Header Ads

  • Breaking News

    Nga - Mỹ bắt đầu đối thoại cấp cao tại Ryad

    Anh Vũ / RFI

    18/02/2025

    (Ảnh ghép) Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio tại thành phố Guatemala vào ngày 05/02/2025 và ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Matxcơva, vào ngày 12/02/2025.


    (Ảnh ghép) Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio tại thành phố Guatemala vào ngày 05/02/2025 và ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Matxcơva, vào ngày 12/02/2025. AFP - MARK SCHIEFELBEIN,MAXIM SHEMETOV 

    Phái đoàn cao cao cấp của Nga và Mỹ do các ngoại trưởng dẫn đầu hôm nay 18/02/2025, bắt đầu cuộc hội đàm tại thủ đô Ả Rập Xê Út, nhằm khởi động lại quan hệ đã bị gián đoạn sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Kiev và các nước châu Âu lo ngại sẽ có nhũng thỏa thuận sau lưng họ về cuộc chiến tranh tại Ukraina. 

    Cả Ukraina và châu Âu đều không được mời tham dự cuộc họp này, đây là cuộc đối thoại đầu tiên ở cấp bộ trưởng và theo hình thức như vậy kể từ khi Nga xâm lược Ukraina vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Cuộc họp là kết quả của cuộc điện đàm giữa Donald Trump và Vladimir Putin vào tuần trước.

    Không có cái bắt tay nào trước ống kính máy quay, không có tuyên bố nào với báo chí, cuộc họp bắt đầu trước 10 giờ 30 sáng, giờ địa phương tại trung tâm hội nghị, Cung điện Diriyah, trong bầu không khí được AFP mô tả rõ ràng là rất căng thẳng.

    Ngồi quanh bàn họp, mọi người đều giữ nét mặt căng thẳng, ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, ngồi đối diện nhau.

    Tham gia cuộc hội đàm về phía Mỹ có cố vấn An ninh Quốc gia của tổng thống, Mike Waltz, và đặc phái viên về Trung Đông, Steve Witkoff. Phía Nga có Yuri Ushakov, cố vấn ngoại giao của Vladimir Putin.

    Đại diện nước tổ chức cuộc gặp Ả Rập Xê Út có ngoại trưởng và cố vấn An ninh Quốc gia cũng tham dự phần đầu cuộc họp.

    Cả hai bên đều cố gắng giảm thiểu kỳ vọng, nhưng cuộc gặp này đánh dấu sự thay đổi ngoạn mục trong quan hệ Hoa Kỳ - Nga, điều mà các nước châu Âu đang lo sợ.

    US Middle East envoy Steve Witkoff, Secretary of State Marco Rubio, National Security Advisor Mike Waltz, Saudi Arabia's Foreign Minister Prince Faisal bin Farhan al-Saud, National Security Advisor Mo


    Phái đoàn Mỹ (T) và Nga gặp nhau với Ả Rập Xê Út (G) làm trung gian, tại Cung điện Diriyah của Riyadh, Ả Rập Xê Út, ngày 18/02/2025. AFP - EVELYN HOCKSTEIN 

    Còn tại Nga, truyền thông chính thức rất chú ý theo dõi sự kiện với những chờ đợi khác nhau. Theo thông tín viên RFI tại Matxcơva, truyền hình Nga đưa tin phái đoàn Nga và Mỹ đã làm việc với nhau cả đêm để giải quyết các chi tiết cuối cùng. Truyền thông chính thống Nga hoan hỉ đánh giá, « cả thế giới đang hướng mắt về các cuộc trao đổi tại Ryad ». Đài truyền hình Nhà nước Nga nhắc lại đây là cuộc gặp đầu tiên ở cấp này kể từ tháng 1 năm 2022.  Matxcơva trông đợi vào nhiều điều khác, nhất là cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Putin. Cuộc hội đàm lần này ở Ryad cũng là để chuẩn bị cho sự kiện trên, đã được tổng thống Mỹ tuyên bố  « rất sớm » diễn ra.

    Tại Nga, từ hôm người ta bắt đầu nói đến việc giảm nhẹ trừng phạt. Giả thuyết này về mặt chính thức không đặt ra trên bàn thảo luận tại Ryad. Nhưng truyền thông Nga tin vào điều đó vì trong các cuộc hội đàm tại Ả Rập Xê Út có sự hiện của ông Kirill Dmitriev, lãnh đạo quỹ đầu tư Nhà nước Nga. Hơn nữa, nhân vật này là người nổi tiếng được Vladimir Putin tin cậy. 

    https://www.rfi.fr/vi

    Đàm phán về Ukraine: Mỹ, Nga và các nước châu Âu muốn gì?

    BBC News

    18/02/2025

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Đây có thể là một tuần mang tính quyết định đối với cuộc chiến ở Ukraine với hai chuỗi đàm phán được sắp xếp vội vã sẽ diễn ra tại Paris (Pháp) và Riyadh (Ả Rập Xê Út).

    Các nhà lãnh đạo châu Âu đang họp tại Pháp khi họ tranh cãi về cách phản ứng đối với kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc mở các cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin để chấm dứt xung đột.

    Vào thứ Ba 18/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio gặp nhau tại thủ đô của Ả Rập Xê Út .

    Ukraine không tham dự bất kỳ chuỗi đàm phán nào.

    Nga đã phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2/2022 và hiện kiểm soát hơn một phần năm lãnh thổ của nước này, chủ yếu ở miền nam và miền đông.

    Các phóng viên BBC phân tích những gì mà những bên liên quan mong muốn đạt được từ hai ngày ngoại giao căng thẳng. 

    Thứ Hai: Lãnh đạo châu Âu ở Paris 

    Vương quốc Anh 

    Bài phân tích của phóng viên chuyên về chính trị Harry Farley từ London:

    Thủ tướng Anh Keir Starmer hy vọng sẽ trở thành cầu nối giữa các nhà lãnh đạo châu Âu và Nhà Trắng - bên chỉ trích châu Âu về chi tiêu quốc phòng.

    Đề xuất của ông Starmer về việc đưa quân đội Anh đến Ukraine là một phần trong vai trò mà ông muốn đảm nhận.

    Chính phủ Anh từng nói rằng các điều khoản của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào đều tùy thuộc vào Ukraine. Điều đó đã thay đổi khi chính quyền mới của Mỹ ra tín hiệu rằng việc vẽ lại biên giới như năm 2014 là "không thực tế".

    Thay vào đó, Thủ tướng Starmer hy vọng nhiều quốc gia châu Âu trong cuộc họp tại Paris sẽ tham gia cùng ông trong việc cung cấp lực lượng của họ hơn, để đảm bảo thỏa thuận diễn ra thành công cũng như ngăn chặn Nga xâm lược một lần nữa.

    Nhưng trong khi thủ tướng ở Paris thì tại Westminster, cuộc tranh luận vẫn tiếp diễn về việc nước Anh nên chi bao nhiêu cho quốc phòng.

    Đảng Lao động đã hứa sẽ "đề ra một con đường" để tăng chi tiêu quốc phòng từ 2,3% GDP hiện nay lên 2,5%. Các nguồn tin quốc phòng cho rằng đó sẽ là một sự gia tăng đáng kể.

    Nhưng họ không đưa ra thời điểm cụ thể để hiện thực hóa lời hứa dù nhiều người cho rằng điều này đang rất cấp bách. 

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris hôm 17/2

    Đức

    Bài phân tích của phóng viên chuyên về Đức Damien McGuinness từ Berlin:

    Đây là dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo Đức lo lắng như thế nào về cách tiếp cận của ông Trump đối với Ukraine vào thời điểm chỉ vài ngày nữa là tới cuộc tổng tuyển cử. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng có mặt tại Paris.

    Tất cả chính đảng đều lên án các đề xuất của Mỹ về việc đàm phán một thỏa thuận hòa bình mà không có Ukraine hoặc Liên minh châu Âu (EU). Các chính trị gia cực hữu và dân túy cánh tả hoan nghênh các cuộc đàm phán với ông Putin và muốn ngừng cung cấp vũ khí cho Kyiv. Nhưng các đảng này sẽ không lên nắm quyền.

    Vì vậy, bất kể chính phủ Đức tiếp theo trông như thế nào, sự ủng hộ của Berlin đối với Ukraine sẽ vẫn mạnh mẽ. Đó là vì giới tinh hoa chính trị của Berlin thừa nhận rằng một thỏa thuận tồi tệ - thứ làm suy yếu chủ quyền của Ukraine - sẽ là thảm họa đối với Đức.

    Nhưng với ký ức về thế kỷ 20 đầy rẫy chiến tranh của Đức, cử tri nước này cảnh giác với quân sự hóa.

    Trong ba năm qua, Đức đã thành công trong việc thoát khỏi phụ thuộc năng lượng của Nga và tăng mạnh chi tiêu quốc phòng. Nhưng điều này đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Đức và các cuộc tranh cãi về ngân sách sau đó đã châm ngòi cho sự sụp đổ của chính phủ Đức.

    Vì vậy, các chính trị gia đang cố gắng tránh thảo luận công khai về các vấn đề khó khăn, chẳng hạn như mục tiêu chi cao hơn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay quân đội gìn giữ hòa bình của Đức ở Ukraine — ít nhất là cho đến sau cuộc bầu cử.

    Ba Lan

    Bài phân tích của phóng viên chuyên về Đông Âu Sarah Rainsford từ Warsaw:

    Ba Lan là nước ủng hộ chính cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện và là trung tâm hậu cần chính để viện trợ quân sự và nhân đạo cho nước này.

    Ba Lan cũng là một tiếng nói lớn cho rằng không thể cho phép Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến mà họ đã phát động vì toàn bộ an ninh của châu Âu đang bị đe dọa. Vì vậy, có sự lo lắng rằng Mỹ dường như đang nhượng bộ các yêu cầu chính của Moscow, ngay cả trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu, trong khi Ba Lan hoàn toàn coi Nga là kẻ xâm lược và nguy hiểm.

    Nga là lý do khiến Ba Lan chi tiêu lớn cho quân đội của mình - lên tới gần 5% GDP hiện nay - và đồng ý với Mỹ rằng phần còn lại của châu Âu cũng nên làm như vậy.

    Trên đường đến các cuộc đàm phán ở Paris, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã viết trên X: 

    "Nếu chúng ta, những người châu Âu, không chi mạnh tay cho quốc phòng ngay bây giờ, chúng ta sẽ buộc phải chi gấp 10 lần nếu không ngăn chặn được một cuộc chiến tranh lan rộng."

    Về vấn đề liệu quân đội Ba Lan có được điều tới Ukraine để giúp thực thi lệnh ngừng bắn hay không, các quan chức chính phủ vẫn thận trọng và hiện tại vẫn chưa đưa ra quyết định.

    Các nước Bắc Âu và Baltic

    Bài phân tích của phóng viên chuyên về châu Âu Nick Beake ở Copenhagen: 

    Đan Mạch là quốc gia Bắc Âu duy nhất tham dự cuộc họp hôm 17/2. Nhưng các nhà ngoại giao châu Âu cho biết nước này cũng sẽ đại diện cho lợi ích của các nước láng giềng Baltic ở phía đông – Estonia, Latvia và Lithuania – tất cả đều giáp biên giới với Nga và cảm thấy đặc biệt dễ bị tổn thương trước bất kỳ cuộc tấn công nào trong tương lai của ông Putin.

    Những làn sóng chấn động do nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump tạo ra đã lan rộng khắp Đan Mạch.

    Mong muốn của ông Trump trong việc tiếp quản Greenland – một vùng lãnh thổ tự trị phụ thuộc vào Đan Mạch – đã thúc đẩy Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen thực hiện chuyến công du chớp nhoáng tới các đồng minh châu Âu vào tháng trước để tăng cường sự ủng hộ. 

    Vào ngày 17/2 tại Paris, bà Frederiksen một lần nữa tham gia một cuộc họp được triệu tập vội vã để phản ứng lại với động thái định hình lại an ninh xuyên Đại Tây Dương của ông Trump.

    Thủ tướng Frederiksen vẫn chưa theo bước của Thủ tướng Starmer để cam kết triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình trên thực địa ở Ukraine.

    Các phương tiện truyền thông Đan Mạch trích dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Troels Lund Poulsen rằng ông không loại trừ khả năng này – nhưng vẫn còn quá sớm để nói về điều đó.

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tại Paris hôm 17/2 

    Pháp

    Bài phân tích của phóng viên Andrew Harding từ Paris: 

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề nghị cuộc họp không chính thức hôm thứ Hai 18/2 – cuộc họp mà theo các quan chức của ông Macron nhấn mạnh không phải là "hội nghị thượng đỉnh" – là để giúp châu Âu phối hợp phản ứng trước thái độ ngày càng thiếu thiện cảm của Washington đối với châu lục này và trước bất kỳ điều gì phát sinh từ các cuộc đàm phán chóng vánh của Nhà Trắng với Điện Kremlin.

    "Hiện tại, châu Âu vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ. Nhưng đó có lẽ chính là mục đích của hội nghị thượng đỉnh Paris này: khởi đầu cho sự phối hợp ấy... Chúng ta đã sẵn sàng chưa? Câu trả lời là chưa. Nhưng chúng ta có thể sẵn sàng không? Câu trả lời là có," ông Francois Heisbourg, một chuyên gia quân sự kỳ cựu của Pháp, nhận định về nhu cầu hợp tác của châu Âu để chuẩn bị một lực lượng gìn giữ hòa bình tiềm năng cho Ukraine.

    "Một làn gió thống nhất đang thổi khắp châu Âu, điều chưa từng thấy kể từ thời kỳ Covid," ông Jean-Noël Barrot, nhà ngoại giao cấp cao nhất của Pháp, cho biết.

    Tâm trạng chung ở Pháp – một quốc gia luôn cảnh giác với những động thái địa chính trị của Mỹ – đặc biệt căng thẳng vào lúc này, với các tiêu đề báo chí cảnh báo về một "trục Trump-Putin" mới sẽ gạt châu Âu sang một bên hoặc "bỏ rơi" châu lục này trong cuộc chiến ở Ukraine.

    "Chúng ta nên ở trong tình trạng khẩn cấp trên toàn châu Âu," cựu Thủ tướng Dominique De Villepin cảnh báo trong một cuộc họp báo gần đây, cho rằng một ông Trump "ngạo mạn" đang cố gắng "thống trị thế giới mà không có nguyên tắc hay sự tôn trọng."

    Thứ Ba: Nga và Mỹ ở Ả Rập Xê Út 

    Nga

    Bài phân tích của Liza Fokht từ BBC Tiếng Nga tại Paris:

    Kể từ mùa hè 2024, ông Putin đã tuyên bố rằng các điều kiện chính của ông để bắt đầu đàm phán chấm dứt chiến tranh là công nhận các vùng lãnh thổ Ukraine do Nga chiếm đóng, dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga và từ chối yêu cầu gia nhập NATO của Ukraine.

    Hầu hết các nước châu Âu đều kiên quyết từ chối những yêu cầu này. Mỹ đã rất thận trọng khi thảo luận về những nhượng bộ mà Nga có thể phải thực hiện, mặc dù cả Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đều cho biết họ mong đợi sự thỏa hiệp từ "cả hai bên".

    Ưu tiên của Moscow rõ ràng là cuộc họp ở Ả Rập Xê Út. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nói rằng ông "trước hết và quan trọng nhất là muốn lắng nghe" các đề xuất của Mỹ về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine.

    Đối với châu Âu, Moscow thấy không có lý do gì để mời họ vào bàn đàm phán.

    Không có gì bí mật khi trong nhiều năm, ông Putin đã tìm cách đối thoại cụ thể với Mỹ - một quốc gia mà ông vừa đổ lỗi cho việc bắt đầu chiến tranh ở Ukraine vừa coi là cường quốc duy nhất ngang hàng với Nga.

    Moscow có thể chú tâm đến tuyên bố của Thủ tướng Starmer về việc sẵn sàng điều lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine – lần đầu tiên trong một tuần, cuộc thảo luận là về những nhượng bộ tiềm năng của Nga, chứ không phải của Ukraine.

    Nhưng liệu Nga có sẵn sàng cho bất kỳ sự thỏa hiệp nào hay không vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (trái) và Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman 

    Mỹ

    Bài phân tích của Bernd Debusmann Jr từ dinh thự Mar-a-Lago, bang Florida:

    Ngoại trưởng Marco Rubio và Đặc phái viên Trung Đông Steve Witkoff sẽ là đại diện công khai của nhóm đàm phán Mỹ tại Riyadh - nhưng có lẽ tiếng nói chính tại bàn đàm phán cách xa hơn 11.900 km, tại Palm Beach, Florida.

    Bất chấp những cam kết công khai của ông Trump trong những ngày gần đây, rõ ràng là các cuộc đàm phán với Nga về số phận của Ukraine là trọng tâm đằng sau hậu trường của ông.

    Vào ngày 16/2, Tổng thống Trump nói với các phóng viên rằng ông đã được cập nhật những diễn biến mới nhất và các cuộc đàm phán đang "tiến triển".

    Mục tiêu ngắn hạn của ông là ngăn chặn giao tranh ở Ukraine. Về lâu dài, ông dường như muốn Mỹ ít can dự hơn vì nước này đã gửi hàng chục tỷ đô la tiền vũ khí cho Kyiv.

    Ông Trump cũng thúc đẩy việc tiếp cận các khoáng sản quý hiếm ở Ukraine để đổi lấy viện trợ hay thậm chí là bồi thường cho sự hỗ trợ mà Mỹ đã cung cấp.

    Nhưng ông vẫn chưa nói Ukraine sau chiến tranh sẽ như thế nào, điều này đã gây ra hồi chuông báo động ở châu Âu.

    Ông cũng đặc biệt nói rằng ông mong đợi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ tham gia vào "cuộc đối thoại", nhưng không phải là các cuộc đàm phán ở Riyadh. Ngoại trưởng Rubio nói rằng các cuộc đàm phán ở Ả Rập Xê Út chỉ là khởi đầu của một quá trình dài hơn mà "dĩ nhiên" sẽ bao gồm cả châu Âu và Ukraine.

    Những nhận xét đó có thể sẽ không mang lại nhiều sự an ủi cho các đồng minh của Mỹ, những người đã lắng nghe những bình luận từ ông Trump trong vài ngày qua.

    Trả lời một câu hỏi của BBC vào ngày 12/2, ông Trump tin rằng mình có xu hướng đồng ý với đánh giá của Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth rằng việc vẽ lại biên giới trước năm 2014 là không thực tế đối với Ukraine, mặc dù ông hy vọng Ukraine có thể lấy lại "một phần" vùng đất đó.

    Cho đến nay, có vẻ như giải pháp đó không phải là giải pháp mà ông Zelensky và phần còn lại của ban lãnh đạo Ukraine có thể chấp nhận được.

    Không có trong đàm phán: Ukraine 

    Bài phân tích của Mariana Matveichuk từ BBC Ukraine tại Kyiv: 

    Người dân Ukraine cảm thấy tương lai của họ vẫn bất định như hồi tháng 2/2022.

    Người dân Ukraine muốn hòa bình - để không phải thức giấc vì tiếng còi báo động và không mất đi những người thân yêu trên chiến trường và ở các thành phố tiền tuyến.

    Nga đang chiếm gần 25% lãnh thổ Ukraine. Việc phòng thủ của Ukraine đã khiến hàng chục ngàn công dân nước này thiệt mạng.

    Trước đây, quốc gia này đã nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng bao gồm việc rút toàn bộ quân đội Nga khỏi lãnh thổ Ukraine. Điều đó không chỉ bao gồm các khu vực mà Nga đã chiếm giữ trong cuộc tấn công toàn diện mà còn bao gồm cả bán đảo Crimea ở Biển Đen, nơi Nga đã sáp nhập vào năm 2014, và các khu vực Donetsk và Luhansk, nơi Nga đã hậu thuẫn cho phe ly khai trong cuộc chiến, cũng vào năm 2014.

    Người dân Ukraine lo sợ về một thỏa thuận hòa bình như thỏa thuận năm 2014 hoặc 2015 - giao tranh ác liệt đã dừng lại, nhưng giao tranh chéo ở biên giới vẫn tiếp tục gây ra tổn thất.

    Nếu không có bảo đảm an ninh, điều đó cũng có nghĩa là có khả năng xảy ra một làn sóng chiến tranh mới trong khoảng một thập kỷ nữa.

    "Ukraine coi bất kỳ cuộc đàm phán nào về Ukraine mà không có Ukraine là không có kết quả, và chúng tôi không thể công nhận... các thỏa thuận về chúng tôi mà không có chúng tôi," Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu về cuộc gặp giữa Hoa Kỳ và Nga.

    Bất kể hình thức đàm phán hòa bình nào diễn ra, người dân Ukraine đều muốn có quyền quyết định tương lai của chính mình. 

    Nhiều người coi các thỏa thuận hòa bình trước đây với Nga chỉ đơn giản là mở đường cho cuộc xâm lược toàn diện của nước này. Vì vậy, nỗi sợ của người Ukraine là bất kỳ thỏa thuận nào được thống nhất mà không có họ đều có thể dẫn đến một cuộc chiến thứ ba.

    https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c2474074plro

    Nga cử Ngoại trưởng Lavrov đến Ả Rập Saudi đàm phán với Hoa Kỳ

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2025/02/241206SergeyLavrov00.jpg


    Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Mỹ Tucker Carlson hôm 5/12/2024 (ảnh lấy từ video của Bộ Ngoại giao Nga) 

    Theo thông báo của Điện Kremlin hôm thứ Hai (17/2), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cử một nhóm quan chức cấp cao đến Ả Rập Saudi để họp với Hoa Kỳ về thỏa thuận hòa bình cho Ukraine.

    Các quan chức gồm Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và Cố vấn ngoại giao của Tổng thống Putin, ông Yuri Ushakov, sẽ gặp những người đồng cấp của Hoa Kỳ vào thứ Ba (18/2). Các bên có kế hoạch thảo luận về việc khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Washington và Moskva, cũng như một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine và một cuộc gặp trong tương lai giữa ông Trump và ông Putin.

    Hôm thứ Hai (17/2), Bộ ngoại giao Hoa Kỳ xác nhận ngoại trưởng nước này là ông Marco Rubio sẽ dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ, cùng với đặc phái viên của Tổng thống Trump là ông Steve Witkoff và cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz.

    Cuộc gặp diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông Trump tiết lộ đã nói chuyện với ông Putin trong một cuộc điện đàm vào tuần trước. Tổng thống Hoa Kỳ cho biết ông và Tổng thống Nga “đã đồng ý để các phái đoàn tương ứng của chúng tôi bắt đầu đàm phán ngay lập tức”.

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đáp lại nỗ lực này bằng sự hoài nghi và thúc giục ông Trump đừng tin tưởng ông Putin trong một cuộc gọi riêng vào tuần trước.

    Ông Zelensky kể lại cuộc điện thoại của mình với ông Trump: “Tôi đã nói rằng [Putin] là kẻ nói dối. Và ông ấy (ông Trump) nói: ‘Tôi nghĩ cảm giác của tôi là ông ấy (ông Putin) đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán này.’ Và tôi đã nói với ông ấy: ‘Không, ông ấy (ông Putin) là kẻ nói dối. Ông ấy không muốn bất kỳ sự hòa bình nào.’”

    Tuy nhiên, ông Zelensky cho biết bản thân tin rằng ông Putin “hơi sợ” ông Trump.

    Các đại diện của ông Trump đã từ chối cung cấp thông tin chi tiết về những cuộc đàm phán, chẳng hạn như liệu Hoa Kỳ có ủng hộ một thỏa thuận mà trong đó Ukraine buộc phải từ bỏ một phần đáng kể lãnh thổ trước chiến tranh của mình hay không.

    Ông Witkoff trả lời Fox News hôm Chủ Nhật (16/2): “Đó là những thông tin chi tiết và tôi không tùy tiện với các thông tin chi tiết, chúng rất quan trọng. Nhưng tôi nghĩ rằng sự khởi đầu ở đây là xây dựng lòng tin. Đó là khiến mọi người hiểu rằng cuộc chiến này không nên tiếp diễn, rằng nó nên kết thúc. Đó là những gì Tổng thống đã chỉ đạo chúng tôi”.

    Trong khi đó, Thủ tướng Anh Kier Starmer đã xác nhận rằng ông sẵn sàng đưa quân đội Anh vào Ukraine để đảm bảo an ninh [của Ukraine] là một phần của thỏa thuận hòa bình.

    Ông Starmer đăng trên tờ Daily Telegraph: “Tôi không nói điều đó một cách nhẹ tênh. Tôi cảm nhận rất sâu sắc trách nhiệm đi kèm về khả năng đưa các quân nhân nam và những người phụ nữ Anh vào tình thế nguy hiểm”.

    “Nhưng bất kỳ vai trò nào trong việc giúp đảm bảo an ninh cho Ukraine đều giúp đảm bảo an ninh cho lục địa của chúng ta và an ninh của đất nước này”, ông Starmer nói thêm.

    Về phía Ukraine, ông Zelensky khẳng định rằng bản thân sẽ không chấp nhận bất kỳ cuộc đàm phán nào chỉ do phía Hoa Kỳ và Nga đưa ra.

    “Tôi sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ quyết định nào giữa Hoa Kỳ và Nga về Ukraine. Không bao giờ… Cuộc chiến ở Ukraine chống lại chúng tôi, và đó là tổn thất về mặt con người của chúng tôi. Và chúng tôi biết ơn vì tất cả sự hỗ trợ, đoàn kết giữa Hoa Kỳ – tại Hoa Kỳ xung quanh việc ủng hộ Ukraine, sự đoàn kết lưỡng đảng, sự ủng hộ lưỡng đảng, chúng tôi biết ơn vì tất cả những điều này. Nhưng sẽ không có… nhà lãnh đạo nào trên thế giới này có thể thực sự đạt được thỏa thuận về chúng tôi với Putin mà không có mặt chúng tôi”, trích lời ông Zelensky.

    Vy An, theo Fox News

    Ngoại trưởng Nga nêu mục tiêu chính trong đàm phán với Mỹ

    Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho hay rằng Moskva mong muốn lắng nghe đề xuất của Washington về việc giải quyết xung đột Ukraine.

    Một phái đoàn Nga sẽ tiến hành đàm phán với Mỹ tại Saudi Arabia vào ngày 18/2, chủ yếu nhằm tìm hiểu đề xuất của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc giải quyết xung đột Ukraine, Ngoại trưởng Sergey Lavrov xác nhận.

    Ngày 17/2, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, thông báo rằng ông Lavrov và ông Yury Ushakov, trợ lý hàng đầu của Tổng thống Vladimir Putin về chính sách đối ngoại, sẽ đến Riyadh để gặp gỡ các quan chức Mỹ.

    Cuộc gặp này nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ. Theo ông Peskov, nội dung đàm phán cũng bao gồm việc khôi phục quan hệ song phương.

    Diễn biến này diễn ra sau cuộc điện đàm kéo dài 90 phút diễn ra ngày 12/2 giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Trump, trong đó chủ yếu bàn về giải pháp cho xung đột Ukraine.

    Khi được hỏi về kỳ vọng trong cuộc đàm phán sắp tới, ông Lavrov nhấn mạnh: “Khi tham gia đàm phán theo đề xuất của đối tác, trước tiên chúng tôi muốn lắng nghe quan điểm của họ”. Ông cũng đề cập rằng hai nhà lãnh đạo đã nhất trí chấm dứt giai đoạn bất thường trong quan hệ song phương, khi mà hai bên gần như không có liên lạc trong ba năm qua.

    “Hai Tổng thống đã đồng ý rằng cần nối lại đối thoại về tất cả các vấn đề có thể giải quyết theo cách này hay cách khác với sự tham gia của Nga và Mỹ… Vì vậy, chúng tôi sẽ lắng nghe các đối tác Mỹ và tất nhiên sẵn sàng phản hồi. Sau đó, chúng tôi sẽ báo cáo lên lãnh đạo hai nước để đưa ra quyết định về các bước đi tiếp theo”, ông Lavrov cho biết.

    Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng tuyên bố “không thể có chuyện” Moskva nhượng bộ lãnh thổ cho Kiev trong những cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai. Nga đã tuyên bố sáp nhập các vùng Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia của Ukraine hồi tháng 9/2022. Dẫu vậy, tuyên bố của Nga đã bị Ukraine và nhiều nước phương Tây bác bỏ, đánh giá là phi lý.

    Tổng thống Trump từng cam kết sẽ nhanh chóng kết thúc xung đột Ukraine, với kế hoạch của nhóm cố vấn dự kiến đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào trước ngày 20/4 tới. Sau cuộc điện đàm với ông Putin, ông Trump cho rằng việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là điều “không thực tế” và lưu ý rằng Kiev rất ít khả năng giành lại các vùng lãnh thổ đã được Nga sáp nhập trong thập kỷ qua.

    Trong khi đó, Moskva luôn nhấn mạnh rằng họ tìm kiếm một giải pháp lâu dài thay vì chỉ là một lệnh ngừng bắn tạm thời. Nga khẳng định Ukraine phải cam kết trung lập, phi cực đoan hóa, phi quân sự hóa, đồng thời công nhận thực tế lãnh thổ hiện tại.

    Anh Trần

    Tổ chức đàm phán Nga – Mỹ : Một tiếng vang ngoại giao cho Ả Rập Xê Út

    Minh Anh /RFI

    18/02/2025

    US Middle East envoy Steve Witkoff, Secretary of State Marco Rubio, National Security Advisor Mike Waltz, Saudi Arabia's Foreign Minister Prince Faisal bin Farhan al-Saud, National Security Advisor Mo


    Phái đoàn Mỹ (T) và Nga gặp nhau với Ả Rập Xê Út (G) làm trung gian, tại Cung điện Diriyah của Riyadh, Ả Rập Xê Út, ngày 18/02/2025. AFP - EVELYN HOCKSTEIN 

    Hôm nay, 18/02/2025, ngoại trưởng Mỹ- Nga bắt đầu các cuộc đàm phán đầu tiên tại Riyad, thủ đô của Ả Rập Xê Út, nhằm nối lại quan hệ song phương sau gần ba năm Nga phát động chiến tranh xâm lược Ukraina. Tuy nhiên, việc Ả Rập Xê Út được chọn làm nơi tổ chức một sự kiện chưa từng có đang giúp vương quốc Ả Rập này, một thời bị cô lập, củng cố lại tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế. 

    Từ thủ đô Riyad, thông tín viên Joseph Clément giải thích :

    « Ả Rập Xê Út có thể hy vọng điều gì khi can dự vào việc giải quyết một cuộc xung đột mà chẳng có liên quan trực tiếp đến nước này ? Đó chính là việc sau khi đã bắt tay hoàng tử Faisal, ngoại trưởng Ả Rập Xê Út, hai ông Marco Rubio và Serguei Lavrov, sẽ bắt đầu các vòng đàm phán. Một cơ hội vàng để vương quốc Ả Rập Xê Út có được một vai trò quan trọng : Nhà trung gian hòa giải giữa nhà hai lãnh đạo mà nước này biết rõ. 

    Ngay từ năm 2016, Donald Trump từng ca ngợi mối quan hệ đặc biệt với hoàng thái tử Mohamed Ben Salman. Mọi người còn nhớ cảnh Vladimir Putin bắt tay chào hoàng thái tử MBS trong khi cả hội nghị G20 được tổ chức ở Buenos Aires tìm cách tránh né hoàng tử sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.

    Tuy nhiên, mong muốn này của nền ngoại giao Ả Rập Xê Út cũng có những hạn chế. Trên hồ sơ dải Gaza, Vương quốc kiên quyết từ chối việc di dời người Palestine sang Ai Cập hay Jordanie bất chấp mong muốn của tổng thống Mỹ. Nhưng Ả Rập Xê Út giờ không còn sợ sự chống đối. Lợi ích nằm ở chỗ khác. Dù các cuộc thương thuyết về Ukraina có thất bại hay không, người ta sẽ luôn nhớ là các cuộc đàm phán đã diễn ra tại Ả Rập Xê Út. »

    https://www.rfi.fr/vi


    Không có nhận xét nào