Header Ads

  • Breaking News

    Kinh tế Việt Nam 2020: Thành tích, Triển vọng & Thách thức

    Nền kinh tế Việt Nam đã đạt những thành tích đáng nể trong năm 2019, với tốc độ tăng trưởng GDP thuộc hạng cao nhất trong ASEAN, trong khi nợ công giảm và thương mại thặng dư liên tiếp trong 4 năm. Tuy nhiên, Ngân Hàng Thế giới khuyên Việt Nam nên thực hiện những cải cách cần thiết nếu muốn cởi trói tiềm năng của các thị trường vốn.

    Minh họa: Kinh tế Vietnam. Ảnh chụp ở Hà Nội, ngày 15/11/2017. REUTERS/Kham
    Thành tích

    Nền kinh tế Việt Nam đã đạt những thành tích lớn trong năm 2019, và trong bối cảnh bất ổn toàn cầu ngày càng tăng, Việt Nam có khả năng sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,8%, theo Ngân hàng Thế giới (WB). Tỷ lệ này nhanh hơn gần ba lần so với mức trung bình của thế giới là 2,6%, và cao hơn 1,2 điểm phần trăm so với mức trung bình ở Đông Á Thái Bình Dương, theo phúc trình về Triển vọng kinh tế toàn cầu của WB.

    Báo điện tử của chính phủ Việt Nam trích dẫn số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê cho biết GDP, Tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam năm 2019 là 7.02%, vượt chỉ tiêu (từ 6,6-6,8%), và đây là năm thứ hai liên tiếp, tăng trưởng kinh tế vượt mức 7%.

    Vẫn theo Tổng cục Thống kê, thì động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm 2019 tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, và các ngành dịch vụ thị trường. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,90%, đóng góp 50,4%, và khu vực dịch vụ tăng 7,3%, đóng góp 45%.

    Đó là những thành tích rất ấn tượng của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chậm lại.

    Triển vọng

    Ngân Hàng Thế giới cho rằng triển vọng kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn vẫn tích cực, với tăng trưởng dự báo khoảng 6,5% trong vài năm tới.

    WB nhận định rằng các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng, tuy nhiên Việt Nam vẫn bị tác động bởi các cú sốc bên ngoài, với nguy cơ tăng trưởng xuất khẩu giảm, và Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm.

    Phúc trình của Ngân Hàng Thế giới khuyến nghị rằng để giảm thiểu tác động của những cú sốc bên ngoài, Việt Nam cần phải ưu tiên việc phát triển một khu vực tư nhân vững mạnh và năng động. Khu vực này theo Ngân Hàng Thế giới, đang phải đối mặt với nhiều trở ngại lớn, đặc biệt là khả năng tiếp cận tín dụng, và do đó cần phát triển các thị trường vốn để làm nền tảng cho sự thịnh vượng của Việt Nam trong tương lai.

    Thách thức

    Bà Penelopi Goldberg, Phó Chủ tịch/ Kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới, nhận định trên trang blog của bà rằng mặc dù đã đạt được những bước tiến ngoạn mục, nhưng ‘mô hình phát triển của Việt Nam hiện nay phải đối mặt với nhiều thách thức quan trọng’. Bà liệt kê một số chương trình hành động mà Việt Nam có thể thực hiện để giải quyết những thách thức nội tại và ngoại vi.

    “Cải cách chính sách trong nước sâu hơn; đầu tư cơ sở hạ tầng và thúc đẩy kết nối; nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; cải thiện, tái đào tạo và duy trì nguồn nhân lực; xây dựng khuôn khổ hợp tác cho các giải pháp đối phó với thách thức của Đồng bằng sông Cửu Long.”

    Việt Nam còn cần thúc đẩy các chương trình kinh tế bền vững và chia sẻ thịnh vượng. Kinh tế gia trưởng của Ngân Hàng Thế giới nói nếu muốn trở thành một nền kinh tế hiện đại, Việt Nam cần phải nhìn xa hơn vấn đề tăng trưởng mà phải xoay sang chú ý tới các chương trình về dân tộc thiểu số, bình đẳng giới, ô nhiễm không khí, thích ứng biến đổi khí hậu…

    Tại Hội nghị tổng kết Công tác năm 2019, Triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nói ‘nút thắt lớn nhất hạn chế sự phát triển là thể chế, nút thắt về tư duy’. Trang mạng Kinh tế Việt Nam dẫn lời ông Phúc nói:

    “Nếu không thay đổi về tư duy kinh tế thì dẫu có điều chỉnh thể chế cũng vẫn là thể chế cũ, là “bình mới rượu cũ”, không thể có đột phá.”

    (VOA)

    Không có nhận xét nào