Header Ads

  • Breaking News

    Lê Quang - Xây dựng Cao tốc Bắc Nam với TQ: Chiến tranh và Đô thị

    Bài viết thể hiện quan điểm của người viết trên khía cạnh chiến tranh đô thị trong việc chỉ định thầu Trung Quốc ở dự án đường cao tốc Bắc Nam gần đây được dư luận quan tâm.

    Xây dựng Cao  tốc Bắc Nam với TQ: Chiến tranh và Đô thị
    Thời đi học, tôi trải qua 2 học kì cho một lớp rất khó nhằn ‘’chiến tranh và đô thị’’ (War & City). Cũng cần để nói thêm rằng đó là vì sao mà ETHZ trở thành trường Kiến trúc hàng đầu TG (xếp thứ 3 toàn TG và đội ngũ giáo viên thì xếp thứ nhất, MIT và Harvard thường phải mời giáo viên ETH sang dạy) bởi vì ngoài các môn thiết kế bắt buộc với công nghệ cao thì trường còn có những bộ môn đòi hỏi chuyên môn mà không phải trường Kiến trúc nào cũng dạy. Lớp ‘’chiến tranh và đô thị’’ là một lớp như vậy, lớp nằm trong khoa Lịch sử Kiến trúc & Nghệ thuật, chủ nhiệm bộ môn là giáo sư kinh tế chính trị nổi tiếng thế giới, thầy Ursprung, đứng lớp là Tiến sĩ – Kiến trúc sư Samia. Dông dài như vậy để thấy rằng ngay cả KTS cũng cần phải quan tâm đến mối liên hệ giữa kiến trúc và các kịch bản chiến tranh có thể xảy ra.

    Trong thời gian nghiên cứu, một tình huống nổi bật mà nghiên cứu sinh phải đọc và phân tích rất nhiều, đó là trường hợp dự thảo luật xây dựng cao tốc liên bang Mỹ 1956. Đây là dự án đường lớn nhất trong lịch sử loài người và nó có trọng tâm dựa trên chính sách Quốc phòng. Đứng từ đó nhìn sang dự án xây dựng cao tốc Bắc Nam ở Việt Nam ta thấy có các vấn đề chính sau:

    1. Về quy chuẩn xây dựng, tuyến đường này đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các lực lượng thiết giáp hạng nặng, do đó thiết kế đường (độ rộng, sức chịu tải, chiều cao thông thủy (clearance), các góc cua nhỏ nhất có thể…) sẽ phụ thuộc vào trang thiết bị, khí tài quân sự mà Việt Nam đang và sẽ sở hữu. Bởi vì các trang bị của Việt Nam phần lớn là nhập ngoại nên nhiều khi không theo một tiêu chuẩn chung. Điều này khác với Mỹ, họ tự sản xuất phần lớn trang bị thiết giáp nên họ có các tiêu chuẩn mà đáp ứng được theo cả tiêu chuẩn đường bộ dân sự. Do đó, khi làm việc với thiết kế đường cao tốc của Việt Nam, nếu các thông tin bị ‘’tuồn’’ ra cho một tổ chức có đủ chuyên môn thì họ hoàn toàn có thể ‘’đọc’’ được các chủng loại thiết bị, khí tài quân sự mà Việt Nam đang có. Điều này là bất lợi trong các kịch bản chiến tranh.

    2. Về giao thức vận tải lực lượng bộ binh và thiết giáp. Người Mỹ không phải lệ thuộc 100% vào hệ thống cao tốc liên bang của họ vì ở thời điểm năm 1956 thì hàng không mẫu hạm (tàu sân bay) đã có thể đảm bảo 90% nhu cầu di chuyển của thiết giáp nặng và rất nặng. Mặc dù vậy, hệ thống cao tốc liên bang vẫn luôn phải đặt trong tình huống B khi toàn bộ thiết giáp được di chuyển qua tuyến này. (với những số liệu cụ thể về tốc độ của thiết giáp loại HI và HII tại thời điểm đó). Ở tình huống Việt Nam, chúng ta không có tàu sân bay, hơn nữa, cao tốc với đặc điểm trải dọc từ Bắc xuống Nam sẽ trở thành tuyến di chuyển duy nhất và dễ bị tổn thương trong tình huống kẻ thù có sở hữu tàu sân bay. Vì vậy, dự án cần được đặt dưới sự giám sát của Quốc Hội và lực lượng Quân đội. Việt Nam cũng có đường sắt, tuy vậy việc chủ tịch Kim không dám đi tàu hỏa từ Đồng Đăng đến Hà Nội phần nào cho thẩy rằng tuyến này không đáp ứng được các kịch bản chiến tranh.

    3. Vấn đề sơ tán và di tản dân sự (dành cho những ai coi đây không phải là vấn đề của mình). Vào năm 1956, các tình huống chiến tranh người Mỹ vạch ra vẫn còn rất sơ khai nếu so với tính chất của các cuộc chiến tranh hiện đại ngày nay. Tuy vậy, họ đã có ý thức rất rõ ràng về khả năng sơ tán xảy ra trên tuyến cao tốc liên bang. Trong đó có tính toán cụ thể về khả năng di tàn 70 triệu người trong kịch bản bị tấn công bằng bom nhiệt hạch (bom H- mạnh gấp 1000 lần bom nguyên tử). Việt Nam có thể không có nhiều rủi ro phải đối mặt với bom hạt nhân nhưng hoạt động sơ tán của toàn bộ các tỉnh thành thì gắn liền với cao tốc Bắc Nam, các tình huống chạy vòng quanh đô thị hay xuyên tâm, các tình huống đường giao tránh có thể ảnh hưởng rất lớn đến khả năng di tản của dân thường mà vẫn phải đảm bảo cho giao thức vận tải quân sự nêu ở trên. Do đó các thông tin khó có thể giao cho một đối tác nước ngoài.

    4. Nhiều người nói rằng ngày nay các vệ tinh đã chụp được ảnh chính xác các vị trí trên bề mặt Quả Đất thì kiểu gì người ta cũng ghi lại được ‘’hình dáng’’ của con đường. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Một tuyến cao tốc chạy dọc theo bờ biển dài thì cần làm việc như trục phòng thủ, trong đó có các hệ thống công sự xây sẵn để phục vụ trong các kịch bản chiến tranh dọc tuyến và bảo vệ bộ binh di chuyển theo hàng trên đường (single-file). Vì thế việc xây dựng công sự chờ, ngầm, ẩn chắc chắn là có xảy ra. Đường có thể bị chụp ảnh qua vệ tinh nhưng người ta vẫn cứ phải có công trình ẩn để tăng sức đề kháng cho nó. Cho nên việc xây dựng có thể coi là nhạy cảm bởi vì nó liên quan đến cái mà xưa nay ta vẫn nghe nhắc đến là ‘’bí mật Quốc phòng’’.

    5. Chất lượng của nhà thầu cũng cần quan tâm, có những vị trí thi công lỗi, mắt thường không nhận ra, nhưng trong tình huống chiến tranh sẽ là vấn đề lớn. Học giả Dugan đã từng tuyên bố rằng một sư đoàn bọc thép đang triển khai từ Washington DC có thể không bao giờ đến San Francisco nếu bị chặn bởi bất kỳ một trong số 700 cây cầu nằm trên trục cao tốc liên bang. Với vị trí huyết mạch thì từng vị trí nhỏ nhất phải được kiểm tra và giám sát nghiêm ngặt. Nhìn vào nhà thầu TQ ở đường sắt Hà Đông - Cát Linh với một số cầu cho người đi bộ có trụ thép bắt vít vào tường baloustrade xây gạch (một lỗi ngớ ngẩn nực cười đến khó tin chắc chỉ xảy ra ở VN) thì dư luận có cơ sở để lo ngại về chất lượng của tuyến đường dài 1600km từ HN đến Cần Thơ. Và ngay cả khi nhà thầu giỏi thì phía ta cũng phải có kĩ năng giám sát chứ không thể trao hết quyền cho thầu được.

    6. Có thể thấy rằng vai trò của tuyến cao tốc Bắc Nam của Việt Nam quan trọng hơn cao tốc liên bang ở Mỹ rất nhiều (thời điểm 1956), bởi vì lực lượng quân sự Mỹ ngay ở thời điểm đó đã có rất nhiều lựa chọn trong các kịch bản chiến tranh ( tàu sân bay, tàu hỏa …). Thế nhưng việc xây dựng cao tốc của họ vẫn được đặt dưới sự giám sát rất nghiêm ngặt và sẽ là nực cười nếu người Mỹ giao nó cho một nhà thầu của Liên Xô thực hiện. Người Mỹ có thể rất giỏi về xây dựng, nhưng nếu so sánh với hệ thống Autobahn của Đức thì Mỹ chỉ là đồ trẻ ranh, cho nên nếu không thể tự làm, chắc là họ sẽ thuê một nhà thầu nào đó của NATO. Có nghĩa là người ta cần hướng đến việc thuê một đồng minh mà có sự vượt trội về khoa học vận hành giao thông & hậu cần (logistict).

    7. Về tỷ lệ vốn, điều này cần được làm rõ, trong dự án cao tốc liên bang Mỹ, tỷ lệ này ban đầu được đặt ra là 50-50 nhưng sau đó với yêu cầu Quốc phòng thì điều chỉnh lại thành 90-10. Có nghĩa là vốn chủ yếu từ nhà nước.

    Tóm lại, việc chỉ định nhà thầu TQ vào dự án đường cao tốc Bắc – Nam cho thấy rằng chính quyền dành sự tin tưởng lớn đối với nhà thầu TQ và hiểm họa chiến tranh với Bắc Kinh luôn bị Hà Nội xem nhẹ. Điều này không lạm bàn, vì nó có thể coi là ‘’bí mật quốc gia’’ theo cách diễn giải của Bộ, Ngành. Tuy vậy, hẳn là nó sẽ gây ra thắc mắc cho dư luận bởi vì trong suốt 5 thập kỉ qua, kể từ sau cuộc chiến tranh Việt Nam thì hiểm họa chiến tranh với Trung Quốc luôn là cao nhất ( thực tế là đã xảy ra vào năm 1979).

    Vấn đề này chắc chắn cần phải được đông đảo giới chức quan tâm. Đối với Đảng viên, họ có thể tin tưởng tuyệt đối vào thuyết Chính danh của Đảng CS, nhưng họ chỉ chiếm có 3% dân số mà thôi.

    Một tuyến đường quan trọng như vậy, nó không phải là sở hữu của một ông (bà) bộ trưởng nào đó có nhiệm kì 4 năm (và đôi khi là có thêm nhiều nhiệm kì trong tù sau đó). Nó là một dự án của cả một đất nước. Nó chính là Tổ quốc của chúng ta. Mà trong mọi trường hợp thì người ta phải đặt Tổ quốc lên trên hết thảy mọi thứ.

    Lê Quang

    Không có nhận xét nào