Header Ads

  • Breaking News

    Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu EVFTA vào tháng 2/2020, nhưng…


    (VNTB) - Chuyến đến Hà Nội lần này của Bernd Lange đặc biệt lưu ý giới chóp bu Việt Nam về ‘3 tháng còn lại’ trước khi Nghị viện châu Âu bỏ phiếu về EVFTA...
    Ông Bernd Lange (giữa) trong một cuộc họp của Hội đồng châu Âu

    Dù Bernd Lange - Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện Châu Âu (INTA), vừa đến Việt Nam để “tìm hiểu việc chuẩn bị phê chuẩn và thực thi Hiệp định EVFTA và IPA, đồng thời trao đổi với các cơ quan của Việt Nam về phương hướng xử lý đối với một số vấn đề mà EU quan tâm”, và đã có hàng loạt cuộc gặp với các quan chức thủ tướng chính phủ, chủ tịch quốc hội, bộ trưởng công thương… của Việt Nam, trong đó thông báo là Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu đối với EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU) vào tháng 2/2020, nhưng chẳng có một hứa hẹn nào từ Bernd Lange về triển vọng EVFTA sẽ được phê chuẩn.


    Bernd Lange là một quan chức được giới quan chức khôn lỏi ở Việt Nam đánh giá là ‘khá dễ chơi’, và trong thực tế thì Bernd Lange đã bị Hà Nội qua mặt ít nhất hai lần về vấn đề nhân quyền - vào những ngày cuối tháng 10 năm 2019.

    Vào đầu năm 2018, ngay cả Bernd Lange cũng phải thẳng thừng với chính thể độc tài ở Việt Nam là nếu không cải thiện nhân quyền thì sẽ không thể có hiệp định thương mại. Đó là thời điểm mà Hội đồng châu Âu phải công bố hoãn ký kết EVFTA với Việt Nam.

    Thực tế là cho đến ngày 30 tháng Sáu năm 2019 khi đặt bút ký kết hai hiệp định EVFTA và EVIPA tại Hà Nội, chỉ mới một phần rất nhỏ trong toàn bộ nội dung rất rộng và sâu của bản nghị quyết về nhân quyền Việt Nam mang số hiệu 2018/2925 (RSP) do nghị viện Châu Âu tung ra vào giữa tháng Mười Một năm 2018 được phía Việt Nam đáp ứng.

    Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925 (RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đanh thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, nạn bắt bớ người hoạt động nhân quyền, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…

    Nhưng trước yêu cầu phải ký 3 công ước quốc tế còn lại của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO), chính thể Việt Nam đã chỉ mang ra quốc hội bàn việc ký và phê chuẩn Công Ước 98 mà không nói gì đến hai công ước quốc tế còn lại về lao động, còn Công Ước 105 về chống cưỡng bức lao động được hứa hẹn ký vào năm 2020. Nhưng bỉ bôi nhất vẫn là Công Ước 87 – công ước then chốt quy định bắt buộc về quyền của người lao động được tự do thành lập công đoàn độc lập – bị phía Việt Nam treo đến năm… 2023.

    Nhưng chẳng có gì chắc chắn là đến năm đó Công Ước 87 sẽ được ký. Và nhất là sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc.

    Còn việc sửa đổi Bộ Luật Lao Động và Luật Công Đoàn cũng trí trá và ma mãnh không kém khi dự thảo này tuyệt đối không đề cập đến khái niệm “công đoàn độc lập,” trong khi dựng lên một núi thủ tục hành chính để làm nản lòng những công nhân muốn tự tay thành lập công đoàn phi nhà nước.

    Trong khi đó, không khí đàn áp nhân quyền ở Việt Nam vẫn đặc sệt như một thùng thuốc súng. Công an Việt Nam vẫn liên tiếp bắt bớ và hành hung dã man những người hoạt động nhân quyền và xã hội dân sự, bắt bớ và giam cầm từ nghệ sĩ làm phim về dân oan đất đai cho đến những phụ nữ chống BOT bẩn… Vẫn chưa có bất kỳ một dấu hiệu nào cho bất kỳ một “cải thiện nhân quyền” nào, dù chỉ mang tính mị dân hoặc để đối phó với cộng đồng quốc tế…

    Những bằng chứng không thể chối cãi về vi phạm nhân quyền, cộng với tình trạng đàn áp bất đồng chính kiến ngày càng “vươn lên một tầm cao mới” của chính thể độc tài ở Việt Nam chắc chắn sẽ là những gì mà nhiều nghị sĩ EU không thể bỏ qua khi cân nhắc bỏ phiếu có thông qua hay không Hiệp Định EVFTA. Một cái gật đầu dễ dãi của Nghị viện châu Âu đối với EVFTA sẽ phủ nhận toàn bộ bản nghị quyết nhân quyền Việt Nam của chính cơ quan này yêu sách vào tháng Mười Một năm 2018, khiến uy tín lẫn hình ảnh của Nghị viện châu Âu bị giảm sút không ít trong đánh giá của cộng đồng quốc tế.

    Chuyến đến Hà Nội lần này của Bernd Lange đặc biệt lưu ý giới chóp bu Việt Nam về ‘3 tháng còn lại’ trước khi Nghị viện châu Âu bỏ phiếu về EVFTA, trong đó yêu cầu Hà Nội cần có những cải thiện nhân quyền rõ ràng hơn, trong đó đầu bảng là hai công ước 87 và 105 mà Việt Nam cần ký kết sớm, và Bộ luật Lao động sửa đổi mà phải nêu rõ về công đoàn tự do và quyền của người lao động được tự do tham gia công đoàn tự do đó.

    Thường Sơn

    Không có nhận xét nào