Nối tiếp nhiệm vụ ‘phản bác các luận
điệu phản động’ mà rất có thể được một bàn tay ngầm trong đảng chỉ đạo
và một ngân sách đính kèm, vào đầu năm 2019 các trang mạng
nguyenphutrong.org, nguyenxuanphuc.org, tolam.org, nguyentandung.org…
lại hùng hổ mở một đợt tấn công mới vào giới đấu tranh dân chủ nhân
quyền, với quan điểm, luận điệu và bài viết rập khuôn mục ‘phòng chống
diễn biến hòa bình’ trên các báo đảng Quân Đội Nhân dân, Nhân Dân, Công
An Nhân Dân…
Trang đầu của Tolam.org. (Hình trích xuất từ trang Tolam.org) |
Một bằng chứng vi phạm nhân quyền
Các
trang mạng trên (tạm gọi là trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ chứ không
phải là ‘mạo danh lãnh đạo’ như cách hiểu của một số người) rất thường
công kích, mạt sát không thương tiếc đối với những người đấu tranh cho
dân chủ nhân quyền ở Việt Nam. Nhiều bài viết đăng trên các trang mạng
này trong những năm qua để lại dấu ấn rất rõ rệt của giới dư luận viên -
bao gồm dư luận viên của cơ quan công an và dư luận viên của cơ quan
tuyên giáo đảng.
Những
chiến dịch công kích nhân quyền của các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’
đã cung cấp một bằng chứng không thể chối cãi về việc chính thể độc đảng
độc trị ở Việt Nam vẫn khư khư ôm ấp chính sách đàn áp nhân quyền và
dân chủ mà chưa có bất kỳ cải thiện nào theo yêu cầu của Hoa Kỳ và khối
Liên minh châu Âu, liên quan đến việc triển khai CPTPP (Hiệp định Đối
tác toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương) và đang trong giai đoạn
thu xếp ký kết EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam).
Không
chỉ trở thành công cụ chuyên chính, hung hăng và cực đoan khi công kích
dân chủ nhân quyền, càng về sau này cách viết bài và đăng tải tin tức
của các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ còn mang hơi hướng làm thuê cho
một hoặc một số nhóm lợi ích và kim tiền ở Việt Nam - liên quan đến
những vấn đề xã hội nóng bỏng như BOT, môi trường…, lồng lộn tìm cách
dập tắt những tiếng nói phản biện và phản kháng của người dân.
‘Bảo kê’ bởi… Bộ Chính trị?
Đặc
điểm chung của các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ là có được nguồn tin
tức nhanh hơn và sâu hơn so với khối báo chí nhà nước nói chung, thỉnh
thoảng còn đăng cả những tin tức nội bộ trong ngành công an mà báo chí
ngoài ngành này khó mà có được.
Trong
những năm qua đã xuất hiện nhiều dư luận về việc các trang mạng ‘đứng
tên lãnh đạo’ có nguồn gốc và sự tham gia của cơ quan an ninh Việt Nam,
được tài trợ bởi một nhóm lợi ích nào đó trong đảng. Còn có tin trên
mạng xã hội cho biết các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’đều có cùng một
bàn tay đạo diễn, và bàn tay này thường họp với ‘ban biên tập’ tại một
nhà hàng ở Hà Nội định kỳ hàng tháng.
Việc
hệ thống các bài viết của những trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ cho thấy
tỷ lệ bài tuyên truyền, trong đó rất nhiều bài tuyên truyền một chiều,
cho ngành công an là cao, không khác gì báo Công An Nhân Dân.
Nhưng
cho tới nay, bất chấp việc những trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ đã tồn
tại trong một thời gian dài, không hề công khai ban biên tập nhưng lại
thản nhiên mang danh nghĩa những quan chức chóp bu như ‘Tổng chủ’ Nguyễn
Phú Trọng, Bộ trưởng công an Tô Lâm, quan chức một thời là thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng, quan chức từng là chủ tịch nước nhưng đã chết là Trần
Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim
Ngân…, và còn công khai cả khung nhuận bút, những trang mạng này vẫn
không bị bất cứ chế tài hay xử phạt nào từ phía các cơ quan an ninh của
bộ Công an và Bộ Thông tin Truyền thông, kể cả thời Trương Minh Tuấn còn
làm bộ trưởng bộ này với biệt danh ‘sát thủ báo chí’.
Từ
sau khi Luật An ninh mạng được triển khai chính thức vào đầu năm 2019,
người ta chỉ thấy luật này gia tăng siết bức đối với những tiếng nói bất
đồng chính kiến và phản kháng xã hội trên mạng, nhưng không hề đả động
đến các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’.
Với
thực tế nền chính trị Việt Nam mà bị nhiều người xem là đầy rẫy chất
liệu mafia, nguồn cơn thật dễ hiểu là các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’
chỉ có thể tồn tại được với điều kiện được một cấp rất cao - thậm chí
cấp Bộ Chính trị - bảo đảm cho các hoạt động của chúng.
Công
cuộc ‘đấu tranh tư tưởng có vùng cấm’ như thế đã khiến nhiều người nghi
ngờ rằng liệu có thật Nguyễn Phú Trọng, Tô Lâm, Nguyễn Xuân Phúc,
Nguyễn Thị Kim Ngân… không biết gì về những trang mạng vừa nặc danh vừa
mạo danh này, hay biết nhưng vẫn ngầm che chắn và toa rập. Thậm chí có
dư luận còn cho rằng chính những chóp bu đó của Việt Nam đứng đằng sau
và ‘bảo kê’ cho những trang mạng này.
Có móc ngoặc với Chân Dung Quyền Lực?
Không
chỉ đánh phá nhân quyền, chủ đề mang tính đấu đá nội bộ cũng đã trở
thành một nội dung chính của các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’.
Không
thiếu dấu hiệu và biểu hiện cho thấy những trang mạng này nhiệt tình
ủng hộ vài ba ủy viên bộ chính trị, trong khi lại tìm cách nói xấu vài
ba ủy viên bộ chính trị khác. Khoảng thời gian cuối năm 2015 và trước
đại hội 12 của đảng cầm quyền là một thời đoạn xung khắc và múa lưỡi nổi
bật như thế.
Vào
những năm 2014 và 2015, những trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ đã tung hô
không tiếc lời Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc chạy đua giành chức tổng bí
thư tại đại hội 12, thậm chí còn cho rằng Dũng là ‘Putin Việt Nam’,
trong khi đăng tải một số bài ‘dìm hàng’ Nguyễn Phú Trọng, Đinh Thế
Huynh và Nguyễn Xuân Phúc.
Đó
cũng là thời gian xuất hiện một quả bom tấn về đấu đá nội bộ: trang
mạng Chân Dung Quyền Lực. Tuy không đến mức như Chân Dung Quyền Lực khi
đăng tải rất nhiều chi tiết về tài sản cá nhân và nhóm lợi ích của một
số quan chức chóp bu như Nguyễn Xuân Phúc, các trang mạng ‘đứng tên lãnh
đạo’ tỏ ra không thích và tìm cách đánh lén những quan chức bên đảng
như Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang và nhóm ‘thân đảng’ như Nguyễn
Xuân Phúc.
Một dấu hỏi rất lớn: liệu có mối tương tác hữu cơ nào giữa các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ với Chân Dung Quyền Lực?
Dấu hỏi trên có thể còn có giá trị cho đến ngày nay và cả trong tương lai không quá xa.
Phe cánh chính trị nào?
Sau
khi Nguyễn Tấn Dũng ‘không còn nữa’, các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’
lại có một ‘chủ soái’ mới: Trần Đại Quang - từ một viên tướng bộ trưởng
công an dời ghế về văn phòng chủ tịch nước. Trong suốt một thời gian
khá dài, Trần Đại Quang đã được các trang mạng này tung hô và PR gần như
Nguyễn Tấn Dũng, tuy giọng điệu có vẻ ‘hàng hai’ hơn khi bắt đầu ‘nâng
hàng’ đối với những nhân vật mới nổi là Nguyễn Phú Trọng, Trần Quốc
Vượng và cả Nguyễn Xuân Phúc.
Còn
giờ đây, các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ vẫn ung dung tồn tại. Chỉ
có sự khác biệt duy nhất là sau cái chết đột ngột và đầy nghi vấn của
Trần Đại Quang vào tháng 9 năm 2018, trang trandaiquang.org cũng ‘chết’
theo.
Nhưng
những trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ còn lại đã chẳng mấy tiếc thương
kẻ đã quá cố mà có vẻ đã tìm ra những chủ mới sau Dũng và Quang: Lâm và
có thể cả Trọng.
Tuy
nhiên, chính trị chẳng có gì là vĩnh viễn, hay thói trở cờ quay ngoắt
vẫn là một đặc tính muôn thuở của chủ nghĩa cơ hội cộng sản. ‘Phe cánh
chính trị’ - một khái niệm đã trở nên đậm đặc và nổi bật trong nội bộ
đảng kể từ năm 2012 khi bắt đầu diễn ra cuộc xung đột không khoan nhượng
giữa Nguyễn Phú Trọng - Trương Tấn Sang với Nguyễn Tấn Dũng, đã và đang
luôn đặt dấu hỏi với động cơ và hành xử của những nhóm quyền lực - lợi
ích mới nổi lên sau đại hội 12: đó là những phe cánh chính trị nào?
Theo
đó, những trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ cũng rất có thể nằm trong quỹ
đạo phe cánh chính trị, quay quắt và sẵn sàng ‘đâm dao sau lưng’ khi có
cơ hội.
Cơ
hội đó sẽ đến một khi nổ ra ‘đảo chính cung đình’. Cơ hội đó sẽ thuộc
về các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’, dẫn dắt và hướng lái dư luận để
phục vụ cho những nhân vật chính trị bất ngờ chiếm ghế khi đó. Cũng khi
đó, những trang mạng này sẽ hiện nguyên hình với tên riêng chứ chẳng cần
mượn danh lãnh đạo nào nữa.
Nếu
trandaiquang.org mà còn phải ‘chết’ thì đến khi đó, chẳng có gì bảo đảm
là nguyenphutrong.org và cả nguyenxuanphuc.org sẽ không chết theo. Chết
theo đúng nghĩa đen.
Phạm Chí Dũng
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào