Header Ads

  • Breaking News

    Căng thẳng Biển Đông : Việt-Trung cố tránh kịch bản 2014

    Cảnh sát biển Việt Nam quan sát các tàu Trung Quốc hộ tống giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 tại vùng biển Hoàng Sa, ngày 15/07/2014.
    Vào thượng tuần tháng 7 này, tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu kiểm ngư và cảnh sát biển Việt Nam đã lại đối đầu với nhau trên Biển Đông, tại khu vực Bãi Tư Chính gần quần đảo Trường Sa, một khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Thông tin này ngày càng được nhiều nguồn ngoại quốc tiết lộ, trong bối cảnh cả Hà Nội lẫn Bắc Kinh đều thông tin nhỏ giọt, và phản ứng dè dặt. Theo các quan sát viên được báo chí quốc tế ngày 17/07/2019 trích dẫn, cả hai chính quyền Việt Nam và Trung Quốc như đang cố tránh không để kịch bản 2014 tái diễn.

    Tiếp theo tiết lộ ngày 09/07/2019 của giáo sư Ryan Martinson, Trường Hải Chiến Hoa Kỳ (Naval War College), về vụ tàu khảo sát dầu khí của Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 8 được ba tàu hải cảnh hộ tống đã tiến vào vùng Bãi Tư Chính và bị tàu kiểm như và cảnh sát biển Việt Nam bám sát, vào hôm qua, 17/07, hai trung tâm tham vấn Mỹ là Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) và Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Phòng Nâng Cao (C4ADS) đã thông tin rõ hơn về vụ thâm nhập, nêu bật tính chất nghiêm trọng của tình hình.

    Các sự cố có tính chất nghiệm trọng như thế, nhưng theo ghi nhận của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm qua, cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều không đề cập nhiều đến cuộc đối đầu mới trên Biển Đông.

    Lý do là cả hai nước đều muốn tránh một tình trạng căng thẳng dữ dội như vào năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào cắm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, làm dấy lên những cuộc biểu tình chống Trung Quốc trên khắp nước Việt Nam.

    Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã tỏ ý hy vọng rằng Việt Nam sẽ tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với vùng biển bị tranh chấp, và không có những hành động có thể làm phức tạp tình hình.Theo Reuters, tuyên bố trên đây là lời công nhận đầu tiên từ phía Bắc Kinh về sự cố tại Bãi Tư Chính.

    Bắc Kinh đã nêu đích danh Việt Nam trong lúc một ngày trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, khi trả lời một câu hỏi của báo chí, đã tuyên bố chung chung về những diễn biến gần đây tại Biển Đông, mà không nêu tên Trung Quốc và sự cố tàu Trung Quốc thâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. South China Morning Post còn ghi nhận rằng truyền thông nhà nước Việt Nam cũng không đề cập đến vụ việc.

    Về phản ứng của Trung Quốc và Việt Nam trước sự cố Bãi Tư Chính, hãng tin Anh Reuters cũng nhận định thái độ dè dặt, từ cả hai phía.

    Về quy mô sự cố tại Bãi Tư Chính, theo hai trung tâm nói trên được Reuters trích dẫn, thì tại khu vực lô dầu khí Cá Rồng Đỏ, tàu khảo sát Trung Quốc cùng ba tàu hải cảnh hộ tống đã bị chín chiếc tàu Việt Nam bám sát để theo dõi.

    Trước đó, trong một sự cố riêng rẽ tại một lô dầu khí khác do tập đoàn Nga Rosneft khai thác, chiếc tàu Hải Cảnh Trung Quốc mang số hiệu Hải Cảnh 35111 đã có động thái mà CSIS gọi là « đe dọa » nhắm vào các chiếc tàu Việt Nam hoạt động tại giàn khoan dầu Hakuryu-5 của Nhật Bản được tập đoàn Nga thuê để khoan dò tại lô này. CSIS cho biết cụ thể là vào ngày 02/07, khi tàu Việt Nam đang rời khỏi giàn khoan Hakuryu-5, thì bị chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc lao tới xông vào giữa đội tàu, với tốc độ cao, chỉ cách tàu Việt Nam 100 mét.

    Malaysia tập trận tên lửa để đối phó với Trung Quốc

    Theo một số viện tư vấn ở Hoa Kỳ, trong những ngày gần đây, tuần duyên Trung Quốc không chỉ đối đầu với tàu Việt Nam, mà còn tiếp cận ở khoảng cách nguy hiểm (80 mét) với tàu chở dầu Malaysia tại Biển Đông.

    Bộ Quốc Phòng Malaysia thông báo Hải quân nước này hôm 15/07/2019 có đợt tập trận, phóng thử tên lửa.

    Hỏa tiễn chống hạm được bắn từ tầu hộ tống Kasturi (Type FS 1500) và một trực thăng của Hải Quân. Theo thông báo của Hải Quân Hoàng Gia Malaysia, thành công của cuộc tập trận tên lửa chống hạm cho phép quốc gia này sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ hòa bình và các lợi ích quốc gia trên Biển Đông.

    Cuộc tập trận hỏa tiễn chống hạm nói trên là nằm trong khuôn khổ của hai cuộc tập trận lớn mang tên « Kerismas » và « Taming Sari ».

    Theo giới quan sát, đây là một hành động biểu dương lực lượng hiếm có tại Biển Đông của quân đội Malaysia, trong bối cảnh đe dọa từ Trung Quốc gia tăng. Lần tập trận với tên lửa chống hạm gần đây nhất của Malaysia là vào năm 2014.

    (RFI)

    Không có nhận xét nào