Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam – Nhà nước độc đảng được toàn cầu hóa

    Việt Nam đã trỗi dậy như một nước chiến thắng, hưởng lợi từ việc thu hút truyền thông toàn cầu sau Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ kết thúc trong thất bại.
     

     Tác giả Börje Ljunggren, cựu đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam và Trung Quốc, nhận định: “Việt Nam đã cố gắng vươn tới chủ nghĩa tư bản và hệ thống kinh tế thị trường bất chấp sự cai trị của cộng sản. Hai hình ảnh có vẻ không tương thích trở nên ngày càng rõ nét, hình ảnh của một trong các quốc gia ngày càng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và hình ảnh một đảng cầm quyền quyết tâm duy trì quyền toàn trị của mình trong thời đại mà truyền thông xã hội trở nên không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày”.

    Tác giả Ljunggren làm rõ các chi tiết của quá trình Việt Nam tham gia vào nền kinh tế toàn cầu thông qua hoạt động thương mại và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ và ASEAN, trong khi vẫn cân bằng lợi ích của việc cạnh tranh. Để đạt được tiềm năng đầy đủ, Việt Nam phải đầu tư vào giáo dục, thực hiện cải cách các doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải thiện nhân quyền cũng như hỗ trợ cho quyền tự do trên mạng xã hội và báo chí, một danh sách dài đòi hỏi đảng Cộng sản phải dần nới lỏng sự kiểm soát cứng nhắc của nó. Đảng Cộng sản Việt Nam đã tham gia nền kinh tế thị trường bằng một con đường không chính thống, nhưng có thể cần phải vượt ra khỏi chế độ độc đảng để đạt được tiềm năng đầy đủ.

    ***

    STOCKHOLM: Đối với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai của ông với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un là một cuộc kiểm tra thực trạng chứ không phải là một thành công. Tuy nhiên, đối với nước chủ nhà Việt Nam, hội nghị thượng đỉnh đó chắc chắn là một chiến thắng lớn. Thành tựu phát triển kinh tế nhanh chóng và nỗ lực ngoại giao khéo léo của đất nước này đã nhận được sự chú ý chưa từng thấy, trong khi một bộ luật an ninh mạng vừa được thông qua gần đây, cùng với việc nhiều người phê phán chế độ đã phải ngồi tù, lại không được chú ý.

    Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả với Trump. Trong cuộc gặp với Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ông Trump nói rằng, ông “cảm thấy rất tốt khi tham gia hội nghị thượng đỉnh này tại Việt Nam bởi vì các bạn thực sự là ví dụ về những gì có thể xảy ra nhờ vào suy nghĩ tốt”. Ông ta còn bổ sung rằng, Việt Nam “đang thịnh vượng như một số ít nơi trên Trái đất” và đang nổi lên như một hình mẫu cho Bắc Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo đã giám sát việc ký kết các giao dịch thương mại trị giá 20 tỉ Mỹ kim.

    Quan hệ tốt đẹp với Mỹ cũng tăng cường hiện trạng an ninh của Việt Nam. Sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc khiến Hà Nội nhận thấy vai trò thiết yếu của việc phòng thủ, còn Hoa Kỳ là đối trọng tự nhiên [của Trung Quốc] – bất chấp cuộc chiến Việt Nam tàn khốc đã kết thúc năm 1975, với hơn 2 triệu rưỡi lính Mỹ đã phục vụ tại đất nước này trong nỗ lực ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan rộng ra ngoài lãnh thổ miền Bắc Việt Nam.

    Việt Nam đã cố gắng vươn tới chủ nghĩa tư bản và hệ thống kinh tế thị trường bất chấp sự cai trị của cộng sản. Đất nước này vẫn là quốc gia độc đảng, với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản được ghi vào Hiến pháp, nghĩa là nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang Việt Nam không chỉ là bảo vệ đất nước mà, còn là bảo vệ đảng cầm quyền. Hai hình ảnh có vẻ không tương thích trở nên ngày càng rõ nét, hình ảnh của một trong các quốc gia ngày càng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và hình ảnh một đảng cầm quyền quyết tâm duy trì quyền toàn trị của mình trong thời đại mà truyền thông xã hội trở nên không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày.

    Độ tuổi trung bình ở Việt Nam là 31, vì vậy thế hệ trẻ của đất nước này chỉ nghe nói về những cuộc xung đột trong và sau chiến tranh. Thập niên kế tiếp cuộc chiến đối với Việt Nam đã diễn ra khó khăn hơn nhiều so với dự đoán. Đất nước thống nhất được xây dựng dựa trên mô hình chế độ Bắc Việt, đã khiến hơn 2 triệu người phải rời bỏ tổ quốc của họ, trong đó có nhiều thuyền nhân tị nạn và nhiều người gốc Hoa.

    Hà Nội đã tham gia một hiệp ước hữu nghị với Liên Xô, làm căng thẳng quan hệ Trung-Việt và sau một thời gian xung đột biên giới, tháng 12/1978, quân đội Việt Nam đã tiến vào Campuchia và xóa bỏ chế độ Pol Pot. Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc muốn dạy cho Hà Nội một bài học, đã phát động một cuộc tấn công đầy tốn kém vào khu vực biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979. Phía Trung Quốc đã huy động hơn 600.000 quân, với 200.000 người tiến vào lãnh thổ Việt Nam. Quan hệ hai nước đóng băng trong hơn một thập niên. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hiệp hội các nước Đông Nam Á đã thành lập một liên minh đen tối để ủng hộ Hoàng thân Campuchia Sihanouk và chế độ Khmer Đỏ – và Việt Nam bị cô lập, hầu như không thể tự nuôi sống mình.

    Năm 1986 đã trở thành một bước ngoặt với sự xuất hiện của cuộc cải cách kinh tế “đổi mới” của Việt Nam. Chính phủ tiến hành phi tập thể hóa nông nghiệp, kiến tạo không gian cho các doanh nghiệp ​​tư nhân, đồng thời mở cửa nền kinh tế cho các hoạt động thương mại và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Mức thâm hụt gạo khổng lồ nhanh chóng biến thành thặng dư, và Việt Nam sớm trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba trên thế giới. Trong một bức thư năm 1995 gửi các đồng sự ở Bộ Chính trị, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói với họ rằng, đừng e ngại tương lai. Ngoại trưởng huyền thoại Nguyễn Cơ Thạch đã mô tả năm 1995 là một năm bội thu. Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ; đồng thời đã ký một thỏa thuận với EU; rồi trở thành thành viên của ASEAN, một tổ chức ban đầu được thành lập năm 1967 để kiềm hãm Việt Nam và chủ nghĩa Cộng sản.

    25 năm vừa qua là một giai đoạn của các xung lực kinh tế và xã hội. Chính sách đối ngoại của Việt Nam đã thành công, tạo ra một môi trường giao lưu quốc tế thuận lợi, với nền kinh tế tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm. Các chỉ số xã hội cũng thể hiện câu chuyện ấn tượng. Tỷ lệ dân số sống dưới mức nghèo khổ đã giảm từ trên 50% vào năm 1992 xuống còn 3% hiện nay, tuy sự bất bình đẳng thu nhập ngày càng tăng nhưng vẫn không đạt đến mức cực đoan.

    Vai trò của hoạt động ngoại thương đã tăng lên đáng kể, tổng giá trị của hoạt động giao dịch thương mại ở đất nước này ngày nay đã lớn gấp đôi GDP của nó, với dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài là một yếu tố chính. Năm 2018, lượng FDI cam kết mới đã bằng 8% GDP. Hải sản, dầu thô, cà phê và gạo là những mặt hàng xuất khẩu lớn, nhưng không đủ để cung cấp sức lực cho đà tăng trưởng kinh tế. Nguồn đầu tư của Tập đoàn Samsung bên Hàn Quốc vào đất nước này đã đạt đến mức ngoại hạng. Hàng triệu điện thoại thông minh được lắp ráp tại nhà máy của tập đoàn này ở Thái Nguyên, đặt tại phía bắc Hà Nội và cùng với nhiều nhà máy khác của Samsung đã sử dụng hơn 150.000 công nhân. Xuất khẩu từ các nhà máy Samsung đã tạo ra gần một phần tư tổng thu nhập xuất khẩu của Việt Nam, hơn 50 tỉ Mỹ kim trong năm 2018.

    Vấn đề nan giải là giá trị gia tăng từ đầu tư trực tiếp nước ngoài, chủ yếu là lao động, vẫn còn thấp và mối liên kết với nền kinh tế trong nước vẫn còn khá yếu. Việt Nam vẫn đang ở khu vực thấp hơn của chuỗi giá trị. Các dòng vốn FDI được ưu tiên trong khi tiến trình cải cách ở các doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa có được sự công nhận đúng mức. Các tập đoàn lớn như Vingroup với nhà đầu cơ chính trị Phạm Nhật Vượng được chào đón nhiều hơn, còn các công ty khởi nghiệp đang tham gia nền kinh tế, nhưng mô hình hiện tại không cung cấp đủ không gian cho sự phát triển năng động thực chất trong nước.

    Hai yếu tố rất quan trọng ở đây là chất lượng của bậc giáo dục đại học và thái độ của Đảng Cộng sản. Việc thu hút vốn FDI được coi là dễ quản lý hơn so với chuyện tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có ý nghĩa chính trị tiềm năng.

    Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Với tư cách thành viên ASEAN, Việt Nam là một phần của các hiệp định thương mại với Nhật Bản, Trung Quốc Hàn Quốc và những năm gần đây đã đàm phán thành công một số hiệp định thương mại tự do lớn, bao gồm Hiệp định song phương với Hàn Quốc vào năm 2015 và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP, được sáng lập dưới thời cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Ông Obama đã từ bỏ con đường truyền thống để mời các lãnh đạo Việt Nam gia nhập hiệp định, đồng thời mời Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đến Nhà Trắng vào năm 2015. Trump đã từ bỏ TPP, nhưng 11 quốc gia khác vẫn kiên trì, và một Hiệp định toàn diện và tiến bộ về Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương, CPTPP, hiện đã có hiệu lực. Việt Nam và Liên minh châu Âu cũng đã hoàn tất một hiệp định vào năm 2015 (EVFTA), nhưng nó vẫn chưa được Nghị viện châu Âu phê chuẩn vì một số thành viên bày tỏ lo ngại về vấn đề nhân quyền. Cả hai thỏa thuận [CPTPP và EVFTA] đều dung chứa các điều khoản quan trọng về quyền lợi của người lao động và trong thỏa thuận EU – Việt Nam còn có một đoạn về vai trò giám sát của các tổ chức xã hội dân sự, cho thấy không gian mới sẽ mở ra cho người lao động.

    Sự phát triển kinh tế quốc tế như vậy trái ngược hoàn toàn với lằn ranh chính trị, nơi đảng này cho thấy rất ít khả năng từ bỏ quyền toàn trị. Tổng Bí thư Trọng là người đồng thời đứng đầu Quân ủy Trung ương và năm ngoái đã trở thành Chủ tịch nước Việt Nam, là một trí thức chuyên ngành xây dựng đảng chứ không phải là nhà cải cách, ông tập trung vào việc tăng cường tính hợp pháp của đảng bằng cách chống tham nhũng. Một cựu ủy viên Bộ Chính trị và nhiều cựu quan chức đã nhận các mức án tù nặng. Tuy nhiên, thứ bậc của Việt Nam trong bảng xếp hạng Minh bạch quốc tế vẫn tiếp tục giảm, quốc gia này được xếp hạng 117 trên 180 nước vào năm 2018, cho thấy những hạn chế của chiến dịch chống tham nhũng do đảng điều khiển thay cho lựa chọn cải cách hệ thống.

    Vào giữa năm 2018, Chính quyền Việt Nam đã bộc lộ tham vọng kiểm soát mạng xã hội bằng việc giới thiệu dự luật an ninh mạng, đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình. Vào tháng 1/2019, phiên bản sửa đổi đôi chút của dự luật này đã chính thức trở thành luật. Việt Nam, trái ngược hoàn toàn với Trung Quốc, cho phép Facebook và Google hoạt động. Luật mới yêu cầu Facebook kiểm duyệt nội dung chống chính phủ trong số 38 triệu người dùng Facebook, nghĩa là khoảng 40% dân số, đồng thời cho phép chính quyền truy cập dữ liệu trực tuyến của người dùng. Tuy nhiên, họ đã để lộ bộ mặt thật. Đảng CSVN chấp nhận rủi ro để cho hình ảnh của mình bị chi phối bởi quá khứ hơn là tương lai.

    Cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tham gia nền kinh tế thị trường bằng một con đường không chính thống, nhưng có thể sớm phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Thách thức lớn của Việt Nam là chấp nhận mạo hiểm để chọn một con đường rộng mở hơn so với việc đứng dưới cái bóng của Trung Quốc, thậm chí sau cùng dám vượt ra khỏi cái bóng của quốc gia độc đảng và thừa nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam.

    Börje Ljunggren
     
     Nguồn: YaleGlobal Online

    Dịch giả: Châu Minh Dũng

    Börje Ljunggren: là cựu Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam và Trung Quốc, tác giả của “Den kinesiska drömmen –Xi, makten och utmaningarna”, nghĩa là: “Giấc mơ Trung Hoa dưới thời ông Tập, Quyền lực và Thách thức” (2017) và đồng biên tập của một đầu sách sắp xuất bản về nước Việt Nam đương đại.
     
    (Tiếng Dân)

    Không có nhận xét nào