Header Ads

  • Breaking News

    Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi về lao động trẻ em, cưỡng bức

    07/09/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Bộ Lao động Mỹ liệt kê 17 ngành hàng của Việt Nam có sử dụng lao động trẻ em, cưỡng bức. Photo US DOL.

    Bộ Lao động Mỹ liệt kê 17 ngành hàng của Việt Nam có sử dụng lao động trẻ em, cưỡng bức. Photo US DOL. 

    Bộ Lao động Hoa Kỳ vừa liệt Việt Nam vào danh sách theo dõi vì cho rằng nước này sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức trong 17 ngành hàng, trong đó có ngành bông và chuỗi cung ứng dệt may nhập từ Trung Quốc.

    “Văn phòng Quốc tế vụ của Bộ Lao động Mỹ (ILAB) có lý do để tin rằng quần áo vải bông sản xuất tại Việt Nam có đầu vào là từ lao động cưỡng bức, đặc biệt là bông thu hoạch ở Trung Quốc”, báo cáo công bố ngày 5/9 viết.

    “Các nhà sản xuất tại Việt Nam cung cấp số lượng lớn vải bông có nguồn gốc xuất xứ từ Tân Cương để sản xuất hàng may mặc thành phẩm”, báo cáo nhận định, lấy ví dụ là vào năm 2021, Việt Nam nhập khẩu đến 70% sản lượng hàng dệt có chứa bông từ Trung Quốc, với kim ngạch có giá trị khoảng 2,6 tỷ USD.

    Ngoài các sản phẩm vải bông của Việt Nam, các sản phẩm cùng loại của chính Trung Quốc và của Myanmar, cũng bị Bộ Lao động Mỹ phát hiện nằm trong chuỗi cung ứng dệt may và bị đưa vào danh sách theo dõi về hàng hóa được cho là do lao động trẻ em và/hoặc lao động cưỡng bức làm nên.

    Báo cáo nhấn mạnh rằng tình trạng lao động cưỡng bức ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy các hoạt động sản xuất chỉ, sợi và hàng may mặc phi đạo đức trong thời gian qua.

    “Báo cáo cũng bao gồm các nghiên cứu truy tìm xuất xứ hàng hóa được làm ra từ lao động cưỡng bức hoặc lao động trẻ em thông qua các chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp”, thông cáo báo chí của Bộ Lao động Mỹ viết. “Chúng bao gồm các sản phẩm dệt bông từ Trung Quốc và Việt Nam được sản xuất từ bông của Trung Quốc”.

    Mỹ: Việt Nam xuất hàng dính tới lao động cưỡng bức ở Tân Cương nhiều hơn TQ

    Khoảng 85% bông của Trung Quốc và 20% lượng bông của thế giới được sản xuất ở Tân Cương, báo cáo dẫn nghiên cứu chỉ ra rằng cả giai đoạn thu hoạch và chế biến bông của khu vực này được thực hiện có liên quan đến lao động cưỡng bức.

    Riêng phần về Việt Nam, báo cáo liệt kê 17 sản phẩm của Việt Nam có sử dụng lao động trẻ em như sản xuất gạch, hạt điều, cà phê, đánh bắt cá, giày dép, đồ nội thất, may mặc, bông may mặc, da, tiêu, gạo, cao su, mía, chè, dệt may, gỗ, thuốc lá. Riêng hai ngành sản phẩm vừa có sử dụng lao động trẻ em và vừa có lao động cưỡng bức là may mặc, bông may mặc.

    VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về báo cáo mới này của Bộ Lao động Mỹ, nhưng chưa được trả lời.

    “Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung vào việc tăng cường tính minh bạch trong chuỗi cung ứng và đầu tư mạnh vào hệ thống xác minh xuất xứ hàng hóa” để giảm thiểu việc nhập vật tư đầu vào có lao động cưỡng bức hay lao động trẻ em, ông Terje Gloerstad, giám đốc điều hành của công ty Flora Trace, một công ty chuyên xác thực và truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng hàng hóa ở bang Arizona, Mỹ, chia sẻ với VOA.

    Như VOA đã đưa tin, hồi tháng 1/2024, cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) phát hiện ra rằng Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa dính dáng đến việc sử dụng lao động cưỡng bức người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) ở khu vực Tân Cương lớn nhất trong năm 2023, vượt qua cả Trung Quốc.

    CBP ghi nhận hàng nhập khẩu vào Mỹ từ Việt Nam bị phát hiện vi phạm Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) nhiều nhất trên thế giới trong năm 2023.

    Đạo luật UFLPA của Mỹ, có hiệu lực từ giữa năm 2022, cấm nhập khẩu hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác vào Hoa Kỳ, sau khi Washington ghi nhận các báo cáo về tình trạng vi phạm nhân quyền tràn lan trong Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương của Trung Quốc.

    Bộ Lao động Mỹ công bố và duy trì danh sách hàng hóa có sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức với sự tham vấn của Bộ An ninh Nội địa - cơ quan chủ quản của CBP, và Bộ Ngoại giao.

    ILAB công bố danh sách đầu tiên vào năm 2001 và từ đó đến nay cơ quan này đã cập nhật sửa đổi nhiều lần.

    Danh sách hàng hóa sản xuất từ lao động trẻ em hoặc lao động cưỡng bức năm 2024 của ILAB bao gồm 204 hàng hóa từ 82 quốc gia và khu vực.

    https://www.voatiengviet.com/a/my-dua-viet-nam-vao-danh-sach-theo-doi-ve-lao-dong-tre-em-cuong-buc/7775052.html


    Không có nhận xét nào