Hubert Testard
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “Les BRICS, ‘Asie et l’enjeu du dollar”, Asialyst, 2.11.2024.
12/11/2024
Hội nghị thượng đỉnh BRICS vừa diễn ra ở Kazan đánh dấu một bước ngoặt. Tổ chức này đang trong giai đoạn mở rộng nhanh chóng và có tham vọng từ nay sẽ bàn bạc tất cả các vấn đề quốc tế lớn. Các nước châu Á đóng vai trò quan trọng cho tương lai của BRICS. Không có dự án mang tính cơ cấu nào – đặc biệt là tiến trình phi đô la hóa – có thể được thực hiện ngoài sự lãnh đạo của Trung Quốc và dần dần là của Ấn Độ.
***
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 diễn ra tại Kazan từ ngày 22 đến 24/10. Nó quy tụ năm thành viên sáng lập của tổ chức (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), năm thành viên mới gia nhập kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2024 (Iran, Ai Cập, Ả Rập Saudi, Ethiopia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất), và 25 quốc gia khác cũng như một số đại diện của các tổ chức quốc tế, với sự tham gia đáng chú ý của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.
Châu Á là trung tâm của việc mở rộng BRICS
Ngoài 10 thành viên hiện tại, 13 quốc gia, trong đó có 6 quốc gia châu Á, đã đạt được tư cách “đối tác”: Algeria, Belarus, Bolivia, Cuba, Indonesia, Kazakhstan, Malaysia, Nigeria, Uganda, Uzbekistan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. Trong nhóm nước đối tác này, ASEAN có trọng lượng quan trọng với 4 thành viên chính và Trung Á cũng góp mặt.
Tư cách đối tác cho phép các quốc gia liên quan được liên kết với một số hoạt động của tổ chức và đây là bước tiên quyết để trở thành thành viên của tổ chức. Việc gia nhập này không được đảm bảo vì nó đòi hỏi phải có sự đồng thuận giữa các thành viên hiện tại, nhưng dường như điều này ít nhiều có thể xảy ra trong ngắn hạn đối với hầu hết các quốc gia đối tác. Các đơn đăng ký bị từ chối ngay trước khi đạt được tư cách quốc gia đối tác, như trường hợp của Venezuela, bị Brazil chặn. Khoảng mười quốc gia không phải là đối tác cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập tổ chức này.
Do đó, trong thời gian tương đối ngắn, BRICS có thể vượt qua G20 về số lượng, với sự phân bổ khá cân bằng theo lục địa: 8 quốc gia châu Á, 3 quốc gia từ Cận Đông và Trung Đông, 3 quốc gia châu Âu (nếu tính cả Thổ Nhĩ Kỳ), 6 quốc gia châu Phi và. ba quốc gia ở Mỹ Latin hoặc Trung Mỹ.
Châu Á không chiếm đa số về số lượng trong nhóm 10 thành viên và 13 đối tác nhưng lại đại diện chiếm cả 3/4 dân số và 3/4 GDP của nhóm BRICS+ đối tác.
BRICS bắt đầu bàn đến tất cả các vấn đề quốc tế lớn
Tuyên bố Kazan là một văn kiện dài gồm 134 đoạn đề cập đến tất cả các vấn đề quốc tế hiện nay với ba trụ cột chính: chính trị và an ninh quốc tế, các vấn đề kinh tế và tài chính, văn hóa và hợp tác giữa các dân tộc. Ngoài các quan điểm ngoại giao thuần túy – bao gồm các cam kết đầy nhiệt tình về việc giải quyết xung đột một cách hòa bình, bảo vệ nhân quyền hoặc đấu tranh chống phổ biến tin tức giả – tài liệu này liệt kê một loạt sáng kiến có tầm quan trọng khác nhau.
Nó bao gồm, cùng với những điều khác, việc bảo vệ loài mèo trên thế giới (sáng kiến của Ấn Độ), tạo thuận lợi cho các giao dịch quốc tế và tài trợ quốc tế bằng các tiền tệ địa phương, tạo ra một nền tảng trao đổi nguyên liệu nông nghiệp (theo sáng kiến của Nga), thiết lập quan hệ đối tác cho một cuộc cách mạng công nghiệp mới, thành lập nhóm nghiên cứu chung về trí tuệ nhân tạo, phát triển hợp tác xác định tài nguyên địa chất về các kim loại hiếm, thành lập nhóm công tác về y học hạt nhân, hợp tác về thuế khóa, phát triển các chương trình nghiên cứu khoa học chung.
Việc mở rộng nhanh chóng BRICS sẽ không tạo điều kiện thuận lợi cho sự gắn kết của Nhóm và sự cùng tồn tại của Tổ chức với vô số cơ quan đa phương hoặc khu vực khác có cùng chủ đề không đảm bảo sự thành công của nhiều sáng kiến được nêu lên trong Tuyên bố Kazan.
Tuy nhiên, ngoài trọng lượng về mặt kinh tế, Nhóm còn có những điểm mạnh mà Nhóm sẽ cố gắng tận dụng. Về mặt năng lượng, 10 thành viên hiện tại của tổ chức này đã chiếm 36% xuất khẩu dầu thô và 34% xuất khẩu dầu tinh chế trên toàn thế giới. Chúng cũng chiếm vị trí quan trọng trong thương mại quốc tế về đậu nành (51%) hoặc gạo (44%) cũng như các kim loại hiếm khác nhau (đất hiếm, magnésium, than chì).
Mười ba quốc gia đối tác cũng bao gồm các nước xuất khẩu lớn các sản phẩm năng lượng (Algérie, Indonesia, Malaysia, Kazakhstan, Nigeria), nông sản (Thái Lan) và các kim loại hiếm (Bolivia, Indonesia). Do đó, nói chung, nhóm BRICS + đối tác có các công cụ để tác động đến sự phát triển của các trao đổi năng lượng, nguyên liệu thô và kim loại hiếm trên thế giới, với một trục hành động rất quan trọng không trùng lặp với những gì đang tồn tại, đó là sự chấm dứt quyền bá chủ của đồng đô la.
Vấn đề về đồng đô la
Nga đặc biệt có động lực mạnh để tìm kiếm các phương thức tài trợ thay thế cho đồng đô la từ khi Nga phải chịu một loạt lệnh trừng phạt của Phương Tây, đặc biệt là sự tham gia của các ngân hàng Nga vào hệ thống SWIFT hoặc tài sản của Ngân hàng Trung ương nước này. Trung Quốc cũng vậy khi đang dần áp đặt đồng nhân dân tệ như một loại tiền tệ quốc tế cạnh tranh với đồng USD. Ấn Độ đã lợi dụng những khó khăn của Nga để sử dụng đồng rupee của Ấn Độ trong việc mua các sản phẩm dầu mỏ của Nga. Các thành viên khác của nhóm BRICS+ có động cơ ít mạnh mẽ hơn để tránh các thỏa thuận bằng đồng đô la, và Vladimir Poutine vẫn thận trọng trong nhận xét của mình về triển vọng phi đô la hóa tại cuộc họp báo bế mạc hội nghị thượng đỉnh Kazan.
Ý tưởng về một loại tiền tệ BRICS chung rõ ràng vẫn là một công cụ truyền thông hơn là một dự án và cơ hội trở thành hiện thực của nó là bằng không. Vẫn còn năm trục hành động bổ sung: đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, giao dịch song phương bằng tiền tệ địa phương, tài sản quốc tế bằng tiền tệ địa phương, tiến trình phi đô la hóa dần dần các thị trường năng lượng và nguyên liệu thô và quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
Về dự trữ ngoại hối, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ là 4 quốc gia có dự trữ vàng tăng mạnh nhất trong 10 năm qua, với mức tăng đáng kể kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine. Sự hấp dẫn này của vàng đi đôi với sự xói mòn dần dần tỷ trọng của đồng đô la trong dự trữ ngoại hối của tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới, từ 71% năm 2000 xuống còn 58% vào năm 2024. Nhưng các loại tiền tệ quốc tế lớn khác – euro, yên và bảng Anh – đã duy trì tỷ trọng ổn định khoảng 30% và trong số các loại tiền tệ “thay thế”, đồng nhân dân tệ vẫn đang gặp khó khăn với tỷ trọng còn giới hạn ở mức 2,1% vào cuối tháng 6 năm 2024, giảm so với năm 2023.
Về các giao dịch song phương, những tiến bộ không đồng đều. Theo các nguồn tin của Nga và Trung Quốc, thương mại giữa Trung Quốc và Nga bằng đồng nhân dân tệ hoặc đồng rúp chiếm 90 đến 95% tổng thương mại song phương. Thương mại bằng tiền tệ địa phương với Ấn Độ kém phát triển bộ hơn nhiều.
Nga có ba vấn đề với Ấn Độ: Nga là nước xuất khẩu ròng với số lượng đáng kể và tích lũy đồng rupee Ấn Độ còn lại ở Ấn Độ được đầu tư vào trái phiếu lợi suất thấp, các giao dịch giữa hai loại tiền tệ này được thực hiện thông qua các loại tiền tệ thứ ba do tính không thể chuyển đổi của đồng rupee, điều rất tốn kém với Nga (một thỏa thuận sắp được đưa ra để giải quyết vấn đề này) và tiền của Nga cũng không thể dễ dàng rời khỏi Ấn Độ do sự kiểm soát trao đổi khắt khe của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ. Một trong những giải pháp được các doanh nhân Nga tìm ra là đổi đồng rupee Ấn Độ lấy tiền điện tử (stable coins, các đồng tiền ổn định), có thể đổi lại lấy các loại tiền tệ khác ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Trao đổi song phương bằng tiền tệ địa phương tương đối đơn giản với Trung Quốc, mà đồng tiền đã trở thành quốc tế, và đã triển khai các giải pháp kỹ thuật cho giao dịch bằng đồng nhân dân tệ thông qua việc tạo ra một hệ thống cạnh tranh với SWIFT là CPIS. Đây không phải là trường hợp của hầu hết các loại tiền của các nước BRICS+. Nhìn chung, chúng ta vẫn thấy sự gia tăng rõ ràng về tỷ trọng của các loại tiền tệ địa phương trong các giao dịch được ghi nhận trong hệ thống SWIFT (6,4% vào năm 2024, một nửa trong số đó liên quan đến đồng nhân dân tệ) và trên các thị trường phái sinh ngoại hối (6,8% vào năm 2024).
Về tài sản quốc tế bằng tiền địa phương, một nghiên cứu của Ngân hàng ING về 10 thành viên BRICS hiện tại cho thấy tài sản hoặc các khoản nợ của BRICS bằng các đồng tiền thay thế đang gia tăng mà không làm mất đi ưu thế của đồng đô la.
Quá trình phi đô la hóa các thị trường năng lượng hoặc nguyên liệu nông nghiệp vẫn đang ở giai đoạn chuẩn bị. Trung Quốc đã ký các thỏa thuận song phương với Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Iran để mở rộng mua dầu bằng tiền tệ của các nước đối tác và có thể sẽ làm điều tương tự với các quốc gia khác như Algérie. Tuy nhiên, những khó khăn khi thanh toán bằng tiền tệ địa phương vẫn không thay đổi. Việc từ bỏ đồng đô la làm tăng rủi ro về tỷ giá (hệ thống bảo đảm trao đổi đô la không có hệ thống tương đương), các giao dịch song phương hiếm khi được cân bằng và một trong hai đối tác cuối cùng nắm giữ tài sản bằng tiền tệ của quốc gia đối tác không dễ dàng được đầu tư hoặc được tái đầu tư. Ngoài các quốc gia phải chịu chế độ trừng phạt như Nga hay Iran, những quốc gia khác có động cơ ngoại giao hơn là động cơ thực tiễn, và các nước BRICS với tư cách là một nhóm không thể thực sự thiết lập một hệ thống bù trừ đa phương bằng đồng tiền thay thế cho đồng đô la.
Như vậy, tương lai của quá trình phi đô la hóa dựa trên sự gia tăng quốc tế của các loại tiền tệ thay thế như đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, giai đoạn gần đây, được đánh dấu bằng sự yếu kém của đồng tiền của Trung Quốc so với đồng đô la và việc thắt chặt kiểm soát tỷ giá hối đoái của Trung Quốc để tránh khả năng tháo chạy vốn, không phải là thời kỳ tốt đẹp cho việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Các chỉ số cổ điển (tỉ trọng trong lượng dự trữ ngoại hối, sàn giao dịch thương mại, giao dịch hệ thống SWIFT, tài sản tài chính) đang trì trệ hoặc chỉ phát triển ở ngoại biên. Tuy vậy chúng ta vẫn đang chứng kiến sự khởi đầu của các giao dịch thương mại bằng đồng nhân dân tệ giữa các nước thứ ba. Ví dụ, Nga thực hiện 5% giao dịch bằng đồng nhân dân tệ với các quốc gia khác ngoài Trung Quốc.
Về phía Ấn Độ, những khó khăn với Nga đã thúc đẩy chính phủ nước này khởi động kế hoạch quốc tế hóa đồng rupee vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Việc phi đô la hóa các mối quan hệ giữa các nước BRICS nhìn chung vẫn là một mục tiêu dài hạn sẽ gắn liền với sự thành công của quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ ngày nay và đồng rupee của Ấn Độ trong một vài thập kỷ tới.
Về tác giả:
Hubert Testard
Hubert Testard là chuyên gia về châu Á và các vấn đề kinh tế quốc tế. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính cho ASEAN, trong 20 năm, ở các đại sứ quán Pháp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. Ông cũng đã tham gia soạn thảo các chính sách của châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, cho WTO hay cho các cuộc đàm phán với các nước châu Á. Từ 8 năm nay, Hubert Testard là giảng viên, tại trường Cao đẳng về các vấn đề quốc tế thuộc Học viện chính trị [Sciences Po], về phân tích tương lai học của châu Á. Ông là tác giả của cuốn sách “Đại dịch, sự chuyển dịch của thế giới/Pandémie, le basculement du monde” được NXB Aude xuất bản vào tháng 3 năm 2021 và đã đóng góp vào số tháng 12 của tạp chí “Revue économique et financière” dành cho các hậu quả kinh tế và tài chánh của cuộc chiến ở Ukraine.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “Les BRICS, ‘Asie et l’enjeu du dollar”, Asialyst, 2.11.2024.
http://www.phantichkinhte123.com/2024/11/brics-chau-a-va-van-de-dong-do-la.html#more
Không có nhận xét nào