Header Ads

  • Breaking News

    Nhẫn nại thể hiện trí huệ, khiêm nhường thể hiện tầm nhìn

    (Ảnh minh họa: Shutterstock)
    Nhẫn nại là một loại cây, bản thân nó đắng, nhưng trái kết được lại dịu ngọt. Khiêm nhường là những tia sáng, dẫu sờ chẳng đặng, nhưng những nơi được chiếu tới lại ấm áp. Nhẫn nại không phải là bạc nhược, khiếp sợ, mà là trầm lắng, tĩnh tại. Khiêm nhường không phải là sợ hãi lui bước, mà là quan tâm, cao thượng.

    Nhẫn nại là đại trí huệ

    Nhà văn Wiliam Skakespear từng nói: “Dung nhẫn là trí tuệ lớn nhất”. Khi đời người gặp phải nghịch cảnh, hãy nhớ kỹ phải nhẫn nại. Có thể nhẫn được việc người khác không thể nhẫn, mới có thể đắc được những thứ người khác không thể đắc. Bạn cứ tiến thẳng về phía trước, đương nhiên sẽ gặp phải bóng tối. Nhưng khi vượt qua giai đoạn này bạn sẽ đón nhận được những tia sáng tinh khôi.

    Tự cổ chí kim, những người thành đại sự, không một ai là không thắng ở chữ Nhẫn này. Câu Tiễn nằm gai nếm mật, chịu kiếp nô lệ 10 năm, Hàn Tín cam chịu nỗi nhục chui háng, hoàng đế Khang Hy vì diệt trừ Ngao Bái, dẹp loạn Tam Phiên mà đã âm thầm suốt nhiều năm.

    Tăng Quốc Phiên có câu danh ngôn rằng: “Nại đắc thiên sự phiền, thu đắc nhất tâm thanh”, ý rằng “Nhẫn được nghìn sự phiền, thu được một tâm sáng”. Muốn nhẫn được sự phiền toái phải học được cách nhẫn nại, việc nhỏ không từ, việc lớn không vội, bận mà không loạn. Có thể bạn đang phải trải qua thời kỳ đen tối, nhìn không thấy phương hướng cuộc đời, hay vô số lần ý nghĩ muốn từ bỏ từng xuất hiện, nhưng xin hãy kiên trì thêm một chút, chờ đợi thêm một chút. Trong quá trình vượt thoát khỏi cái kén thường sẽ mang đến những thống khổ. Nhưng hễ trở thành một chú bướm thì sẽ nhìn thấy được một thế giới tươi đẹp hơn.

    Nhẫn nại không chỉ phù hợp với cuộc sống, mà còn phù hợp với giao tiếp trong mối quan hệ giữa người với người. Đương nhiên nhẫn nại không phải là đầu hàng, cam chịu vô điều kiện, mà là chỗ nào có thể nhường người thì nhường, là đại khí phách có giới hạn và có nguyên tắc.

    Trong mối quan hệ giữa người với người đừng so đo tính toán những được mất qua lời nói, đừng tranh luận với những người không xứng đáng. Đối với những việc không ảnh hưởng tới đại cục, nếu có thể lui thì hãy lui một bước, nếu có thể nhẫn thì hãy nhẫn một chút, đừng quá phóng đại cảm xúc, hãy làm một người có khí chất.

    Ngoài những vẫn đề có tính nguyên tắc cần dựa vào lý mà dốc sức bảo vệ ra, khi gặp phải những lời giễu cợt, hay lúc chịu thiệt thòi, hà tất phải bận tâm. Bạn cũng so đo với họ, thì cũng trở thành người giống như họ mất rồi.

    Khiêm nhường thể hiện tầm nhìn

    Trong cuốn “Tăng Quảng Hiền Văn” nói rằng: “Nhẫn một lúc sóng yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Khiêm nhường không phải là tôi sợ bạn, mà là tôi tôn trọng bạn, không phải là tôi không bằng bạn, mà là tôi bao dung bạn.

    Khiêm nhường thể hiện tấm lòng và nhân cách của một người. Lòng dạ càng hẹp hòi, tầm nhìn càng nông cạn thì mọi sự mới so đo tính toán, mới phải tranh đấu ngược xuôi.

    Khổng Dung, một vị quan thời Đông Hán, biết nhường lê, chọn cho mình quả nhỏ hơn khi ông chỉ mới 4 tuổi, đó là một sự khiêm nhường. Bảo Thúc Nha luôn ủng hộ, nâng đỡ và nhượng bộ Quản Trọng khi Quản Trọng chưa gặp thời và ngay cả khi ông đã được triều đình trọng dụng, đó cũng là một sự khiêm nhường. Trương Anh, danh thần nhà Thanh nhượng đất cho Ngô gia kế bên dẫu ông có thể dẹp yên với thực quyền trong tay, cũng là một sự khiêm nhường. Khiêm nhường là có thể đánh giá bản thân một cách khách quan, là biết đứng ở góc độ của người khác mà suy xét vấn đề.

    Trong cuốn “Đệ Tử Châm Ngôn – Sủng Lễ Nhượng” viết rằng: “Khiêm hư cẩn thận căng kỳ trí phi trí dã, kiêm nhường chi trí tư vi đại trí; tự căng kỳ dũng phi dũng dã, khiêm nhường chi dũng tư vi đại dũng ”, ý rằng: “Hãy khiêm nhường, cẩn trọng. Người tự khoe mình thông minh, trí huệ thực ra không phải là bậc trí huệ chân chính, trí huệ mà khiêm nhường ấy mới là bậc đại trí huệ. Kẻ thể hiện mình dũng cảm thực ra không phải người dũng cảm thực sự, dũng cảm mà khiêm nhường, ấy mới gọi là bậc đại dũng.”

    Khiêm nhường không phải là khiến bạn không thể cất đầu lên được, việc gì cũng đều co cụm lại phía sau, mà là bạn đừng quá bận tâm, đừng quá chấp nhất. Phàm mọi chuyện nhường một chút, đâu phải việc gì cũng phải tranh với người khác. Khiêm nhường là một sự tu dưỡng, cũng thể hiện tầm nhìn của con người.

    Trong cuộc sống thường ngày, khi xếp hàng lên xe buýt đừng chen lấn xô đẩy, khi sang đường đừng tranh đi trước, hãy chú ý tới người già trẻ nhỏ. Trong công việc hãy khiêm nhường với khách hàng và đồng nghiệp một chút, đừng cao ngạo hay xem thường người khác.

    Nhẫn nại là một kiểu trí huệ, khiêm nhường thể hiện tầm nhìn, học được cách nhẫn nại mới có thể trưởng thành, học được cách khiêm nhường mới làm nên đại sự.

    Thiên Cầm

    (trithucvn.net)

    Không có nhận xét nào