Kim Lê / The Leader VN
22/11/2024
"... Giống như việc đeo khẩu trang để tránh khói bụi, phàn nàn về đường xá tắc nghẽn nhưng không chấp nhận rằng chính chúng ta là một phần tạo ra khói bụi và sự tắc nghẽn đó. Đã bao nhiêu năm, người Việt Nam đeo khẩu trang đi ra đường và chấp nhận không khí khói bụi như một lẽ thường. Không ai phản kháng và nghĩ rằng, chúng ta cần đấu tranh cho một tương lai hít thở một bầu không khí trong lành phải là một nhu cầu cơ bản...".
"Đã bao nhiêu năm, người Việt Nam đeo khẩu trang đi ra đường và chấp nhận không khí khói bụi như một lẽ thường". Ảnh: Hoàng Anh
Có lẽ đã đến lúc thay đổi góc nhìn về triển vọng và thực tiễn của sự phát triển bền vững tại Việt Nam.
Mới đây, tôi tham gia một buổi phỏng vấn truyền hình về bức tranh kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Khi kết thúc phỏng vấn, chị phóng viên thở dài: “Nghe có vẻ không mấy hấp dẫn nhỉ”. Chị phóng viên chia sẻ về việc chủ yếu các bên đang nhấn mạnh câu chuyện “cơ hội khi chuyển đổi kinh tế tuần hoàn” và sự “phát triển sôi nổi”.
Tôi chỉ trả lời: “Có lẽ nó không hấp dẫn, nên đừng khiến công chúng nghĩ rằng nó đang rất hấp dẫn”.
Chúng ta đang ở đâu trên tiến trình phát triển bền vững?
Vài tháng trước, tôi có cái nhìn khá tích cực về những chuyển động của tiến trình phát triển bền vững. Chẳng hạn, thay vì phải nài nỉ mọi người đi dự hội thảo, khóa tập huấn về phát triển bền vững thì đến nay, doanh nghiệp đã chủ động chi tiền để được tiếp cận thông tin, kiến thức, kinh nghiệm.
Hoặc những khung như ESG (môi trường, xã hội, quản trị), chỉ thị báo cáo phát triển bền vững CSRD, khái niệm kinh tế tuần hoàn đang ngày càng được phổ biến.
Tuy nhiên, đến hiện tại, nếu nhận được câu hỏi “liệu có thấy tiến trình phát triển bền vững của Việt Nam đang đạt được nhiều kết quả”, câu trả lời của tôi có lẽ sẽ khác đi đôi chút.
Tôi công nhận chúng ta đã đạt được một số kết quả, chủ yếu về mặt nhận thức. Tuy nhiên, kết quả trên thực tiễn, với những gì chúng ta đã làm được, so sánh với hiện trạng môi trường đang phải đối diện, chỉ như muối bỏ bể. Việt Nam có thể mới đang chạm đến bề mặt của tảng băng phát triển bền vững, theo một cách rất chậm chạp.
Suy nghĩ đó chợt đến sau khi tôi mắc một trận ốm, ho rũ rượi giữa không khí nóng bức, ngột ngạt của TP.HCM. Những vấn đề hô hấp và sự mệt mỏi biến mất khi tôi có một chuyến đi ra khỏi thành phố và hít thở không khí trong lành hơn.
Cái gì ở trong không khí của TP.HCM? Là dấu hiệu môi trường đã thực sự đến tới hạn và ảnh hưởng tới sức khoẻ một cách rõ rệt, là chỉ cần rời khỏi bầu không khí đó, sức khoẻ tốt lên đáng kể? Đã có bao nhiêu người dành nhiều năm gắn bó với một vùng đất nhưng sau cùng lại chọn rời bỏ vì những vấn đề sức khỏe?
Cũng như việc, sáu năm làm việc của tôi trong lĩnh vực phát triển bền vững, có những thành quả - nhưng thành quả đó có tạo nên hiệu ứng hay một kết quả nhìn thấy được đối với môi trường tại Việt Nam? Tôi không chắc, và so sánh với hiện trạng ô nhiễm môi trường và không khí, lại càng không có.
Tôi cảm thấy mông lung về những nỗ lực của mình, cũng cảm thấy thật bế tắc khi chứng kiến những hoạt động truyền thông về phát triển bền vững mà nhiều doanh nghiệp đang triển khai.
Sau tất cả, cách tiếp cận của chúng ta về phát triển bền vững mới ở bước đầu, giống như phát si rô ho trong một căn phòng đầy khói bụi, hoặc một miếng dán ngoài da cho khối u trong cơ thể. Chúng ta chỉ chữa triệu chứng, cảm thấy khỏe hơn chút xíu dù căn bệnh ngày càng trầm trọng hơn, y hệt như những vấn đề môi trường và khí hậu đang phải đối diện.
Cơ hội hay trách nhiệm?
Sáu năm trước, tôi nhận được email tuyển dụng về vị trí quản lý phát triển bền vững cho một nhãn hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) lớn. Vị trí đó, như mô tả công việc, nằm dưới sự quản lý của bộ phận truyền thông và thương hiệu.
Điều đó giống như việc chúng ta đang tiếp cận phát triển bền vững theo hướng “cơ hội thị trường” và coi như một chiến lược thương hiệu. Tức là, đặt phát triển bền vững dưới quyền bộ phận truyền thông, doanh nghiệp đang cho phép thực hiện phát triển bền vững như một dạng cơ hội: Nếu đem lại lợi ích (thường là về lợi nhuận) thì thực hiện, thay vì coi đó như điều phải làm để giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội.
Cách tiếp cận đó mang tính cơ hội hơn là trách nhiệm.
Điều này được phản ánh qua cách chúng ta nhìn nhận một số tiêu chuẩn xanh như ESG hoặc khái niệm kinh tế tuần hoàn. Giống như mong muốn của chị phóng viên đài truyền hình được nhắc đến ở đầu bài viết, thông qua ESG, “xanh”, “tuần hoàn”, doanh nghiệp kiếm được lợi nhuận tài chính.
Phương pháp này ứng dụng trong truyền thông có thể hiểu theo hướng tích cực bởi nó đánh vào tâm lý FOMO (sợ bị bỏ lỡ - fear of missing out), tức doanh nghiệp sợ không theo kịp thời đại và bỏ lỡ cơ hội.
Cũng với tư duy đó, doanh nghiệp thực hiện báo cáo ESG, kiểm kê khí thải nhà kính – những trách nhiệm cơ bản để thể hiện khả năng vận hành và quản lý các tác động của doanh nghiệp – nhưng lại dùng chúng để truyền thông.
Có lẽ, đây là dấu hiệu cho thấy một thị trường thiếu chất lượng, một xã hội thiếu trách nhiệm và niềm tin khi thông tin truyền thông ra thị trường là những yêu cầu cơ bản, giống như “sản phẩm an toàn, có trách nhiệm”. Những điều cơ bản đó không nên trở thành một lợi thế cạnh tranh mà nên là một tiêu chuẩn để doanh nghiệp được vận hành và sản phẩm được phép phát hành trên thị trường.
Tôi thấy hụt hẫng vì điều đó, và vì chúng ta đang phải “thêu hoa”, vẽ ra những lợi ích dựa trên trách nhiệm cơ bản để “thúc đẩy doanh nghiệp nắm lấy cơ hội”.
Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi góc nhìn, yêu cầu doanh nghiệp thay đổi thông qua tích hợp phát triển bền vững như một yếu tố cần có trong cách vận hành.
Bà Kim Lê, Nhà sáng lập, CEO Công ty tư vấn CL2B
Điều này dường như mâu thuẫn với điều chúng ta đã nhận ra rằng mô hình kinh doanh cũ, tức là làm kinh doanh theo hướng tìm ra những “cơ hội” và tập trung vào lợi nhuận, sẽ không thể đem lại tương lai bền vững.
Đã đến lúc nhìn thẳng vào sự thật: Nếu doanh nghiệp xem phát triển bền vững là một chiến lược thị trường và tiếp cận chúng theo hướng tìm kiếm cơ hội, chúng ta sẽ mãi xa rời với thực tế. Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi góc nhìn, yêu cầu doanh nghiệp thay đổi thông qua tích hợp phát triển bền vững như một yếu tố cần có trong cách vận hành.
Hoặc nói cách khác, chúng ta cần yêu cầu một hệ thống, không chỉ doanh nghiệp mà cả từng cá nhân, và một hệ thống pháp chế đưa sự phát triển bền vững, giảm thiểu tác động lên môi trường, xã hội là điều cơ bản. Luật pháp cần phải đánh giá lại về các yêu cầu tối thiểu của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội.
Bởi, xin nhắc lại, phát triển bền vững không nhằm mục đích gia tăng doanh thu, cải thiện danh tiếng và nâng cao khả năng tiếp thị. Bền vững là trách nhiệm cơ bản của mỗi con người, mỗi doanh nghiệp với tác động do chính mình gây ra. Chúng ta có làm, có lợi, phải dám nhận diện và hành động để giảm thiểu những tác động đó.
Tư duy đưa “ô nhiễm môi trường” trở thành cơ hội thị trường, cơ hội cạnh tranh, có lẽ đối với tôi, là một dấu hiệu thất bại của nền kinh tế, xã hội đang đi đến những rủi ro về niềm tin, trách nhiệm và sự tín nhiệm.
Giống như việc đeo khẩu trang để tránh khói bụi, phàn nàn về đường xá tắc nghẽn nhưng không chấp nhận rằng chính chúng ta là một phần tạo ra khói bụi và sự tắc nghẽn đó. Đã bao nhiêu năm, người Việt Nam đeo khẩu trang đi ra đường và chấp nhận không khí khói bụi như một lẽ thường. Không ai phản kháng và nghĩ rằng, chúng ta cần đấu tranh cho một tương lai hít thở một bầu không khí trong lành phải là một nhu cầu cơ bản.
Mới đây, sau sáu năm, một lần nữa tôi nhận được thông báo trên mạng xã hội tuyển dụng LinkedIn, về vị trí quản lý phát triển bền vững của nhãn hàng FMCG đó, vẫn dưới quyền của truyền thông và thương hiệu.
https://theleader.vn/chung-ta-da-di-bao-xa-tren-con-duong-phat-trien-ben-vung-d38027.html
Không có nhận xét nào