Header Ads

  • Breaking News

    Lê Anh Tuấn - Mêkông cạn dòng ngay trong mùa lũ

    (TBKTSG) - Sớm nhận ra nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, từ giữa mùa khô năm 2019 các nước thượng nguồn Mêkông đã tích cực giữ nước từ các hồ chứa. Tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), cả tám hồ chứa thủy điện đang thu gom nước trên dòng Lancang - đầu nguồn sông Mêkông.
    Các dấu hiệu khô hạn
    Mêkông cạn dòng ngay trong mùa lũ

    Từ đầu mùa mưa cho đến quá nửa tháng 7, các số liệu quan trắc trên sông cũng như thực tế từ thượng nguồn Thái Lan, xuống vùng Trung và Hạ Lào, vùng Biển Hồ ở Campuchia và đầu nguồn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam đều cho thấy một điều rõ rệt là mực nước trên sông Mêkông xuống thấp chưa từng thấy trong lịch sử gần 100 năm đo đạc thủy văn trên hệ thống sông này.

    Báo cáo gần đây nhất của Ủy ban Sông Mêkông cũng khẳng định tình trạng này. Ở Thái Lan, mực nước trên sông Mêkông đoạn qua khu vực Nakhon Phanom, thuộc vùng Đông Bắc, vào thời điểm tháng 7-2019, đã phá kỷ lục mức nước thấp nhất lịch sử được ghi nhận vào mùa khô tháng 4-1973. Tại Lào, đoạn sông Mêkông sau đập thủy điện Xayabury chỉ là một đoạn dòng nước lặng lờ chảy, lộ rõ nhiều cồn cát trắng xóa. Tại Biển Hồ, vùng trũng nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, chưa thấy chút nước nào từ dòng sông chính đổ vào Tongle Sap. Mực nước ở đây thấp đến nỗi, người dân sống trên Biển Hồ phải đào hố giữa lòng hồ để lấy nước sử dụng.

    Tại đầu nguồn ĐBSCL thuộc hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp, mực nước đang xuống thấp kỷ lục và chưa có dấu hiệu nào cho thấy mùa lũ sắp đến.

    Nguyên nhân từ thiên nhiên...

    Từ đầu năm 2019, Trung tâm Dự báo thời tiết và khí hậu thuộc Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), dựa vào các mô hình động lực nhiệt độ khí quyển vùng biển theo tháng vùng Bắc Mỹ, đã tiên đoán rằng hiện tượng El Nino sẽ gây khô hạn vùng Bắc bán cầu với mức chắc chắn gần 70% và có thể kéo dài qua nửa tháng 7. Biểu đồ nền nhiệt cao do Trung tâm Khí tượng chuyên vùng Đông Nam Á (ASMC) đã ghi nhận cả nửa đầu tháng 5-2019 nắng nóng gay gắt bao trùm cả vùng phía Bắc Đông Nam Á, từ Thái Lan, Myanmar, Lào, Việt Nam, Campuchia và Phillippines. Mô hình khí hậu của Nhật Bản (JMA/MRI-CGCM2) dựa theo nhiệt độ trung bình năm tháng vùng biển khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã dự báo hiện tượng khô hạn El Nino sẽ kéo dài đến tháng 6, tháng 7 với tần suất 70% và khoảng 30% chuyển qua trung tính. Mô hình cũng tiên đoán đến tháng 8, tháng 9, tháng 10, hiện tượng El Nino sẽ duy trì với tần suất 60% và có khoảng 40% chuyển qua trung tính. Tổng hợp cho thấy, đến nay lượng mưa trung bình trong tháng 6-2019 của cả khu vực đã giảm sút từ 67% so với số liệu lượng mưa trung bình tháng 6 từ năm 2006-2018. Chính yếu tố khô nóng và ít mưa đặc biệt này làm dòng chảy sông giảm sút nghiêm trọng.

    Và từ con người

    Sớm nhận ra nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, từ giữa mùa khô năm 2019, các nước thượng nguồn đã tìm mọi cách giữ nước từ các hồ chứa. Tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), cả tám hồ chứa thủy điện đang thu gom nước trên dòng Lancang - đầu nguồn sông Mêkông. Với dung tích chứa của cả tám hồ thủy điện ở Vân Nam là 40 tỉ mét khối nước, Trung Quốc chỉ xả “cầm chừng” khoảng 500 mét khối/giây trong suốt tháng 6, đến sau ngày 18-7 mới nâng lên mức 1.000 mét khối/giây cho mục đích phát điện và đi lại của phía họ. Khi dòng chảy đến Xayabury thì Chính phủ Lào lại tiếp tục chặn nước suốt 72 giờ để thử nghiệm chạy các tổ máy với nhiều cấp lưu lượng xả khác nhau khiến tình trạng khô hạn phía hạ lưu thêm trầm trọng. Thái Lan là quốc gia được xem là hưởng lợi nhiều nhất nhờ mua điện từ Lào, nhưng hiện nông dân Thái đang điêu đứng vì đồng khô cỏ cháy, tôm cá chết ngay trên sông vì khô nước và nắng nóng, không còn mấy cá để đánh bắt. Người Thái đang ra sức bơm nước từ sông Mêkông vào trữ trong các ao hồ, kênh mương và các khu trũng. Tại vùng Hạ Lào, hai bên bờ sông dù đang mùa mưa, nhưng tình trạng khô hạn như mùa nắng vẫn còn hiện diện. Các biểu đồ cho thấy mức nước thấp thê thảm. Dù cho chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự Thái Lan kêu gọi Trung Quốc xả thêm nước xuống từ các đập thủy điện nhưng đáp lại là sự im lặng. Tân Hoa Xã gần đây chỉ lên tiếng vắn tắt là khô hạn năm nay là do mưa ít mà không đề cập gì đến sự vận hành của hàng loạt nhà máy thủy điện ở Vân Nam.

    Viễn cảnh mùa khô 2019-2020 ở vùng châu thổ Cửu Long

    Khả năng xuất hiện lũ cực thấp, mực nước vào cuối tháng 8 đến tháng 9-2019 trên sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc có thể phá kỷ lục năm lũ thấp lịch sử 2016.

    Lũ cực thấp đồng nghĩa cái nghèo và cái khổ sẽ hiện hữu cho mùa khô 2019-2020 sắp tới.

    Phù sa gần như không còn bao nhiêu cho ĐBSCL, sạt lở và sụt lún sẽ nghiêm trọng hơn, đất trồng sẽ nghèo kiệt hơn. Chắc chắn trong các vụ mùa tới người nông dân phải sử dụng thêm nhiều phân bón hóa học và các loại nông dược nếu muốn duy trì năng suất và sản lượng như mọi năm. Nguồn lợi thủy sản sẽ giảm sút nghiêm trọng, nghề đan lưới, đánh bắt sản vật mùa lũ sẽ đối diện nguy cơ thất thu lớn.

    Lũ cực thấp đồng nghĩa các độc chất trong đồng ruộng, sông rạch và vùng đô thị sẽ bị tích tụ. Mầm bệnh, chuột bọ sẽ tiếp tục hoành hành nhiều nơi. Nếu các tỉnh đầu nguồn tiếp tục chạy theo làm lúa vụ 3 (vụ thu đông) thì sẽ làm vùng ven biển khan hiếm nước hơn, nước mặn sẽ theo thủy triều lấn sâu hơn vào đất liền và có nhiều nguy cơ nhiễm mặn cả những vùng nước ngọt trước đây như thành phố Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long và sẽ mở rộng ở các tỉnh còn lại.

    Tình trạng nguồn nước bị nhiễm mặn, ô nhiễm nước mặt do rác rến, độc chất tích tụ sẽ tăng nhu cầu khai thác nước ngầm, làm tình trạng lún sụt thêm nặng nề.

    Khô hạn sẽ làm gia tăng các vấn đề xã hội cho vùng đồng bằng, thu nhập từ sinh kế nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản giảm sút sẽ khiến lực lượng lao động nông thôn chuyển dịch đến các vùng đô thị và công nghiệp.

    Các đối sách cần thiết

    Trước tình trạng nguy ngập này, các địa phương, đặc biệt là các ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, môi trường, cấp nước... vẫn chưa đưa ra các khuyến cáo cần thiết và trợ giúp cho người dân, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương như nông dân, ngư dân, lao động nghèo... Không thể chờ thiên tai khô hạn xảy ra mới tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

    Trước mắt, các địa phương cần đánh giá và dự báo đúng các nguy cơ vùng thiệt hại, khuyến cáo người dân giảm bớt diện tích canh tác lúa vì lúa cần nhiều nước. Chuyển một phần diện tích trồng lúa sang cây trồng cần ít nước hơn hay chuyển qua nuôi tôm cá. Các cộng đồng, gia đình cần tăng cường các phương tiện nạo vét, vật dụng trữ nước mưa trong các vùng trũng, ao đìa, sông, rạch kênh mương, kể cả lu vại - càng nhiều càng tốt. Nhà nước và các tổ chức xã hội nên có vận động hỗ trợ như tặng hoặc bán rẻ các vật dụng chứa nước cho người nghèo. Mặt khác, hoạt động ngoại giao phải tiếp tục thuyết phục các nước thượng nguồn sông Mêkông có trách nhiệm chia sẻ tài nguyên nước, như thiện chí hợp tác vì sự phát triển chung, xem sông Mêkông là tài sản quốc tế của tất cả các quốc gia có dòng sông này chảy qua.


    (thesaigontimes.vn)

    Không có nhận xét nào