Header Ads

  • Breaking News

    VNCS: Bắt ông Mai Tiến Dũng, cựu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

    BBC News

    04/5/2024

    " Ông Quang A chỉ ra rằng Việt Nam cần phải trở thành một nhà nước pháp quyền, nơi điều tra, công tố và tòa án hoạt động động lập với nhau và theo luật, chứ không theo chỉ đạo của ĐCSVN.

    Bên cạnh đó, cần các cơ quan giám sát độc lập các hoạt động của ĐCSVN và nhà nước. Việt Nam hiện hiện không có yếu tố nào trong số những yếu tố kể trên “thì làm sao chống được tham nhũng”, ông Nguyễn Quang A nói.

    Không chỉ có vậy, công cuộc đốt lò của ông Trọng đã gây ra "một cuộc di cư hàng loạt của công chức" trong "nỗi lo sợ ngày càng tăng của những người còn lại về việc bị bắt", "dẫn đến tình trạng miễn cưỡng thực hiện trách nhiệm của mình trên diện rộng," theo ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên Chương trình Nghiên cứu Việt Nam của ISEAS – Viện Yusof Ishak (Singapore), trong một bài viết trên trang Fulcrum".

    Ông Mai Tiến Dũng, cựu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

    Nguồn hình ảnh, VGP

    Chụp lại hình ảnh, Ông Mai Tiến Dũng, cựu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

    Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

    Tại họp báo Chính phủ chiều 4/5, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết mở rộng điều tra vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam đối với ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

    Việc khởi tố, tạm giam đã được tiến hành vào ngày 30/4.

    Ông Dũng bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" được quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự. 

    Quảng cáo

    Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các quyết định và lệnh trên, Bộ Công an phối hợp các bên liên quan đã thực hiện thủ tục tố tụng theo quy định.

    Trung tướng Xô cho biết thêm: “Khi lãnh đạo Ban chuyên án báo cáo Tổng Bí thư về một số vụ án do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo, Tổng Bí thư đã khen ngợi Bộ Công an quyết tâm, quyết liệt trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư cũng yêu cầu Bộ Công an tiếp tục quyết tâm, quyết liệt hơn theo tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.”

    Vụ bắt giữ ông Mai Tiến Dũng cho thấy chiến dịch "đốt lò" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nóng, như nhận định của các chuyên gia với BBC News Tiếng Việt gần đây.

    Cả bí thư, chủ tịch tỉnh Lâm Đồng cùng bị khởi tố

    Ông Trần Đức Quận (trái), Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng; và ông Trần Văn Hiệp, chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, đã bị khởi tố liên quan vụ án Đại Ninh

    Nguồn hình ảnh, VGP 

    Chụp lại hình ảnh, Ông Trần Đức Quận (trái), Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng; và ông Trần Văn Hiệp, chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, đã bị khởi tố liên quan vụ án Đại Ninh

    Việc khởi tố, bắt giữ cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng là diễn biến mới nhất của vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan.

    Vụ án này đã đưa nhiều quan chức vào vòng lao lý, trong đó có ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng và ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.

    Đây được coi là một vụ án chấn động trong chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

    Cuối năm 2010, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cấp giấy chứng nhận cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh do ông Nguyễn Cao Trí là người đại diện pháp luật để thực hiện dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh.

    Dự án có tổng vốn đầu tư 25.243 tỉ đồng, diện tích đất sử dụng gần 3.600 ha, trải rộng trên địa bàn 4 xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan của huyện Đức Trọng.

    Tuy nhiên, trong quá trình được tỉnh Lâm Đồng giao đất, giao rừng để thực hiện dự án, chủ đầu tư đã để mất trên 368 ha, trong đó bị phá mất 257 ha, và người dân lấn chiếm 111 ha.

    Đến tháng 6/2020, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án và đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án này.

    Vào ngày 2/1/2024, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.

    Theo cơ quan điều tra, hành vi của ông Trần Văn Hiệp phạm vào tội "Nhận hối lộ".

    Tiếp đó, vào ngày 24/1/2024, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Đức Quận, khi đó là bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng.

    Ông Trần Đức Quận bị điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

    Cơ quan điều tra xác định ông Trần Đức Quận đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật khi tham gia chỉ đạo giải quyết các công việc liên quan đến dự án Đại Ninh.

    Hành vi của ông Quận bị cáo buộc gây hậu quả rất nghiêm trọng.

    Trước đó, vào ngày 15/1/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt ông Nguyễn Cao Trí, chủ đầu tư dự án. Mới đây, trong vụ án Vạn Thịnh Phát (vụ án khác), ông Trí còn lãnh án 8 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” khi được xác định đã chiếm đoạt của bà Trương Mỹ Lan 1.000 tỷ đồng.

    Tháng 3/2023, cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, để điều tra về tội nhận hối lộ.

    Đến tháng 8/2023, bà Trần Bích Ngọc, vụ trưởng Theo dõi công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Vụ I) của Văn phòng Chính phủ, bị điều tra về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

    Đến tháng 12/2023, cơ quan điều tra tiếp tục triệu tập nhiều lãnh đạo, cán bộ của tỉnh Lâm Đồng để làm rõ một số vấn đề liên quan đến siêu dự án nêu trên.

    Giờ đây, đến lượt ông Mai Tiến Dũng bị bắt.

    Ông Mai Tiến Dũng là ai?

    Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (trái) và thủ trưởng của ông là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một cuộc họp vào năm 2018. Ông Phúc đã bị mất chức chủ tịch nước vào năm 2023 do "chịu trách nhiệm người đứng đầu", giờ đến lượt ông Dũng bị bắt.

    Nguồn hình ảnh, LUONG THAI LINH/AFP/Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (trái) và thủ trưởng của ông là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một cuộc họp vào năm 2018. Ông Phúc đã bị mất chức chủ tịch nước vào năm 2023 do "chịu trách nhiệm người đứng đầu", giờ đến lượt ông Dũng bị bắt.

    Ông Mai Tiến Dũng sinh ngày 8/1/1959, quê quán tại xã Văn Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông từng học Đại học Ngoại thương và Đại học Luật, có học vị tiến sĩ kinh tế, cử nhân luật, trình độ cao cấp lý luận chính trị, bằng C tiếng Anh.

    Ông Mai Tiến Dũng vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1980 (chính thức năm 1981).

    Từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 1990, ông là cán bộ trong công ty nhà nước và các cơ quan chính quyền ở huyện Lý Nhân, trở thành huyện ủy viên năm 1989.

    Vào năm 1998, ông trở thành cán bộ cấp tỉnh, làm việc tại Văn phòng UBND tỉnh Hà Nam.

    Từ năm 2002-2008, ông là tỉnh ủy viên, chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Nam.

    Sau đó ông thăng tiến dần trong hệ thống chính quyền và đảng ở tỉnh này.

    Năm 2010, ông làm phó bí thư Tỉnh ủy.

    Năm 2011, ông trở thành ủy viên Trung ương Đảng (Đại hội 11), giữ chức phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam.

    Từ tháng 11/2014, ông là ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam.

    Năm 2016, ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Đại hội 12).

    Từ tháng 4/2016 - 4/2021, ông Mai Tiến Dũng là ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dưới thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

    Vào ngày 7/4/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14 phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ của ông Mai Tiến Dũng.

    Vào ngày 13/1/2023, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng do vi phạm liên quan tới các chuyến bay giải cứu đưa công dân về nước trong dịch Covid-19.

    Tháng 3/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Mai Tiến Dũng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

    Khi còn làm bộ trưởng, ông Mai Tiến Dũng từng nói: “Nếu chính quyền sai thì nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.”

    Bối cảnh phát ngôn được báo chí mô tả là “trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến hướng giải quyết vụ việc tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội” vào chiều 4/5/2017.

    Đồng Tâm là vụ án liên quan đến tranh chấp, khiếu nại đất đai căng thẳng xảy ra trong nhiều năm, với đỉnh điểm là vụ đụng độ sáng sớm ngày 9/1/2020 khiến 3 cán bộ công an và ông Lê Đình Kình tử vong.

    'Đốt lò' đến bao giờ?

    Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

    Nguồn hình ảnh, LILLIAN SUWANRUMPHA/AFP/Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và một số thành viên trong chính phủ do ông đứng đầu tại Bangkok, Thái Lan vào tháng 11/2019. Từ trái qua (hàng đầu): Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Tất cả năm ông này đều đã bị “xử lý” với nhiều mức độ khác nhau, nặng nhất là ông Mai Tiến Dũng bị khởi tố, nhẹ nhất là ông Đào Ngọc Dung bị kỷ luật khiển trách. Những ông còn lại bị mất chức ủy viên Bộ Chính trị và các chức vụ trong chính quyền.

    Chiến dịch chống tham nhũng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trương, thường được biết đến với tên gọi “đốt lò”, đã khiến hàng loạt quan chức bị xử lý.

    Có những nhân vật cấp cao trong nhóm “Tứ Trụ”, Bộ Chính trị, cũng phải chịu các hình thức khác nhau, nhẹ thì khiển trách, cảnh cáo, mất chức, nặng thì truy tố hình sự.

    Theo Tạp chí Tổ chức Nhà nước của Bộ Nội vụ, trong giai đoạn 2012-2022, đã có 167.700 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, nhiều người bị xử lý hình sự. Con số này nếu tính tới thời điểm hiện nay (2024) chắc hẳn còn cao hơn nữa.

    Hiệu ứng của chiến dịch này là khoảng 60.000 người từ chức chỉ trong hai năm (2021-2023) trong khi số cán bộ của khu vực công chỉ có khoảng 2,5 triệu.

    Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến giữa tháng 3/2024, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý.

    Tính tới nay, đã có năm ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 gồm Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh bị miễn nhiệm theo Quy định 41 năm 2021. Trong số này, có đến ba người bị buộc phải rời Bộ Chính trị trong năm 2024.

    Nhiều người cho rằng chiến dịch "đốt lò" là không có vùng cấm, giúp làm trong sạch bộ máy của Đảng, của chính quyền. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích chính trị chia sẻ với BBC rằng cách chống tham nhũng này không giải quyết được căn cơ vấn đề mang tính đặc thù của thể chế.

    Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà quan sát chính trị và bất đồng chính kiến nổi tiếng tại Việt Nam, vấn đề là “phải bắt trúng bệnh gốc”.

    “Chứ không phải bắt một, hai hay 100 người, bỏ tù một ông ủy viên trung ương, 10 ông tướng quân đội, hay bảy, tám ông tướng công an, xử lý hết ông nọ đến ông kia."

    “Đó không phải là cách làm bài bản, không đánh vào nguyên nhân cốt lõi. Cốt lõi là chính bản chất của hệ thống này."

    Ông Quang A chỉ ra rằng Việt Nam cần phải trở thành một nhà nước pháp quyền, nơi điều tra, công tố và tòa án hoạt động động lập với nhau và theo luật, chứ không theo chỉ đạo của ĐCSVN.

    Bên cạnh đó, cần các cơ quan giám sát độc lập các hoạt động của ĐCSVN và nhà nước. Việt Nam hiện hiện không có yếu tố nào trong số những yếu tố kể trên “thì làm sao chống được tham nhũng”, ông Nguyễn Quang A nói.

    Không chỉ có vậy, công cuộc đốt lò của ông Trọng đã gây ra "một cuộc di cư hàng loạt của công chức" trong "nỗi lo sợ ngày càng tăng của những người còn lại về việc bị bắt", "dẫn đến tình trạng miễn cưỡng thực hiện trách nhiệm của mình trên diện rộng," theo ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên Chương trình Nghiên cứu Việt Nam của ISEAS – Viện Yusof Ishak (Singapore), trong một bài viết trên trang Fulcrum.

    Hậu quả là "làm trầm trọng thêm những thách thức mà bộ máy quan liêu vốn đã quá tải phải đối mặt, biểu hiện ở tình trạng quá tải bệnh viện công, thiếu giáo viên và bác sĩ trầm trọng, chậm trễ phê duyệt dự án và xếp hàng dài để đăng ký phương tiện. Quan trọng nhất, nó đã làm giảm hiệu quả hoạt động của chính phủ vào thời điểm Việt Nam cần nhất".

    https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cevezrdzydeo


    Không có nhận xét nào