Header Ads

  • Breaking News

    Bắc Kinh nói Mỹ 'kích động ác ý' về hoạt động của TQ ngoài khơi VN

    Trung Quốc hôm thứ Ba nói Hoa Kỳ đang "kích động ác ý" tình hình Biển Đông, và đang đưa ra những lời chỉ trích vô căn cứ.

    Bãi Tư Chính: Diễn biến mới khi Hải dương 8 quay lại biển Việt Nam
    Lời cáo buộc của Bắc Kinh được đưa ra ngay sau khi Ngũ Giác Đài nói Trung Quốc đang "can thiệp cưỡng bức" ở vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khi đề cập tới vấn đề Việt-Trung nói rằng Mỹ đã lặp đi lặp lại việc "đưa ra những nhận xét thiếu suy nghĩ, có những chỉ trích vô căn cứ đối với Trung Quốc, hoàn toàn bóp méo sự việc và đổi trắng thay đen".

    "Trung Quốc thúc giục Hoa Kỳ hãy chấm dứt cách hành xử kích động ác ý này, và hãy đóng một vai trò tích cực, mang tính xây dựng trong các vấn đề khu vực và quốc tế," ông Cảnh Sảng phát biểu.

    Trước đó, hôm thứ Hai 26/8, Ngũ Giác Đài cáo buộc Bắc Kinh đang tiến hành 'can thiệp cưỡng bức' các hoạt động dầu khí ở vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

    Tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc hôm thứ Bảy 24/8 mở rộng hoạt động tới khu vực sát với bờ biển của Việt Nam hơn.

    "Gần đây, Trung Quốc đã nối lại hoạt động can thiệp cưỡng chế tại khu vực có các hoạt động khai thác dầu khí lâu đời của Việt Nam ở Biển Đông," tuyên bố của Ngũ Giác Đài nói.

    Ngũ Giác Đài cho hay các hoạt động của Bắc Kinh mâu thuẫn với cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hoàng tại Singapore hồi đầu năm nay, theo đó ông Ngụy nói rằng Trung Quốc cam kết đi theo con đường phát triển hòa bình.

    "Trung Quốc sẽ không chiếm được lòng tin của các nước láng giềng cũng như sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế bằng cách duy trì các chiến thuật bắt nạt của mình," tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói.

    Liên tục phản ứng

    Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ và Trung Quốc lớn tiếng công kích lẫn nhau liên quan tới tình hình ngoài khơi Việt Nam những tuần qua.

    Tàu Hải Dương Địa chất 8 lần đầu tiên vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam (EEZ) vào đầu tháng Bảy, bắt đầu một cuộc điều tra địa chất kéo dài nhiều tuần, gây ra một cuộc đối đầu căng thẳng giữa tàu quân sự và tàu bảo vệ bờ biển từ Việt Nam và Trung Quốc.

    Việt Nam cho tới nay đã nhiều lần yêu cầu Bắc Kinh rút tàu trong bối cảnh căng thẳng kéo dài gần hai tháng qua tại vùng biển được coi là điểm nóng trong khu vực.

    Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng trước nói rằng các nước khác không nên can thiệp vào các vấn đề hàng hải giữa hai nước.

    Tuần trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố các hành động của Trung Quốc là sự leo thang của Bắc Kinh trong nỗ lực đe dọa các nước cũng có yêu sách về lãnh thổ trên Biển Đông, nhằm khiến các nước này phải chấm dứt hoạt động khai thác tài nguyên trong vùng biển này.

    Mỹ cam kết đảm bảo an toàn năng lượng ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương

    Hôm thứ Năm 22/8, Hoa Kỳ nói quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động dầu khí ở vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

    Trong thông cáo báo chí, Washington cũng thẳng thừng lên án việc đưa tàu khảo sát và nhóm tàu hộ tống có vũ trang của Trung Quốc hôm 13/8 vào lại vùng biển ngoài khơi Việt Nam, gần khu vực Bãi Tư Chính, và nói việc đưa tàu tới là "việc Bắc Kinh leo thang nhằm hăm dọa các bên khác có tuyên bố quyền khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông".

    "Hoa Kỳ mạnh mẽ phản đối việc Trung Quốc tìm cách đe dọa hoặc ép buộc các nước đối tác không được hợp tác với các hãng không phải là của Trung Quốc, hoặc bằng các cách khác quấy rối các hoạt động hợp tác đó," phát ngôn viên Morgan Ortagus nói.

    Mỹ cũng cam kết sẽ "thúc đẩy an toàn năng lượng cho các đối tác và đồng minh ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương và đảm bảo việc khai thác dầu khí trong khu vực sẽ không bị gián đoạn", thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

    Ngay lập tức, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm thứ Sáu 23/8 cáo buộc Washington "gieo rắc chia rẽ và có những động cơ ngầm", nhằm "gây hỗn loạn tình hình ở Biển Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) và làm tổn hại hòa bình, ổn định trong khu vực."

    (BBC) 

    Không có nhận xét nào