Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ ba 09 tháng 4 năm 2024

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Thủ tướng Nhật Bản công du Hoa Kỳ trong bối cảnh lo ngại chung về Trung Quốc

    Minh Phương /RFI

    09/4/2024

    Hôm nay, 09/04/2024, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bắt đầu chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tới Washington nhằm thảo luận về những hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Thái Bình Dương và sau những rạn nứt trong hợp tác song phương.   

    Japan's Prime Minister Fumio Kishida, center left, and his wife Yuko Kishida, center right, participate in an arrival ceremony at Andrews Air Force Base, Md., Monday, April 8, 2024. President Joe Bide

    Lễ đón thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và phu nhân tại sân bay Andrews Air Force Base, Maryland, Hoa Kỳ, ngày 08/04/2024. AP - Susan Walsh 

    Theo AP, thủ tướng Nhật Bản cùng phu nhân đến thăm phòng Thương mại Hoa Kỳ trước khi tới Nhà Trắng vào tối nay. Lãnh đạo hai nước sẽ có cuộc hội đàm và dự chiêu đãi khách mời cấp Nhà nước vào tối vào ngày mai.

    Nhật Bản là đồng minh lâu đời mà tổng thống Biden coi là nền tảng trong chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Thủ tướng Kishida là nhà lãnh đạo thứ năm trên thế giới được tổng thống Mỹ chiêu đãi cấp nhà nước kể từ khi ông nhậm chức.

    Theo chương trình nghị sự, thủ tướng Nhật cũng được mời phát biểu tại cuộc họp của Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ vào thứ Năm 10/04/2024.

    Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh, tổng thống Biden tuyên bố phản đối kế hoạch bán công ty Mỹ US Steel cho Nippon Steel của Nhật Bản, dấu hiệu cho thấy sự rạn nứt rõ rệt trong hợp tác song phương.

    Tháng 12 năm ngoái, Nippon Steel đã công bố kế hoạch mua US Steel với giá 14,1 tỷ đô la, làm dấy lên lo ngại về tác động tiêu cực đối với việc làm, chuỗi cung ứng và an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

    Đại sứ Mỹ Rahm Emanuel tại Tokyo ngày hôm qua đã tìm cách hạ thấp tác động của tuyên bố phản đối này với quan hệ song phương và ông thông báo chính quyền Biden đã phê duyệt một kế hoạch mang lại doanh thu hàng tỷ đô la cho một công ty con của công ty Nhật Bản Mitsui có trụ sở tại Hoa Kỳ để sản xuất cần cẩu.

    Tổng thống Biden đang tìm cách tập trung chính sách đối ngoại nhiều hơn vào Thái Bình Dương ngay cả khi Hoa Kỳ đang phải đối mặt với chiến tranh Nga-Ukraina và Israel-Hamas. Nguyên thủ Hoa Kỳ hoan nghênh sự ủng hộ của Nhật Bản với Ukraina khi mà Tokyo là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho Kiev kể từ đầu cuộc chiến. Về phần mình, ông Kishida lo ngại rằng tương lai của Đông Á có thể sẽ giống như Ukraina hiện nay vì thái độ không cứng rắn với Nga sẽ khuyến khích Trung Quốc có các hành động tương tự.

    Thứ Năm 11/04, thủ tướng Kishida sẽ tham gia cuộc gặp ba bên Nhật-Mỹ-Philippines trong bối cảnh leo thang căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Thủ tướng Nhật khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác giữa ba nước trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng như bảo vệ trật tự quốc tế. Các nhà lãnh đạo dự kiến thảo luận kế hoạch nâng cấp cơ cấu chỉ huy quân sự của Mỹ tại Nhật Bản.

    Trung Quốc tuyên bố mong muốn « tăng cường hợp tác chiến lược » với Nga

    Anh Vũ /RFI

    09/4/2024

    Các kênh truyền thông chính thức Nga cho biết, hôm nay 09/04/2024, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp người đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov đã tuyên bố Bắc Kinh mong muốn « tăng cường hợp tác chiến lược » với Matxcơva. 

    Russia's Foreign Minister Sergei Lavrov and China's Foreign Minister Wang Yi attend a signing ceremony in Beijing, China April 9, 2024

    Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (T) và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị trao đổi văn kiện, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 09/04/2024. via REUTERS - RUSSIAN FOREIGN MINISTRY 

    Lãnh đạo ngoại giao Nga đã tới Bắc Kinh hôm qua, 08/04 trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc hai ngày, theo AFP, nhằm tăng cường quan hệ hai nước giữa lúc Nga tiếp tục cuộc chiến tranh tại Ukraina.

    Từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraina, quan hệ hợp tác kinh tế và các cuộc tiếp xúc ngoại giao cũng như quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước không ngừng được thúc đẩy.

    Thông tấn xã Nga RIA Novosti cho biết, ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định, « Trung Quốc sẽ ủng hộ sự phát triển ổn định của nước Nga dưới sự lãnh đạo của tổng thống Putin .... Bắc Kinh và Matxcơva sẽ tiếp tục sẽ tăng cường hợp tác chiến lược trên trường quốc tế  và ủng hộ lẫn nhau mạnh mẽ ».

    Hãng tin Nga Izvestia đăng một video trên Telegram, trong đó ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov phát biểu cảm ơn « sự ủng hộ của những người bạn Trung Quốc » đối với tổng thống Vladimir Putin sau khi tái đắc cử.

    Hồi tháng 3/2023, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Matxcơva đã khẳng định với tổng thống Putin về « tình hữu nghị không giới hạn » giữa hai nước. Mối quan hệ càng gần gũi hơn khi 2 nước đồng quan điểm lên án điều mà họ gọi là hành vi bá quyền phương Tây trên trường quốc tế. Lãnh đạo hai nước sau đó còn có cuộc gặp vào tháng 10 năm ngoái tại Bắc Kinh bên lề diễn đàn Sáng kiến Vành đai Con đường.

    Trước báo giới hôm nay, cùng với ông Serguei Lavrov, ông Vương Nghị tuyên bố : « Với tư cách là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và là những cường quốc đang trỗi dậy, Trung Quốc và Nga rõ ràng phải đứng về phía tiến bộ lịch sử, chính nghĩa và công lý ». Lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh hai nước « sẽ tiếp tục duy trì các trao đổi chặt chẽ dưới nhiều hình thức ». 

    Trung Quốc chủ trương giải quyết cuộc chiến tại Ukraina bằng con đường ngoại giao và tỏ ra trung lập về cuộc xung đột này. Bắc Kinh đã kêu gọi tôn trọng toàn vẹn chủ quyền của tất cả các quốc gia, nhưng chưa bao giờ công khai lên án Matxcơva về cuộc tấn công quân sự Ukraina. Trong khi đó các nước phương Tây vẫn thường xuyên kêu gọi Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình với Nga để đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết cuộc xung đột tại Ukraina. 

    Bộ trưởng Yellen: Mỹ không chấp nhận để các ngành mới bị hàng nhập khẩu Trung Quốc hủy hoại 

    08/4/2024 

    Reuters 

    Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã có chuyến công du Trung Quốc thứ hai trong vòng 9 tháng

    Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã có chuyến công du Trung Quốc thứ hai trong vòng 9 tháng 

    Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 8/4 đã cảnh báo Trung Quốc rằng Washington sẽ không chấp nhận để các ngành mới bị hàng nhập khẩu của Trung Quốc hủy hoại khi bà kết thúc bốn ngày họp để thuyết phục Bắc Kinh hạn chế năng lực sản xuất quá mức.

    Bà Yellen phát biểu trong một cuộc họp báo rằng Tổng thống Joe Biden sẽ không cho phép lặp lại ‘cú sốc Trung Quốc’ vào đầu những năm 2000, khi làn sóng nhập khẩu của Trung Quốc đã phá hủy khoảng 2 triệu việc làm trong ngành sản xuất chế tạo của Mỹ.

    Tuy nhiên, bà không đe dọa áp đặt thuế mới hoặc có các hành động thương mại khác nếu Bắc Kinh tiếp tục chương trình tài trợ khổng lồ của nhà nước cho xe điện, pin, tấm pin mặt trời và các mặt hàng năng lượng xanh khác.

    Bà Yellen đã nhân chuyến công du thứ hai của mình đến Trung Quốc trong chín tháng để than phiền rằng đầu tư quá mức của Trung Quốc đã tạo dựng năng lực sản xuất vượt xa nhu cầu trong nước, trong khi xuất khẩu gia tăng nhanh chóng các mặt hàng này đang đe dọa các công ty ở Mỹ và các nước khác.

    Bà cho biết một diễn đàn trao đổi mới được thành lập để thảo luận về vấn đề sản xuất dư thừa nhưng cần thời gian để đạt được giải pháp.

    Bà Yellen đã nhắc đến những điểm tương đồng mà ngành thép của Mỹ đã phải gánh chịu trong quá khứ.

    “Chúng tôi đã thấy chuyện này trước đây,” bà nói với các phóng viên. “Hơn một thập kỷ trước, sự hỗ trợ ồ ạt của chính phủ Trung Quốc đã dẫn đến thép Trung Quốc với chi phí thấp hơn tràn ngập thị trường toàn cầu và tàn phá các ngành công nghiệp trên toàn thế giới và ở Mỹ.”

    Bà Yellen nói thêm: “Tôi đã nói rõ rằng Tổng thống Biden và tôi sẽ không chấp nhận việc đó một lần nữa.”

    Khi thị trường toàn cầu tràn ngập các sản phẩm Trung Quốc giá rẻ giả tạo, bà nói, ‘khả năng tồn tại của các hãng Mỹ và các hãng nước ngoài khác bị đặt dấu hỏi’.

    Bà Yellen cho biết các cuộc trao đổi của bà với các quan chức Trung Quốc đã thúc đẩy lợi ích của Mỹ và rằng những lo ngại của Mỹ về năng lực sản xuất dư thừa cũng được đồng minh ở châu Âu, Nhật Bản, Mexico, Philippines và các thị trường mới nổi khác chia sẻ.

    Quốc hội Trung Quốc, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, hồi tháng Ba cho biết rằng chính phủ của họ sẽ có các bước hạn chế tình trạng dư thừa năng suất.

    Nhưng Bắc Kinh nói rằng sự tập trung gần đây của Mỹ và châu Âu vào những rủi ro từ năng lực sản xuất suất dư thừa của Trung Quốc là sai lầm.

    Các quan chức Trung Quốc nói những chỉ trích này đã đánh giá thấp sự đổi mới của các công ty của họ trong các ngành then chốt và phóng đại tầm quan trọng của sự hỗ trợ nhà nước trong việc thúc đẩy tăng trưởng.

    Họ cũng nói rằng thuế quan hoặc các hạn chế thương mại khác sẽ tước đi của người tiêu dùng toàn cầu các lựa chọn thay thế năng lượng xanh quan trọng để đáp ứng các mục tiêu khí hậu toàn cầu.

    Các rào cản thương mại đối với xe điện Trung Quốc sẽ gây gián đoạn cho ngành đang phát triển này và trái với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin cho biết trong một tuyên bố được đài truyền hình trung ương CCTV và tờ China Daily đăng tải.

    Tân Hoa Xã dẫn lời Thủ tướng Lý Cường nói rằng Mỹ nên ‘kiềm chế trước việc biến các vấn đề kinh tế và thương mại trở thành các vấn đề chính trị hoặc an ninh’ và xem xét vấn đề năng lực sản xuất từ ‘góc độ thị trường và toàn cầu’.

    Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã lên tiếng phản đối gay gắt hơn trong một cuộc họp bàn tròn với các hãng xe điện Trung Quốc ở Paris. Ông nói rằng những tuyên bố của Mỹ và châu Âu về công suất xe điện dư thừa của Trung Quốc là không có căn cứ.

    Thay vì trợ cấp, các hãng xe điện của Trung Quốc đã dựa vào đổi mới công nghệ liên tục, hệ thống chuỗi cung ứng và sản xuất hoàn hảo và cạnh tranh thị trường đầy đủ, ông Vương nói trong chuyến công tác của mình để thảo luận về cuộc điều tra chống trợ cấp của Liên minh châu Âu.

    Bà Yellen cho biết giải pháp ngắn hạn khả dĩ là Trung Quốc thực hiện các bước để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng với sự hỗ trợ cho các hộ gia đình và người về hưu, đồng thời chuyển mô hình tăng trưởng ra khỏi đầu tư vào phía cung.

    Không có viện trợ Ukraine sẽ thua, Washington Post tiết lộ cách ông Trump chấm dứt chiến tranh

    Dương Thiên Tư / Vision Times

    09/4/2024

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/04/gftr56.jpg

    Hình ảnh Tổng thống Ukraine đang móc ví của tổng thống Mỹ, được đăng hôm Thứ Tư trên The Toronto Sun, đúng dịp Tổng thống Ukraine tới Washington xin viện trợ. Tuy nhiên, hình ảnh này đã bị chụp mũ là chống Do Thái bởi Thủ tướng Canada. (Ảnh chụp màn hình báo The Sun) 

    Ngày 7/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố nếu không có sự hỗ trợ của quân đội Hoa Kỳ, Ukraine sẽ thua trong cuộc chiến với Nga.

    AFP đưa tin, quân đội Nga hiện đang củng cố cuộc tấn công tại thị trấn Chasiv Yar ở tỉnh Donetsk. Quân đội Ukraine thừa nhận, tình hình xung quanh thành phố nơi tuyến đầu này rất khó khăn và khốc liệt, nhưng khẳng định rằng quân đội của họ vẫn đang nỗ lực chống trả.

    Nga nói rằng năm 2022, ngay sau khi quân đội Nga vào Ukraine, một máy bay không người lái Ukraine đã tấn công Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

    Trong những tháng gần đây, Nga đã tấn công nhiều vùng lãnh thổ hơn. Họ cố gắng tấn công vào Chasiv Yar. Thị trấn này cách Kramatorsk, một đường sắt quan trọng và trung tâm hậu cần của Ukraine, chưa đến 30 km.

    Ukraine ngày càng khẩn thiết kêu gọi Hoa Kỳ bắt đầu cung cấp kế hoạch hỗ trợ 60 tỷ đô la. Kế hoạch này bị Đảng Cộng hòa cản trở tại Quốc hội trong vài tháng qua.

    Trong hội nghị video, Tổng thống Zelensky cho biết, cần phải nói với Quốc hội Hoa Kỳ rằng nếu họ không giúp Ukraine, nước này sẽ thua trong cuộc chiến.

    Được biết, Hạ viện Hoa Kỳ đã nối lại cuộc họp vào ngày 8/4. Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Mike Johnson có thể xử lý một phương án viện trợ Ukraine, Israel và Đài Loan.

    Phe cứng rắn của Đảng Cộng hòa đã phản đối gói viện trợ này và đe dọa sẽ loại bỏ ông Johnson. Cuộc không kích của quân đội Israel vào ngày 1/4 khiến 7 nhân viên công tác bị giết, càng làm sâu sắc thêm nghi ngờ của Đảng Dân chủ về viện trợ quân sự cho Israel.

    Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật ngân sách bổ sung do Tổng thống Joe Biden đề xuất vào tháng 10/2023. Tổng số tiền của Đạo luật An ninh Quốc gia năm 2024 đạt 95 tỷ USD sẽ hỗ trợ cho các đối tác khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm Ukraine, Israel và Đài Loan.

    Theo Thượng viện Hoa Kỳ, có khoảng 60 tỷ USD hỗ trợ Ukraine chống lại Nga, 14,1 tỷ USD hỗ trợ Israel, 9,15 tỷ USD trong cuộc giải cứu nhân đạo dải Gaza, Bờ Tây sông Jordan và Ukraine.

    Ngoài ra, 4,83 tỷ USD sẽ củng cố khả năng của các đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trước mối đe dọa của Trung Quốc, bao gồm 1,9 tỷ USD cho việc cung cấp vũ khí cho Bộ Quốc phòng để bổ sung cho Đài Loan.

    Tổng thống Zelensky cũng cho biết, nếu không có sự trợ giúp, Ukraine khó có thể sống sót, nếu Ukraine thua trong cuộc chiến này, các quốc gia khác sẽ bị tấn công.

    Vào năm thứ 3 của cuộc chiến tranh Nga và Ukraine, thái độ của Đảng Cộng hòa đối với Ukraine ngày càng khác biệt. Một số người ủng hộ chính sách đối ngoại “ưu tiên Mỹ” của ông Trump, nhằm tập trung các nguồn lực giải quyết các vấn đề trong nước, đặc biệt là người nhập cư bất hợp pháp ở biên giới Hoa Kỳ.

    Ngày 7/4 Washington Post đưa tin, một nguồn tin tiết lộ rằng cựu Tổng thống Trump có một cách gây áp lực lên Ukraine, yêu cầu nước này từ bỏ một số lãnh thổ nhất định, nhằm đạt được mục đích kết thúc cuộc chiến Nga – Ukraine.

    Ông Trump đã nhiều lần công khai tuyên bố, rằng nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử một lần nữa, chỉ trong vòng 24 giờ, ông có thể thúc đẩy Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận hòa bình, không cần phải đợi đến khi tuyên thệ nhậm chức.

    Tuy nhiên, các chuyên gia chính sách đối ngoại tuyên bố rằng ý tưởng của ông Trump tương đương với việc thưởng cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, và sử dụng vũ lực để xâm phạm sự công nhận quốc tế về lãnh thổ quốc gia.

    Một nguồn tin ẩn danh cho biết, kế hoạch của ông Trump là yêu cầu Ukraine cắt các khu vực biên giới như Crimea và Donbas cho Nga, đi ngược lại với chính sách hiện tại của Chính phủ Biden.

    Người phát ngôn của chiến dịch chiến dịch Trump, cô Karoline Leavitt, đã tuyên bố trên tờ Washington Post rằng Tổng thống Trump là người duy nhất nói về việc ngừng giết người.

    Mở phiên tòa Hồ sơ Panama: Giới quyền quý Trung Quốc lại là tâm điểm

    Chính Hâm Vision Times

    09/4/2024

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/04/kjhh7.jpg

    Cuộc điều tra “Hồ sơ Panama” tiết lộ nhiều vấn đề bê bối trong giới quyền lực ở nhiều nước. (Nguồn: Trang web của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế – ICIJ) 

    Tại Panama ngày 8/4 đã khai mạc phiên tòa xét xử vụ án trốn thuế khổng lồ trong “Hồ sơ Panama” (Panama Papers). Cuộc điều tra này do Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) dẫn đầu, đã tiết lộ nhiều vấn đề bê bối trong giới quyền lực ở nhiều nước, tiêu biểu tại Trung Quốc là liên quan nhiều quan chức cấp cao đương nhiệm và đã nghỉ hưu trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

    Tòa án mở phiên tòa xét xử “Hồ sơ Panama”

    Panama hiện nay vẫn nằm trong danh sách đen thiên đường thuế của Liên minh châu Âu (EU). Phiên tòa xét xử “Hồ sơ Panama” kế hoạch ban đầu diễn ra vào năm 2021, nhưng đã nhiều lần bị hoãn vì nhiều lý do.

    Theo AFP, phiên tòa xét xử vụ án trốn thuế khổng lồ “Hồ sơ Panama” đã mở tại Panama vào ngày 8/4. Cơ quan tư pháp Panama cho biết trong một tuyên bố, rằng dự kiến tổ chức phiên tòa lấy lời khai đối với 27 bị cáo bị nghi phạm tội rửa tiền và phiên tòa này có thể kéo dài đến ngày 26/4.

    Trong số người bị xét xử bao gồm những người sáng lập công ty luật Mossack Fonseca là Jürgen Mossack và Ramon Fonseca Mora.

    Theo 11,5 triệu tài liệu do Mossack Fonseca tiết lộ, cuộc điều tra cho thấy nhiều chính trị gia hàng đầu và các nhân vật từ cộng đồng tài chính, thể thao và nghệ thuật (ở Panama cũng như nhiều nước khác trên thế giới) bị cáo buộc giấu cơ quan thuế về tài sản, doanh nghiệp, vốn và lợi nhuận.

    Trong đó, những nhân vật nổi tiếng quốc tế được nhắc đến bao gồm cựu lãnh đạo chính phủ Iceland Gunnlaugsson, cựu lãnh đạo chính phủ Pakistan Nawaz Sharif, cựu Thủ tướng Anh và đương kim Ngoại trưởng Cameron, cựu Tổng thống Argentina Macri, cũng như giới bóng đá như ngôi sao Messi và giới phim ảnh như nhà sản xuất phim người Tây Ban Nha Almodovar.

    Vụ bê bối buộc công ty luật Mossack Fonseca phải đóng cửa và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của quốc gia Trung Mỹ nhỏ bé Panama. Do đó Panama đã được liệt kê vào danh sách đen của EU về các thiên đường trốn thuế.

    Khi vụ án nổ ra, một số điều khoản trong luật chống rửa tiền của Panama vẫn chưa được áp dụng, điều này có thể khiến việc kết án trở nên khó khăn hơn. Tại Panama, chỉ từ năm 2019 thì tội phạm trốn thuế mới bị trừng phạt nếu số tiền trốn thuế hàng năm vượt quá 300.000 USD. Trước đó trốn thuế không bị coi là tội phạm mà chỉ đơn thuần là vi phạm hành chính.

    Trong vụ án được gọi là “rửa xe” vào tháng 6/2023, người sáng lập công ty luật Mossack Fonseca đã bị yêu cầu kết án lên tới 12 năm tù vì tội rửa tiền liên quan đến các công ty xây dựng Brazil, trong đó có ‘gã khổng lồ’ Odebrecht. Phán quyết trong vụ án này vẫn chưa được công khai và đây là vụ án nằm ngoài vụ bê bối “Hồ sơ Panama”. Nhưng vụ việc nêu bật vấn đề của nhiều công ty xây dựng ở Brazil (bao gồm Odebrecht) từ năm 2005 – 2014 đã hối lộ các nhà lãnh đạo cấp cao ở nhiều nước châu Mỹ Latinh để có được các hợp đồng công cộng.

    Đánh vào điểm nhạy cảm của ĐCSTQ

    Trong dữ liệu bị rò rỉ cho thấy công ty luật Mossack Fonseca đã giúp một số lượng lớn khách hàng giấu tài sản ở nước ngoài, tạo ra hơn 214.000 công ty vỏ bọc. Các công ty này thường có trụ sở tại Quần đảo Virgin thuộc Anh, Panama, Hồng Kông…

    Các công ty vỏ bọc này có liên quan đến hơn 200 quốc gia và khu vực trên thế giới, bao gồm 143 chính trị gia và gia đình họ đến từ các nước và vùng lãnh thổ này, trong đó có cả lãnh đạo đương nhiệm một số nước. Phạm vi dữ liệu bao phủ và mức độ chi tiết tình trạng tội phạm gây chấn động.

    Điều này là nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ). Hiệp hội này đã thành lập một đội điều tra đặc biệt cho dự án “Hồ sơ Panama”. Số ngôn ngữ mà các nhà báo tham gia dự án có thể dùng là tổng cộng 25 thứ tiếng, họ dễ dàng từ hồ sơ những khách hàng tìm ra tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng… Ngày 10/5/2016, ICIJ đã mở cơ sở dữ liệu trực tuyến để công khai công luận.

    Dữ liệu bị rò rỉ lần này nhiều hơn rất nhiều so với tổng lượng dữ liệu của tổ chức này bị xử lý vào các năm 2013, 2014 và 2015, bao gồm rò rỉ ở nước ngoài (260GB), Luxembourg (4GB) và Thụy Sĩ (3,3GB).

    Trước đó vào ngày 3/4/2013, trong quá trình điều tra một công ty nước ngoài của Úc và vụ bê bối lừa đảo, giám đốc Gerald Lauer của ICIJ đã lấy được một ổ cứng chứa hơn 260GB thông tin. Sau khi phân tích, có khoảng 2,5 triệu tệp trong ổ cứng, bao gồm hơn 2 triệu email và gần 500.000 tài liệu các loại, gồm 10 khu vực ngoài khơi, trong đó có Quần đảo Virgin thuộc Anh, Quần đảo Cook và Singapore.

    Dữ liệu vào thời điểm đó chứa thông tin chi tiết của hơn 122.000 công ty hoặc quỹ tín thác nước ngoài, cũng như gần 12.000 bên trung gian và 130.000 hồ sơ. Những tài liệu bị rò rỉ này tiết lộ hồ sơ của một số lượng lớn các cá nhân giàu có mở các công ty và tài khoản ngân hàng nước ngoài tại những nơi như ở Quần đảo Virgin thuộc Anh, bao gồm dữ liệu và sự kiện như: chuyển tiền, ngày sáp nhập công ty, mối quan hệ giữa các công ty và cá nhân…

    Theo báo cáo của ICIJ, giới quyền quý Trung Quốc dùng hệ thống kinh tế song song [ví dụ thị trường đen, giao dịch không chính thức, hoặc các hoạt động kinh doanh không đăng ký hoặc không nằm trong quy định của pháp luật] để trốn thuế và che giấu các giao dịch. Người ta ước tính rằng kể từ năm 2000, ít nhất 1000 tỷ USD đã bị thất thoát khỏi Trung Quốc ra nước ngoài, thậm chí có thể lên tới 4000 tỷ USD. Thực tế rất khó theo dõi được lộ trình chính xác.

    Phân tích dữ liệu ICIJ cho thấy khách hàng từ Trung Quốc Đại lục và Hồng Kông có tỷ lệ thành lập công ty ở nước ngoài cao nhất. Trong đó Quần đảo Virgin thuộc Anh là một trong những nơi có mối liên hệ chặt chẽ nhất với Trung Quốc, hầu hết những người nắm giữ tài sản trên đảo đều sống ở Trung Quốc Đại lục và Hồng Kông – điều này cũng giải thích tại sao Quần đảo Virgin thành nguồn vốn nước ngoài lớn thứ hai của Trung Quốc.

    Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Quần đảo Virgin là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Trung Quốc. Lựa chọn hàng đầu để các quan chức giàu có của ĐCSTQ và doanh nhân liên quan chuyển tài sản là các trung tâm tài chính nước ngoài như Quần đảo Virgin thuộc Anh và Panama, những nơi được xem là vùng lý tưởng để các chức sắc ĐCSTQ hoặc doanh nhân giàu trốn thuế, rửa tiền và thực hiện các giao dịch ở nước ngoài.

    Danh sách người liên quan bao gồm các thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ một thời như Trương Cao Lệ, Lưu Vân Sơn, Tăng Khánh Hồng, Giả Khánh Lâm… Được biết, Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ đã liên tiếp tổ chức các cuộc họp đặc biệt về vụ việc “Hồ sơ Panama”, đã thông qua và thực hiện “kế hoạch khẩn cấp”, theo đó đều đã có những động thái [không rõ] đối với cả ông Lưu Vân Sơn và Trương Cao Lệ.

    Nhà bình luận Đường Tân Nguyên (Tang Xinyuan) đã chỉ ra, cách thức “chuyển hóa” quỹ của các chức sắc ĐCSTQ rất đơn giản. Giả sử một quan chức hoặc doanh nhân giàu có của ĐCSTQ muốn chuyển vốn, thông thường ông ta sẽ thành lập công ty mẹ B ở nước ngoài, sau đó niêm yết công ty A của ông ta ở Hồng Kông. Khi Công ty A lên sàn thì dùng Công ty B để mua cổ phần của Công ty A. Bằng cách này, tiền của người quyền lực hoặc doanh nhân giàu có này có tư cách là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và tiền có thể quay vòng và trở lại các doanh nghiệp mà họ đã mở ở Trung Quốc. Đồng thời, Công ty B được sử dụng để phát hành trái phiếu có rủi ro cao để thu được lợi ích lớn hơn. Khi tiền sạch hoặc đã kiếm đủ, công ty nộp đơn xin phá sản, để lại một công ty vỏ bọc cho các nhà đầu tư khiến vốn liếng các nhà đầu tư mất trắng. Nhiều vụ lừa đảo tài chính đã xảy ra ở Trung Quốc những năm gần đây đều thuộc loại này.

    Con đường trốn thoát của các quan chức ĐCSTQ cũng tương tự, việc thành lập các công ty nước ngoài ở nước ngoài rồi chuyển tiền là lựa chọn của nhiều quan chức ĐCSTQ. Con đường đó thường trải qua nhiều bước như tích lũy tài sản – người nhà đi trước – chuyển tài sản – chọn cơ hội bỏ trốn – ở lại nước ngoài và không quay trở lại Trung Quốc.

    Ông Đường Tân Nguyên nhấn mạnh rằng nền kinh tế Trung Quốc từ lâu đã bị giới quyền quý của ĐCSTQ kiểm soát, họ cướp bóc tài sản nhà nước và của cải quốc gia rồi chuyển ra nước ngoài. Giả như khi có dự án bất động sản béo bở trong nước, giới quyền quý của ĐCSTQ sẽ đưa vốn từ các công ty hoặc đại lý ở nước ngoài phân bổ trở về cho dự án trong nước giả vờ là nhà đầu tư nước ngoài và kiếm lợi nhuận, đẩy bong bóng trên thị trường bất động sản và chứng khoán Trung Quốc lên cao. Do hoạt động ngầm nên che mắt được công luận, nhưng việc liên tục rò rỉ các tài liệu tài chính ra nước ngoài đã trở thành tử huyệt của ĐCSTQ.

    Chính Hâm, Vision Times

    https://vietluan.com.au/115188/mo-phien-toa-ho-so-panama-gioi-quyen-quy-trung-quoc-lai-la-tam-diem/

    Mỹ tìm kiếm thỏa thuận hồi hương với TQ để giảm lượng người nhập cư bất hợp pháp

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/04/646fh-768x480.jpg

    Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas tại New York, ngày 10/9/2021 (Ảnh: lev radin / Shutterstock) 

    Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas cho biết Mỹ đang thảo luận cấp cao với Trung Quốc và hy vọng đạt được thỏa thuận hồi hương, để Trung Quốc tiếp nhận thêm nhiều người nhập cư Trung Quốc bất hợp pháp bị Mỹ trục xuất. Nếu một thỏa thuận có thể được hoàn tất, đó sẽ là bước đột phá trong quan hệ Mỹ – Trung và chính sách nhập cư của Mỹ.

    Trong hai năm qua, số lượng người nhập cư Trung Quốc vượt biên giới Mỹ – Mexico trái phép đã tăng mạnh.Theo thống kê của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP), hơn 24.000 người nhập cư Trung Quốc đã vượt biên giới Mỹ trái phép trong năm tài chính 2023, trong khi chỉ 342 người nhập cư Trung Quốc đã vượt biên giới Mỹ bất hợp pháp trong năm tài chính 2021. Dữ liệu năm ngoái không chỉ lập kỷ lục lịch sử mới mà còn vượt tổng số của 10 năm trước đó.

    Người nhập cư Trung Quốc đã trở thành nhóm người nhập cư bất hợp pháp phát triển nhanh nhất, điều này gây ra những vấn đề nghiêm trọng về an ninh quốc gia. Ủy ban An ninh Nội địa Mỹ cảnh báo rằng dòng người nhập cư lớn từ Trung Quốc có thể bị trộn lẫn với các gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các thành viên của quân đội ĐCSTQ.

    Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với NBC News, ông Mayorkas nói rằng thái độ từ chối chấp nhận (người nhập cư bất hợp pháp) bị trục xuất của phía Trung Quốc “có thể đang thay đổi”.

    “Chúng tôi đã làm việc với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để cho phép họ tiếp nhận những người mà chúng tôi xác định là không đủ điều kiện ở lại Mỹ,” ông Mayorkas nói.

    Ông cho biết ông đã nêu vấn đề này khi gặp ông Vương Tiểu Hồng, Bộ trưởng Bộ Công an ĐCSTQ, tại Vienna (thủ đô của Áo) vào tháng 2 năm nay. Ông Mayorkas cho biết Mỹ đang chờ đợi và theo dõi, ông “hy vọng” những cuộc thảo luận này sẽ thay đổi tình hình.

    Trong nhiều năm, chính quyền ĐCSTQ nhìn chung từ chối tiếp nhận những người Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp bị Mỹ trục xuất, và họ dường như không có ý định thảo luận và hợp tác với Mỹ để giải quyết các vấn đề nhập cư bất hợp pháp này. Mỹ đã liên tục đưa Trung Quốc vào danh sách các quốc gia “ngoan cố” hoặc “bất hợp tác”, trong danh sách này đôi khi còn bao gồm cả Nga, Venezuela, Cuba và các đối thủ địa chính trị khác của Mỹ.

    Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết trong một tuyên bố rằng, “Trung Quốc hợp tác trong nỗ lực hồi hương những người nhập cư bất hợp pháp. Nhập cư bất hợp pháp là một vấn đề quốc tế đòi hỏi sự hợp tác của các nước liên quan để giải quyết. Trung Quốc có sự hợp tác tốt với một số nước về vấn đề hồi hương người nhập cư bất hợp pháp và sẵn sàng tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước liên quan về vấn đề này.“

    Tuyên bố cũng cho biết: “Chính phủ Trung Quốc tuân thủ nguyên tắc ‘xác minh trước, sau đó mới hồi hương’ trong vấn đề hồi hương những người nhập cư bất hợp pháp. Chúng tôi sẽ chấp nhận việc hồi hương những công dân Trung Quốc đã được xác minh từ Trung Quốc Đại Lục.”

    Mỹ không thể buộc trục xuất khi nước của người nhập cư đó từ chối chấp nhận công dân của mình.

    Trong một báo cáo năm 2021, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã đề cập đến hành vi bất hợp tác của phía Trung Quốc, báo cáo viết: “Việc Bắc Kinh từ chối hợp tác đã buộc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) phải cho hàng trăm công dân Trung Quốc vào các cộng đồng Mỹ, nhiều người trong số đó đã bị bắt giữ, bị kết án về tội bạo lực gây nguy hiểm cho an toàn công cộng.”

    Năm 2022, để trả đũa chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosi, phía Trung Quốc đã chính thức đình chỉ hợp tác trục xuất hồi hương.

    Hiện tại, thỏa thuận hồi hương mới đang được đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc báo hiệu một sự thay đổi có thể xảy ra trong thái độ của Trung Quốc.

    Theo hồ sơ của ICE Mỹ, mặc dù Mỹ có thể hồi hương một số công dân Trung Quốc mỗi năm, nhưng nước này phải sử dụng đến “Điều lệ đặc biệt có rủi ro cao” (Special High-Risk Charter) đầy thách thức và tốn kém về mặt hậu cần, đôi khi phải đi qua Hàn Quốc.

    Một quan chức Mỹ nói với NBC News rằng, Mỹ đã trục xuất hồi hương thành công 8 công dân Trung Quốc vào tuần trước. Theo dữ liệu nội bộ mà The New York Times thu được vào năm ngoái, ICE đã trục xuất thành công 288 người về Trung Quốc trong năm tài chính vừa qua.

    Nếu đạt được một thỏa thuận mới, nó có thể có tác động rất lớn đến số người bị trục xuất. Tuy nhiên, điều này vẫn sẽ tốn rất nhiều tài nguyên và không thể đối phó với dòng người nhập cư bất hợp pháp hiện nay.

    Hiện tại, hầu hết những người nhập cư bất hợp pháp bị bắt ở biên giới phía nam, dù đến từ Trung Quốc hay không, đều được thả về Mỹ để chờ đợi các thủ tục tố tụng kéo dài nhiều năm tại các tòa án nhập cư bị tồn đọng nghiêm trọng.

    Ông Mayorkas cho biết, cơ quan quản lý nhập cư không thể giảm lượng nhập cư từ Trung Quốc hoặc nơi khác một cách hiệu quả trừ khi Quốc hội hành động.

    “Về cơ bản, hệ thống của chúng ta vẫn chưa được được trang bị năng lực để giải quyết các vấn đề nhập cư đang tồn tại,” ông Mayorkas nói.

    Theo Trần Đình, Epoch Times

    https://vietluan.com.au/115164/my-tim-kiem-thoa-thuan-hoi-huong-voi-tq-de-giam-luong-nguoi-nhap-cu-bat-hop-phap/

    TSMC, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, công bố kế hoạch xây dựng nhà máy bán dẫn thứ ba ở Arizona. Công ty Đài Loan sẽ nhận được khoản trợ cấp lên tới 6,6 tỷ USD từ chính phủ Mỹ và tăng đầu tư vào Mỹ lên 65 tỷ USD. Mỹ đang mong muốn mở rộng sản xuất chip trong nước, nhưng thái độ bất hợp tác của công nhân và các thủ tục pháp lý đã làm chậm nỗ lực của TSMC ở nước này.

    Nicaragua kiện Đức vì hỗ trợ Israel

    Nicaragua biết đôi điều về nhân quyền và luật pháp quốc tế, khi từng bị Liên Hợp Quốc cáo buộc hồi tháng 2 về tội ác chống lại loài người. Tuy nhiên, thay vì trả lời những cáo buộc như vậy, họ lại đi kiện. Vào thứ Ba, Đức sẽ phản hồi các tuyên bố của Nicaragua trước Tòa án Công lý Quốc tế rằng nước này đồng lõa với tội diệt chủng khi bán vũ khí cho Israel và ngừng quyên góp tự nguyện cho UNRWA, một cơ quan của Liên Hợp Quốc chuyên hỗ trợ người Palestine.

    Đơn của Nicaragua được đưa ra sau vụ kiện trước đó của Nam Phi cáo buộc Israel phạm tội diệt chủng ở Gaza. Bằng cách nhắm vào Đức, vụ kiện này tìm cách mở rộng luật pháp quốc tế theo cách chưa từng thấy. Nó phớt lờ quy tắc “bên thứ ba không thể thiếu” của tòa án, điều sẽ ngăn tòa đưa ra phán quyết ảnh hưởng đến Israel vì nước này không phải là một bên trong vụ kiện. Nguyên đơn cũng yêu cầu Đức tiếp tục quyên góp tự nguyện cho UNRWA.

    Ireland có tân thủ tướng

    Vào thứ Ba, Simon Harris, ở tuổi 37, sẽ trở thành thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Ireland, trẻ hơn người tiền nhiệm một năm. Quyết định rời bỏ chính trường của Leo Varadkar vào tháng trước đã dọn đường cho ông Harris kế nhiệm ông với tư cách là lãnh đạo của Fine Gael, một đảng trung hữu, và trở thành taoiseach (thủ tướng). Ông Harris là người ăn nói lưu loát và hiểu biết về truyền thông. Sự thăng tiến của ông không quá đặc biệt: sau khi rời trường đại học sớm, ông trở thành trợ lý cho một nghị sĩ cấp cao và đi lên từ đó.

    Nhưng công việc mới của ông Harris có thể sẽ không suôn sẻ như vậy. Ông có chưa đầy một năm để tận hưởng chức vụ mới trước cuộc bầu cử tiếp theo. Nhiều người vẫn chưa rõ ông đại diện cho điều gì. Sự ủng hộ dành cho đảng của ông – vốn đang phải vật lộn với khủng hoảng nhà ở, y tế, và chi phí sinh hoạt – tiếp tục giảm kể từ khi ông Varadkar từ chức. Một phần ba số nghị sĩ của đảng này đã tuyên bố sẽ không tranh cử nữa – ông Varadkar đứng đầu trong số đó.

    Giai đoạn tai tiếng của Boeing

    Những khó khăn của Boeing sẽ được thể hiện rõ ràng vào thứ Ba khi hãng công bố số liệu giao máy bay thương mại trong quý đầu năm. Công ty Mỹ có thể sẽ giao khoảng 85 máy bay so với hơn 140 chiếc của Airbus, đối thủ châu Âu, trong cùng thời kỳ.

    Rất khó để họ bắt kịp. Hy vọng của Boeing trong việc nâng sản lượng máy bay 737MAX, mẫu máy bay đường ngắn của hãng, đã bị cản trở bởi các hạn chế của cơ quan quản lý sau vụ bung chốt cửa máy bay hồi tháng 1. Vụ việc làm tăng thêm lo ngại về hoạt động sản xuất và kiểm soát chất lượng của công ty. Và hình ảnh của Boeing lại càng xấu đi khi vào Chủ nhật, một chiếc máy bay 737 dòng cũ đã bị thổi tung vỏ động cơ khi đang cất cánh. Boeing cũng phải bổ nhiệm một giám đốc điều hành mới để thay thế Dave Calhoun, người đã thông báo vào tháng 3 rằng ông sẽ từ chức vào cuối năm nay. Nhà lãnh đạo mới của gã khổng lồ hàng không vũ trụ sẽ có nhiều điều phải khắc phục.

    Các nước Bắc Âu và Baltic đẩy mạnh hợp tác quốc phòng

    Kể từ khi giành được độc lập từ Liên Xô, ba nước vùng Baltic đã tăng cường kết nối với các nước láng giềng phía bắc. Người Bắc Âu giờ đây lại càng có lý do để thắt chặt quan hệ: hợp tác quốc phòng chống lại Nga. Vào thứ Ba, thị trấn Visby của Thụy Điển sẽ tiếp đón các ngoại trưởng của Estonia, Latvia, và Litva, cũng như ngoại trưởng của bốn nước Bắc Âu (Đan Mạch, Phần Lan, Iceland và Na Uy). Nhóm này được gọi là Nhóm Bắc Âu-Baltic.

    Quốc phòng là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Những nước đóng góp viện trợ hào phóng nhất cho Ukraine, theo tỷ trọng GDP, nằm phần lớn ở khu vực này, với Estonia và Đan Mạch đứng đầu. Saab, một công ty Thụy Điển, và Nammo của Na Uy là những nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho Ukraine. Phần Lan và Thụy Điển gần đây đã gia nhập NATO.

    Các nước Bắc Âu và Baltic cũng đồng ý rằng EU nên thu giữ tài sản trị giá 228 tỷ USD của Nga ở châu Âu và giao số tiền này cho Ukraine. Băng đã tan cách đây vài tuần ở Visby, nhưng tài sản của Nga thì vẫn còn đóng băng.

    Xúc động khoảnh khắc các y tá bảo vệ trẻ sơ sinh trong trận động đất Đài Loan

    Trúc Nhi, Tuệ Di 

    09/4/2024

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/04/tre-so-sinh.jpg

    Hành động dũng cảm cố gắng bảo vệ an toàn cho các trẻ sơ sinh trong trận động đất cực mạnh ở Đài Loan của những nữ y tá khiến cư dân mạng cảm động và thán phục. (Ảnh minh họa: Media Home/ Shutterstock) 

    Trong trận động đất mạnh 7,2 độ richter ở Hoa Liên, Đài Loan vào lúc 7 giờ 58 phút ngày 3/4 vừa qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng. Trong khi động đất xảy ra, các nữ y tá tại một Trung tâm chăm sóc sau sinh ở Đài Bắc đã khiến nhiều cư dân mạng cảm động với hành động dũng cảm khi họ đã liều mình bảo vệ các trẻ sơ sinh, bất chấp an toàn cá nhân.

    Trước đó, hãng thông tấn Taiwan News của Đài Loan đã đăng tải đoạn video từ camera giám sát ghi lại khoảnh khắc thót tim nhưng lại vô cùng ấm áp tình người. Những hình ảnh ghi lại cho thấy, ngay khi căn phòng rung chuyển mạnh, một số y tá không màng nguy hiểm đã vội vàng kéo những chiếc nôi trong phòng lại với nhau, cố gắng giữ chặt để đảm bảo an toàn cho các trẻ sơ sinh. Đoạn clip này đã lan truyền nhanh chóng, khiến nhiều cư dân mạng cảm động và ca ngợi lòng dũng cảm của họ.

    Những nữ hộ sinh liều mình bảo hộ trẻ sơ sinh

    Theo nhận định, trận động đất ở Hoa Liên ngày 3/4 được xem là trận động đất lớn và mạnh nhất trong 25 năm qua. Khi trận động đất xảy ra, hơn chục tòa nhà bị đổ nghiêng ngay lập tức và trong những thời khắc nguy hiểm như vậy thì việc chạy thoát thân là bản năng của con người.

    Tuy nhiên, nhiều y tá tại Viện chăm sóc sau sinh Xiyue đã liều mình lao tới căn phòng với rất nhiều em bé sơ sinh non nớt, họ nhanh chóng kéo những chiếc nôi xích lại gần nhau để đảm rằng các trẻ cách xa cửa sổ và tủ đựng đồ. Họ nỗ lực giữ chúng trước sự rung lắc dữ dội.

    Trên khuôn mặt của các nữ y tá tỏ ra rất hoảng sợ khi mạng sống sẽ có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào, nhưng họ đã dũng cảm gác lại sự an nguy của bản thân sang một bên để bảo vệ các em bé khỏi các tổn thương nghiêm trọng. Trong khoảnh khắc ấy, điều duy nhất họ làm chính là cố hết sức để giữ chặt những chiếc nôi đang bập bênh bằng cơ thể và bàn tay của họ.

    Chen Yingqin, người giám sát Viện chăm sóc sau sinh Xiyue, nói trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Đài Loan rằng: “Tất nhiên là chúng tôi rất sợ, vì đây vốn là bản năng của con người. Nhưng tôi nghĩ sự an toàn của bệnh nhân và trẻ sơ sinh là sự ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”.

    Y tá trưởng Elaine cũng cho biết: “Mỗi em bé đều là viên ngọc vô cùng quý giá của cha mẹ. Khi động đất xảy ra, phản ứng đầu tiên của chúng tôi là đảm bảo rằng tất cả các em bé đều được an toàn. Tôi tin rằng tất cả những người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đều hiểu sâu sắc điều này”.

    Một y tá khác, cô Aly nói thêm: “Ngay cả những đồng nghiệp của tôi vừa kết thúc ca đêm, thậm chí còn chưa kịp thay đồng phục làm việc, cũng đã vội vã đến giúp đỡ. Thật may mắn khi tôi, các đồng nghiệp và tất cả các em bé hiện đều bình an vô sự”.

    Sau khi xem đoạn video, người dùng mạng xã hội đã bày tỏ sự khen ngợi chân thành đối với tinh thần vị tha và không sợ hãi của các nữ y tá.

    “Các y tá Đài Loan bảo vệ các em bé trong trận động đất. Đây là một trong những video đẹp nhất mà tôi được xem trên Internet cho đến ngày hôm nay. Cảm ơn những nữ hộ sinh dũng cảm.” Nishant Sharma đã lan tỏa video và để lại bình luận.

    Một người khác, anh Bareera cảm động: “Thật nghẹn ngào khi thấy lòng dũng cảm và sự lương thiện của những y tá Đài Loan khi bảo vệ những trẻ sơ sinh trong trận động đất. Họ là những người hùng thực sự! Sự cống hiến của họ cho công việc thật đáng được khen ngợi.”

    Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những cư dân mất tích. Tính đến 18 giờ ngày 6/4, trận động đất ở Hoa Liên đã khiến 13 người thiệt mạng, hơn 1.000 người bị thương và 6 người mất tích.

    Cơ quan khí tượng của Đài Loan (CWA) cho biết, cho tới thời điểm hiện tại, họ đã ghi nhận hơn 300 dư chấn kể từ khi trận động đất xảy ra, và dự báo sẽ còn nhiều dư chấn với cường độ từ 6,5 đến 7 độ richter trong những ngày tới.

    Vụ thử lịch sử của tên lửa chống hạm tầm xa của Hải quân Hoa Kỳ

    Hạ Lạc Sơn

    Theo Shishi Junshi
    Lý Ngọc biên dịch

    09/4/2024

    Vụ thử lịch sử của tên lửa chống hạm tầm xa của Hải quân Hoa Kỳ

    Vụ thử lịch sử tên lửa chống hạm tầm xa của Hải quân Hoa Kỳ. (Ảnh: Chụp màn hình video) 

    Trong một cuộc xung đột có thể xảy ra ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, điều mà Hải quân Mỹ cần nhất có lẽ là khả năng tấn công tầm xa trên biển. Nó cho phép Hải quân Hoa Kỳ tiến hành các cuộc tấn công mà không đi vào phạm vi kiểm soát chống tiếp cận của Trung Quốc, do đó có tác động làm thay đổi tình hình chiến lược khu vực. Trong số tất cả các phương tiện tấn công tầm xa này, tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158 (LRASM) đang đạt được tiến bộ mới nhất.

    Ngày 3/4, Hải quân Mỹ và Lockheed Martin đã hoàn thành cuộc thử nghiệm tên lửa chống hạm tầm xa, 2 chiếc F/A-18E/F Super Hornets đã phóng 4 tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158C-3. Đây là cuộc thử nghiệm bay tích hợp (ITE-12) lần thứ 12 của tên lửa, so với các cuộc thử nghiệm trước đó chỉ phóng một tên lửa thì lần này có tới 4 tên lửa được phóng cùng lúc, được mô tả là cuộc thử nghiệm lịch sử. Hải quân Hoa Kỳ dường như đang hy vọng sử dụng cuộc thử nghiệm này để cho thấy loại vũ khí này sẽ được sử dụng như thế nào trong chiến đấu thực tế, đặc biệt là trong một cuộc xung đột cấp độ cao hơn có thể xảy ra với Trung Quốc trong tương lai.

    Công ty Lockheed Martin cho biết, Hải quân Hoa Kỳ có thể chứng minh khả năng sát thương cao cấp vốn có của loại vũ khí này và tác động của nó đối với các mục tiêu thông qua việc lập kế hoạch nhiệm vụ chuỗi tiêu diệt tích hợp. Tất cả các mục tiêu của nhiệm vụ đều được đáp ứng, làm tăng đáng kể niềm tin vào khả năng và hỏa lực vượt trội của loại vũ khí này. Cuộc thử nghiệm thành công này đã chứng minh khả năng thực sự của biến thể tên lửa chống hạm tầm xa mới nhất. Nó cung cấp các giải pháp hoặc lựa chọn mới cho các chiến binh để thiết lập lợi thế chiến tranh chống bề mặt ở bất kỳ khu vực nào. Tầm bắn, khả năng thâm nhập phòng thủ và nhắm mục tiêu của tên lửa chống hạm tầm xa mới mang lại khả năng sát thương phân tán thực sự, đặc biệt là ở Tây Thái Bình Dương, chống lại các mối đe dọa trong tương lai.

    Trong cuộc tập trận này, Hải quân Hoa Kỳ đã điều động hai máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet, mỗi chiếc mang theo hai chiếc AGM-158C. Super Hornet là máy bay chiến đấu hải quân duy nhất được biết đến có khả năng sử dụng tên lửa chống hạm tầm xa. Hải quân Mỹ cũng đang nỗ lực tích hợp AGM-158C vào máy bay tuần tra hàng hải P-8A và một số máy bay chiến đấu tấn công chung F-35C. Máy bay ném bom B-1B của Không quân Mỹ cũng có thể sử dụng tên lửa chống hạm tầm xa này.

    Có hai biến thể chính của AGM-158C với đặc tính tàng hình, một là C-1 (còn được gọi là LRASM 1.1) hiện đang được sử dụng và biến thể còn lại là C-3 (còn được gọi là LRASM-ER) vẫn đang được phát triển. Thiết kế cốt lõi của nó bắt nguồn từ Tên lửa hành trình tấn công đối đất chung AGM-158 (JASSM).

    Tầm bắn tối đa của phiên bản C-1 là khoảng 300 đến 500 km, tương đương với tầm bắn của AGM-158A. Cả hai phiên bản C-1 và C-3 đều sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính có hỗ trợ GPS (INS).

    Bước đầu tiên là dẫn tên lửa đến khu vực mục tiêu. Tên lửa có khả năng lập kế hoạch lộ trình tự động cao, bao gồm cả việc tự động thay đổi hướng đi để ứng phó với những phản ứng bất ngờ từ hệ thống phòng thủ của đối phương. Bộ biện pháp hỗ trợ điện tử (ESM) được lắp đặt bên trong tên lửa, có thể được sử dụng để phát hiện các mối đe dọa từ hệ thống phòng không mặt đất, đồng thời, hệ thống thông tin chiến trường chung cũng có thể cung cấp thông tin cập nhật về mối đe dọa môi trường cho tên lửa thông qua các liên kết dữ liệu, cho phép tên lửa phối hợp với các hệ thống tấn công khác để cùng hoạt động.

    Sau khi đến khu vực mục tiêu, nó sẽ chuyển chế độ dẫn đường sang hướng dẫn chụp ảnh hồng ngoại (IIR) trong giai đoạn cuối của chuyến bay, tìm kiếm mục tiêu bằng thiết bị tìm kiếm ảnh nhiệt, đồng thời tự động xác định và phân loại mục tiêu bằng cách sử dụng các thông số mục tiêu từ cơ sở dữ liệu bộ nhớ. Sau đó bước vào giai đoạn tấn công cuối cùng và chọn những bộ phận dễ bị tổn thương nhất của tàu mục tiêu để tấn công. Thiết bị tìm kiếm hình ảnh hồng ngoại của AGM-158C là thụ động, có nghĩa là tàu mục tiêu mà nó hướng tới không thể phát hiện và khóa tên lửa đang bay tới thông qua radar. Ngoài ra, đầu dò hình ảnh hồng ngoại không bị ảnh hưởng bởi nhiễu tần số vô tuyến. Vì vậy, một khi tàu địch bị tên lửa như vậy nhắm tới sẽ khó thoát khỏi số phận bị trúng đạn.

    Phiên bản AGM-158C-3, là tên lửa chống hạm tầm xa, các cải tiến bao gồm phần mềm mới, liên kết thông tin vũ khí ngoài tầm nhìn (BLOS) được nâng cao, khả năng thâm nhập nâng cao và phạm vi mở rộng. Tên lửa có tầm bắn gần 1.000 km.

    Theo yêu cầu ngân sách năm tài chính 2025 của Hải quân Hoa Kỳ, mục tiêu trước tiên là vận hành AGM-158C-3 trên F/A-18E/F và đạt được khả năng hoạt động sớm vào giữa năm 2026. Đồng thời, Không quân Mỹ cũng có kế hoạch mua tên lửa chống hạm tầm xa C-3. Vào thời điểm này, có vẻ như ngay trước khi Trung Quốc tuyên bố rằng họ sẽ có khả năng chiếm giữ Đài Loan bằng vũ khí vào năm 2027.

    Cả Hải quân và Không quân Hoa Kỳ đều tin rằng dòng tên lửa chống hạm tầm xa đang mở rộng có thể mang lại những khả năng quan trọng trong các cuộc xung đột trong tương lai, đặc biệt là chống lại những đối thủ được coi là cao cấp như Trung Quốc hay Nga. Những tên lửa này sẽ đặc biệt quan trọng trong bất kỳ trận chiến lớn nào trong tương lai chống lại Trung Quốc ở Thái Bình Dương khi Trung Quốc tiếp tục mở rộng đáng kể quy mô và khả năng của hạm đội trên biển của mình. Trong trường hợp này, dự kiến ​​sẽ cần một số lượng lớn vũ khí như vậy để giúp Hải quân Mỹ tăng khả năng đạt được các mục tiêu mong muốn. Nói cách khác, khi quy mô của hạm đội của Trung Quốc ngày càng mở rộng, khả năng chống hạm tầm xa cũng sẽ tăng theo, ít nhất xét về tổng số mục tiêu tiềm năng, Hải quân Mỹ cần phải đủ mạnh để áp đảo đối thủ.

    Phiên bản mới nhất của tên lửa chống hạm tầm xa của Hải quân Hoa Kỳ có một số tính năng mới về khả năng, bao gồm hiệu suất tàng hình, lập kế hoạch đường đi tự động, tránh bị hệ thống phòng không đánh chặn, phát hiện mục tiêu thụ động ở giai đoạn cuối và khả năng tấn công hợp tác trên chiến trường. Hiệu ứng kết hợp của những khả năng này có thể tối đa hóa hiệu quả tiêu diệt.

    Việc gia tăng phạm vi hoạt động của nó có ý nghĩa thực tiễn to lớn ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tầm bắn của AGM-158C-3 khoảng 1.000 km; tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet do tàu sân bay mang theo có thể bay hơn 2.300 km với hai tên lửa treo, thực hiện nhiệm vụ tấn công biển có thể tưởng tượng bán kính chiến đấu của nó sẽ đạt tới 1.000 km. Điều này cho phép nhóm tấn công tàu sân bay của Hạm đội Thái Bình Dương triển khai sức mạnh tấn công tới các khu vực xung đột ở Tây Thái Bình Dương từ khoảng cách khoảng 2.000 km. Trong các hoạt động tầm xa như vậy, Trung Quốc về cơ bản chỉ có một số hệ thống vũ khí có thể đối đầu với hạm đội Hải quân Hoa Kỳ và số lượng đạn dược tương ứng cũng nhỏ hơn nhiều do hạn chế về chi phí.

    Tóm lại, sự tồn tại của AGM-158C-3 mang lại cho Hải quân Mỹ một phương thức tác chiến tầm xa mới. Đồng thời, hạm đội của Trung Quốc phải đối mặt với các mối đe dọa hàng hải lớn hơn và các biện pháp phòng thủ trở nên phức tạp hơn.

    Trong những năm gần đây, Hải quân và Không quân Hoa Kỳ đã thúc đẩy ngân sách bao gồm việc mua dài hạn với quy mô lớn các tên lửa chống hạm tầm xa cũng như các loại vũ khí và đạn dược tiên tiến khác. Lầu Năm Góc cho rằng Hoa Kỳ cần những loại vũ khí đủ để đáp ứng những thách thức nhanh chóng của sự cạnh tranh khốc liệt, bao gồm Tên lửa tấn công hải quân của Raytheon và Kongsberg, Tên lửa tiêu chuẩn tầm mở rộng 6 (ERAM) RIM-174 của Raytheon, Tên lửa tầm trung tiên tiến AIM-120 của Raytheon -Tên lửa không đối không tầm xa, Tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158C (LRASM) của Lockheed Martin và Tên lửa không đối đất tầm xa AGM-158B (JASSM-ER).

    Trong đề xuất ngân sách tương ứng cho năm tài chính 2025, Không quân và Hải quân Hoa Kỳ có kế hoạch mua thêm 90 và 115 tên lửa chống hạm tầm xa, bao gồm cả phiên bản C-1 và C-3, với chi phí trung bình xấp xỉ 3 triệu USD cho mỗi tên lửa Nhìn chung, hai quân chủng có kế hoạch chi hàng tỷ USD để mua 1.000 tên lửa chống hạm tầm xa vào năm 2030.

    Hải quân Mỹ cũng đã tập trung nguồn lực vào các dự án quan trọng hơn bằng cách từ bỏ việc mở rộng phát triển một số hệ thống vũ khí. Ngay từ năm 2021, khi phiên bản C-3 của tên lửa chống hạm tầm xa lần đầu tiên được công bố, người ta đã quyết định hủy bỏ việc phát triển các biến thể của tên lửa hành trình dẫn đường chính xác AGM-154 Joint Standoff Weapon (JSOW). Dự kiến, việc xin tài trợ cho phiên bản C-1 của tên lửa chống hạm tầm xa sẽ được hoàn thành sau năm tài chính 2025 và sẽ chuyển hoàn toàn sang phiên bản C-3. Việc mua số lượng lớn này cũng sẽ giúp mở rộng khả năng sản xuất để đảm bảo nguồn cung các loại vũ khí này trong tương lai.

    Các cuộc thử nghiệm mới nhất nêu bật tầm quan trọng của tên lửa chống hạm tầm xa. Việc bay cùng lúc bốn tên lửa cho phép Lockheed Martin, cũng như Hải quân, Không quân và các cơ quan khác của Hoa Kỳ có được dữ liệu quan trọng và hiểu sâu hơn về cách thức hoạt động của tên lửa trong một cuộc tấn công lớn hơn. Có được kinh nghiệm quý báu trong việc lập kế hoạch tác chiến và hoạt động thực tế thông qua 4 lần phóng tên lửa thật. Cho phép quân đội và ngành công nghiệp thu thập dữ liệu về hiệu suất của tên lửa chống hạm tầm xa trước các hệ thống phòng thủ, từ đó sẽ thúc đẩy sự cải tiến và trưởng thành của loại tên lửa này.

    Hải quân Hoa Kỳ coi AGM-158C-3 như một bước đệm để chuyển sang tên lửa chống hạm siêu thanh phóng từ trên không trong tương lai. Việc phát triển chương trình Tên lửa tấn công mặt nước siêu thanh phóng từ trên không (HALO) được bắt đầu theo chương trình Tăng cường tấn công mặt nước 2 (OASuW Inc 2), trong đó C-3 là nguyên mẫu tăng cường 1. Mục tiêu của chương trình HALO là đạt khả năng tác chiến ban đầu vào năm tài chính 2029. Tên lửa này sẽ được tích hợp trước tiên trên F/A-18E/F Super Hornet và sau đó có thể được tích hợp trên F-35C.5C.

    AGM-158C-3 được định vị là vũ khí chống hạm thuần túy và đảm nhận vai trò là cầu nối giữa việc phát triển các loại vũ khí chống hạm trong tương lai. Việc phát triển AGM-158C-3 diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ tập trung vào khả năng đối phó với xung đột tiềm ẩn với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Không chỉ giới hạn trong vũ khí phóng từ trên không của Hải quân, Lục quân và Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ cũng đang tích cực phát triển và triển khai một loạt hệ thống tên lửa đất đối đất và đất đối hải mới có khả năng chống hạm. Những khả năng này cũng là sự chuẩn bị cho những xung đột tiềm tàng ở khu vực eo biển Đài Loan.

    https://vietluan.com.au/115176/vu-thu-lich-su-cua-ten-lua-chong-ham-tam-xa-cua-hai-quan-hoa-ky/


    Không có nhận xét nào