Header Ads

  • Breaking News

    Mường Giang – Những cái Tết tha phương của Phan Bội Châu tại hải ngoại khi Đông Du cứu nước ( phần 1)

    Dân tộc VN có nền văn hiến lâu đời, luôn tự hào về truyền thống bất khuất của mình, vì vậy qua bao thế hệ đã cố gắng gìn giữ những lễ nghi tập quán tốt dẹp của ông cha truyền lại. Một trong những mỹ tục thiêng liêng trọng đại nhất, có ý nghĩa tinh thần và tình cảm trong đời sống của người VN xưa nay, vẫn là những ngày Tết Nguyên Ðán.
     Những cái Tết tha phương của Phan Bội Châu tại hải ngoại khi Đông Du cứu nước ( phần 1)

    Ðây là dịp để mọi người xa xứ vì bất cứ một lý do nào, cũng mong muốn có cơ hội được trở về để cùng gia đình đoàn tụ, lễ bái, hàn huyên, đổi trao mặn nồng ấm lạnh với nhau, trước bàn thờ tổ tiên, trong niềm hạnh phúc diễm tuyệt, không cần biết là giàu nghèo. Ai đã từng sống ly hương, mới biết thế nào là những giây phút chạnh lòng, giữa đêm ba mươi Tết buồn thảm lạnh căm ở một phương trời nào đó, để nhớ tới quê làng, cố quận,rồi òa khóc trong cô đơn ngậm ngùi, mà lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang.

    Ly tán muôn đời vẫn là niềm đau của nhân thế, tha phương trong đêm trừ tịch lặng nhìn thiên hạ vui vầy đoàn tụ bên trong song cửa, là nổi hận hờn đứt ruột, cho dù là ai chăng nữa. Ðầu năm 756 sau Tây lịch, kinh thành Trường An chìm trong khói lửa mịt mù vì An Lộc Sơn làm loạn, Ðường Huyền Tông dắt Dương Quý Phi chạy vào đất Thục hiểm trở muôn trùng để lánh giặc. Trong lúc vua thảm buồn hết đứng lại ngồi ngóng đếm từng giọt mưa xuân rả rích xé ruột, nơi hành cung lạng ngắt, sau khi vì đại cuộc phải ngoảnh mặt, để tướng sĩ hạ sát người mình yêu dấu. Cũng thời gian ly loạn đó, Tiến sĩ Ngự Sử Ðài Trương Kế , vì không theo kịp hộ giá nhà vua, nên lưu lạc xuống tận Giang Nam. Ðêm kia, chiếc thuyền con của người ly xứ, tạm ghé Bến Phong Kiều, ngoại thành Ngô Huyện, thuộc tỉnh Giang Tô. Trong cảnh thê lương muôn trùng bát ngát của sông nước, non cao sừng sững và làn mây trắng xóa trôi giạt chẳng biết về đâu, khiến khơi động nổi thương tâm u hoài chất chứa trong tâm khảm của thi nhân. Người buồn lại gặp luc trăng xế bóng mờ, thêm vào là tiếng quạ ăn đêm kêu rên thống thiết, đâu khác những lời rên nghẹn của dân nước lầm than, trong thời ly loan. Những cây bàng ven sông, lao xao trước gió,, qua ngọn lửa thuyền chài leo lét mờ nhạt trong đêm vắng, đâu khác nào những bóng ma trơi nỉ non than oán. Rồi giữa lúc thành Cô Tô đang chìm trong cơn mộng mị, bỗng nhiên đâu đó lại vang lên mấy hồi chuông chùa Hàn Sơn thanh thoát, từng tiếng nhặt khoan như muốn xoa dịu nổi muộn phiền của người ly xứ, trong cơn ly loạn :

    “ Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

    Giang phong ngư hỏa đốt sầu miên

    Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự

    Dạ bán chung thành đáo khách thuyền

    ( Phong Kiều da bạc ố Trương Kế)

    Hạ Trí Chương (659-744), người Cối Kê tỉnh Chiết Giang, bạn của Lý Bạch, nguyên Công Bộ Thi Lang đời Ðường, kiêm Học Sĩ Tập Hiền Viện. Làm quan 40 năm từ chức trở lại quê nhà, sau bao ngày xa cách.Trước nổi bể dâu trầm thống, đã viết Hồi Hương Ngẫu Thư, lời lẽ vô cùng thảm tuyệt, khiến cho ai đang sống trong nổi ly xứ, cũng không nén được giọt sầu :

    “ Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi

    Hương âm vô cải mấn mao tồi

    Mục đồng tương kiến bất tương thức

    Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai “

    Trương Kế, Hạ Trí Chương hay chính ta ngày xưa vì nghiệp lính, có buồn rầu xa xứ, những tết tha phương, những đêm xuân lạnh nơi đồn canh biên tái rất buồn, vô cùng thảm tuyệt nhưng dù gì thì cũng vẫn còn được ở trong nước., để mà vui lây gíó bãi trăng ngàn, hương đồng cỏ nội và chút hơi hướng của đồng bào. Nhưng hận thảm nhất, vẫn là những người vì nước ngày nay, đã không kể gì tới mạng sống, liều mình trực diện đối mặt với Việt Cộng. Trong số này, tiêu biểu và đáng kính phục nhất, vẫn là Lý Tống và Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, những tấm gương đấu tranh kiên cường dũng liệt, không bao giờ biết chùng bước trước bạo lực và hiểm nguy của giặc thù dân tộc. Bởi vậy cả hai đã vướng vào tù ngục nơi đất khách quê người. Ðể rồi trong lúc thiên hạ vui vầy bên tiệc rượu, ngâm thơ vịnh nguyệt, hả hê vui xuân đón Tết hay son phấn, áo quần, rủng rỉnh tiền vàng về quê nhà vinh qui bái tổ, thì những người chiến sĩ Quốc Gia bị sa cơ, giữa bốn bức tường lạnh, trong hàng song sắt, đếm giọt mưa đêm đất khách, mà uất hận nhìn quê hương trong vùng giặc chiếm, vẫn tang tóc não nùng .Rồi càng thêm tủi thẹn, trước thói đời cứ bon chen lợi bùn danh xú, ngày nọ tháng kia không biết mệt khi khạc nhổ vào nhau, để được người đời biết tên nhận mặt :

    “ Ðêm khuya mờ bóng ngựa hồng

    Hận liền ba mãnh, sầu đong một bề

    Những ai đi có không về

    Bên cầu Tư Mã, trăng thề còn đây

    năm năm những tháng những ngày

    nằm trong ngục lạnh vẹn vầy núi sông “

    ( Trúc Khanh )

    Bổng chợt thương kính Phan Bội Châu vô vàn. Một trăm năm trước, mải miết bôn ba khắp các nẻo đường hải ngoại, để gõ cửa thiên hạ, tìm kiếm phương tiện vật chất và tinh thần, mưu toan công cuộc đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi non sông đất Việt. Vì thế, cả đời người chiến sĩ cách mạng, làm sao có thể yên bụng để mà vui xuân đón tết ? Rồi bất hạnh ập tới, năm 1925 Ông bị Việt gian chỉ điểm cho mật thám Anh-Pháp bắt tại tô giới và giải về Hà Nội để tử hình . May có quốc dân VN cực lực chống đối, vì vậy chỉ bị giặc giam hãm suốt đời tại Bến Ngự, Huế. Trong cảnh cá chậu chim lồng, nhân ngày tết năm 1927, một mình thui thủi ngóng quán gió cầu sương ở chốn quê người, buồn cho thân phận nhược tiểu, Phan Bôi Châu có làm bài hát nói, gữi chúc mừng thanh niên cả nước :

    “ Xuân ơi xuân, xuân có biết cho chăng !

    Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng

    Hai mươi năm lẽ đã từng chua với xót

    Chữ rằng ‘ nhật nhật tân, hựu nhật tân ‘

    Dậy ! dậy ! dậy !

    Bên án tiếng gà vừa gáy

    Hỡi ơi lời chúc Tết của người chiến sĩ Quốc Gia, thời nào cũng buồn tủi não nuột . .

    1-PHAN BỘI CHÂU , MỘT ÐỜI VÌ NƯỚC :

    Từ đầu thế kỷ XX, phong trào chống thực dân Pháp nổi lên khắp nơi trong nước với hai phái ôn hòa và chủ trương dùng vũ lực nhưng cả hai đều muốn duy tân đổi mới đất nước mọi mặt theo gương Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật Bổn lúc đó, được coi như ngon đuốc dẫn đường của các quốc gia Á Châu đang bị bọn thực dân da trắng đô hộ. Tiêu biểu cho hai phái trên là Phan Chu Trinh (phái Duy Tân) và Phan Bội Châu, lãnh tụ phong trào Ðông Du, tìm phương tiện đánh đuổi Pháp ra khỏi nước. Tại Nam Kỳ, tinh thần yêu nước của mọi người cũng sôi nổi, bành trướng mạnh mẻ, không những trong hành động mà còn thể hiện trên báo chí, một sự thống nhất kỳ lạ ở nội dung tư tưởng và hình thức thi pháp, với những tên tuổi Nguyễn Thần Hiến, Nguyễn Quang Diệu, Trần Chánh Chiếu, Hoàng Hưng..

    Bấy giờ cả nước như đang cuồng nộ với phong trào ái quốc, lan rông từ Bắc vào Nam. Ðối với dân tộc Việt bao đời, với truyền thống yêu nước, nên lúc nào máu chảy ra từ cơ thể con người, cũng vẫn là dòng máu hiến dâng cho đại nghĩa dân tộc. Bởi vậy đối với bất cứ ai, dù có sống nơi đồng ruộng hay xóm chài, không hẳn chỉ biết có chung đụng với chó gà , tôm cá mà thôi. Họ còn có tấm lòng yêu nước nồng nàn, nhờ đó mà ngàn năm qua, Ðại Việt mới bền vững hiên ngang đối mặt với bất cứ kẻ thù nào như lịch sử đã minh chứng một cách chân thật .

    Ngay lúc còn nhỏ, Phan Bội Châu qua tên Phan Văn Sơn, đả nổi tiếng thần đồng hay chữ, vì được sinh trong một gia đình nho học, cả cha mẹ đều là những ngưòi biết giữ đạo thánh hiền,nhờ vậy ông đã hấp thụ được bao điều nghĩa nhân ái quốc. Ông ra đời tại thôn Ðan Nhiễm ( tức là Sào Nam, nên khi dấn thân vào con đường cứu nước, mới lấy tên là Phan Sào Nam), xã Ðông Liệt, huyện Nam Ðàn, tỉnh Nghệ An. Ngay từ thời niên thiếu, chính mắt đã chứng kiến cảnh quốc phá gia vong, sau khi Pháp vừa chiếm xong Nam Kỳ lại tiến quăn cướp phá thành Hà Nội cùng các tỉnh Bắc Việt. Nên dù chỉ mới 17 tuổi nhưng tư tưởng yêu nước của Phan Bội Châu đã bộc lộ quá rõ ràng , khi viết bài hịch ‘ Bình Tây Thu Bắc ‘, cả gan đem dán ở gốc đa đầu làng, hô hào mọi người tham gia phong trào Văn Thân chống giặc Tây. Kế tới, năm Ất Dậu 1885, Tôn Thất Thuyết nửa đêm mở cửa thành tấn công Pháp, bị thất bại khiến Huế lọt vào tay giặc từ đó. Vua Hàm Nghi xuất bôn dùng máu viết huyết thư kêu gọi toàn dân cả nước Cần Vương cứu nước. Dù tuổi trẻ, Phan đã dám hô hào bạn bè trang lứa trong làng, để lập đội Thiếu Sinh Quân đánh giặc. Lại viết Song Tuất Lục, ca tụng tinh thần chống Pháp của Sĩ phu đất Nghệ, đang tham gia phong trào Văn Thân chống giặc Tây. Tất cả đã nói lên con người hào kiệt Phan Bội Châu, nên chẳng trách ông đã bị cấm thi, cho tới năm 1900 mới được thi lại và đổ Giải Nguyên tại Nghệ An. Nhưng không như hầu hết kẻ đương thời, tiếp tục lao vào con đường thi cử để tìm vinh hiển phú quý trong chốn quan trường, trái lại Phan Bội Châu chỉ biết bôn ba xuôi ngước khắp nơi, tìm đồng chí, để mưu toan việc chống Pháp cứu nước. Năm 1904 ông cùng Nguyễn Hàm lập Duy Tân Hội , tôn Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể, thuộc dòng Ðông cung Nguyễn Phúc Cảnh, làm minh chủ và nhận lệnh bí mật sang Nhật năm 1905, phát động phong trào Ðông Du,gây dựng cơ sở để đưa các nam nữ thanh niên yêu nước ra hải ngoại học hỏi tinh hoa của người, đồng thời tìm kiếm nguồn cung cấp vũ khí để chuẩn bị tổng tấn công, đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi non sông gâm vốc Hồng-Lạc..

    Trên đất Nhật, Phan Bội Châu dùng thơ văn nồng nàn thắm đượm như Hải Ngoại Huyết Thư, Kính Cáo Toàn Quốc Phụ Lão Văn, Thư Gửi Phan Chu Trinh, Ai Cáo Nam Kỳ Phụ Lão Thư, nhưng có tác động sấm sét, không thua gì cơn cuồng phong bảo nộ, thắm đượm vào tâm hồn quốc dân cả nước, tỉnh giấc Nam Kha, không còn quan niệm nhỏ nhoi, coi việc nước là của quan quyền, chứ không phải của chính mình, nên cứ thờ ơ trốn trách nhiệm.. Ðồng thời Ông còn viét VN quốc sử (1905), VN quốc sử khảo (1908), để giới thiệu gấm vóc và dân tộc Việt oai hùng dũng liệt, với các chính khách Trung Hoa, Nhật Bản đương thời. Qua những hoạt động đấu tranh vô cùng hiệu quả của Phan Bội Châu, Cường Ðể và các thanh niên trong phong trào Ðông Du tại hải ngoại, khiến thực dân Pháp thực sự khiếp sợ, nên chúng đã đem quyền lợi của thuộc điạ Ðông Dương, để chia phân với Nhật Bổn, yêu cầu trục xuất tất cả những nhà cách mạng VN đang hoạt động ở đây. Cùng từ đó, Phan Bội Châu sống đời vong quốc của một nhà cách mạng, bôn ba hết đất Tàu tới Xiêm, chỉ mong tìm đồng chí, đồng tâm, giải cưú quốc dân đang sống nhục nhã dưới gót giầy nô lệ của giặc Tây, rửa mỗi nhục nhược tiểu của nước Việt trong cơn quốc biến. Rốt cục mộng lớn chưa thành đạt, thì năm 1925, trên đường tới Quảng Châu viếng mộ Liệt sĩ Phạm Hồng Thái, chi sĩ Phan Bội Châubị mật thám Pháp-Anh tại tô giới , qua sự chỉ điểm của đám Việt gian lúc đó, bắt giải về nước và sống kiếp chim lồng cá chậu tại Bến Ngự (Huế ), cho tới lúc qua phần vào năm 1940. Ông mất vào ngày 20 tháng 10, trong nổi thê lương, trầm thống như hầu hết những anh hùng liệt nữ bao đời, vì nước coi nhẹ lợi danh phù phiếm , sồng buồn chết lẽ loi, nên đám tang vắng vẽ, còn báo chí vì sợ bạo quyền, phải câm nín, cuối cùng chỉ có mật thám Pháp vây bủa khắp mọi nẻo đường, để chào mừng người quá cố đi vào cõi trăm năm mà thôi.

    Suốt mấy mươi năm bôn ba trên đường cách mạng cứu nước, Phan Bội Châu đã từng thay đổi nhiều lần phương hướng hoạt động đấu tranh nhưng tuyệt đối bản sắc Sào Nam Tử không hề lẫn lộn với bất cứ ai, dù đó là Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thượng Hiền.. Là người có ý chí sắt đá, Phan Bội Châu luôn mạo hiểm, quả quyết, lúc nào cũng tự tin là trong thiên hạ, nếu muốn thì không có việc gì là không thể làm được. Nhưng dù là một nhân vật lớn của thời đại, Phan Bội Châu không bao giờ có hành động độc tài, tư tưởng độc đảng và tâm tư hoài vọng tới cuộc sống riêng mình, mà luôn lắng nghe dư luận, để cầu tiến đổi mới theo tình hình chính trị đương thời và gần như cắt đứt những gì của riêng mình, để chỉ nghĩ tới đại nghĩa dân tộc mà thôi.. Ðó chính là nét độc đáo của lãnh tụ Ðông Du, luôn phục thiện, dám làm, luôn đi đầu và cam chịu hy sinh thân phận của mình để mưu cầu chính nghĩa, ngay từ lúc còn niên thiếu, cho tới khi tóc đã bạc cả mái đầu :

    “ Mò tìm quên quách chòm râu bạc.

    Bảy chục còn nghi tuổi mới ba “.

    Nghệ An-Hà Tỉnh, một trong 15 bộ của Văn Lang từ thời Tổ Hùng dựng nước, trong dòng sử của dân tộc, là đất ngàn năm văn vật, quê hương của những tài danh văn học kiệt hiệt Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huy Hổ, Nguyễn Trường Tộ. Chính khí thiêng sông núi sau này đã tạo nên những con người bất tử Phạm Hồng Thái, Ðặng Thái Thân, Ðặng Thúc Hứa, Trần Hữu Lục, Hoàng trọng Mâu, Cao Thắng, Phan Ðình Phùng và Phan Bội Châu. Chính điều kiện lịch sử và xã hội ảnh hưởng đến con người xứ Nghệ, quá can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan và tằn tiện đến cá gỗ. Những đặc tính đó đã ảnh hưởng tới nhiều người ngang tàng, nghệ sĩ như Nguyễn Hũu Chỉnh, Nguyễn Công Trứ hay tạo nên cái hùng tráng sấm sét, của những câu thơ luôn dậy sóng muôn trùng của Phan Bội Châu. Cái chất anh hùng hào kiệt trong thơ văn của Phan ngay từ lúc chưa xuất dương, đã nói tới khí phách của giới trí thức VN đầu thế kỷ XX, tuy hình thức vẫn sử dụng các thể thơ cổ xưa như thất ngôn bát cú, hát nói.. nhưng nội dung đã khác biệt thuở xa xưa, vì tư tưởng không còn tôn quân hay tri thiên mệnh, mà chỉ thấy nói tới dân vi quý , nước vì dân mà có, thì dân cũng vì nước mà lo . Tư tưởng này 100 năm sau, cũng đã được Cố Tổng Thống, đệ nhị VNCH Nguyễn Văn Thiệu, đã nhắc lại với lời lẽ thiết tha thắm đượm “ Ðất nước còn thì còn tất cả “, ý ông muốn noí, nước có được là do mọi người chung sức tạo thành, nên còn nước thì còn những gì hiện tại và sẽ mất tất cả khi nước không còn.

    “ Làm trai phải lạ ở trên đời

    Há để càn khôn tự chuyển đời

    Non sông đã chết, sống thêm nhục

    Hiền thánh còn đâu, đọc cũng hoài “

    Tóm lại với Phan Bội Châu, trách nhiệm của người hào kiệt, trước nhất là phải ý thức, biết tự mình làm chủ đất nước, say mê hành động, không bao giờ được trốn tránh bổn phận để làm một kẻ ẩn dật đứng bên lề xã hội như kẻ tha nhân vô tình, sống ký sinh vào mồ hôi máu mắt của người khác. Trong lúc Phan Chu Trinh cả đời bài phong kiến, chống thực dân nhưng vẫn muốn cậy vào cái văn minh của Tây để duy tân đất nước. Trái lại Phan Bội Châu đã thẳng thừng tố cáo trước quốc dân cái dã tâm của bọn thực dân da trắng, xâm lăng nước Nam chỉ để vơ vét bốc lột, những cái gọi là văn minh khai hóa, chỉ là lớp son phấn bên ngoài, nhưng thực chất là chỉ ở đâu, chứ không bao giờ thấy có được nơi bản điạ :

    “ Trường Quốc Học, đặt tên là Pháp-Việt

    Dạy người Nam đủ biết tiếng Tây

    hoặc : “ Nó nuôi mình như trâu, như chó

    Nó coi mình như cỏ như rơm

    Trâu nuôi béo, cỏ coi rơm

    Cỏ moi rễ cỏ, trâu làm thịt trâu “

    Ngày nay khi nhắc tới các biến cố lịch sử trọng đại đầu thế kỷ XX, các sử gia vẫn xem sự kiện Phan Châu Trinh đề xướng dân chủ để thay thế thể chế quân chủ, như một bước ngoac quan trọng, trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp. Riêng Phan Bội Châu trong tân phái (Duy Tân Hội),lúc đầu vẫn chủ trương quân chủ lập hiến, nhưng đồng thời ông cũng nhiệt liệt ủng hộ lập trường dân chủ của Phan Tây Hồ. Sau này , qua những tháng năm bôn ba nơi hải ngoại, tư tưởng đấu tranh của Sào Nam càng lúc càng thay đổi rõ rệt. Chẳng những Ông đề xướng quan niệm dân chủ của Phan Châu Trinh, khi nhấn mạnh sự quan hệ giữa người dân, đối với chủ quyền của đất nước, mà còn tiến tới sự kết hợp giữa đấu tranh dân chủ, trong đó có vấn đề nhân quyền, dân quyền trong đời sống chính trị và sự đấu tranh giành độc lập.

    Sự khác thường của hào kiệt Phan Bội Châu là chẳng bao giờ độc tôn dành quyền một mình chống Pháp, bởi thế ngay từ lúc nhập cuộc, khi viết Hải Ngoại Huyết Thư gửi về nước để hô hào toàn quốc chống Pháp, ông đã minh định một cách rõ ràng về trách nhiệm, thuộc về ai khi làm non sông bị rơi vào tay giặc Pháp nhưng cũng không quên nhắc tới trách nhiệm phục quốc sẽ thuộc về ai. Từ tư tưởng của Phan Bội Châu đã cho chúng ta một ý niệm rõ ràng, đó là đất nước là của chung mọi người VN, bao gồm chánh quyền(Vua quan) và người dân. Do đó muốn cứu nước, đừng mong gì nơi nha cầm quyền, mà chính người dân phải tự mình chia nhau nhận lãnh trách nhiệm :

    “ Nếu cả nước đồng lòng như thế

    Việc gì coi cũng dễ như không

    Không việc gì việc không xong

    Nếu không xong quyết, là không có trời “

    Mấy ngàn năm qua, non sông Hồng Lạc đâu có thiếu anh hùng liệt nữ và cũng nhờ vậy mà đất nước mới tồn tại đến hôm nay. Cái thảm tuyệt mà đời nào cũng có, đó là sự thiếu đồng tâm, đồng chí, khiến cho sức mạnh của dân tộc bị mất mát, tạo cơ hội để ngoại nhân xâm lấn, làm phương tiện cho lũ cầm quyền thối nát bán buôn đất đai biển đảo mà tiền nhân đã đổ xương máu gầy dựng. Từ năm 1925-1940 bị giặc Pháp bắt và giam lỏng tại Huế nhưng ý chí sắt đá của người hào kiệt trí thức Phan Bội Châu vẫn không sút giảm, dù đang sống trong tử địa. Ông viết :

    “ Sống không trừ được mối lo thiên hạ, chết không rữa được thù ý trung. Mối giận dằng dai , sông Cả núi Hồng muôn thuở đó.

    Hý cuộc trước đã sắp đến tàn vũ đài sau chính đang sắp dựng. Thúc người sôi sục , gió Âu mưa Á tám phương dồn “.

    Ôi còn gì cao quý hơn, trong khi cái chết gần kề nhưng Phan Bội Châu đã không hề quan tâm tới mạng mình khi viết lời tuyệt mệnh, mà chỉ lo lắng cho cuộc tồn vong của đất nước và sinh mạng của những đứa con thân yêu VN đang tiếp tục ngăn chống giặc thù. Xưa nay cuộc đời của những người dấn thân vì nước, đều mnag chung nổi bất hạnh cuối đời, nếu không lên máy chém hay chết mòn trong ngục lạnh, thì cũng bị nghèo đói bệnh tật bủa vây như cảnh sống éo le đắng cay của Phan Bội Châu, trong gian nhà nhỏ , chẳng kín trên bền dưới “ Ngoài rèm nguyệt xế mây lai láng. Bên án đèn khua gió hắt hiu. Căng dù ngồi giữ vài chồng sách. Ðội nón ra xem mấy khóm cây “.Tự do cho đất nước đã không dành được mà còn vướng thân tù ngục, Phan Bội Châu xứng đáng là hào kiệt nước Nam, một đời vì nước

    Là một con người tài hoa, Phan Bội Châu không những là một thi nhân vang danh bốn biển với hàng trăm bài thơ đủ loại, từ ca tụng gió trăng mây nước hữu tình, cho tới những đề tài cảm hoài, tức sự, trào phúng và gửi gấm nổi niềm tâm sự của trang hào kiệt trong cơn đất nước ly loạn, dân chúng khổ hận dưới ách nô lệ của thực dân Pháp. Ngoài ra Ông còn là một nhà văn lớn, có nhiều tác phẩm giá trị, để lại trong kho tàng văn học nước nhà, được đánh giá như là gạch nối giữa nên văn chương bác học của các nhà nho khoa bảng đương thời và một văn nghệ sĩ mang tư tưởng hiện đại. Tất cả bàng bạc qua những vở tuồng truyện, tiểu thuyết như Trưng Nữ Vương, Trùng Quang tâm sử, Tái Sinh Sinh, Chân Tướng Quân, Pham Hồng Thái. Nói chung văn chương của Phan Bội Châu, dù viết dưới hình thức nào chăng nửa, thì cũng vẫn là những câu chuyện nói về những người yêu nước, qua bao thế hệ nối tiếp hy sinh trong công cuộc chống giặc Pháp, nhất là đối với những chiến sĩ đã sát cánh cùng ông, qua những nẻo đường lưu vong ở Nhật Bản, Thái Lan, Trung Hoa. Cũng từ đó, ngày nay ta mới cảm thương cho những nam nữ đất Việt, chỉ vì nghe theo tiếng gọi cứu nước, nên đã bỏ tất cả, để dân thân vào phong trào Ðông Du, đầy bi thãm hùng tráng. Tất cả từ những con chim đầu đàn như Cường Ðể, Phan Bội Châu.. tới những đảng viên vô danh, đều chịu đủ biển thống khổ của đời người chiến sĩ, lần lượt kế tiếp nhau hy sinh ngả gục, vì sự khủng bố của mật thám Pháp, giặc Tây, sự ngược đãi của nhà đương cuộc Nhật-Tàu, bệnh tật đói rét thường xuyên và ngàn trăm bất hạnh.

    Hơn tám mươi năm bị Pháp đô hộ, lịch sử thống trị của thực dân cũng đồng thời là lịch sử của cuộc kháng chiến không ngừng của toàn dân Việt, dù có thay đổi giai cấp lãnh đạo, từ phong trào Văn Thân, Cần Vương, Duy Tân, Ðông Du.. thì cũng chỉ với một mục đích không bao giờ thay đổi, đó là quyết tâm đánh đuổi cho bằng được giặc Pháp ra khỏi non sông đất Việt, dành lại độc lập cho dân tộc và tiến bộ xã hội. Ngay từ đầu thế kỷ XX, chính Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng.. là những người đầu tiên đã sử dụng văn học làm vũ khí, để cổ vũ tuyên truyền tinh thần yêu nước của toàn dân. Chẳng những thế, chính Phan Bội Châu cũng là người đâu tiên đã dùng hát nói vào dòng thơ văn chính trị, vốn là một nghịch lý và chẳng bao giờ xảy ra từ cuối thế kỷ XIX trở về trước. Tuy cùng là những văn nhân tài tử nhưng tư tưởng diễn đạt trong các bài hát nói quen thuộc của Phan Bội Châu gần như khác biệt với Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh và Tản Ðà. . dù tất cả đều thể hiện được nét đẹp ngang tàng phóng khoáng.

    Với Phan Bội Châu khi sử dụng thể hát nói (27 bài) , qua cái hùng tâm tráng chí của người hào kiệt , làm cho người đọc cảm thấy rất gần gũi với nét nho phong tài tử của Nguyễn Công Trứ :

    “ Ðãn ngôn vũ trụ giai ngô sự

    Khẳng dữ giang sơn phó bĩ cường

    (Ðã nói trong vũ trụ đều là của ta

    Cẳng lẽ lại đem núi sông phó mặc cho kẻ mạnh ố Khuyết danh ).

    Ðây cũng chính là những khái niệm mới mà Phan Bội Châu và các đồng chí yêu nước sử dụng để tuyên truyền trong khi chống Pháp, khơi gợi tinh thần dân tộc, giống nòi.. qua những câu thơ dậy sóng. Tóm lại Phan Bội Châu là bậc hào kiệt muôn đời , sống mãi trong dòng sử của dân tộc, luôn nhận lãnh trách nhiệm trước quốc dân, nên hát nói của Ông không bao giờ dùng để hành lạc như kẻ đương thời, không có mùi vị trích tiên, tài tử hay để cầm, kỳ, thi, tửu, càng không phải ‘ vũ trụ giai ngô phận sự ‘ , mà là phong cách của một nhà cách mạng , đáng được làm gương cho hậu thế.

    2- NHỮNG TẾT THA PHƯƠNG CỦA PHAN BỘI CHÂU NƠI HẢI NGOẠI :

    Trong tâm khảm của mọi người, Phan Bội Châu (1867-1940) ,là một chiến sĩ quốc gia kiệt xuất, với tinh thần yêu nước nồng nàn, tiêu biểu cho tầng lớp thanh niên nam nữ, qua nhiều thập niên đầu thế kỷ XX, khi tham gia các phong trào chống giặc Pháp cứu nước. Nghiên cứu văn chương Phan Bội Châu, các thế hệ sau này đều ngây ngất trước những dòng thơ dậy sóng, tâm huyết, xúc cảm, gần như đã đạt tới phong cách chân thiện mỹ của mọi thời đại. Theo sử liệu, những năm cuối thế kỷ XIX , tình hình đất nước thật bi thảm, hầu hết các phong trào chống Pháp lần lượt bị tan rã, từ những cái chết oanh liệt của Cao Thắng, Ðinh Công Tráng, Phan Ðình Phùng, Mai Xuân Thưởng.. nên dường như chỉ còn có lực lượng của Hoàng Hoa Thám, đang đơn độc chiến đấu trên rừng núi Yên Thế. Nhưng dân tộc VN vốn có truyền thống chống xâm lăng từ ngàn xưa, nên tầng lớp khoa bảng sĩ phu trong các phong trào Văn Thân-Cần Vương vừa nằm xuống, lập tức đã có ngay một tầng lớp Nho sĩ trí thức trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, đứng lên kê vai gánh vác trách nhiệm còn dang dở của cha anh. Ðó chính là những phong trào Duy Tân, Ðông Du, Ðông Kinh Nghỉa Thục, Việt Nam Quốc Dân Ðảng... ngay từ đầu thế kỷ XX.. cho tới khi giặc Pháp bị đánh đuổi ra khỏi non nước Việt.

    Trong bối cảnh đó, từ năm 1905 Phan Bội Châu đã bắt đầu một cuộc đời bôn ba nơi hải ngoại, hết Thái Lan, Trung Hoa tới Nhật, ở đâu cũng là kiếp sống không nhà. Trước khi bước chân xuống tàu xa cố quốc, Phan Bội Châu có làm bài thơ thất ngôn bát cú ‘ Xuất dương lưu biệt ‘ với lời lẽ thật hào hùng , tư tưởng vô cùng mới mẻ, nói lên sự quyết tâm ra hải ngoại tìm đường cứu nước, của nhà cách mạng trẻ tuổi trí thức xứ Nghệ.

    “ Nhất phiến hoa phi giảm khước xuân “, khúc mở đầu cái triết lý sống vui, sống vội mà Ðổ Phủ đã nhắc tới từ ngàn năm trước. Ðây cũng là quan niệm chung của thế nhân, đứng trước sự đổi thay của thời gian, bởi mỗi năm mỗi tuổi như đuổi xuân đi. Vì vậy hầu hếu đều cố tìm cách hưởng lạc, kẻo thời gian qua mất vì tuổi già chẳng đợi chờ ai. Nhưng đối với Phan Bội Châu, thì những năm tết nước người , coi như không biết thế nào là hoa pháo và niềm hạnh phúc gia đình. Hỡi ôi đời người, dù là ai chăng nữa, chắc hẳn sẽ không khỏi có giây phút chạnh lòng, nhất là trong cái giờ khắc thiêng liêng, lúc năm cũ gần tàn, khi mọi nhà đều chặt cửa cài then, đề cười vui hạnh phúc, đón mừng năm mới. Chính trong giây phút này, những kẻ bơ vơ không nhà cửa, mới cảm thấy lạc lõng trơ trọi giữa bóng tối vả đêm mưa lạnh lẽo nơi đất lạ quê người. Ðây chính là cảnh buồn của lính trận và những nhà cách mạng quốc gia, trong giây phút cuối cùng của ngày tàn tháng tận, họ làm gì có được một chỗ đứng , dù nhỏ nhoi , trước bàn thờ tiên linh để mà sụt sùi giọt thương niềm nhớ.

    Lại một tối ba mươi tết nửa sắp qua, mà ta và còn hằng triệu người vẫn không nhà không cửa, phải yên lặng nép mình bên hiên người trong cô đơn hiu hắt như từ trăm năm trước, Phan Bội Châu và các chiến sĩ quốc gia trong phong trào Ðông Du từng cảm nhận, qua nhiều năm bôn ba khắp các nẻo đường hải ngoại. Theo sử liệu, lúc bấy giờ trong đoàn người nam nữ dấn thân cứu nước có hơn vài trăm người, ai cũng đều chứng kiến được nổi gian truân tân khổ của đời tha phương hoài cố quốc. Các sự kiện lịch sử trên đã đuợc Sào Nam ghi lại một cách cảm động trong Phan Bội Châu niên biểu và một bài ký sự đặc biệt đăng trên báo Phong Hóa Ngày Nay, của Tự Lực Văn Ðoàn vào năm 1939.

    Xin đọc tiếp phần 2

     Mường Giang

    Không có nhận xét nào