Header Ads

  • Breaking News

    Những sự thật khủng khiếp về ‘trùm BOT

    Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”, Út “bộ trưởng”) thâu tóm hàng loạt dự án BOT, BT béo bở từ bắc chí nam, dù công ty mà ông này đại diện không có năng lực, kinh nghiệm.
    Những sự thật khủng khiếp về ‘trùm BOT

    Chiều 11.4, Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng (viết tắt Công ty Thái Sơn BQP). Đây là cuộc thanh tra đột xuất được Thủ tướng chỉ đạo hồi tháng 5.2018.

    Nhập nhèm danh nghĩa Bộ Quốc phòng, giả mạo hồ sơ

    Theo TTCP, năm 2009, Tổng công ty (TCT) Thái Sơn, Bộ Quốc phòng có Quyết định số 823/QĐ-TS về việc góp vốn đầu tư bằng nguồn vốn tự có tại Công ty Thái Sơn BQP trị giá 10,2 tỉ đồng, tương đương 51% vốn điều lệ. Trong đó, ủy quyền cho ông Đinh Ngọc Hệ, Phó tổng giám đốc, đại diện quản lý 21% và ông Cung Đình Minh, Tổng giám đốc, quản lý 30% vốn điều lệ của TCT Thái Sơn tại Công ty Thái Sơn BQP nhưng không báo cáo và chưa có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong khi đó, Út “trọc” được biết đến với danh nghĩa là Chủ tịch HĐQT của Công ty Thái Sơn BQP.

    Trong quá trình hoạt động, Công ty Thái Sơn BQP nhiều lần thay đổi giấy phép kinh doanh, tăng vốn điều lệ lên 120 tỉ đồng và TCT Thái Sơn đăng ký vốn góp 34,2 tỉ đồng. Năm 2012, TCT Thái Sơn đã lần lượt chuyển nhượng vốn góp 31% cho một số cá nhân và đến đầu tháng 10.2017, trước khi Út “trọc” bị bắt giữ vài tháng, TCT Thái Sơn tiếp tục thoái nốt phần vốn còn lại bằng cách bán chỉ định cho cá nhân. “Việc TCT Thái Sơn chuyển nhượng, thanh toán toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Thái Sơn BQP là không đúng quy định, thiếu công khai, minh bạch; TCT Thái Sơn chưa làm đúng vai trò chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty Thái Sơn BQP”, TTCP nêu rõ.

    Cũng theo TTCP, qua kiểm tra hồ sơ, tài liệu hiện có của Công ty Thái Sơn BQP, hầu hết các báo cáo tài chính từ khi thành lập năm 2009 đến năm 2017 được sử dụng để kê khai quyết toán thuế hằng năm với các cơ quan thuế nhưng không được kiểm toán.

    Tuy nhiên, trong các hồ sơ xin vay vốn của Công ty Thái Sơn BQP tại một số chi nhánh của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN; hồ sơ tham gia liên danh nhà đầu tư các dự án BOT, BT (cầu Việt Trì mới, QL20 đoạn Km 123 – Km 268) và hồ sơ dự thầu một số gói thầu xây lắp cho thấy: các báo cáo tài chính có đóng dấu, ký xác nhận của một số công ty kiểm toán (FAC, HDT, VNASC, SG-VN, Đệ Nhất…). Qua xác minh, một số đơn vị tư vấn khẳng định không thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính của Công ty Thái Sơn BQP.

    Về số liệu tại các báo cáo tài chính “được cho là đã kiểm toán” để xin vay vốn, dự thầu đều phản ánh Công ty Thái Sơn BQP có đủ năng lực. Tuy nhiên, so với báo cáo tài chính để quyết toán thuế hằng năm thì khác; không đúng thực tế; tình hình tài chính rất yếu kém; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu luôn âm, lỗ.

    Theo TTCP, những việc làm trên của Công ty Thái Sơn BQP, các đơn vị, cá nhân liên quan có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, số liệu báo cáo tài chính trong việc xin vay vốn ngân hàng và tham gia dự thầu các dự án.

    Trúng thầu và… bán thầu

    Theo TTCP, từ khi thành lập (tháng 9.2009) đến tháng 12.2014, Công ty Thái Sơn BQP có rất ít nhân công; chủ yếu chỉ có nhân viên phòng hành chính, lái xe, kế toán, thủ quỹ… và một số ít cán bộ kỹ thuật xây dựng (các năm 2009, 2010, 2011, 2013 chỉ có 1 người; năm 2012 không có; 12.2014 có 4 người thuộc phòng dự án).

    Theo hồ sơ tham gia dự thầu các dự án với vai trò là thành viên liên danh và nhà thầu xây lắp, Công ty Thái Sơn BQP có kê khai về kinh nghiệm là đã tham gia một số dự án với vai trò nhà thầu, nhưng thực tế chỉ đứng tên, chưa trực tiếp thực hiện gói thầu, dự án nào tương tự như hồ sơ yêu cầu hay hồ sơ mời thầu.

    Tuy vậy, Công ty Thái Sơn BQP đã được Bộ GTVT và các địa phương chỉ định làm nhà đầu tư, nhà thầu của hàng loạt dự án BOT, BT và các dự án thi công xây lắp khác, như: Dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì (Phú Thọ) theo hình thức hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỉ đồng; Dự án khôi phục cải tạo QL20 (Lâm Đồng) theo hình thức BOT kết hợp BT có tổng mức 4.110 tỉ đồng; Trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương; Nút giao trung tâm Q.Long Biên (Hà Nội), các gói thầu ở sân bay Cam Ranh, Pleiku…

    Đáng chú ý, sau khi được lựa chọn, trúng thầu, Công ty Thái Sơn BQP đã chuyển nhượng lại cho các đơn vị khác thực hiện. Cụ thể, một số gói thầu tại các dự án BOT, BT (cầu Việt Trì mới, QL20) chủ yếu do TCT 319 và Cienco 1 thi công. Kiểm tra tại 2 dự án BOT này, TTCP khẳng định các ban quản lý dự án phê duyệt yêu cầu hồ sơ mời thầu; Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư không đúng quy định về vốn chủ sở hữu, dẫn đến đánh giá năng lực tài chính không chính xác. Mặt khác, nhà đầu tư đề xuất mức thu phí không đúng quy định nhưng vẫn được Bộ GTVT chấp thuận là vi phạm quy định.

    Tương tự, tại gói thầu số 6 (giá trị hợp đồng hơn 606 tỉ đồng) thuộc dự án kéo dài và nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay Cảng hàng không Pleiku, sau khi liên danh Cienco 4 và TCT xây dựng công trình hàng không (ACC) trúng thầu đã chuyển nhượng phần việc giá trị 120 tỉ đồng cho Công ty Thái Sơn BQP thi công.

    Sau đó, Công ty Thái Sơn BQP lại chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc này cho Công ty CP đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu 168 VN (gọi tắt Công ty 168). Thực tế, Công ty 168 cũng không trực tiếp thi công mà tiếp tục chuyển nhượng cho Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng và thương mại Dương Đạt, Gia Lai thi công. Dù Công ty Thái Sơn BQP không trực tiếp thi công nhưng vẫn được nhà thầu chính nghiệm thu, thanh toán khối lượng công việc hoàn thành.

    TTCP cho rằng, thực chất Công ty Thái Sơn BQP không có đủ năng lực về máy móc, thiết bị, nhân công và kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu thực hiện các dự án, gói thầu nhưng vẫn được các chủ đầu tư lựa chọn trúng thầu… sau đó bán thầu.

    Những khoản tiền trăm tỉ đi đâu?

    Trúng hàng loạt gói thầu béo bở và có doanh thu cực lớn nhưng tình hình tài chính của Công ty Thái Sơn BQP bết bát với nhiều khoản chi thiếu minh bạch. Theo tài liệu, hồ sơ do Công ty Thái Sơn BQP cung cấp, tính đến ngày 31.12.2017, tổng số tiền công ty này cho các cổ đông vay chưa thu hồi được là 192 tỉ đồng. Tuy nhiên, các hợp đồng vay không nêu mục đích sử dụng tiền vay; tất cả các khoản vay đều được chi bằng tiền mặt.

    Đáng chú ý, kèm theo mỗi hợp đồng vay đều có biên bản họp HĐQT hoặc biên bản họp đại hội cổ đông có tất cả các cổ đông cùng ký xác nhận thông qua, chấp thuận việc cho vay, trong đó, có chữ ký của ông Cung Đình Minh, Phó tổng giám đốc, nguyên đại diện vốn của TCT Thái Sơn tại Công ty Thái Sơn BQP. Làm việc với TTCP, ông Minh xác nhận không tham gia cũng như không ký bất kỳ văn bản nào tại các cuộc họp HĐQT về việc thông qua nội dung cho các cổ đông vay tiền như nêu trên. Những việc làm này của Công ty Thái Sơn BQP có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, tài liệu.

    Ngày 3.12.2017, CQĐT hình sự Bộ Quốc phòng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Đinh Ngọc Hệ – nguyên Phó tổng giám đốc TCT Thái Sơn; nguyên Chủ tịch Công ty Thái Sơn BQP về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ông Hệ bị cáo buộc sử dụng các ô tô biển quân sự, biển xanh 80A thế chấp, cho thuê và giao xe cho các cá nhân, tổ chức sử dụng trái quy định; lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp quân đội cấu kết với các đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội trong việc làm hợp đồng gửi xăng giả né tránh việc nộp phạt, xâm phạm đến lợi ích của khách hàng dẫn đến đơn thư tố cáo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của quân đội.

    Quá trình điều tra vụ án, CQĐT còn phát hiện Hệ có hành vi mua bằng đại học giả, sử dụng bằng đại học giả để khai trong hồ sơ đảng viên, hồ sơ cán bộ. Cuối năm 2018, Tòa án quân sự T.Ư mở phiên xét xử phúc thẩm tuyên phạt Hệ y án sơ thẩm 12 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức”.

    Đầu năm 2019, Cơ quan CQĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hệ về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Vụ án này hiện đang được điều tra.

    Chuyển hồ sơ 4 nhóm sai phạm sang Bộ Công an

    TTCP cho biết đã chuyển hồ sơ sang CQĐT của Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định đối với hàng loạt nội dung, như: giả mạo hồ sơ, tài liệu (báo cáo tài chính, hồ sơ kê khai về máy móc thiết bị, nhân công, kinh nghiệm, hóa đơn giá trị gia tăng)… không đúng thực tế để tham gia dự thầu tại các dự án mà Công ty Thái Sơn BQP đã trúng thầu với vai trò là nhà đầu tư và nhà thầu xây lắp; chuyển nhượng thầu sai quy định tại các dự án được lựa chọn, trúng thầu, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của dự án, trong đó có dấu hiệu thanh toán khống khối lượng tại gói thầu số 6 thuộc dự án kéo dài và nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay Cảng hàng không Pleiku; vi phạm các quy định về vay vốn ngân hàng (kê khai, giả mạo hồ sơ về báo cáo tài chính, năng lực, kinh nghiệm); sử dụng tài sản đảm bảo không đủ căn cứ pháp lý để vay vốn tại các ngân hàng.

    Ngoài ra, Công ty Thái Sơn BQP còn có dấu hiệu trốn thuế hàng trăm tỉ đồng.

    Theo Thanh niên

    Không có nhận xét nào