VỚI HƠN MỘT TRIỆU QUYỂN SÁCH ĐƯỢC GỬI VỀ
Nguyễn Xuân Xanh trình bày
28/11/2024
Trong nhiều thế giới mà con người được ban tặng không phải từ Tự nhiên, mà từ Trí tuệ của chính mình, thì thế giới sách là vĩ đại nhất.
—Hermann Hesse, tác giả của Siddhartha
Lời nói đầu. Tạp chí Tuổi Trẻ Cuối Tuần số ngày 30-4-2023 mới ra mắt có bài phỏng vấn Võ Tá Hân dài 4 trang, và hình bìa báo mang ảnh anh. Một số báo vào “ngày lịch sử” lại “vinh danh” một người Việt Nam sống ở nước ngoài đã có công chuyển về cho Việt Nam hơn một triệu sách tiếng nước ngoài trong ba thập niên qua để phục vụ cho học tập và nghiên cứu. Một sự tình cờ chăng? Nhưng dù là sự tình cờ, điều đó như muốn báo hiệu, giai đoạn phát triển tới của Việt Nam không được định đoạt bằng chính trị thuần túy như mấy thập niên qua nữa, mà bằng tri thức. Muốn thế, đất nước phải có thật nhiều tri thức, cơ sở hạ tầng tri thức, tủ sách, thư viện, phòng đọc sách, báo chí, seminar, phòng thí nghiệm, hội nghị, các định chế khoa học, lòng đam mê học hỏi, cần những người tri thức, nhà khoa học, nghiên cứu, và nhà kỹ trị để gánh vác nhiệm vụ mới. Số báo này sẽ “đi vào lịch sử” như báo hiệu một khúc quanh phải có và phải đến, nếu muốn có một đất nước phồn vinh, “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Cạnh tranh kinh tế là cạnh tranh ý tưởng đổi mới sáng tạo. Không có sách để học, hay không chịu học, trao đổi thế giới, thì làm sao có ý tưởng sáng tạo? Đã đủ lắm rồi với sức ỳ của lịch sử, sự phung phí thời gian vàng ngọc. Bánh xe lịch sử đang quay sát bên ta và sẵn sàng nghiền nát những cái vô minh và lầm lạc. Tâm lý “sợ sách” và thiếu trách nhiệm phổ biến, một thời đã gây cho người tặng sách muôn vàn khó khăn, giờ đã trở thành sự đón tiếp nồng nhiệt và biết ơn. Hãy để tri thức và người trí thức có tiếng nói.
Lịch sử, xin hãy sang trang và khép lại giai đoạn truân chuyên đầy chông gai và đau khổ không đáng có của đồng bằng đáng lẽ bình yên trong mấy thập niên qua. “Những trang lịch sử oai hùng rồi đây cũng sẽ đi qua, phai nhạt trong ký ức” nói như Abraham Lincoln. Các thế hệ mới cần phải xây dựng một ký ức mới, một niềm hãnh diện mới, bằng lý tính tỉnh táo như chất liệu của tương lai mà sách vở là công cụ khai sáng và dẫn dắt của nó. Một triệu quyển sách cũng còn có ý nghĩa, Võ Tá Hân góp phần chữa trị chấn thương tâm lý xưa khi bao nhiêu quyển sách bị thiêu hủy một cách oan nghiệt trong ngọn lửa của cuồng nhiệt và hận thù, lầm lạc và vô minh của chiến tranh. Tri thức, và sự học bắt đầu hồi sinh, hy vọng lắm. Khoa học từng biến mất ở Xứ Sở Buổi Chiều, nhưng sau hơn một nghìn năm, nó đã sống dậy cùng với đại học Trung Cổ. Chúng ta mới có 48 năm, còn “sớm chán”, phải không ạ? Hãy nhìn sự kiên trì của nhà truyền ánh sáng Võ Tá Hân. Tôi không thể không trích câu nói sau đây của GS Phan Văn Trường khi ông đọc thông tin về chương trình tặng sách đồ sộ của Võ Tá Hân ngày 10-4 vừa qua: “Thật không có từ ngữ nào để diễn tả hết tình yêu đất nước và tình yêu khoa học mà anh Hân đã thể hiện không mệt mỏi.” Vâng, phải có tình yêu sâu thẳm và bền bỉ lắm đối với đất nước mới có những đóng góp “kỳ tích” như thế. Tình yêu đó, cùng với thời gian sẽ chiến thắng cho đất nước.
Mời anh chị đọc bài trả lời phỏng vấn của anh Võ Tá Hân rất thú vị trong số báo nói trên còn nóng hổi. Tôi sẽ công bố nội dung của nó vào giữa tuần tới. Nhưng có được một số báo đẹp, nguyên thủy, trong tay vẫn là một kỷ niệm đẹp đối với một người rất xứng đáng sự ngưỡng mộ của chúng ta, phải không anh chị?
Trước khi kết thúc, mời anh chị xem ảnh thư viện của Nữ công tước Anna Amalia (như trên) ở bang Weimar, nơi từng quy tụ giới văn chương của Đức thế kỷ XVIII.
Đại thi hào Wolfgang von Goethe là người được con trai bà Anna Amalia giao cho nhiệm vụ quản lý và điều hành từ năm 1797, và ông làm điều này từ cho đến khi qua đời vào năm 1832.
Thư viện của Đại học Leiden, Hà Lan, thế kỷ 17. Các quyển sách được xích lại và chỉ có thể đọc tại chỗ
Thư viện Đại học Göttingen, tranh giữa thế kỷ XIX.
Đôi lời “Tự cảm” khi biết anh Võ Tá Hân gửi sách sớm về VN
Tôi hết sức ngạc nhiên khi biết anh Hân đã chuyển sách về từ năm 1988! Lúc đó tôi mới chân ướt chân ráo về thành phố. Tôi mang về một thư viện, lo bảo vệ gần chết, vì sợ bị mối ăn! Mối là kẻ thù rất đáng sợ đối với sách. Lúc đó nhà cửa chưa ra đâu cả, nên phải di chuyển cả thư viện được đóng gói trong thùng carton chạy từ chỗ này sang chỗ khác, từ cái nhà kho trong Tòa Đại sứ Nhật cũ, cho đến nhà một người bạn, và mỗi lần khi phải chuyển, và tôi phải rắc thuốc trừ mối khắp nơi trong phòng chứa. Cũng rất may mắn có những người bạn hết lòng đùm bọc, cho đến khi tôi dọn được về nhà ở Q. 7 đàng hoàng. Khi căn nhà tôi sửa chữa xong, một đêm nọ, tôi có thể dựng tất cả kệ sách gỗ thông hiệu Lundia lên, và sắp sách vào kệ như chúng đã nằm lúc ở Đức. Xong công việc, tôi thở phào. Đây rồi, thế giới sách của tôi vẫn ở cạnh tôi như người bạn tâm giao ngày nào. Và tôi ngủ đêm đầu tiên trên cái phản gỗ thông lộng gió, đúng đêm Giáng Sinh, các cánh cửa sắt vẫn còn chờ lấp kính. Tôi sung sướng làm sao, và tôi chấm dứt một phần đời “phiêu bạt”, chấm dứt cảnh tôi tự “cảm thu” qua mấy câu thơ năm cuối trước khi tôi về nước:
Hôm nay không cửa không nhà
Nước non không có bạn bè cũng không
Nửa đời thân áo long đong
Chiều thu mây xám gió đông lạnh lùng
Đèn, xe, phố, chợ vẫn đông
Mà sao chẳng thấy trong lòng xôn xao
Với sự kiên trì hơn ba mươi năm của “người buôn ánh sáng” không mệt mỏi, sách đã được đón nhận niềm nỡ, phục vụ cho việc học và nghiên cứu và văn hóa sách đã lan tỏa. Các đợt sách của anh Hân đã thuyết phục rằng, không những cần mở cửa cho đầu tư nước ngoài mà trong đó anh Hân cũng có công lớn, nhưng cũng vô cùng cần thiết phải mở cửa cho sách, đầu tư cho sách, để xây dựng con người, xây dựng nội lực. Mừng thay. Một “bình thường mới” cho văn hóa sách đã được thiết lập. Muốn “Học, học nữa, học mãi” thì cần phải “Có sách, có sách nữa, có sách mãi”. Muốn “trồng người trăm năm” cần phải có nhiều, thật nhiều sách, sách hay, sách bổ ích, sách xây dựng, sách xây dựng tầm nhìn. Anh Hân đã nhìn xa làm sao! Các thư viện thế giới là biểu tượng cho sự đầu tư cho con người, cho văn hóa. Đó là cơ sở hạ tầng tri thức cho quốc gia, là trái tim không thể thiếu trong mỗi đại học. Người Nhật đã biết giành lấy thư viện cá nhân của Adam Smith về Khoa Kinh tế của Đại học Tokyo! Họ biết quý sách, quý tri thức, quý học thuật làm sao! (10/11/2024)
Thân mến,
Nguyễn Xuân Xanh
28-4-2023
Dưới đây là trả lới phỏng vấn đăng trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần:
Ông Võ Tá Hân: Tôi mong gốc rễ văn hóa và đạo đức được sâu dày
Người phỏng vấn: CẦM PHAN
TTCT- Nói theo ngôn ngữ của thời khai sáng thế kỷ 18, ông Võ Tá Hân là người tặng ánh sáng cho VN. Ông Hân có lẽ là người quyên nhiều sách nhất cho một đất nước.
Trong ông là ba con người đều thành tài thành danh: Một ngân hàng gia quốc tế làm việc cho những tập đoàn lớn, người đã lên chương trình tặng sách khổng lồ lên tới trên 1 triệu cuốn cho Việt Nam, và cả nhạc sĩ guitar cổ điển tài hoa với hàng trăm bản nhạc, nhất là những bản nhạc phổ kinh Phật.TS Nguyễn Xuân Xanh nhận xét về ông: “Nói theo ngôn ngữ của thời khai sáng thế kỷ 18, ông Hân là người tặng ánh sáng cho VN. Sách là ánh sáng, giúp con người khai trí, mở mang đầu óc, nhìn thấy thế giới. Ông Hân có lẽ là người quyên nhiều sách nhất cho một đất nước”.Tuổi Trẻ Cuối Tuần trò chuyện cùng ông trong tháng Tư này.
TÔI CHỈ LÀ MỘT NGƯỜI MAY MẮN
Chúng ta hãy trở lại một dấu mốc: bản kiến nghị 10 trang mang tên “Singapore – Vietnam / A Proposed Strategy For Business Development” mà ông hoàn thành ngày 6-2-1992 và trình lên ông Lý Quang Diệu, mở ra một chương bang giao kinh tế thương mại tích cực giữa hai nước.
– Đó là kết quả nhiều năm tôi sống và làm việc bên Singapore, trực tiếp quản lý và tư vấn cho các tổ chức và doanh nghiệp ở đó, đồng thời là chủ tịch Hội Doanh nghiệp Canada tại Singapore (sau này là Phòng Thương mại Canada)… Tôi được mời tham gia tổ tư vấn 25 người cho Chính phủ Singapore về mô hình Singapore 2000, trước khi đất nước này bước vào thiên niên kỷ mới.
Dạo ấy tuy Singapore vẫn còn duy trì chính sách cấm vận với VN, tôi được yêu cầu viết một bản tư vấn chiến lược về quan hệ với VN. Trong kiến nghị, tôi nêu ra 10 điểm có lợi cho Singapore khi nối lại bang giao với VN, lĩnh vực nào mà hai bên có thể hợp tác, đặc biệt nhấn mạnh rằng muốn đầu tư vào VN thì Singapore phải nhanh tay trước các nước khác.
Thời gian này, tôi cũng tổ chức nhiều buổi seminar giới thiệu cơ hội hợp tác với VN trong các lãnh vực thương mại, ngân hàng, bất động sản, tin học…, giúp mang VN đến với Singapore khi các doanh nhân của đảo quốc này còn chưa được phép đặt chân đến VN.
Trong số những công ty tôi đưa về VN, tôi tâm huyết nhất là Unilever bởi đã quan sát kỹ cách họ làm tại các nước khác và thấy được cách đi bền vững, lại chú trọng đến đào tạo, huấn luyện nhân lực, sử dụng nguồn nguyên vật liệu và phát triển thị trường nội địa.
Bản kiến nghị kết thúc với 10 đề nghị cụ thể như khuyến khích kết nối các cơ quan cao cấp của nhà nước hai bên để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý mô hình Singapore, cấp học bổng cho sinh viên học sinh VN sang du học tại Singapore. Nói chung thì tất cả đều được thực hiện!
Trước đó, cuối 1991, ông giúp đoàn của Cục Phát triển thương mại Singapore chính thức đến VN lần đầu. Chuyến thăm mang lại điều gì đặc biệt vào bối cảnh đó?
Thực ra chuyến về thăm VN lần đầu tiên là vào đầu năm 1988, tôi đưa một đoàn doanh nghiệp Canada về, nhưng lần đó chỉ gồm vài công ty. Cục Phát triển thương mại Singapore là phái đoàn chính thức của Nhà nước Singapore gồm nhiều tập đoàn tư nhân và công ty thuộc quỹ đầu tư Temasek của chính phủ.
Trước chuyến đi, phía Singapore tỏ ý lo ngại vì quan hệ giữa chính phủ hai nước không mặn mà cho lắm. Tuy nhiên chuyến thăm VN đã được phái đoàn xem là thành công ngoài mong đợi. Tất cả đều đánh giá cao và chờ đợi mối bang giao giữa hai nước được bình thường hóa để bắt tay ngay vào việc.
Trước đó tôi cũng đã đưa Singapore Airlines về Gia Lâm năm 1989 để ký bản ghi nhớ chuẩn bị cho đường bay Việt – Sing, giúp các tập đoàn Keppel, Singapore Land vạch sẵn kế hoạch đầu tư bất động sản.
Vài tháng sau chuyến thăm cuối năm 1991, Thủ tướng Võ Văn Kiệt sang Singapore vào tháng 4-1992 để ký kết hiệp ước đầu tư song phương. Năm 1994, Vietnam Airlines bắt đầu bay vào Singapore và đến 1996 thì Khu công nghiệp VN – Singapore đầu tiên được khởi công.
Vào thời điểm đó, ông nhìn thấy con đường nào cho VN và mong mỏi gì cho quê hương? Từ đó đến nay, ông thấy VN có đi trên con đường mà ông hằng mong đó không, và đã đạt được cũng như bỏ lỡ những gì?
Bước sang giai đoạn đổi mới thì việc đầu tiên cần quan tâm là phát triển kinh tế. Trong các nước Đông Nam Á, Singapore tuy là nước nhỏ, ít dân, không có tài nguyên thiên nhiên, nhưng đã biết khéo léo thu nhận làn sóng văn minh phương Tây, trở nên tiến bộ vượt bậc trong một thời gian ngắn.
Ngay từ buổi họp với phái đoàn ông Phan Văn Khải thăm Singapore năm 1988, tôi đã đề nghị VN nên chọn Singapore làm mô hình phát triển kinh tế. Dĩ nhiên không thể áp dụng một cách máy móc, nhưng những thành quả từ “ống nghiệm” kinh tế Singapore có thể nhân bản gấp trăm lần hơn cho VN, miễn là khi áp dụng có thay đổi cho thích hợp, nhất là chú ý tới đặc thù văn hóa và tính cách con người.
Từ những ngày hai nước còn “nhìn nhau xa lạ”, đến việc Singapore trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại VN 3 năm qua, là một hành trình dài và đúng hướng trong mối hợp tác giữa hai quốc gia như hằng mong đợi. Tuy nhiên, sẽ còn nhiều thách thức phải vượt qua trong giai đoạn sắp tới, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất an hiện tại.
Là một cố vấn cho Nhà nước VN về vấn đề đổi mới, trải rộng rất nhiều lĩnh vực, nổi bật là tư vấn về lựa chọn và xây dựng mô hình kinh tế, giúp các địa phương… Các lời khuyên của ông được lắng nghe và ứng dụng hiệu quả nhất trên những lĩnh vực nào?
Năm 1973, tôi viết luận án thạc sĩ tại Viện đại học Công nghệ Massachusetts (MIT) với đề tài “Khu chế xuất và Việt Nam sau chiến tranh”. Sau chuyến thăm VN đầu tiên năm 1988, tôi đã tóm lược và xuất bản luận văn thành sách. Đầu năm sau, sách được Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước dịch thành tập tài liệu trong tổng luận “Kinh tế đối ngoại”.
Ý chính của luận án là sau khi chiến tranh chấm dứt, hai vấn đề trăn trở cho VN sẽ là tạo công ăn việc làm cho người dân và tìm nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Khi chúng ta đang chập chững chuyển đổi từ nền kinh tế chỉ huy sang kinh tế thị trường thì khu chế xuất là mô hình thích hợp.
Trong chuyến đi của Cục Phát triển thương mại Singapore năm 1991, trước khi rời Hà Nội, tôi và vị tổng giám đốc điều hành của Tập đoàn Dầu khí Singapore được hỏi ý kiến về dự định xây nhà máy lọc dầu của VN. Tôi chỉ khuyên là tại thời điểm ấy hãy khoan tính chuyện xây nhà máy lọc dầu, nên gửi dầu thô sang Singapore để lọc, còn trước mắt cần xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam, tạo ra trục xương sống để phát triển kinh tế và giao thương.
Ngoài ra là những gợi ý khác như không nên phát triển đồng bộ 55 tỉnh thành cùng lúc, mà dồn năng lực vào 5 trọng điểm là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ. Sau đó, chính những đầu tàu này sẽ trực tiếp giúp các tỉnh khác phát triển hiệu quả hơn.
Xa hơn, để giúp nhanh chóng phát triển các tỉnh “đòn gánh” miền Trung, Nhà nước có thể miễn thuế cho các công ty được thành lập trong vùng.
Với TP.HCM, tôi đưa ý kiến phát động chương trình “Giữ gìn thành phố sạch đẹp” cùng Sài Gòn Tourist, gợi ý giữ trung tâm Sài Gòn lại như một “thành phố cổ” có khả năng thu hút du khách quốc tế trong tương lai và xây dựng đô thị hoàn toàn mới ở Thủ Thiêm. TP.HCM rồi cũng sẽ mở rộng theo đà phát triển kinh tế, nên thay vì nới rộng Tân Sơn Nhất, hãy đưa phi trường ra xa thành phố.
Với các dự án đầu tư nước ngoài mà đối tác trong nước cần góp vốn thì áp dụng mô hình 70/30, mà phần 30% đóng góp của trong nước được tính từ tiền thuê đất trả trước trong nhiều năm…
Đấy chỉ là vài góp ý của một người ở nước ngoài với những hiểu biết thiếu sót về “địa lợi”, dĩ nhiên là có những ý kiến có vẻ “không tưởng”, chưa thể hoặc không thể áp dụng được lúc bấy giờ.
Ông là một chuyên gia kinh tế tài chính, đứng đầu những tập đoàn và tổ chức rất lớn trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, quản trị kinh doanh và giáo dục. Đâu là những điều quan trọng nhất mà một sự nghiệp như vậy mang lại cho ông?
Ồ, tôi cũng chỉ là người làm công cho những tập đoàn lớn, may mắn được giữ những chức vụ ấy chứ nào có phải người sáng lập một tập đoàn, tạo công ăn việc làm cho bao nhiêu người đâu mà đáng để hãnh diện.
Trong thời gian làm việc với các đối tác trong nước, tôi đã gặp những người tài ba lỗi lạc, nhưng chỉ không may mắn có được cơ hội để thi thố tài năng. Tôi chỉ là người rất may mắn hơn nhiều người khác mà thôi!
Ông cũng là người viết những bài báo thiết thực, gần gũi, dễ hiểu phân tích về quản lý tài chính trong nước, quản lý doanh nghiệp, hướng dẫn cách vay vốn, cách thương thảo hợp đồng, các tập quán kinh doanh ở nước ngoài… Điều gì thôi thúc ông viết?
Trong thời chiến thì đất nước cần những tay súng, nhưng trong thời bình thì các “chiến sĩ” chính là những “doanh nhân”, chiến trường là thương trường. Tôi chủ trương viết những bài báo thiết tnhực, ngắn gọn và dễ hiểu chính là để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nhằm giúp lớp doanh nhân này khi họ mới xắn tay áo bước vào thương trường, còn đầy nhiệt huyết nhưng thiếu kinh nghiệm.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa là xương sống của một nền kinh tế, cũng chính là từ kinh nghiệm quản lý, điều hành, lèo lái những con thuyền nhỏ này mà doanh nhân VN sẽ vươn lên, xây dựng những tập đoàn hùng mạnh, làm giàu cho bản thân và đất nước! Giản dị chỉ có thế!
Ông đã chứng kiến nhiều đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khu vực. Giờ đây là một giai đoạn khủng hoảng nữa đang diễn ra với một giới doanh nhân đang đối diện với bất định của thị trường và cả chính sách. Ông có những lời khuyên gì cho các vị chủ doanh nghiệp VN hiện nay?
Trong thời gian làm việc ở Singapore, tôi đã trải qua 3 đợt khủng hoảng kinh tế khiến con thuyền Singapore chới với, và cũng đã viết rất nhiều để chia sẻ kinh nghiệm giải cứu những công ty mà tôi trực tiếp trải nghiệm. Tuy nhiên giờ đây vì đã về hưu, không còn theo dõi và nắm vững hoàn cảnh thực tại, nên khó có thể đưa ra những đề nghị phù hợp cho các doanh nhân trong nước.
Thêm nữa, so với 30 năm trước, ngày nay chúng ta đã đào tạo được nhiều chuyên gia kinh tế tài chính lỗi lạc và những doanh nhân lão luyện, hiểu biết về tình hình nội địa. Chính đây mới là những người có thể đưa ra lời khuyên thiết thực nhất.
MUỐN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐỀU PHẢI NHỜ VĂN HÓA
Khi nói tới chuyện hợp tác làm ăn với một đất nước, ông nhấn mạnh rằng phải lưu ý tới văn hóa và đặc thù quản trị của đất nước ấy. Vì sao ông lại nhấn mạnh khía cạnh văn hóa?
Việc phát triển một đất nước không phải để nhắm vào mục tiêu duy nhất là thu nhập bình quân trên đầu người. Nào có gì hay khi đất nước sản sinh ra một lớp trẻ chỉ biết vọng ngoại, thích nói tiếng ngoại quốc, mơ sống ở nước ngoài và quay lưng lại với người dân và đất nước mình. Văn hóa do đó chính là yếu tố giúp những người trẻ gắn bó với quê hương đất nước.
Trong những năm cuối đời, người cha già dân tộc Singapore, ông Lý Quang Diệu, tỏ ý hối tiếc là đã thúc đẩy phát triển kinh tế quá nhanh khiến người trẻ Singapore dường như mất gốc, không hề biết đến hai chữ “đất mẹ” là gì.
Người VN ta có một truyền thống văn hóa từ ngàn đời, sâu dày và gắn bó, đó là lợi thế rất lớn. Những chương trình như Mùa hè xanh cũng đã giúp lớp trẻ gắn bó với quê hương để sau này dù họ có đi đâu xa cũng hướng về đất mẹ.
Cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng ngày càng gia tăng. Mỗi người Việt khi rời xa quê hương đều mang theo hình ảnh VN vào thời điểm họ ra đi, người thì cho là hình tam giác, người hình tròn, người lại hình vuông, để rồi cùng có những cái nhìn sai lệch, cứng nhắc về đất nước.
Những lần về thăm quê nhà vào dịp lễ Tết, những chương trình quảng bá văn hóa VN đã giúp kiều bào liên tục cập nhật tình hình để có cái nhìn chung về đất nước, xích lại gần nhau hơn. Những kết nối văn hóa ấy đặc biệt quan trọng cho kiều bào vì họ sẽ là những cánh tay VN nối dài.
30 năm phát triển đã đưa đất nước lên một trình độ cao hơn, từ lãnh vực kinh tế bước qua phát triển văn hóa, nay thiết nghĩ đến lúc chúng ta nên hướng đến việc phát huy đạo đức. Trong kinh doanh thì bí quyết “làm giàu” có thể thâu gọn trong 8 chữ “Mua rẻ-Bán đắt-Trả chậm-Đòi nhanh!”. Thế nhưng mua những thứ rẻ tiền độc hại để bán kiếm lợi nhuận lớn thì không thể gọi là thành công mà là một việc vô đạo đức.
Các doanh nhân không nên đợi đến lúc thành đạt rồi mới nghĩ đến “đạo đức kinh doanh”, mà việc vun trồng đạo đức và văn hóa phải bắt đầu từ sớm, từ những đứa trẻ. Những bài học nhân nghĩa lễ trí tín từ ngày còn bé đều để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí và cách hành xử của mọi người cho đến lúc bạc đầu.
Khi sáng lập VN2020 – “sân chơi” của giới trí thức, chuyên gia trẻ VN tại Singapore vào năm 2007, ông kỳ vọng những sinh viên VN được giáo dục đàng hoàng, giỏi nghề, tiếng Anh thông thạo này sẽ là một lực lượng “nội công kinh tế” cho các công ty trong nước về sau. Từ đó đến nay, kỳ vọng này đã thành hiện thực chưa, thưa ông?
Chương trình VN2020 phát triển rất mạnh trong khoảng một thập niên khi Singapore cấp rất nhiều học bổng đại học để thu hút nhân tài VN. Tuy nhiên chương trình này sau đó đã gặp phải sự chống đối của dân bản xứ vì cho rằng nhà nước đã quá ưu đãi nhân tài nước ngoài, làm thiệt hại đến công ăn việc làm của người dân Singapore. Thế là số học bổng dành cho du học sinh VN bị rút bớt rất nhiều, chương trình VN2020 sau đó cũng chấm dứt.
Một số thành viên VN2020 đang ở lại làm việc tại Singapore đã chuyển nhóm thành Phòng Thương mại VN tại Singapore còn hoạt động cho đến nay.
Tôi rất vui khi thấy các cựu thành viên VN2020 trước đây đã thành tài, trở về nước giữ những chức vụ quan trọng, tạo ảnh hưởng tốt trong lãnh vực chuyên môn. Dù ở vùng trời nào thì các em vẫn nặng lòng hướng về giúp đất nước bằng cách này hay cách khác.
TÔI KHÔNG NGẠI LÀM “ĂN MÀY TRI THỨC”
Điều gì thôi thúc ông bỏ vào vali 10 quyển sách để mang về VN những năm VN còn bị cấm vận, từ đó khởi đầu một chương trình tặng sách chưa từng có cho VN? Và hành trình mang sách về VN sau đó tiếp diễn như thế nào?
Lần đầu tiên trở về VN năm 1988, từ đất nước Singapore thịnh vượng về Sài Gòn chỉ cách hơn một giờ bay, lúc ấy còn vắng lặng, trơ trọi, tôi thật ngỡ ngàng. Đi dạo khu vực trung tâm Sài Gòn và ghé vài hiệu sách, tôi bàng hoàng khi thấy số lượng sách nghèo nàn quá.
Trên chuyến bay rời VN khi ấy, tôi không cầm được nước mắt, suốt một thời gian dài sau đó tôi cứ liên tục suy nghĩ phải làm gì để giúp đất nước. Nếu đến gặp ông Lý Quang Diệu lúc ấy để cầu mong Singapore giúp đỡ thì có lẽ người ta sẽ bảo mình điên. Cuối cùng chỉ có chính mình mới có thể tự cứu giúp mình.
Thế là tôi nảy ra ý định quyên sách về cho VN. Bắt đầu với một lá thư xin sách để gửi về VN tặng Viện Kinh tế Hà Nội và Viện Kinh tế Sài Gòn, tôi nhân bản lá thư ấy gửi đến 100 địa chỉ, từ MIT, Harvard, World Bank cho đến các nhà xuất bản lớn.
Nhận được 1.500 quyển đầu tiên rồi từ đó tôi làm quen với Nhà xuất bản Simon & Schuster/Prentice Hall, dần dần mua được sách với giá rẻ, cứ mỗi lần vài chục nghìn quyển, gửi về nước theo từng container.
Nhiều năm sau, khi liên lạc với người bạn thân làm giám đốc Nhà xuất bản Irwin ở New York, tôi lại mua được gần nửa triệu quyển chuyển sách về ĐH Quốc tế trong 40 container lớn để phân phối đến các ĐH khác.
Với Nhà xuất bản World Scientific, do là chỗ thân quen nên tôi được họ tặng sách miễn phí từ hơn 20 năm qua, chỉ trả chi phí vận chuyển, tính ra cũng được hơn chục container.
Từ những nơi khác như trường trung học Singapore Polytechique, Singapore Institute of Management, Nhà xuất bản Mc GrawHill, PW Medical…, tôi cũng quyên thêm được vài ba chục nghìn cuốn. Hiện tôi còn hơn 30.000 quyển từ World Scientific dự định sẽ mang về trong tháng 5 tới.
Tìm được sách rồi thì kế đến là làm sao để chuyển số sách ấy về nước cho an toàn và ít tốn kém. Nhập sách vở cũng không khác gì nhập một món hàng ngoại, cũng phải qua nhiều cửa ải, từ xin giấy phép kiểm duyệt của Sở Văn hóa, giấy phép miễn thuế nhận hàng viện trợ không hoàn lại của Sở Tài chính, tới lo giấy tờ khai báo hải quan cửa khẩu… Nên khi sách đến được đúng nơi, an toàn, như ý muốn thì lòng tôi luôn rộn lên một niềm vui khó tả.
Tôi đang tiến đến quyên sách điện tử. Món quà đầu tiên là 500 quyển ebook do World Scientific tặng thư viện ĐH Bách khoa TP.HCM đầu tháng 4 này. Tôi mong tương lai chúng ta sẽ có một nhà xuất bản có thể phát hành sách vở khoa học, bắt đầu là mảng toán học, để phổ biến bằng tiếng Anh ra toàn cầu.
Khi chọn sách để đưa về nước với mục đích giúp đất nước phát triển, tôi chỉ chọn sách khoa học kỹ thuật mà thôi.
Ông thường đọc loại sách nào? Ông có cuốn sách mà mình đặc biệt yêu thích không ạ?
Những loại sách mà tôi yêu thích thay đổi tùy theo thời điểm. Ngày còn trung học, tôi hay đọc về khoa học phổ thông, lịch sử, hồi ký vĩ nhân, nhất là những quyển sách của cụ Nguyễn Hiến Lê. Sau khi ra nước ngoài thì tôi thích đọc sách nghiên cứu khoa học, triết lý.
Từ trước khi về hưu đến nay thì tôi may mắn được giúp anh bạn Hoang Phong Nguyễn Đức Tiến ở Paris hiệu đính tất cả bài của anh ấy viết về Phật giáo dịch từ Anh hay Pháp ngữ, tác giả Hoang Phong đã xuất bản hơn 30 đầu sách Phật giáo suốt hơn 20 năm qua.
Ngoài ra, tôi cũng đọc nhiều sách về âm nhạc, thu thập nhiều tài liệu để viết sách giảng dạy về đề tài này.
ÂM NHẠC VÀ ĐẠO PHẬT
Ông đã sáng tác hơn 800 ca khúc, phổ nhạc nhiều bộ kinh Phật, phát hành hàng chục CD. Âm nhạc nói chung, âm nhạc Phật giáo nói riêng có ý nghĩa như thế nào với ông?
Tôi sinh ra trong một gia đình Phật giáo thuần thành, ông nội tôi từ khi còn là Tuần vũ Kon Tum rồi Tổng đốc Quảng Ngãi, đi đến đâu cũng lập chùa. Tôi thấy bên Thiên Chúa coi trọng âm nhạc trong khi bên Phật giáo thì không chú ý điều này nên đã cố gắng sáng tác những nhạc phẩm Phật giáo.
Khi phổ nhạc những bộ kinh như A Di Đà hay Phổ Môn, tôi làm trước hết là để chính mình hiểu được ý nghĩa các bộ kinh, sau đó để phổ biến những lời Phật dạy đến đại chúng. Tới nay tôi đã phổ nhạc 9 bộ kinh Phật, mà trong đại dịch Covid, Trường ca Kinh Dược sư đã được rất nhiều người nghe.
Tôi mong sẽ có các ca đoàn Phật giáo, với sự tham gia của các thanh thiếu niên, đưa âm nhạc vào chùa để hát lên những bài hát từ bi, cổ xúy tình yêu gia đình, quê hương trong sáng. Tôi tin rằng đó là một cách dạy con trẻ tốt, chuyển tải những bài học về tình yêu và sự gắn kết gia đình, đạo đức trong xã hội.
Xuất thân từ Trường quốc gia Âm nhạc Sài chiGòn, tôi đã tha thiết giúp phong trào guitar cổ điển ở VN từ ba thập niên qua và rất vui khi thấy cộng đồng tây ban cầm ở VN ngày càng lớn mạnh, trong đó việc Thu Lê trở thành một nữ danh cầm guitar nổi tiếng thế giới là một niềm hãnh diện cho VN nói chung!
Tôi không có tài làm thơ và viết lời ca, nên chọn con đường phổ nhạc những bài thơ của các thi sĩ. Điều may mắn nhất là nhạc phẩm Rất Huế trong CD đầu tay đã lọt vào mắt xanh của cố nhạc sĩ Phạm Duy và được đại nhạc sĩ phán một câu bất hủ: “Nhạc Võ Tá Hân trong tập nhạc này thật tuyệt vời!”. Thế là từ đó trở đi không mấy người biết đến tôi với tư cách dân làm ngân hàng quốc tế nữa, cứ gọi tôi là “nhạc sĩ”. Ban đầu nghe cũng ngại quá, nhưng thôi đành… chịu vậy!
Theo ông, Phật giáo, âm nhạc Phật giáo, văn hóa Phật giáo sẽ có vai trò gì và ảnh hưởng đến mức nào với tương lai của VN?
Không cần nhìn đâu xa, hãy nhìn đến Phật giáo Nhật Bản sẽ thấy ảnh hưởng văn hóa và sức mạnh thiền đã mang lại cho đất nước Phù Tang một nền tảng nội tâm sâu vững như thế nào. Cấp lãnh đạo VN dường như cũng ý thức được sức mạnh này để giúp hướng tới một nền tảng văn hóa tinh thần bền vững và trong sạch.
Ông vẫn thiền định hằng ngày?
Tôi may mắn được học yoga và thiền định từ cha tôi từ năm 12 tuổi, sau đó được học thêm về thiền với một vị đại sư ở Singapore. Đến giờ tôi vẫn thiền mỗi ngày. Thân phụ tôi với bút hiệu Kim Hoàng Sơn cũng là người sáng lập ra môn phái Cảm xạ học ở Việt Nam từ thập niên 1960.
Nếu hỏi tôi lấy đâu ra sức mạnh để làm ngần ấy việc trong cuộc đời, trước hết tôi cần cảm ơn rất nhiều vị thầy từ cha tôi đến những người thầy trong trường học, ngoài đời lẫn trong sách, đặc biệt là các cụ Nguyễn Hiến Lê và Nguyễn Duy Cần. Tuy nhiên, sức mạnh nội tâm chính vẫn là từ thiền mà ra. Nếu không giữ cho tâm mình được vững vàng, chúng ta khó mà trụ được để bình thản đi qua bao sóng gió cuộc đời.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.■
Năm 1968, 20 tuổi, ông Võ Tá Hân nhận học bổng USAID du học Mỹ. Tốt nghiệp thủ khoa với bằng cử nhân ngành quản trị năm 1972 và bằng thạc sĩ năm 1973 tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Từ năm 1974, ông trở thành chuyên gia ngân hàng quốc tế của Bank of Montreal (Canada), làm việc tại Montreal, Toronto, Philippines, Đài Loan và Singapore.
Năm 1986, ông rời ngân hàng để làm việc cho Hong Leong, tập đoàn thương mại tư nhân lớn nhất Singapore, giữ những chức vụ cao cấp trong các công ty bất động sản, đầu tư, khách sạn, công nghệ, tài chính của tập đoàn. Đồng thời ông làm cố vấn cao cấp của Ngân hàng UBS AG Thụy Sĩ tại Singapore.
Ông là thành viên hội đồng quản trị của Đại học UniSIM – Học viện Quản lý Singapore.
Năm 2010, ông về hưu, định cư tại Mỹ và tiếp tục công việc giảng dạy.
Ông xuất bản quyển Cánh hoa trước gió (2004), sáng tác hơn 800 ca khúc, phổ nhạc cho 9 bộ kinh Phật, chuyển soạn khoảng 100 nhạc phẩm cho guitar cổ điển.
CẬP NHẬT 14/5/2023
Nhật báo Tuổi Trẻ online đã đưa bài phỏng vấn trên thành MEGASTORY với thêm một số hình ảnh:
https://tuoitre.vn/ong-vo-ta-han-toi-mong-goc-re-van-hoa-va-dao-duc-duoc-sau-day-20230506113034985.htm
Tham khảo thêm: Thư gửi quý nhà giàu Việt Nam, mô tả các nhà giàu (và cả nghèo) nước ngoài, từ Tây sang Đông làm gì với tài sản, tiền bạc họ có, nhất là giới giàu có Mỹ, để đầu tư vào giáo dục, phát triển khoa học, y tế, thư viện … phụng sự quốc gia:
https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/thu-gui-quy-nha-giau-viet-nam/
Nguồn: Võ Tá Hân – Người truyền ánh sáng cho Việt Nam, rosetta.vn, 28 Tháng Tư, 2023.
http://www.phantichkinhte123.com/2024/11/vo-ta-han-nguoi-truyen-anh-sang-cho.html#more
Không có nhận xét nào