Header Ads

  • Breaking News

    Công lý phục hồi – một cách tiếp cận với bạo lực học đường

    Ảnh: abaforlawstudents.com
    Nhiều người trên mạng xã hội đang kêu gọi áp dụng hình phạt nặng nhất cho năm học sinh đánh bạn: “phạt 1 năm tù”, “đuổi học vĩnh viễn”, “cần đưa vào trường giáo dưỡng”, “truy tố hình sự”, v.v. Kiểu công lý “ăn miếng trả miếng” của một bộ phận công chúng giờ đây không loại trừ bất kỳ ai, dù người phạm lỗi chỉ là những đứa trẻ.
    Những bình luận trên mạng xã hội dường như dựa trên giả định rằng không còn biện pháp giáo dục nào đối với những đứa trẻ này nữa. Đây cũng là cách công chúng thường phản ứng với những tội phạm nghiêm trọng vốn được dành cho người đã trưởng thành. Một người bình luận trên báo Người Lao động về vụ việc đã viết: “5 kẻ gây tội ác và cha mẹ chúng cần phải được nếm trải những trò ác độc của chúng đã dành cho em”. Họ tin rằng trừng phạt mới có thể giải quyết được vấn đề, mới răn đe được những đứa trẻ hư hỏng và trả lại công lý cho nạn nhân.

    Thay vì nhìn nhận những đứa trẻ phạm lỗi là không thể thay đổi thì có một cách tiếp cận khác ủng hộ việc nhìn nhận bên gây ra lỗi lầm cũng là nạn nhân và cần được hỗ trợ, được gọi là công lý phục hồi (restorative justice).
    Chú trọng hoà giải và khắc phục hậu quả thay vì trừng phạt
    Prison Fellowship International, một tổ chức phi lợi nhuận, thành lập năm 1979 và hoạt động trên 129 quốc gia, định nghĩa công lý phục hồi là lý thuyết về công lý nhấn mạnh tới việc khắc phục hậu quả trong các vụ việc hình sự mà tiến trình gặp gỡ giữa các bên (nạn nhân, người phạm tội, gia đình của họ và cộng đồng liên quan trong vụ việc) đóng vai trò chính.
    Công lý phục hồi ưu tiên khôi phục những mất mát, tổn thương của các bên hơn là tìm kiếm một hình phạt thích đáng đối với người phạm tội, vốn là thứ ưa chuộng trong công lý trừng phạt (retributive justice). Vì lý do đó, công lý phục hồi là phương pháp được cân nhắc thường xuyên trong các vụ án liên quan đến người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi).
    Công lý phục hồi sẽ nhìn nhận vụ việc không chỉ ảnh hưởng đến em học sinh bị đánh mà cho rằng cả năm học sinh đã gây ra lỗi lầm cũng đã bị tổn thương trong vụ việc. Hơn nữa, mối quan hệ bạn bè trong lớp và với cả thầy cô đã bị rạn nứt. Vụ việc cũng ảnh hưởng đến gia đình của các em học sinh trong vụ việc, ví dụ như mâu thuẫn trong gia đình của các em sau khi các em đánh bạn.
    Công lý phục hồi sẽ xem tất cả các bên đã bị tổn thương trong vụ việc, và mỗi bên đều cần giải quyết những vấn đề của mình.
    Bạn học sinh bị đánh cần phải được xin lỗi và bồi thường, được chăm sóc y tế và được hỗ trợ về sức khoẻ tâm lý. Các bạn học sinh đánh bạn cần phải xin lỗi, hiểu được hậu quả mà các em đã gây ra (trẻ em khi chưa đến tuổi trưởng thành không ý thức được đầy đủ hậu quả của những gì chúng làm), và cần biết cách chịu trách nhiệm phù hợp về vụ việc. Gia đình của các em học sinh phạm lỗi nên thừa nhận khuyết điểm trong việc giáo dục con cái, xin lỗi và bồi thường cho gia đình nạn nhân. Nhà trường cần phải thừa nhận lỗi lầm của mình và có kế hoạch tốt hơn để tạo ra một trường học an toàn, giúp cho học sinh và các phụ huynh yên tâm hơn sau vụ việc.
    Hình thức này không né tránh trừng phạt hoặc bỏ lọt tội phạm. Trong trường hợp cần thiết, hình phạt tù giam vẫn được áp dụng để cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội. Tuy nhiên, công lý phục hồi chú trọng tới sự đồng thuận của tất cả các bên trong vụ việc. Công lý phục hồi cũng có thể được áp dụng sau quá trình xét xử để giúp cả nạn nhân và thủ phạm vượt qua được sự việc.
    Trái ngược với công lý trừng phạt, công lý phục hồi dành thế chủ động cho các bên trong vụ việc. Kết quả của việc áp dụng công lý phục hồi là sự đồng thuận và hài lòng của các bên. Trong khi đó, công lý trừng phạt thì chú trọng vai trò của các cơ quan tố tụng để thi hành luật pháp, ví dụ như áp dụng đúng khung hình phạt theo từng tội danh cụ thể.

    Giờ thăm nuôi ở Trường giáo dưỡng số 5 (Long An) – năm 2015 Ảnh: Hà Châu/Tuổi Trẻ.
    Bài học từ một vụ việc thực tế
    Năm 2017, một người bạn là luật sư của tôi tiếp nhận một vụ xâm hại tình dục trẻ em mà thủ phạm là một học sinh lớp 8. Dù vô tình hay cố ý, cách giải quyết của vị luật sư này cho chúng ta một kinh nghiệm tốt về việc áp dụng công lý phục hồi trong giải quyết xung đột đối với trẻ chưa thanh niên và hai bên gia dình.
    Sau khi có lời thú tội của cậu bé, vị luật sư để cho gia đình nạn nhân quyết định giữa hai phương án: đưa vụ việc ra toà hoặc để cô trở thành người kết nối hai gia đình nhằm tìm hướng giải quyết phù hợp. Cô mất nhiều thời gian để làm việc riêng với từng gia đình và luôn đứng ở vị trí trung dung.
    Gia đình nạn nhân được hướng dẫn về quyền của mình trong vụ việc. Họ cũng được biết nguyên nhân vì sao cậu bé lại làm hại con mình và hậu quả có thể xảy ra nếu buộc cậu bé phải đi trường giáo dưỡng hoặc cố gắng truy cứu trách nhiệm hình sự.
    Vị luật sư cũng trò chuyện rất nhiều với cậu bé và hiểu được lý do cậu làm hại bé gái. Cậu bé ít được bố mẹ quan tâm, không được giáo dục về giới tính và đã bắt chước những gì mà cậu đã lén xem được trên mạng. Cậu bé cho rằng nếu hành vi của mình không bị phát hiện cậu vẫn sẽ tiếp tục thực hiện vì không ý thức được điều đó là sai trái.
    Qua nhiều buổi làm việc với luật sư, gia đình cậu bé cũng thừa nhận sai lầm của mình khi bỏ bê con cái. Họ biết được gia đình bé gái đã suy sụp như thế nào sau vụ việc và sẵn sàng đối thoại cũng như bù đắp những tổn thương mà con họ đã gây ra.
    Sau khi hai gia đình thống nhất cách hiểu về vụ việc, vị luật sư sắp xếp những buổi gặp trực tiếp giữa bố mẹ hai bên với nhau. Việc gặp mặt giúp hai gia đình đối thoại và tìm cách giải quyết phù hợp. Gia đình cậu bé xin lỗi gia đình nạn nhân và xin được tha thứ.
    Gia đình nạn nhân quyết định không truy cứu đến cùng cậu bé, họ chỉ muốn cậu bé nhận lỗi và không tái phạm nữa. Hai bên đồng ý một thử thách ba tháng để giáo dục cậu bé, nếu không đạt được kết quả khả quan thì sẽ có những biện pháp nặng hơn, bao gồm cả việc đưa ra pháp luật. Gia đình cậu bé phải cam kết dành nhiều thời gian cho con mình, để cậu bé nói chuyện định kỳ với vị luật sư – vốn là một chuyên gia về tâm lý và sức khoẻ giới tính – để quan sát sự thay đổi của cậu bé.
    Sau khi hai gia đình thống nhất cách giải quyết, cậu bé được gọi vào và xin lỗi gia đình nạn nhân cũng như chấp nhận thử thách và hứa sẽ trở thành người tốt hơn.
    Trước khi chọn cách giải quyết này, vị luật sư đã tìm hiểu mức độ nghiêm trọng của vụ việc và luôn tôn trọng quyết định của gia đình nạn nhân. Cách giải quyết này trước hết không để lại những tổn thương đối với cậu bé và bố mẹ của cậu ta nếu yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp và vụ việc bị đưa lên mặt báo. Gia đình nạn nhân cũng không xem cậu bé như một ác quỷ cần phải bị trừng phạt. Họ cho cậu bé một cơ hội để sửa sai và cho đến nay, họ đã không lầm.
    Giả sử, vụ việc này được đưa ra pháp luật thì việc đối thoại giữa hai gia đình là rất hạn chế. Các biện pháp cứng nhắc của thủ tục tố tụng có thể làm tổn thương thêm cho cậu bé và gia đình của hai bên.
    Để công lý không còn đồng nghĩa với “mắt đổi mắt”

    Trong hầu hết các trường hợp, trẻ em vẫn chưa đủ tuổi bị truy cứu trách nhiệm hình sự và cũng không đủ khả năng để chịu được áp lực nếu bị điều tra theo cách thức dành cho người lớn. Công lý phục hồi có thể được xem xét như một hình thức giáo dục và phục hồi những sang chấn của các bên.
    Canada áp dụng một mô hình công lý phục hồi dành cho những người phạm tội sau xét xử gọi là Vòng tròn kết án (Sentencing circle). Người phạm tội cùng với gia đình, nạn nhân, gia đình nạn nhân và những người trong cộng đồng dân cư được mời tham gia các buổi đối thoại với cảnh sát, thẩm phán, luật sư, và công tố viên. Thẩm phán điều phối cuộc thảo luận, giúp cho các bên cùng nhìn nhận được bản chất của vụ việc. Các buổi đối thoại có thể kéo dài cả ngày. Thông thường, người phạm tội sẽ xin lỗi nạn nhân và bồi thường thiệt hại, gia đình nạn nhân sẽ bày tỏ sự thông cảm và tha thứ cho người phạm tội.
    Một mô hình khác được áp dụng ở thị trấn Milton Keynes (Anh Quốc) giúp kẻ ăn cắp vặt và các chủ cửa hàng có thể đối thoại với nhau. Cảnh sát đã mời những người đại diện các chủ cửa hàng trong vùng để đối thoại với những thanh niên ăn cắp vặt. Trong những buổi đối thoại này, hai bên được trao đổi về lý do ăn cắp, vì sao chọn cửa hàng đó để ăn cắp, việc ăn cắp sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nhân viên, người quản lý, khách hàng và khả năng cửa hàng nhỏ bị phá sản nếu liên tục bị trộm đồ. Các thanh niên được động viên để xin lỗi và cam kết không tái phạm. Những cuộc đối thoại này cũng giúp cho cộng đồng địa phương không kỳ thị thanh thiếu niên, không xem họ là những người có khả năng ăn cắp cao và không kỳ thị họ.
    Cách chúng ta đối xử với trẻ em phạm lỗi cũng chính là cách mà chúng ta muốn nhìn thấy trẻ em phát triển. Hành vi có thể xấu nhưng hành vi không đủ để khẳng định một người là kẻ xấu, nhất là đối với trẻ em. Như Mahatma Gandhi đã từng nói: “Mắt đổi mắt chỉ tạo nên một thế giới mù lòa”.

    Từ khoá:
    công lý: justice (n)
    công lý phục hồi: restorative justice (np)
    công lý trừng phạt: retributive justice (np)
    sự trừng phạt: punishment (n)
    trường giáo dưỡng (gọi chung): juvenile school (np)
    ăn cắp vặt: retail theft (np)
    sự khắc phục, sửa chữa: reparation (n)
    các bên liên quan: stakeholders (n)
     
    Trần Phương

    (luatkhoa.org)

    Không có nhận xét nào