Header Ads

  • Breaking News

    BOT: miếng mồi béo bở khó nhả!

    Vụ việc Trạm thu phí BOT Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành – Dầu Dây ở Đồng Nai bị cướp hơn 2 tỷ đồng vào sáng mùng 3 Tết Kỷ Hợi làm lộ ra khoản thu phí cao khiến công luận bàn tán.

    Bot An Sương - An Lạc
    Ngay hôm sau, đại diện của chủ đầu tư phải lên tiếng giải thích nhưng không được thuyết phục vì bất nhất.

    BOT: miếng mồi béo bở?

    Khi vụ án vừa xảy ra, báo chí trong nước đưa tin số tiền bị mất thu được từ ca làm việc thứ ba trong ngày 7/2, nhưng phía chủ đầu tư sau đó lại thông tin rằng 2 tỷ 200 triệu đồng bị cướp đi từ két sắt sau khi giao nhận phí thu được trong 3 ngày.

    Chính từ vụ cướp này lại nêu lên 1 câu hỏi là số thực mà các trạm BOT thu được là bao nhiêu? Theo báo chí, trạm BOT này nói mỗi ngày chỉ thu được 1 tỷ, nhưng bây giờ lại cướp được 2,2 tỷ. - TS. Lê Đăng Doanh

    Nhận xét về việc thông tin bất nhất này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương đưa ra nghi vấn:

    “Chính từ vụ cướp này lại nêu lên 1 câu hỏi là số thực mà các trạm BOT thu được là bao nhiêu? Theo báo chí, trạm BOT này nói mỗi ngày chỉ thu được 1 tỷ, nhưng bây giờ lại cướp được 2,2 tỷ. Đây cũng là một câu hỏi cần giải đáp rất nghiêm túc. Trên cơ sở giải đáp trường hợp này, tôi đề nghị cần có sự điều tra và khảo sát toàn diện, có hệ thống và khoa học tất cả các trạm BOT.”

    Đồng quan điểm phải điều tra rõ ràng về vụ việc này, nhưng Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính Việt Nam lại cho rằng việc số tiền chênh lệch khi truyền thông đưa tin là có cơ sở vì về mặt nguyên tắc của cơ quan quản lý đòi hỏi phải nộp tiền sau mỗi ngày làm việc, do đó một số cán bộ nói rằng chỉ mất tiền ngày hôm đó. Nhưng trong thực tế, thời gian bị cướp nằm trong dịp Tết cổ truyền nên có thể việc giao nộp bị chậm trễ do thiếu nhân lực.

    Tuy nhiên ông vẫn khẳng định cần cơ quan chức năng điều tra công khai minh bạch để từ đó làm rõ cho người dân cũng như các cơ quan quản lý biết được sự thực của vấn đề là thế nào.

    “Bởi vì có một trạm BOT trong thời gian trước đây đã kê khai không trung thực số tiền thu được trong một thời gian tương đối dài chứ không phải một vài ngày. Vì lẽ đó nên họ đòi hỏi thười gian thu phí BOT phải kéo dài ra để thu được lợi ích cao hơn. Chính vì điều này nên cũng cần sự vào cuộc của cơ quan điều tra làm rõ thực sự là do dịp Tết mà các doanh nghiệp này chậm nộp tiền về cơ quan quản lý hay là họ cố tình trốn tránh để khai thấp số tiền thu được từ trạm BOT, từ đó biển thủ tiền cũng như tăng thời gian thu phí của trạm BOT đó.”

    Chỉ định thầu BOT: Lợi ích nhóm?

    Theo thống kê của Bộ Giao thông – Vận tải, hầu hết các dự án BOT trong nước hiện nay đều theo hình thức chỉ định nhà đầu tư chứ không theo phương thức đấu thầu.

    Lý giải vì sao phải chỉ định thầu, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho biết:

    “BOT là một vấn đề mới ở Việt Nam, vì thế có một thời gian tương đối dài người ta muốn các doanh nghiệp làm BOT nhưng hầu như không có doanh nghiệp nào tham gia đấu thầu vì có nhiều yêu cầu đòi hỏi phức tạp. Nhu cầu phát triển kinh tế cấp bách mà nguồn vốn ngân sách nhà nước lại ít. Vì thế trong một khoảng thời gian dài vừa qua, hầu hết các dự án BOT buộc các cơ quan chức năng Việt Nam chỉ định thầu.”

    Tuy nhiên, có nhiều ý kiến quan tâm cho rằng việc chỉ định thầu như vậy sẽ dẫn đến tình trạng lợi ích nhóm.

    Nói rõ hơn về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng trong kinh tế thị trường thì việc cạnh tranh công khai minh bạch và bình đẳng là yếu tố rất quan trọng để tránh những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh và các nhóm lợi ích.

    “Vì vậy các BOT ở Việt Nam cho đến nay chưa được thực hiện thông qua đấu thầu mà có rất nhiều trường hợp chỉ định thầu đã gây ra sự nghi ngờ hoặc những câu hỏi của người dân và các chuyên gia về sự công khai minh bạch của cá dự án đó và liệu rằng có những nhóm lợi ích nào đứng đằng sau hay không. Tôi nghĩ câu hỏi đó là dễ hiểu đối với bất kỳ nền kinh tế thị trường nào.”

    Về phía Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, ông cho rằng từ việc chỉ định thầu như vậy tất nhiên sẽ nảy sinh vấn đề, đặc biệt trong đó là lợi ích nhóm của những người có thẩm quyền và liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng các dự án BOT này. Do đó, ttrong một khoảng thời gian dài vừa qua có rất nhiều vấn đề liên quan tới các trạm BOT, từ chi phí xây dựng tới chất lượng đường xá, thời gian thu hồi vốn…
    Giải pháp

    Vẫn theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Chính phủ Hà Nội hiện đang tìm cách giải quyết bài toán BOT đang gây nhiều tranh cãi này bằng cách siết chặt và có cơ chế để thực hiện đổi mới công tác đầu tư BOT.

    “Trong đó đặc biệt nhấn mạnh cơ chế đấu thầu các dự án một cách công khai minh bạch để thực hiện các yêu cầu về đầu tư như thỏa thuận Việt Nam đã ký kết với các quốc gia trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương, đặc biệt là trong Hiệp định CPTPP, liên quan đến việc mua sắm các tài sản công và việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì thế việc siết chặt kỷ cương, thực hiện cơ chế đấu thầu một cách công bằng, công khai minh bạch cũng đang trở thành một đòi hỏi không chỉ riêng với các dự án BOT mà với hầu hết công trình liên quan đến mua sắm công và xây dựng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam hiện nay. Đây là điều mà bắt buộc chính phủ Việt Nam phải làm và đang làm một cách ráo riết.”

    Mới đây nhất, trong bài phỏng vấn với trang báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ trưởng Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể có nói sẽ xử lý tổng thể bài toán BOT trong năm 2019.

    Ông Thể cũng cho biết hướng xử lý đã trình Quốc hội và nếu Quốc hội đồng ý thì có thể chi vài chục ngàn tỷ đồng để giải quyết dứt điểm một số dự án đang gây bức xúc trong giới tài xế và người dân. Đồng thời bày tỏ hy vọng được bố trí vốn từ ngân sách nhà nước nhiệm kỳ 2020-2025.

    Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cần phải có nghiên cứu chi phí thực tế là bao nhiêu, cần điều tra nghiên cứu một cách có hệ thống khoa học và phù hợp với thực tế. Có thể đi đến kết luận như ông Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nêu lên nhưng cũng có thể có những ý kiến bổ sung từ phía các chuyên gia và Quốc hội.

    Việc giải quyết các trạm thu phí BOT sao cho hợp lý đang là vấn đề nan giải đối với chính phủ Hà Nội, nhất là trong thời gian gần đây, khi ngày càng nhiều người dân và tài xế lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

    Mặc dù các đại diện chính phủ cùng với Bộ Giao thông – Vận tải và chính quyền địa phương nhiều lần lên tiếng sẽ giải quyết thỏa đáng các trạm thu phí BOT, nhưng đến nay hướng thực hiện những lời hứa đó vẫn chưa thấy cụ thể.

    (RFA) 

    Không có nhận xét nào