Header Ads

  • Breaking News

    Lịch sử TP.HCM sẽ được viết bởi 'Tan Thành C.'?

    “Chức danh mới nhất của ông Tất Thành Cang được niêm yết công khai tại kiôt thông tin phục vụ Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 26 khóa X, diễn ra ngày 30-3: phó ban chỉ đạo công trình ‘Lịch sử TP.HCM’”. 

    Tất Thành Cang
    Bản tin ở rất nhiều bài báo đã cho biết như vậy.

    Theo các bài báo, Thành ủy TP.HCM đang đặt hàng Hội Lịch sử TP.HCM làm một công trình nghiên cứu lịch sử TP.HCM gồm các giáo sư, nhà khoa học tham gia thực hiện. Quá trình làm công trình sẽ thành lập một ban chỉ đạo để định hướng nội dung. Khi công trình hoàn thành, ban này sẽ thành lập hội đồng thẩm định bổ sung. Trước đây, khi còn là phó bí thư thường trực thành ủy, ông Tất Thành Cang được giao làm trưởng ban.

    Như vậy, thông tin nói trên tái xác nhận việc viết sử là theo một định hướng từ Thành ủy TP.HCM với đại diện cụ thể là ông Tất Thành Cang.

    Trước đó, ngày 26-12-2018, Hội nghị Trung ương 9, khóa XII đã thông qua việc kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, phó bí thư thường trực Thành ủy, ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020 vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

    Xem ra vây cánh của cựu bí thư Lê Thanh Hải vẫn còn quá lớn, hoặc ở đây chính bí thư Nguyễn Thiện Nhân, người từng là cấp phó của ông Lê Thanh Hải, vốn đã ‘vấy máu ăn phần’ nhiều áp phe làm ăn tại TP.HCM, nên giờ lâm vào thế há miệng mắc quai.

    Trong tiểu sử của ông Tất Thành Cang đăng tải ở nhiều trang báo, không rõ ông tốt nghiệp đại học ở chuyên ngành nào? Chính điều này cho thấy dù ở cương vị trưởng hay phó ban chỉ đạo công trình “Lịch sử TP.HCM” đều không thuyết phục về tính chuyên môn, cũng như sự công tâm phải có của những người viết sử.

    Thời gian ông Tất Thành Cang là bí thư Quận ủy quận 2, TP.HCM, rồi bí thư kiêm chủ tịch quận này, đã góp phần đẩy dân oan Thủ Thiêm lâm vào đường khốn cùng của việc thu hồi đất trái pháp luật từ thời chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Hải.

    Giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 6-2014, ông Tất Thành Cang ngồi ghế Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM. Trên cương vị này, ông đã ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.

    Hợp đồng ký tắt của ông Tất Thành Cang đã giao cho Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Đại Quang Minh xây dựng 4 tuyến đường ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, có tổng chiều dài gần 12 km, chiều rộng từ 11,6 m đến 55 m với tổng mức đầu tư là hơn 8.265 tỷ đồng. Nếu tính cả chi phí dự phòng do trượt giá và lãi vay (3.917 tỷ đồng), tổng số vốn lên đến hơn 12.200 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi cây số đường trong khu đô thị Thủ Thiêm có giá từ 700 đến hơn 1.000 tỷ đồng. Con số này gấp nhiều lần suất đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam đã được Quốc hội thông qua (gần 182 tỷ đồng/km). Trớ trêu là số tiền xây dựng đường này được đánh giá là khá đắt đỏ, song chủ yếu nhằm phục vụ khu đô thị Sala của Đại Quang Minh.

    Trở lại với câu chuyện viết sử. Công trình “Lịch sử TP.HCM” sở dĩ có mặt ông Tất Thành Cang (trước đây là trưởng ban chỉ đạo, giờ xuống làm phó ban), là nhằm để “chỉ đạo định hướng nội dung”. Nói một cách khác, đây là cách viết sử thuận theo ý của đảng bộ TP.HCM với đại diện là bí thư Thành ủy.

    Người học sử không ai không biết ba anh em sử gia thời Xuân Thu bên Trung Hoa. Họ chép sử ghi lại việc Thôi Trữ giết vua nước Tề là Trang Công để thâu tóm quyền lực. Dù bị Thôi Trữ chém đầu, nhưng cả ba người đều lần lượt ghi: “Thôi Trữ giết vua”. Đến người thứ tư của dòng họ này cũng không sợ chết mà viết y như vậy, đồng thời nói với Thôi Trữ như một tuyên ngôn của người viết sử: “Ông có thể giết chết người viết sử, nhưng không thể giết chết được sự thật”.

    Cái dũng của người viết sử là như vậy. Trách nhiệm của người viết sử quả là nặng nề, nhưng khó hơn lại là một chữ “dũng”. Lịch sử là hồn thiêng của giống nòi và là trí nhớ của dân tộc. Lịch sử là sự thật, không đúng sự thật không thể gọi là lịch sử.

    Công trình “Lịch sử TP.HCM” chắc chắn sẽ tiêu tốn số tiền lớn từ ngân sách. Tiền thuế của dân không phải được dùng cho một loại biên soạn lịch sử kiểu “định hướng nội dung” như vậy, cho dù đó là định hướng từ người đứng đầu đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng, hay Nguyễn Thiện Nhân, chứ chưa nói đến một người vướng nhiều vi phạm pháp luật như Tất Thành Cang. 
     
    Minh Châu

    (VNTB)

    Không có nhận xét nào