22/11/2024
"... Dù phạm vào "tham nhũng", nhưng có lẽ chắc khó có hình phạt thích đáng. Và vì vậy, kỷ lục về quan chức cao cấp nhứt bị xử mạnh tay nhứt có lẽ vẫn tiếp tục duy trì sau 75 năm qua. Đó là Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu(nay là Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng) bị xử tử hình vào ngày 06/09/1950, do phạm tội tham nhũng".
Hai hôm nay, dân tình lại xôn xao về hai cựu Tứ trụ bị thôi chức giữa chừng nay lại bị đem ra xem xét kỷ luật.
Một là cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bị cảnh cáo, một là cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng được tạm hoãn do...bệnh. Riêng một cựu Chủ tịch nước nữa thì đang treo đấy.
Dù phạm vào "tham nhũng", nhưng có lẽ chắc khó có hình phạt thích đáng. Và vì vậy, kỷ lục về quan chức cao cấp nhứt bị xử mạnh tay nhứt có lẽ vẫn tiếp tục duy trì sau 75 năm qua. Đó là Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu(nay là Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng) bị xử tử hình vào ngày 06/09/1950, do phạm tội tham nhũng.
Và trớ trêu thay, người đầu tiên khởi đơn tố cáo Đại tá Trần Dụ Châu lại là một nhà thơ nổi tiếng: Đoàn Phú Tứ.
Lịch sử ghi nhận rằng: Đại tá Trần Dụ Châu khi đảm nhiệm Cục trưởng Cục Quân nhu đã biển thủ công quỹ, bớt xén quân trang, áo trấn thủ, phần ăn của bộ đội khiến các binh sĩ khốn khổ. Và bản thân hắn ta cùng thuộc hạ lại sống rất xa hoa, đỉnh điểm là sự kiện xảy ra trong tiệc cưới sang trọng của thuộc cấp.
Trần Dụ Châu khi ấy có mời nhà thơ Đoàn Phú Tứ (đang là Đại biểu Quốc hội khóa 1) tham dự tiệc cưới, và yêu cầu Đoàn Phú Tứ phải làm bài thơ tặng cho thuộc cấp. Đoàn Phú Tứ tức giận vì thương những người lính quá cực khổ, trong khi những kẻ phụ trách Quân nhu lại sống bằng xương máu của họ, nên làm và đọc hai câu thơ:
"Bữa tiệc chúng ta sắp chén đẫy hôm nay
Được dọn bằng xương máu của chiến sĩ”.
Trần Dụ Châu tức giận, cận vệ ông ta lập tức nhào lên tát tai Đoàn Phú Tứ.
Sau đó, Đoàn Phú Tứ đã khởi đơn tố cáo những việc làm tham nhũng của Trần Dụ Châu và đồng bọn lên Chủ tịch Hồ. Và kết quả sau đó là một án tử không ân xá.
Đoàn Phú Tứ là nhà thơ được đưa vào Thi nhân Việt Nam với đúng một bài thơ Màu Thời Gian. Thi phẩm này sau đó được hai nhạc sĩ hai miền phổ nhạc : Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát (1942) và Phạm Duy (1971).
Hai câu thơ trong Màu Thời Gian được nhắc tới nhiều là :
"Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát"
Nhưng cuộc đời của Đoàn Phú Tứ cũng chìm trong bi kịch của một trí thức thời Pháp. Làm Đại biểu Quốc hội bị thôi giữa chừng mà "không rõ lý do", sống cuộc đời nghèo túng.
Năm 1989, Đoàn Phú Tứ qua đời trong cảnh nghèo khổ. Nhà văn Phùng Quán phải viết thư lên Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo để xin trợ giúp. Mà những thứ Phùng Quán xin giùm cho thân xác người bạn thơ thật ngậm ngùi:
"Nếu Quốc hội còn nhớ đến tình cũ nghĩa xưa thì xin ông một cỗ áo quan và chút tiền để mai táng. Mong đồng chí lưu tâm giải quyết. Hai giờ chiều mai (20/09/1989) gia đình sẽ đưa ông Đoàn Phú Tứ xuống nghĩa trang Văn Điển. Nay kính thư. Phùng Quán."
Bây giờ văn nhân thi sĩ, nhà báo...ai có được cốt cách như Đoàn Phú Tứ năm xưa?
Và những kẻ nào thời nay...tham nhũng gấp triệu lần Trần Dụ Châu năm xưa, sẽ bị những án tử hình không ân xá?
MÀU THỜI GIAN
Sớm nay tiếng chim thanh
Trong vườn xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình
Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần phi
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh
Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng
Duyên trăm năm dứt đoạn
Tình một thủa còn vương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát
1939
(Trích theo Thi nhân Việt Nam)
ĐOÀN PHÚ TỨ
https://thuymyrfi.blogspot.com/2024/11/vo-khanh-tuyen-thoi-gian-co-mau-va-huong.html#more
Không có nhận xét nào