Header Ads

  • Breaking News

    Dấu ấn tuần qua: Venezuela – Đảo chính hay cách mạng?


    Việc Chủ tịch Quốc hội kiêm Tổng thống lâm thời Venezuela Juan Guaido kêu gọi người dân và quân đội đứng lên lật đổ Tổng thống độc tài Nicolas Maduro hôm thứ Ba (30/4) đã bị một số báo gọi là “đảo chính”.
    Dấu ấn tuần qua: Venezuela – Đảo chính hay cách mạng?

    Tuy nhiên, nhiều tờ báo lớn nước ngoài như New York Times, Reuters, Fox News… không dùng từ “đảo chính” (coup), mà dùng từ “nổi dậy” (uprising).

    Vậy rốt cuộc, những nỗ lực của Tổng thống lâm thời Guaido và phần lớn dân số ủng hộ ông là đảo chính hay nổi dậy, hay là thứ gì khác?

    Thế nào là đảo chính?

    Wikipedia viết: “Đảo chính còn có tên khác là chính biến, chỉ việc lật đổ một chính phủ dùng biện pháp không theo hiến pháp – thường là thay đổi những viên chức cấp cao. Đảo chính hiện hành khi mà chính quyền bị lật đổ không còn nhận được sự ủng hộ của những lực lượng tham gia đảo chính. Một cuộc đảo chính có thể dùng bạo lực hay không bạo lực.

    Trong chính trị, cách mạng và đảo chính có những điểm giống và khác nhau. Cách mạng và đảo chính đều được tiến hành nhằm lật đổ chế độ chính trị cũ, nhưng khác nhau ở mục tiêu sau đó: Cách mạng là thay chế độ cũ bằng 1 chế độ mới tiến bộ hơn về cơ cấu và tính chất, còn đảo chính là thay thế 1 chính quyền này bằng 1 chính quyền khác có bản chất giống như cũ.

    Một cuộc đảo chính thường chỉ được thực hiện bởi một nhóm lãnh đạo nhắm vào một nhóm các lãnh đạo khác, trong khi một cuộc cách mạng thường được tổ chức bởi phần lớn quần chúng xã hội và thường lật đổ cả thể chế chính trị cũ của quốc gia”.

    Ngoài ra, nếu phân tích theo chữ nghĩa, “đảo chính” có nghĩa là lật đổ cái chính (ở đây là chính quyền).

    Trong trường hợp Venezuela, có một số điều cần lưu ý. Thứ nhất, tính chính danh của chế độ Maduro hiện nay không được nhiều người thừa nhận.

    Cuộc bầu cử hồi tháng 5/2018 đưa ông lên nắm quyền hiện nay (nhiệm kỳ 2) bị Quốc hội Venezuela và phần lớn các nước Âu-Mỹ tố cáo là không hợp pháp. Và đương nhiên, một cuộc bầu cử không hợp pháp thì không thể bầu ra được một lãnh đạo hợp pháp.

    Thứ hai, Quốc hội – cơ quan lập pháp cao nhất của một đất nước – đã bầu ông Guaido lên làm Tổng thống lâm thời. Vì vậy, người lãnh đạo hợp pháp tại Venezuela hiện nay phải là ông Guaido chứ không phải Maduro.

    Tính chính danh của Tổng thống lâm thời Guaido được 80% dân số Venezuela ủng hộ (theo khảo sát gần đây), và đã được hầu hết các nước châu Mỹ và châu Âu công nhận (khoảng 50 nước).

    Trong khi đó, hiện chỉ có một số ít nước công khai lên tiếng ủng hộ chế độ Maduro, trong đó có Nga, Trung Quốc, Cuba và một vài nước khác.

    Điều gì đã khiến nền kinh tế của Venezuela bị hủy hoại?

    Như vậy, xét về chữ nghĩa, chế độ của Maduro không phải là chính quyền. Vì vậy, nỗ lực lật đổ chế độ của ông Maduro không thể được gọi là đảo chính.

    Xét về mục đích, thì nỗ lực của ông Guaido hiện nay chính là đang nhắm đến việc “thay chế độ cũ bằng 1 chế độ mới tiến bộ hơn về cơ cấu và tính chất”.

    Về cách tổ chức, cuộc nổi dậy hiện nay ở Venezuela “được tổ chức bởi phần lớn quần chúng xã hội”, với người đứng đầu là ông Guaido.

    Như vậy, mục đích và cách tổ chức cuộc nổi dậy hiện nay của ông Guaido và những người ủng hộ ông đều phù hợp với định nghĩa của Wikipedia về một cuộc cách mạng.

    Vì vậy, phải nói chính xác rằng những nỗ lực của ông Guaido và phần lớn quần chúng Venezuela hiện nay là một cuộc cách mạng. Và nó hoàn toàn không phải là đảo chính.

    Từ Chavez đến Maduro – Đường đến sự bần cùng

    Tại sao nói ông Guaido đang nhắm đến việc “thay chế độ cũ bằng 1 chế độ mới tiến bộ hơn về cơ cấu và tính chất”?

    Thứ nhất, vì chế độ Maduro đã tiếp nối chế độ của tiền nhiệm Hugo Chavez, đưa người dân vào con đường khốn cùng, không có ánh sáng về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

    Nhờ giá dầu cao, từ những năm 1950 đến đầu những năm 1980, nền kinh tế Venezuela phát triển mạnh mẽ, là một trong những nước mạnh nhất và thịnh vượng nhất ở Nam Mỹ.

    Vào cuối những năm 1950, GDP bình quân đầu người của Venezuela gần như đạt mức của Tây Đức. Năm 1950, Venezuela là quốc gia giàu thứ 4 thế giới tính theo đầu người. Sự thịnh vượng của Venezuela trong thời gian đó thu hút nhiều người nhập cư.


    Giá dầu tăng vào đầu những năm 2000 giúp nền kinh tế Venezuela tăng trưởng mạnh chưa từng thấy kể từ những năm 1980.

    Để thu hút sự ủng hộ của người dân, Tổng thống Chavez (tiền nhiệm của Maduro) thành lập các Công tác Bolivar (Missión Bolivar) nhằm cải thiện các điều kiện kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước.

    Các công tác Bolivar lên kế hoạch xây dựng hàng ngàn phòng khám y tế miễn phí cho người nghèo, cũng như phân phát thực phẩm và trợ cấp nhà ở cho họ.

    Những chương trình này phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ, “xương sống” của nền kinh tế Venezuela, dẫn tới hệ quả là nền kinh tế của đất nước này bị mắc phải “bệnh Hà Lan” (một nền kinh tế bị coi là mắc bệnh Hà Lan khi nó quá phụ thuộc vào một nguồn tài nguyên, dẫn đến sự sa sút của các ngành kinh tế khác).

    Nghèo đói, lạm phát và tình trạng thiếu hụt ở Venezuela tăng chóng mặt trong những năm cuối nhiệm kỳ của Chavez.

    Đầu năm 2013, ngay sau cái chết của Tổng thống Chavez, tờ Foreign Policy tuyên bố rằng bất cứ ai kế nhiệm Chávez đều sẽ “thừa hưởng một trong những nền kinh tế rối loạn nhất ở châu Mỹ”.

    Sau cái chết của Chavez, Nicolas Maduro đã trở thành tổng thống của Venezuela.

    Khi nhậm chức, Maduro đã phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao và tình trạng thiếu hụt hàng hóa tiêu dùng trên khắp cả nước, những vấn đề bắt nguồn từ các chính sách của Chavez. Thế nhưng, ông vẫn tiếp tục duy trì hầu hết các chính sách kinh tế của người tiền nhiệm Chávez.

    Vào năm 2014, Venezuela chính thức lâm vào suy thoái kinh tế, và đến năm 2016, quốc gia này có tỷ lệ lạm phát là 800%, tỷ lệ cao nhất trong lịch sử. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính tỷ lệ lạm phát ở Venezuela là 1 triệu % vào năm 2018.

    Vào tháng 1-2016, người ta ước tính rằng tỷ lệ khan hiếm thực phẩm tại Venezuela là từ 50% đến 80%.

    Theo “Khảo sát điều kiện sống hàng năm” của Venezuela (ENCOVI), gần 75% dân số cho biết họ đã giảm trung bình ít nhất 8,7kg trong năm 2016 và 64% cho biết họ đã giảm 11kg trong năm 2017 do thiếu lương thực thực phẩm.

    Theo một cuộc khảo sát vào tháng 11 năm 2016 bởi DatinCorp, 25% người được hỏi đổ lỗi cho cố Tổng thống Hugo Chavez đã gây ra cuộc khủng hoảng này, 19% đổ lỗi cho Nicolas Maduro, 15% đổ lỗi cho các chính sách kinh tế-xã hội của Chavez, trong khi chỉ có 16% đổ lỗi cho phe đối lập, 4% đổ lỗi cho các doanh nghiệp và 2% đổ lỗi cho Mỹ.

    Một cuộc khảo sát của Meganalisis vào tháng 9-2018 cho thấy 84,3% người Venezuela chấp thuận một sự can thiệp của nước ngoài nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng với điều kiện là dân chúng được cung cấp lương thực và thuốc men.

    Cai trị bằng sợ hãi

    Chế độ Maduro không chỉ khiến Venezuela bần cùng về kinh tế, mà còn khiến xã hội trở thành một mớ hỗn độn, rất phổ biến tình trạng vi phạm nhân quyền, theo trang web nhân quyền Human Events.

    Người Venezuela đã bị giam giữ một cách tùy tiện (không được tiếp cận với luật sư trong thời gian dài), bị tra tấn và thậm chí bị giết trong nhiều năm, và họ tiếp tục sống trong nỗi sợ hãi hàng ngày với chính phủ. Một việc đơn giản như sở hữu các tài liệu chính trị của phe đối lập cũng có thể dẫn đến việc ngồi tù.

    “Tình hình hiện tại đã xấu đi đến mức đe dọa, bắt cóc, giết người và bạo lực đối với người Venezuela cũng như người nước ngoài đã trở thành chuyện thường ngày”, Human Events cho biết.


    Theo đó, cảnh sát ngầm đã giết chết công dân của chính họ, và mọi người đều biết về những địa điểm ở Caracas nơi các thi thể thường xuyên bị đem vứt.

    Chính quyền Maduro còn hậu thuẫn các băng đảng có vũ trang gọi là Colectivos, thường bao gồm các tội phạm bị kết án, được trả tự do với điều kiện phục vụ cho chế độ Maduro. Chúng đã trở thành các “đội tử thần”.

    Các nhà báo nước ngoài đã bị tấn công và lôi ra khỏi khách sạn, không ai an toàn. Không có gì lạ khi hàng triệu người Venezuela đã rời khỏi quê hương của họ để tìm kiếm một nơi trú ẩn an toàn.

    Bắt tay khủng bố và ‘cõng rắn cắn gà nhà’?

    Không chỉ liên kết với tội phạm trong nước, chính quyền Maduro và thân tín của ông còn đưa cả khủng bố nước ngoài vào, và liên minh với quân nhân nước ngoài để buôn lậu và trấn áp dân chúng, theo tố cáo của Hoa Kỳ.

    Theo New York Times, cựu Phó Tổng thống Venezuela và hiện là thân tín hàng đầu của ông Maduro đã đưa các chiến binh khủng bố Hezbollah vào đất nước, đồng thời thực hiện thỏa thuận kinh doanh với một trùm ma túy.

    Theo một hồ sơ được tổng hợp bởi các đặc vụ Venezuela và được New York Times thu thập, El Aissami và cha của ông, Carlos Zaidan El Aissami, đã cố gắng đưa các thành viên Hezbollah vào Venezuela, với mục đích mở rộng mạng lưới tình báo trên khắp châu Mỹ Latinh và đồng thời hoạt động buôn bán ma túy.

    El Aissami đã cố gắng sử dụng quyền lực chính trị của mình để sắp xếp hồ sơ của họ và cho phép họ cư trú trong nước.

    El Aissami hiện đang giữ chức Bộ trưởng Công nghiệp của chính quyền Maduro, cũng được cho là có liên quan đến các nhóm tội phạm có tổ chức.

    Báo cáo tình báo cho biết anh trai El Aissami đã thỏa thuận với Walid Makled, trùm ma túy khét tiếng nhất Venezuela và nắm giữ khoảng 45 triệu USD trong tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ, theo Times.

    Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton tố cáo Cuba có trên 20.000 quân nhân tại Venezuela để giúp bảo vệ chính quyền Maduro. Và chính lực lượng này đã đàn án không nương tay những người biểu tình tay không tấc sắt vừa qua.

    “Nếu chiều nay 20.000-25.000 người Cuba rời Venezuela, tôi nghĩ Maduro sẽ sụp đổ vào nửa đêm”, Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton nói tại Nhà Trắng hôm thứ Ba (30/4). “Đây là sự hiện diện của nước ngoài nằm trên quân đội, đứng trên chính phủ, khiến cho tiếng nói của người dân không thể được lắng nghe”.

    Dĩ nhiên, Cuba đã bác bỏ cáo buộc này, nói rằng thực tế có khoảng 20.000 người Cuba đang ở Venezuela, nhưng họ chỉ là “nhân viên y tế”.

    Tuy khó khăn, Venezuela vẫn cung cấp cho Cuba gần 50,000 thùng dầu/ngày.

    Lo sợ ‘Thiên An Môn Nam Mỹ’

    Ngày 30/4, cả thế giới kinh hãi và phẫn nộ khi chứng kiến cảnh quay cho thấy chính quyền Maduro đã cho xe bọc thép đâm thẳng vào đám đông người dân biểu tình.

    Cảnh quay trực tiếp trên đài truyền hình T13 của Venezuela cho thấy hàng trăm người biểu tình ở Caracas đối đầu với các phương tiện quân sự trên một con đường lớn bên ngoài căn cứ không quân La Carolta.

    Một trong những chiếc xe đang bắn một khẩu súng phun nước vào những người biểu tình vây quanh chiếc xe. Tại một thời điểm, chiếc xe tăng tốc, sau đó lao thẳng vào đám đông những người biểu tình.


    Đây không phải là lần đầu tiên quân đội Venezuela lái xe tấn công người biểu tình. Tình trạng tương tự đã diễn ra khi quân đội lao xe vào những người biểu tình ở thủ đô Caracas ngày 5/4/2017.

    Một người phụ nữ bị thương trong các cuộc biểu tình vào ngày tháng Năm (1/5) của Venezuela nói với ABC News tình hình ‘Giống như chiến tranh, mọi người đều bị bắn’.

    Eva Anato, một giáo viên trung học ở Caracas, cho biết cô bị viên đạn bắn vào mặt sau khi tham gia vào các cuộc biểu tình rầm rộ hôm thứ Tư (1/5).

    “Nó giống như chiến tranh. Mọi người đều bị bắn”, cô Anato nói với ABC News. Nhưng cô nói thêm rằng mặc dù mọi người sợ hãi, các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục.

    “Rất nhiều người mong đợi rất nhiều từ Guaido”, cô nói. “[Nhưng] đây không phải là chuyện một ngày”.

    Anato, 49 tuổi, nói rằng sau một ngày phản đối hôm thứ Tư, cô đang trên đường về nhà với một nhóm nhỏ bao gồm hai cháu gái của cô, một cựu học sinh và hai người khác. Nhóm đã bị chặn bởi những người ủng hộ Maduro, những người bắt đầu bắn vào đám đông, Anato nói. Sự hỗn loạn nổ ra khi một người phụ nữ bắt đầu hét lên rằng Vệ binh Quốc gia đang đến gần, cô nói.

    “Khi tôi cảm thấy phát súng đầu tiên, tôi nói ‘Chúa ơi, con đang chết dần’, vì tôi cảm thấy tất cả máu ngay tuôn chảy trên khuôn mặt của mình. Tôi đã hét lên. Chúng tôi đã hét lên, ‘Chúa giúp chúng con’! Một anh chàng đi với tôi đã chảy máu rất nhiều từ đầu. Tôi nghĩ rằng họ đã giết anh ta. Thật là kinh khủng!”, cô Anato kể.

    Cô cho biết nhóm đã trú ẩn trong một bãi đậu xe. Nhưng khi cả nhóm cố gắng trốn thoát khỏi đó, họ đã gặp phải hơi cay. Anato bị ngã và bể đầu gối. Sau đó họ đã được giải cứu bởi một nhóm người đi xe máy đã đưa họ đến bệnh viện.

    Ít nhất 4 người chết trong 2 ngày biểu tình và 239 người bị thương, Đài quan sát xung đột xã hội Venezuela, một nhóm nhân quyền, nói với ABC News hôm thứ Năm (2/5).

    Phản ứng bạo lực phi nhân tính của chế độ Maduro trước người dân biểu tình trong những ngày qua khiến người ta lo ngại xuất hiện một vụ “Thảm sát Thiên An Môn Nam Mỹ”, khi Maduro bất chấp tất cả để duy trì quyền lực.

    Tại sao ‘khởi nghĩa’ thất bại?

    Cho đến tuần này, Tướng Manuel Ricardo Cristopher Figuera là một trong những người thân tín nhất của nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa Nicolás Maduro.

    Nhưng bây giờ, với 664 từ được lựa chọn cẩn thận trong một lá thư, người đứng đầu cảnh sát bí mật Venezuela SEBIN mô tả chế độ Maduro bị ăn mòn bởi tham nhũng, chia rẽ và thất bại – một tình huống mà ông nói chỉ có một cách giải quyết: lật đổ.

    Tướng Figuera là một trong một số quan chức cấp cao tổ chức nhiều tuần nói chuyện bí mật về sự thay đổi chế độ với phe đối lập Venezuela do Juan Guaidó lãnh đạo.

    Các kế hoạch đã tiến bộ đến mức phe đối lập thậm chí có một tài liệu 15 điểm quy định các điều khoản chuyển đổi cho chế độ. Trong số những điểm đó có sự ra đi của ông Maduro, bảo đảm cho quân đội và ông Guaido thành lập chính phủ lâm thời.

    Các sự kiện đã nhanh chóng tăng tốc vào thứ Ba (30/4) ngay cả trước khi bức thư của Gen Figuera, được xác nhận là có thật bởi trang web của Venezuela Einfo Cocuyo, bắt đầu lưu hành trên phương tiện truyền thông xã hội.


    Khi bình minh ló rạng sáng hôm đó, ông Guaido đứng bên ngoài căn cứ không quân của quân đội Carlota ở Caracas và kêu gọi bắt đầu giai đoạn cuối cùng của Chiến dịch Tự do, đỉnh điểm của một cuộc đẩy mạnh kéo dài bốn tháng để lật đổ ông Maduro.

    Đến 8 giờ sáng, hàng ngàn người biểu tình đã đến tham gia với ông Guaido tại căn cứ không quân, bắt đầu một ngày diễu hành rầm rộ trên toàn quốc và những trận chiến đường phố đầy hơi cay.

    Không rõ lý do tại sao sự nổi dậy của dân chúng trong tuần này đã thất bại. Các quan chức cấp cao của Mỹ, bao gồm ông Pompeo và Elliott Abrams, đặc phái viên Hoa Kỳ tại Venezuela cho rằng đó là do Cuba và ảnh hưởng của Nga.

    Trung Quốc và Nga liệu có bảo vệ chính phủ Maduro tới cùng ?

    “Chúng tôi biết rằng một phần, một phần lớn, phần lớn các chỉ huy cấp cao đang đàm phán… về một thay đổi trong chính phủ, với sự ra đi của Maduro và với sự bảo đảm cho quân đội”, ông Abrams nói với mạng truyền hình Venezuela trực tuyến VPI TV vào thứ Tư.

    “Nhưng sau đó, những người đó đã dừng trả lời điện thoại của họ”, ông nói thêm.

    Một khả năng, được báo cáo bởi Wall Street Journal, là các sĩ quan tình báo Cuba đã biết về các cuộc đàm phán và nói Tướng Padrino giả vờ tham gia vào âm mưu, sau đó sử dụng các cuộc đàm phán để phát hiện những kẻ nổi dậy.

    Một khả năng khác là Moscow, vốn đang bị Venezuela nợ hàng tỷ đô la, đã giúp ngăn chặn kế hoạch này – một khái niệm đã được Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đưa ra sau cuộc điện thoại với ông Pompeo hôm thứ Tư.

    Dù chuyện gì xảy ra, ông Maduro vẫn kiểm soát Venezuela. Tuy nhiên, thực tế là ông đã thực hiện hai chương trình phát sóng sớm vào thứ Năm từ các căn cứ quân sự, trong đó ông diễu hành trong các thiết bị chiến đấu, cho thấy sự kìm kẹp quyền lực.

    Vậy, chế độ Maduro sẽ kéo dài được bao lâu?

    Đồng hồ đếm ngược

    “Sự phá vỡ đã bắt đầu, và tin tôi đi, vết nứt mở ra vào ngày 30/4 là một vết nứt sẽ biến thành một vết nứt và vết nứt đó sẽ kết thúc bằng việc phá vỡ cả con đê”, ông Leopoldo López, lãnh đạo phe cách mạng từng bị bắt giữ, nói từ nơi cư trú của Đại sứ quán Tây Ban Nha.

    Cuộc khủng hoảng kinh tế làm cho vấn đề tồi tệ hơn. Hai thập kỷ quản lý sai lầm, kết hợp với lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với xuất khẩu dầu của Venezuela, đã khiến ông Maduro gặp khó khăn hơn trong việc trả tiền cho những người ủng hộ, và nuôi sống lực lượng an ninh và gia đình họ.

    Ông Guaido, mặc dù lo ngại lâu năm về việc bị bắt giữ, vẫn tiếp tục di chuyển tự do và thu hút người biểu tình trên đường phố. Ông đã kêu gọi các cuộc biểu hàng loạt và không chịu khuất phục trước sự khiêu khích.

    Bên ngoài đất nước, phe cách mạng tin tưởng vào sự hỗ trợ không thể tưởng tượng được từ các đồng minh ở châu Âu, hầu hết châu Mỹ Latinh và Mỹ – nơi ông Trump nhắc lại rằng tất cả các lựa chọn vẫn còn trên bàn, một cam kết có thể sẽ sớm được thử nghiệm.

    Đến bây giờ, tình hình đang bế tắc. Nhưng với ước tính của Liên Hợp Quốc rằng 7 triệu người Venezuela đang cần viện trợ nhân đạo, nó không thể tiếp tục mãi mãi.


    “Không ai muốn Maduro ở lại, không ai cả”, một doanh nhân người Venezuela gần gũi với chính quyền nói. “Ông ta phải đi. Câu hỏi duy nhất là: khi nào và như thế nào?”.

    Một kịch bản có thể xảy ra là ông Maduro cố bám trụ nhưng cuối cùng sẽ bị các cuộc khởi nghĩa lật đổ, khi ngày càng nhiều người Venezuela tham gia phong trào cách mạng.

    Một điều nữa là ông ta sẽ chọn một cuộc sống lưu vong ở Cuba hoặc Nga. Phe đối lập sau đó sẽ khởi xướng một chính phủ chuyển tiếp và bầu cử tự do. Đầu tư bắt đầu quay trở lại đất nước như là một phần của gói giải cứu trị giá hàng tỷ đô la do IMF và Venezuela, nằm trong kho dự trữ năng lượng lớn nhất thế giới, bắt đầu trở lại bình thường, chậm chạp.

    Khả năng thứ ba là sự chuyển đổi đến từ bên trong chính quyền với một nhà độc tài, ông Maduro được thay thế bởi một người khác.

    Việc duy trì dòng tiền chi trả cho các thành viên trong vòng tròn của Maduro là rất cần thiết cho sự sống còn của ông, cũng như đối với bất kỳ ai trong vòng tròn của ông được chọn ra thay thế ông.

    Bueno de Mesquita, giáo sư chính trị tại Đại học New York và là tác giả của cuốn sách “The Dictator’s handbook” (tạm dịch: Sổ tay của độc tài), cho biết: “Đối với nhiều người trong số họ {thuộc vòng tròn Maduro}, câu hỏi thực sự không phải là liệu Maduro có bền vững hay không, mà là chế độ Maduro có bền vững không. Nếu tiền bị nguy hiểm khi Maduro vẫn tại vị, tất cả những gì họ phải làm là rút một cái tên ra khỏi một chiếc mũ sau đó tuyên bố với thế giới, ‘Maduro, vì lợi ích của mọi người, đã từ chức và Joe đã được chọn để thay thế vị trí của ông”.

    “Đây thực sự là một câu hỏi về việc dòng tiền có thể tiếp tục một cách đáng tin cậy đối với các công chức cao cấp, các tướng lĩnh quân đội và các thẩm phán hay không”, ông Mesquita nói. “Nếu câu trả lời là có, thì các nhà lãnh đạo có thể tiếp tục với Maduro hoặc họ có thể chọn một người khác từ trong vòng tròn Maduro”.

    “Nếu câu trả lời là không, bởi vì cộng đồng quốc tế sẽ không hài lòng với việc thay thế Maduro bằng một người khác từ bên trong [vòng tròn bên trong], thì mọi người sẽ bắt đầu đào tẩu và Guaido có thể lên nắm quyền”, ông nói.

    Tương Tử

    (DKN.TV)

    Không có nhận xét nào