Header Ads

  • Breaking News

    Giáo dục Việt Nam đang đi lạc đường

    Học sinh trường THCS Đoàn Thị Điểm, Hà Nội trong ngày khai trường.
    Thể chế là rào cản của giáo dục

    Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có đợt tập huấn, bồi dưỡng về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới cho giảng viên các trường sư phạm chủ chốt nhằm bồi dưỡng nhân sự tham gia phát triển tài liệu và bồi dưỡng giáo viên phổ thông, nâng cao năng lực thực hiện GDPT mới.

    Đây là một trong các nỗ lực của ngành giáo dục nhằm giúp thay đổi chương trình học ngày một mới hơn, hiện đại hơn, nhưng nhiều người đang hoang mang về những loại hình mang tính chất “đổi mới” của ngành giáo dục Việt Nam. Bộ Bộ GD&ĐT đã từng thừa nhận những thiếu sót về lộ trình và bước triển khai chưa phù hợp, cán bộ quản lý và giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo và còn có một bộ phận ngại đổi mới…trong Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam được triển khai từ năm 2013.

    Giáo sư Phạm Minh Hoàng, người từng là giảng viên môn Toán học ứng dụng tại Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhận định rằng giáo dục Việt Nam hiện tồn tại rất nhiều vấn đề. Nếu không thay đổi cái chính là tư duy về nhân sự, đặt con người lên trên hết thì không giải quyết được gì cả. Ông nêu ra mấu chốt của vấn đề:

    “Mấu chốt là vấn đề chính trị vì nền giáo dục của VN không dựa trên những tiêu chuẩn như nhân bản; khoa học; đại chúng; sáng tạo…mà dựa trên luật giáo dục là phải đào tạo ra con người XHCN. Nghĩa là giáo dục VN phải tuân thủ và đi theo chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

    Quy định không để nhân bản; không để vai trò của giáo viên, học sinh lên trên hết mà để vấn đề chính trị, tư tưởng lên trên hết. Một khi họ sai từ cơ bản thì họ sai hết tất cả. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra thì Bộ GD có sửa cách nào cũng vậy thôi.”

    Từ sau năm 1975, giáo dục ở Việt Nam đã nhiều lần cải cách với những thay đổi lớn liên quan đến chương trình học, nội dung sách giáo khoa, phương pháp dạy học... khi Chính phủ ban hành và sửa đổi Luật Giáo dục ở các đợt khác nhau (1998, 2005, 2009); chưa kể những thay đổi ở các bậc học khiến ngành giáo dục càng ngày càng mất cân đối.

    Mọi cải cách cho đến nay vẫn chỉ loay hoay trong “cải cách của cải cách” mà không dựa trên một hệ thống triết lý giáo dục rõ ràng nào.

    Giảng viên đại học Chế Quốc Long từ Sài Gòn khẳng định, thể chế độc tài muốn kiểm soát tất cả nên không thể có sự thay đổi. Một khi con người trong ngành giáo dục được tư duy một cách tự do thì cải cách mới phát triển được. Ông nói thêm:

    Những cải tiến của Bộ GD- ĐT qua các thời kỳ bộ trưởng luôn có tính tình thế. Từ việc giảm tải chương trình, kết hợp các môn học khoa học tự nhiên hay xã hội, thay đổi phương thức thi cử.... Điều cần cải tiến thì bộ lại không làm được.

    Chương trình giáo dục phổ thông quá giáo điều, hình thức, nặng nề, kìm hãm tư duy sáng tạo của người học. Việc duy trì một bộ sách giáo khoa độc quyền đã giết chết tính sáng tạo của cả người học và người dạy.

    Với Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng thì tình hình giáo dục ở VN rất trầm trọng trong khi ông Bộ trưởng giáo dục Phùng Xuân Nhạ lại có tư duy rất kém cỏi. Bây giờ muốn thay đổi thì phải thay đổi từ tư duy của người lãnh đạo về giáo dục và tuyên truyền. Phải thay đổi tư duy của Ban tuyên giáo, bởi Bộ GD-ĐT làm gì cũng phải có những điểm căn bản, phải nghe theo chỉ tiêu của Ban tuyên giáo. Ông dẫn chứng :

    “Họ vẫn còn cái tư duy coi trường học không phải chỗ để mà trao đổi, để mà phổ biến cái hiểu biết của con người, hiểu biết của nền văn minh, hiểu biết của nhân loại. Mà họ coi trường học là phương tiện để tuyên truyền chính trị, cho nên họ đặt nặng những giáo trình không ăn nhập gì đến việc học hành mà họ bắt sinh viên phải thấu triệt, nếu không thì họ không cho đậu. Họ dùng nhà trường để tuyên truyền chính trị thì không bao giờ có nền giáo dục tốt được!”

    Cuối năm 2018, Bộ GD&ĐT công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, với nhiều thay đổi so với hiện tại, nhằm giúp học sinh hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực.

    Tại buổi công bố, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết theo cách tiếp cận mới, giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả, sáng tạo kiến thức đã học. Quan điểm này được thể hiện nhất quán ở nội dung, phương pháp và đánh giá kết quả giáo dục.

    Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nhận xét phần lớn những giáo chức ở VN không được đào tạo bài bản. Nếu được đào tạo bài bản thì chỉ bài bản về chuyên môn mà thôi, chứ cái triết lý giáo dục, cái nhân văn của giáo dục, cái tinh thần giáo dục họ không thấu triệt, cho nên họ không thực thi được những gì cần thiết cho nền giáo dục nước nhà.

    Giáo dục cần một “nhạc trưởng” tài ba

    Ngày 11 tháng 5 năm 2018, trong khi trình bày báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.” Ông Nhạ dẫn nguồn thông cáo báo chí của Ngân hàng Thế giới hai tháng trước đó rằng hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng của Trung Quốc và Việt Nam.

    Giáo sư Phạm Minh Hoàng cho rằng ngôi nhà giáo dục Việt Nam đã mục nát mà cải tổ chỉ bằng cách quét vôi thì nó không thay đổi gì được cả. Vấn đề giáo dục của VN nó liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau, nhiều bộ, nhiều ban ngành khác nhau như Bộ tài chính, Bộ nội vụ…

    Do đó muốn sửa đổi những vấn về giáo dục thì phải sửa đổi cả những vấn đề của các ngành liên quan. Ông nêu một trong những điều quan trọng cần phải thay đổi đó là tăng lương cho giáo viên, xứng đáng với công sức họ bỏ ra, nếu không thì sẽ dẫn đến nhiều hậu quả như chạy điểm, dạy không chất lượng để mở lớp dạy thêm riêng, dù biết là không dễ dàng vì Bộ Giáo dục không có toàn quyền quyết định. Ông nói:

    “Họ cũng có nhiều nỗ lực để cải thiện tình hình giáo dục ở VN, nhưng giáo dục ở VN có rất nhiều vấn đề ở dưới như vấn đề thi cử, vấn đề lương giáo viên, vấn đề sách giáo khoa. Đụng đâu cũng có vấn đề cả. Một vấn đề khá mấu chốt là vấn đề lương giáo viên. Trong các chính sách mới của Bộ GD, tôi không thấy họ đề cập đến lương giáo viên.”

    Khi trao đổi với RFA về những cải cách của Bộ GD&ĐT Việt Nam vẫn đang làm, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng không kỳ vọng có một sự thay đổi nào trừ khi họ có sự thay đổi căn bản là thay đổi triết lý giáo dục, triết lý về nhà trường, triết lý về truyền bá hiểu biết cho người dân, cho sinh viên, cho tuổi trẻ. Ông khẳng định giáo dục Việt Nam đang đi lạc đường:

    “Nền giáo dục của Việt Nam đã lạc hậu trầm trọng cho nên muốn cải tiến thì không thể có những biện pháp hời hợt ngoài da được mà phải cải tạo đến xương đến tủy.

    Vấn đề là phải quay đầu lại và đi con đường khác. Mà quan trọng là vấn đề con người, vấn đề nhân sự. Nền giáo dục VN không thể gọi là sai lầm, vì nếu sai lầm còn có thể sửa được, đằng này cái khổ là nó đi lạc đường. Nghĩa là giáo dục VN đang đi vào đường rừng, càng chặt cây, rẽ cành thì cũng chỉ loanh quanh trong điểm lạc mà thôi.

    Tuy thất vọng về hiện tại nhưng vị giáo sư này vẫn tin vào một “vị cứu tinh”. “Vị cứu tinh” mà ông nói đến cũng xuất phát từ trong đảng nhưng họ nhận thức được hiện trạng cấp bách của nền giáo dục Việt Nam đem lại sự khai sáng trong đường hầm tăm tối hiện nay. Đó cũng là cách giúp kinh tế Việt Nam phát triển bởi giáo dục ảnh hưởng đến toàn bộ sự phát triển của đất nước, nhất là về kinh tế.
     
    Diễm Thi
     
    (RFA) 

    Không có nhận xét nào