Header Ads

  • Breaking News

    ‘Chức vụ mới’ của Tất Thành Cang: Lịch sử đâu phải là bô rác!

    Ông Tất Thành Cang khi còn là phó bí thư thường trực Thành Ủy Sài Gòn. (Hình: Thanh Niên)
    Khi còn là phó bí thư thường trực Thành Ủy, ông Tất Thành Cang được giao nhiệm vụ “trưởng ban chỉ đạo công trình lịch sử TP.HCM” cùng nhiều chức vụ khác. Ngày 26 Tháng Mười Hai, 2018, Tất Thành Cang bị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng ra quyết định kỷ luật, cách chức Ủy viên trung ương khoá 12, phó bí thư thường trực Thành Ủy TP.HCM, Ủy viên Ban Thường Vụ Thành Ủy nhiệm kỳ 2015-2020, chỉ còn lại vị trí thành Ủy viên.

    Kéo theo, trong phiên hội nghị lần thứ 26 của Thành Ủy TP.HCM vào ngày 30 Tháng Ba, 2019, ông Cang cũng bị hạ bậc ở một mặt công tác, chỉ còn là “phó Ban Chỉ Đạo Thường Trực Công Trình Nghiên Cứu Lịch Sử TP.HCM.”

    Sẽ không có gì bất bình thường, khi một người bị kỷ luật về đảng cũng đồng thời bị hạ chức vụ ở một mặt công tác đang phụ trách, từ trưởng ban xuống phó ban. Cũng không có gì bất bình thường, thậm chí còn có vẻ như đây là một cách xử lý quen thuộc đối với cán bộ cao cấp thuộc diện trung ương quản lý, trước khi buộc họ phải đối mặt với việc xử lý bằng luật pháp. Chẳng phải các ông Đinh La Thăng, Trương Minh Tuấn… cũng đều bị hạ xuống cấp phó trước khi bị truy tố và lãnh án đó sao?

    Nói cách khác, nếu điều đó xảy ra, có vẻ như thêm một lần nữa, ông Tất Thành Cang lại đang bị đẩy vào thế phải hứng chịu sức ép phẫn nộ dân túy từ xã hội, trước khi thật sự phải nhận “kỷ luật” chung cuộc từ luật pháp.

    Lần trước, ngày 7 Tháng Mười Một, 2018, ông Cang cũng đã bị buộc phải ngồi tạm vào ghế “trưởng ban chỉ đạo hòa giải, đối thoại TP.HCM.” Ở vị trí này, ông chẳng kịp chỉ đạo được hoạt động hòa giải hay đối thoại nào, chỉ thêm một cái cớ cho sự phẫn nộ xã hội có cơ hội bộc lộ, trút lên đầu ông tới tấp hơn. Hơn một tháng rưỡi sau, ông bị kỷ luật cách tuột mọi chức vụ, vị trí ở trong đảng, đương nhiên cũng rời luôn vị trí “trưởng ban” mà ông chưa kịp làm gì ngoài… nghe dân tình oán thán.

    Nói cách khác, “trưởng” hay “phó,” ông Cang cũng chỉ ngồi tạm.

    Tuy nhiên, với vị trí nghiên cứu lịch sử thì khác. Công trình nghiên cứu lịch sử TP.HCM đang được Thành Ủy đặt hàng Hội Lịch Sử thành phố thực hiện. Tham gia công trình gồm toàn các giáo sư, nhà khoa học… hàng đầu của chuyên ngành. Trong khi đó, ông Cang tốt nghiệp ngành Luật, hoàn toàn không phải là người am hiểu hay từng chứng tỏ có viễn kiến gì đáng kể trong lĩnh vực khoa học lịch sử.

    Mặt khác, viết sử là những người ngoài kiến thức thâm hậu còn phải được coi là đức cao vọng trọng, trung thực, chính trực, công tâm và khách quan, được xã hội nể trọng và tin cậy. Tất cả các yêu cầu này, trong quyết định thi hành kỷ luật ông Cang đã ghi rất rõ là ông hoàn toàn không có.

    Một người như thế, tất không thể đứng thường trực, chỉ đạo cả một “hội đồng nguyên lão” viết sử cho một vùng đất mà ông ta đã từng tham gia phá nát được. Nếu không phải là một sự phân công phi lịch sử, chức vụ “phó ban thường trực” này phải được xem là một sự phỉ báng nhân tâm.

    Có một thực tế là lâu nay, không chỉ ở TP.HCM mà trên khắp cả nước, không phải chỉ ở địa phương mà cả tận trung ương, khoa học lịch sử nói riêng và toàn bộ các ngành khoa học xã hội nói chung thường được “quan tâm” bằng sự rẻ rúng và vô lý. Trong nhiều trường hợp, một nhà khoa học tự nhiên được đẩy về đứng đầu một viện nghiên cứu khoa học xã hội nào đó một cách ngang xương mà chẳng ai cảm thấy băn khoăn. Với yêu cầu phù hợp chính trị, yêu cầu phù hợp và mục đích phát triển khoa học đã bị phớt lờ. Toàn ngành khoa giáo đang bị xem nhẹ.

    Việc chỉ hạ một bậc, vẫn để ông Tất Thành Cang giữ vị trí “phó Ban Chỉ Đạo Thường Trực Công Trình Nghiên Cứu Lịch Sử TP.HCM” chỉ cung cấp thêm thực tế cay đắng, chứng tỏ hệ thống chính trị coi khoa học lịch sử (và các ngành khoa học xã hội khác) không hơn cái bô rác. Nó trở thành nơi để hệ thống tùy tiện tống các loại cán bộ kỷ luật (rác thải chính trị) về, bất chấp thực tế là họ không thể làm việc, đóng góp hay sửa chữa sai lầm ở vị trí mới.

    Đó là chưa kể đến nguy cơ loại cán bộ tha hóa, kém phẩm chất sẽ góp phần phá nát các cơ quan nghiên cứu khoa học, bởi thực tế là họ không hề có năng lực chuyên môn khoa học phù hợp. Nguy hiểm hơn, khi họ viện dẫn để biện minh và đòi hỏi theo “nguyên tắc Cộng Sản Chủ Nghĩa” là “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu.”

    Một sự phân công như thế cũng chứng tỏ rằng, đã không có bài học lịch sử nào được học tập, nghiên cứu đến nơi đến chốn. Chẳng ai học được gì cả. E rằng những sai lầm, sai phạm, vì thế sẽ còn tiếp diễn dài dài, tiếp tục tàn phá cả xã hội lẫn thể chế. Lịch sử được tổ chức biên soạn cẩu thả, vô trách nhiệm như thế thì trách gì học sinh, sinh viên, thế hệ trẻ không quay lưng với lịch sử?

    Rất có thể người ta sẽ biện mình rằng dẫu sao hạ chức cũng đã là kỷ luật nặng nề, rằng xã hội Việt Nam vẫn đang vận hành theo “nguyên tắc xã hội chủ nghĩa” – “làm theo năng lực, hưởng theo lao động.” Khổ nỗi, những kẻ mất chức sẽ không chịu nghĩ thế. Họ luôn tin chắc họ là con người của chủ nghĩa cộng sản. Phần năng lực, may mắn, phù hợp và ít tác hại nhất là họ sẽ… ngồi chơi, vì không biết làm gì cả. Trong khi đó, phần hưởng thụ, trời ạ, nhu cầu đòi hỏi của kẻ tham lam vốn dĩ là vô biên và không đáy! 

    Nguyễn Hồng Lam

    (nguoi-viet.com)

    Không có nhận xét nào