Header Ads

  • Breaking News

    Mỹ - Trung : Vòng thương chiến mới thời Donald Trump sẽ dẫn tới đâu ?

    Thùy Dương/RFI

    14/02/2025

    (Ảnh tư liệu) - Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh G20, ngày 29/06/2019. AP - Susan Walsh

    Từ khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng ngày 20/01/2025, thuế quan là loại vũ khí được tổng thống thứ 47 của Mỹ sử dụng nhiều nhất, trong các hồ sơ khác nhau, như gây sức ép để Nga phải đàm phán hòa bình với Ukraina, buộc Colombia tiếp nhận di dân bị Washington trục xuất, khiến Canada và Mêhicô phải tăng cường kiểm soát biên giới, chống nạn nhập cư trái phép và buôn lậu, đưa chất gây nghiện tổng hợp fentanyl vào Mỹ … 

    Tuy nhiên, cho đến nay, sau các tuyên bố của Trump nhắm vào từ các đối thủ, đồng minh đến đối tác xa - gần, mới chỉ có Trung Quốc là nước mà đòn thuế quan của Donald Trump thực sự được áp dụng (10%), trừ biện pháp áp thuế nhập khẩu nhôm - thép 25% có hiệu lực với tất cả các nước, không có trường hợp ngoại lệ, từ ngày 12/03.

    Hubert Testard, tác giả bài viết « Mỹ - Trung : Vòng thương chiến mới sẽ dẫn đến đâu ? », đăng trên trang mạng châu Á Asialyst ngày 07/02, ví Mỹ - Trung như hai võ sĩ trên sàn đấu trừng phạt thương mại, trong khi đàm phán dường như sẽ phức tạp hơn, bởi vì ẩn đằng sau cán cân thương mại là những vấn đề địa chính trị, ví dụ vai trò của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc chiến Ukraina, các vấn đề kinh tế liên quan đến tương lai của ứng dụng video TikTok của Trung Quốc tại Hoa Kỳ, hoặc các vấn đề công nghệ liên quan đến việc Bắc Kinh kiểm soát đất hiếm và các kim loại quan trọng.

    Thuế quan bổ sung 10% : Không tốt nhưng cũng chẳng đến nỗi gây thảm họa ? 

    Theo chuyên gia Hubert Testard, mức tăng thuế thêm 10% mà tổng thống Mỹ Donald Trump ban bố dĩ nhiên không phải là một tin tốt đẹp cho nền kinh tế Trung Quốc, vốn đang trong cơn suy thoái và đang phải đối mặt với nhu cầu trì trệ trong nước. Nhưng dẫu sao đó cũng không phải là một thảm họa cho Trung Quốc. Đồng Nhân Dân Tệ của Trung Quốc đã mất 4% giá trị so với đồng đô la Mỹ kể từ tháng 10/2024, và gần 13% tính từ 2 năm trở lại đây. Như thường lệ, tại những thời điểm bất ổn, giá đô la Mỹ tăng vọt và tác động thực sự của việc tăng thuế quan có thể sẽ thấp hơn mức được công bố.

    Quảng cáo

    Hơn nữa, lạm phát ở Trung Quốc rất thấp. Tính từ tháng 12/2022 đến tháng 12/2024, chỉ số giá sản xuất trong công nghiệp tại Trung Quốc giảm 2%, trong khi chỉ số này cùng kỳ tại Mỹ lại tăng 5,4%. Do vậy, quyết định tăng thuế quan của tổng thống Mỹ Donald Trump trên thực tế chỉ khôi phục lại sự cân bằng giá cả tương đối trong một năm (được tính bằng cách tính kết hợp lạm phát và biến động tỷ giá hối đoái) nên không đủ để bù đắp cho việc tăng cường sức cạnh tranh về giá cả của ngành công nghiệp Trung Quốc trong 2 năm qua.

    Đối với chuyên gia Hubert Testard, một trong những biện pháp của Washington có tác động tức thời hơn liên quan đến quyết định bãi bỏ việc miễn thuế quan đối với các gói hàng cỡ nhỏ. Quyết định này sẽ gây tác động đến các công ty thương mại điện tử lớn của Trung Quốc, theo hướng có lợi đặc biệt là cho tập đoàn Mỹ Amazon. Có lẽ đây là phần thưởng đầu tiên dành cho chủ nhân tập đoàn Amazon, tỉ phú Jeff Bezos, người đã đóng góp nhiều cho chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ của ông Donald Trump.

    Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi thông báo đánh thuế vào các bưu kiện gửi từ nước ngoài có giá dưới 800 đô la, chủ yếu là nhắm vào các nền tảng thương mại điện tử Shein và Temu của Trung Quốc, Nhà Trắng đã tuyên bố đình hoãn biện pháp này.

    Trung Quốc chỉ nhắm tới một số lĩnh vực mang tính chiến lược

    Theo thông lệ, Bắc Kinh có biện pháp đáp trả. Nhà nghiên cứu Hubert Testard nhận định các quyết định trừng phạt mà Bắc Kinh công bố lần này không nhắm vào mọi loại hàng hóa, mà chỉ áp mức thuế suất 15% đối với than đá và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ, 10% đối với máy móc nông nghiệp, ô tô động cơ lớn và xe tải nhỏ. Ngoài ra, còn có biện pháp hạn chế xuất khẩu sang Mỹ và đưa thêm một số công ty Mỹ vào « danh sách đen » của Trung Quốc.

    Lượng khí tự nhiên hóa lỏng LNG Hoa Kỳ xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ chiếm 2,3% doanh số khí LNG Mỹ bán ra toàn cầu và chưa đến 4% lượng nhập khẩu của Trung Quốc. Đối với than đá thì hơi khác một chút : thị trường Trung Quốc chiếm tới 11% lượng xuất khẩu than đá của Hoa Kỳ (nhưng lại chỉ chiếm 2,5% tổng lượng than đá Trung Quốc nhập khẩu). Cả hai đối thủ Mỹ - Trung đều có thể dễ dàng bù đắp cho nguy cơ sụt giảm về khối lượng giao dịch khí tự nhiên hóa lỏng LNG bằng cách chuyển hướng xuất - nhập. Về than đá, khị bị Trung Quốc áp thuế, Washington gặp khó khăn hơn. Năm 2024, doanh số bán than đá của Mỹ sang thị trường Trung Quốc tăng hơn 70%, nhưng cú sốc thuế quan có thể sẽ hủy đà tăng nói trên.

    Nhìn chung, các biện pháp Bắc Kinh công bố về năng lượng chỉ liên quan đến 5% doanh số bán hàng của Mỹ sang Trung Quốc. Nhưng các lệnh trừng phạt khác mà Bắc Kinh đưa ra sẽ nhắm vào các mục tiêu cụ thể hơn. Ví dụ các lệnh trừng phạt nhắm vào ô tô Mỹ sẽ chỉ gây thiệt hại cho Ford và GM do lượng nhập khẩu tương đối ít, và không ảnh hưởng đến Tesla, bởi vì hãng sản xuất xe tại Thượng Hải.

    Theo Hubert Testard, quyết định có thể gây nguy hiểm nhiều nhất cho Hoa Kỳ là việc Bắc Kinh mở rộng danh sách các kim loại quan trọng bị hạn chế xuất khẩu. Sau các thông báo hồi tháng 12/2024 về hạn chế xuất khẩu gali (nhắm đến thị trường chất bán dẫn), Bắc Kinh nay mở rộng danh sách này sang một nhóm hợp kim hiếm và kim loại quan trọng (ví dụ tungstène, tellurium, bismuth, molybdène …). Những kim loại này vốn dĩ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất tạo giá trị về công nghiệp điện tử, hàng không và ô tô điện.

    Giai đoạn hiện tại được tổng thống Mỹ mô tả là « loạt đòn tấn công đầu tiên », có nghĩa là các biện pháp tiếp theo có thể sẽ được ông đưa ra khi hai nước bắt đầu đàm phán, sau khi Washington phân tích các biện pháp đối phó của Trung Quốc. Mục tiêu của Donald Trump không rõ ràng. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến chất gây nghiện fentanyl, một loại ma túy tổng hợp giết chết hàng chục ngàn người Mỹ mỗi năm, từng dẫn đến một thỏa thuận song phương giữa Tập Cận Bình và Joe Biden hồi tháng 11/2023, nhưng Donald Trump xem kết quả là vẫn chưa đủ. Tổng thống Mỹ đề cập đến thâm hụt thương mại song phương nói chung, nhưng khi đề cập đến các lĩnh vực cụ thể như thép hoặc chất bán dẫn thì lại nói chung chung đến việc bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ.

    Đôi bên sẽ phải chờ đợi loạt thông báo mới, thông báo phản đòn mới và các thỏa thuận bán phần hoặc toàn phần mới trong những tháng tới đây, có thể là với nhịp độ nhanh bởi vì trong mọi việc tổng thống Mỹ Donald Trump đều muốn hành động chóng vánh.

    Khi nhôm - thép lọt tầm ngắm của Donald Trump 

    Mới đây nhất, hôm thứ Hai 10/02, tổng thống Donald Trump thông báo ký sắc lệnh áp thuế 25% nhắm vào nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ, tính từ ngày 12/02, trong đó dĩ nhiên có nhôm, thép của Trung Quốc, nhà sản xuất hàng đầu thế giới. 

    Theo số liệu mới nhất từ ​​World Steel, sản lượng thép thô toàn cầu đã đạt 1,89 tỷ tấn vào năm 2023, trong đó hơn một nửa (1,02 tỷ tấn) được sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng theo Cơ quan Thương Mại Hoa Kỳ, được AFP dẫn lại, trong năm 2024, Trung Quốc chỉ xuất 470.000 tấn thép cho Hoa Kỳ, kém xa Canada (5,95 triệu tấn) hoặc Brazil (4,08 triệu tấn).

    Vào thứ Năm 13/02, tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất nhôm - thép tại Trung Quốc (CISA) đã cảnh báo « tác động tiêu cực » của các mức thuế quan mới của Mỹ nhắm vào lĩnh vực thép của Trung Quốc. Trương Long Cường, phó tổng thư ký Hiệp hội CISA, được đài truyên hình Nhà nước Trung Quốc (CCTV) trích dẫn, lưu ý : « Về trung hạn và dài hạn, việc (Mỹ) tăng thuế quan sẽ có một tác động tiêu cực đến các dây chuyền sản xuất công nghiệp và cung ứng của thế giới về thép, bao gồm cả lĩnh vực thép của Trung Quốc », mặc dù « về ngắn hạn, ảnh hưởng đối với xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ chỉ ở mức hạn chế ». 

    Làm thế nào để giảm sự mất cân đối thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ? 

    Chuyên gia Hubert Testard cho rằng vấn đề của Donald Trump không chỉ liên quan đến Trung Quốc. Thâm hụt cán cân thanh toán của nước Mỹ mang tính tổng thể và hệ thống, từ 25 năm trở lại đây năm nào cũng vượt quá 2% GDP cả nước. Sự thâm hụt này không phải là do một âm mưu toàn cầu, mà đơn giản là do mức tiêu dùng quá cao tại Mỹ và tiết kiệm không đủ mức, dẫn đến hạn chế đầu tư và do đó hạn chế cả nguồn cung sản phẩm của Mỹ trên thị trường nội địa.

    Trường hợp của Trung Quốc thì hoàn toàn theo chiều ngược lại : Tiêu dùng trong nước không đủ nhiều và tiết kiệm lại cao quá mức. Từ 20 năm nay, tỷ lệ tổng tiết kiệm của Trung Quốc đã cao gấp đôi so với Mỹ. Điều này giải thích thặng dư thương mại lâu dài của Trung Quốc.

    Nếu sáng suốt, mỗi nước đều phải nỗ lực tái lập sự cân bằng giữa tiết kiệm và tiêu dùng. Các cuộc thảo luận về chủ đề này trước đây đã từng diễn ra giữa các chuyên gia kinh tế của 2 nước, vào giai đoạn Washington có tầm nhìn về cân bằng kinh tế vĩ mô.

    Chủ nghĩa bảo hộ của Donald Trump có thể giúp làm giảm thâm hụt cán cân thương mại của Hoa Kỳ, nhưng có nhiều khả năng đẩy lạm phát tăng cao hơn và làm cho tăng trưởng thấp hơn, trong khi đó rõ ràng không phải là mục tiêu Donald Trump muốn nhắm tới. Thêm vào đó, việc kìm hãm xuất khẩu của Trung Quốc cũng không phải là có nhiều tác dụng nếu vào cùng giai đoạn đó các nhà đầu tư Trung Quốc không được chào đón ở Hoa Kỳ và không thể góp phần vào sự phục hồi sản xuất công nghiệp quốc gia của Mỹ.

    https://www.rfi.fr/vi


    Không có nhận xét nào