Tờ Bách Khoa của Huỳnh Văn Lang và người kế nhiệm Lê Ngộ Châu đã làm nên lịch sử báo chí miền Nam Việt Nam từ 1957-1975
Tác Giả:
07/12/2021
Bách Khoa số 1
Trong Nam, sau 1955 đã có một sự bùng nổ văn học do sự di cư của một triệu người miền Bắc. Cuộc di cư ấy gắn liền với sự hình thành cũng như tương lai phát triển lịch sử chính trị, kinh tế, học thuật, xã hội miền Nam trong đó có báo chí.
Không kể những tờ đi bước đầu như Nguồn Sống Mới, Đông Phương của Hồ Hữu Tường, Đời Mới với Hoàng Trọng Miên, tờ Xây Dựng với Võ Đức Diên cũng như tờ Sáng Dội miền Nam cũng của Võ Đức Diên.
Chỉ ít lâu sau hầu như chẳng còn ai nhắc tới những tờ báo đó nữa. Hình như đó chỉ là giai đoạn đầu, như một viên gạch lót đường cần thiết trong giai đoạn này mở đường cho những tờ báo sau này.
Ra quân sớm sủa nhất với tờ Sáng Tạo của Mai Thảo năm 1956. Rồi Bách Khoa với ông Huỳnh Văn Lang, 1957. Tiếp theo là Văn Hóa Ngày Nay với Nhất Linh năm 1958.
Cả hai tờ Sáng Tạo cũng như Văn Hóa Ngày Nay đều là những nhà văn chuyên nghiệp nắm vai chủ bút. Vậy mà chẳng bao lâu sau, tờ Sáng Tạo với khí thế ngất trời với những tuyên ngôn đầy lạc quan, hứa hẹn Đổi Mới. Một thứ Văn Học Hôm Nay. Nhưng lại chết yểu sau 31 tháng..
Rầm rộ như vậy mà chẳng bao lâu sau, Sáng Tạo đóng cửa lý do chính là vì hết nguồn tài trợ của Mỹ qua Trần Kim Tuyến.
VHNN xuất hiện số đầu ngày 27/6/1958 với 10.000 số báo. Nhưng sự tò mò háo hức ban đầu đã trở thành nỗi thất vọng. VHNN chỉ là Tự Lực Văn Đoàn thuở trước và tờ báo nhanh chóng bị bỏ rơi dù người chủ trương tờ báo là một tên tuổi lớn-Nhất Linh-.
Sự thất bại của Nhất Linh hiểu được là vì “Cái Vẫn Thế”. Độc giả thoạt đầu tìm đến Văn Hóa Ngày Nay vì tò mò muốn tìm một cái gì mới. Nhưng chỉ thấy “ bổn cũ soạn lại”.
Thực tế đã xác định thời cũ chỉ còn là một dĩ vãng.
Cái thời huy hoàng 1930-1945 không còn nữa. Cuộc di cư của một triệu người Bắc vào Nam một lần nữa đã bỏ lại sau lưng gần như toàn bộ quá khứ một nếp sống, nếp nghĩ, để hội nhâp vào xã hội mới theo một quy trình tất yếu tại miền đất mới. Lại nữa về nhân sự thì hầu hết những nhà văn chủ lực trong TLVĐ đều vắng mặt. Hoàng Đạo, Khái Hưng, Thạch Lam đã mất. Còn lại đều ở lại ngoài Bắc như Thế Lữ, Xuân Diệu. Những người mới trám chỗ như Duy Lam, Nguyễn Thị Vinh có thể chưa gánh nổi gia tài để lại của VHNN?
Sụ có mặt hay không có mặt của báo chí trong mỗi thời kỳ phải hiểu như một sự “đào thải tự nhiên” của hằng trăm tờ báo đã có mặt rồi không có mặt mà không thể viện dẫn những lý do chính trị để đổ lỗi hay lấp liếm mặt yếu nội tại của sự sống còn của một tờ báo.
Thực tế độc giả thích thì tìm đọc. Không thích thì bỏ rơi. Đơn giản chỉ có vậy!!
Sáng Tạo chết yểu. Bách Khoa tồn tại cho đến 1975
Sáng Tạo có đủ cái lợi thế để tồn tại lâu dài như Mới, Bước Đi Khai Phá, Mở Đường.
Tạp chí Sáng Tạo khua động, phất cờ gióng trống với lời tuyên bố của Mai Thảo trong số 1 tháng 10/1956:
“ Sàigòn thay thế cho Hà nội, từ một đô thị miền Nam trở thành thủ đô tinh thần của toàn thể đất nước. Sài gòn sáng tạo và suy tưởng”
(Thư từ bài vở do Mai Thảo phụ trách, Tiền bạc và ngân phiếu cho Đặng Lê Kim. Tòa soạn và trị sự tại 133B, đường Ký Con. Giá báo một năm 65 đồng kể cả cước phí. Trả tiền trước).
Lúc ấy chưa có điện thoại. Giá tiền báo cũng thấp so với giá hiện nay rất cao.
Vô tình lúc bấy giờ tờ Sáng Tạo đã đẩy lui một số nhà văn, nhà thơ lớp trước vào im lặng- tệ hơn nữa vào bóng tối.
Họ là những Đông Hồ, Vũ Bằng, Quách Tấn, Vũ Bằng, Thiên Giang, Thẩm Thệ Hà, Tam Lang, Vi Huyền Đắc.. Và tệ hơn cả là Nhất Linh với VHNN.
Tờ Sáng Tạo với những nhân sự trẻ là điểm thiết yếu nhất. Ngoài Mai Thảo còn có các thi sĩ như Thanh Tâm Tuyền( Dzư Văn Tâm), Quách Thoại, Cung Trầm Tưởng, Hoàng Anh Tuấn, Tô Thùy Yên. Và nhất là Nguyên Sa. Văn có Doãn Quốc Sĩ. Họa có Tạ Tỵ, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thái Tuấn.
Tuy vậy trên thực tế vẫn có những tác giả thuộc loại “ tiền chiến” như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng. Đồng thời một số nhà văn thuộc loại “độc lập” như Nguyễn Duy Diễn, Nguyễn Đình Hòa, Lê Thương, Lê Cao Phan, Lữ Hồ, Vũ Khắc Khoan, Tô Kiều Ngân,Lm Trần Văn Hiến Minh, Tạ Tỵ, Thanh Nam, Thảo Trường, Viên Linh, Trần Dạ Từ, Dương Nghiễm Mậu.. vv
Ngoài ra còn có hai nhân vật chính là Nguyễn Sỹ Tế và Trần Thanh Hiệp. Hai người được coi như “lý thuyết gia” của Sáng Tạo. Nguyễn Sỹ Tế với bài tham luận: Thần trí và Hồn tính của dân tộc Việt Nam ( Sáng Tạo, bộ cũ, số 4, tháng một, 1957).
Nhân sự như trên tuy vậy mà lỏng lẻo, chưa kết nối để thành một khối có một đường lối, một văn đoàn chặt chẽ.
Quách Thoại chẳng may chết sớm vì bệnh lao phổi. Nguyên sa chỉ cộng tác lúc đầu, sau lập ra tờ Hiện Đại. Cung Trầm Tưởng chỉ cộng tác một cách thưa thớt, tài tử.
Doãn Quốc Sĩ là người viết truyện dài khỏe nhất, nhưng từ hình thức đến nội dung chẳng có chỗ nào có điểm chung nào mới lạ như lòng mong đợi của Mai Thảo?
Cái yếu của Sáng Tạo là không có một người trách nhiệm quản lý, một người trông nom về tiền bạc, danh sách độc giả dài hạn, kế toán sổ sách, nhà in vv..
Nó cần một Thế Nguyên như Hành Trình, Đất Nước và Trình Bày. Một Trần Phong Giao cho tờ Văn của Nguyễn Đình Vượng và nhất là một Lê Ngộ Châu trên tờ Bách Khoa.
Và xin trích dẫn lời nhận xét hơi nặng tay của Nguyễn Hiến Lê: “ Thời đó, có một nhóm nhà văn trẻ di cư vào lập nhóm Sáng Tạo, muốn làm một cuộc cải cách, nhưng họ không đủ kiến thức, tài năng, chỉ hô hào chống Cộng, điểm này không có gì là mới cả cũng không sâu sắc, vì họ ít đọc sách, vì họ ít đọc sách báo ngoại quốc và đả đảo lối viết của Tự Lực Văn Đoàn trước kia mà người cầm đầu Sáng Tạo.. Mai Thảo lại có bút pháp cầu kỳ “ làm duyên làm dáng” không hợp thời chút nào, chính họ cũng không theo. Rốt cuộc chẳng được tiếng vang nào cả” (Trích Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê, trang 548, nxb Văn Học, 2006)
Nhưng dù nói cách nào, dù chê trách đi nữa, Sáng Tạo có mặt như một thao thức của giới trẻ muốn chặt cầu với cái cũ đem lại một không khí mới, tự do và đầy phấn khởi, giới thiệu cái ngày hôm nay, kể cả cái ngày hôm nay cũng chưa định hình và cũng chưa hiện rõ ra là cái gì.
Phải khẳng định là Sáng Tạo đem lại triển vọng sau này của thập niên 1960 cho lớp nhà văn trẻ nam và nữ. Sáng Tạo dù không còn nữa thì nó vẫn là một hoài bão, một khát vọng chân thành cho giới trẻ, một mở đường cho lớp người viết mới sau này.
Bách Khoa thời ông Huỳnh Văn Lang
Giáo sư Huỳnh Văn Lang
Dựa trên cuốn Nhân Chứng Một Chế Độ của ông Huỳnh Văn Lang cũng như bài Phỏng vấn HVL của bà Tà Cúc trên báo Khởi Hành mà ông đã gửi cho tôi cũng như những cuộc điện đàm giữa tôi và ông xin lược tóm một số điểm sau đây về tờ Bách Khoa.
Thoạt tiên, các ông Lê Thành Cường, Đỗ Trọng Chu và Huỳnh Văn Lang là những người sáng lập ra trường Bách Khoa Bình Dân. Từ đó họ có ý ra một tờ báo lấy tên Bách Khoa.
Và phải mất gần hai năm dự định, Bách Khoa ra đời với 30 người chung nhau góp vốn, mỗi người 1000 đồng.
Ở tờ bìa sau của tờ báo, trong suốt năm đầu với 26 số báo đều có tên của các vị đó. Phần đông họ là các chuyên viên mà một phần ba là chuyên viên ngân hàng làm việc dưới quyền ông HVL. Họ không phải người viết báo cũng không một ai là nhà văn.
Trong 24 số báo đầu tiên, năm 1957, có Hoàng Minh Tuynh với 18 bài. Phạm Ngọc Thảo 14 bài, Huỳnh Văn Lang 14 bài, Nguyễn Hiến Lê 10 bài, Đặng Văn Nhâm 8 bài, Võ Phiến 7 bài, Nguyễn Hữu Ngư, tức Nguyễn Ngiu Í 6 bài, Mặc Thu 5 bài, Bình Nguyên Lộc, Vi Huyền Đắc dịch 4 bài, Ỹa Hạc dịch 4 bài.
Trên đây là danh sách mà HVL trao cho tôi.
Nhưng thật ra còn có khoảng hơn 20 người viết khác có “tên tuổi” không được nêu tên như:
Trần Văn Khê, Cô Liêu, Phan Lạc Tuyên, Tạ Ký, Phan Khoang, Phạm Hoàng Hộ, Bùi Giáng, Nguyễn Văn Trung, Hoàng Thái Linh ( Một bút hiệu của NVT), Lm tuyên Úy Nguyễn Huy Lịch, Thiên Giang..vv..
Đặc biệt có hai người trẻ từng cộng tác với Nam Phong(1917-1932) là Đông Hồ và Tương Phố cũng có mặt như một nối tiếp hai thế hệ.
Bách Khoa Đã Tự túc Về Tài Chánh
Đây là điều cần được nhấn mạnh và cần đặc biệt quan tâm. Các sinh hoạt văn hóa thời sau 1954 đều bị lệ thuộc vào chính trị trong thế đối đầu với miền Bắc. Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, ông Ngô Đình Nhu qua Trần Kim Tuyến đã gián tiếp tài trợ cánh miền Bắc ra các tờ như tờ Cách Mạng Quốc Gia, tờ Tự Do và Sáng Tạo.
Phía miền Nam và nhóm cựu kháng chiến qua HVL đã không nhận tiền tài trợ của chính phủ.
Số tiền đóng góp ban đầu của 30 người là 295.000 của Hội(có một người chỉ đóng góp 500 là ông Lê Thành Cường- một trong ba người là ủy viên sáng lập). Từ đó ông đã mua nhà in Văn Hóa, số 412-414, đường Trần Hưng Đạo. Nhất là mua căn nhà 160 đường Phan Đình Phùng, sau là tòa soạn đồng thời là chỗ ở của ông Lê Ngộ Châu.
Chưa kể, để có thể điều hành và in báo, có sự tài trợ gián tiếp của các doanh nghiệp và nhà băng như: Banque Franco-Chinoise, Air Laos, Cigarette Mélia, hãng rượu Bình Tây, Bank of China, hãng đồng hồ Vina, Pháp Á Ngân Hàng, The Chartered Bank, hãng Phân Thần Nông, hãng giày Bata, công ty Bảo Hiểm Pháp Á, Việt Nam Bảo Hiểm Phật Bà.
Sự tài trợ ấy kéo dài ngay cả khi ông HVL giao tờ báo cho ông Lê Ngộ Châu, các hãng vẫn tiếp tục đăng quảng cáo như trường hợp hãng BGI trong suốt gần 20 năm.
Đây là một chi tiết do chính người trong cuộc tiết lộ mà người bàng quang không biết tới và phần đông độc giả cũng không biết.
Tờ báo không thể tự nuôi sống mình nếu không có sự tài trợ qua các quảng cáo.
Cũng năm 1972, ông HVL được giải thưởng Văn Bút 100.000 đồng, ông cũng trao hết lại cho ông Châu.
Vì thế, nếu không có HVL không có tờ Bách Khoa, ngay cả về sau này.
Nói cho công bằng tờ Bách Khoa không thể tồn tại nếu không có hai người: ông Huỳnh Văn Lang và ông Lê Ngộ Châu. Kẻ có công, người có của. Kẻ đặt móng, kẻ xây nhà.
Ông HVL sau này có buồn phiền vì lẽ đó.
Phần ông HVL xác nhận thêm một lần nữa là: “Phần tôi đỡ gạt được bao nhiêu thì tôi cố, vì cho rằng độc lập của tờ báo là bảo đảm tự do tư tưởng mà tự do tư tưởng là giá trị vô giá của một chế độ dân chủ” ( trích trang 426-427, Nhân chứng một chế độ, Tập I, HVL)
Chủ đích của tạp chí Bách Khoa lúc đầu là Giáo dục, giảng dạy luân lý tôn giáo và cổ súy cho chế độ đệ I Cộng Hòa
Chủ đích này thể hiện rõ ràng ngay từ số đầu đã có những trích dẫn những tư tưởng của TT, Ngô Đình Diệm được rút ra từ các bài diễn Văn của ông. Đồng thời trong những biến cố chính trị như vụ đảo chánh 11/11/1960 của nhóm Nguyễn Chánh Thi, HVL đã có bài viết: “ Những kẻ phản loạn”, HVL lên án vụ đảo chánh một cách gay gắt và thẳng thừng.
Nay lịch sử đã sang trang và có đủ thời gian để nhìn lại công hay tội của chế độ Đệ I Cộng Hòa cũng như vai trò người Mỹ trong việc lật đổ và giết anh em ông Diệm!!
Việc làm ấy của ông HVL có thể hiểu được trong một bối cảnh chính trị tranh đấu một mất một còn với cộng sản từ miền Bắc.
Nhưng rồi những ân oán chính trị rồi cũng phôi pha nhường chỗ lại cho văn học!!
Nói chung, cứ có chỗ trống nào trong tờ báo thì tòa soạn nhét cho bằng được các lời tuyên bố của TT Ngô Đình Diệm, các câu châm ngôn, các tư tưởng người xưa, các câu khuyết danh, hoặc trong Cổ Học Tinh Hoa.
Đó cũng là sắc thái đặc biệt tiếp nối một truyền thống đã có từ các tờ Nam Kỳ Địa Phận, Lục Tỉnh Tân Văn, Đông Dương tạp chí và Nam Phong tạp chí.
Trong các tác giả sau này giữ đúng truyền thống cổ truyền phải kể đến Nguyễn Hiến Lê không phải dạy đời mà nêu gương sáng từ các danh nhân.
Bài viết đầu tiên của Nguyễn Hiến Lê trên Bách Khoa là bài: “Heinrich Schliemann: “Một người trong hơn 40 năm chỉ ao ước được đào đất”.
Nếu hỏi ai là người viết nhiều nhất trên Bách Khoa trong suốt 426 số? Trong đó có 242 số có bài của Nguyễn Hiến Lê. Và bài cuối cùng của ông là số 424 trên Bách Khoa. Tôi không nghĩ không dễ cho bất cứ ai có thể làm được điều đó, mặc dầu viết nhiều chưa phải là tiêu chuẩn giá trị văn học..
Người thứ hai là Võ Phiến, tên thật là Đoàn Thế Nhơn bút hiệu khác là Tràng Thiên. Ông để lại một gia tài văn học đủ loại từ truyện ngắn, truyện dài, truyện dịch, nhất là các tập Tùy Bút, Tạp Bút mà nhiều người công nhận dó là những mặt thành công nhất của ông. Nhiều nhà văn so sánh Tùy Bút của Nguyễn Tuân với Võ Phiến không hề thua kém mà còn có phần hơn vì tính đa dạng.
Và nếu ngày nay hỏi lại ai là linh hồn của tờ Bách Khoa thì ai bây giờ? Võ Phiến hay Nguyễn Hiến Lê? Thì cứ rộng rãi cho cả hai mà mỗi người một vẻ. Nhưng xét về mặt văn học thì Võ Phiến là một nhà văn có chỗ đứng biệt lập trong văn học. Ông không theo thời thượng, cũng không thấy ảnh hưởng các trào lưu tư tưởng Tây Phương. Còn Nguyễn Hiến Lê được coi như một học giả.
Sau đây là câu trả lời minh xác của Nguyễn Hiến Lê thay cho tất cả những ai khác: “ Vì tôi cộng tác đều đều với Bách Khoa, từ đầu tới cuối, lại viết nhiều về nhiều vấn đề, nên độc giả có người cho tôi là cây viết cốt cán của tạp chí, tưởng tôi là một nhân viên quan trọng tòa soạn nên có bài muốn gửi đăng thì gửi cho tôi nhờ tôi giới thiệu với ông chủ nhiệm Le Ngộ Châu. Tôi đọc kỹ những bài họ viết rồi cũng đưa ý kiến với ông Châu, nhưng cũng cho biết sự quyết định đăng hay không là ở cả ông Châu…
( Trích Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê, trang 553)
( ghi chú. Toàn bộ 426 số Bách Khoa đã được Phạm Phú Minh, chủ bút Diễn Đàn Thế Kỷ 21 số hóa và Upload trên Internet để độc giả dễ dàng tham khảo)
Từ Huỳnh Văn Lang đến Lê Ngộ Châu đến các tác giả viết cho Bách Khoa
Nhà báo Lê Ngộ Châu
Ngày nay, điều mà ông HVL mong mỏi là mọi người cần nhìn lại vai trò người sáng lập, người tài trợ và người chủ nhiệm đầu tiên. Theo ông HVL, lúc đầu, ông cần một thư ký tòa soạn và ông Hoàng Minh Tuynh đã giới thiệu ông Lê Ngộ Châu. Và cứ mỗi hai tuần là ông Châu phải mang bài vở đến để ông HVL duyệt và cho đăng. Lúc đầu in 2000 số mà chỉ bán được vài trăm số và chỉ có vài chục độc giả mua dài hạn.
Ở giai đoạn 1963, ông HVL có quyền tự hào đã kiếm ra được người kế nhiệm-từ vai trò thư ký-đảm nhiệm thêm vai trò chủ bút, chủ nhiệm, quản lý và đã thành công. Sự thành công của ông Lê Ngộ Châu một cách nào đó đem lại vinh dự cho cả người sáng lập.
Sự kế thừa ấy, Lê Ngộ Châu đã làm nên cả một sự nghiệp Văn Học cho miền Nam Việt Nam.
Sự khám phá ra Nguyễn Thị Hoàng, sau này trở thành nổi tiếng cũng từ Bách Khoa. Ngoài ra còn Túy Hồng, Nguyễn Mộng Giác, Thế Uyên đều từ Bách Khoa mà lớn lên.
Theo Nguyễn Hiến Lê viết lại : “ Khi báo có uy tín rồi, từ 1960 trở đi, Ông Châu tập họp thêm được một số cây viết trẻ, từ đó báo đăng nhiều bài có giá trị cả biên khảo lẫn sáng tác và chính nhờ hợp tác với Bách Khoa mà những cây viết đó nổi tiếng như Vũ Hạnh, Võ Phiến, Lê Tất Điều, Cô Liêu, Ngu Ý, Phạm Việt Châu, Phan Văn Tạo, Đoàn Thêm( Hai nhân vật sau đều là những viên chức cao cấp trong chính quyền Ngô Đình Diệm). Nhất là các nữ tiểu thuyết gia Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Thụy Vũ, Túy Hồng.”( Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, trang 545)
Cũng theo Nguyễn Hiến Lê : “ Ông Châu làm việc rẩt siêng, đọc hết mọi bài đã nhận được, đăng được hay không đều báo cho tác giả biết. Ông nhận rằng, ông đã bỏ lầm một số bài rất khá. Tôi mến ông vì ông có tinh thần trách nhiệm, làm việc đàng hoàng, biết cương quyết giữ vững chủ trương cả khi tờ báo suy, biết xét người, xét văn và có tình với người cộng tác. Ai gặp tai nạn thì ông lại nhà thăm, tìm mọi cách giúp đỡ.” ( Trich Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê, trang 553).
Sau này còn quy tụ các nhóm triết học với Nguyễn Văn Trung, 50 bài, Lý Chánh Trung, Trần Thái Đỉnh, 30 bài, Nguyễn Trọng Văn, Tam Ích, Phạm Công Thiện vào những năm 1961.
Triết Đông Phương có Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Đăng Thục, Kim Định, Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi.
Ngôn ngữ học có Trương Văn Chình, Nguyễn Hiến Lê, Lê Ngọc Trụ, giáo sư Trần Ngọc Ninh, Nguyễn Bạt Tụy.
Lớp thế hệ già có: Cung Giũ Nguyên, Vi Huyền Đắc, Đông Hồ, Hư Chu, Toan Ánh, Quách Tấn, Tương Phố, nữ sĩ Mộng Tuyết, Giản Chi Nguyễn Hữu Văn, Đông Xuyên, Vương Hồng Sển, Nguyễn Văn Hầu.
Lớp trí thức như: Đoàn Thêm, Trần Thúc Linh, Hoàng Minh Tuynh, Đỗ Bằng Đoàn, Hồ Hữu Tường, Trần văn Khê, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Ngọc Lan.
Lớp nhà văn như: Võ Phiến, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Văn Xuân, Nguyến Đức Sơn, Tạ Tỵ, Bùi Giáng, Lê Tất Điều, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Ngu Í, Châu Hải Kỳ, Quốc Sĩ, Minh Đức Hoài Trinh, nữ sĩ Minh Quân, Phương Đài, Thanh Lãng, Vũ Hạnh, Đỗ trọng Huề, Hà Thượng Nhân, Mai Trung Tĩnh, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Sơn Nam, Lôi Tam, Thạch Trung Giả, Phạm Thiên Thư, Văn Thanh, Nguyễn Đình Toàn, Văn Quang, Phạm Ngọc Thảo, Minh Phong (tức bà Phạm Thị Nhiệm, vợ Phạm Ngọc Thảo), Bùi Văn Thịnh, Nguyễn Quang Lệ, Nguyễn Thị Châu, HỮu Phương, Nguyễn Hữu Chi, họa sĩ Phạm Tăng, Vũ Bảo, Mặc Thu, Đặng Văn Nhâm, Phan Du, Đỗ Tiến Đức, Lê Phương Chi.
Bấy nhiêu nhà văn, học giả hầu như không thiếu một ai- trừ Bình Nguyên Lộc có nhà xb riêng- đã góp mặt làm nên tờ Bách Khoa.
(Chú thích. Tất cả những bài viết, tư liệu này đã được đăng trên tạp chí Tân văn, số 6, tháng 1/2008, Số đặc biệt về Bách Khoa với Huỳnh Văn Lang và Lê Ngộ Châu, cộng với các truyện ngắn đã được đăng trên bách Khoa. NVL)
Nhận xét chung về Bách Khoa và những người cộng tác trong
Một tờ báo thành công- dù ở bất cứ thời điểm nào- là công khó của nhiều người.
Nếu giai đoạn tờ Nam phong 1917-1932 để được coi là một tạp chí “Bách Khoa Tự điển” kết hợp được tất cả tư tưởng của mọi ngành học thuật ảnh hưởng tới học giới là nhờ những cây bút như: Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Đôn Phục,Nguyễn Mạnh Bổng, Nguyễn Tiến Lãng, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Trọng Thuật và đặc biệt có hai người trẻ là Đông Hồ và Tương Phố.
Có thể nói, con đường học thuật kể từ Nam Phong đến Bách Khoa là khoảng cách kéo dài với nhiều cột mốc chính trị 1930-1945, rồi 1946-54 với những khoảng trống văn học. Nhưng tất cả những điều ấy được tiếp nối một cách may mắn ở miền Nam và chỉ cần chuyển hai từ Nam Phong thành Bách Khoa thì có thể đều đúng cả.
Những điều gì Nam Phong chưa làm, Phạm Quỳnh chưa viết, hoặc chưa đủ điều kiện, hoặc chưa phải lúc thì Bách Khoa và các tạp chí khác đã tiếp nối.
Chẳng hạn về các mặt ngôn ngữ, về mặt tiểu thuyết và thi ca, về mặt dịch thuật và biên khảo, về mặt triết học Đông –Tây và sử học.
Bách Khoa là tập san dạy cho bất cứ ai khi còn ngồi ghế nhà trường và cả khi rời khỏi ghế nhà trường.
Nó là sự kéo dài từ trường học đến trường đời. Cái gì chưa học ở nhà trường thì học ở đây.
Điều đó một lần nữa nói lên rằng, tờ Bách khoa đóng góp cho nhu cầu văn hóa nghệ thuật, là một hành trang giúp giới thanh niên vào đời.
Cho nên, nói một cách công bằng, những người như Huỳnh Văn Lang, Lê Ngộ Châu, Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, Nguyễn Ngiu Í và nhiều văn giới khác trong vai trò của mình đã là những nền tảng xây dựng nên gia tài văn học miền Nam nói chung.
Điều ấy đã không xảy ra ở miền Bắc trong suốt 20 năm miền Nam.
Nhưng phải nhìn nhận với nhau rằng: họ không là tất cả. Phải khẳng định một lần cho tất cả để đừng ai nhen nhúm ý tưởng “ông trùm” văn học hoặc do sự tâng bốc quá đà của những người cầm bút khác. Khen một người có thể hại người khen trước hết và gây bất bình cho tất cả. Cái hại là người được khen tin tưởng là thật. Ý tướng “ ông trùm” hẳn đã có nên ông HVL mới nhắc nhở như sau.
Ông Huỳnh Văn Lang trong Nhân Chứng một chế độ, tập I đã khẳng định :” Võ Phiến chỉ là một người cộng tác viết bài như những người khác ( trang 418)
Nguyễn Hiến Lê cũng khẳng định như vậy: “ Võ Phiến chỉ là cây bút viết đều, viết nhiều cho Bách Khoa, không hề giữ vai trò quy tụ, điều hành nào của tờ báo.”(Hồi ký Nguyễn Hiến Lê,nxb Văn Học, 414-431).
Tại sao cả HVL lẫn Nguyễn Hiến Lê đều muốn xác minh một điều mà lẽ thường không cần phải xác minh?
Riêng cá nhân người viết bài này cho thấy tờ Bách Khoa trở nên sinh động và lôi cuốn là còn nhờ vào những bài phỏng vấn đủ loại của Nguyễn Ngiu Ý. Phỏng vấn của ông trên Bách Khoa về các tác giả trên các lãnh vực âm nhạc, hội họa, văn học đã giúp người đọc thích thú với chính các tác giả trong các bộ môn liên hệ.
Cuối cùng cũng phải nhìn nhận Bách Khoa đã có một thời của nó trên vòm trời văn học!!
Và chúng ta cũng đừng vội quên rằng trước và sau Bách Khoa đã có Sáng Tạo và sau này có nhiều báo chí, nguyệt san ra đời với chuyên đề và phong cách riêng như một “hiện tượng trăm hoa đua nở” đa dạng và rất có thể “sáng nở tối tàn” như tạp chí Văn Hóa Á Châu của giáo sư Nguyễn Đăng Thục, Quê Hương của giáo sư Nguyễn Cao Hách, Tin sách của giáo sư Thanh Lãng, Luận Đàm của Tổng Hội giáo chức với các cụ Thẩm Quỳnh và Nghiêm Toản..Hiện Đại của thi sĩ Nguyên Sa, Thế Kỷ Hai mươi của giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch.
Trong đó, khi đã trưởng thành, tôi thú nhận ít còn tìm đọc Bách Khoa như thời trẻ mà tìm đọc tập san Quê Hương hay Văn Hóa Á Châu.
Nó đáp ứng được những khao khát học hỏi của một người trí thức trẻ muốn tìm hiểu học hỏi về kinh tế chính trị một cách sâu sắc.. Ngay khi ở Hải ngoại, tôi cũng tìm lại tập san Quê Hương để làm tài liệu.
Hơn thế nữa, những chủ trương chống cộng của Bách Khoa lúc đầu xem ra đã lỗi thời và chỉ còn là những khẩu hiệu sói mòn thập niên 1960.
Những biến động chính trị trong thời gian này, sôi nổi lôi kéo nhiều trí thức, chính khách vào cuộc buộc những người trẻ có một thái độ như trong “Tuyên ngôn Caravelle” của nhiều chính trị gia như Trần Văn Văn, Phan Khắc Sửu, Trần văn Hương, Nguyễn Lưu Viên, Trần Văn Đỗ, Lê Ngọc Chấn, Lê Quang Luật, Lương Trọng Tường, Nguyễn Tăng Nguyên, Phạm Hữu Chương, Trần Văn Tuyên, Tạ Chương Phùng, Trần Lê Chất và linh mục Hồ Văn Vui.
Xem ra nay nó vượt khuôn khổ và khung trời hạn hẹp của tạp chí Bách Khoa.
Và xin ngừng ở đây của bài viết này và xin trích dẫn triết gia E. Mounier trong bài viết của tôi:Trí thức miền Nam nhập cuộc. “Đôi khi lịch sử cũng ban thưởng cho kẻ cứng đầu, và một hòn đá đặt đúng chỗ, có thể chuyển hướng cả một dòng sông.”
Lời trên như một khích lệ chúng tôi lên đường, vào cuộc, giã từ quá khứ, “ Rời bỏ nền văn chương trú ẩn”( Nguyên Sa)
Tờ Bách Khoa của Huỳnh Văn Lang và người kế nhiệm Lê Ngộ Châu đã làm nên lịch sử báo chí miền Nam Việt Nam từ 1957-1975 | Đàn Chim Việt Online - Thông tin - Chính trị - Nghị luận
Không có nhận xét nào