Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ sáu 12 tháng 4 năm 2024

    Võ Thái Hà tổng hợp

    TT Biden cảnh cáo về hành xử của Bắc Kinh ở Biển Đông khi họp thượng đỉnh với Philippines, Nhật 

    12/04/2024 

    Reuters 

    Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos (con), Tổng thống Mỹ Joe Biden, và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, tại Nhà Trắng ngày 11/4/2024.

    Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos (con), Tổng thống Mỹ Joe Biden, và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, tại Nhà Trắng ngày 11/4/2024. 

    Căng thẳng âm ỉ kéo dài giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trở thành tâm điểm của cuộc gặp hôm 11/4 giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Philippines tại Nhà Trắng bàn cách đẩy lùi áp lực ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với Manila ở Biển Đông có nhiều tranh chấp, theo Reuters.

    Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ công bố những nỗ lực quân sự chung mới và chi tiêu cơ sở hạ tầng ở thuộc địa cũ của Mỹ trong khi ông tiếp đón Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos (con) cùng với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Washington trong hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên.

    Đứng đầu chương trình nghị sự của cuộc gặp này là áp lực ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, vốn đã leo thang bất chấp lời kêu gọi mà đích thân ông Biden gửi tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm ngoái.

    Khai mạc cuộc gặp tại Nhà Trắng với hai nhà lãnh đạo, ông Biden khẳng định rằng hiệp ước phòng thủ chung có từ những năm 1950 ràng buộc Washington và Manila sẽ cho phép Mỹ đáp trả một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào Philippines ở Biển Đông.

    Ông nói: “Các cam kết quốc phòng của Hoa Kỳ với Nhật Bản và Philippines cứng như thép”.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói rằng “các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế” và họ sẵn sàng giải quyết các vấn đề thông qua “đối thoại và tham vấn” nhưng bà Mao chỉ trích cả Mỹ lẫn Nhật Bản vì đã làm gia tăng căng thẳng.

    Hoa Kỳ có kế hoạch để lực lượng Tuần duyên tiến hành tuần tra chung ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong năm tới cũng như có các hoạt động huấn luyện hàng hải chung. Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho hay Washington cũng sẽ bố trí “hàng cứu trợ nhân đạo để ứng phó với thảm họa dân sự của Philippines” tại các căn cứ quân sự của Philippines.

    Một quan chức Mỹ khác cho biết có thể sẽ có thêm các cuộc tuần tra chung trong những tháng tới ở Biển Đông sau các cuộc tập trận của Mỹ, Australia, Philippines và Nhật Bản vào cuối tuần trước.

    Động thái này được đưa ra sau khi hai thượng nghị sĩ nổi tiếng của Mỹ hôm 10/4 giới thiệu một dự luật lưỡng đảng nhằm cung cấp cho Manila 2,5 tỷ USD để tăng cường phòng thủ trước áp lực của Trung Quốc.

    Ông Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nói: “Chiến thuật thường xuyên của Trung Quốc là cố gắng cô lập mục tiêu trong các chiến dịch gây áp lực của họ, nhưng cuộc gặp ba bên ngày 11/4 cho thấy rõ rằng Philippines không đơn độc”.

    Ba nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về những thách thức khu vực và phát triển kinh tế rộng lớn hơn, với các khoản đầu tư mới vào cáp biển, hậu cần, năng lượng sạch và viễn thông.

    TT Mỹ cam kết bảo vệ Philippines "bằng mọi cách" nếu "bị tấn công" ở Biển Đông

    Thu Hằng /RFI

    12/4/2024

    Lần đầu tiên, Mỹ, Nhật Bản và Philippines họp thượng đỉnh để đối phó với những căng thẳng ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Trong thông cáo chung ngày 11/04/2024, ba nước đồng minh lên án « hành động nguy hiểm » của Trung Quốc ở Biển Đông, dù không nêu đích danh. Bắc Kinh đã đáp trả với tuyên bố bảo vệ những hành động « hợp pháp » của họ ở Biển Đông. 

    President Joe Biden, center, speaks alongside Philippine President Ferdinand Marcos Jr., left, and Japanese Prime Minister Fumio Kishida before a trilateral meeting in the East Room the White House in

    Tổng thống Mỹ Joe Biden (G) tổng thống PhilippinesFerdinand Marcos Jr (T) và thủ tướng Nhật Fumio Kishida trước cuộc gặp ba bên tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 11/04/2024. AP - Mark Schiefelbein 

    Trong cuộc họp với thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và tổng thống Marcos Jr., chủ nhân Nhà Trắng nhắc lại « cam kết không thể lay chuyển của Mỹ đối với an ninh Nhật Bản và Philippines ». Ba nhà lãnh đạo bày tỏ « quan ngại sâu sắc trước thái độ nguy hiểm và hung hăng của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ở Biển Đông », cũng như « quá trình quân sự hóa các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và những đòi hỏi chủ quyền bất hợp pháp » ở vùng biển chiến lược này.

    Trước đó, theo AFP, tổng thống Joe Biden khẳng định với đồng nhiệm Marcos Jr. « mọi cuộc tấn công nhắm vào tàu, máy bay hoặc lực lượng vũ trang Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt ngay việc triển khai hiệp định phòng thủ hỗ tương » giữa hai nước.

    Trung Quốc khẳng định hành động « hợp pháp » ở Biển Đông

    Ngay lập tức, chính quyền Bắc Kinh đã đáp trả bằng lời nói lẫn hành động, khẳng định những hoạt động của Trung Quốc ở trong vùng là « hợp pháp ».

    Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh tường trình :

    « Những chuyến tuần biển của Quân đội Giải phóng Nhân dân trở lại màn hình của đài truyền hình trung ương Trung Quốc và trên mạng xã hội thông qua các tài khoản của truyền thông Nhà nước. Họ đưa tin về các đợt luyện tập hàng hải của Trung Quốc trong những ngày vừa qua ở Biển Đông để đối phó với cuộc tập trận chung của Mỹ, Nhật Bản, Philippines ở trong vùng.

    Sáng thứ Sáu này (12/04), tầu 2502 của hải cảnh Trung Quốc đi tuần tra ở vùng biển tranh chấp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Theo chính quyền, được Tân Hoa Xã trích dẫn, cuộc tuần tra này là « hợp pháp » để « bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc ». Đối với đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo, việc tăng cường liên minh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản là một « mối đe dọa cho hòa bình và ổn định ở trong vùng ».

    Thông điệp này được đội « anh hùng bàn phím » theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa đồng loạt đăng lại. Họ thức dậy với thông cáo ba bên Mỹ-Nhật-Philippines được công bố trong đêm và thế là ngôn từ còn mạnh mẽ và thậm tệ hơn. Trên mạng xã hội Weibo có thể thấy những câu : « Tôi có cảm giác Biden đang dắt chó đi dạo », ngụ ý đến thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đang công du Washington. Hoặc « chúng ta sẽ thử mức độ trung thành của các đồng minh của Mỹ bằng cách tấn công Philippines và Nhật Bản trước tiên ».

    FBI lo ngại về khả năng xảy ra tấn công phối hợp ở Mỹ sau vụ thảm sát ở Nga 

    12/4/2024 

    Reuters 

    Giám đốc FBI Christopher Wray.

    Giám đốc FBI Christopher Wray. 

    Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc tấn công có tổ chức ở Hoa Kỳ tương tự như vụ làm cho hàng chục người chết tại phòng hòa nhạc ở Nga vào tháng trước, Reuters dẫn lời giám đốc FBI nói với một ủy ban Hạ viện hôm 11/4.

    Giám đốc FBI Christopher Wray nói với các nhà lập pháp tại một phiên điều trần về ngân sách hôm 11/4: “Khi nhìn lại sự nghiệp thực thi pháp luật của mình, tôi vắt óc nghĩ về thời điểm mà rất nhiều mối đe dọa đối với an toàn công cộng và an ninh quốc gia của chúng ta lại tăng cao cùng một lúc”.

    “Nhưng đó là trường hợp mà tôi thảo luận ngày hôm nay”.

    Vụ tấn công ngày 22/3 vào phòng hòa nhạc ở ngoại ô Moscow khiến ít nhất 144 người chết, là vụ đẫm máu nhất ở Nga trong 20 năm qua. Một nhánh của nhóm chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhận trách nhiệm, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tìm cách đổ lỗi cho Ukraine mà không đưa ra bằng chứng.

    Các quan chức Mỹ lâu nay lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc tấn công được thực hiện bởi một cá nhân hoặc một nhóm nhỏ bị kích thích từ cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Gaza.

    Nhưng FBI đang ngày càng lo ngại hơn về một cuộc tấn công phối hợp sau vụ thảm sát tại buổi hòa nhạc ở Nga, ông Wray nói trong cuộc điều trần trước một tiểu ban của Ủy ban Chuẩn chi Hạ viện.

    Theo nội dung điều trần bằng văn bản của ông Wray, vào cuối năm tài chính 2023, FBI đã mở 4.000 cuộc điều tra khủng bố quốc tế.

    Có mối lo ngại ngày càng tăng là “có khả năng xảy ra một cuộc tấn công phối hợp ngay trong nước Mỹ, giống như cuộc tấn công của ISIS-K mà chúng ta đã thấy tại Phòng hòa nhạc Nga chỉ vài tuần trước”, ông Wray nói với các nhà lập pháp.

    Ông Wray nêu ra những lo ngại của cơ quan thực thi pháp luật về khủng bố để giúp thuyết phục các nhà lập pháp tăng ngân sách cho FBI, mặc dù ông có thể phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ các đảng viên Cộng hòa trong quốc hội.

    “Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể các mối đe dọa đối với nhân viên và cơ sở của FBI từ năm tài chính 2022 đến năm tài chính 2023”, ông Wray nói với các nhà lập pháp. “Trên thực tế, chúng tôi đã thành lập một đơn vị chuyên trách để cố gắng giải quyết những vấn đề đó”.

    Nhật Bản sẽ tặng 250 cây hoa anh đào cho Hoa Thịnh Đốn nhân dịp kỷ niệm 250 năm thành lập Mỹ quốc 

    Nhật Bản sẽ tặng 250 cây hoa anh đào cho Hoa Thịnh Đốn nhân dịp kỷ niệm 250 năm thành lập Mỹ quốc

    Hoa anh đào nở dọc ven hồ Tidal Basin ở Hoa Thịnh Đốn. Ảnh chụp hôm 19/03/2024. (Ảnh: Mandel Ngan/AFP/Getty Images) 

    BTV Epoch Times Hoa Ngữ 

    Thứ sáu, 12/04/2024 

    Hôm thứ Tư (10/04), khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đến thăm Tòa Bạch Ốc, ông nói rằng Nhật Bản sẽ tặng 250 cây hoa anh đào mới cho Mỹ để thay thế những cây đã bị đốn hạ trong quá trình thi công hồ Tidal Basin ở Washington. 

    Ông Kishida cho biết tại lễ đón khách ở Tòa Bạch Ốc rằng những cây hoa anh đào mới này là quà tặng được Nhật Bản chuẩn bị nhân dịp kỷ niệm 250 năm thành lập nước Mỹ vào năm 2026. 

    Trong bài trình bày tại Tòa Bạch Ốc vào hôm thứ Tư, ông Kishida nói: “Giống như cư dân địa phương trân trọng và bảo vệ những cây hoa anh đào này, mối bang giao Nhật Bản-Hoa Kỳ đã được trợ giúp và nuôi dưỡng bởi rất nhiều người nhiệt tình yêu mến hai quốc gia.” 

    Ông Biden cho biết tại lễ tiếp đón rằng những cây hoa anh đào mới do Nhật Bản tặng sẽ “được trồng ở hồ Tidal Basin, nơi cách không xa Đài tưởng niệm Martin Luther King. Giống như tình bằng hữu của chúng ta, những cây này cũng sẽ trường tồn với thời gian, truyền cảm hứng và phát triển mạnh mẽ.” 

    Hoa anh đào là một cảnh quan mang tính biểu tượng ở Hoa Thịnh Đốn. Địa điểm ngắm hoa anh đào nổi tiếng của địa phương nằm ở hai bên hồ Tidal Basin, phía trước Đài tưởng niệm Jefferson và Quảng trường Quốc gia. 

    Theo Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ (National Park Service), hơn 1,700 cây hoa anh đào đã được trồng ở hồ Tidal Basin, công viên East Potomac, và các khu vực khác của Quảng trường Quốc gia. Những cây hoa anh đào được Nhật Bản tặng cho Hoa Kỳ vào năm 1912 này đã trở thành biểu tượng của thành phố. Chúng xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ hai bên tàu điện ngầm và xe buýt cho đến đồng phục bóng chày của Đội tuyển Quốc gia Washington. 

    Hôm thứ Tư, Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản đã đăng trên mạng xã hội X rằng, “Hoa anh đào ở Hoa Thịnh Đốn nổi tiếng khắp gần xa. Nghe nói rằng những cây hoa anh đào ở hồ Tidal Basin sắp bị thay thế, vậy nên chúng tôi đã mang tới một số cây hoa anh đào non từ Nhật Bản. Chúng tôi chân thành hy vọng rằng chúng sẽ trở thành biểu tượng mới của tình hữu nghị Nhật Bản-Hoa Kỳ.” 

    Cùng ngày, ông Kishida cũng đích thân tặng hai cây hoa anh đào cho ông Biden.

    Do đê chắn sóng đã cũ, cộng với mực nước biển dâng cao, nên nước sông Potomac thường xuyên dâng cao qua đê chắn sóng, khiến những cây hoa anh đào bị ngâm trong nước mặn trường kỳ. Để sửa chữa các đê biển lung lay sắp đổ xung quanh hồ Tidal Basin, Cục Quản lý Công viên Quốc gia Mỹ sẽ chặt hạ hơn 300 cây, trong đó có hơn 100 cây hoa anh đào. Sau khi dự án trùng tu kết thúc, hơn 200 cây hoa anh đào sẽ được trồng lại để thay thế.

    Lý Hạo Nguyệt thực hiện

    Toàn Phong biên dịch

    Giá dầu thô tiếp tục tăng khi xung đột ở Trung Đông leo thang

    Giá dầu thô tiếp tục tăng khi xung đột ở Trung Đông leo thang

    Ngày 1/4/2024, tại Damascus, thủ đô của Syria, tòa nhà phụ lãnh sự quán Iran bị Israel tấn công, các nhân viên cứu hộ khẩn cấp và nhân viên an ninh tìm kiếm những người sống sót tại hiện trường. 

    Xung đột leo thang ở Trung Đông đang thúc đẩy giá dầu thô tăng trở lại. Giá năng lượng tăng sẽ tiếp tục làm suy yếu khả năng phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung và đặc biệt là tiến trình giảm lãi suất của Mỹ và các nền kinh tế phương Tây nói riêng.

    Giá dầu thô WTI giao dịch kỳ hạn tương lai tăng lên 86 USD/thùng vào hôm nay, ngày 12/04/2024. Giá dầu tương lai tăng trở lại sau một vài phiên điều chỉnh giảm. Giá dầu thô tăng do lo ngại nguồn cung dầu thô quốc tế bị gián đoạn khi xung đột vũ trang ở Trung Đông leo thang.

    Israel được cho là đang chuẩn bị một cuộc tấn công trực tiếp vào Iran trong 24 đến 48 giờ tới. Lý do là Iran trước đó tuyên bố sẽ trả đũa Israel bằng vũ lực; quốc gia này nghi ngờ Israel là thủ phạm tấn công vào lãnh sự quán của Tehran ở Syria, theo Times of Israel. Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và Bộ trưởng Ngoại giao Israel Katz của Isreal hôm thứ Tư (10/4/2024) đều lên tiếng đe dọa rằng nếu Iran tiến hành một cuộc tấn công thì Israel sẽ đáp trả, nhắm vào lãnh thổ Iran. Trước đó, lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei nói rằng Israel “phải bị trừng phạt và sẽ như vậy”. Cuộc tấn công được cho là từ phía Israel nhắm lãnh sự Iran ở Damascus, Syria, khiến Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo IRGC, một tổ chức bị Mỹ liệt kê vào danh sách khủng bố, mất hai vị tướng.

    Trong khi xung đột với Iran có xu hướng tăng thì các vòng đàm phán ngừng bắn mới nhất giữa Israel và Hamas cũng không mang lại kết quả. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc chiến ở dải Gaza.

    Giá dầu giảm nhẹ ở phiên giao dịch hôm qua Thứ Năm ngày 11/4/2024 sau thông tin dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2023. Tin tức tốt này đã không kiềm chế được đà tăng của giá dầu thô trước lo ngại rủi ro xung đột vũ trang gia tăng ở Trung Đông.

    Kinh tế Trung Quốc là tâm điểm hôm nay

    Dữ liệu kinh tế của Trung Quốc rất đáng khích lệ trong hai tháng đầu năm. Cả lạm phát và xuất khẩu đều mạnh hơn dự báo. Thực tế, thặng dư thương mại của Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng dư thừa năng lực công nghiệp của nước này. Hôm thứ Hai, bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo trong chuyến đi tới Bắc Kinh rằng việc làm tràn ngập thị trường toàn cầu với “các sản phẩm Trung Quốc rẻ một cách giả tạo” có thể đe doạ “khả năng tồn tại” của các công ty nước ngoài.

    Liệu đà khôi phục của Trung Quốc có kéo dài? Dữ liệu tháng 3 sẽ cung cấp một số manh mối. Số liệu công bố trong tuần này cho thấy giá tiêu dùng chỉ tăng 0,1% so với một năm trước đó, từ đó có thể kết luận lạm phát tăng hồi đầu năm phần lớn là do tết nguyên đán. Số liệu thương mại công bố hôm thứ Sáu cũng có thể sẽ yếu so với năm ngoái, khi các cảng của Trung Quốc tăng trưởng hậu đại dịch. Nếu dữ liệu không tốt, ít nhất Trung Quốc có thể khẳng định rằng cỗ máy xuất khẩu của họ không đáng sợ như những người chỉ trích cáo buộc.

    Quan hệ Mỹ-Nhật và vấn đề Nippon Steel thâu tóm US Steel 

    Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã được chào đón nồng nhiệt ở Washington trong tuần này. Trong khi đó, Nippon Steel lại đối mặt với sự tiếp đón lạnh lùng hơn nhiều ở Điện Capitol kể từ khi nhà sản xuất thép Nhật Bản đạt được thỏa thuận mua lại US Steel, nhà sản xuất thép lớn thứ ba của Mỹ, với giá 15 tỷ USD vào tháng 12. Vào thứ Sáu, các cổ đông của US Steel sẽ bỏ phiếu về thương vụ. Họ có thể sẽ chấp thuận thỏa thuận, nhưng phản đối chính trị kiên quyết đối với giao dịch vẫn có thể khiến nó sụp đổ.

    Tháng trước, tổng thống Joe Biden cho biết nhà sản xuất thép này nên thuộc sở hữu trong nước, cùng với Donald Trump và công đoàn đại diện cho các công nhân ngành thép kêu gọi hủy bỏ thỏa thuận. Nippon vẫn chưa đầu hàng, mặc dù giao dịch này đang bị cơ quan giám sát đầu tư và chống độc quyền của Mỹ theo dõi chặt chẽ. Thị trường không đánh giá cao cơ hội thành công của Nippon – cổ phiếu của US Steel hiện đang giao dịch dưới 25% so với giá Nippon đề nghị.

    Phố Wall bắt đầu công bố thu nhập quý

    Ba trong số những ngân hàng cho vay lớn nhất nước Mỹ — Citigroup, JPMorgan Chase, và Wells Fargo — sẽ báo cáo thu nhập quý đầu tiên vào thứ Sáu. Thị trường sẽ đi tìm các chỉ dấu cho thấy rắc rối. Dữ liệu công bố hôm thứ Tư cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tăng cao hơn dự kiến, nghĩa là lạm phát vẫn chưa được khắc phục. Lãi suất có thể vẫn cao hơn trong thời gian dài hơn dự kiến của các ngân hàng.

    Điều đó có lợi cho ngân hàng (thu nhập lãi tăng) nhưng cũng có rủi ro. Nó sẽ tiếp tục gây áp lực lên những người đi vay, những người có thể gặp khó khăn trong việc trả nợ. Các khoản lỗ về bất động sản thương mại đang chất thành đống tại các ngân hàng nhỏ hơn, trong khi người tiêu dùng ngày càng chậm trả các khoản vay mua ô tô và thẻ tín dụng. Chi phí lãi vay của các ngân hàng cũng tăng lên, khi khách hàng tận dụng các tài khoản tiết kiệm lãi suất cao.

    Các cổ đông sẽ theo dõi Citi một cách đặc biệt chặt chẽ sau khi ngân hàng này hoàn thành cuộc đại tu hoạt động kinh doanh vào cuối tháng 3. Ngân hàng đã sa thải 5.000 người, trong đó có 1.500 người giữ vai trò quản lý. Thu nhập của công ty sẽ tiết lộ chi phí của tiến trình chuyển đổi.

    Bê bối lớn của Bưu điện Hoàng gia Anh

    Từ năm 1999 đến năm 2015, gần 1.000 nhân viên của Bưu điện Anh đã bị kết án oan vì tội trộm cắp và các tội danh khác do hệ thống thanh toán trực tuyến bị lỗi. Suốt mấy chục năm nay vụ bê bối không hề được đưa tin đầy đủ. Công ty khẳng định hệ thống này hoạt động tốt, trong khi các nhà vận động cố gắng chứng minh điều ngược lại. Các lập luận mang tính kỹ thuật và hơi buồn tẻ, và cả các chính trị gia lẫn công chúng đều không chú ý nhiều.

    Tất cả thay đổi vào tháng 1, khi một bộ phim truyền hình ăn khách kịch tính hóa vụ việc. Các chính trị gia hứa sẽ miễn tội và bồi thường cho những người bị oan. Một số đề nghị các giám đốc điều hành phải trả lại tiền thưởng hoặc bị truy tố hình sự. Paula Vennells, cựu giám đốc điều hành của Bưu điện, đã trả lại huân chương hoàng gia của bà. Một cuộc điều tra công khai kéo dài nhiều tháng hiện đang phỏng vấn nhiều người liên quan. Vào thứ Sáu, Alan Cook, một cựu giám đốc điều hành khác, sẽ bị thẩm vấn. Ông đã nói sẽ “không bao giờ tha thứ cho mình” về vụ bê bối. Những người khác có lẽ cũng sẽ không sẵn sàng tha thứ.


    Không có nhận xét nào