Header Ads

  • Breaking News

    Sơn Trà ký sự - Kỳ 3: Mấu chốt của những vấn đề ‘nóng’ trên bán đảo Sơn Trà

    Vị trí TP. Đà Nẵng và bãi biển Tiên Sa trên bản đồ Google Map
    Cần phải nói ngay, cho đến thời điểm này, dù gọi là “Rừng cấm” hay “Khu bảo tồn thiên nhiên” thì Quyết định 41-TTg ngày 24.1.1977 của Thủ tướng Chính phủ vẫn là văn bản pháp luật cao nhất về bán đảo Sơn Trà.
    Quyết định 41-TTg đưa Sơn Trà vào danh mục 10 khu rừng cấm quốc gia và quy định rõ: “Việc quản lý, bảo vệ và xây dựng các khu rừng cấm phải theo những nguyên tắc sau đây:
    - Không được làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của rừng cấm. Muốn xây dựng các công trình lớn trong khu vực rừng cấm phải được phép của Thủ tướng Chính phủ;
    - Không được khai thác, chặt hạ, săn bắn, gây tiếng ồn hoặc làm bất cứ công việc nào khác có hại đến điều kiện sinh sống và phát triển bình thường của các loài động vật, thực vật trong rừng cấm;
    - Không được đốt lửa hoặc làm ô nhiễm môi trường trong các khu rừng cấm.
    Những trường hợp cần thiết phải chặt hạ cây cối, săn bắt lấy tiêu bản động vật, thực vật hoặc đốt lửa dùng cho sinh hoạt trong khu rừng cấm phải do Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp xét và quyết định. Bộ Lâm nghiệp phải có kế hoạch trồng thêm cây và gây thả phục hồi số lượng các loài chim, thú trong các khu rừng cấm”.
    Về ranh giới, Quyết định 41-TTg xác định tổng quát “khoảng 4.000ha”, gồm “toàn bộ bán đảo Sơn Trà và vùng xung quanh chân núi kéo dài ra 500 mét”, đồng thời giao cho Bộ Lâm nghiệp và UBND tỉnh “chịu trách nhiệm xác định ranh giới cụ thể, đóng bảng mốc, tổ chức quản lý, bảo vệ chặt chẽ mọi sinh vật và tài nguyên”.
    Trên cơ sở đó, theo đề nghị của UBND tỉnh QN-ĐN, ngày 2.10.1992, Bộ Lâm nghiệp đã ra Quyết định số 447/LN-KL phê duyệt luận chứng kinh tế kinh tế kỹ thuật về Sơn Trà với tên gọi mới là “Khu bảo tồn thiên nhiên” với diện tích được xác định rõ là 4.439ha.
    Quyết định 41-TTg và Quyết định 447/LN-KL là 2 quyết định pháp lý tạo lập và xác định ranh giới Rừng cấm-Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Chúng tôi xin lưu ý bạn đọc là, cho đến thời điểm này, chưa có một quyết định hợp pháp nào của cấp tương đương hoặc cao hơn thay đổi 2 quyết định nói trên.

    Hình ảnh khu vực phía tây bán đảo Sơn Trà kế bãi biển Tiên Sa bị tàn phá. Ảnh phải chụp màn hình từ Google Map ngày 1.5. Ảnh trái chụp màn hình từ Google Map trước đó
    Từ đó đến nay, chưa kể những Quyết định trái luật của UBND thành phố Đà Nẵng, đã có thêm 3 Quyết định của Chính phủ có liên quan đến Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà là Quyết định số 45/QĐ-TTg do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ký ngày 8.1.2014, Quyết định số 1976/QĐ-TTg cũng do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ký ngày 30.10.2014, và Quyết định số 2163/QĐ-TTg do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 9.11.2016. Tuy nhiên, những quyết định đó chưa đủ hiệu lực pháp lý làm thay đổi diện tích Khu bảo tồn được xác định bởi 2 quyết định tạo lập. Vì sao vậy?
    Đối với Quyết định 45/QĐ-TTg, là quyết định “phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, kèm theo các phụ lục, trong đó xác định diện tích của Sơn Trà là 3.871ha thuộc khu “dự trữ thiên nhiên”. Quyết định này ra đời để thi hành Luật Đa dạng sinh học 2008 và Nghị định 65/2010/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật.
    Đối với Quyết định 1976/QĐ-TTg, là quyết định “phê duyệt quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng của cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, kèm theo các phụ lục, trong đó xác định diện tích của Sơn Trà là 2.591,1ha, cũng thuộc khu “dự trữ thiên nhiên”. Quyết định này ra đời nhằm thực hiện Luật bảo vệ và phát triển rừng 2004 và Nghị định 117/2010/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng.
    Có thể thấy, trong vòng chưa đầy 10 tháng, với 2 Quyết định của Chính phủ được ký bởi cùng một Phó thủ tướng, rừng cấm Sơn Trà đã “mất” gần 1.300ha. Không thể nói 2 Quyết định trên là sai luật, người ta chỉ thắc mắc về những con số liên quan đến Sơn Trà. Con số 3.871ha được lấy đâu ra chúng tôi chưa biết, nhưng nó không thấp quá xa so với con số 4.439ha được xác lập đầu tiên, có lẽ do đã trừ đi phần đệm. Nhưng con số 2.591,1ha thì có vấn đề. Đó chính là con số lấy từ Quyết định số 6758/QĐ-UBND ngày 20.9.2008 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc “phê duyệt quy hoạch 03 loại rừng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2008 – 2020”. Đây vẫn là một quyết định phê duyệt quy hoạch, đương nhiên không có hiệu lực pháp lý làm thay đổi mục đích sử dụng của 4.439ha Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
    Riêng đối với Quyết định số 2163/QĐ-TTg “phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà”, là quyết định theo đề nghị của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, không căn cứ vào các văn bản pháp luật liên quan đến rừng và khu bảo tồn thiên nhiên. Quyết định này tuy thừa nhận bán đảo Sơn Trà có diện tích 4.439ha, nhưng lại lấy 1.056ha của khu bảo tồn để quy hoạch làm du lịch.
    Có thể khẳng định hai quyết định đầu của Chính phủ (45/QĐ-TTg và 1976/QĐ-TTg) chỉ là việc phê duyệt quy hoạch, chưa chuyển mục đích sử dụng đất rừng, chúng chỉ đưa ra những con số chưa chính xác và mâu thuẫn, những con số này có thể dễ dàng điều chỉnh sau khi rà soát lại cơ sở pháp lý và diện tích thực của Khu bảo tồn. Còn Quyết định số 2163/QĐ-TTg, tuy cũng là phê duyệt quy hoạch nhưng lại có vấn đề lớn về tính khả thi, bởi vì muốn khả thi thì Thủ tướng Chính phủ phải quyết định thu hẹp diện tích khu bảo tồn để chuyển mục đích sử dụng tới 1.056ha, nói trắng ra là phải cho phá 1.056ha rừng cấm. Chúng tôi tin là Thủ tướng có thừa sáng suốt để không làm chuyện đó.
    Rừng cấm – Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà là do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Quyết định 41-TTg quy định rõ “Muốn xây dựng các công trình lớn trong khu vực rừng cấm phải được phép của Thủ tướng Chính phủ”. Khoản 2, Điều 28 Luật Bảo vệ và phát triển rừng cũng quy định: “Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển mục đích sử dụng toàn bộ hoặc một phần khu rừng do Thủ tướng Chính phủ xác lập”.
    Bởi vậy, cho đến thời điểm này, chưa có một quyết định hợp pháp nào của cấp có thẩm quyền làm giảm đi diện tích 4.439ha của khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
    Điều cần lưu ý là Quyết định 6758/QĐ-UBND quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, riêng đối với quận Sơn Trà, quyết định này xác định chỉ có một loại rừng duy nhất là rừng đặc dụng với tổng diện tích 2.591,1ha, đó chính là diện tích rừng đặc dụng của bán đảo Sơn Trà. Diện tích này chỉ chiếm hơn 58% tổng diện tích khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Với việc quy hoạch như thế, ngoài 2.591,1ha rừng đặc dụng, toàn bộ diện tích còn lại của quận Sơn Trà, bao gồm hơn 41% diện tích của khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà không được ghi nhận có bất cứ loại rừng nào, điều đó có nghĩa là nếu nếu có rừng thì có thể phá sạch để làm chuyện khác.
    Quyết định 6758/QĐ-UB tuy không có giá trị pháp lý làm thay đổi diện tích khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, nhưng là quyết định mở đường cho chính quyền thành phố Đà Nẵng hợp pháp hóa việc giao đất giao rừng phi pháp tại rừng cấm.
    Đó là mấu chốt của những vấn đề “nóng” trên bán đảo Sơn Trà hiện nay.

    Hoàng Hải Vân

    Không có nhận xét nào