BBC News
06/3/2025
Chụp lại hình ảnh, Đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer (trái) và Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên dự kiến sẽ sang Mỹ vào ngày 13/3 để gặp Đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer trong bối cảnh Hà Nội đang lo ngại trước các mức thuế mới của Tổng thống Donald Trump.
Phía Việt Nam, cụ thể là Bộ Công thương, đã gửi thông điệp tới Mỹ "về mong muốn duy trì và xây dựng mối quan hệ kinh tế, thương mại hài hòa, bền vững, hai bên cùng có lợi với Mỹ", ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công thương, nói với các phóng viên trong cuộc họp báo chính phủ thường kỳ hôm 5/3 tại Hà Nội trước chuyến đi của bộ trưởng.
Thông điệp này cũng khẳng định "Việt Nam không có bất cứ chính sách nào có thể gây phương hại đến người lao động hay an ninh quốc gia của Mỹ".
Việt Nam và Mỹ là hai nền kinh bổ sung cho nhau, ông Tân nêu quan điểm của Bộ Công thương. Và rằng nguyên nhân gây mất cân bằng thương mại giữa hai nước xuất phát từ tính chất bổ trợ giữa hai nền kinh tế, là do cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước.
Ông Tân cũng giãi bày rằng hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ trên thị trường Mỹ mà thậm chí còn tạo điều kiện để người tiêu dùng Mỹ được sử dụng hàng hóa giá rẻ của Việt Nam.
Việt Nam đã chuẩn bị gì trước chuyến đi?
Nguồn hình ảnh, Reuters/Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Việt Nam mới đây đã tạo cơ chế đặc biệt cho công ty của tỷ phú Elon Musk
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch thuế quan có khả năng ảnh hưởng đến hầu hết hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường lớn nhất của nước này.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 119 tỷ đô la vào năm 2024, theo Bộ Công thương. Con số này tương đương gần 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ, với hơn 100 tỷ USD vào năm 2024.
Ngoài ra, mức thuế mà Việt Nam áp dụng đối với hàng hóa mua từ Mỹ cao hơn thuế ở chiều ngược lại, theo một số nhà kinh tế.
Cả hai điều này đều là tiêu chí để ông Trump có thể tăng áp thuế đáp trả.
Hầu hết các nhà sản xuất Mỹ tại Việt Nam đều dự kiến sẽ gặp gián đoạn và buộc phải cắt giảm nhân sự nếu các mức thuế mới được áp dụng, theo một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam thực hiện.
Trong bối cảnh đó, các quan chức Việt Nam và các công ty nước ngoài đang xem xét những đe dọa này một cách nghiêm túc.
Hồi đầu tháng 2, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump tại Mỹ đưa ra một loạt tuyên bố về tăng thuế nhập khẩu đối với một số nước như Trung Quốc, Canada, Mexico, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong phiên họp Chính phủ thường kỳ đã nhấn mạnh việc Việt Nam phải sẵn sàng để đối phó với tình huống chiến tranh thương mại xảy ra.
Và chuyến đi sắp tới của Bộ trưởng Công thương Việt Nam sang Mỹ nằm trong lộ trình này.
Trước cuộc đàm phán của Bộ trưởng Công thương Việt Nam và Trưởng Đại diện thương mại Mỹ, Việt Nam đã và đang chuẩn bị một số bước đi ban đầu để làm đẹp lòng Mỹ.
Chẳng hạn, để cải thiện cán cân thương mại giữa hai nước, Hà Nội cho biết chủ trương giảm thuế MFN (mức thuế Việt Nam áp dụng đối với hàng hóa đến từ các nước thành viên WTO) đối với nhiều mặt hàng trong thời gian tới.
Việt Nam cho rằng Mỹ có thể hưởng lợi từ chính sách này, với một số sản phẩm xuất khẩu chủ đạo của Mỹ như ô tô, nông sản, khí hóa lỏng, ethanol….
Việt Nam cũng nói sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Mỹ tham gia vào quá trình hình thành, phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm ở Việt Nam, nhất là các dự án năng lượng trọng điểm (năng lượng mới, hydrogen, điện hạt nhân…), tạo tiền đề để tăng cường nhập khẩu khí hóa lỏng, nhiên liệu, thiết bị máy móc, công nghệ từ Mỹ.
Việt Nam gần đây cũng đã thông qua khung pháp lý cho một chương trình thí điểm, qua đó giúp công ty Starlink của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk cung cấp dịch vụ internet vệ tinh và an ninh tại Việt Nam, đồng thời đảm bảo công ty mẹ của Starlink là SpaceX vẫn giữ toàn quyền sở hữu đối với bất kỳ công ty con nào được thành lập tại Việt Nam. Động thái này được xem như việc Hà Nội tặng SpaceX "một nhành ô liu" trong bối cảnh lo ngại về mối đe dọa áp thuế từ ông Trump.
Gần đây, Việt Nam cũng áp thuế chống bán phá giá tạm thời lên một số sản phẩm thép xuất xứ Trung Quốc với mức thuế khoảng 19,38 - 27,83%. Lệnh này sẽ áp dụng từ ngày 8/3.
Bước đi này là nhằm để giải quyết mối nghi ngờ từ phía Mỹ rằng Việt Nam là nơi trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ. Lý do là vì Việt Nam nhập rất nhiều hàng hóa trung gian từ Trung Quốc. Thực tế, một số mặt hàng Việt Nam như tấm pin mặt trời đã bị Mỹ trừng phạt vì quan ngại này.
Về các hợp đồng mua máy bay, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vietjet, đã gặp ông Donald Trump ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông hồi đầu tháng Một.
Sau đó, bà cho hay doanh nghiệp của bà đang thực hiện hợp đồng trị giá 48 tỷ USD và đang thương lượng tăng lên 64 tỷ USD, tạo ra gần 500.000 việc làm cho người Mỹ.
Tuy nhiên, bà không nói rõ các hợp đồng cụ thể là gì, và tạo công ăn việc làm cho người Mỹ như thế nào.
Nguồn hình ảnh, VGP
Chụp lại hình ảnh, Bà Nguyễn Thị Phương Thảo
Hãng hàng không giá rẻ VietJet cũng đã đồng ý mua 200 máy bay Boeing 737 MAX trị giá hàng tỷ đô la, lần đầu tiên được ký kết vào năm 2016 và sau đó được điều chỉnh.
Công ty chưa nhận được chiếc máy bay nào cho tới nay bất chấp từng thông báo sẽ nhận những chiếc đầu tiên vào năm ngoái.
Về tiền tệ, trong những tháng gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cho phép đồng Việt Nam yếu đi so với đồng đô la.
Bước đi này của Hà Nội là nhằm tìm giải pháp cho việc Việt Nam hiện vẫn nằm trong danh sách theo dõi của Mỹ về khả năng thao túng tiền tệ.
Ngoài các bước đi nói trên, Bộ Công thương Việt Nam cũng khuyên các doanh nghiệp chủ động có giải pháp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, môi trường…
Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam được nhắn nhở "thận trọng" việc hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp của những nước đang có căng thẳng thương mại với Mỹ
Trông đợi gì trên bàn đàm phán?
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Ông Trump chơi golf ở bang New Jersey, Mỹ
Ông Nguyễn Hồng Diên nhiều khả năng sẽ đưa lên bàn đàm phán với ông Jamieson Greer kế hoạch mua bán trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng.
Trước đó, nguồn tin của Reuters cho hay Việt Nam và các công ty quốc phòng của Mỹ đang thảo luận về vấn đề này.
Trong đó, việc đàm phán mua máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules của hãng Lockheed Martin được cho là đang tiến triển rất tốt.
Hai ông cũng có thể thảo luận khả năng Việt Nam mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ.
Ngoài ra, các hợp đồng mua nhiên liệu hóa thạch khác của Mỹ cũng có thể được đặt lên bàn cân.
Việt Nam được cho là đang chịu áp lực phải mua thêm nhiên liệu hóa thạch từ Mỹ để giảm bớt thặng dư thương mại, với hy vọng rằng việc này sẽ giúp ích cho các cuộc đàm phán về thuế quan, theo một số nhà quan sát. Tuy nhiên, việc mua nhiên liệu hóa thạch lại đẩy Việt Nam vào thế lưỡng nan.
Lý do là Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050 và đang phải cắt giảm than, tiến tới loại bỏ hoàn toàn loại năng lượng hóa thạch này.
Đối thoại giữa hai ông Nguyễn Hồng Diên và Jamieson Greer vào tuần tới còn có thể bàn tới vấn đề nhập khẩu nông sản.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên mới đây tuyên bố rằng Việt Nam sẵn sàng nhập khẩu thêm hàng nông sản từ Mỹ.
Tuy nhiên, việc tăng nhập khẩu này khó có thể làm giảm đáng kể sự mất cân bằng thương mại, theo một số nhà quan sát.
Lý do là bởi vì tổng giá trị hàng nông sản mà Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ trong năm 2024 chỉ đạt 3,4 tỷ đô la, theo Reuters, chủ yếu đến từ những mặt hàng bông, đậu nành và các loại hạt.
Bên cạnh đó, một số biện pháp khác Việt Nam có thể cân nhắc còn gồm thúc đẩy "ngoại giao sân golf" để củng cố mối quan hệ với ông Donald Trump.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c8e71dx8pxzo
Không có nhận xét nào