Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ tư 17 tháng 4 năm 2024

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Úc công bố Chiến lược Quốc phòng đầu tiên để đối phó Trung Quốc

    Phan Minh /RFI

    17/4/2024

    Chính quyền Úc, hôm nay 17/04/2024, công bố Chiến lược Quốc phòng đầu tiên, tập trung vào việc đối phó với “chiến thuật cưỡng bức” của Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương, được coi là đang có xu hướng xảy ra xung đột. 

    Tàu sân bay trực thăng của Hải quân Úc cùng trực thăng AH-1Z Viper, trong cuộc tập trận Rim of the Pacific, ngày 24/04/2022.

    Tàu sân bay trực thăng của Hải quân Úc cùng trực thăng AH-1Z Viper, trong cuộc tập trận Rim of the Pacific, ngày 24/04/2022. © Petty Officer 3rd Class Isaak Martinez/Australian Defense Force via AP 

    Theo AFP, tài liệu dài 80 trang đưa ra đánh giá không mấy khả quan về tình trạng an ninh ở Thái Bình Dương, và đề cập đến việc Canberra gia tăng chi tiêu quốc phòng để tăng cường sức mạnh cho quân đội Úc. Văn bản này đặc biệt nhấn mạnh “Trung Quốc đã sử dụng các chiến thuật cưỡng bức để theo đuổi các mục tiêu chiến lược”, và mô tả một nước Úc dễ bị kẻ thù bóp nghẹt về thương mại hoặc bị ngăn chặn trong việc tiếp cận các tuyến hàng không và hàng hải quan trọng.

    Bộ trưởng Quốc Phòng Úc Richard Marles phát biểu : “Chúng ta là một quốc đảo giao thương chủ yếu bằng đường biển. Việc xâm lược Úc là một viễn cảnh khó xảy ra trong bất kỳ kịch bản nào, do vậy, kẻ thù có thể gây ra rất nhiều thiệt hại cho chúng ta mà không cần đặt chân vào lãnh thổ Úc.”

    Thay vì tập trung vào việc duy trì những lực lượng quân sự có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, bộ trưởng Marles cho biết sẽ tập trung cao độ vào việc xây dựng một lực lượng răn đe có thể bảo vệ lợi ích của Úc trong khu vực lân cận. Trọng tâm của Chiến lược Quốc phòng là những kế hoạch phát triển một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, gia tăng hỏa lực của tên lửa và phát triển một hạm đội tàu chiến mặt nước cỡ lớn.

    Hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc điện đàm 

    17/4/2024 

    Reuters 

    Quốc kỳ Hoa Kỳ và quốc kỳ Trung Quốc.

    Quốc kỳ Hoa Kỳ và quốc kỳ Trung Quốc. 

    Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin vừa điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc hôm 16/4, theo Reuters. Đây là cuộc trao đổi đầu tiên mà hai bên thực hiện sau hơn một năm khi hai nước tìm cách khôi phục quan hệ quân sự, theo Reuters.

    Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tìm cách giải quyết căng thẳng; hai nhà lãnh đạo năm ngoái đã nối lại các cuộc đàm phán quân sự trực tiếp.

    Trong thông cáo sau cuộc gọi, Lầu Năm Góc cho hay ông Austin “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền tự do hàng hải trên biển được đảm bảo theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là ở Biển Đông”.

    Bộ Quốc phòng Trung Quốc dẫn lời Bộ trưởng Đổng Quân cho biết trong cuộc điện đàm, Trung Quốc và Mỹ nên tìm cách “hòa hợp” và “dần dần tích lũy niềm tin lẫn nhau” bằng cách xây dựng mối quan hệ hợp tác, thực chất và không xung đột giữa quân đội hai nước.

    Bộ trưởng Đổng Quân nói Mỹ nên công nhận lập trường của Trung Quốc trên Biển Đông và tôn trọng chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc ở đó.

    Ông cũng nhấn mạnh vấn đề Đài Loan là “lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”.

    Lầu Năm Góc cho biết hai bên cũng thảo luận về cuộc chiến của Nga ở Ukraine, vấn đề Triều Tiên và cam kết của Washington đối với cái gọi là chính sách một Trung Quốc.

    Các quan chức quân đội Mỹ từ lâu đã tìm cách duy trì đường dây liên lạc cởi mở với những người đồng cấp Trung Quốc để giảm thiểu nguy cơ bùng phát tiềm ẩn hoặc giải quyết bất kỳ tai nạn nào.

    “Bộ trưởng Austin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục mở các đường dây liên lạc quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc”, Lầu Năm Góc cho hay.

    Báo cáo của Mỹ lên án Chính phủ Trung Quốc tiếp tay cho sản xuất fentanyl

    Mộc Vệ 

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/04/3454ff.jpg

    Fentanyl – giống như lô hàng bị DEA thu giữ này – đi theo con đường chết chóc từ Trung Quốc qua Mexico tới các đường phố của Mỹ. (Nguồn ảnh: DEA) 

    Hôm thứ Ba (16/4), một ủy ban của Mỹ đã cáo buộc chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gián tiếp tham gia vào việc sản xuất fentanyl, một loại thuốc phiện cực mạnh mỗi năm làm thiệt mạng chục ngàn người ở Mỹ.

    Theo một báo cáo của Ủy ban Lựa chọn Hạ viện Mỹ về Trung Quốc chỉ ra, Chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho hoạt động của các phòng thí nghiệm sản xuất tiền chất fentanyl – là chất được sử dụng để làm ra fentanyl.

    Thành viên ủy ban phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến: “Những khoản trợ cấp này là dưới hình thức giảm thuế giá trị gia tăng. Chúng tôi nhận thấy các công ty nhận trợ cấp bán được số lượng thuốc trung bình gấp 10 lần”.

    Báo cáo cho biết hầu hết các công ty liên quan đều được đăng ký hợp pháp. Do nhiều sản phẩm khác của họ có khách hàng ở Mỹ và châu Âu nên việc sản xuất và xuất khẩu tiền chất fentanyl không hẳn là hoạt động chính của họ.

    Để giảm mối đe dọa fentanyl ở Trung Quốc, ủy ban khuyến nghị thành lập một cơ quan chuyên trách nhắm mục tiêu không chỉ vào các phòng thí nghiệm từ Trung Quốc mà còn cả các nền tảng kỹ thuật số và ngân hàng cung cấp tài chính cho họ, qua đó để ngăn chặn hoạt động sản xuất fentanyl từ mọi phương diện.

    Nhưng báo cáo cảnh báo cách tiếp cận này sẽ chỉ trở nên hiệu quả hơn nếu hợp tác được tăng cường ở cấp độ toàn cầu.

    Fentanyl là loại thuốc phiện tổng hợp mạnh được sử dụng trong lĩnh vực y tế, nhưng nó có thể bị lạm dụng như một loại thuốc. Nhà chức trách Mỹ chỉ ra chúng là nguyên nhân gây ra hơn 70.000 ca tử vong do dùng thuốc quá liều ở Mỹ mỗi năm, chủ yếu là người ở độ tuổi 18 – 49.

    Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu tháng đã đề cập vấn đề này, trong đó bao gồm việc bắt đầu các cuộc thảo luận về tăng cường hợp tác chống rửa tiền. Mục tiêu cụ thể của hợp tác là cắt nguồn tài trợ đối với những tổ chức liên quan, qua đó giảm thiểu dòng thuốc phiện vào Mỹ.

    Các quan điểm chỉ ra, nếu cho rằng fentanyl chủ yếu đến từ Trung Quốc thì thị trường này hiện đang bị các tập đoàn ma túy Mexico thống trị. Các phòng thí nghiệm Trung Quốc bị nghi ngờ cung cấp cho những kẻ buôn lậu ma túy (đặc biệt là những người Mexico) các chất dùng để sản xuất fentanyl.

    Mỹ lên án ĐCSTQ chưa làm đủ mạnh để chống lại việc sản xuất và xuất khẩu bất hợp pháp các thành phần fentanyl này. Theo các nguồn tin, Trung Quốc không khoan nhượng đối với các mối đe dọa fentanyl trong nước, nhưng việc kiểm soát fentanyl xuất khẩu của ĐCSTQ tương đối lỏng lẻo.

    Vì vậy báo cáo thậm chí đặt vấn đề rằng ĐCSTQ có thể sử dụng chiến lược không đối xứng, cụ thể là “chiến tranh ma túy” để đối phó với Mỹ. Báo cáo đã đề cập đến cuốn sách “Chiến tranh không hạn chế” (Unrestricted Warfare) của các nhà chiến lược quân sự Trung Quốc là Wang Xiangsui và Qiao Liang, theo đó nhiều phần của cuốn sách này đã đề cập “chiến tranh ma túy” như một chiến lược hiệu quả trong chiến tranh không đối xứng.

    Chiến thuật không đối xứng là thuật ngữ quân sự chỉ cách mà bên yếu hơn có thể chiếm được ưu thế trong cuộc chiến với đối thủ mạnh hơn.

    Thủ tướng Đức kêu gọi Trung Quốc gây sức ép với TT Putin để ngừng chiến tranh ở Ukraina

    Thu Hằng /RFI

    17/4/2024

    Ngày 16/04/2024, trong ngày công du cuối cùng ở Trung Quốc, thủ tướng Đức đã được chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh. Ông Olaf Scholz đã đề nghị nguyên thủ Trung Quốc gây sức ép với Matxcơva ngừng « chiến dịch vô nghĩa » và « rút hết quân khỏi ở Ukraina » vì theo ông, « lời nói của Trung Quốc có trọng lượng ở Nga »

    Ảnh tư liệu: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) và thủ tướng Đức Olad Scholz gặp nhau tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 04/11/2022.

    Ảnh tư liệu: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) và thủ tướng Đức Olad Scholz gặp nhau tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 04/11/2022. AP - Kay Nietfeld 

    Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh cho biết thêm :

    « Chắc phải tin rằng ông Tập Cận Bình và Olaf Scholz có rất nhiều chuyện nói với nhau. Cuộc gặp hơn 3 tiếng giữa hai lãnh đạo là cơ hội để thủ tướng Olaf Scholz kêu gọi cải thiện điều kiện thâm nhập thị trường Trung Quốc cho các doanh nghiệp Đức, sau khi đã đề cập với thủ tướng Lý Cường những chủ đề gây khó chịu về kinh tế vào buổi sáng.

    Theo truyền thông Nhà nước, đối với chủ tịch Trung Quốc, cần « phát triển quan hệ song phương toàn diện trong viễn cảnh chiến lược lâu dài ». cũng được đề cập. Người đứng đầu Trung Quốc nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác Trung-Đức là một cơ hội chứ không phải là nguy cơ, vào lúc căng thẳng gia tăng giữa châu Âu và Trung Quốc, và vào đúng ngày chủ tịch Ủy Ban Châu Âu thông báo một loạt biện pháp hạn chế thương mại mới nhắm vào quốc gia có 1 tỷ rưỡi dân.

    Liên quan đến Ukraina, giống như những nhà lãnh đạo châu Âu đến Bắc Kinh trước đó, thủ tướng Olaf Scholz làm hài lòng đối tác Trung Quốc khi khẳng định nhờ vị thế của mình, Trung Quốc là một trong những nước quan trọng nhất gây được ảnh hưởng với đồng minh Nga. Thủ tướng Đức nhất trí với đồng nhiệm Trung Quốc về việc ủng hộ Hội nghị về Hòa bình ở Ukraina do Thụy Sĩ dự kiến tổ chức ngày 15 và 16/06 ».

    Trên mạng X ngày 16/04, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky ca ngợi rằng « vai trò tích cực của Trung Quốc có thể thúc đẩy tiến bộ » trong việc « mở ra con đường hòa bình công bằng cho Ukraina » thông qua Hội nghị ở Thụy Sĩ.

    Hội Đồng Châu Âu họp bàn hỗ trợ thêm cho Ukraina

    Hội Đồng Châu Âu họp tại Bruxelles, Bỉ, ngày 17/04/2024 với hai chủ đề chính : gia tăng hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Ukraina và tình hình căng thẳng ở Trung Cận Đông. Khoản tiền lãi 3 tỉ euro hàng năm từ tài sản của Nga đã được 27 nước thành viên Liên Âu nhất trí sử dụng để viện trợ cho Kiev. Cuộc họp lần này sẽ thảo luận « cơ chế » hỗ trợ và giải quyết « một vài chi tiết pháp lý ».

    Trước đó, ngày 12/04, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz tái khẳng định « sự ủng hộ không lay chuyển và lâu dài cho Ukraina », đồng thời « thảo luận về những sáng kiến của Liên Âu hỗ trợ quân sự » cho Kiev.

    Quần đảo Solomon bầu thủ tướng và triển vọng ảnh hưởng của Trung Quốc

    Cuộc bầu cử ở Quần đảo Solomon vào thứ Tư sẽ quyết định liệu quốc gia Thái Bình Dương này có tiếp tục ngả về Trung Quốc hay không. Sau cuộc bỏ phiếu trước đó vào năm 2019, thủ tướng Manasseh Sogavare đã chuyển công nhận ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc. Năm 2022, ông ký một thỏa thuận an ninh bí mật với Bắc Kinh. Kể từ đó, Trung Quốc đã gửi cảnh sát và một loạt viện trợ cũng như đầu tư tới quần đảo này, khiến phương Tây giật mình.

    Các nhà lãnh đạo phe đối lập đã cam kết hạn chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Do đó, Úc sẽ muốn Solomon thay đổi lãnh đạo, vì nước này lo ngại về một căn cứ quân sự của Trung Quốc ở ngay phía bắc của họ. Cho tới nay không có thủ tướng nào ở Quần đảo Solomon được bầu lại trong hai nhiệm kỳ liên tiếp. Nhưng các nhân vật đối lập cho rằng tiền của Trung Quốc đã giúp ông Sogavare mua được sự ủng hộ chính trị (ông phủ nhận việc Trung Quốc có ảnh hưởng quá mức). Theo sau cuộc bầu cử sẽ là nhiều tuần ngã giá chính trị, khi các nghị sĩ đứng về phía một thủ tướng. Người đương nhiệm – và Trung Quốc – có thể sẽ giành chiến thắng.

    Tương lai xán lạn của ASML

    ASML, một công ty kinh doanh thiết bị sản xuất chip, là công ty công nghệ có giá trị nhất châu Âu với vốn hóa thị trường gần 400 tỷ USD. Vào thứ Tư, tập đoàn Hà Lan này sẽ công bố kết quả quý đầu năm, dự kiến thấp hơn năm ngoái vì ngành công nghiệp bán dẫn đang trong chu kỳ đi xuống. Doanh thu được dự đoán là 5,73 tỷ USD, thấp hơn khoảng 20% so với quý đầu tiên của năm 2023.

    Nhưng về lâu dài, các nhà phân tích cực kỳ lạc quan, giải thích cho việc vốn hóa thị trường của ASML tăng 32% kể từ đầu năm. Nếu không có những chiếc máy in thạch bản tiên tiến của ASML, các nhà sản xuất chip sẽ không thể tạo ra những bộ xử lý tinh vi với bóng bán dẫn được đo bằng vài nanomet. Chúng được dùng cho điện thoại thông minh và gần đây hơn là các trung tâm dữ liệu chuyên huấn luyện và vận hành các mô hình trí tuệ nhân tạo của các dịch vụ AI, chẳng hạn như ChatGPT. Nhu cầu cho những con chip AI này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

     Tình hình lạm phát ở Anh

    Số liệu lạm phát của Anh trong tháng 3 sẽ được công bố vào thứ Tư. Các nhà dự báo kỳ vọng tỷ lệ lạm phát theo năm giảm từ 3,4% xuống 3,1%, vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Anh, nhưng sẽ tiếp tục giảm trong vài tháng tới.

    Đây cũng là số liệu cuối cùng trong loạt dữ liệu kinh tế vĩ mô vừa được công bố trong tuần qua. Hôm thứ Sáu, số liệu GDP của tháng 2 cho thấy nước Anh đã thoát khỏi suy thoái nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn còn ảm đạm. Đến thứ ba, dữ liệu thị trường lao động chỉ ra tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và tăng trưởng tiền lương nhanh hơn dự kiến. Tất cả những điều đó làm dấy lên bóng ma về lạm phát đình trệ. Nhưng vẫn còn những câu hỏi nghiêm túc về độ tin cậy của dữ liệu kinh tế Anh, sau khi tỷ lệ phản hồi khảo sát sụt giảm sau đại dịch.

    Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Anh sẽ họp lần tiếp theo vào ngày 9 tháng 5. Thị trường kỳ vọng lãi suất sẽ giảm vào một thời điểm nào đó giữa tháng 5 và tháng 9, nhưng không chắc chắn về thời điểm chính xác. Dữ liệu lạm phát mới nhất có thể làm rõ triển vọng hoặc khiến nó trở nên bất định hơn nữa.

    Hiệu trưởng Đại học Columbia điều trần trước Quốc hội Mỹ

    Năm ngoái hiệu trưởng Đại học Columbia được yêu cầu tham dự một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ về chủ nghĩa bài Do Thái tại các trường đại học, nhưng bà không thể đến dự. Đó có lẽ là điều may mắn cho bà: hai đồng nghiệp của bà, tại Harvard và Đại học Pennsylvania, đã từ chức sau đó do những câu trả lời quá thận trọng và mang nặng tính pháp lý của họ. Vào thứ Tư, hiệu trưởng Minouche Shafik sẽ đến dự phiên điều trần đã được lên lịch lại.

    Các sinh viên Do Thái gần đây đã đệ đơn kiện Columbia hai lần, cáo buộc trường này dung túng một “môi trường thù địch” đối với người Do Thái. Các trường đại học hàng đầu khác cũng bị kiện. Tuy vậy, các nhà quản lý và luật sư đang vật lộn với việc làm thế nào để định nghĩa chủ nghĩa bài Do Thái theo cách không làm giảm bớt những lời chỉ trích chính đáng đối với Israel. Nhóm của Columbia đã từ chối đưa ra định nghĩa. UC Berkeley đã yêu cầu thẩm phán bác bỏ vụ kiện về việc trường này từ chối kỷ luật các nhóm sinh viên ủng hộ Palestine, với lý do nghĩa vụ của trường là bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Tại buổi điều trần, bà Shafik sẽ cố gắng đi trên dây – và có nguy cơ không làm hài lòng ai.

    Ông Assange sắp bị dẫn độ khi Mỹ đưa ra đảm bảo với tòa án Anh 

    17/4/2024 

    Reuters 

    Một người mang hình ông Julian Assange.

    Một người mang hình ông Julian Assange. 

    Hoa Kỳ vừa đưa ra những đảm bảo theo yêu cầu của Tòa Thượng thẩm ở London, như vậy rốt cuộc có thể mở đường để dẫn độ người sáng lập WikiLeaks là Julian Assange từ nước Anh, theo Reuters.

    Hồi tháng trước, Tòa Thượng thẩm Anh ra phán quyết rằng nếu không có sự bảo đảm nhất định của Hoa Kỳ, ông Assange, 52 tuổi, sẽ được phép kháng cáo lần nữa đối với việc bị dẫn độ để đối mặt với 18 cáo buộc về việc WikiLeaks tiết lộ thông tin bí mật trong hồ sơ quân đội Hoa Kỳ và điện tín ngoại giao.

    Những đảm bảo của Mỹ đã được nộp hôm 16/4, đệ trình trước thời hạn. Theo đó, Mỹ đảm bảo rằng trong một phiên tòa ở quốc gia này, ông Assange có thể biện hộ trên cơ sở là quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ nhất và sẽ không thể có những cáo buộc mới có thể dẫn đến việc tuyên án tử hình.

    Reuters đã xem được các lời đảm bảo này, với nội dung là ông Assange “khi ra tòa sẽ có khả năng nêu ra và tìm cách dựa vào các quyền và sự bảo vệ được quy định trong Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ”. Tuy nhiên, tài liệu này nói thêm rằng quyết định về “khả năng áp dụng Tu chính án thứ nhất chỉ thuộc thẩm quyền của các tòa án Hoa Kỳ”.

    Tài liệu cũng nói rằng sẽ không có chuyện nhắm đến bản án tử hình hay tuyên bản án như vậy.

    “Những đảm bảo này có tính ràng buộc đối với bất kỳ và tất cả các cá nhân hiện tại hoặc sau này được ủy quyền quyết định các vấn đề”, tài liệu viết.

    Sắp tới sẽ có một phiên tòa tiếp theo ở London vào ngày 20/5, nhưng các luật sư của ông trước đây mô tả những đảm bảo của Hoa Kỳ đưa ra trong các trường hợp khác là không “đáng giá và chỉ là những cam kết suông”, lặp lại những lời chỉ trích tương tự từ nhóm nhân quyền Ân xá Quốc tế.

    Bà Stella, vợ của ông Assange, người mà ông kết hôn khi ở trong tù ở London, cho rằng những lời bảo đảm đó không làm thỏa mãn mối lo ngại của họ, mô tả chúng là “những lời lẽ trống rỗng, mơ hồ”.

    Bà nói trong một tuyên bố: “Hoa Kỳ đã đưa ra một lời không đảm bảo liên quan đến Tu chính án thứ nhất và một lời đảm bảo đúng tiêu chuẩn liên quan đến án tử hình”.

    “Công hàm ngoại giao đó không làm giảm bớt sự đau khổ cùng cực của gia đình chúng tôi về tương lai của anh ấy - anh ấy dự báo đầy đen tối là sẽ phải sống phần đời còn lại trong sự cô lập trong nhà tù ở Hoa Kỳ vì tội xuất bản tác phẩm báo chí từng đoạt giải thưởng”.

    Chưa có bình luận ngay lập tức từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hoặc người phát ngôn của Tối cao Pháp viện.

    Tuần trước, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết ông đang xem xét yêu cầu từ Autralia về việc hủy bỏ việc truy tố, điều mà luật sư Hoa Kỳ của ông Assange mô tả là “đáng khích lệ”.

    Ông Assange, một công dân Australia, đã trải qua hơn 13 năm tham gia nhiều cuộc chiến pháp lý khác nhau tại tòa án Anh kể từ khi ông bị bắt lần đầu vào tháng 11/2010.

    Đối với nhiều người ủng hộ, ông là một anh hùng chống giới quyền thế đang bị đàn áp vì vạch trần những hành vi sai trái của Hoa Kỳ và đưa ra các chi tiết về cáo buộc tội ác chiến tranh trong các hồ sơ mật, tuyệt mật.

    Nhà chức trách Hoa Kỳ cho rằng ông không bị truy tố vì xuất bản các tài liệu bị rò rỉ mà vì hành vi phạm tội lập âm đồ với cựu nhà phân tích tình báo của Quân đội Hoa Kỳ Chelsea Manning để có được chúng một cách bất hợp pháp.

    “Chính quyền Biden phải hủy bỏ cuộc truy tố nguy hiểm này trước khi quá muộn”, bà Stella Assange nói.

    Liệu NATO có bị cuốn vào xung đột Đài Loan?

    Huyền Anh tổng hợp

    17/4/2024

    Liệu NATO có bị cuốn vào xung đột Đài Loan?

    Hình ảnh minh hoạ logo của NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) cùng cờ của Phần Lan và Thụy Điển. (Ảnh: Pavlo Gonchar/SOPA Images/LightRocket/Getty Images) 

    Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể tham gia vào cuộc xung đột tiềm tàng liên quan đến Đài Loan nếu chiến tranh lan đến lãnh thổ Hoa Kỳ tại khu vực Thái Bình Dương. Báo cáo do Trường Cao đẳng Quốc phòng NATO công bố vào Thứ Hai (15/4) cho biết đây là kịch bản có thể xảy ra nếu chiến tranh lan rộng.

    Báo cáo có tựa đề “NATO và Tình huống Khẩn cấp Đài Loan” do Viện Nghiên cứu và Giáo dục có trụ sở tại Rome thực hiện. Báo cáo mang tính chất học thuật và không đại diện cho lập trường chính thức của NATO. Tuy nhiên, việc phân tích tình hình Đài Loan liên quan đến NATO là điều hiếm hoi và có thể được sử dụng như tài liệu tham khảo cho việc hoạch định chiến lược của liên minh.h

    Tác giả báo cáo là Tiến sĩ James Lee, một nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Đài Loan (Taiwan Academi Sinica).

    Tiến sĩ Lee phân tích về việc liệu một cuộc tấn công vũ trang của Trung Quốc có kích hoạt Điều 5 Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương hay không. Theo Điều 5, một cuộc tấn công một thành viên NATO được xem là tấn công vào toàn bộ liên minh.

    Báo cáo cho rằng việc kích hoạt Điều 5 là không có khả năng nếu chiến tranh chỉ giới hạn trong vùng lân cận Đài Loan hoặc Chuỗi đảo Thứ nhất. Chuỗi đảo này bao gồm các đảo nối liền Okinawa của Nhật Bản với Đài Loan và Philippines.

    Tuy nhiên, báo cáo cho rằng Điều 5 có thể được áp dụng nếu xung đột leo thang đến mức Trung Quốc tấn công các căn cứ quân sự Mỹ ở Hawaii.

    Một số ý kiến cho rằng Mỹ không có nghĩa vụ phòng thủ tập thể cho Hawaii và đảo Guam. Lý do là vì Điều 6 của Hiệp ước NATO nêu rõ: Một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một nước thành viên được coi là bao gồm một cuộc tấn công vũ trang vào lãnh thổ của tất cả các thành viên liên minh ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ và bất kỳ vùng lãnh thổ đảo nào cũng phải ở Bắc Đại Tây Dương, phía bắc Chí tuyến Bắc.

    Báo cáo gợi ý rằng Điều 5 có thể được áp dụng cho Hawaii, tùy thuộc vào cách định nghĩa lãnh thổ của hòn đảo này. Tuy nhiên, ngay cả khi Điều 5 được áp dụng, thì phạm vi hành động của các thành viên NATO vẫn sẽ “tương đối hạn chế”.

    Ngoài ra, Tiến sĩ Lee đề xuất các phương thức hợp tác tiềm năng giữa các nước châu Âu và Hoa Kỳ để ứng phó với các tình huống bất ngờ. Cụ thể, Washington có thể kêu gọi các đồng minh NATO áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Kinh. Hoặc, các thành viên liên minh hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như Vương Quốc Anh, Pháp, Đức và Canada có thể hỗ trợ các hoạt động của Mỹ.

    Nhận thức rõ ràng về nguy cơ tiềm ẩn do “cửa sổ dễ bị tấn công ở châu Âu” khi Hoa Kỳ tập trung lực lượng quân sự tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, báo cáo đề xuất Washington và NATO cần tăng cường hợp tác chặt chẽ trong việc lập kế hoạch dự phòng.

    Trước đây, NATO đã cân nhắc thiết lập Văn phòng Liên lạc tại Tokyo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác với các nước Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương đã trì hoãn kế hoạch này. 

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/04/ntdvn_waikiki-gettyimages-1238676557.jpg

    Toàn cảnh Bãi biển Waikiki và Honolulu, Hawaii nhìn từ Đỉnh miệng núi lửa Diamond Head vào ngày 20/02/2022. (Ảnh của DANIEL SLIM / AFP qua Getty Images) 

    Hawaii: Vùng đất ‘ngoài vòng bảo vệ’ của NATO

    Theo hãng tin CNN, nhiều người dân Hawaii bày tỏ sự ngỡ ngàng khi hay tin bang của họ không nằm dưới “chiếc ô an ninh” của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

    Ông David Santoro, Chủ tịch tổ chức tư vấn Diễn đàn Thái Bình Dương có trụ sở tại Honolulu, cho rằng sự nhầm lẫn này xuất phát từ quan niệm mặc định rằng Hawaii, là một phần của Hoa Kỳ, sẽ tự động được NATO bảo vệ.

    Tuy nhiên, trên thực tế, vị trí địa lý của Hawaii tọa lạc tại khu vực Thái Bình Dương, khiến cho hòn đảo này không nằm trong phạm vi áp dụng của Điều 5 Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Điều 5 chỉ bảo hộ cho các cuộc tấn công xảy ra trên lãnh thổ hoặc các đảo thuộc Bắc Mỹ và châu Âu của các quốc gia thành viên.

    Lý do chính là do Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được ký kết vào năm 1949, nhằm mục đích thiết lập liên minh quân sự giữa các quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu để chống lại mối đe dọa từ Liên Xô. Vào thời điểm ký kết Hiệp ước, Hawaii vẫn chưa chính thức trở thành tiểu bang thứ 50 của Hoa Kỳ. Hawaii chỉ đạt được vị thế này vào năm 1959, mười năm sau khi Hiệp ước NATO được ký kết.

    Điều này ngụ ý rằng nếu Hawaii bị tấn công, các quốc gia thành viên NATO không có nghĩa vụ phải hỗ trợ quân sự. Tuy nhiên, Hoa Kỳ, với tư cách là đồng minh NATO, vẫn có trách nhiệm bảo vệ Hawaii theo Hiệp định phòng thủ chung Mỹ – Nhật Bản.

    Việc Hawaii không nằm trong “chiếc ô an ninh” của NATO đã gây ra những lo ngại về an ninh cho tiểu bang này, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

    Nhiều chuyên gia đề xuất rằng Hoa Kỳ nên xem xét việc đưa Hawaii vào Hiệp ước NATO để đảm bảo an ninh cho bang này và củng cố vị thế của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương.

    Tuy nhiên, việc sửa đổi Hiệp ước NATO là một quá trình phức tạp đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả các quốc gia thành viên. Do đó, không có gì chắc chắn rằng Hawaii sẽ được đưa vào NATO trong tương lai gần. 

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/04/ntdvn_1-copy-42.jpg

    Ba tàu quân sự của Đơn vị Tuần tra và Trinh sát Đổ bộ của Đài Loan tuần tra Quần đảo Mã Tổ, ngày 9/4/2023. (Ảnh: Yan Zhao/AFP/Getty Images) 

    Kịch bản NATO bị cuốn vào vòng xoáy xung đột Đài Loan

    Trên bàn cờ địa chính trị thế giới đầy biến động, vấn đề Đài Loan vẫn luôn là điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ xung đột, đồng thời đặt ra thách thức không nhỏ cho NATO.

    Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quân sự của Trung Quốc trong năm 2022 đã tăng 7,2% so với năm 2021, lên tới 272 tỷ USD, chỉ xếp sau Hoa Kỳ. Con số này cho thấy tiềm lực quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc, khiến cho viễn cảnh nước này sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan trở nên đáng lo ngại hơn bao giờ hết.

    Căng thẳng Mỹ – Trung leo thang liên quan đến vấn đề Đài Loan đang là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và an ninh quốc tế hiện nay. Trung Quốc đại lục luôn khẳng định chủ quyền lãnh thổ không thể chia cắt đối với Đài Loan, coi đây là một tỉnh ly khai cần được thống nhất bằng vũ lực nếu cần thiết. Ngược lại, Đài Loan luôn kiên định lập trường về một quốc gia độc lập, với chính phủ và quân đội riêng.

    Năm 2023, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự quanh Đài Loan, bao gồm các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn và việc điều động máy bay chiến đấu xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Mỹ đã đáp trả bằng cách tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực và cam kết bảo vệ Đài Loan theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan.

    Theo ước tính của RAND Corporation, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến hơn 1 triệu người thiệt mạng và gây thiệt hại kinh tế lên tới 14 nghìn tỷ USD, gấp hơn 6 lần so với GDP của Đài Loan.

    Nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, Hoa Kỳ có thể sẽ tham gia vào cuộc chiến để bảo vệ hòn đảo này. Điều này có thể dẫn đến sự tham gia của NATO theo Điều 5 Hiệp ước, vốn quy định rằng một cuộc tấn công vào bất kỳ quốc gia thành viên nào được xem là tấn công vào toàn bộ liên minh.

    Việc NATO tham gia vào xung đột Đài Loan tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, có thể dẫn đến leo thang căng thẳng, bùng nổ chiến tranh quy mô lớn, thậm chí là một cuộc chiến tranh thế giới. Hơn nữa, sự can thiệp của NATO có thể khiến Trung Quốc phản ứng dữ dội, đẩy hai cường quốc hạt nhân vào thế đối đầu trực tiếp, gây ra những hậu quả khó lường cho khu vực và toàn cầu.

    Tương lai của vấn đề Đài Loan và khả năng NATO bị cuốn vào xung đột vẫn còn nhiều ẩn số, phụ thuộc vào nhiều yếu tố phức tạp và khó lường. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng giải pháp hòa bình cho vấn đề Đài Loan là con đường duy nhất để đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.

    https://vietluan.com.au/115533/lieu-nato-co-bi-cuon-vao-xung-dot-dai-loan/


    Không có nhận xét nào