Header Ads

  • Breaking News

    Thảm kịch thuyền nhân: 20 năm biển người giữa Biển Đông

    Một trong những thảm kịch tị nạn dai dẳng nhất trong lịch sử nhân loại.

    Nguyễn Hạnh / Tạp chí Luật Khoa

    " Từ năm 1987, dòng thuyền nhân bắt đầu tăng trở lại với 28.116 người đến các trại tị nạn, tăng 30% so với năm 1986. [60] Con số này là 37.676 người chỉ trong chín tháng đầu năm 1988. [61]

    Làn sóng thuyền nhân lần này đã đánh dấu một thế hệ thuyền nhân mới của Việt Nam. Đó không còn là những người ra đi vì bị đàn áp chính trị. Phần lớn thuyền nhân ra đi vì muốn thoát khỏi tình trạng nghèo đói, thất nghiệp triền miên ở Việt Nam. Vào lúc này, Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất thế giới, và nằm trong nhóm thấp nhất ở châu Á về các tiêu chuẩn sức khỏe. [62]

    Thế hệ thuyền nhân mới này không chỉ có người miền Nam mà còn có cả những người miền Bắc. Hồng Kông cho biết hầu hết các thuyền nhân cập bến trong nửa đầu năm 1986 nói rằng họ ra đi vì vấn đề kinh tế, đặc biệt là những người đến từ các tỉnh miền Bắc Việt Nam. [63]

    Từ năm 1987, nhiều người Hoa rời Việt Nam sang Trung Quốc cư trú vào năm 1978 cũng đã đến Hồng Kông xin tị nạn. Họ cho biết lý do vượt biên là vì nghèo đói, bị người bản địa kỳ thị. [64]".

    Đồ họa: Luật Khoa. 

    April 26 2022

    Bài viết này nằm trong số báo tháng Tư năm 2022 của Luật Khoa tạp chí, được phát hành lần đầu trên ấn bản PDF ngày 26/4/2022.

    Vào tháng 5/1975, một chiếc thuyền khởi hành từ Việt Nam chở theo 47 người đã dạt vào một bờ biển của Malaysia. Họ là những người đầu tiên mà thế giới sau đó gọi là thuyền nhân. [1] Một trong những thảm kịch tị nạn dai dẳng nhất lịch sử bắt đầu.

    Cuối năm 1978, có khoảng 62.000 thuyền nhân Việt Nam đang tạm trú trong các trại tị nạn ở khắp khu vực Đông Nam Á. [2] Những người sống sót khi đó cho biết ước chừng 50% số người ra đi đã chết trên biển, theo hãng tin AP. [3]

    Tháng 12/1978, một chiếc thuyền khởi hành từ Việt Nam chở theo 120 người nhưng chỉ có 34 người cập bến tại Đài Loan. Trong một hành trình khác, một thuyền nhân cho biết những người vượt biển đã sống sót trong 42 ngày trên đảo hoang nhờ ăn xác những người thân của mình. [4] Có thuyền nhân đã bị hải tặc hãm hiếp đến chết. [5]

    Đất nước sau năm 1975 hòa bình nhưng không yên bình. Hơn 800 nghìn người, gồm cả người miền Bắc, đã trở thành những thuyền nhân.

    Quê hương xa lạ

    Năm 1978, loại thuốc đắt nhất ở miền Nam vào lúc này là thuốc chống say sóng và thuốc ngủ. Trẻ em được cho uống thuốc ngủ trong các chuyến vượt biên bí mật, khởi hành từ đường thủy nội địa, nơi tiếng khóc của con nít phát ra từ hầm chứa cá là dấu hiệu cho thấy có người đang vượt biên. [6]

    Người vượt biên lúc này chủ yếu là những cựu quân nhân, viên chức chế độ cũ, trí thức ở lại miền Nam.

    Các trí thức miền Nam vào lúc này không được chế độ mới tin tưởng. Họ hiếm khi được làm việc liên quan đến chuyên môn của mình. Chính quyền cho rằng họ còn nguy hiểm hơn các cựu quân nhân.

    Nhiều cựu quân nhân, viên chức bị cầm tù trong các trại cải tạo. Đến năm 1979, có khoảng 40.000 người bị giam giữ không thông qua xét xử, không biết mình phạm tội gì. [7]

    Vào năm 1989, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cho biết số cựu tù cải tạo mà chính quyền có thể cho đến Mỹ định cư là khoảng 100.000 người. [8]

    Các gia đình người Hoa, các cựu quân nhân, viên chức cũng nằm trong số những thành phần bị đưa đi các vùng kinh tế mới. Ở đó, họ phải làm việc 10 tiếng một ngày, sáu ngày một tuần và bị nhà nước thu hết nông sản. [9] Sau khi vượt biên đến Macau, một cán bộ miền Nam từng làm nhiệm vụ đăng ký tái định cư ở các vùng kinh tế mới nói với hãng tin UPI, nếu người dân đủ tiền hối lộ cho ông hoặc những cán bộ khác thì họ sẽ được phép ở lại thành phố. [10]

    Năm 1978, mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc lên đến đỉnh điểm, đánh dấu một cuộc di cư lớn mà sau này được gọi là “Nạn Kiều”. Người Hoa tại Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh miền Bắc đã vượt biên sang Trung Quốc. [11] Tháng 5/1978, Tân Hoa Xã nói 89.700 người Hoa đã bị chính quyền Việt Nam đuổi ra khỏi đất nước. Phía Việt Nam cho rằng người Hoa ra đi vì nghe theo tin đồn không đúng rằng chiến tranh sắp nổ ra, và người Hoa sẽ bị trừng phạt do Trung Quốc viện trợ cho Campuchia tấn công Việt Nam ở biên giới Tây Nam. [12]

    Theo hai tờ báo thân Trung Quốc tại Hồng Kông, một vài người Hoa từng sống tại Việt Nam nói chính quyền ép các kỹ sư người Hoa làm việc trong các hầm mỏ và cấm họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Hoa. Họ bị mất khẩu phần thuốc lá và thịt, lại phải hối lộ cho bác sĩ thì mới được khám bệnh, trong khi người Việt thì được miễn phí. [13]

    Cũng vào lúc này, nền kinh tế tư nhân của miền Nam - chủ yếu do người Hoa nắm giữ - bị quốc hữu hóa. Một nhân chứng cho biết trong một cuộc biểu tình của người Hoa ở khu Chợ Lớn vào ngày 21/3/1978, cảnh sát đã bắn chết 10 người. [14] Nhà nước bắt đầu cấp phép cho người Hoa ở miền Nam ra đi.

    “Xuất khẩu” thuyền nhân

    Bên cạnh những chuyến vượt biên bí mật với chi phí thấp, linh hoạt nhưng nhiều rủi ro, các chuyến đi được cấp phép, an toàn hơn dành cho người Hoa đã đưa hàng chục nghìn người vượt biển.

    Dù người dân ra đi bằng cách nào, chính quyền và tầng lớp cán bộ đã thu được rất nhiều tiền, tài sản mà các thuyền nhân bỏ lại.

    Theo hồi ký vượt biên vào năm 1979 của cựu giáo sư đại học Nguyễn Long, có cán bộ đảng nói với ông rằng thu nhập quốc gia từ “xuất khẩu” thuyền nhân lúc đó chỉ thua có doanh thu sản xuất và thương mại hàng hóa trên cả nước. [15]

    Để tham gia các chuyến đi hợp pháp, ông Long cho biết một người lớn phải trả 10 lượng vàng, một trẻ em hoặc thiếu niên phải trả 5 lượng vàng. [16] Một bài báo điều tra về thuyền nhân của Úc xác nhận khoản phí tương tự. [17]

    Cũng theo hồi ký của ông Nguyễn Long, giá vàng năm 1978 là 1.800 đồng/ lượng. Tổng chi phí thông thường cho một con tàu là khoảng 3 triệu đồng (tương đương 1.667 lượng vàng), trong đó 80% là chi cho chính quyền (khoảng 2,4 triệu đồng) gồm vàng, xe hơi và các khoản bôi trơn khác cho các cán bộ.

    Đối với các chuyến đi “chui”, nếu cần thiết, người tổ chức chỉ phải trả tiền “mua bến”. Đó là một khoản hối lộ các cán bộ địa phương tại điểm khởi hành, có giá một lượng vàng cho mỗi người lớn và nửa lượng vàng cho mỗi trẻ em. [18]

    Vào lúc này, người Việt cũng có mặt trong các chuyến đi hợp pháp dành cho người Hoa bằng cách làm giả giấy tờ tùy thân, thường là đổi sang các họ của người Hoa. [19] Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) cho biết khoảng 70% thuyền nhân sống sót đến các trại tị nạn vào cuối năm 1978 là người Hoa. [20]

    Vào năm 1978, Malaysia là điểm đến của hầu hết thuyền nhân. Sự hiện diện của các giàn khoan dầu đã giúp cho những chiếc thuyền nhỏ dễ dàng điều hướng. Một con thuyền dài 22 mét, rộng 4,5 mét có thể chở đến 412 người vượt Biển Đông đến Malaysia. [21]

    Lúc đầu, Malaysia vẫn chưa biết Việt Nam đang cấp phép cho người Hoa ra đi. [22] Tuy nhiên, một số con tàu chở theo hàng nghìn thuyền nhân đã làm các nước tiếp nhận choáng váng. Vào tháng 11/1978, Malaysia tiếp nhận tàu vỏ thép Hai Hong chở theo 2.500 người. [23] Vào tháng 1/1979, tàu Huey Fong đưa 3.383 người cập bến Hồng Kông. [24]

    Sự ra đi của người Hoa đã đẩy dòng thuyền nhân lên cao kỷ lục vào năm 1979. Chỉ trong 7 tháng đầu năm, hơn 177.000 thuyền nhân Việt Nam đã cập bến các trại tị nạn, vượt quá sức chứa của các nước. [25]

    Chấn động thuyền nhân

    Khi dòng thuyền nhân ào ạt cập bến, một số nước thậm chí không chấp nhận cho họ trú chân. Malaysia và Thái Lan đã đẩy thuyền Việt Nam trở lại hải phận quốc tế. Singapore chỉ tiếp nhận người nào được đảm bảo tái định cư trong vòng 90 ngày.

    Chỉ trong một tuần của tháng 7/1979, hơn 60 người chết, nhiều trường hợp vì đói khát hoặc tự tử, khi đang vượt biển đến Philippines. [26] Liên Hiệp Quốc ước tính hàng nghìn người đã chết trên biển do không được cứu vớt, gặp tai nạn hoặc bị hải tặc sát hại. [27]

    Tháng 7/1979, Liên Hiệp Quốc mở hội nghị với 65 chính phủ về cuộc khủng hoảng tị nạn ở Biển Đông. Kết quả của hội nghị rất hứa hẹn. Các nước phương Tây sẽ tăng tốc tái định cư thuyền nhân, tìm cách giảm số người chết trên biển. Mỹ, Đức và Pháp hứa đưa tàu cứu vớt thuyền nhân. Việt Nam cam kết sẽ ngăn chặn các chuyến vượt biên và tổ chức các chuyến đi có trật tự để hạn chế số người chết trên biển. [28]

    Bất cứ thuyền nhân nào ra đi trong giai đoạn này đều mặc định được hưởng quy chế tị nạn, dưới sự bảo trợ của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn, và sẽ được các nước phương Tây tái định cư.

    Malaysia, Indonesia, Hồng Kông, Thái Lan là những nước tiếp nhận nhiều thuyền nhân, bên cạnh Philippines, Nhật Bản, Đài Loan, và Ma Cau.

    Nhật Bản cho phép thuyền nhân ở lại để tìm việc làm nếu không được nước thứ ba tiếp nhận. [29] Hồng Kông lúc này trở thành bến đỗ lý tưởng nhất, không chiếc thuyền nào bị đẩy trở lại biển. [30] Chính quyền còn cho phép thuyền nhân tìm việc làm trong lúc chờ đợi tái định cư. [31] Philippines cũng cho phép thuyền nhân ra ngoài trại tị nạn để làm việc, trồng trọt và đánh bắt hải sản. [32]

    Các quốc gia khác thường thiết lập các trại đóng dành cho người tị nạn, hoặc cho họ ở trên các hòn đảo không dân cư, không có cơ sở hạ tầng.

    Cuối năm 1979, Việt Nam tuyên bố sẽ đình chỉ vô thời hạn các chuyến vượt biên. Khoảng 4.000 người được cho là đã bị bắt giữ, một số người đã bị tử hình. Theo cán bộ chính quyền, quyết định này có một phần lý do kinh tế: một nửa số tàu đánh cá cùng máy móc, thiết bị đã ra đi cùng với các thuyền nhân. [33] Có nguồn tin nói với tờ Chicago Tribune rằng tàu của chính quyền đã nã đạn vào thuyền nhân đang vượt biên. [34]

    Cuối năm 1979, số thuyền nhân đến các trại tị nạn bắt đầu giảm. Khoảng 145.000 thuyền nhân vẫn đang chờ đợi trong các trại tị nạn. [35]

    Vào năm 1981, khảo sát của Mỹ cho biết nhiều cán bộ và bác sĩ đã rời bỏ Việt Nam. Trong một khảo sát ngẫu nhiên với những người tị nạn, chỉ có 7% người tị nạn lúc này là nông dân và ngư dân, 30% từng làm việc cho Mỹ hoặc có liên quan, còn lại hầu hết là thành phần trung lưu. Số thuyền nhân là người Hoa đến các trại tị nạn chỉ còn khoảng 30 - 40%. [36]

    Ra đi có trật tự

    Năm 1981, các chuyến bay theo Chương trình ra đi có trật tự (Orderly Departure Programme - ODP) bắt đầu cất cánh. Đây là những chuyến bay đưa người Việt đủ điều kiện đi định cư tại các nước phương Tây. Chương trình này được lập ra với hy vọng giảm bớt dòng người đổ ra biển. [37]

    Mỹ là nước tiếp nhận nhiều người nhất theo chương trình này, nhưng cũng là một trong số ít nước yêu cầu người muốn định cư phải trải qua phỏng vấn với nhân viên của Liên Hiệp Quốc.

    Năm 1983, Việt Nam chỉ cho phép một nhân viên Liên Hiệp Quốc làm nhiệm vụ phỏng vấn cho phía Mỹ, khiến một lượng lớn hồ sơ đăng ký ứ đọng. Toàn bộ quá trình xét duyệt có thể kéo dài vài tháng cho đến vài năm. Người dân cho biết đôi khi họ phải đưa hối lộ cho cán bộ Việt Nam để rút ngắn thời gian chờ đợi. [38]

    Ban đầu, các chuyến bay ODP đến Mỹ chỉ dành cho thân nhân và những người có quan hệ với chính phủ Mỹ. Năm 1989, chương trình ODP mở rộng đến các diện con lai và cựu tù nhân chính trị trong các trại cải tạo. [39] Tính đến năm 1999, khoảng 500.000 người đã sang Mỹ theo chương trình này. [40]

    Vào lúc này, nhiều thuyền nhân đã vượt biên một mình với hy vọng có thể đưa người nhà ra đi theo diện ODP sau này. [41] Rất nhiều người đã vượt biên thành công, nhưng cũng có hàng nghìn người đã mãi mãi ở lại Biển Đông.

    Thảm kịch Biển Đông

    Vào tháng 11/1981, một chiếc thuyền chở theo 19 người đến Thái Lan đã bị hải tặc tấn công. 12 người đàn ông bị hải tặc ném xuống biển. Bốn người phụ nữ và ba trẻ em, trong đó có một trẻ ba tháng tuổi, bị bắt lên đảo hoang. Trong 10 ngày liên tiếp, nhóm hải tặc quay lại hòn đảo, săn đuổi và cưỡng hiếp những người phụ nữ và cuối cùng ném họ xuống biển. Chỉ có hai trong số bốn phụ nữ may mắn sống sót. [42]

    Liên Hiệp Quốc cho biết trong tháng 11/1981, cứ 10 thuyền nhân đến Thái Lan thì có hơn 1 người bị hải tặc giết chết. Vào lúc này, chương trình chống hải tặc của chính quyền Thái Lan, do Mỹ tài trợ, đã tạm dừng sau sáu tháng vận hành. Chính quyền giải thích rằng tiền tài trợ không đủ để tiếp tục. [43]

    Năm 1981 là một năm kinh hoàng với các thuyền nhân. Khoảng 77% số thuyền đến Thái Lan gặp hải tặc. Tính trung bình, hải tặc tấn công mỗi chiếc thuyền ba lần để cướp bóc, bắt cóc, cưỡng hiếp phụ nữ. Thống kê cho thấy 881 người đã bị giết chết hoặc mất tích, 578 người bị cưỡng hiếp, và 228 phụ nữ bị bắt cóc khi vượt biên đến Thái Lan chỉ trong năm đó. [44] Tỷ lệ thuyền đến Malaysia gặp hải tặc ít hơn, khoảng 36% trong cùng năm. [45]

    Washington Post dẫn lời của một viên chức làm việc với các thuyền nhân cho biết có trường hợp bị cưỡng hiếp đến 80 lần, và có người bị cưỡng hiếp đến chết. [46]

    Cuối năm 1981, UNHCR kêu gọi gây quỹ để chấm dứt những tai nạn đau thương này. Từ tháng 6/1982, chương trình chống hải tặc ở Thái Lan hoạt động trở lại nhờ kinh phí do hơn 10 quốc gia đóng góp, trong đó có Hoa Kỳ. Đến năm 1983, tỷ lệ thuyền gặp hải tặc khi đến Thái Lan được ghi nhận giảm còn hơn 50%. Tuy vậy, tình trạng hải tặc cưỡng hiếp phụ nữ, giết người diệt khẩu vẫn rất kinh hoàng. [47]

    Từ năm 1981 đến năm 1986, Liên Hiệp Quốc ghi nhận 758 người bị giết, 1.020 người bị cưỡng hiếp, 650 người bị bắt cóc khi vượt biên đến Thái Lan. [48] Năm 1987, chỉ có 8% số thuyền gặp hải tặc. Các vụ bắt cóc và cưỡng hiếp vẫn xảy ra, nhưng không có báo cáo ghi nhận số người chết. Tuy nhiên, số người bị giết hoặc mất tích tăng trở lại vào năm 1988, với 500 người. Con số này lên đến 750 người vào năm 1989. [49]

    Dù các con số cho thấy sự nghiêm trọng của vấn đề, chúng chỉ là phần ghi nhận được. Không phải chiếc thuyền gặp nạn nào cũng còn thuyền nhân sống sót hay có nhân chứng để kể lại. Không thể thống kê được những con thuyền đã bị hải tặc nhấn chìm. Mặt khác, hầu hết các con thuyền đều không đủ tiêu chuẩn để vượt biển. Theo ước tính của một đại sứ quán ở Bangkok vào năm 1982, 40% tổng số thuyền chở người tị nạn đã không đến được bến bờ. [50]

    Tháng 7/1985, 8 thuyền nhân trong tình trạng kiệt sức đã được đưa đi cấp cứu tại một bệnh viện ở thành phố Kagoshima, Nhật Bản. Nơi này cách bờ biển phía Bắc của Việt Nam khoảng 3.200 cây số. Các thuyền nhân cho biết thuyền của họ lúc đầu có 24 người. Ngoài xác của một người đàn ông trên thuyền, người ta tìm thấy nhiều chiếc mai rùa và các mớ rong biển. Các viên chức cho rằng chiếc thuyền đã trôi dạt ít nhất 50 - 60 ngày trên biển ngay trong mùa bão. [51]

    Cùng năm đó, một chiếc thuyền khởi hành từ Vũng Tàu chở theo 31 người. Sau 66 ngày lênh đênh trên biển, chỉ có ba người sống sót đến được Malaysia. [52]

    Năm 1987, New York Times ghi nhận một nhóm bạn gồm 24 thanh niên đã cùng vượt biên đến Philippines. Sau 20 ngày trôi dạt trên biển, cạn kiệt nước uống, vài người đã chết sau khi uống nước biển và nước tiểu. Xác của họ đã giúp 16 người còn lại sống sót. [53]

    Một trong những nhân tố gây nên các thảm kịch này là việc một số tàu hải quân, thương mại bỏ mặc thuyền nhân trên biển. Năm 1981, 21% số thuyền đến các trại tị nạn được cứu vớt, ba năm sau tỷ lệ này chỉ còn 7%. [54]

    Năm 1984, 16 người sống sót cập bến Philippines sau hơn một tháng trôi dạt trên biển. Khoảng 40 chiếc tàu đã đi ngang họ nhưng không cứu giúp, khiến 68 người thiệt mạng. [55]

    Sau các vụ việc bỏ mặc thuyền nhân trên biển khiến nhiều người chết, Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi các nước tham gia chiến dịch cứu vớt thuyền nhân trên biển. Theo đó, các nước sẽ cam kết tái định cư cho thuyền nhân nào được tàu của nước mình cứu vớt. Từ tháng 5/1985, sau một năm thực hiện chiến dịch, tỷ lệ thuyền được cứu vớt tăng lên 16%. [56]

    Đầu thập niên 1980, số thuyền nhân đến các trại tị nạn giảm dần qua các năm. Năm 1982, 43.860 người. [57] Năm 1984, còn 24.865 người. [58] Đến năm 1986, chỉ có khoảng 20.000 người đến các trại tị nạn. [59]

    Tuy nhiên, khi Hồng Kông và các nước Đông Nam Á nhen nhóm tia hy vọng sẽ sớm kết thúc vấn đề thuyền nhân, chính quyền Việt Nam với 10 năm thực thi chế độ kinh tế bao cấp đã tạo ra một thế hệ thuyền nhân mới.

    Thế hệ thứ hai

    Từ năm 1987, dòng thuyền nhân bắt đầu tăng trở lại với 28.116 người đến các trại tị nạn, tăng 30% so với năm 1986. [60] Con số này là 37.676 người chỉ trong chín tháng đầu năm 1988. [61]

    Làn sóng thuyền nhân lần này đã đánh dấu một thế hệ thuyền nhân mới của Việt Nam. Đó không còn là những người ra đi vì bị đàn áp chính trị. Phần lớn thuyền nhân ra đi vì muốn thoát khỏi tình trạng nghèo đói, thất nghiệp triền miên ở Việt Nam. Vào lúc này, Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất thế giới, và nằm trong nhóm thấp nhất ở châu Á về các tiêu chuẩn sức khỏe. [62]

    Thế hệ thuyền nhân mới này không chỉ có người miền Nam mà còn có cả những người miền Bắc. Hồng Kông cho biết hầu hết các thuyền nhân cập bến trong nửa đầu năm 1986 nói rằng họ ra đi vì vấn đề kinh tế, đặc biệt là những người đến từ các tỉnh miền Bắc Việt Nam. [63]

    Từ năm 1987, nhiều người Hoa rời Việt Nam sang Trung Quốc cư trú vào năm 1978 cũng đã đến Hồng Kông xin tị nạn. Họ cho biết lý do vượt biên là vì nghèo đói, bị người bản địa kỳ thị. [64]

    Quốc tế cũng chứng kiến thế hệ thuyền nhân lần này nghèo hơn, ít được giáo dục hơn so với thế hệ đầu tiên. [65]

    Đại diện Cao ủy Liên Hiệp quốc về Người tị nạn cho biết có hàng nghìn người tiếp tục chết trên biển. Những chiếc thuyền ra đi vào lúc này nhỏ hơn, đông người hơn, không có đầy đủ thức ăn và nước uống, hoàn toàn không có bất kỳ thiết bị an toàn nào, và các thuyền viên thì không có kinh nghiệm. [66]

    Trở ngại lớn nhất vào lúc này là các nước phương Tây chỉ cho phép tái định cư đối với những thuyền nhân Việt Nam bị đàn áp chính trị. Mặt khác, vấn đề thuyền nhân từ Việt Nam đã trở nên quá dai dẳng, không còn là ưu tiên của các nước phương Tây.

    Đầu năm 1989, phản ứng trước làn sóng thuyền nhân từ Việt Nam dâng cao, Thái Lan tiếp tục đẩy thuyền Việt Nam trở lại hải phận quốc tế khiến nhiều người chết. Malaysia đe dọa đóng cửa trại tị nạn Pulau Bidong và sẽ không cho thuyền nhân cập bến nữa. [67]

    Hồng Kông bắt đầu chương trình thanh lọc đối với những ai đến sau ngày 15/6/1988. [68] Những ai không được công nhận là người tị nạn chính trị sẽ bị giam giữ để chờ hồi hương. [69] Hàng nghìn trẻ em, trong đó có hàng trăm trẻ em sơ sinh, đã bị giam giữ cùng gia đình trong nhiều năm tại các trại tị nạn khắc khổ ở Hồng Kông. [70]

    Thanh lọc thuyền nhân

    Tháng 6/1989, chính quyền Hồng Kông đã dồn hàng nghìn thuyền nhân lên đảo Tai A Chau. Hòn đảo hoang này trở thành nơi trú ngụ của khoảng 5.500 thuyền nhân Việt Nam không được thừa nhận. Họ sống trong các túp lều tạm bợ bên cạnh những bãi rác đầy phân người, không có điện, không có nước, không có nhà vệ sinh. [71]

    Đến đầu tháng 9/1989, dịch tả bùng phát ở đảo Tai A Chau. Tiếp sau đó là một trận bạo động lớn đến nỗi cảnh sát không thể vãn hồi trật tự, phải bỏ chạy khỏi hòn đảo. Một người đàn ông đã thiệt mạng và năm người phụ nữ bị cưỡng hiếp. Ngày hôm sau, lính đặc nhiệm đổ quân lên đảo để tái lập trật tự. [72]

    Trong 10 tháng đầu năm 1989, riêng Hồng Kông có đến 34.000 thuyền nhân cập bến, đẩy con số thuyền nhân ở đây lên khoảng 57.000 người. [73]

    Malaysia không cho thuyền nhân cập bến. [74] Tính từ tháng 3/1989 cho đến tháng 7/1990, khoảng 8.000 thuyền nhân Việt Nam đã bị đẩy trở lại hải phận quốc tế. [75] Việc này đã vi phạm thỏa thuận mà Malaysia đã đồng ý trong một hội nghị về vấn đề thuyền nhân do Liên Hiệp Quốc tổ chức vào tháng 6/1989. Theo đó, các nước đã đồng ý thực hiện Kế hoạch Hành động Toàn diện (Comprehensive Plan of Action - CPA) với hy vọng chấm dứt vấn đề thuyền nhân, với ba điểm đồng thuận chính. [76]

    Thứ nhất, Hồng Kông và các nước Đông Nam Á vẫn cho phép thuyền nhân tạm trú. Tuy nhiên, những người đến sau ngày 15/6/1988 ở Hồng Kông, và ngày 14/3/1989 ở các nước Đông Nam Á sẽ không nghiễm nhiên được hưởng quy chế tị nạn nữa mà phải trải qua thanh lọc. [77] Những ai trượt thanh lọc - tức là không chứng minh được họ sẽ bị chính quyền Việt Nam đàn áp sau khi trở về nước - sẽ phải hồi hương.

    Thứ nhì, những người đến trước ngày thanh lọc, và những người đến sau nhưng được công nhận là người tị nạn chính trị, sẽ được tái định cư.

    Thứ ba, Việt Nam sẽ ngăn chặn triệt để dòng người vượt biên, và tăng số lượt người ra đi theo chương trình ODP.

    Đến cuối năm 1991, hầu hết trong số 50.670 thuyền nhân đến các trại tị nạn ở Đông Nam Á trước ngày thanh lọc đã được tái định cư. [78] Tuy nhiên, phần khó khăn nhất của vấn đề thuyền nhân chỉ mới bắt đầu.

    Hồi hương thuyền nhân

    Vào rạng sáng ngày 12/12/1989, mất kiên nhẫn trước việc hồi hương tự nguyện chậm chạp, Hồng Kông đã ép 51 thuyền nhân lên máy bay trở về Việt Nam. [79] Họ là những thuyền nhân đầu tiên bị cưỡng bức hồi hương. Trước đó, khoảng 600 thuyền nhân đã tự nguyện hồi hương từ Hồng Kông. [80]

    Vào lúc này, Hồng Kông chứa tới gần một nửa thuyền nhân ở châu Á. Trong khi đó, vấn đề thuyền nhân cần phải kết thúc trước khi Anh Quốc trao trả thuộc địa này về cho Trung Quốc vào cuối tháng 6/1997.

    Sau khi bị cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, lên án là vô nhân đạo, việc cưỡng bức thuyền nhân hồi hương ở Hồng Kông đã tạm dừng trong nhiều tháng. Cho đến tháng 9/1990, việc hồi hương tự nguyện bắt đầu có tiến triển khi Liên Hiệp Quốc trực tiếp kêu gọi thuyền nhân trở về. Các thuyền nhân được yêu cầu lựa chọn: hoặc là về ngay để giữ được nhân phẩm, hoặc ở lại thì sau này sẽ bị trục xuất. [81]

    Trong lúc Hồng Kông và các nước Đông Nam Á lo ngại không thể xoay sở với khoảng 120.000 thuyền nhân, chính quyền Việt Nam tuyên bố sẽ nhận lại thuyền nhân nhưng cần quốc tế viện trợ để tái định cư công dân của chính mình. Bộ Ngoại giao Việt Nam cảnh báo sẽ có thêm người ra đi vì lý do kinh tế nếu lệnh cấm vận lên Việt Nam không được Mỹ dỡ bỏ. [82]

    Giới chức Hồng Kông cho biết Việt Nam đã đề cập rất nhiều thỏa thuận thương mại và viện trợ trong lúc đàm phán về vấn đề thuyền nhân. [83] Hãng tin AP ước tính Việt Nam có thể nhận được 100 triệu đô-la từ việc nhận lại công dân của mình, với nguồn hỗ trợ từ Cộng đồng Châu Âu và Anh Quốc. [84] Liên Hiệp Quốc hỗ trợ mỗi thuyền nhân tự nguyện hồi hương 50 đô-la Mỹ, và 30 đô-la Mỹ/ tháng trong vòng một năm. [85]

    Tháng 3/1992, Mỹ cũng bắt đầu kêu gọi thuyền nhân trở về Việt Nam. [86] Đến tháng 5/1992, Anh Quốc và Việt Nam hoàn tất thỏa thuận hồi hương thuyền nhân trong 4 năm. [87]

    Năm 1992, dòng thuyền nhân đổ đến các trại tị nạn đã xuống thấp kỷ lục. Đến tháng Tám, chỉ có 18 người đến Indonesia, 9 người đến Thái Lan, 1 người đến Malaysia. Đến tháng 11, chỉ có 12 thuyền nhân cập bến Hồng Kông. [88]

    Cuối năm 1992, Cộng đồng Châu Âu, tiền thân của Liên minh Châu Âu, quyết định đổ vào Việt Nam 32 triệu đô-la để hỗ trợ các thuyền nhân vay vốn, học nghề. Nhiều tổ chức phi chính phủ khác cũng hỗ trợ thuyền nhân tái định cư qua việc cho vay, đào tạo kinh doanh. [89] Ước tính một gia đình thuyền nhân khi trở về có thể nhận đến 2.500 đô-la Mỹ, gấp 10 lần thu nhập trung bình hàng năm của một hộ gia đình tại Việt Nam thời điểm này. Các gia đình thuyền nhân được ưu tiên vay vốn lên đến hàng nghìn đô-la Mỹ. Tuy nhiên, cũng có người không tìm được việc làm. [90]

    Năm 1994, Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Đến tháng 9/1995, còn khoảng 43.000 người trong các trại tị nạn, hơn một nửa là ở Hồng Kông. [91]

    Sức ép lên thuyền nhân ngày một tăng lên. Vào tháng 3/1995,  Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn cắt giảm các dịch vụ xã hội tại các trại tị nạn. Theo chính sách mới, chỉ những người tự nguyện hồi hương mới được nhận khoản hỗ trợ 240 đô-la Mỹ. Những người từ chối sẽ bị ép lên máy bay và không được nhận tiền. [92] Những biện pháp này đã gây ra tác dụng ngược.

    Những trại tị nạn cuối cùng

    Vào ngày 18/1/1996, tức giận trước việc bị cảnh sát lục soát, tịch thu hung khí, các thuyền nhân đã Việt Nam đã phóng hỏa tại hai doanh trại gần thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Để đáp trả, cảnh sát xịt hơi cay vào các thuyền nhân. Ẩu đả tiếp tục xảy ra khiến một người thiệt mạng và bảy người khác bị thương. [93]

    Đến tháng 2/1996, chuyến bay hồi hương của 84 thuyền nhân tại trại tị nạn Palawan, Philippines đã trở thành một cuộc biểu tình thống thiết. Một thuyền nhân bị cảnh sát khiêng lên máy bay trong lúc vùng vẫy dữ dội, trong khi nhiều người khác bị kéo lê lên chuyến bay trở về Việt Nam. Nhiều thuyền nhân biểu tình phản đối ngay trên đường băng của sân bay. Cảnh sát dùng vòi rồng để giải tán họ. [94] Tuy nhiên, cũng nhờ vụ cưỡng bức hồi hương này mà ba tháng sau đó Philippines cho 2.700 thuyền nhân được ở lại. [95]

    Vào ngày 10 và 11/5/1996, bạo loạn lớn nổ ra ở trại giam thuyền nhân Whitehead, Hồng Kông. Khoảng 100 thuyền nhân được cho là đã trốn khỏi trại sau khi phóng hỏa vào các tòa nhà, phương tiện của cảnh sát và biểu tình trên mái nhà của trại. [96]

    Vào ngày 25/6/1996, nhóm thuyền nhân cuối cùng được Malaysia trả về Việt Nam. Trại tị nạn cuối cùng của nước này, Sungai Besi, chính thức đóng cửa. [97] Tuy nhiên, một số thuyền nhân vẫn không chịu trở về. Đến năm 2005, thuyền nhân cuối cùng tại Malaysia mới hồi hương. [98]

    Ngày 2/9/1996, 486 thuyền nhân cuối cùng tại Indonesia đã lên tàu trở về Việt Nam. [99] Thái Lan thông báo đóng cửa trại tị nạn trong cùng tháng này. Singapore cũng đã đóng cửa trại tị nạn. [100]

    Mọi sự chú ý bây giờ dồn vào Hồng Kông, nơi đang có gần 14.000 thuyền nhân. [101] Vào tháng 7/1996, mỗi thuyền nhân tự nguyện về Việt Nam sẽ nhận thêm 200 đô-la Mỹ khi rời đi và 240 đô la khi về tới, đồng thời Liên Hiệp Quốc sẽ gia hạn một năm tài trợ cho thuyền nhân. [102]

    Ngày 28/5/1997, ba chuyến bay cuối cùng do Liên Hiệp Quốc tài trợ đã đưa 245 thuyền nhân về lại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 3.000 người trong các trại tị nạn. Khoảng một nửa trong số họ dù được công nhận là người tị nạn chính trị nhưng chưa nước nào cho phép tái định cư. Việt Nam từ chối tiếp nhận phần lớn trong số họ, cho rằng họ là người gốc Hoa hoặc đã có tiền án. [103]

    Đến năm 1998, Hồng Kông vẫn còn 2.160 thuyền nhân, các chuyến bay vẫn tiếp tục đưa họ trở về Việt Nam. [104] Hai năm sau, trại tị nạn cuối cùng của Hồng Kông, Pillar Point, chính thức đóng cửa, khoảng 1.400 người được cấp giấy tờ ở lại Hồng Kông. [105]

    Sau hơn 20 năm kể từ năm 1975, khi những trại tị nạn cuối cùng đã đóng cửa, các thuyền nhân Việt Nam còn kẹt lại ở một số nước vẫn tiếp tục hành trình tìm đến các nước tự do.

    Cho đến năm 1995, số người sống sót đến được các trại tị nạn là  796.310 người. Trong đó, 109.000 người phải hồi hương. Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn dẫn ước đoán của một tác giả vào năm 1981 rằng 10% số người ra đi đã mất tích, bị hải tặc giết hại, chết đuối, hoặc chết khát trên biển. [106]

    Cho đến nay, không ai biết chính xác bao nhiêu người đã rời khỏi Việt Nam và bao nhiêu người đã chết mất xác ngoài Biển Đông. Người chết chưa bao giờ được tưởng niệm công khai trong nước. Người sống vẫn còn đi tìm người thân mất tích. Tàn tích tị nạn của thuyền nhân Việt Nam còn lưu dấu ở khắp các nước Đông Nam Á.

    Chú thích

    1. UNHCR. (2005, August 30). Last Vietnamese boat refugee leaves Malaysia. https://www.unhcr.org/uk/news/latest/2005/8/43141e9d4/vietnamese-boat-refugee-leaves-malaysia.html

    2. UNHCR. (2000, January 1). The State of The World’s Refugees 2000. Page 82. https://www.unhcr.org/3ebf9bad0.pdf

    3. AP. (1978, August 6). Floating Aid Center Helps “Boat People” Flee from Vietnam. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/628094500/

    4. Chicago Tribune. (1978, December 25). Boat people risking lives to live in freedom. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/386643838

    5. The Washington Post. (1980, September 7). Pirates plague the boat people. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/737435392

    6. Nguyen Long. (1981). “After Saigon Fell: Daily Life Under the Vietnamese Communists. Page 130. Institute of East Asian Studies University of California - Berkeley. https://digitalassets.lib.berkeley.edu/ieas/RPPS_04.pdf

    7. Luật Khoa. (2017, June 23). Trại cải tạo sau 30–4-1975: Lục lại một báo cáo của Ân xá Quốc tế năm 1981. https://www.luatkhoa.org/2017/06/trai-cai-tao-sau-30-4-1975-luc-lai-mot-bao-cao-cua-xa-quoc-te-nam-1981/

    8. Herald’s South-East Asia correspondent. (1989, June 21). Boat people lose sanctuary in West. https://www.newspapers.com/image/123578506

    9. Asbury Park Press. (1980, July 13). Boat people drop anchor. Newspapers.com. https://www.newspapers.com/image/148245650

    10. UPI. (1978, November 26). Indochina’s Boat People: Why Do They Still Flee? Newspapers. https://www.newspapers.com/image/610996415

    11. Daily Telegraph, London. (1978, May 27). Chinese Fleeing Vietnam. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/89132818

    12. AP. (1978, May 29). Chinese fleeing Vietnam say they were persecuted. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/661786692

    13. Xem [12]

    14. Xem [11]

    15. Xem [6]. Page 119.

    16. Xem [6]. Page 116.

    17. The Observer. (1980, February 17). The Agony of the Boat People - The Observer at. Newspapers.Com. https://www.newspapers.com/image/258359623

    18. Xem [6]. Page 121.

    19. Xem [6], Page 119.

    20. Xem [2]. Page 82.

    21. Xem [6], Page 151.

    22. The Washington Post. (1978, December 11). Malaysia Reels Under Refugee Tide. https://www.washingtonpost.com/archive/politics/1978/12/11/malaysia-reels-under-refugee-tide/8abe5ed4-f755-4e55-afa2-d194ce1245c9/

    23. Xem [22].

    24. The Greenville News and Piedmont. (1979, January 20). Hong Kong admits “boat people.” Newspapers. https://www.newspapers.com/image/188737731

    25. Xem [2].

    26. Melbourne Age. (1980, February 17). The agony of boat people. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/258359623

    27. Xem [2], Page 83.

    28. Chicago Tribune Press Service. (1979, July 22). Vietnam vows to stop exodus of “boat people.” Newspapers. https://www.newspapers.com/image/386462338

    29. Chicago Tribune. (1989, September 10). Boat people put Japan refugee policy on rough seas. https://www.newspapers.com/image/389273858/

    30. Los Angeles Times. (1979, July 3). Boat people tidal wave swamping Hong Kong. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/190729901

    31. The Daily Advertiser. (1985, October 22). Hong Kong tires of boat people. Newspapers.Com. https://www.newspapers.com/image/539347941

    32. The Independent. (1996, February 15). Protests flare as boat people forced home. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/464935167

    33. AP. (1979, December 13). Flow of Boat People is now a trickle. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/190809036

    34. Chicago Tribune. (1981, April 13). New wave of Vietnam boat people begins. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/386950907

    35. Xem [33].

    36. The Washington Post. (1981, December 20). Flow of Boat People Abating. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/103368034

    37. Los Angeles Times Service. (1981, December 4). U.N. “Orderly Departure Program” helps 1,692 Viets Emigrate in October. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/613506417

    38. Times Staff Writer. (1983, January 4). REFUGEES: Tale of Two Vietnam Sisters. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/633695200

    39. AP. (1989, January 8). Thousands of Vietnam “boat people” still are homeless. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/551887197

    40. Xem [2]. Page 90.

    41. Xem [36].

    42. Times-Post news service. (1981, December 10). Boat people suffering increasing brutality. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/483074893

    43. Xem [42].

    44. Xem [2]. Page 87

    45. The Christian Science Monitor. (1982, April 2). Thai pirates prey on refugees. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/687458755/

    46. The Washington Post. (1980, September 7). Pirates plague the boat people. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/737435392

    47. Washington Post Service. (1984, February 6). Report of abuse by Thai blots brighter outlook for boat people. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/172279507

    48. AP. (1986). Capt. Go of Korea: A quiet hero for the Vietnamese boat people. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/399575795

    49. Xem [2]. Page 87.

    50. Xem [45].

    51. UPI. (1985, July 22). Boat people found off Japan coast. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/610099759

    52. The News - Messenger. (1985, September 5). Viet boat people survive 66 days at sea. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/304335841

    53. New York Times News Service. (1987, February 15). Boat people’s flight ends in cannibalism. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/751525241

    54. Xem [48].

    55. The Observer. (1985, January 6). SOS for boat people. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/257793585

    56. Xem [55].

    57. The Age. (1983, January 26). Reception is getting cooler for Vietnamese boat people. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/122134091

    58. Xem [2]. Page 86.

    59. AP. (1988, May 12). Viet refugees may be sent back. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/633341068

    60. Xem [39].

    61. Xem [39].

    62. The New York Times News Service. (1986, July 12). Boat people quandary: What else can we do? Newspapers. https://www.newspapers.com/image/773199135

    63. Southam News. (1986, July 29). Surge in “boat people” baffles Hong Kong. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/484712004

    64. AP. (1987, September 3). Closing a harbor of hopes. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/640277944

    65. Xem [62]

    66. Scripp Howard News Service. (1987, May 15). SE Asian refugees remain a problem. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/785695759

    67. Xem [39].

    68. AP. (1989b, March 2). First group of Vietnamese boat people ready to go back. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/63117451

    69. Los Angeles Times. (1988, July 4). Bleakness for the Boat People. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/405066892

    70. Scripp Howard News Service. (1988, September 1). Vietnamese boat people pressuring Hong Kong. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/773489240

    71. The New York Times. (1989, September 3). Vietnam Refugees Riot in Hong Kong. Newspapers. https://www.nytimes.com/1989/09/03/world/vietnam-refugees-riot-in-hong-kong.html

    72. Chicago Tribune. (1989, September 10). Trip of hope ends on island of despair. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/389273732/

    73. The Arizona Republic. (1990, February 4). Hypocrisy goes beyond Britain and Hong Kong. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/118427298

    74. The New York Times. (1990, April 17). Malaysia accused on boat people. Newspapers. https://www.nytimes.com/1990/04/17/world/malaysia-accused-on-boat-people.html

    75. Times Staff Writer. (1990, July 28). U.S. Eases Stance on Repatriating Indochinese “Boat People.” Newspapers. https://www.newspapers.com/image/176029074

    76. Xem [2]. Page 84.

    77. Xem [74].

    78. Xem [2]. Page 85.

    79. AP. (1989c, December 17). Boat people’s plight: May be nowhere to go but home. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/762665734

    80. The Sunday Telegraph. (1989, December 3). Despairing boat people left high and dry. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/751412535

    81. AP. (1990, October 27). U.N. officials to coax boat people to go home. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/175734048

    82. Reuters. (1991, November 1). Vietnam vows to take back boat people from all of Asia. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/323364618

    83. New York Times. (1992, May 13). Britain, Hong Kong sign pact on refugees. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/193188085

    84. AP. (1991, October 29). Vietnam, Britain reach agreement on boat people. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/524478958

    85. AP. (1992, November 23). Legacy of boat people troubles Hong Kong. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/439489385

    86. AP. (1992b, March 11). U.S. to Vietnamese boat people: Go home to Vietnam. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/613952662

    87. The Age. (1992, May 13). Final deal to return Hong Kong boat people. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/120488635

    88. The New York Times. (1992, November 23). End of an exodus. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/464679863

    89. Xem [85].

    90. N.Y. Times News Service. (1995, July 2). Once home, Vietnamese find poverty or riches. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/524461435

    91. Tribune Staff Writer. (1995, September 11). Boat people land in “new” Vietnam. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/167748279/

    92. AP. (1995, August 5). Dreams dashed, plan scuttled. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/113190704

    93. Reuters. (1996, January 20). US blamed as boat people fight on. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/120438393

    94. Xem [32].

    95. Tribune Staff Writer. (1996, May 30). As deadline nears, Vietnam boat people feel at ease in Philippines. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/167743870

    96. Reuters. (1996b, May 15). Protests as boat people forced out. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/121573646

    97. UPI. (1996, June 25). Malaysia closes Vietnamese refugee camp. Newspapers. https://www.upi.com/Archives/1996/06/25/Malaysia-closes-Vietnamese-refugee-camp/4986835675200/

    98. Xem [1].

    99. Reuters. (1996c, September 3). Indonesia sends last group of boat people to Vietnam. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/496093116

    100. Reuters. (1996d, September 3). Refugees: Films help repatriations. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/424989230/

    101. Xem [100].

    102. Inquirer Staff Writer, Hong Kong pressured to move boat people out. (1996, July 5). Newspapers. https://www.newspapers.com/image/179295496/

    103. AP. (1997, May 28). Final U.N. flight returns Vietnamese boat people. Newspapers. https://www.newspapers.com/image/477291403

    104. South China Morning Post. (1998, May 27). High Island camp closes after 9 years. https://www.scmp.com/article/242364/high-island-camp-closes-after-9-years

    105. South China Morning Post. (2008, June 15). FYI: What happened to Hong Kong’s Vietnamese refugee community? https://www.scmp.com/article/641644/fyi-what-happened-hong-kongs-vietnamese-refugee-community

    106. Xem [2]. Page 86.

    https://www.luatkhoa.com/2022/04/tham-kich-thuyen-nhan-20-nam-bien-nguoi-giua-bien-dong/


    Không có nhận xét nào