Nguồn: * Mariana Mazzucato and Rainer Kattel, “What Mission-Driven Government Means”, Project Syndicate, 7/5/2024.
Biên dịch: Phong trào Duy Tân.
"...Chính phủ hướng tới sứ mệnh là yếu tố then chốt để đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm, cũng như để đối phó với những thách thức lớn mà các quốc gia đang phải đối mặt. Nó không cần phải đi theo một con đường cố định. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi những thay đổi cơ bản trong cách thức hoạt động của chính phủ, cùng với việc đầu tư nhiều hơn vào năng lực của khu vực công".
Chính phủ hướng tới sứ mệnh (Mission-Driven Government), dựa trên sự hiểu biết thông suốt về lịch sử và khả năng của các nhà hoạch định chính sách trong việc phục vụ lợi ích chung, là yếu tố then chốt trong thế giới ngày nay. Mặc dù không nhất thiết phải đi theo một con đường cố định, nhưng nó đòi hỏi những thay đổi căn bản đối với các quy trình và giả định đã tồn tại từ lâu.
LONDON – Đại dịch COVID-19, lạm phát và các cuộc chiến đã cảnh báo các chính phủ về những thực tế của việc đối mặt với các cuộc khủng hoảng lớn. Trong những thời điểm đặc biệt, các nhà hoạch định chính sách thường khám phá lại khả năng ra quyết định táo bạo của mình. Quá trình phát triển và triển khai vắc xin COVID-19 nhanh chóng là một ví dụ điển hình.
Tuy nhiên, việc chuẩn bị cho các thách thức khác đòi hỏi những nỗ lực bền bỉ hơn trong “chính phủ hướng tới sứ mệnh”. Nhắc lại ngôn ngữ và chiến lược thành công của chương trình chinh phục vũ trụ thời Chiến tranh Lạnh, các chính phủ trên toàn thế giới đang thử nghiệm với các chương trình chính sách đầy tham vọng và các quan hệ đối tác công- tư nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể về xã hội, kinh tế và môi trường. Ví dụ, tại Vương quốc Anh, chiến lược năm sứ mệnh của Đảng Lao động đã khởi xướng một cuộc tranh luận sôi nổi về việc liệu có nên và làm thế nào để tạo ra một “nền kinh tế sứ mệnh (mission economy)”.
Chính phủ hướng tới sứ mệnh không phải là việc đạt được sự tuân thủ về mặt học thuyết đối với một bộ ý tưởng nguyên bản nào đó; mà là việc xác định các thành phần thiết yếu của các sứ mệnh và chấp nhận rằng mỗi quốc gia có thể cần các phương thức khác nhau. Trong thực tế, bối cảnh mới nổi của các sứ mệnh công cộng hiện nay được đặc trưng bởi việc đổi tên hoặc tái sử dụng các thể chế và chính sách hiện có, với nhiều khởi đầu chập chững hơn là những bước tiến nhanh chóng. Nhưng điều đó cũng không sao cả. Chúng ta không nên kỳ vọng một sự thay đổi triệt để trong chiến lược hoạch định chính sách sẽ xảy ra ngay lập tức, hay thậm chí trong một chu kỳ bầu cử.
Đặc biệt là trong các nền dân chủ tự do, những thay đổi đầy tham vọng đòi hỏi sự tham gia của một loạt các nhóm cử tri để đảm bảo sự ủng hộ của công chúng và bảo đảm rằng lợi ích sẽ được chia sẻ rộng rãi. Nghịch lý cốt lõi của chính phủ hướng tới sứ mệnh là nó theo đuổi những mục tiêu chính sách đầy tham vọng và rõ ràng thông qua vô số chính sách và chương trình dựa trên thử nghiệm.
Việc chấp nhận thử nghiệm này là điều phân biệt các sứ mệnh ngày nay với các sứ mệnh của thời kỳ chinh phục vũ trụ (dù nó cũng gợi lại phương pháp thử nghiệm của chính quyền Roosevelt trong Thỏa thuận Mới những năm 1930). Những thách thức xã hội lớn, như nhu cầu cấp bách phải tạo ra các hệ thống thực phẩm công bằng và bền vững hơn, không thể được giải quyết theo cùng một cách như việc hạ cánh lên Mặt Trăng. Những hệ thống này bao gồm nhiều yếu tố công nghệ (trong trường hợp thực phẩm, điều này bao gồm mọi thứ từ năng lượng đến quản lý chất thải), và liên quan đến các tác nhân rộng rãi, thường không liên kết với nhau, cùng với một loạt các chuẩn mực văn hóa, giá trị và thói quen.
Việc chuyển đổi những hệ thống phức tạp như vậy đòi hỏi một danh mục các chương trình nhắm tới một mục tiêu chung, chứ không phải là một chiến lược nhằm chỉ đạo cách mỗi lĩnh vực hoặc một doanh nghiệp nên giải quyết phần việc của mình trong thách thức đó. Thay vì cố gắng làm đơn giản hóa sự phức tạp, những sứ mệnh thành công ngày nay sẽ đưa sự phức tạp đó làm trung tâm trong quá trình hoạch định chính sách.
Vì vậy, thành công phụ thuộc vào việc hiểu rõ những thứ không phải là các sứ mệnh. Trước hết, các sứ mệnh không
phải là các bài tập hoạch định từ trên xuống do các nhà hoạch định chính sách toàn năng chỉ đạo. Quá trình này phụ thuộc vào việc khám phá sáng tạo và cạnh tranh trong khu vực tư nhân để thúc đẩy thử nghiệm, nhằm tìm ra các giải pháp hiệu quả.
Các sứ mệnh cũng không đồng nghĩa với chính sách công nghiệp, nhưng chúng có thể (và có thể nói là nên) hình thành các chính sách đó và làm rõ mục tiêu hoặc các chỉ số thành công của chúng. Ví dụ, một chính sách nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh có nghĩa là gì? Liệu chúng ta đang nói đến việc tăng năng suất, xuất khẩu và GDP, hay là về mức lương và các hình thức tăng trưởng bền vững hơn? Cái sau sẽ yêu cầu một chỉ thị sứ mệnh, vì các thị trường tự chúng sẽ không nhất thiết mang lại kết quả như mong đợi.
Các sứ mệnh không chỉ liên quan đến chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đầu tư vào giáo dục chất lượng cao và nghiên cứu cơ bản không đòi hỏi một sứ mệnh. Chúng ta đã biết rằng việc làm như vậy mang lại lợi ích xã hội và kinh tế rộng lớn. Nhưng khi chúng ta muốn giáo dục và nghiên cứu giúp giải quyết một thách thức cụ thể, chúng ta cần một sứ mệnh. Ví dụ, nếu Vương quốc Anh hy vọng tận dụng hệ thống đổi mới sáng tạo của mình để giải quyết bất bình đẳng, họ phải đảm bảo rằng nguồn tài chính đóng góp vào sự đa dạng trong những gì đang được nghiên cứu, học hỏi hoặc phát triển.
Tương tự, tăng trưởng tổng thể không phải là một sứ mệnh. Dĩ nhiên, các sứ mệnh có thể khuyến khích sự hợp tác liên ngành, đổi mới sáng tạo và đầu tư nhằm đạt được một mục tiêu duy nhất, từ đó tạo ra các tác động lan tỏa về công nghệ, đóng góp vào năng suất và tạo việc làm, và cuối cùng tạo ra
tăng trưởng kinh tế. Nhưng sự tương tác qua lại phải được xây dựng vào các hợp đồng: các khoản trợ cấp, vay vốn và bảo lãnh cần phải có điều kiện rằng nó yêu cầu khu vực doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới sáng tạo để hình thành nên các hệ thống sản xuất và phân phối tốt hơn (bao gồm cả tính bao trùm và bền vững).
Ví dụ, Đạo luật CHIPS và Khoa học của Mỹ yêu cầu các công ty sản xuất vi mạch nhận được tài trợ công phải tái đầu tư lợi nhuận (thay vì mua lại cổ phiếu của chính họ) vào việc cải thiện điều kiện làm việc và chuỗi cung ứng tiết kiệm năng lượng. Khi được cấu trúc đúng cách như vậy, các sứ mệnh có thể tạo ra hiệu ứng nhân, thúc đẩy đầu tư kinh doanh lớn hơn và cuối cùng làm tăng GDP nhiều hơn cho mỗi đô la được đầu tư.
Việc chỉ đơn giản đồng ý với các mục tiêu tham vọng và có ý nghĩa xã hội là không đủ. Các sứ mệnh đòi hỏi một sự suy nghĩ lại một cách cơ bản về các công cụ và quy trình hoạch định chính sách. Đúng vậy, việc quy định các giải pháp cụ thể, xây dựng biểu đồ Gantt (quản lý dự án), và áp đặt yêu cầu báo cáo nặng nề sẽ không thu hút ai cả. Nhưng nó cũng đúng rằng việc cung cấp các khoản trợ cấp mà không có điều kiện cho doanh nghiệp sẽ không tạo ra loại tăng trưởng mà chúng ta mong muốn, cũng như không phục vụ lợi ích chung.
Các sứ mệnh đòi hỏi một khoản đầu tư đáng kể vào năng lực của khu vực công. Nếu không có điều này, chúng ta sẽ luôn nghe thấy rằng chính phủ hướng tới sứ mệnh chỉ là một giấc mơ viển vông – và đó chính là lập luận đã được sử dụng để biện minh trong nhiều năm qua về việc thuê các tư vấn viên tư nhân bên ngoài.
Khi chúng ta càng ít tin rằng chính phủ có thể làm được gì ngoài việc sửa chữa các thất bại thị trường, thì chúng ta càng ít đầu tư vào tiềm năng rộng lớn của khu vực công. Mặc dù không dễ dàng để định hướng đổi mới sáng tạo thông qua các chính sách chú trọng kết quả — vốn đổi mới từ dưới lên giữa các ngành và các quy trình liên bộ — nhưng điều này là khả thi. Vấn đề là chúng ta chỉ nhớ đến điều này trong những lúc chiến tranh hoặc khủng hoảng. Một lý do tại sao chúng tôi thành lập Viện Đổi mới và Mục đích Công cộng UCL là để thay đổi cách các dịch vụ công hướng đến kết quả được nhìn nhận, và đưa “lý thuyết kinh tế mới” về các chính sách hình thành thị trường vào ứng dụng thực tế.
Từ Australia và Thụy Điển đến Brazil, có thể tìm thấy những ví dụ tuyệt vời về các cơ quan đổi mới sáng tạo đang thử nghiệm những cách thức làm việc mới: thử nghiệm các giải pháp thông qua các dự án thí điểm và tích hợp các chương trình thành công vào các danh mục can thiệp lớn hơn. Những nỗ lực này cũng yêu cầu các sáng tạo tổ chức, từ việc tạo ra các vai trò mới cho đến việc thúc đẩy các văn hóa quản lý mới.
Chính phủ hướng tới sứ mệnh là yếu tố then chốt để đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm, cũng như để đối phó với những thách thức lớn mà các quốc gia đang phải đối mặt. Nó không cần phải đi theo một con đường cố định. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi những thay đổi cơ bản trong cách thức hoạt động của chính phủ, cùng với việc đầu tư nhiều hơn vào năng lực của khu vực công.
* Về tác giả:
Mariana Mazzucato
Writing for PS since 2015
Mariana Mazzucato, Professor in the Economics of Innovation and Public Value at University College London, is Founding Director of the UCL Institute for Innovation and Public Purpose, Co-Chair of the Global Commission on the Economics of Water, and Co-Chair of the Group of Experts to the G20 Taskforce for a Global Mobilization Against Climate Change. She was Chair of the World Health Organization’s Council on the Economics of Health For All. She is the author of The Value of Everything: Making and Taking in the Global Economy (Penguin Books, 2019), Mission Economy: A Moonshot Guide to Changing Capitalism (Penguin Books, 2022), and, most recently, The Big Con: How the Consulting Industry Weakens Our Businesses, Infantilizes Our Governments and Warps Our Economies (Penguin Press, 2023). A tenth anniversary edition of her book The Entrepreneurial State: Debunking Public vs. Private Sector Myths was published by Penguin in September.
Rainer Kattel
Writing for PS since 2021
Rainer Kattel is Deputy Director and Professor of Innovation and Public Governance at the UCL Institute for Innovation and Public Purpose.
Nguồn: Mariana Mazzucato and Rainer Kattel, “What Mission-Driven Government Means”, Project Syndicate, 7/5/2024.
Biên dịch: Phong trào Duy Tân.
Không có nhận xét nào