Thu Hằng /RFI
18/3/2025
Ảnh minh họa (không đề ngày ): Đường ống và trạm bơm Trans-Alaska ở phía bắc Fairbanks, bang Alaska, Mỹ. AP - Al Grillo
Công ty Nhà nước Alaska Gasline Development Corporation (AGDC) cùng đối tác Glenfarne Group sẽ đến Nhật Bản cuối tháng 03/2025 để cố thuyết phục các nhà lãnh đạo Nhật Bản về những lợi ích cạnh tranh kinh tế, về chiến lược của Alaska LNG. Đây là một trong những kế hoạch "khoan mọi nơi" của tổng thống Trump để "vàng đen ngay dưới chân" giúp Mỹ "trở lại thành một quốc gia giàu có". Nhưng các nhà đầu tư tiềm năng tại Nhật Bản vẫn do dự về tính khả thi của dự án.
Trong bài diễn văn trước Quốc Hội lưỡng viện ngày 04/03, tổng thống Donald Trump ca ngợi Alaska LNG là dự án « khổng lồ », « chưa từng có tiền lệ ». Ông quả quyết « Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác muốn trở thành đối tác » của Mỹ, « mỗi nước đầu tư hàng nghìn tỷ đô la », có nghĩa là « tiền sẽ đổ về ồ ạt » và tương lai sán lạn đang chờ ngành năng lượng Mỹ.
Ngay sau khi nhậm chức, tổng thống Trump đã ký sắc lệnh để hủy lệnh cấm các giàn khoan mới trong một khu vực biển rộng lớn, được người tiền nhiệm Joe Biden ban hành trước đó, trong đó có Alaska. Ông nhấn mạnh đến tình trạng « cấp bách năng lượng », bỏ mặc những quan ngại về hủy hoại môi trường.
Hồi sinh Alaska LNG : Trump muốn cho thấy tầm vóc của Mỹ
Nhưng Alaska LNG không phải là dự án mới, mà có từ năm 1967 và ít nhất hai lần bị trì hoãn vì kinh phí đầu tư quá lớn. Theo báo Pháp L'Humanité, khi hồi sinh dự án được ấp ủ từ nhiệm kỳ đầu, tổng thống Trump muốn cho thế giới thấy tầm vóc to lớn về năng lượng và kinh tế của Hoa Kỳ, cũng như thế thống trị của Mỹ đối với các đồng minh.
Quảng cáo
Alaska LNG dự kiến chuyển trữ lượng khí tự nhiên rất lớn nằm ở vịnh Prudhoe, xung quanh Point Thomson, phía bắc bang Alaska xuống cảng Nikiski, gần Anchorage, miền nam Alaska. Tổng chiều dài đường ống là 1.300 km, kinh phí xây dựng khoảng 11 tỷ đô la trên tổng kinh phí được thẩm định là 44 tỷ đô la. Alaska LNG dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2030.
Dự án Alaska LNG dài 1.300 km nối vịnh Prudhoe, phía bắc bang Alaska xuống cảng Nikiski, gần Anchorage, miền nam Alaska, Mỹ. Ảnh chụp màn hình trang web Alaska LNG Project. © Capture d'écran / Alaska LNG Project
Hơn 100 triệu mét khối khí đốt có thể được vận chuyển mỗi ngày qua đường ống này. Theo trang web Alaska LNG Project, khí đốt được loại bỏ tạp chất tại nhà máy xử lý ở miền bắc Alaska, trước khi được vận chuyển qua đường ống. Nhiều điểm kết nối trên đường ống sẽ đáp ứng nhu cầu khí đốt hiện tại của bang Alaska. Tại cảng Nikiski, cơ sở hóa lỏng sẽ làm mát và ngưng tụ khí để chuyển lên tàu biển chuyên dụng xuất khẩu sang châu Á.
Theo trang mạng Nikkei Asia trong bài viết « Trump hồi sinh dự án Alaska LNG trị giá 44 tỷ đô la », bang Alaska phụ thuộc vào thu nhập từ việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Cấu trúc kinh tế và tài chính sẽ không thể tồn tại được nếu không có dầu khí. Chính quyền bang cũng nhấn mạnh đến sự khác biệt so với trước đây khi dự án không tiến triển. Các mỏ khí quanh thành phố Anchorage đang cạn dần, thậm chí Alaska có nguy cơ phải nhập khí hóa lỏng trong khi nguồn tài nguyên miền bắc lại không được khai thác. Cho nên người dân ở Alaska rất ủng hộ dự án.
Dùng Alaska LNG tái cân bằng thương mại với đối tác châu Á
Tổng thống Donald Trump khẳng định nhiều nước châu Á quan tâm đến dự án. Philippines, Hàn Quốc thông báo nhiều cuộc đàm phán với đối tác Mỹ nhưng chưa có gì là cụ thể. Bộ Ngoại Giao Đài Loan ra thông cáo cho biết tập đoàn dầu khí của hòn đảo sẽ « tiếp tục đánh giá tính khả thi và sẵn sàng tăng khối lượng mua ». Sau khi tiếp thủ tướng Shigeru Ishiba tại Washington vào đầu tháng 2, chủ nhân Nhà Trắng khẳng định Nhật Bản cam kết mua khí đốt Mỹ với « những khối lượng kỉ lục ».
Chính phủ Tokyo đang chịu áp lực ngoại giao ngày càng tăng từ Hoa Kỳ để giảm bớt thâm hụt thương mại. Tại buổi điều trần tại Thượng Viện để được phê chuẩn việc bổ nhiệm, tân đại sứ George Glass đã khẳng định : « Nhật Bản đã cam kết giảm thâm hụt thương mại với chúng ta (Mỹ) và giảm sự phụ thuộc vào Nga bằng cách mua khí hóa lỏng của Mỹ. Tôi sẽ đảm bảo Nhật Bản phải giữ lời hứa đó ».
Tokyo được cho là đối tượng chính của dự án Alaska LNG, có năng suất khoảng 20 triệu tấn/năm, tương đương với 30% nhu cầu hàng năm của Nhật Bản. Chủ tịch của AGDC Frank Richard nhấn mạnh đến việc quốc gia quần đảo này nằm cách không xa Alaska. Tokyo sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc so với nhập khẩu dầu khí từ Trung Đông và từ vịnh Mêhicô. Thêm vào đó, khi nhập khẩu khí đốt từ đồng minh Mỹ, Nhật Bản có ít rủi ro về địa-chính trị hơn so với nhập khẩu từ Trung Đông hoặc Nga. Khí hóa lỏng từ Qatar phải đi qua eo biển Hormuz nằm trong khu vực đầy biến động. Thêm vào đó, các nước châu Âu cũng đang tìm mọi nguồn dầu khí khác nhau, đặc biệt ở Trung Đông, sau khi ngừng nhập khẩu từ Nga kể từ khi tổng thống Putin phát động chiến tranh ở Ukraina.
Kinh phí khổng lồ : Điểm yếu cho tính khả thi của dự án Alaska LNG
Tuy nhiên, yếu tố « Chi phí, chứ không phải chính trị, sẽ định hình dòng LNG của Hoa Kỳ sang Nhật Bản trong tương lai ». Đây là nhận định của hai nhà nghiên cứu Sam Reynolds và Christophe Doleman của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (Institute for Energy Economics and Financial Analysis, IEEFA) tại Mỹ.
Thứ nhất, những thông báo chính trị gần đây, mà trong đó thậm chí tổng thống Trump khẳng định Nhật Bản sẽ tham gia liên doanh, lại không đi kèm với thỏa thuận thương mại về khí hóa lỏng giữa bên mua và bán tư nhân. Thứ hai, tính kinh tế của các dự án quan trọng của Hoa Kỳ như Alaska LNG vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi, và các khách hàng châu Á đã không ký kết dự án trong nhiều năm trước đó. Thứ ba, nhu cầu LNG của Nhật Bản đã giảm mạnh trong thập niên qua và hiện nước này còn bán lại nhiều LNG ra nước ngoài do nhu cầu LNG giảm, theo dự thảo kế hoạch năng lượng chiến lược, trong đó vai trò của năng lượng nhiệt (than, khí hóa lỏng LNG…) sẽ giảm mạnh trong hai thập niên tới. Tuy nhiên, nếu có sự linh hoạt trong hợp đồng LNG với Mỹ, Nhật Bản có thể mua để dự trữ, nhưng có thể bán lại cho nước thứ ba nếu nhu cầu trong nước giảm.
Các tuyến đường vận chuyển LNG từ Mỹ sang Nhật Bản. Ảnh chụp màn hình trang Nikkei Asia. © Capture d'écran / Nikkei Asia
Ngoài ra, dự án Alaska LNG vẫn ở giai đoạn phát triển ban đầu trong gần hai thập niên qua. Cho đến nay, vẫn chưa có bên mua nào hoàn tất cam kết mua dài hạn đối với cơ sở này trong khi các dự án xuất khẩu LNG thường cần có hợp đồng mua 80% hoặc hơn công suất của cơ sở để đảm bảo về tài chính. Ngoài ra, việc xây dựng một dự án như Alaska LNG cần 4 năm, nên khó có thể hoàn thành trong nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Trump.
Vẫn theo hai nhà nghiên cứu Mỹ, tập đoàn Japan Mitsui Co. được cho là đang đánh giá dự án do gần với châu Á, nhưng sẽ chỉ xem xét các đề xuất có giá thành cạnh tranh. Vị trí xa xôi của dự án (phía bắc Alaska) và chi phí xây dựng đắt đỏ cho các đường ống dài chống đóng băng vĩnh cửu khiến những khách hàng tiềm năng Nhật Bản rất nghi ngờ về tính khả thi của dự án. Gần đây, khi được hỏi về dự án này, giám đốc tài chính của Mitsui là Tetsuya Shigeta cho biết « không có gì để nói ngay bây giờ, kể cả chính sách của chúng tôi ». Còn Japan Petroleum Exploration (JAPEX) mô tả Alaska LNG là một đề xuất đầu tư không thực tế.
Cuối cùng, Mỹ phải cạnh tranh với rất nhiều nhà cung cấp khác, trước tiên là Sakhalin-2 của Nga, do gần với Nhật Bản. LGN của Mỹ hiện chỉ chiếm 10% lượng LNG nhập khẩu hiện tại của Nhật Bản vì tương đối đắt, chủ yếu do khoảng cách vận chuyển xa hơn.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20250318-alaska-lng-my-muon-ban-khi-dot-nhat-ban-luong-lu
Không có nhận xét nào