Header Ads

  • Breaking News

    Ký thoả thuận giai đoạn I, ông Trump thắng hay lùi trước TQ?

    Ông Robert Spalding, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hudson, chuẩn tướng đã nghỉ hưu của Không quân Mỹ, bình luận với BBC News Tiếng Việt về thỏa thuận thương mại giai đoạn một Mỹ - Trung và những gì Hoa Kỳ cần làm để "xây dựng sự đồng thuận mới," nhằm bảo vệ nền dân chủ thế giới trước "cuộc chiến không giới hạn" của Trung Quốc.
    Bản quyền hình ảnh Spencer Platt/Getty Images Image caption Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc sẽ được ký vào ngày 15/1 tới,.

    Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà ông gọi là 'đặc biệt' với Trung Quốc vào ngày 15/1 tới. Đồng thời, hai gã khổng lồ về kinh tế này chuẩn bị bước vào thương thảo giai đoạn hai của thoả thuận, mở đầu bằng chuyến đi của ông Trump tới Bắc Kinh.

    Chiến thắng hay bước lùi?

    Những chi tiết của thoả thuận bán phần này không được công bố, còn nội dung chính được loan thì hầu như chưa giải quyết được gì các mối quan ngại thực sự của Hoa Kỳ (cộng với phần còn lại của thế giới) đối với các hoạt động thương mại của Trung Quốc.

    Bởi thế, bà Jennifer Hillman, một thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ và cũng là một cựu quan chức thương mại, từng cho rằng đây chỉ như một thoả thuận mua và bán.

    Vậy, việc ký thoả thuận giai đoạn một có phải là chiến thắng của ông Trump?

    Ông Robert Spalding - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hudson, và là chuẩn tướng đã nghỉ hưu của Không quân Mỹ, cựu Giám đốc Hoạch định Chiến lược của Nhà Trắng - trả lời câu hỏi của BBC News Tiếng Việt trong cuộc phỏng vấn qua email rằng, việc xác định đây là chiến thắng cho Hoa Kỳ hay không còn phụ thuộc vào việc Trung Quốc có thực sự tuân thủ thỏa thuận.

    Bằng không, thoả thuận này chỉ gây ra sự chậm trễ trong việc áp các sắc thuế lên hàng hoá Trung Quốc như Hoa Kỳ đã trù tính mà thôi, theo ông Spalding.

    Thời gian qua, truyền thông đã đưa tin về những gì Trung Quốc cam kết sẽ thực hiện trong thoả thuận giai đoạn một nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ.

    Một số thông tin nói rằng, trong thỏa thuận lần này, vấn đề trên chưa đi đến thống nhất, nhưng những người khác lại cho rằng, vấn đề đã được bàn thảo và Trung Quốc đã đưa ra cam kết cải thiện.

    Vậy quyền sở hữu trí tuệ có được đưa ra vào thoả thuận giai đoạn một hay không?

    Ông Spalding cho hay, trong thoả thuận lần này có đưa ra những biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như đưa ra điều khoản nhằm bảo vệ các công ty nước ngoài trước với yêu cầu của Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, ông không nắm được chi tiết cụ thể.

    Trong bài viết "Trump đã thua trong cuộc chiến mâụ dịch như thế nào," tờ thời báo New York viết rằng "Chính quyền Trump hầu như chẳng đạt được gì so với mục tiêu mà họ đặt ra; về cơ bản họ tuyên bố giành chiến thắng trong khi thực sự là đang rút lui."

    Bình luận về quan điểm này, ông Robert Spalding cho rằng, "Tôi không nghĩ rằng chính quyền Trump cho rằng việc đàm phán với Trung Quốc dừng lại ở đây. Bởi vậy, tuyên bố như vậy là quá sớm."

    Thương chiến chỉ là bước đi ban đầu

    Ông Robert Spalding nhấn mạnh, bằng việc khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, "Hoa Kỳ đã thành công trong việc buộc Trung Quốc phải ngồi vào bàn đàm phán để đối thoại về những thách thức mà Trung Quốc đặt ra với hệ thống dân chủ trên thế giới qua quá trình toàn cầu hóa và Internet."

    Tuy nhiên, theo ông Spalding, Trung Quốc đang tiến hành một cuộc chiến "không giới hạn" hay "cuộc chiến vô hình" xâm nhập tất cả các khía cạnh của xã hội Mỹ.

    Trong cuốn sách "Stealth War: How China Took Over While America's Elite Slept," (tạm dịch là: Cuộc chiến vô hình: Trung Quốc chiến quyền kiểm soát khi những tinh anh Hoa Kỳ chìm trong giấc ngủ) xuất bản tháng 10/2019, ông Robert Spalding từng viết rằng, Hoa Kỳ và thế giới dân chủ "có ba năm để hành động."

    Theo ông, nếu Hoa Kỳ thất bại trong việc thoát ra khỏi mạng lưới phức tạp của các chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc; nếu Hoa Kỳ không điều chỉnh đầu tư, giải quyết các vấn đề về cơ sở hạ tầng; cũng như nếu nước này không bảo vệ được công dân của mình, bảo đảm quyền riêng tư của dữ liệu cá nhân hay thất bại trong ngăn chặn các khoản tài trợ chính trị từ nước ngoài thì chính Hoa Kỳ "sẽ trở thành con mồi cho chính sách của Trung Quốc và cuối cùng, sẽ đánh mất đi quyền tự do của chúng ta."

    Cũng trong cuốn sách trên, ông Spalding cũng cho rằng có bốn vấn đề căn bản mà Chính phủ Mỹ cần xem xét để vãn hồi trật tự.

    Thứ nhất, khôi phục mối liên kết giữa các nguyên tắc thương mại tự do và dân chủ, bằng việc áp dụng các quy tắc.

    Hoa Kỳ có thể đơn phương hành động nếu cần và liên kết hành động với các đồng minh khi có thể, từ chối những đối tác vi phạm các nguyên tắc này tiếp cận với xã hội và nền kinh tế của Hoa Kỳ hoặc trực tiếp trừng phạt những bên muốn lạm dụng các nguyên tắc này.

    Thứ hai, làm cho nước Mỹ hùng cường trở lại bằng cách tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng quốc gia, thiết lập các ưu thế về quân sự, bảo đảm an ninh biên giới và giành lại quyền kiểm soát tương lai tài chính của Hoa Kỳ.

    Ba là, chính phủ phải tăng cường hỗ trợ những nỗ lực đổi mới trong kỷ nguyên số. Chính phủ phải có khả năng phát hiện các hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ, vi phạm bản quyền và gian lận tài chính… Chính phủ cũng phải làm việc chặt chẽ với khu vực tư nhân để bảo đảm sự tăng trưởng kinh tế và an ninh của các cơ sở sản xuất.

    Cuối cùng, xây dựng lại trật tự quốc tế dựa trên nguyên tắc hỗ trợ các quyền tự do căn bản.

    Khi đặt cuộc chiến thương mại vào trong tổng thể của những nỗ lực này, ông Spalding nhấn mạnh với BBC News Tiếng Việt rằng, "Cuộc chiến thương mại chỉ là một bộ phận trong những nỗ lực nhằm "xây dựng sự đồng thuận mới" nhằm bảo vệ nền dân chủ trong một thế giới kết nối qua Internet và quá trình toàn cầu hóa.

    Từ đó, theo ông Spalding, "các vấn đề về an ninh quốc gia cũng phải được nhìn nhận lại qua lăng kính mới, một khi trật tự dân chủ tự do được xây dựng lại."

    Ông Spalding cũng nhấn mạnh với BBC News Tiếng Việt rằng: "Điều bắt buộc là chúng ta phải đấu tranh cho các nguyên tắc dân chủ, nhân quyền, pháp trị, tự do dân sự và thương mại tự do. Chúng ta phải chiến đấu cho tương lai của chính chúng ta. Cách tốt nhất để làm điều đó là các chính phủ dân chủ phải đoàn kết để bảo vệ các quyền và tự do cho công dân của mình."

    BBC News

    Không có nhận xét nào