Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ bảy 11 tháng 5 năm 2024

    Quê Hương tổng hợp

    Dân biểu Mỹ ra nghị quyết lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền 

    11/5/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Dân biểu Michelle Steel.

    Dân biểu Michelle Steel. 

    Hai dân biểu liên bang Hoa Kỳ vừa ra nghị quyết lên án chính phủ Việt Nam về vi phạm nhân quyền. Nghị quyết này được giới thiệu nhân dịp đánh dấu Ngày Nhân quyền Việt Nam 11/5, một nỗ lực pháp lý được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua cách đây 30 năm nhằm yêu gọi Hà Nội cải thiện nhân quyền.

    Hôm 10/5, Dân biểu Michelle Steel và Dân biểu Lou Correa, đại diện các khu vực bầu cử ở bang California, đồng thời là đồng Chủ tịch Uỷ ban Việt Nam tại Quốc hội Hoa Kỳ, trình ra nghị quyết lên án Đảng Cộng sản Việt Nam về việc bỏ tù các nhà báo độc lập, những người bảo vệ nhân quyền, các tín hữu tôn giáo và nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam.

    Dân biểu Steel cho biết trong một thông cáo: “Hồ sơ nhân quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là không thể chấp nhận được và khiến tất cả những người coi trọng tự do và dân chủ phải lên án hoàn toàn và toàn diện”.

    “Với tư cách là Đồng Chủ tịch Uỷ ban Việt Nam tại Quốc hội Hoa Kỳ, tôi đã gặp gỡ những người tị nạn Việt Nam và gia đình các tù nhân chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những trải nghiệm và câu chuyện của họ thật kinh hoàng và đau lòng”, Dân biểu Steel nói.

    “Hoa Kỳ phải kiên quyết nỗ lực gây áp lực lên Đảng Cộng sản Việt Nam để cải thiện tình hình nhân quyền. Đó là lý do tại sao tôi tự hào được tham gia cùng với Dân biểu Correa trong nỗ lực buộc chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm và sát cánh cùng những công dân Việt Nam vô tội và người thân của họ ở Hoa Kỳ”.

    Dân biểu Lou Correa.

    Dân biểu Lou Correa. 

    “Trong 25 năm qua, cùng với Dân biểu Steel, tôi đã phục vụ Little Sài Gòn của Quận Cam—một trong những cộng đồng người Mỹ gốc Việt lớn nhất ở Hoa Kỳ—và tôi không lạ gì với những vi phạm nhân quyền ảnh hưởng đến bạn bè và gia đình ở Việt Nam của cử tri của tôi,” Dân biểu Correa phát biểu.

    “Chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng đấu tranh để buộc chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của họ - tranh đấu cả ở trong nước và tại nghị trường ở Quốc hội Hoa Kỳ”, vẫn Dân biểu Correa.

    VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ cho ý kiến về thông báo giới thiệu nghị quyết trên của hai dân biểu Mỹ, nhưng chưa được trả lời.

    Hàng năm vào ngày 11/5, Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ kỷ niệm Ngày Nhân quyền Việt Nam - một ngày để ghi nhớ tầm quan trọng của việc thúc đẩy các quyền tự do cơ bản bao gồm tự do ngôn luận, hội họp, lập hội và tự do tôn giáo.

    Việt Nam vẫn là một quốc gia độc tài do một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam cai trị. Theo báo cáo nhân quyền gần đây nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ về Việt Nam, “không có thay đổi đáng kể nào về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm qua”.

    Báo cáo 2023 của Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn số liệu của các phương tiện truyền thông, tổ chức phi chính phủ và các nhà quan sát khác, tính đến ngày 31/10, chính quyền Việt Nam đã giam giữ ít nhất 187 người vì hoạt động chính trị hoặc nhân quyền, trong đó có 162 người bị kết án và 25 người đang bị tạm giam chờ xét xử.

    Theo các phương tiện truyền thông và các nhóm nhân quyền, từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/10/2023, chính quyền đã bắt giữ 25 cá nhân và kết án 23 người đang thực hiện các quyền con người được quốc tế công nhận như quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp ôn hòa và lập hội, vẫn theo báo cáo 2023 của phía Mỹ. Hầu hết các vụ bắt giữ và kết án này đều có liên quan đến việc viết blog trên mạng xã hội.

    Từ năm 1994, Quốc hội Mỹ thông qua Nghị quyết được Tổng thống Bill Clinton ký thành Đạo luật chọn 11/5 làm Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam với lời kêu gọi tranh đấu bất bạo động đòi tự do, dân chủ cho Việt Nam.

    Từ đó đến nay, lễ kỷ niệm Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam được tổ chức long trọng hằng năm tại Quốc hội Hoa Kỳ.

    Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau luôn bác bỏ cáo buộc vi phạm nhân quyền, khăng khăng rằng các quyền con người của công dân luôn được đảm bảo, đồng thời nói thêm rằng họ chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.

    Việt Nam bác bỏ báo cáo của USCIRF về tự do tôn giáo 

    11/05/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng (MOFA via Bao Quoc te)


    Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng (MOFA via Bao Quoc te) 

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa lên tiếng bác bỏ báo cáo thường niên năm 2024 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam, cho rằng báo cáo của cơ quan này “thiếu khách quan”.

    “Việt Nam bác bỏ những nhận định không khách quan, mang tính định kiến và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam được nêu trong Báo cáo của USCIRF”, người phát ngôn Phạm Thu Hằng phát biểu trước báo giới hôm 9/5, lặp lại những phát ngôn tương tự trước đây.

    Truyền thông nhà nước dẫn lời bà Hằng khẳng định Việt Nam “luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”.

    “Ở Việt Nam không có ai bị phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng và hoạt động của các tổ chức tôn giáo được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật”, bà Hằng nói tiếp. Bà nói rằng điều này đã được thể hiện rõ trong Hiến pháp 2013, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được “tôn trọng trên thực tế”.

    Trao đổi với VOA qua email về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam ngay khi USCIRF công bố báo cáo hồi tuần trước, ông Frederick A. Davie, Phó Chủ tịch USCIRF, nêu nhận định: “USCIRF quan ngại sâu sắc về việc chính phủ Việt Nam tiếp tục đàn áp các thành viên của các cộng đồng dân tộc và tôn giáo thiểu số độc lập, bao gồm cả người Thượng và người Hmong theo đạo Tin Lành, tín đồ Dương Văn Mình, Phật tử Khmer Krom, phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Phật giáo Hòa Hảo và tín đồ Cao Đài”.

    “Chính phủ sử dụng hệ thống pháp luật của mình, bao gồm Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2018, để trấn áp các biểu hiện tôn giáo độc lập và kiểm soát đời sống tôn giáo. Với việc thực thi Nghị định 95 trong năm nay, USCIRF lo ngại chính phủ sẽ mở rộng các hành vi vi phạm quyền tự do tôn giáo này”, ông Davie nêu một trong các quan ngại của USCIRF như đã trình bày trong báo cáo.

    Như VOA đã loan tin hôm 1/5, USCIRF công bố báo cáo tự do tôn giáo 2024 toàn cầu, trong đó có Việt Nam, và cơ quan này tiếp tục kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ định Việt Nam là Quốc gia Cần quan tâm Đặc Biệt (CPC) vì cho rằng Việt Nam “đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng”, điều mà Hà Nội từ trước đến nay luôn bác bỏ.

    USCIRF, cơ quan độc lập giám sát các hoạt động tự do tôn giáo quốc tế do Quốc hội Hoa Kỳ thành lập, nhận định tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam năm 2023 “không có gì thay đổi” so với năm 2022, với việc “nhà chức trách tiếp tục bách hại những cộng đồng tôn giáo độc lập không tuân thủ sự kiểm soát của nhà nước”, cũng như ngăn cản họ trong việc thực thi niềm tin tôn giáo một cách độc lập.

    Vào cuối năm 2022 và một lần nữa vào tháng 1/2024, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL), một chỉ định tiệm cận CPC, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng lên tiếng phản đối và đồng thời yêu cầu Mỹ phải đánh giá “khách quan” tình hình tự do tôn giáo Việt Nam.

    Theo luật của Hoa Kỳ, một quốc gia bị chỉ định SWL trong một thời gian nhất định mà không có sự cải thiện sẽ bị đưa vào CPC, đồng nghĩa với việc các quan chức chính quyền có hành vi vi phạm tự do tôn giáo sẽ bị Washington chế tài và trừng phạt.

    Hãng xe Trung Quốc BYD vấp trở ngại trong kế hoạch mở rộng ở Việt Nam

    RFA
    11/5/2024

    Hãng xe Trung Quốc BYD vấp trở ngại trong kế hoạch mở rộng ở Việt Nam

    Ảnh minh họa: một mẫu xe của BYD tại một triển lãm xe ở Bangkok, Thái Lan hôm 27/3/2024 

    AFP 

    Kế hoạch mở rộng của hãng xe Trung Quốc BYD tại Việt Nam gặp trở ngại khi hợp tác với chi nhánh New Energy Holdings (NEH) bị ngưng đột ngột.

    Mạng báo CarnewsChina loan tin ngày 9 tháng năm dẫn xác nhận của BYD Auto Việt Nam như vừa nêu. Phía NEH có thông báo dừng dự án đầu tư hệ thống đại lý phân phối xe BYD tại Việt Nam kể từ ngày 6/5/2024.

    Tin cho biết NEH là công ty phân phối Việt Nam và là chi nhánh của Tasco Auto. Đây là một trong những đối tác lớn nhất của kế hoạch mở 50 đại lý BYD cho đến cuối năm nay tại Việt Nam.

    Hiện Tasco Auto đang có 86 phòng trưng bày xe trên khắp Việt Nam và phân phối sản phẩm cho 14 nhãn hàng lớn gồm Toyota, Ford, Mitsubishi, Volvo… Vào năm ngoái, Tasco Auto đưa Lynk & Co. của Trung Quốc vào Việt Nam.

    BYD Auto Vietnam trước đây công bố kế hoạch kêu gọi đến cuối tháng sáu năm 2024 mở từ 15 đến 20 phòng trưng bày tại những địa điểm chính yếu khắp Việt Nam, trong đó có hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn.

    Chủ tịch BYD Auto, ông Vương Truyền Phúc (Wang Chuanfu), trong chuyến làm việc tại Việt Nam vào giữa năm 2023 tiết lộ kế hoạch mở rộng đầu tư sản xuất và lắp ráp xe điện tại Việt Nam; thế nhưng vào tháng 1 năm nay, BYD lại chọn xây nhà máy với tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD tại Indonesia.

    Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tại Việt Nam cao ở mức 11%

    10/5/2024

    Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tại Việt Nam cao ở mức 11%

    Một thanh niên đang xem điện thoại di động trong khi bán hàng tại một cửa hàng ở Hà Nội hôm 20/6/2023 (minh hoạ) 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    Hiện có khoảng 1 triệu 400 ngàn thanh niên ở độ tuổi từ 15 đến 24 bị thất nghiệp (không có việc làm và không tham gia học tập), chiếm tỷ lệ 11% tổng số thanh niên trên cả nước.

    Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội (LĐ-TB-XH) Việt Nam công bố số liệu vừa nêu và cho biết thêm, tỷ lệ thanh niên nông thôn thất nghiệp là 12,8% và thanh niên thành thị là 8,3%.

    Trong quý I/2024, tổng số lao động trong độ tuổi từ 15 trở lên tại Việt Nam ước tính là 52 triệu 400 ngàn người; giảm hơn 137 ngàn người so với quý IV năm 2023.

    Cũng theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH Việt Nam, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với quý IV/2023 và so với cùng kỳ năm ngoái.

    Trong quý I năm 2024, thu nhập bình quân mỗi tháng của người lao động tại Việt Nam được tổng kết là bảy triệu 600 ngàn đồng; tăng hơn 300 ngàn đồng so với quý IV năm 2023 và tăng gần 550 ngàn đồng so với cả năm 2023.

    Những tồn tại của lao động Việt Nam được cho biết là chất lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng cho nhu cầu lao động của thị trường hiện nay. Gần 38 triệu lao động tại Việt Nam chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên.

    Vụ buôn lậu hàng trăm triệu lít xăng từ Singapore về Việt Nam, khởi tố thêm 23 người

    10/5/2024

    Vụ buôn lậu hàng trăm triệu lít xăng từ Singapore về Việt Nam, khởi tố thêm 23 người

    Công an tống đạt quyết định khởi tố với các bị can trong vụ án buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngBảo Vệ Pháp Luật 

    Công an tỉnh Đồng Nai vừa khởi tố thêm 23 người tại các địa phương bao gồm TP HCM, Bình Dương và Long An trong giai đoạn hai vụ án buôn lậu hơn 200 triệu lít xăng từ Singapore về Việt Nam liên quan đến một loạt các quan chức thuộc Tổng cục Hải quan và Cảnh sát biển Việt Nam.

    Truyền thông Nhà nước hôm 10/5 cho biết Công an Đồng Nai cho báo chí biết thông tin này vào ngày 9/5. Theo đó, những người mới bị khởi tố về hành vi buôn lậu.

    Đây là vụ án thuộc diện được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

    Công an Đồng Nai hiện cũng kêu gọi những người phạm tội trong vụ án sớm ra đầu thú để được hưởng khoan hồng.

    Hồ sơ vụ án được báo trong nước trích đăng cho biết, vụ án xảy ra trong giai đoạn từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021. Những người buôn lậu xăng dùng tàu biển và vận chuyển 48 chuyến xăng lậu với tổng cộng hơn 198 triệu lít, trị giá hơn 2.596 tỷ đồng về Việt Nam.

    Ngoài ra, từ tháng 2/2021 đến tháng 4 cùng năm, nhóm buôn lậu còn có thêm ba chuyến vận chuyển khoảng 5,7 triệu lít xăng lậu về Việt Nam trị giá gần 98 tỷ đồng.

    Trong giai đoạn một của vụ án, công an xác định các bị cáo buôn lậu lên đến trên 200 triệu lít, tương ứng với tổng giá trị hàng hóa phạm pháp 2.690 tỷ đồng.

    Vào ngày 17/3 vừa qua, Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án để điều tra hành vi của các nghi can có dấu hiệu tội phạm chưa bị xử lý ở giai đoạn một với 74 bị cáo.

    Vào tháng 10/2022, Toà án Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã mở phiên toà sơ thẩm xét xử 74 bị cáo trong giai đoạn một bao gồm một cựu đội trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan - ông Ngô Văn Thuỵ. Ông này bị kết án 15 năm tù về tội nhận hối lộ.

    Cũng liên quan đến vụ án này, vào năm 2022, Tòa án Quân sự Trung ương cũng tuyên 15 năm tù với ông Lê Văn Minh (cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 4) và 12 năm tù với Lê Xuân Thanh (cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 3) về tội nhận hối lộ.


    Không có nhận xét nào