhà nước… không chịu đổi mới, đặc biệt là có những anh mười mấy sân sau, đừng tưởng Thủ tướng không biết (7). ‘Mười mấy sân sau’ là biệt ngữ nói lên, doanh nghiệp nào cũng có nhiều ‘trùm cuối’ chống lưng.

    Cho nên chuyện chống tham nhũng trong chế độ toàn trị ở Việt Nam là bất khả, chỉ là phương tiện để các phe cánh triệt hạ lẫn nhau. Nhà thơ Thái Bá Tân cảm thán thế này: ‘Đừng mơ chống tham nhũng/ Ở chế độ độc tài/ Điều ấy đã thành luật/ Và không loại trừ ai/ Vậy muốn sống tử tế/ Thì phải làm thế nào?/ Không làm quan cộng sản/ Đừng vờ hỏi vì sao?’ Còn người dân xứ Đông Lào thì vừa trào lộng vừa chua xót: ‘Nghe đâu đom đóm sắp tàn/ Chọi nhau sát ván tan hoang cửa nhà/ (Đom đóm là biệt danh của ông Huệ) (8). Tất cả dù diễn ra trong ‘hộp đen, nhưng đừng nghĩ, người dân chẳng biết ất giáp gì… Không chỉ biết, họ còn hiểu rõ, mỗi phe cánh, bên này hay bên kia, đều có đầy đủ hồ sơ ‘bất hảo’ về nhau. 

    Và không chỉ hiểu rõ, người dân còn nhận thức sâu sắc về sự dối trá cùng cực của hệ thống tư pháp ‘bỏ túi’. Từ ‘chuyến bay giải cứu’ đến ‘kit test việt Á’, từ những lời khai liên quan đến Phạm Quý Ngọ, đến Trần Đại Quang (là những tướng ba, bốn sao của Bộ Công an), tất cả đều là những đại án thiếu vắng các bên bị hại. Bởi một lý do đơn giản, bên bị hại chỉ là dân đen, còn những vụ áp-phe kia đều ‘có tính Đảng' (9).

    Riêng đối với Đại tướng Tô Lâm, một bình luận trên báo ‘Người Việt’ viết: “Bộ Công An của ông Lâm đã trở thành một thứ kiêu binh, tác oai tác quái dữ dội, gây oán hận trùng trùng nhưng không ai dám hé răng phản đối. Quyền hành ở Việt Nam bây giờ thực sự nằm trong tay ông Tô Lâm... Nếu ông Lâm thành công trong việc loại bỏ các đối thủ, độc chiếm chiếc ghế TBT, đất nước lại rơi vào một giai đoạn tối tăm hơn. Triển vọng một Việt Nam dân chủ, thịnh vượng và hòa đồng với thế giới văn minh xem ra còn xa xôi hơn nữa” (10).

    Nhưng khác với vụ của Tập đoàn Phúc Sơn (Hậu pháo), ‘trùm cuối’ của Tập đoàn Thuận An mà Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (CO3) muốn đánh ‘bật gốc’ ngày từ đầu đã không kéo cờ trắng một cách dễ dàng như Võ Văn Thưởng. Theo tin nội bộ rò rỉ không thể tiết lộ danh tính và chưa thể kiểm chứng, sáng 19/4, Bộ chính Trị họp mà chưa bàn gì đến vụ việc ‘nóng như lửa’ của Vương Đình Huệ. Chiều 19/4, cũng từ nguồn tin vừa dẫn, Ban Kiểm tra trung ương chính thức làm việc với Chủ tịch Vương Đình Huệ về những hồ sơ do CO3 cung cấp. Tạm thời, Huệ phải huỷ bớt một số hoạt động chính thức. Lúc này, coi như Huệ ‘trụ được’ bước đầu, chưa chấp nhận hàng. Nhưng từ một góc nhìn khác, Vương Đình Huệ kiểu gì cũng bại, vì sẽ khó đạt được mục đích chiếm ghế TBT. Mọi biểu hiện khác chỉ là hình thức thua, là ‘phép thắng lợi tinh thần’. Trong hệ thống đạo tặc hiện nay, anh phải là A1. Còn từ A2 trở xuống đều như nhau hết. Tất cả chỉ là ‘kẻ sai vặt’ của A1 mà thôi.

    Tóm lại, các phe phái Ba Đình đang ‘chơi nước cờ tàn’. Tổng Trọng nuôi hy vọng ngồi lại sau Đại hội 14 và sẽ được ‘băng hà’ trên ‘ngai vàng’. Đàn em của ông đánh nhau thì cũng để giành lấy cái uy quyền tối thượng ấy. Dù Huệ hay Tô Lâm thắng ‘keo’ này thì bên thua cuộc vẫn là ‘dân đen’. Toàn cảnh kinh tế – xã hội đang vào hồi bết bát mà lãnh đạo chỉ mải lo ‘đục ghế nhau’ sát ván. Cuộc tương tàn có thể còn kéo dài đến tận Đại hội 14. Trong giới KOL, có đề xuất phải tuân thủ chặt chẽ Bộ Luật hình sự khi câu lưu, đảm bảo sao cho có đại diện các bộ nghành, chứ không nên chỉ có một mình Công an đứng trên pháp luật như hiện nay. Le lói tia hy vọng, trật tự mới liệu sẽ ra đời từ đổ nát và hỗn loạn? Nhưng đấy có thể chỉ là ảo tưởng, chừng nào mà ‘người cầm cân nảy mực’ tới đây chưa có độc lập tính cao, năng lực tự chủ vượt trội. Chưa đến lúc ấy, chính trường Ba Đình khi nào cũng là chiến trường ác liệt.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/from-vuong-dinh-hue-scandal-what-hope-for-a-ruined-system-04232024130911.html

    30 năm, 206 tỷ USD kiều hối đã đổ về

    Nguyễn Minh/Việt Luận

    24/4/2024

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/04/kieu-hoi-768x406-1.jpg

    Đồng tiền Brazil và đô la Mỹ. (Ảnh minh họa: Rafastockbr/Shutterstock) 

    Ước tính có hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, thu nhập bình quân 20.000 USD/năm, tương đương khoảng 100 tỷ USD/năm.

    Con số trên được nêu ra tại buổi tọa đàm “Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng” do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức ngày 23/4.

    Theo thống kê từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, lượng kiều hối về Việt Nam từ năm 1993 đến hết 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân trong cùng thời kỳ. Nếu tính cả năm 2023 thì lũy kế đạt khoảng 206 tỷ USD.

    Tính riêng trong năm 2023, Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho biết lượng kiều hối gửi về Việt Nam ước đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022.

    Số tiền trên từ hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có khoảng 2,3 triệu người có liên hệ với TP.HCM.
    Kiều hối chuyển về TP.HCM chảy nhiều vào bất động sản

    Việt kiều tại TP.HCM chiếm hơn 43% của cả nước, kiều hối chuyển về TP.HCM cũng luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số kiều hối.

    Năm 2023 kiều hối chảy về Việt Nam ước đạt khoảng 16 tỷ USD, riêng TP.HCM là khoảng 9,46 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022 – cao gấp 3 lần so với nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Trong quý 1/2024, kiều hối về TP.HCM tiếp tục đạt gần 2,9 tỷ USD, lập kỷ lục mới, tăng 35,4% so với cùng kỳ.

    Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết con số 9,46 tỷ USD kiều hối chuyển về TP.HCM trong năm 2023 là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây, chiếm gần 60% tổng lượng kiều hối cả nước. Con số này gấp 2,7 lần tổng vốn FDI vào TP.HCM và bằng khoảng 14% GRDP của TP.HCM. Con số trên gây ấn tượng khi đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tình hình lạm phát và xung đột vũ trang… ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và các yếu tố tác động liên quan đến kiều hối.

    Ông Lệnh kỳ vọng trong năm 2024, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM sẽ tăng khoảng 20%. Hiện Ngân hàng Nhà nước không có thống kê cụ thể nguồn kiều hối “chảy” vào đâu, nhưng nguồn ngoại tệ này đi vào nền kinh tế như tiêu dùng, kinh doanh, cải thiện đời sống, xây nhà cửa…

    Một thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay khoảng 15%-20% kiều hối đổ về Việt Nam đã đầu tư trực tiếp vào bất động sản. Trong khi đó, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định hiện nay hơn 50% kiều hối ở TP.HCM được sử dụng vào bất động sản, trực tiếp hay qua người quen, còn lại là mục đích tiêu dùng, hỗ trợ người thân.

    TP.HCM thiếu vốn

    Theo thông tin tại buổi tọa đàm, hạ tầng của TP.HCM đang là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế – xã hội, nguyên nhân chính là thiếu vốn.

    Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho hay TP.HCM là một siêu đô thị với trên 10 triệu dân. Nhu cầu về hạ tầng, từ giao thông đến trường học, bệnh viện, nhà ở, công viên… là rất lớn và không ngừng tăng lên. Làm thế nào để giải quyết vấn đề trên là điều mà TP.HCM phải giải quyết.

    Nhiều chuyên gia cho rằng kiều hối là tiền của người dân nên việc sử dụng như thế nào là quyền của người dân, nhưng dưới góc nhìn vĩ mô, cần thiết có chính sách để phát huy nguồn lực này.

    Hiện ngoài các nguồn lực do TP.HCM đề xuất và được Quốc hội thông qua nghị quyết 98, TP.HCM hướng sự chú ý vào nguồn kiều hối. Đây được xem là “một nguồn lực rất lớn, những năm qua luôn đổ về TP một cách bền bỉ” – theo lời ông Cường – “Các thống kê chính thức cho thấy lượng kiều hối về thành phố cao hơn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, như năm 2023 là 9,46 tỷ USD, gấp gần 3 lần FDI”.

    Giai đoạn 2022-2025, tổng kinh phí cho dự án đầu tư trọng điểm phát triển cơ sở hạ tầng tại TP.HCM dự kiến là 243.000 tỷ đồng; trong đó, dự án đầu tư xây dựng metro ước 103.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 43%. Trong khi đó, ngân sách được phê duyệt hàng năm cho các dự án hạ tầng nội đô chỉ khoảng 30.000 tỷ đồng.

    Đầu năm 2023, UBND TP.HCM đã giao Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM xây dựng đề án “Chính sách thu hút và phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn thành phố”. Một trong những mục tiêu chính của đề án là nắn dòng kiều hối vào hạ tầng, vào sản xuất, kinh doanh… để tạo sản phẩm cho xã hội, tạo công ăn việc làm. Cụ thể, khi đề án được triển khai, sẽ có ít nhất 5 dự án phát triển kinh tế – xã hội tại TP.HCM có sự đóng góp từ nguồn lực kiều hối.

    Theo phân tích của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, nguồn kiều hối về TP.HCM chủ yếu từ 4 nguồn với đặc trưng về đầu tư khác nhau. Thứ nhất là từ thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài lớn tuổi, di cư sau năm 1975. Nguồn kiều hối này không lớn, chủ yếu hỗ trợ người thân, kích thích tiêu dùng.

    Thứ hai là từ thế hệ người Việt Nam trẻ tuổi, ra nước ngoài sau năm 1975. Nguồn kiều hối này lớn, mang tính chất đầu tư.

    Thứ ba là từ người Việt Nam đi xuất khẩu lao động và ở lại làm ăn hợp pháp. Nguồn tiền này là thường xuyên, được gửi về nước để trợ giúp người thân, đầu tư, trả nợ, kinh doanh.

    Thứ tư là từ người đang xuất khẩu lao động ở nước ngoài, tiền gửi về chủ yếu trả nợ, chi tiêu cho sức khỏe, giáo dục, tích lũy.

    Vẫn theo nghiên cứu của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, khảo sát trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài của đại diện các hội doanh nhân người Việt Nam tại các nước, thế hệ thứ 2 người Việt Nam ở nước ngoài đang có nhu cầu rất lớn được trở về Việt Nam đầu tư. Trong đó đặc biệt là nhu cầu trợ giúp pháp lý xin giấy phép đầu tư, chuyển nguồn tiền, giao thương…

    TP.HCM sẽ phát hành trái phiếu cho kiều bào?

    TS Trần Du Lịch cho hay: “Tọa đàm đã bàn nhiều giải pháp, đầu tiên là làm sao tạo cơ chế hấp dẫn, môi trường pháp lý an toàn để kiều bào an tâm chuyển dòng chảy này thành dòng vốn.

    Hai là có các định chế, ví dụ các dự án đầu tư, phát hành trái phiếu công trình.v.v… đặc biệt là phát hành trái phiếu riêng cho kiều hối, gồm 2 dạng, phát hành bằng ngoại tệ (phải xin phép đề án Trung ương), nhưng cũng có thể nắn dòng này khi họ nhận được tiền rồi, họ vun vào trái phiếu bình thường, thì cái này không vướng về vấn đề ngoại hối. Người ta nhận tiền chỗ Sacombank xong, chỗ công ty xong, là họ mua trái phiếu này, cái này coi như tiền nội tệ đó”

    Ông Lịch nhận định TP.HCM phải chủ động, có định chế, phát huy cho được vai trò của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) để thu hút, dẫn dắt được dòng vốn này.

    Ông Lịch đề nghị Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM làm sao tăng lượng kiều hối lên và sử dụng hiệu quả nguồn tiền này vào đầu tư.

    “Tôi biết hiện nay Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã nghiên cứu khá nhiều nước về chính sách thu hút kiều hối, Ấn Độ.v.v…, nhưng mà nghiên cứu thêm xem có nơi nào có những công trình, dự án riêng rẽ cho kiều hối của họ không. Ví dụ họ đầu tư một khu công nghiệp, một công trình, một nhà máy xử lý rác, một nhà máy cấp nước.v.v.., tức là có những “case study” để bàn và dẫn ra khi đề xuất Trung ương, sẽ thuyết phục hơn”, ông Lịch nói.

    Cần kiểm soát chặt rủi ro và minh bạch thông tin

    Một hoài nghi được đặt ra là hiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam đang trong tình trạng khủng hoảng về niềm tin sau hàng loạt những sự cố trên thị trường liên quan đến Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, FLC… Nhiều nhà đầu tư, trong đó có các kiều bào, nghi ngờ thì liệu việc phát hành trái phiếu cho kiều bào có thành công hay không?

    TS Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính – Bất động sản Toàn cầu cho hay các điểm then chốt để việc phát hành trái phiếu thành công đó là TP.HCM phải đảm bảo và chứng minh tình hình tài chính của thành phố đủ khả năng để trả lãi suất và vốn gốc đúng hạn. Tại Mỹ, khi người dân mua trái phiếu, các ngân hàng nói rõ nguồn trả nợ từ đâu rất cụ thể, chẳng hạn như ưu tiên nguồn trả nợ thứ nhất từ kinh doanh, sau đó là từ các tài sản đảm bảo, tiếp đến sẽ là một khoản bảo lãnh nào đó… Ở Việt Nam lại không nói cho nhà đầu tư về việc này nên không thuyết phục được nhà đầu tư mua trái phiếu.

    “Thêm một kinh nghiệm để phát hành trái phiếu thành công đó là phải có xếp hạng tín nhiệm. Nhà đầu tư thường dựa vào xếp hạng tín nhiệm để mua trái phiếu vì họ cần bên thứ 3 nói cho họ biết là nhà phát hành có khả năng trả nợ hay không. Do đó, Việt Nam có thể sử dụng công ty xếp hạng tín nhiệm trong nước và quốc tế để xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu”, ông Hiếu đề xuất.

    Ngoài ra phải xác định một mức lãi suất hợp lý và phù hợp với thị trường để thu hút các nhà đầu tư, phải phù hợp với khả năng trả nợ của tổ chức phát hành, đảm bảo chính quyền địa phương có khả năng chi trả lãi và gốc của trái phiếu. Kiểm tra và tuân thủ các quy định pháp lý cụ thể đối với việc phát hành và phân phối trái phiếu tại Việt Nam và các quốc gia sở tại. Các quy định này có thể bao gồm các quy định về mức độ nợ công được phép phát hành và việc công bố thông tin. Đánh giá các rủi ro đặc biệt mà thành phố có thể phải đối mặt như biến động trong nguồn thu thuế, sự phụ thuộc vào một số ngành công nghiệp, các biến động trong thị trường bất động sản, thị trường tài chính, biến động hối đoái và các rủi ro kinh tế, thương mại và chính trị nếu có.

    “Tôi dự đoán khả năng TP.HCM phát hành trái phiếu cho kiều bào để tài trợ các dự án trọng điểm của thành phố sẽ thành công khoảng 70% cho đợt chào bán đầu tiên với số lượng chào bán 100 triệu USD, với điều kiện những kế hoạch mà tôi đề xuất được thực hiện”, TS Hiếu cho hay.

    Việt Nam phạt tù 10 người do tham gia tổ chức ‘khủng bố’ Mỹ 

    24/4/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Phiên tòa ở Gia Lai hôm 23/4/2024. Photo Screenshot ANTV.

    Phiên tòa ở Gia Lai hôm 23/4/2024. Photo Screenshot ANTV. 

    Hôm 23/4, một tòa án ở tỉnh Gia Lai tuyên phạt 10 người với các mức án khác nhau từ 4 đến 13 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 109 Bộ luật Hình sự, do họ tham gia nhóm Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời có trụ sở ở Mỹ, bị chính quyền cộng sản Việt Nam liệt vào hạng tổ chức “khủng bố”.

    Tòa tuyên mức án nặng nhất đối với Phan Thị Thảo, 67 tuổi, và Tạ Văn Triệu, 50 tuổi, mỗi người 13 năm tù, báo Gia Lai đưa tin.

    Ba bị cáo khác là Trần Thiện, 52 tuổi, Vũ Đình Lan, 51 tuổi, và Huỳnh Thị Khánh Trang, 37 tuổi, bị tuyên phạt mỗi người 12 năm tù.

    Cao Thị Ngọc Diễm, 55 tuổi, và Trần Huệ Chân Vương, 53 tuổi, bị tuyên 9 năm tù.

    Các bị cáo còn lại là Trần Thị Kim Loan, 62 tuổi, và Trần Thọ, 68 tuổi, bị tuyên 8 năm tù, và Cao Cương, 52 tuổi, bị tuyên 4 năm tù.

    Các trang báo của nhà nước dẫn cáo trạng tường tuật rằng nhóm này đã tham gia một tổ chức “phản động, khủng bố” có tên “Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời” do ông Đào Minh Quân ở Mỹ, lãnh đạo.

    Những người này được cho là đã phổ biến “Hiến pháp Đệ tam Việt Nam Cộng Hòa”, kêu gọi và hướng dẫn mọi người tiến hành “trưng cầu dân ý” và các thủ tục đăng ký làm thành viên của tổ chức thông qua việc sử dụng các trang Facebook và YouTube từ năm 2020.

    Nhà chức trách bắt giam bà Thảo ở Gia Lai vào tháng 6/2022, sau đó bắt giam thêm 9 người còn lại ở các tỉnh, thành khác nhau gồm Tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Kiên Giang, và Thừa Thiên-Huế.

    “Theo điều tra, Phan Thị Thảo cùng nhóm đồng phạm đã lợi dụng các trang mạng xã hội, ứng dụng liên lạc qua internet để tuyên truyền, xuyên tạc tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước; nói xấu chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước Việt Nam; bôi nhọ lãnh tụ của Đảng”, báo nhà nước đưa tin. “Mặt khác, các đối tượng đề cao, ca ngợi, suy tôn, sùng bái cá nhân Đào Minh Quân và thực hiện âm mưu phát triển lực lượng trong nước hòng chống phá Đảng, Nhà nước”.

    Báo chí trong nước mô tả rằng nhóm này “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với an ninh chính trị trên cả nước” nhưng không cho biết các hậu quả đó là gì.

    VOA đã liên lạc với nhóm Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đề nghị họ cho ý kiến về bản án này, nhưng chưa được trả lời.

    Cũng với cáo buộc liên quan đến Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời, hồi tuần trước, chính quyền tỉnh Long An tuyên phạt bà Nguyễn Thị Bạch Huệ 12 năm tù cũng với tội danh “hoạt động chống chính quyền nhân dân”.

    Trả lời cho đề nghị bình luận của VOA về bản án này, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết qua email: “Chúng tôi kêu gọi Việt Nam đảm bảo việc truy tố hình sự phù hợp với các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế và được thực hiện thông qua quy trình pháp lý công bằng và minh bạch”.

    Tổ chức Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời do ông Đào Minh Quân ở bang California thành lập từ năm 1990. Chính phủ Hoa Kỳ không xem tổ chức này là khủng bố, nhưng lại bị chính quyền Việt Nam liệt vào danh sách khủng bố hồi tháng 1/2018.

    Trong thời gian qua, hàng chục người trong nước được cho là có liên quan đến tổ chức này đã bị chính quyền Việt Nam bắt giam, kết án, từ 5 đến 16 năm tù, cũng với tội danh “hoạt động chống chính quyền nhân dân”.

    FPT của Việt Nam đầu tư 200 triệu USD vào nhà máy AI sử dụng chip Nvidia 

    23/4/2024 

    Reuters 

    VOA Tiếng Việt 

    Đại diện của FPT và Nvidia tại lễ ký kết hợp tác giữa ởchị Hà Nội hôm 23/4.

    Đại diện của FPT và Nvidia tại lễ ký kết hợp tác giữa ởchị Hà Nội hôm 23/4. 

    Công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam FPT có kế hoạch xây dựng một nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI) trị giá 200 triệu USD sử dụng các chip đồ họa và phần mềm của Nvidia, hai công ty cho biết hôm 23/4.

    FPT có kế hoạch sử dụng sự hỗ trợ của Nvidia để thúc đẩy nghiên cứu AI tại Việt Nam nhằm phát triển các ứng dụng và giải pháp AI tại nhà máy trung tâm dữ liệu đã được lên kế hoạch, bao gồm cả AI và xe tự lái, hai công ty cho biết trong một tuyên bố chung.

    “Theo kế hoạch, FPT sẽ thành lập nhà máy tại Việt Nam và các thị trường tiềm năng khác trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nói với các phóng viên.

    “FPT đang nỗ lực đạt được tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành trung tâm AI thông qua hợp tác với Nvidia trong lĩnh vực công nghệ, phát triển kinh doanh và đào tạo,” ông Bình nói.

    Hai công ty cũng đã ký kết “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”.

    Tại lễ ký kết hôm 23/4 ở Hà Nội, đại diện FPT cho biết khoản đầu tư 200 triệu sẽ nhắm mục tiêu mở rộng hệ sinh thái điện toán đám mây có chủ quyền của Việt Nam, theo VnExpress. Tờ báo này cho biết rằng nhà máy AI của FPT không sản xuất phần cứng và hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ mới nhất của Nvidia.

    Giám đốc điều hành của Nvidia, Jensen Huang, cho biết vào tháng 12 năm ngoái rằng công ty muốn mở rộng quan hệ đối tác với các công ty công nghệ hàng đầu của Việt Nam và hỗ trợ nước này đào tạo nhân tài phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và AI.

    “Chúng tôi đang làm việc với nhiều đơn vị hoạt động khác nhau trong FPT… chúng tôi có các thỏa thuận và chiến lược cho từng đơn vị đó,” ông Keith Strier, phó chủ tịch phụ trách Sáng kiến AI Toàn cầu tại Nvidia, cho biết tại một sự kiện đánh dấu sự hợp tác ở Hà Nội.

    Nhà sản xuất chip Mỹ đã đầu tư hơn 250 triệu USD vào Việt Nam. Hiện chưa rõ liệu quan hệ đối tác mới có tăng thêm đầu tư của Nvidia vào Việt Nam hay không.

    FPT là công ty công nghệ có giá trị nhất trên thị trường chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, với giá trị vốn hóa thị trường là 5,5 tỷ USD. Công ty này cung cấp nhiều dịch vụ AI, đám mây và dữ liệu lớn. Tổng doanh thu của FPT vào năm ngoái đạt hơn 2 tỷ USD.


    Không có nhận xét nào