Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ năm 09 tháng 5 năm 2024

    Quê Hương tổng hợp

    VNCS: Đề nghị kỷ luật Lê Hoàng Quân, Lê Thanh Hải, Nguyễn Thành Phong

    Trường Sơn / VNTB.

    09/5/224

    VNTB – Đề nghị kỷ luật Lê Hoàng Quân, Lê Thanh Hải, Nguyễn Thành Phong

     (VNTB) – Ủy ban Kiểm tra Trung đề nghị kỷ luật các cựu quan chức lãnh đạo của TP.HCM vì liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát và Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).

    Toàn văn Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 41 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát hành vào cuối giờ chiều ngày 8-5-2024, như sau:

    Trong các ngày 06 và 07/5/2024, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 41. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp. Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau:

    I- Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sau khi xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và kết quả kiểm điểm, đề nghị thi hành kỷ luật đối với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh, UBKT Trung ương nhận thấy:

    Ban cán sự đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND Thành phố và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất, tài chính, tài sản, đầu tư, quy hoạch, xây dựng ở các dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ở các gói thầu, dự án do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện; nhiều tổ chức đảng, đảng viên bị xử lý kỷ luật, nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý hình sự.

    Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước và nguồn lực xã hội, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền Thành phố, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

    Trách nhiệm chính đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban Thường vụ Thành uỷ nhiệm kỳ 2010-2015; Ban cán sự đảng UBND Thành phố các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021 và các đồng chí: Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND Thành phố; các đồng chí Lê Hoàng Quân, Nguyễn Thành Phong, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND Thành phố và một số tổ chức đảng, đảng viên khác.

    Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; căn cứ quy định của Đảng,

    1- UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật:

    – Cảnh cáo: Ban cán sự đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021; Đảng ủy các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2015-2020; Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2010-2015.

    – Khiển trách: Đảng ủy các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2015-2020 và đồng chí Nguyễn Toàn Thắng, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

    2- UBKT Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015 và các đồng chí: Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Thành Phong.

    3- UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy, Ban cán sự đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục kịp thời các vi phạm, khuyết điểm được chỉ ra; xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo thẩm quyền.

    II- Xem xét Báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật một số đảng viên vi phạm tại các Đảng bộ: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Văn phòng Chính phủ, Cơ quan Văn phòng Quốc hội, UBKT Trung ương nhận thấy:

    Các đồng chí: Mai Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang; Phạm Thái Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Cơ quan, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội; Hồ Văn Điềm, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai; Lê Tuấn Hồng, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh và các đồng chí: Nguyễn Văn Khước, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chu Quốc Hải, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Hoàng Văn Nhiệm, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị công tác, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

    Căn cứ quy định của Đảng:

    1- UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với các đồng chí: Chu Quốc Hải, Hoàng Văn Nhiệm.

    2- UBKT Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật các đồng chí Mai Tiến Dũng, Dương Văn Thái, Phạm Thái Hà, Hồ Văn Điềm, Lê Tuấn Hồng, Nguyễn Văn Khước.

    III- Xem xét kết quả giám sát Ban Thường vụ Đảng ủy Quân khu 3, UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy Quân khu 3 tiếp tục phát huy ưu điểm; nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời các khuyết điểm, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc; công tác cán bộ; trong quản lý, sử dụng đất, tài chính, tài sản, đầu tư; việc thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao và việc kê khai tài sản, thu nhập.

    IV- Cũng tại kỳ họp này, UBKT Trung ương đã giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng 01 trường hợp và xem xét, kết luận một số nội dung quan trọng khác”.

    CS Việt Nam bắt giữ một quan chức thúc đẩy phê chuẩn công ước quốc tế về quyền lao động

    Trọng Thành /RFI

    09/5/2024

    Workers assemble electric cars at a Vinfast factory in Hai Phong, Vietnam, on Sept. 29, 2023.

    Ảnh minh họa: Một xưởng lắp ráp xe hơi điện của tập đoàn Vinfast tại Hải Phòng, Việt Nam, ngày 29/09/2023. AP - Hau Dinh 

    Truyền thông Việt Nam hôm nay, 09/05/2024, đồng loạt loan tin vụ trưởng vụ Pháp Chế bộ Lao Động Nguyễn Văn Bình bị khởi tố, và bị tạm giam. Theo Reuters, ông Bình bị bắt vào lúc đang nỗ lực thúc đẩy phê chuẩn Công ước 87 của Tổ chức Lao Động Quốc tế (ILO) bảo đảm quyền thành lập công đoàn độc lập ở Việt Nam. 

    Theo trang mạng của chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình, 51 tuổi, bị khởi tố về tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”, chiếu theo Luật Hình sự. Truyền thông nhà nước Việt Nam cũng cho biết Cơ quan An ninh điều tra ‘‘đang tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ vụ án’’. Reuters dẫn lại thông tin trên trang nhà của bộ Lao Động Việt Nam, cho biết vụ trưởng vụ Pháp Chế Nguyễn Văn Bình là người ‘‘được giao nhiệm vụ giám sát các cải cách luật lao động phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế’’.

    ‘‘Lần đầu tiên từ nhiều năm, một nhà cải cách bị bắt’’

    Trang Project88 của giới quan sát quốc tế về tình hình nhân quyền ở Việt Nam nhấn mạnh đây là ‘‘lần đầu tiên từ nhiều năm trở lại đây, một nhà cải cách trong chính quyền Việt Nam bị bắt giam’’. Project88 ra một báo cáo hơn 10 trang, ngày 06/05/2024, về vụ bắt giữ diễn ra ngay trước phiên điều trần của bộ Thương Mại Mỹ ngày 08/05 về khả năng công nhận Việt Nam là một nền ‘‘kinh tế thị trường’’. Trong các tiêu chuẩn để được công nhận quy chế "kinh tế thị trường", có quyền đàm phán về lương và quyền thành lập công đoàn độc lập.

    Theo trang web của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE), ông Nguyễn Văn Bình chính là ‘‘người chủ trì đề xuất ban hành luật Lao Động Việt Nam năm 2019, thúc đẩy phê chuẩn một số công ước căn bản của Tổ chức Lao động Quốc tế, trong đó có Công ước 98 về ‘‘quyền tổ chức và thương lượng tập thể’’, Công ước 105 chống lao động cưỡng bức, và nhiều công ước  khác’’. Vụ trưởng vụ Pháp Chế là một quan chức‘‘có thâm niên công tác lâu năm và kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực pháp luật lao động, phong trào lao động và quan hệ lao động’’, với hơn 10 năm làm chuyên gia pháp lý cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và và 5 năm làm việc với Tổ chức Lao động Quốc tế. Ông ‘‘đã dành thời gian và nỗ lực để thúc đẩy quyền lao động của người lao động Việt Nam và bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương, bao gồm người nghèo, trẻ em và người khuyết tật…’’.

    Theo Project88, từ ngày 15/04, đã không còn liên lạc được với ông Nguyễn Văn Bình.

    HRW: Chính quyền Việt Nam đưa ‘‘tin sai lạc’’ 

    Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch (HRW) hôm qua ra một thông báo chỉ trích ‘‘Việt Nam đưa ra các thông tin sai lạc hoặc dễ gây hiểu lầm cho phía Hoa Kỳ và các đối tác kinh tế khác để đạt được hay duy trì các quy chế ưu đãi thương mại’’. Ông John Sifton, giám đốc truyền thông Ban Á Châu của HRW, nhấn mạnh ‘‘ở Việt Nam không hề tồn tại bất kỳ một công đoàn độc lập nào hay các khung pháp lý khả thi cho việc thành lập công đoàn hoặc cho người lao động có thể đòi thi hành các quyền của mình’’, và ‘‘nói rằng người lao động Việt Nam có thể thành lập công đoàn hay mức lương của họ là kết quả của sự thỏa thuận tự nguyện giữa người lao động và người sử dụng lao động là tuyên bố sai lạc trắng trợn’’. 

    HRW cũng nhấn mạnh đến ‘‘vụ bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình, một quan chức cấp cao của Bộ Lao động Việt Nam từng vận động cho các cải cách hữu hiệu hơn về lao động và tạo một mức độ độc lập cho công đoàn’’. 

    https://www.rfi.fr/vi

    VNCS: Project 88: Việt Nam bắt giam ông Nguyễn Văn Bình, vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ LĐ-TB-XH

    09/5/2024

    VOA – Project 88: Việt Nam bắt giam ông Nguyễn Văn Bình, vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ LĐ-TB-XH

    Công an Hà Nội vừa bắt giam ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), người được cho là đang dẫn đầu nỗ lực phê chuẩn Công ước 87 của tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), mà nếu được thông qua sẽ đảm bảo cho người lao động quyền thành lập công đoàn độc lập mà không cần sự cho phép trước, theo tổ chức nhân quyền Project 88.

    Trong thông cáo hôm 6/5, tổ chức nhân quyền Project 88 có trụ sở tại Hoa Kỳ dẫn nhiều nguồn tin cho biết công an Hà Nội đã bắt giam Nguyễn Văn Bình, 51 tuổi, từ tháng trước.

    Trong khi công an chưa công bố việc bắt này, Project 88 dẫn một nguồn tin nói với rằng ông Bình bị bắt với cáo buộc “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, theo Điều 337 Bộ Luật Hình sự.

    Tổ chức này cho biết thêm rằng tên và chức danh của ông Bình đã bị xóa khỏi trang web của Bộ LĐ-TB-XH tầm khoảng 15/4.

    VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và Công an Tp. Hà Nội, đề nghị họ xác nhận việc bắt giam ông Bình, nhưng chưa được phản hồi.

    Một nguồn tin không nêu danh tính vì lý do an toàn hôm 7/5 cho VOA biết rằng có thể ông Bình bị bắt từ giữa tháng 4. Người này nói: “Ông Bình là một người cải cách muốn thúc đẩy Việt Nam công nhận Công ước 87 của ILO về quyền thành lập nghiệp đoàn của người lao động”.

    Vụ bắt giữ ông Bình diễn ra trong bối cảnh một làn sóng đàn áp mới ở Việt Nam, vẫn theo Project 88.

    Năm ngoái, các lãnh đạo cấp cao của chính phủ đã ra lệnh đàn áp nhân quyền do lo ngại về sự can thiệp của nước ngoài, tổ chức này cho biết thêm.

    “Vào thời điểm bị bắt, ông Bình đang dẫn đầu nỗ lực phê chuẩn Công ước 87 của ILO, nếu được thông qua sẽ đảm bảo cho người lao động quyền thành lập công đoàn độc lập mà không cần sự cho phép trước”, Project 88 nhận định.

    “Vụ bắt giữ ông Bình là vụ bắt giữ một nhà cải cách chính phủ đầu tiên trong những năm gần đây”, tổ chức này đánh giá.

    Ông Nguyễn Văn Bình được cho là người đã vận động trong chính phủ việc mở rộng các biện pháp bảo vệ cho người lao động.

    Ông có bằng tiến sĩ luật kinh tế tại Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi ông thực hiện nghiên cứu về tổ chức công đoàn và cách tăng cường tính độc lập và tính đại diện của công đoàn ở Việt Nam.

    Ông Bình từng làm việc cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL), trước khi làm việc tại văn phòng Hà Nội của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trong thời gian 5 năm, và sau đó trở thành nhà hoạch định chính sách tại Vụ Pháp chế của Bộ LĐ-TB-XH.

    Project 88 đánh giá rằng ông Bình là “nhân tố chủ chốt” đằng sau Bộ luật Lao động 2019, tạo cơ sở pháp lý để Việt Nam phê chuẩn các công ước của ILO bảo vệ quyền lợi của người lao động.

    Trước khi bị bắt, ông Bình đang chuẩn bị hồ sơ phê chuẩn Công ước 87 của ILO với sự hỗ trợ kỹ thuật của ILO để trình Quốc hội Việt Nam.

    Theo Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA), Việt Nam đã đồng ý phê chuẩn công ước này vào năm 2023, mặc dù chính phủ đã trì hoãn quá trình này và hiện tại Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa áp đặt bất kỳ hậu quả nào đối với sự chậm trễ của Hà Nội.

    VNCS: Bị truy cứu về Vạn Thịnh Phát, Lê Thanh Hải đối diện án kỷ luật 

    09/5/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Ông Lê Thanh Hải, hàng trên, bên trái, thời còn là Ủy viên Bộ Chính trị, tại một kỳ Đại hội Đảng

    Ông Lê Thanh Hải, hàng trên, bên trái, thời còn là Ủy viên Bộ Chính trị, tại một kỳ Đại hội Đảng 

    Ông Lê Thanh Hải, nhà lãnh đạo uy quyền một thời ở thành phố Hồ Chí Minh, vừa bị cơ quan kiểm tra của Đảng đề nghị kỷ luật vì những sai phạm liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, báo chí trong nước đưa tin.

    Thông cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương được phát ra vào cuối ngày 8/5 nói rằng ông Hải, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Thành ủy, và tập thể do ông lãnh đạo đã ‘vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng đất, tài chính, tài sản, đầu tư, quy hoạch, xây dựng ở các dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện’.

    Kết luận này được đưa ra sau kỳ họp diễn ra trong hai ngày của Ủy ban Kiểm tra Trung ương do chủ nhiệm ủy ban là ông Trần Cẩm Tú chủ trì. Đáng chú ý, kỳ họp này được triệu tập theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, thông cáo cho biết.

    Ngoài sai phạm liên quan đến Vạn Thịnh Phát, bộ máy lãnh đạo thành phố dưới quyền ông Hải còn bị xác định sai phạm liên quan đến các gói thầu, dự án do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn thực hiện.

    “Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước và nguồn lực xã hội, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền thành phố, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật,” thông cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương được báo chí dẫn lại viết.

    Ông Hải và tập thể Thành ủy do ông đứng đầu nhiệm kỳ 2010 – 2015 bị xác định có trách nhiệm chính, ngoài ra cũng bị xác định trách nhiệm còn có Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố do các cựu chủ tịch Lê Hoàng Quân (2011 - 2016) và Nguyễn Thành Phong (2016 - 2021) đứng đầu.

    Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của tỷ phú Trương Mỹ Lan là tập đoàn bất động sản sừng sỏ ở thành phố lớn nhất nước. Trong nhiều năm, họ đã thâu tóm được những mảnh đất vàng ở các vị trí đắc địa ở trung tâm thành phố mà nhiều người khác thèm muốn nhưng không lấy được, theo tìm hiểu của VOA.

    Theo những đồn đoán mà VOA không thể kiểm chứng thì bà Trương Mỹ Lan được cho là có quan hệ mật thiết với gia đình ông Lê Thanh Hải. Tuy nhiên, sự phất lên của bà Lan và tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà lại trùng hợp với thời kỳ ông Hải nắm quyền lãnh đạo ở thành phố từ năm 2001 cho đến năm 2016.

    Hôm 11/4, bà Lan đã bị tuyên án tử hình trong vụ án rút ruột ngân hàng SCB, gây thiệt hại đến 27 tỷ đô la Mỹ cho ngân hàng này trong vụ gian lận tài chính lớn nhất lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, bà Lan cũng sắp ra tòa về tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ khi thông qua SCB phát hành trái phiếu rác để chiếm đoạt đến hơn 1 tỷ đô la của người dân khắp cả nước.

    Dư luận cũng như nhiều nhà quan sát từng nhận định với VOA rằng bà Lan không thể ‘một tay che trời’ ở thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều năm nếu không có sự ‘chống lưng’ của các quan chức lãnh đạo cấp cao.

    Còn bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, giám đốc AIC hiện đang trốn lệnh truy nã, hồi cuối năm 2022 đã bị Tòa tuyên án 30 năm tù về các tội ‘Vi phạm quy định đấu thầu’ và ‘Đưa - Nhận hối lộ’ xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

    Hiện chưa rõ với hậu quả được đánh giá là ‘rất nghiêm trọng’, ‘lãng phí rất lớn’ thì ông Hải sẽ đối diện mức kỷ luật nào. Hiện Đảng có 4 mức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ. Theo điều lệ Đảng thì Bộ Chính trị, Ban bí thư chỉ có quyền áp dụng hai mức kỷ luật thấp, còn hai mức kỷ luật cao thì phải trình ra Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

    Nhưng ngay cả khi đối mặt với hình thức kỷ luật cao nhất là ‘cách chức’ và ‘khai trừ’ thì ông Lê Thanh Hải vẫn có thể hạ cánh an toàn, nghĩa là được cho về hưu yên ổn, không bị truy tố hình sự và không bị tịch thu tài sản bất chính.

    Cũng chưa rõ án kỷ luật ông Hải có dẫn đến việc ông bị truy tố hình sự hay không. Tuy nhiên, ngoài một trường hợp ngoại lệ là ông Đinh La Thăng, người kế nhiệm ông Hải, bị bỏ tù, thì cho đến nay tất cả các ủy viên Bộ Chính trị, từ đương kim cho đến về hưu, đều không bị truy tố hình sự sau khi đã bị kỷ luật Đảng.

    Đây không phải là lần đầu tiên ông Hải bị kỷ luật. Cách nay hơn 4 năm, ông Hải đã bị Bộ Chính trị bãi bỏ tư cách cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 – 2015 do sai phạm liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

    Án kỷ luật này không đi kèm với truy tố hình sự sau đó mặc dù nhiều nạn nhân ở Thủ Thiêm đã đòi truy tố các lãnh đạo sai phạm.

    Bị bãi bỏ tư cách cũng có nghĩa là ông Hải sẽ không được đối xử cũng như nhận được những đặc ân dành cho một cựu Bí thư Thành ủy. Tuy nhiên, do ông Hải nắm Thành ủy hai nhiệm kỳ cho nên ông vẫn còn tư cách cựu Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ kỳ 2005 - 2010.

    Cách nay gần một năm, vào này 20/5 năm 2023, ông Lê Thanh Hải vẫn được đương kim Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên trao huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.

    Từng là bí thư Quận ủy Quận 5, ông Hải đã lần lượt leo lên các chức Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố từ năm 2001 đến năm 2006. Sau đó, ông vào Bộ Chính trị và được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trong liên tiếp hai khóa, từ 2006 đến 2016.

    Lê Học Lãnh Vân - Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ 07-05-2024 

    Bảy mươi năm, 2024 – 1954, cũng đáng để kỷ niệm một chiến thắng!

    Chiến thắng ấy là chiến thắng của thời người dân một quốc gia mất chủ quyền đang khát khao độc lập! Lúc đó, đại đa số người Việt tham gia cuộc chiến. Về sau này, khi lịch sử lùi xa, có quan điểm rằng nếu Việt Nam khôn ngoan hơn thì không nên tiến hành cuộc chiến tàn phá sinh lực quốc gia tới như vậy! 

    Đó là sự nhìn lại của đời sau, khi quốc gia đã trải qua kinh nghiệm với gánh nặng hậu quả. Còn thực tế là trận chiến Đông Dương lần thứ nhứt kháng Pháp giành độc lập được sự tham gia của rất nhiều thành phần dân tộc, từ nông dân không biết đọc cho tới những giới thuộc nguyên khí quốc gia! Tinh thần những người tham gia cuộc chiến thời đó là tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, phơi phới ra trận để “lưu lại ngàn sau một giống nòi” (thơ Hoàng Cầm)!  

    Theo cảm nhận của tôi, lễ kỷ niệm được tổ chức theo cách không nghiêng về lên gân bắp sức mạnh vũ khí, mà nghiêng về ý nghĩa chiến tranh toàn dân với đoàn xe thồ được tái hiện.

    Sự hiện diện của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp không chỉ cho thấy tâm lý và tinh thần nhìn xa của Pháp. Nó có cho thấy tầm nhìn đã thoáng đạt hơn của Việt Nam không? Sự thoáng đạt của tầm nhìn không chỉ đối với người ngoài mà được mong chờ với “gà cùng một Mẹ”… 

    Lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ xảy ra một tuần lễ sau ngày ba mươi tháng Tư, ngày đất nước hòa bình, thống nhất. Dịp ba mươi tháng Tư năm nay tiếng kèn của phe “cách mạng” mừng chiến thắng trước phe “ngụy” đã bớt chói chang so với trước. Cho dù có lý do tập trung cho buổi lễ mừng bảy mươi năm thắng trận Điện Biên Phủ nên dịp mừng ngày ba mươi tháng Tư được tổ chức nhẹ đi, tôi vẫn thấy thấp thoáng đàng sau buỗi lễ, song hành với việc mừng chiến thắng, một ý nghĩa lớn lao khác.

    Ý nghĩ đó là chiến thắng trong cuộc chiến giành độc lập đáng được dân tộc ăn mừng, tôn vinh. Còn chiến thắng của thành phần dân tộc này đánh bại thành phần dân tộc kia chỉ là chiến thắng đau xót nếu nhìn từ góc độ tình đồng bào! 

    Tôi tin vào phẩm chất người Việt. Chục năm nay, trước sự tụt hậu của quốc gia đi cùng sự chia rẽ trong lòng đất nước, trước nạn tham nhũng kinh khủng và cùng khắp bộ máy hành chánh công, nhiều người Việt trở nên tự ti. Họ cho rằng người Việt có những tính chất phản phát triển như hèn mọn, ganh ghét, chia rẽ, tham lợi nhỏ riêng trước mắt mà bỏ qua lợi lớn chung của cộng đồng... 

    Bài viết này, trong khi không ảo tưởng về những phẩm chất siêu phàm của người Việt, tin rằng nếu được dẫn dắt bởi một lực lượng lãnh đạo tài ba, liêm chính, hết lòng vì sự đoàn kết phát triển quốc gia, người Việt đủ sức cất cánh Theo Hướng Rồng Bay!

    Vì vậy, từ quan sát Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm nay, tôi ước năm tới, khi kỷ niệm 50 năm ngày ba mươi tháng Tư, ngày ấy được chính thức gọi là ngày Hòa bình, Thống nhất trong tinh thần và tấm lòng đồng bào yêu thương, bình đẳng! Ngày ấy là dịp để người Việt nhìn lại thực trạng quốc gia năm mươi năm sau ngày gian san Thu Về Một Mối mà thương mình và thương nước mình hơn! Nhìn một cách trung thực và tỉnh táo để thấy rõ những gì cần làm cho tương lai quốc gia Việt Nam vì tất cả người Việt!

    Đã nửa thế kỷ rồi, có quá lâu không cho một sự phản tỉnh?

    LÊ HỌC LÃNH VÂN 08.05.2024

    Công an Việt Nam bắt giam 20 người đánh chiếm tài khoản Facebook bằng mã độc 

    09/5/2024 

    AFP 

    Ứng dụng Facebook. (Photo by Kirill KUDRYAVTSEV / AFP)

    Ứng dụng Facebook. (Photo by Kirill KUDRYAVTSEV / AFP) 

    Công an Việt Nam vừa khởi tố, bắt giam 20 người vì tội ăn cắp và kiểm soát hàng chục nghìn tài khoản Facebook cả trong nước và quốc tế, thu lợi bất chính gần 4 triệu đô la, tức khoảng 90 tỷ đồng, AFP loan tin hôm 8/5, dẫn các trang báo mạng nhà nước.

    Theo VNExpress, nhóm này bị cáo buộc sản xuất và phát tán mã độc để chiếm đoạt hơn 25.000 tài khoản Facebook dạng business có giá trị cao.

    Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp thực hiện các vụ bắt giữ trong một số cuộc đột kích khắp Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Nam Định vào tháng 4.

    Nhóm này được cho là đứng đầu bởi ông Đặng Đình Sơn, 31 tuổi, người đã mua mã nguồn độc hại trị giá 1.200 đô la, khoảng 30 triệu đồng, để đánh cắp thông tin tài khoản người dùng Facebook.

    Truyền thông nhà nước cho biết, ông Sơn, sinh sống tại Nam Định, đã sử dụng phần mềm độc hại này để chiếm quyền quản trị 2 trang Fanpage có tên “Art bay AI” và “Evoto Studio”.

    Sau đó, Sơn sử dụng 2 trang này để thu hút sự chú ý của người dùng mạng xã hội để họ tải về, cài đặt trên thiết bị điện tử.

    Dữ liệu bị đánh cắp được thu thập và truyền trở lại máy chủ do Sơn kiểm soát, sau đó được phân phối cho 5 nhóm trên Telegram để cho phép các thành viên trong nhóm của ông chiếm đoạt tài khoản người dùng.

    Các tài khoản Facebook có giá trị cao đã được nhóm này bán để kiếm lời. Các tài khoản khác có giá trị thấp hơn được sử dụng để chạy quảng cáo bán quần áo và các mặt hàng khác trên nền tảng thương mại điện tử.

    Các nghi phạm được cho là đã thu lợi bất hợp pháp 3,8 triệu USD.

    Theo thống kê của Statista, tính đến tháng 4, Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về tổng số người dùng Facebook – đạt 75,3 triệu người.

    Khoảng 10.000 tỷ đồng bị lừa đảo trên không gian mạng trong năm 2023

    RFA
    08/5/2024

    Khoảng 10.000 tỷ đồng bị lừa đảo trên không gian mạng trong năm 2023

    Tội phạm trên không gian mạng ngày một tăng. Ảnh minh họa. 

    AFP 

    Tổng số tiền người dân bị lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng trong năm 2023, tăng gấp rưỡi so với năm 2022.

    Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an cho truyền thông hay tin trên trong ngày 8/5, đồng thời xác nhận, đó là con số dựa trên những sự việc do người dân đến trình báo cơ quan công an.

    Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra liên tục, tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Các đối tượng theo Bộ Công an, đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, liên tục thay đổi, sử dụng số điện thoại rác, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội ảo, nhằm trốn tránh, xoá dấu vết sau khi chiếm đoạt tiền.

    Bộ Công an cũng cho biết, trong năm qua đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng.

    Trong cùng ngày, theo thống kê của Kaspersky, tại Việt Nam, trong năm 2023, có đến hơn 17 triệu trường hợp lây nhiễm cục bộ, tin tặc xâm nhập máy tính của người dùng, ước tính mỗi ngày có hơn 15.000 mã độc xuất phát từ Việt Nam. Tần suất tấn công mạng cũng tăng lên, đặc biệt nhắm vào các doanh nghiệp, tổ chức ở lĩnh vực tài chính và chứng khoán.

    Ông Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc mảng doanh nghiệp, Kaspersky tại Việt Nam, cho biết trên tờ VnEconomy rằng, chỉ trong quý 1/2024, tần suất của các cuộc tấn công mạng đã gia tăng với các phương thức cực kỳ tinh vi. Các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều phần mềm tiên tiến, ứng dụng công nghệ hiện đại, nghiên cứu sâu vào “con mồi” và tìm cách tăng lòng tin. Ngay cả những nhân viên IT trong chính các doanh nghiệp cũng là mục tiêu của các đối tượng lừa đảo.

    Ông Khanh cũng nhận định một trong những thách thức lớn mà đa phần các doanh nghiệp Việt đang gặp phải hiện nay là vấn đề trong việc thiếu nhân lực trong việc bảo vệ an ninh mạng. 


    Không có nhận xét nào