Châu Âu có thể trông cậy vào loại vũ khí hạt nhân nào?
Tác giả Claudia Buckenmaier
Người dịch Lưu Thủy Hương
10/3/2025
Đức có vũ khí hạt nhân hay không? Câu trả lời là: CÓ và KHÔNG. Hiện có 20 vũ khí hạt nhân chiến thuật tại căn cứ không quân Büchel ở Rheinland-Pfalz (Đức), nhưng muốn sử dụng nó chính quyền Đức phải có sự đồng ý của chính quyền Mỹ.
Người Đức đang tìm cách độc lập về vũ khí hạt nhân. Nhưng bằng cách nào? Khả năng nào?
Mời xem bài viết đầy đủ nhất về tình hình vũ khí hạt nhân ở Đức và châu Âu.
CHÂU ÂU CÓ THỂ TRÔNG CẬY VÀO LOẠI VŨ KHÍ HẠT NHÂN NÀO?
Đường lối của Tổng thống Trump làm dấy lên nghi ngờ về độ tin cậy của Hoa Kỳ với tư cách là đối tác liên minh. Điều này có ý nghĩa gì đối với hệ thống răn đe hạt nhân của NATO? Liệu năng lực hạt nhân của Pháp có thể bảo vệ toàn bộ châu Âu không?
*
Chỉ vài tháng nữa sẽ là kỷ niệm 80 năm Hoa Kỳ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, với hậu quả vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay. Trong một thời gian dài dường như đã có sự đồng thuận: vũ khí hạt nhân có tác dụng răn đe - nhưng thực chất cần được đảm bảo rằng chúng sẽ không bao giờ được sử dụng nữa.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi người ta không còn chắc chắn là, biện pháp răn đe có hiệu quả? Châu Âu tin rằng mình được bảo vệ bởi vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vẫn chưa đưa ra câu hỏi về chiếc dù hạt nhân, nhưng niềm tin vào Hoa Kỳ đang giảm dần với tốc độ ngày càng nhanh.
*
NHỮNG NƯỚC NÀO CÓ VŨ KHÍ HẠT NHÂN?
Có năm quốc gia chính thức sở hữu vũ khí hạt nhân: Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc. Bốn quốc gia khác dường như cũng sở hữu vũ khí hạt nhân mà chưa từng xác nhận: Ấn Độ, Pakistan, Bắc Triều Tiên và Israel.
Viện SIPRI Stockholm ước tính rằng có hơn 12.000 đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới. Theo ước tính của SIPRI, tính đến tháng 1 năm 2024, Nga có 5.580 đầu đạn hạt nhân, tiếp theo là Hoa Kỳ với 5.044 đầu đạn. Pháp có 290 đầu đạn và Vương quốc Anh có 225 đầu đạn.
*
CÓ NHỮNG LOẠI VŨ KHÍ HẠT NHÂN NÀO?
Người ta phân biệt giữa vũ khí hạt nhân chiến lược và chiến thuật. Vũ khí hạt nhân chiến lược được thiết kế để sử dụng chống lại các mục tiêu ở các châu lục khác. Lực nổ và sức tàn phá của nó vượt xa trái bom Hiroshima (khi đó chỉ có 15 kiloton). Chúng chủ yếu được dùng để răn đe vì chúng có thể tấn công những mục tiêu ở rất xa chiến trường thực sự. Trong trường hợp khẩn cấp, vũ khí hạt nhân chiến lược sẽ được phóng chủ yếu bằng tên lửa liên lục địa.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật có sức công phá thấp hơn. Chúng được phát triển để sử dụng trên chiến trường - ví dụ như chống lại các đơn vị quân lớn hơn. Chúng có mục đích ngăn chặn các cuộc tấn công thông thường quy mô lớn. Vũ khí hạt nhân chiến thuật hiện đại cũng có sức công phá lớn hơn đáng kể so với trái bom nguyên tử thả xuống Hiroshima.
*
LOẠI VŨ KHÍ HẠT NHÂN NÀO HIỆN ĐANG BẢO VỆ NƯỚC ĐỨC?
Bất chấp nhiều hiệp ước giải trừ vũ khí sau Chiến tranh Lạnh, vũ khí hạt nhân vẫn được triển khai ở Đức. Người ta ước tính có 20 vũ khí hạt nhân chiến thuật tại căn cứ không quân Büchel ở Rheinland-Pfalz (Đức) dù điều này không được xác nhận chính thức. Máy bay chiến đấu Tornado có khả năng mang vũ khí hạt nhân cũng có sẵn ở Büchel.
*
NHỮNG VŨ KHÍ HẠT NHÂN NÀY SẼ ĐƯỢC SỬ DỤNG NHƯ THẾ NÀO?
Các loại vũ khí này sẽ được sử dụng thông qua cái gọi là chia sẻ hạt nhân. Mặc dù Đức không sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng họ có thể sử dụng vũ khí của Hoa Kỳ đồn trú tại nước họ nếu tổng thống Hoa Kỳ và chính phủ liên bang đồng ý. Đó là nguyên lý của “hai chìa khóa”.
Nhưng những diễn biến chính trị gần đây ở Hoa Kỳ đã làm dấy lên nghi ngờ liệu tổng thống Mỹ có đồng ý trong trường hợp khẩn cấp hay không. Cuộc thảo luận về giải pháp thay thế của châu Âu đã trở nên sôi động hơn kể từ đó.
*
LIỆU CÓ GIẢI PHÁP THAY THẾ NÀO CHO CHIẾC DÙ HẠT NHÂN CỦA HOA KỲ Ở CHÂU ÂU KHÔNG?
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ lâu đã đề nghị mở rộng sự bảo vệ từ vũ khí hạt nhân của Pháp cung cấp cho các quốc gia khác. Với sự đảm bảo rằng an ninh ở châu Âu sẽ độc lập hơn với Hoa Kỳ, đây sẽ là một bước đi mang tính biểu tượng quan trọng. Nhưng cụ thể thì điều đó sẽ như thế nào? Ai sẽ ra quyết định việc sử dụng vũ khí hạt nhân của Pháp?
Pháp luôn coi trọng việc trở thành một cường quốc hạt nhân độc lập. Đất nước này chỉ có vũ khí hạt nhân chiến lược và không có vũ khí hạt nhân chiến thuật. Bản thân các loại vũ khí này, cũng như máy bay và tàu ngầm làm nhiêm vụ bắn hạ, không chứa bất kỳ thành phần nào của Hoa Kỳ, vì vậy Hoa Kỳ không thể phản đối nếu Pháp muốn sử dụng vũ khí của họ. Đây là một điểm cộng cho người châu Âu.
Tuy nhiên, cho đến nay, việc hợp tác - chẳng hạn như Đức đã làm với Hoa Kỳ - có vẻ là điều không thể xảy ra đối với Pháp. Đức muốn tự mình quyết định việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Ngoài ra còn có sự nghi ngờ về khả năng bố trí vũ khí hạt nhân của Pháp ở các quốc gia khác. Và một số người đang tự hỏi Tổng thống Pháp muốn yêu cầu gì để đổi lấy lời hứa bảo vệ.
Chuyên gia quân sự Christian Mölling từ Quỹ Bertelsmann cảnh báo về một sự phụ thuộc mới. "Bây giờ chúng ta có Tổng thống Macron. Nhưng chúng ta cũng có một ứng cử viên tổng thống tiềm năng, Le Pen, người đã nói rằng bà sẽ không bảo vệ nước Đức. Thực tế trong một thập kỷ qua đã cho thấy rằng, người ta không thể tin tưởng Hoa Kỳ mà ngay cả trong châu Âu cũng không tin được."
Mölling nhìn thấy một vấn đề khác là Pháp không có khả năng tăng cường hạt nhân, từ mức rất nhỏ đến mức rất lớn. "Họ còn thiếu nhiều bước, những thứ đã có trong kho vũ khí của Mỹ."
Giống như nước Anh vậy. Điều khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn là kho vũ khí hạt nhân của Anh phụ thuộc vào các thành phần của Hoa Kỳ và do đó không có sự độc lập thực sự.
*
ĐỨC CÓ NÊN SỞ HỮU VŨ KHÍ HẠT NHÂN RIÊNG KHÔNG?
Cho đến nay, “Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân” đã cấm việc phổ biến vũ khí hạt nhân. Luật này có hiệu lực từ năm 1970. Ở Đức, luật này có hiệu lực từ năm 1975. Trong số những điều khác, nó quy định rằng các quốc gia không có vũ khí hạt nhân phải từ bỏ việc chế tạo vũ khí hạt nhân.
Nếu Đức rút khỏi hiệp ước, điều này có thể gây ra hậu quả tàn khốc lên 191 quốc gia ký kết. Ngoài ra, ý tưởng về vũ khí hạt nhân của Đức sẽ quá sức chịu đựng của người dân. Các cuộc biểu tình phản đối vũ khí hạt nhân vào những năm 1980 đã cho thấy suy nghĩ của xã hội.
Các chính trị gia cho đến nay vẫn chưa tìm ra được giải pháp thỏa đáng cho những lo ngại về sự leo thang chiến tranh ở Ukraine. Những cân nhắc về việc sở hữu vũ khí hạt nhân của Đức hoặc châu Âu sẽ càng gây sự chia rẽ hơn nữa trong nhân dân.
*
GIẢI PHÁP THAY THẾ LÀ GÌ?
Tất cả những vấn đề này cần phải được thảo luận. Chính trị phải kéo xã hội đi theo. Hoa Kỳ vẫn chưa từ bỏ chiếc dù hạt nhân của mình dành cho châu Âu, nhưng đã đến lúc chúng ta cần trở nên độc lập hơn.
Một cách: không phải là tách hoàn toàn khỏi Hoa Kỳ, nhưng là giảm thiểu rủi ro phụ thuộc. Theo chuyên gia quân sự Mölling, điều này đặc biệt ảnh hưởng đến ngành công nghiệp vũ khí. "Chúng ta cần một thỏa thuận với người Mỹ rằng chúng ta có thể vận hành các hệ thống hạt nhân, khi mà nhà nước Mỹ hoặc các công ty Mỹ luôn mở cánh cửa phía sau, để cho chúng ta tự vận hành và tích hợp chúng vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của chúng ta."
Một ví dụ là máy bay chiến đấu F35 có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Mỹ, sẽ thay thế máy bay chiến đấu "Tornado" tại Büchel. Không một chiếc máy bay nào trong số này có thể cất cánh nếu chính phủ Hoa Kỳ thu hồi giấy phép, mặc dù từng bộ phận riêng lẻ đều được sản xuất tại Đức. "Nếu bạn không còn tin tưởng đối tác của mình nữa, thì bạn cần phải nắm quyền kiểm soát nhiều hơn và có nhiều khả năng quản lý mọi việc hơn." Mölling cho biết một số quốc gia đã ký hợp đồng đặc biệt cho F35 để sử dụng phần mềm và các yếu tố công nghệ khác. Điều này có nghĩa là cần phải tiến hành đàm phán lại để có thể trở nên độc lập hơn.
*
NGA CÓ NHỮNG VŨ KHÍ GÌ?
Cuộc tranh luận hiện nay về khả năng răn đe hạt nhân cũng liên quan chặt chẽ đến cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống lại Ukraine. Kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, một lần nữa Nga được xác định là kẻ thù chiến lược.
Nga có nhiều đầu đạn nhất thế giới và đã đưa vũ khí hạt nhân vào học thuyết quân sự của mình. Đây cũng là lý do tại sao đất nước này liên tục hiện đại hóa kho vũ khí của mình. Quân đội cũng dựa vào bệ phóng di động cho tên lửa liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và giống như Hoa Kỳ, trong khi Vương quốc Anh và Pháp dựa vào tàu ngầm.
Trong chiến tranh Ukraine, Nga đã nhiều lần tạo ra mối đe dọa hạt nhân để ngăn chặn các quốc gia phương Tây cung cấp viện trợ quân sự cho quốc gia Ukraine. Đồng minh Belarus và vùng đất tách biệt Kaliningrad cũng đóng một vai trò. Vũ khí hạt nhân được bố trí ở đó có thể tấn công các mục tiêu ở các quốc gia thành viên NATO mà gần như không có cảnh báo nào. Tuy nhiên, theo phân tích của nhóm nghiên cứu SWP, vẫn chưa rõ liệu vũ khí hạt nhân của Nga có thực sự được đồn trú ở Belarus hay không.
*
Tác giả Claudia Buckenmaier
Người dịch Lưu Thủy Hương
FB Võ Thu PHương
Không có nhận xét nào