Header Ads

  • Breaking News

    Vì sao nông sản VN nhận 'quả đắng' từ thị trường TQ?

    "Khơi thông nông sản xuất khẩu từ Việt Nam" là một trong những đề nghị của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với lãnh đạo Tỉnh uỷ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) hôm 23/10 trong lần gặp gỡ tại Văn phòng Chính phủ.

    Nông dân ở Bắc Giang chờ đến lượt bán vải thiểu ở cửa khẩu
    Đáp lại, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hùng Ba, nói rằng lời đề nghị này là 'bất ngờ đối với phía Trung Quốc', theo baochinhphu.vn.

    Nhưng hẳn phải có lý do để chính phủ Việt Nam phải trực tiếp đưa ra lời đề nghị này?

    Nông sản Việt Nam nhận 'quả đắng'

    Sau khi giảm 5,5% trong năm 2018, mức xuất khẩu của nông sản Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 lại tiếp tục giảm 10,5%, theo VNEconomy.vn.

    Bộ Công thương Việt Nam cho rằng thị trường trong nước đã có "năm nhận thức sai lầm" khiến hàng nông sản Việt Nam nhận "quả đắng".

    Trong số "năm nhận thức sai lầm", có việc coi Trung Quốc là thị trường 'dễ tính', cộng với thói quen xuất qua đường tiểu ngạch là chủ yếu nên phía Việt Nam nhiều năm nay không quan tâm đến quy định, tiêu chuẩn, xuất xứ, chất lượng hàng; lại thêm thích gì thì nuôi trồng ào ại cái đó mà không xem nhu cầu thị trường ra sao.

    Nay Trung Quốc 'khó tính' hơn, yêu cầu cao hơn, vận dụng những quy định cả cũ và mới thì hàng Việt không đáp ứng được.

    'Quả đắng' Việt Nam nhận được là xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc giảm từ năm 2018, và tiếp tục giảm năm 2019, thậm chí có mặt hàng 'gần như mất hút'.

    Ba mặt hàng bị ảnh hưởng nhất là gạo, sắn và rau quả, theo Bộ Công thương Việt Nam.

    Riêng trong tháng 7/2019, sản lượng rau quả xuất sang Trung Quốc giảm 44% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng sắn xuất đi giảm hơn 17%.

    Gạo sụt giảm mạnh cả về lượng (giảm 68%), kim ngạch (giảm 67%), và giá (giảm 5/4%). Trong bảy tháng đầu năm 2019, Việt Nam mới xuất được hơn 300.000 tấn gạo sang Trung Quốc, gần như mất thị trường này, theo Bộ Công Thương.

    Trung Quốc đã rớt ra ngoài danh sách nước nhập khẩu gạo lớn thứ 7 của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2019.

    Ngoài ra, thịt lợn Việt, tưởng tận dụng được cơ hội Trung Quốc thiếu thịt nghiêm trọng do dịch tả heo, cũng không lọt qua được cửa khẩu do Trung Quốc thắt chặt kiểm soát tại khu vực biên giới, xây cả đài quan sát các đường ngang ngõ tắt tại đây.

    Trung Quốc 'khó tính hơn'

    Nguyên nhân chính được cho là do chiến tranh thương mại với Mỹ khiến hàng Trung Quốc bị tồn đọng nhiều, phải tiêu thụ trong nước. Do đó Trung Quốc phải siết nhập khẩu hàng của các nước khác, "nhất là láng giềng Việt Nam", theo nhận định của ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group nói với tờ Pháp Luật TP Hồ Chí Minh (PLO) .

    Trung Quốc đã cho phá giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu. Nhưng hậu quả là họ phải chi nhiều hơn cho nhập khẩu. Chính vì thế mà Trung Quốc "quay sang ép giá gạo Việt Nam", theo nhận định của Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình trên PLO.

    Thị trường Trung Quốc đã trở nên 'khó tính hơn'. Bên cạnh những quy định đã có từ lâu mà thương nhân Việt, quen xuất hàng qua đường tiểu ngạch, vốn bỏ qua, nay thêm những quy định mới 'bất khả thi' với hàng Việt.

    Chẳng hạn, Trung Quốc thậm chí yêu cầu Việt Nam phải nuôi heo tập trung ở khu vực sát biên giới và để nước này kiểm soát dịch bệnh rồi mới được xuất qua cửa khẩu. Ông Trương Đình Hòe, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nói quy định này 'bất khả thi'.

    Nhưng dù phải ăn 'quả đắng', giới phân tích cho rằng đây là cơ hội để doanh nhân liên kết với nông dân để khai thác các thị trường mà Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do (FTA), tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.

    Bên cạnh đó, đây cũng là lúc Việt Nam nâng cao chất lượng hàng hóa để đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt phải chú trọng các khâu kiểm dịch, khử trùng.

    Ngoài việc cần tuân thủ các quy định về nhãn mác, bao bì, Việt Nam cũng cần tìm hiểu kỹ thị trường cần gì thay vì nuôi trồng tràn lan không kế hoạch, rồi đến mùa là 'ùn ùn mang lên biên giới', dẫn đến các vụ giải cứu dưa hấu, dưa lê, xoài, táo… đã trở thành thông lệ.

    (BBC)

    Không có nhận xét nào