Header Ads

  • Breaking News

    Phan Thế Hải - Trương Minh Tuấn và những dàn xếp trong bóng tối

    Ngày 23/2/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố bị can, tạm giam ông Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông để điều tra tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.


    Trước đó, sáng 23/7/2018, anh Quang, Chủ tịch nước đã ký quyết định tạm đình chỉ chức Bộ trưởng Thông tin Truyền thông với anh Trương Minh Tuấn, “do có vi phạm khuyết điểm và BCT đã thi hành kỷ luật về Đảng”.

    Vậy là anh Tuấn sau khi đã out khỏi Bộ 4T đầy quyền lực, tưởng như có thể hạ cánh an toàn với chức Phó Ban Tuyên giáo, chờ ngày nghỉ hiu nhưng không xong rồi.

    Còn nhớ vào năm ngoái, trước sức muôn trùng dư luận về đại án AVG, trong đó, một trong những nhân vật chính là anh Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng đương nhiệm Bộ Thông tin Truyền thông, tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 5 của Bộ TT&TT sáng 7/6, Bộ trưởng Tuấn vẫn tự tin để nói về kết luận của UB Kiểm tra về dự án tai tiếng này.

    Sự tự tin của anh Trương Minh Tuấn khiến người ta nghĩ đến việc có những cuộc dàn xếp trong bóng tối mà anh Tuấn đang ở thế thượng phong?

    Cũng cần phải nói lại là vụ Mobifone mua AVG là một vụ mà một doanh nghiệp Nhà nước bỏ tiền ra mua một công ty cổ phần truyền thông với số vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng, được thành lập từ năm 2011. Từ khi ra đời cho đến khi được Mobile fone mua lại, chưa một năm nào công ty này có lãi.

    Theo báo cáo tài chính được công bố đến 31/3/2015, thời điểm trước khi chuyển nhượng cổ phiếu, tổng tài sản của AVG là 3.260,686 tỷ đồng. Nợ phải trả là 1.266,826 tỷ đồng. Giá trị còn lại của tài sản cố định là 208,589 tỷ đồng.

    AVG là doanh nghiệp ngoài quốc doanh nên không có quyền tự phát sóng, nên đã hợp tác với Đài truyền hình Bình Dương để phát triển kênh An Viên TV. Một Công ty cổ phần, tồn tại năm năm, chưa năm nào có lãi, chỉ sở hữu một kênh truyền hình liên kết, được kê khống giá mua lên tới xấp xỉ 8.890 tỷ đồng.

    Cũng cần phải nói thêm, Bộ Thông tin truyền thông, cơ quan chủ quản của Mobile Fone, trước đó ít lâu đã quyết tâm đẩy Đài truyền hình VTC, một đài có 16 kênh, phát sóng rộng khắp trong và ngoài nước với lượng người xem đông đảo cho VOV với giá chỉ xấp xỉ 2.000 tỷ đồng.

    Thương vụ này được coi là điển hình trong việc “mua đắt bán rẻ” của những người quản lý tài sản nhà nước. Anh Bắc Son, Bộ trưởng đương nhiệm thời đó có bằng tiến sỹ kinh tế, anh Trương Minh Tuấn, thứ trưởng cũng có bằng tiến sỹ về triết học, các anh chắc sẽ rất thấu hiểu quy luật này.

    Bài trước tôi đã nói về chuyện anh Nguyễn Bắc Son, nay xin được bàn thêm một chút về người kế nhiệm anh Son ở bộ 4T là anh Trương Minh Tuấn.

    Thời anh Tuấn còn ở Ban Tuyên giáo, không mấy ai biết đến anh. Năm 2014, khi anh được điều về làm phó cho anh Bắc Son, anh Tuấn cũng chỉ là cái bóng của anh Son, ngoan hiền vâng lời để chờ thời.

    Trong bài trả lời phỏng vấn Báo Lao động Nghệ An mới đây, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương kể lại: Ông Tuấn đến nhà ông Hương mang theo một chồng tài liệu, mở ra để giãi bày: “em phải làm theo lệnh ký các văn bản này, chứ em có xơ múi gì đâu”.

    Thói đời là vậy, là cấp phó, muốn được cất nhắc, lên sao gạch chỉ có hai cách: dùng những cọc tiền làm gạch lót đường hoặc tận tuỵ cung phụng và làm theo chỉ bảo của đàn anh. Anh Tuấn chọn cách thứ hai?

    Thế rồi, Đại hội 12, anh Tuấn được vào Trung uỷ, được làm Bộ trưởng thay anh Bắc Son. Không lâu sau đó, anh Tuấn được ông Nguyễn Phú Trọng đề bạt làm Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

    Cũng cần phải nói thêm, Ban Tuyên giáo trung ương là một ban quan trọng của Đảng. Ban này do anh Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị nắm. Anh Thưởng là người trẻ tuổi, không có nhiều kinh nghiệm cả về văn chương lẫn báo chí, lực lượng chủ lực mà ban này phải định hướng và quản lý.

    Trước một ông Trưởng ban như vậy, anh Tuấn nổi lên như một ngôi sao đầy triển vọng. Điều này giải thích vì sao mà vào tháng 11/2016, anh Tuấn rầm rộ cho ra mắt cuốn sách: “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay” do TS. Trương Minh Tuấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ TT&TT làm chủ biên.

    Theo đó, cuốn sách này được hoàn thiện và xuất bản trên tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và được phát hành đúng dịp triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

    Một số tờ báo đàn em đã không ngớt lời ca ngợi rằng: Với những đúc kết sâu sắc của tác giả, cuốn sách sẽ là cẩm nang quý giá cho mỗi cán bộ, đảng viên… Cùng với đó, nhiều tờ báo lớn như: Nhân dân, Vietnamnet… đã trang trọng cho đăng bài viết của anh Tuấn lên trang đầu.

    Với sự tâng bốc của các báo quốc doanh, người ta nghĩ ngay đến cái ghế tiếp theo của anh Tuấn phải là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cánh tay đắc lực của Tổng bí thư. Tưởng như con đường vào Bộ chính trị của anh Tuấn chỉ là vấn đề thời gian.

    Không lâu sau đó, những tin tức về vụ nâng giá khống trong thương vụ kỳ lạ là AVG được các trang mạng xã hội đưa tin. Những ai có nghiệp vụ kinh tế đều có thể thấy rằng, để thực hiện được thương vụ bom tấn này cần phải có sự phối hợp “binh chủng hợp thành” bởi hàng loạt quan chức cao cấp và doanh nghiệp gồm: Mobifone, AVG và các Bộ Thông tin-Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…

    Tác giả của thương vụ này hẳn là người tài ba mới có thể dựng nên được vở kịch hoàn hảo đưa cả đàn voi chui lọt lỗ kim. Anh Tuấn không hẳn đã là chủ mưu, nhưng anh là một mắt xích quan trọng trong thương vụ đình đám ấy, anh Tuấn xứng đáng được tôn vinh, xứng đáng ngồi vào cái ghế BCT mà anh Thưởng hiện đang ngồi ngượng ngập.

    Như đã nói ở bài trước, một thương vụ mua đắt đến nhiều ngàn tỷ rồi âm thầm chia chác trong bóng tối chỉ vì các anh là những kẻ lão luyện trong việc đạo diễn những vở kịch quyền lực và tiền bạc nhưng có một thứ duy nhất mà các anh không hiểu và không cần hiểu đó là công nghệ. Dẫu rằng cả anh Tuấn và anh Bắc Son đều là người đứng đầu bộ 4T, quản lý nhà nước về công nghệ.

    Khen cho các anh, thương vụ lớn và thất thoát nhiều tiền bạc của nhà nước nhưng các anh đã che đậy được mấy năm trời trước sự rò rỉ thông tin từ mạng xã hội khiến Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc và công bố kết luận thanh tra. Rồi ngay cả khi có kết luận của Thanh tra rồi, sự dàn xếp vẫn chưa hết khiến mọi việc tưởng như bị chìm vào quên lãng.

    Tháng Ba năm 2018, dưới bàn tay thật thà như chọc tiết lợn của những người thợ đốt lò, kết luận thanh tra vụ việc này đã được Thanh tra chính phủ công bố, sau khi đã ‘cưỡng bức’ thay ghế Tổng thanh tra chính phủ và đẩy Phó tổng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh về hưu.

    Vụ việc chính thức được đặt lên bàn của Thường trực Ban bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương và Thủ tướng Chính phủ. Trước sức ép đó, anh Tuấn cùng các đệ đã làm việc cực chẳng đã là huỷ hợp đồng mua bán đầy tai tiếng, gom tiền đã chia chác hoàn trả lại cho Mobilefone để khắc phục hậu quả.

    Công cuộc đốt lò của cụ Tổng đang được vỗ tay nồng nhiệt. Những vụ dàn xếp trong bóng tối đang được tiếp tục, nhưng rồi anh Tuấn vẫn bị đưa vào lò....

    Phan Thế Hải

    (FB Phan Thế Hải)

    Không có nhận xét nào